TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bác sĩ Đoàn Trình
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bác sĩ Đoàn Trình

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sinh Hoạt Phan Rang
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
HUONG XUA



Ngày tham gia: 26 Jan 2008
Số bài: 510

Bài gửiGửi: Tue Aug 26, 2014 12:02 pm    Tiêu đề: Bác sĩ Đoàn Trình

Bác Sĩ Đoàn Trình


Về Một Người Vừa Nằm Xuống Bác sĩ Đoàn Trình

Vào ngày thứ Hai, trung tuần tháng Năm vừa qua 2014, anh Đoàn Trình đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà, bên cạnh vợ và các con. Lúc đó là vào khoảng buổi trưa, ở Miền Nam Ca li vẫn có bầu trời xanh thầm, trong vắt và nắng ấm, một ngày đầu tuần bình thường mà người ta cho là "một ngày như mọi ngày! ". Nhưng đối với gia đình chị Nhật, từ nay, cõi đời này không bao giờ được như cũ nữa vì sẽ mãi mãi thiếu vắng bóng anh...

Tôi được tin anh qua đời khi đang trên chiếc phi cơ, đưa về Ohio, đáp xuống phi trường Atlanta, vừa mở điện thoại cầm tay thì có text của cháu Lan (con gái đầu của anh): ".. Ba vừa ra đi.. " Bao quanh bởi tiếng ồn ào, lục đục của hàng khách chuẩn bị xuống máy bay, một nỗi xao xuyến buồn nản nhẹ nhàng xâm chiếm lấy tôi, đầu óc trở nên trống rỗng...

Trong gia đình không ai ngạc nghiên về sự ra đi của anh, vì đã biết bệnh tình anh trầm trọng và chính anh cũng muốn ra đi sớm: không muốn sống không phải vì sự hành hạ của cơn bệnh mà vì anh tự cảm thấy không làm gì có ích cho người xung quanh nữa: Thế hiện đúng cá tính và con người của Bác Sĩ Đoàn Trình, một người thầy thuốc, cả một đời cứu giúp biết bao nhiêu bệnh nhân, trong số đó có tôi, mà trớ trêu thay, nay chính mình đã không thắng được con bệnh ung thư!

Trước đó một tuần, khi tới thăm anh, mặc dù đang trên giường bệnh, thân thể đã tàn tạ, nhưng đôi mắt vẫn tỉnh anh và sáng suốt, anh đưa tay nắm lấy tay tôi rồi nói nhỏ nhẹ: "Mới tới đó hả? Anh cũng sắp đến gần ngày đi rồi... " Bàn tay anh ấm áp nắm lấy tôi rất lâu. Chúng tôi chỉ nhìn nhau không nói nên lời...

Nói về một người vừa qua đời thường rất dễ bị tình cảm, tiếc nuối che lấp lý trí, thường chủ quan và có thể thiên vị nữa, nhưng theo tôi, cuộc đời của anh Trình đáng cho bất cứ ai, dù là một người lạ, chưa hề quen biết, học hỏi và suy ngẫm... Vì dù là một người bình thường nhưng anh đã làm những chuyện ít ai trong cuộc sống này làm được: Đó là từ bỏ xa hoa, vật chất để phục vụ cho những bệnh nhân nghèo, trong suốt trên mười lăm năm anh hành nghề ở Phan Rang (cho đến 1975) anh đã từ chối lời mới của Bộ Y Tế về Saigòn làm Giám Đốc Bệnh Viện Chợ Rẫy chỉ vì, như anh nói: "Mình không thể bỏ rơi người nghèo ở đây được... "

Lúc còn là học sinh, vào những năm 60 ra thăm anh chị ở Phan Rang, tôi thường hay đi chơi phố, tắm biển hay đi câu cá cả ngày... và ít khi thấy anh ở nhà, vì... mỗi ngày anh làm việc từ tờ mờ sáng cho đến tối mịt mới được nghỉ, nhiều đêm lại có tiếng kêu cấp cứu từ nhân viên Bệnh Viện gọi anh... tôi đã từng đi từ Tháp Chàm cho đến các làng quê ven biển, đi đâu hỏi đến tên anh, ai cũng biết đến Bác Sĩ Trình, một"ông thầy" giải phẫu duy nhất cho cả Tỉnh!

Xuất thân từ một gia đình quan lại ở Huế, ông cụ anh (Đoàn Nẫm) làm đến chức Tham Tri Bộ Lại Triều nhà Nguyễn thời đầu thế kỷ trước, bà cụ thì là con gái của một vị Đại Thần, nhưng riêng anh lại rất bình dị và hòa ái, từ cách ăn nói cho đến sở thích hàng ngày. Lúc ở Phan Rang, anh thích đi câu cá, lâu lâu nếu có thì giờ, anh mong được đánh vài sét tơ-nít, nhưng thật ra cũng ít khi anh rảnh rỗi, từ công việc nhà thương cho đến phòng mạch tư. Hầu như anh không còn thời gian cho gia đình anh nữa! Gần đây, lúc đã trở nên yếu, nằm trên giường bệnh, khi cháu Tường Trinh (đứa con duy nhất theo nghề của cha) hỏi về cuộc sống, anh đã tâm sự: " Ba tiếc là lúc còn trẻ đã làm việc nhiều quá, không có thì giờ cho gia đình... "

Trong thời gian học y-khoa đầu năm 50, anh được tuyển dụng làm "ngoại trú" cho các bệnh viện ở Sàigòn. Khi ra trường, anh lấy chị Nhật, là người chị thứ nhì của tôi năm 1960. Sau đó hai người dọn đi Đà Nẵng vì anh bị trưng tập và thuyên chuyển làm việc ở Quân Y Viện Duy Tân. Nhưng chỉ ít lâu sau, vì nhu cầu của ngành Y Tế dân sự, anh được biệt phái qua Bộ Y Tế và đảm nhiệm chức Giám Đốc bệnh viện Phan Rang kiêm Trưởng Ty Y tế Ninh Thuận thay thế cho một vị bác sĩ già về hưu. Ngày nay, chúng ta không thể tưởng tượng sự sai lầm của tổ chức chính quyền thời đó đã để cho một bác sĩ duy nhất của cả một tỉnh vừa khám bệnh cho bao nhiêu bệnh nhân lại vừa phải lo về hành chánh cho Bệnh Viện và hệ thống Y Tế!



Thòi gian đó, Phan Rang vẫn còn là một tỉnh lẻ nghèo nàn và vắng vẻ, bệnh viện không có phòng mổ, phải di chuyển bệnh nhân đi Nha Trang giải phẫu. Nhận thấy sự thiếu thốn này cho người dân, Bác sĩ Trình đã làm nhiều chuyến về Sàigòn vận động với Bộ Y Tế để thiết lập phòng mổ và khi xây xong, chính anh lại là Bác sĩ giải phẫu (gần như duy nhất). Ở Phan Rang người ta vẫn đồn là "ông Trình rất mát tay" và cũng do vậy phòng mạch tư của anh ngày nào cũng đông khách!

Có một lần tôi hỏi anh về số ca mổ sinh đẻ (C-section) anh đã làm, anh trả lời"vào khoảng vài trăm! ", đó chưa kể anh đã giải phẫu mọi ca khác. Những năm sau đó, may mắn đã có thêm vài vị bác sĩ, vừa dân y vừa quân y về phụ giúp cho Tỉnh.

Vì hơn tôi nhiều tuổi, trước đây, tôi ít nói chuyện với anh, chỉ cho đến khi anh về hưu, dọn qua Ca-Li, và tôi cũng đã có tuổi thì hai anh em mới gần gũi nhau hơn. Khi hỏi anh còn thich đi câu không, anh trả lời: " Lúc còn trẻ mình không ý thức được việc mình làm... " tôi hiểu là anh muốn nói đến sự đau đớn của mấy con cá khi bị giựt lên rồi hành hạ trước khi chết... nay anh đã tìm đến đạo Phật, một tôn giáo anh cho là có tính Khoa Học và cao siêu...

Đoàn Trình không phải là một người hoàn hảo, anh cũng có những khuyết điểm như tất cả chúng ta. Nhưng lỗi lầm nào cũng cần phải được tha thứ và học hỏi rồi làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn: có phải đó chính là sự kỳ diệu của cuộc sống? Vào một lần, đã lâu lắm, trong giây phút "trà dư tửu hậu", tôi chợt buột miệng hỏi anh: Trong bao năm hành nghề thầy thuốc, anh có bao giờ nghĩ là vì sai sót của mình mà làm cho bệnh nhân chết không ; anh suy nghĩ trong giây lát rồi trả lời tôi: " có chứ... có thể đôi lần thôi và nó vẫn ám ảnh anh cho đến ngày hôm nay... " Câu trả lời thẳng thắn và thành thật của anh đã làm cho tôi bớt ân hận là đã hỏi anh một câu hỏi sỗ sàng, có lẽ ta chỉ nghe thấy ở các phiên Tòa khi thưa kiện các bác sĩ! Tôi nghĩ có thể anh tự nhân phần lỗi về mình như một người tự trọng. Đáng lẽ lúc đó tôi phải giãi bày như vậy để an ủi anh, nhưng tôi đã không nói, một điều thiếu sót mà nay thì đã quá trễ, anh không còn nữa!

Lúc tại thế, anh đã sống một đời giản dị; khi chết, anh cũng muốn tang lễ sơ sài, tránh phiền hà và tốn kém cho gia đình. Tuy vậy, hôm tiễn đưa anh, rất đông nhân viên cũ của Bệnh Viện Phan Rang và Ty Y Tế Ninh Thuận đến từ biệt anh, cùng các bạn bè, thân hữu nay và xưa, đã đau buồn và luyến tiếc một người có giọng nói nhỏ nhẹ nhưng lại đi sâu vào lòng người.

Khi viết những giòng chữ này, tôi chợt nhớ đến lời của bản nhạc: ” Hát cho người nằm xuống. " của Trịnh Công Sơn (khóc Lưu Kim Cương, người bạn tử trận năm 1968 tại vòng đai căn cứ Phi Long). Xin mượn lời hát đó gửi đến anh như một lời giã biệt:

...

Bạn bè còn đó anh biết không anh

Người tình còn đây anh nhớ không anh

Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên

Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống

...

Xin cho một người vừa nằm xuống

Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sinh Hoạt Phan Rang Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân