TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thiền, Thơ trong thi ca
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thiền, Thơ trong thi ca

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
THUY LOAN



Ngày tham gia: 12 May 2011
Số bài: 3197

Bài gửiGửi: Sun Jul 27, 2014 1:44 pm    Tiêu đề: Thiền, Thơ trong thi ca

Thiền, Thơ trong thi ca



Võ Công Liêm          

Thơ và Thiền gặp nhau trong trực giác và cảm nhận của tri thức.Thơ  chứa đựng một yếu tố siêu tưởng,siêu lý vượt ra ngoài mọi khả năng suy tưởng hơn là biểu lộ cụ thể,thơ thường tiềm ẩn trong vị trí của tiềm thức,tiềm thức xung đột với lý trí rồi xuất phát ra từ một trực giác tự nhiên để trở thành thơ.

Vì vậy; thơ không cần phải có nghiã tự nó đã hiện hữu ( Poem should not mean,but be.( Archibald Macleish ) cho nên thơ vô hình dung hoà nhập với thiền tính mà không hay!

Thiền là gì ? Là tĩnh lặng,trầm lắng để hồn siêu thoát,vượt thế tục để đi vào cõi riêng của không tánh,quán tưởng cái điều không hiểu thấu được;ngược lại, thơ thuộc về tâm tưởng chủ quan của thi sĩ,người ngoài không thể bắt gặp.Thiền và Thơ nó nằm trong cái thế giới siêu hình, đôi khi trở thành hữu hình và vô hình.


Đời Đường; lý giải về thơ rất nhiều nhưng cuối cùng đi tới kết luận “Thi thị khả giảng bất khả giảng chi gian” có nghiã thơ có cái giảng và có cái không thể giảng được.Thơ và Thiền nằm trong cái siêu nhiên ấy.Thiền tạo cho tâm lắng đọng và  từ sự lắng đọng phát ra được trí vô sư.Thơ cũng thế; đôi khi nó trở thành vô ngôn,nhưng đến một lúc nào đó khi tâm tĩnh thì nhận ra được , đọc ra một câu thơ,cảm nhận được thì lúc đó Thiền và Thơ gọi là Ngộ và Nhận . Cả hai dung nạp một tâm thức quán “Đó là tâm thức và trí tưởng của ta đủ khả năng giúp ta sáng tạo những gì mà ta nhận thức”G. Bachelard.Do đó giữa thơ và thiền đã nói lên cái biểu tượng ( Embodiment) tự nó trong một tư thế riêng biệt(Self-poised).Kết hợp hai điều kiện trên mà nẩy sinh ra một thứ thi ca ngẫu hứng không suy tư (It is poetically irrational) .


Trọng tâm của thơ là cảm xúc hơn là suy tưởng,còn thiền là thức tĩnh để nhận thức.Thơ và Thiền là hai thế giới bí ẩn và khó hiểu.Thơ nó nằm trong cõi phi ấy nhưng vẫn khởi đi từ cõi thật để đạt tới chân tâm của thiền. Học giả Lâm Ngữ Đường nói:”Thơ có nhiệm vụ thay thế tôn giáo nghiã là nhiệm vụ làm cho tâm hồn thanh khiết,cảm nhận được cái đẹp của vũ trụ và gây cho con người cảm hoá được giữa người và sinh vật”.

Cũng nên nhớ rằng thơ không còn lý tưởng hoá mà trở nên thi vị hoá lãng mạn của thơ. Người ta đã xử dụng thi ca như sứ giả tinh nhã đem thông điệp từ bi bác ái, huyễn đồng với mọi sinh vật trong vũ trụ để giải thoát con người ra khỏi vô minh.

Thơ và Thiền từ Đông sang Tây trợ duyên nhau mà làm nên những bài thơ siêu việt.


Phương Đông xưa nay là quê hương,xứ sở của Thiền.Từ đời Đường cho cuối đời Thanh vẫn còn phản phất thiền thi.Việt Nam ta từ Lý,Trần đầy đặc thơ thiền,một giòng thơ thiền của trí tuệ giác ngộ (tinh thần Bát-Nhã-Ba-La-Mật) Bài thơ Không Hữu (Có Không) của thiền sư Vạn Hạnh rất sâu sắc:


Có thể có tự mảy may

Không thì cả vũ trụ này cũng không

Có không ở bóng nguyệt lòng sông

Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào.



Đời nhà Lý.Thiền sư Không Lộ diễn tả thơ trong cái hư vô của thiền đạo.Hai câu thơ tượng trưng; Không Lộ đã nói lên cái “không” của thiền:


Một thuở lên cao đầu gió núi

Hú dài một tiếng lạnh hư không.



Đời nhà Lê. Nguyễn Trãi dẫu làm quan nhưng ông đã gởi gắm hồn ông với thiên nhiên,cảm hứng với thiền thơ :


Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi đâu sương mở xem.



Đời Đường Trung Quốc (618-907).Vương Duy thi,họa sĩ,Liễu Công Nguyên,Giả Đảo,Trương Kế . Đại để thơ của mấy vị đều tiêu sái,thoát tục chẳng hạn:


Chỉ vào trong núi như mơ

Tìm đâu cũng thấy mây mờ thâm sâu.

(Chỉ tại thử sơn trung.
Vân thâm bất tư xứ)  
  Giả Đảo.




Thiền thơ thì phải nói Nhật Bổn là đất gieo thơ vào thiền và thiền cú trở nên Hài Kú;thơ ngắn, ý tứ cô đọng rất thích hợp với tình cảnh sâu lắng nội tâm của Thiền. Bashô một nhà thơ thiền lừng lẫy của Nhật tả chùa:


Đám mây hoa

Hồi chuông từ chùa

Ueno?

Hay

Akakusa ?



Thơ của Bashô(1644-1694) và của Trương Kế (Phong Kiều Dạ Bạc) đều dâng lên tiếng chuông chùa như thức tĩnh khách trần gian làm tiêu tan tục lụy để về với hư vô. Chất thiền thơ, tự có; trong thơ có thiền trong thiền có thơ.

Phương Tây phải nói tới William Blake (1757-1827) Blake giỏi về thi, họa và điêu khắc. Ông đã sáng tạo ra bản in bằng mạ đồng khắc bằng acit, sắc màu tô bằng tay còn được lưu truyền đến nay. Ngoài ra ông còn nhiều danh họa khác như bức “Hành hương về Canterbury” Thơ; ông làm lúc 12 tuổi, để lại hai thi phẩm nổi tiếng Bài Hát Ngây Thơ (Song of innocence) và Bài Hát Kinh Nghiệm (Song of experience) ấn hành năm 1794.Cả hai tập trên tiêu biểu về sự Hồn Nhiên lẫn Bí Ẩn,Kinh Nghiệm giữa yếu đuối và áp bức, ông tin rằng:” tất cả mọi sự vật đều hiện hữu trong trí tưởng” Điều này giống như Quán Tưởng mà Phạn ngữ gọi là Dhyana,Thiền Na và chuyển thành Thiền.Như vậy Blake đã sáng tác lúc vào thiền (?).


William Blake là nhà thơ giàu cảm xúc và suy tưởng sâu sắc,kỳ lạ nhất là bài Những Điềm Báo Thơ Ngây (Auquiries of innocence) có tính chất triết lý nhân sinh ngụ ý diễn tả về Chân Như tức là sự thật tuyệt đối vô cùng vĩnh cửu trong hữu hạn.Blake thiền ở phép dùng nghịch lý để thức tĩnh con người.Vì theo Blake chân lý ở mọi nơi là Chân Ngã hoặc Viên Không.


Giới thiền tâm đắc bài thơ này của Blake vì chứa đựng ý nghiã của Bát-Nhã-Ba-La-Mật (Trí tuệ giải thoát) thơ như sau:



Thấy thế giới trong hạt cát

Và bầu trời trong bông hoa dại

Nắm vô cùng trong lòng bàn tay anh

Và vĩnh viễn trong một giờ.



(To see a world in a grain of sand

And a heaven in the wild flower

Hold infinity in the palm of your hand

And internity in a hour)      (1880)



Đây là bài thơ có trước thuyết Tương Đối của A.Einstein mới tìm thấy vào năm 1905.Người đời xem thi hứng của Blake là thần kỳ như sấm ký sự tượng trưng của Blake trở nên bất hủ.


Thiền thơ và Thơ thiền hoàn toàn không có nghịch lý, ngôn từ như ta thấy trong chất thơ cũng như trong những công án của thiền mà sự Vô-Phân- Biệt-Trí (Nirvikalpajnãna) là một sự chứng nhập thực tại, trực tiếp và tràn đầy không chủ thể,không đối tượng,không thời gian và không gian vượt thoát ra từ ngôn từ như Jacques Prevert (1900-1977) đã viết ra tập Ngôn Từ (Paroles)và J.P. đã biểu lộ ngôn ngữ mới lạ gây cho người cảm nhận được giữa thơ và đời mà tựu chung hướng tới sự vô ngôn,vượt ra khỏi khuôn phép để đạt đến Chân Như. Chân như của thiền là ấn chứng sự Vô Phân Biệt.Tô Đông Pha viết ra trong bài Lô Sơn:



Lô Sơn yên toả Triết giang triều

Vị đáo sanh bình hận bất tiên

Đạo đắc hoàn lai vô biệt sự

Lô Sơn yên toả Triết giang triều


(Mù toả Lô Sơn sóng Chiết giang

Khi chưa đến đặng hận muôn ngàn

Đến rồi về lại không gì lạ

Mù toả Lô Sơn sóng Chiết giang)
 (Thích Mật Thể dịch)




Chân lý của Thiền còn thể hiện được sự lạc quan, yêu đời Thường Lạc của Mãn Giác thiền sư (1045-1096) Kệ “Cáo Tật Thị Chúng”:
 
Xuân đáo bách hoa khai

Xuân khứ bách hoa lạc

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


(Xuân đến trăm hoa nở

Xuân đi trăm hoa rụng

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước nở cành mai).



Cái vô cùng của Thiền rốt ráo Chân Như tức Vô Ngã, Vô Thường, Vô Tác (không mong cầu không nắm bắt) Kinh ngạc về Chân Như của Thiền; Xuân Diệu cảm tác như sau:


Ôi từ không đến có

Xảy ra như thế nào

Nay má hây hây gió

Trên lá xanh rào rào

(Quả sấu non trên cao)



Huy Cận ngạc nhiên hơn trước lẽ Không Tịch của Thiền, ông viết :

Các vị ngồi đấy trong lặng yên

Mà nghe giông bão nổ trăm chiều.


(Các vị La Hán chùa Tây Phương)



Thiền thơ trở nên kinh kệ dành cho tu sĩ và thơ thiền của thi sĩ vô hình dung trở thành lý giải nhân sinh của nhân gian, giữa đạo lý với con người nhất là đối với người tu Phật bao gồm Bát Nhã, Sắc Không, Hư Vô, Chân Như và Vô Thường.


Thi ca không có hình ảnh thì không còn là thi ca nữa cũng như đi vào suy luận siêu hình thì thiền không còn là thiền nữa.Cho nên ta không lấy làm lạ các thiền sư dùng những câu thơ thiền làm thiền ngữ goị nôm na là Thiền Thơ mỗi khi một thiền sư có tâm hồn thi sĩ tự khắc diễn tả thực chứng bằng thi ca và hướng dẫn thiền giả bằng những hình ảnh thi ca.


Nhưng nếu có sẳn cơ bản thiền hay ý thức tôn giáo thì người nghệ sĩ;nói chung,trong một giây phút tình cờ nào đó có thể bộc lộ tâm thức thiền hay ý thức tôn giáo của mình qua thi,họa,nhạc…

Nếu nói rằng Thiền cũng là một nghệ thuật thì nghệ thuật đó phải là “không biểu tượng” bởi thiền không có đối tượng quần chúng, đối tượng của thiền là vô vi, vô cực, hư không, không có trong mà chẳng có ngoài, không có ta mà cũng không có người(tha nhân). Cái mà không nói được bằng lời,không hiểu được bằng ý thức,bằng trí luận.Nhận ra được cái gọi là”tâm hoa nở” trong thơ,nhạc,tranh khán thính giả chín muồi tâm thức thiền mới “đồng thanh tương ứng” để tiếp nhận thiền thơ không qua ý thức,không thông qua trí luận.


Thiền và Thơ giúp cho con người thoát khỏi những khổ lụy để sống vui,sống thanh thản,không thắc mắc,không hoài nghi, yếm thế.



Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cám ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ nỗi lẻ loi


(Ta về của Tô Thùy Yên)



Mới đọc qua có cảm nhận như một sự từ chối,thái độ bi quan,lời than thở sâu đắm trong tâm hồn nhưng đọc kỷ sẽ cảm nhận bốn câu thơ đã chứa đựng trọn vẹn chất Thiền của Phật giáo.Câu đầu tán thán sự bi hùng cho thân phận.Câu hai chữ “từ tâm” tự nó đã phô diễn một tâm Từ bi,Bồ đề tâm,Tâm Bát Nhã nếu không từ con tim thì làm sao cảm thấy độ lượng tình thương của trời đất. Câu ba “cảm ơn hoa” hoa đây là tâm,ngộ ở hoa tâm nở là tâm thông.Câu bốn “nỗi lẻ loi” nói lên nỗi xót thương của con người,nói lên nỗi cô đơn của nhà thơ đối diện với vực sâu đó là triết lý nhị nguyên,kết hợp với oan nghiệp (Karma) Nỗi lẻ loi của Tô Thùy Yên là cái tâm hư không mà nhà thơ thay mặt cho Thiền Thơ.Thiền và Thơ là cái Nhất Như luôn gắng bó mà cả hai không nói nên lời chỉ nói lên từ tâm thức mà thôi.


Võ Công Liêm
Về Đầu Trang
THUY LOAN



Ngày tham gia: 12 May 2011
Số bài: 3197

Bài gửiGửi: Sun Aug 03, 2014 4:23 pm    Tiêu đề: Bashô và cõi thơ haiku ở Nhật Bản

Bashô và cõi thơ haiku ở Nhật Bản


Vĩnh Sính




Tượng Bashô ở Hiraizumi, huyện Iwate ngày nay



Trong những vì sao lấp lánh trên nền trời của thi đàn Nhật Bản, Bashô chắc hẳn là ngôi sao được nhiều người Nhật và người ngoại quốc biết đến và yêu thích nhất.

Bashô sinh tiền rất thán phục Saigyô (1118-1190) – nhà thơ đi trước Bashô chừng năm trăm năm. Thơ waka (和歌hoà-ca, tức thơ Nhật) của Saigyô đã tạo nên những cảm hứng cho Bashô trong việc làm thơ và quan niệm về mỹ học (aesthetics), cũng như về lữ hành (tabi) – quan niệm cuộc đời là một chuyến lữ hành hay một cuộc ngao du. Nhờ biết dựa trên kinh nghiệm của tiền nhân và tài năng bẩm sinh, Bashô đã để lại nhiều áng thơ bất hủ và đã định hình thơ haiku mà chúng ta có ngày nay.

Sinh ngày 16 tháng 12, 1644 trong một gia đình võ sĩ (samurai) cấp dưới ở thành Ueno thuộc Iga, nay là huyện Mie (三重Tam-trọng), Bashô lúc mới ra đời tên là Matsuo Kinsaku (松尾金作 Tùng-vĩ Kim-tác), lớn lên đổi thành Matsuo Munefusa (松尾宗房Tùng-vĩ Tông-phòng). Lúc phụ thân sắp mất, Bashô được tuyển vào làm gia nhân (gokenin) cho Tôdô Yoshitada, con trai thứ ba của daimyô thành Ueno. Bashô lúc này vừa lên mười chín, nhỏ hơn chủ quân hai tuổi.

Mỗi ngày, ngoài việc giúp chuyện bếp núc, Bashô là bạn sách đèn của người chủ quân trẻ tuổi. Cả hai đều yêu thơ haikai1 – thú tiêu khiển tao nhã của nhiều trí thức đương thời. Yoshitada lấy bút hiệu là Sengin (蝉吟 Thiền-ngâm; tức là “Tiếng-ve-kêu”); bút hiệu của Bashô là Sôbô (宗房Tông-phòng)2. Người thầy dìu dắt Yoshitada và Bashô về thơ haikai là Kitamura Kigin, nhà thơ và nhà bình thơ lừng danh lúc bấy giờ.

Bài thơ đầu tay của Bashô được sáng tác vào năm 1664, tức là Bashô vừa hai mươi tuổi. Trong tập thơ xuất bản ở Kyoto năm 1664, ta thấy có hai bài của Bashô và một bài của Yoshisada. Năm sau, Bashô, Yoshisada và ba nhà thơ khác cùng nhau làm một bài renku (連句liên cú) một trăm câu. Mười tám câu Bashô làm trong dịp này là những vần thơ đầu tiên làm theo thể renku.

Giả sử dòng đời cứ lặng lẽ trôi đi thì chắc hẳn Bashô đã suốt đời an phận với định mệnh làm một người võ sĩ cấp dưới, thỉnh thoảng vui cùng bầu rượu túi thơ với chủ quân trong những ngày nhàn hạ. Ai ngờ con tạo trớ trêu, Yoshitada chẳng may bị bệnh mất sớm khi vừa mới hai mươi lăm tuổi (năm 1666)3.

Trong khoảng sáu năm từ khi Yoshitada qua đời, không mấy ai biết rõ về tông tích của Bashô. Nhiều người đoán rằng sau khi chủ quân mất, Bashô không còn nơi nương tựa, rời cố lý lên Kyoto, vừa tiêu dao ngày tháng ở đất kinh kỳ nhằm khuây khỏa nỗi niềm luyến tiếc, vừa theo đuổi nghiệp thơ. Cũng có người tin rằng trong khoảng thời gian nói trên Bashô sống với một thiếu nữ ở Kyoto, và cô này về sau đi tu lấy pháp danh là Jutei (寿貞Thọ-trinh) – đôi khi dẫn con (có lẽ không phải là con của Bashô) lên thăm Bashô ở Edo (江戸 Giang-hộ, tức Tokyo ngày nay) sau khi nhà thơ dọn lên thành phố mới mở mang này vào năm 16724. Mối tình giữa Bashô và Jutei tuy có nhiều uẩn khúc nhưng hình như là chuyện có thật. Những giai thoại khác nhau về hành tung của Bashô trong khoảng thời gian này đều như muốn gợi ý là Bashô hồi còn trẻ cũng đã chia sẻ những nỗi vui buồn của con người như biết bao muôn vạn người khác trong tuổi thanh xuân.

Ở Edo, Bashô ban đầu làm việc bàn giấy cho một công trình đào cống dẫn nước để mưu sinh kế. Lúc có thời giờ, Bashô không ngớt tìm cách trau dồi thêm về thi ca. Dần dà, Bashô thu nhận môn đệ và người ái mộ thơ Bashô ngày một nhiều. Bài thơ nổi tiếng sau đây, sáng tác lúc Bashô bai mươi lăm tuổi, đánh dấu một bước phát triển mới trong thơ Bashô nói riêng cũng như trong lịch sử thơ haiku nói chung.




Kare-eda ni                   Trên cành khô
karasu tomarikeri          chim quạ đậu
aki no kure                    chiều tàn mùa Thu

Cành khô quạ đậu chiều tà,
Thời gian thấm thoắt Thu đà về đây.5



Từ haiku bắt đầu thông dụng từ cuối thế kỷ 19 để chỉ một bài thơ haikai vỏn vẹn chỉ có 17 âm tiết với 3 câu theo thứ tự là 5-7-5. Bài thơ trên đây ngắn, cô đọng (câu thứ hai phá vận, lẽ ra chỉ có bảy âm tiết) chứ́a đựng nhiều hình tượng bổ sung cho nhau tựa một như bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá đơn sơ nhưng có sức ám thị mạnh mẽ. Theo học giả Daisetz Suzuki, sức ám thị (suggestibility) và tính hàm súc là bí quyết của thơ haiku cũng như của nghệ thuật Nhật Bản nói chung. “Các nhà nghệ thuật Nhật Bản đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của Thiền (Zen), họ luôn luôn có khuynh hướng diễn tả tình cảm của họ với số chữ hoặc số nét tối thiểu”. Điều tối kỵ khi làm thơ haiku là thích lý luận dông dài, “khi tình cảm đã đạt đến mức độ cao nhất, ta lặng thinh, bởi lẽ không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả thích đáng. Ngay mười bảy âm tiết [trong thơ haiku] cũng đã quá dài”6. Xem như vậy, người làm thơ haiku vừa phải là người tu luyện Thiền.

Năm 1680, Bashô cho xuất bản tập thơ gồm “Hai mươi bài thơ do môn đệ của Tôsei sáng tác độc lập”7. Tôsei, tức Đào-thanh, là một trong những bút hiệu của Bashô khi mới lên Edo. Qua tên tập thơ, ta có thể thấy lúc này Bashô đã quy tụ được nhiều môn đệ có bản lĩnh và chỗ đứng của nhà thơ trên thi đàn haikai đã được khẳng định.

Năm ba mươi bảy tuổi, giữa lúc danh tiếng của Bashô ngày một lan rộng, nhà thơ đột nhiên quyết định thôi dạy, dọn về sống trong một túp lều tranh ở Fukagawa (深川 Thâm-xuyên) cạnh bờ sông Sumida – một vùng hẻo lánh ở Edo hồi đó8. Một môn đệ khá giả là Sampû (Sam-phong) xây cho thầy mình túp lều này để Bashô có thể làm bạn cùng thiên nhiên. Tương truyền Bashô trồng bên cạnh túp lều này một bụi chuối (chữ Hán gọi cây chuối là “Ba-tiêu”, tức Bashô) do môn đệ biếu.

Cây chuối vì ít thấy ở Nhật, hàng xóm từ đó bắt đầu gọi túp lều có bụi-chuối-không-trái này là Bashô-an, tức là Am Ba-tiêu, rồi chẳng bao lâu họ gọi luôn chủ nhân của túp lều đó là Bashô-Sensei (Ba-tiêu Tiên sinh). Chủ nhân túp lều chắc vừa ý với cái tên Ba-tiêu nên từ đấy mới lấy Bashô làm bút hiệu. Ngày nay, tên gọi Bashô không thôi cũng là quá đủ !

Đối với Bashô, cây chuối tượng trưng cho tính nhạy cảm (sensibility): trước một cơn gió nhẹ, tàu lá chuối có thể gãy bất cứ lúc nào. Nhà thơ lắng nghe tiếng lá chuối day động xào xạc mỗi lúc trời trở gió giữa đêm khuya thanh vắng. Nếu trong bản hợp tấu của thiên nhiên hoà thêm tiếng mưa rơi rả rích, không khí trong túp lều chắc hẳn lại thêm phần cô tịch và sâu lắng. Bashô có lẽ đã sáng tác bài thơ sau đây trong một khung cảnh như thế:


Bashô no waki shite             Cây chuối trước cơn gió
tarai ni ame no                     tiếng mưa dội vào chậu hứng nước
kiku yo kana                        [tôi] lắng nghe tiếng mưa đêm

Giọt mưa rả rích ngoài hiên,
Lá khua xào xạt, triền miên đêm dài.


Giống như tàu lá chuối nhạy cảm trước luồng gió cơn mưa, nhà thơ để cửa hồn rộng mở, hoà mình cùng vạn vật và tinh tế trước những đổi thay của cây cỏ, đất trời. Trong đời sống hàng ngày, nhà thơ sẵn sàng cảm nhận và san sẻ mối lo âu của người khác, cho dù là những người mà nhà thơ tình cờ chỉ gặp qua một đôi lần trên bước đường đời.

Trong khoảng thời gian này, nhân có Hoà thượng Butchô (仏頂 Phật-đỉnh; 1651-1715) từ Hitachi, bây giờ là huyện Ibaraki, đến tạm trú gần Bashô-an, Bashô bắt đầu tham Thiền dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư. Bashô sau này kể lại là có lúc nhà thơ đã có ý định nương nhờ cửa Phật9.

Tuy không phải là thiền sư, Bashô thường ăn vận như một nhà sư. Trong thảo am, ngày ngày ngồi tham Thiền và đọc sách, Bashô lần lần ý thức rằng haikai không chỉ là trò giải trí hay thú tiêu khiển, mà phải biểu lộ sâu sắc thái độ của người làm thơ đối với cuộc sống. Thơ của Bashô dần dần thể hiện vẻ đẹp u hoài diệu vợi của thiên nhiên, và cuộc sống hiu quạnh của chính mình.

Trong khoảng thời gian này, Bashô nghiền ngẫm tư tưởng Lão Trang qua cuốn Trang Tử10. Bashô cũng say mê các tác phẩm của các nhà thơ Nhật Bản như Saigyô và Sôgi11, cùng các thi nhân Trung Quốc, đặc biệt là Đỗ Phủ12. Thơ Đỗ Phủ có ảnh hưởng sâu đậm đến Bashô về cách diễn tả, hình tượng, và ngôn ngữ.

Không phải ngẫu nhiên mà Bashô đã hâm mộ Đỗ Phủ. Đỗ Phủ sở trường về luật thi, lắm bài đã trở thành mẫu mực cho hậu thế. Lời thơ của Đỗ điêu luyện, hàm súc. “Với một số chữ, một số câu, Đỗ Phủ có thể dựng nên được mâu thuẫn xã hội hoặc cái ‘thần’ của một khung cảnh”. Chính họ Đỗ đã phát huy cao độ đặc điểm hàm súc của ngôn ngữ thơ ca”13, và tính hàm súc cũng là một đặc điểm nổi bật trong thơ Bashô.

Ngoài Đỗ Phủ, Bashô còn hâm mộ những nhà thơ Trung Quốc khác như Lý Bạch, Bạch Lạc Thiên, Hàn Sơn và Tô Đông Pha14. Tuy kế thừa truyền thống của hai dòng văn học Nhật Bản và Trung Quốc, thơ haiku Bashô mang phong cách và sắc thái độc đáo, thường gọi là Shôfû (蕉風Tiêu-phong), tức là “phong cách độc đáo thơ haiku của Bashô” – do chính nhà thơ đã định hình. Qua thơ Bashô, lần đầu tiên một khái niệm mỹ học mang tên là sabi được đưa vào một cách hài hoà và ở một mức độ chưa từng thấy. Đến nỗi ngày nay, mỗi lần tìm cách giải thích khái niệm sabi, người ta không thể không nói đến thơ của Bashô.

Trong văn thơ và trong nhiều lãnh vực khác của nghệ thuật Nhật Bản, sabi (寂びtịch, như trong chữ “tịch liêu”) là ý thức mỹ học đầu tiên được phổ biến qua thơ waka của Fujiwara Shunzei (1114-1204) vào cuối thời Heian và đầu thời Kamakura. Ý thức này được các nhà thơ sau đó, đặc biệt là Bashô, tiếp tục phát triển và định hình. Trên thực tế, sabi trở thành khái niệm căn bản trong thơ của Bashô. Sabi nhấn mạnh vẻ đẹp tao nhã của những dáng hình cổ kính hay của thiên nhiên cô tịch – không hào nhoáng rực rỡ, lộng lẫy, hay kiêu kỳ. Cần để ý rằng thơ haiku của Bashô tuy phảng phất không khí trầm lắng u huyền (幽玄), gợi cho người đọc sự vô thường trong cuộc đời, nhưng luôn đượm tình người và không bao giờ mang nét cay đắng chua chát hay u uất, oán hờn.

Sau khi về ở ẩn ở Fukagawa được hai năm, vào tháng mười hai năm 1682, một cơn hỏa hoạn khốc liệt tàn phá thành phố Edo. Túp lều tranh của Bashô cũng làm mồi cho biển lửa. Theo lời thuật lại của môn đệ, Bashô lúc đó phải nhảy xuống sông Sumida và che mình bằng một chiếc chiếu để tránh sức nóng thiêu người mới thoát chết.

Tay trắng giờ lại trắng tay, Bashô nay là kẻ không nhà. Ý tưởng phiêu bạt vốn đã nhen nhóm từ lâu trong tâm tư của nhà thơ bấy lâu đột nhiên bùng dậy. Có lẽ đây là lúc mà nhà thơ ý thức sâu sắc hơn bao giờ cả về sự tạm bợ, vô thường của cuộc đời.

Tạm lánh thân gần nửa năm tại nhà một môn đệ vùng Kai, nay là huyện Yamanashi; tháng năm năm 1683 Bashô trở về lại Edo. Môn đệ cùng nhau góp sức dựng một Bashô-an khác ngay cùng chỗ cũ. Đầu mùa Đông năm đó túp lều dựng xong. Nhưng rồi giấc mộng hải hồ vẫn cứ thôi thúc nhà thơ.

Nhân sinh, theo quan niệm của Bashô, là một cuộc lữ hành; hay nói đúng hơn, là những chuyến hành trình nối tiếp nhau không dứt. Trên thực tế, hơn nửa mười năm cuối cùng của đời mình, Bashô đã sống trên bước lữ hành và cũng đã trút hơi thở cuối cùng ở nơi nghịch lữ. Bashô có khi đi một mình, có khi dẫn theo một hai môn đệ. Với chiếc nón lá hay chiếc mũ vải màu lam, cây trượng và cái đãy đầu đà, Bashô đã phiêu bạt nhiều nơi trên đất nước Nhật Bản.


Đối với Bashô, thú ngao du sơn thủy và thi ca không tách rời nhau. Vào buổi xế chiều, khi nhìn về phương trời xa thấy đàn chim đang rũ cánh bay về tổ, người lữ hành nhạy cảm làm sao không khỏi ý thức về thân phận con người? Qua ngọn bút, niềm cô tịch triền miên ấy biến thành thơ. Hoặc giả, vào lúc hoàng hôn, nghe hồi chuông chiêu mộ từ xa vọng lại, người lữ khách tự dưng cảm thấy như đâu đây phảng phất mùi Thiền… Chắc hẳn trong tâm trạng ấy, Bashô đã hạ bút viết:



Kane kiete                     Tiếng chuông đã dứt
hana no ka wa tsuku     cảm thấy mùi hương hoa
yûbe kana                     chắc hẳn hoàng hôn

Chuông chùa dứt tiếng ngân nga,
Hương hoa phảng phất, chắc đà hoàng hôn!




Chuyến hành trình của Bashô bắt đầu vào mùa Thu năm 1684, lúc nhà thơ vừa đúng bốn mươi. Trước đó Bashô cũng từng đi khá nhiều, nhưng những cuộc hành trình “gió biển mây ngàn” mà người yêu văn thơ ngày sau không ngớt ca tụng đã bắt đầu từ đây.

Rời Edo, Bashô đi dọc theo Tôkaidô (Đông-hải-đạo), “con đường thiên lý” về miền Tây chạy tắp ven bờ Thái Bình Dương. Con đường này dẫn Bashô qua chân núi Phú Sĩ, vượt khá nhiều con sông rộng trước khi đến đền thờ Thái dương Thần Nữ ở Ise. Sau khi tham bái ở ngôi đền nổi tiếng này, Bashô trở về cố lý ở Ueno thuộc vùng Iga, viếng mộ mẫu thân rồi trú lại đó khoảng bốn năm ngày. Rời Ueno, Bashô đi ngắm núi Yoshino (吉野Cát-dã), từ đó băng thẳng lên bờ phía Nam của hồ Biwa (琵琶Tỳ-bà), rồi theo đường Ômi đến đến Ôgaki thuộc vùng Minô vào hạ tuần tháng chín.

Người quen ở đây mở hội thơ haikai đón Bashô. Qua những hội thơ như thế này người xin làm môn đệ của Bashô ngày càng đông. Từ Ôgaki, Bashô xuống Kuwana lấy thuyền đi Atsuta để lên Nagoya (名古屋 Danh-cổ-ốc). Bashô ở lại vùng này cho đến hạ tuần tháng mười hai, trước khi về quê ăn Tất niên rồi ở lại đấy thăm viếng bạn bè cho đến cuối tháng giêng. Sau đó Bashô ngao du ở Nara (奈良 Nại-lương) và Kyoto, đến cuối tháng tư năm 1685 mới về lại Edo.

Qua chuyến đi này Bashô đã để lại tập Nozarashi kikô (Nhật ký cuộc hành trình gió bể mưa ngàn), viết xong năm 1687. Trong chuyến đi này, Bashô đã viết nên bài thơ bất hủ sau đây:


Furu-ike ya                     Trong ao xưa
kawazu tobikomu            con nhái nhảy vào
mizu no oto                     tiếng nước khua

Ao xưa bóng rũ trưa hè,
Nhái khua nước động, bốn bề tịch liêu!



Phong cách độc đáo thơ haiku của Bashô – hay nói cách khác là Shôfû (蕉風Tiêu-phong) – được định hình từ đó.

Qua bài thơ trên, nhằm nói lên khung cảnh yên lắng, tĩnh mịch quanh một cái ao xưa – chắc hẳn ở vườn sau một ngôi cổ tự vào một buổi trưa Hè, Bashô đã không dài dòng, dùng thanh âm (“nhái khua nước động ”) để gợi lên cảnh yên tĩnh. Mặc dầu nhà thơ không giải thích, người đọc có thể cảm nhận ngay quan hệ biện chứng giữa tĩnh và động trong bài thơ. Sau khi đọc xong, phản ứng tức thời là ta sẽ tự hỏi: “Ô kìa! Cảnh sắc tứ bề sao yên tĩnh quá, yên tĩnh đến nỗi có thể nghe tiếng nước khua khi chỉ một chú nhái con nhảy xuống ao!” Tiếng nước khua ở đây cũng như hồi chuông chiêu mộ, hay một câu công án tối nghĩa ai đó đọc lên để đánh thức ngộ tính của con người.

Xin mở dấu ngoặc để nói thêm rằng qua ‘tiếng nước khua’ trong bài này, ta không khỏi liên tưởng đến ‘tiếng gà trưa’ trong bài “Nắng mới” của nhà thơ Lưu Trọng Lư:



Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng...



Đối với những ai đã sống ở miền đồng quê, tiếng gà trưa của Lưu Trọng Lư chắc hẳn đã làm sống lại biết bao kỷ niệm thời niên thiếu – dĩ vãng của những ngày tháng êm đềm trong một khung cảnh rất đỗi nên thơ. Nếu không câu nệ hình thức mà chỉ nói về nội dung, hai câu thơ trên của nhà thơ họ Lưu có thể nói là một bài haiku toàn bích. Trong ý nghĩa đó, hai câu kế tiếp, tuy rất hay, nhưng chỉ có giá trị bổ túc hay giải thích:

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không...



Tháng tám năm 1687, Bashô đi lên vùng Kashima, thuộc huyện Ibaraki ngày nay, một nơi có nhiều thắng cảnh cách Edo chừng năm mươi dặm về hướng Đông để ngắm trăng vào mùa gặt hái. Thiết tưởng cũng nên nói thêm ngày xưa, người Nhật có thú tao nhã là thích ngắm trăng, đặc biệt là trăng rằm tháng tám. Trước rằm tháng tám, người ta bàn trước với nhau là sẽ ngắm trăng ở đâu, rồi nhân tiện gặp ai đấy...

Lần này sỡ dĩ Bashô chọn Kashima vì ở đấy có đền Kashima nổi tiếng, và cũng là nơi Hoà thượng Butchô đang mai danh ẩn tích. Ngày trước Hoà thượng đã từng hướng dẫn Bashô tham Thiền nhưng từ lâu Bashô chưa có dịp gặp lại.

Hôm trước ngày rằm, từ Fukagawa Bashô lấy đò về Gyôtoku thuộc huyện Chiba ngày nay, rồi từ đó đi bộ lẫn đi đò cho đến Kajima, ở hạ lưu sông Tonegawa.

Nào ngờ, ở Kajima trời đổ mưa vào đêm rằm tháng tám năm ấy! Bashô ngủ lại ở chùa Hoà thượng đang ẩn cư. Gần tảng sáng, trời tạnh mưa. Bashô nghe tiếng Hoà thượng đánh thức: “Trăng ra rồi đấy!” Tỉnh giấc, Bashô bước ra sân chùa nhìn lên thấy vầng trăng như đang di chuyển nhanh trên bầu trời hãy còn những đám mây vần vũ. Trời tuy đã tạnh, nhưng những hạt nước mưa hãy cò̀n đọng lại trên cành cây quanh chùa rơi lã chã trên mặt đất, tựa như hãy còn luyến tiếc cơn mưa! Không tỏ ý tiếc nuối cơn mưa đã cướp mất ánh trăng rằm đầu đêm, Bashô tức thời cảm nhận phút giây độc đáo và thi vị ấy:


Tsuki hayashi                 Trăng đi nhanh
kozue ha ame o              hạt mưa trên lá
mochinagara                  rơi lã chã

Lưng trời mây phủ trăng trôi,
Đầu cành mưa đọng nước rơi, rơi hoài!





Qua chuyến đi này, Bashô đã viết Kashima kikô (Kashima kỷ hành), một tập nhật ký lữ hành có kèm tranh minh họa.

Tháng chạp năm 1687, Bashô lại về miền Tây trong cuộc hành trình dài mười tháng, ghé núi Yoshino thưởng ngoạn, sau đó về thăm bến Waka-no-ura (和歌の浦Bến-thơ-Hoà-ca) cùng các thị trấn Suma và Akashi trên bờ biển Seto. Hai cuốn nhật ký viết bằng thơ Bashô sáng tác qua hai cuôc đi này là Oi no kobumi (Ký vãng của cái tráp sách dạn dày sương gió lữ hành) và Sarashina kikô (Sarashina kỷ hành). Oi no kobumi ghi lại hành trình của Bashô từ Edo cho đến Akashi, và Sarashina kikô là nhật ký lần đi ngắm trăng ở Sarashina.

Hạ tuần tháng ba năm 1689, Bashô cùng đệ tử là Sora bắt đầu cuộc hành trình lên miền Oku ở Đông Bắc của đảo Honshû – một vùng thuở ấy hãy còn hoang sơ, chưa có người khai phá. Chuyến đi dài năm tháng, và quãng đường Bashô đã đi qua dài đến 2500 cây số!

Rời Edo, Bashô lên đến Hiraizumi (平泉 Bình-tuyền) ở phía Bắc, rồi mới rẽ ra phía biển Nhật Bản lên Kisagata, từ đó mới dọc theo ven biển đi xuống hướng Tây Nam. Khi về đến Tsuruga phía Bắc Kyoto, Bashô đi lệch sang hướng Đông Nam, rồi dừng chân ở Ôgaki thuộc huyện Gifu ngày nay vào hạ tuần tháng tám.

Qua cuộc hành trình này Bashô đã viết nên tập nhật ký Oku no hosomichi (Lối lên miền Oku) bất hủ. Trong những tác phẩm của Bashô, Lối lên miền Oku chắc hẳn là tác phẩm mà văn thơ Bashô đã đạt đến trình độ chín muồi nhất. Trên thực tế, Lối lên miền Oku là một trong những tác phẩm văn học cổ điển mà người Nhật ai cũng tự hào, không khác gì Kiều hay Chinh phụ ngâm đối với người Việt Nam.

Sau chuyến đi này, Bashô về Kyoto và cố lý sống hai năm. Khi trở lại Edo vào năm 1691, danh tiếng Bashô đạt đến mức tột đỉnh. Xung quanh nhà thơ lúc nào cũng tấp nập những người ái mộ và môn đệ. Mặc dầu sức khỏe ngày càng suy yếu, Bashô vẫn chưa nguôi chí hải hồ.

Chuyến lữ hành cuối cùng của Bashô bắt đầu vào tháng năm năm 1694. Lần này nhà thơ đi cùng với người con thứ của Jûtei là Jirôbei. Sau khi ghé thăm quê cũ, Bashô đi ngắm cảnh ở vùng Ôtsu ở gần hồ Biwa, rồi ghé Kyoto ở lại tại Rakushisha của Kyorai – trưởng tràng trong các môn đệ của nhà thơ. Rashisha (落柿舎Lạc-thị-xá tức Túp-lều-có-những-quả-hồng-rơi) ở Saga, Kyoto. Du khách chuộng thơ văn, cho đến ngày nay, rất thích thăm viếng. Ngoài vườn của túp lều tranh đơn sơ nhưng thơ mộng này vẫn còn cây hồng già thân cao vút. Vào đầu Thu, quả hồng chín mọng có thể “rơi xuống đầu” của du khách lúc nào không hay, bởi vậy mới có tên Rakushisha! Chủ nhân của túp lều đã khéo chọn một cái tên vừa thơ mộng vừa dí dỏm.

Lúc này, Bashô đang chú tâm triển khai một khái niệm văn học mới: karumi (軽みkhinh, tức là nhẹ) – đó là tính cách “nhẹ nhàng” trong văn học. Nói rõ ra, đây là cách diễn tả trong sáng, cởi mở, nhẹ nhàng để nói lên bản chất thay đổi vô thường của sự vật.

Đầu tháng sáu, trong khi đang ngao du ở Rakushisha, Bashô được tin Jutei qua đời trong khi đang nằm dưỡng bệnh tại Bashô-an. Tạm gửi Jirobei về Edo, Bashô xếp khăn gói về cố lý ở Ueno, có lẽ để tìm chút yên tĩnh trước cái tin đau xót này. Sinh thời, Jutei sống lủi thủi âm thầm, bị dằn vặt bởi mặc cảm “cỏ mọn hoa hèn”. Chắc hẳn vì thế nên trong cúng chiêu hồn Urabon (盂蘭盆Vu-lan-bồn), ngày rằm tháng bảy năm đó, Bashô đã viết bài thơ cầu nguyện cho cố nhân như sau:



Kazu naranu                     Phận thấp hèn
mi to na omoiso                xin đừng ưu phiền nữa
tama matsuri                   lễ chiêu hồn

Từ nay xin hết ưu phiền,
Phiêu diêu thoát tục nơi miền Tây phương...


Sau khi ở lại Ueno gần hai tháng, Bashô cùng hai môn đệ và Jirôbei đi du ngoạn ở Osaka. Tình trạng sức khỏe của Bashô càng suy giảm, có ngày mới đi chừng một cây số thì người đã mệt nhoài. Có lẽ nhà thơ biết mình sắp từ giã cõi trần:



Kono aki wa                      Mùa Thu năm nay
nan de toshiyoru              sao tôi chóng già thế
kumo no tori                    chim sa mây trời


Thu nay sao bỗng thấy già,
Phải chăng đến lúc chim sa ven trời...



Vốn đã tiều tụy, khi đến Osaka Bashô lại mắc thêm chứng tiêu chảy không cách gì cứu chữa. Trong những ngày cuối cùng, Bashô vẫn gượng sức có mặt tại các hội thơ mà người hâm mộ đã sắp đặt trước. Trong hội thơ tổ chức ngày 26 tháng chín tại quán ăn nổi tiếng Ukamuse, Bashô hạ bút viết:



Kono michi ya                 Con đường này [tôi đã đi mấy năm nay]
iku hito nashi ni              không thấy ai qua nữa
aki ni kure                      chiều Thu

Con đường qua mấy năm rày,
Gió may hiu hắt, chiều nay vắng người...



Gió may, hay gió heo may, lạnh và khô, thường thổi vào mùa Thu. Chúng tôi đã lồng ý “mùa Thu” trong nguyên văn qua hai chữ “gió may”. Cách nhắc đến bốn mùa một cách gián tiếp này rất phổ biến trong haiku, được gọi là “quí ngữ季語”, tức là những ký hiệu về bốn mùa.

Hai hôm trước khi mất, Bashô vẫn tỉnh táo, gọi môn đệ đem bút mực viết bài “Byôchûgin” (Bệnh-trung-ngâm), tức là bài thơ sáng tác khi đang bệnh.



Tabi nayande                  Nhuốm bệnh trên bước lữ hành
yume wa kare no o         mộng đang ở trên cánh đồng
kake meguru                  đang bay nhảy rong chơi


Giữa đường nhuốm bệnh nằm đây,
Nửa đêm trong mộng: chân mây cuối trời !



Nhà thơ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12 tháng 10 năm 1694, hưởng thọ 51
tuổi.
Thế mới biết, ngay trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời Bashô vẫn chưa nguôi mộng sông hồ...




Vĩnh Sính

Chú thích


1 Haikai ( 俳諧bài-hài), viết tắt của chữ haikaika ( 俳諧歌 bài-hài-ca). Loại thơ hài hước lần đầu tiên xuất hiện trong Kokinshû, biên soạn từ năm 905 đến năm 920. Sau đó thường dùng để chỉ loại thơ renga (連A歌liên-ca) hài hước (tức haikai no renga). Đến thời Edo, với sự ra đời của các trường phái Teimon của Matsunaga Teitoku, Danrin của Nishiyama Sôin, và Shôfû (蕉風 Tiêu-phong) của Bashô, haikai no renga bắt đầu có tính cách đứng đắn và mang nhiều hình tượng, đạt đỉnh cao nhất qua thơ Bashô. Tên gọi tắt haikai bắt đầu từ đó.


2 Bút hiệu của Bashô viết chữ Hán là “Tông-phòng”, giống hệt như tên samurai của Bashô là Munefusa, có điều Munefusa là đọc theo âm Nhật thuần tuý, tức là âm kun), còn Sôbô là đọc theo âm Hán-Hoà (tức âm Hán Nhật, hay âm on).


3 Tuổi và ngày tháng thuở ấy còn tính theo âm lịch.


4 Xem Imoto Nôchi, Bashô nyûmon (Bashô nhập môn) (Tokyo: Kôdansha Gakujutsu Bunko, 1994), trang 44-45.


5 Phần dịch thuật từ tiếng Nhật sang tiếng Việt do chúng tôi đảm nhiệm.


6 Zen to Nihon bunka (Thiền và văn hóa Nhật Bản ) (Tokyo: Iwanami Shoten, 1967), trang 187-188.


7 Tôsei montei dokugin nijikkasen (Đào-thanh môn đệ độc ngâm nhị thập ca tiên). Mỗi môn đệ đóng góp một bài kasen (ca tiên), tức là một bài thơ haikai có 36 câu do môn đệ đó sáng tác một mình, thay vì do nhiều người đóng góp từng đoạn như thông thường.


8 Túp lều của Bashô ở cạnh cầu Mannenbashi, khu Kôtô, Tokyo ngày nay. Tại Bashô Kinen Kan (Nhà Kỷ niệm Bashô) hai tầng tọa lạc trong khu vực này, du khách có thể theo dõi các hành trình của Bashô trên bản đồ phóng đại, hay xem những bản thảo và di vật của nhà thơ được trình bày rất có lớp lang và trang trọng. Điều đáng chú ý là trong Nhà Kỷ niệm còn có phòng hội họp; những người yêu thơ Bashô có thể mướn phòng để làm hội thảo hay trao đổi. Gần Nhà Kỷ niệm, về phía bờ sông, có tượng đồng Bashô nhìn ra sông Sumida. Gần tượng đồng của Bashô, người ta không quên trồng một bụi chuối – Ba tiêu, tức Bashô.


9 Xem Abe Kimio, Matsuo Bashô (Tokyo: Yoshikawa Kôbunkan, 1967), trang 56.


10 Tức Trang Châu (Trang Chu), nhà tư tưởng thời Chiến Quốc ở Trung Quốc, cùng thời với Mạnh Tử. Trang Tử người xứ Mông (nay là Hà Nam). Sách Trang Tử ghi lại những ngôn thuyết của Trang Tử cùng những người cùng phái, chủ trương là mọi việc trên đời như lớn nhỏ, khôn dại, sống chết, v.v. chẳng có gì khác nhau cho lắm; xem vô vi, tự nhiên là đạo đức cao nhất.


11 Sôgi (宗祇Tông-kỳ, 1421-1502). Nhà thơ haikai lớn vào cuối thời Ashikaga.


12 Đỗ Phủ được xem là “thi thánh” đời Thịnh Đường, thường được gọi là Lão Đỗ nhằm phân biệt với Đỗ Mục là người cùng thời. Đỗ Phủ người huyện Cùng, tỉnh Hà Nam. Làm quan dưới đời Đường Huyền Tôn. Chưa được ba năm, Đỗ từ quan, sống cuộc ngao du phiêu bạt. Ảnh hưởng của Đỗ Phủ trong thơ Bashô là đề tài nghiên cứu của tác giả Ôta Seikyû trong cuốn Bashô to To Ho (Bashô và Đỗ Phủ) (Tokyo: Hôsei Daigaku Shuppankyoku, 1978). Ở Việt Nam, Tiên-Điền Nguyễn Du ngày trước cũng xem Đỗ Phủ là bậc “thiên cổ̉ văn chương thiên cổ sư”.


13 Nguyễn Khắc Phi và Trương Chính, Văn học Trung Quốc, Tập I (Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1987), trang 188.


14 Lý Bạch (701-762) là nhà thơ kỳ tài thời Thịnh Đường. Người huyện Chương Minh (hay Xương Minh) thuộc Miên Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên), tự là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên Cư Sĩ, còn được gọi là Trích-tiên-nhân (Tiên giáng trần). Lý chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang và tư tưởng du hiệp. Ông nổi tiếng thích uống rượu, phóng túng, và “ngông”. “Trên cơ sở của trí tượng phóng túng bay bổng,... Lý Bạch đã xây dựng được cả thế giới hình ảnh phong phú, kỳ vĩ”. (Nguyễn Khắc Phi và Trương Chính, sách đã dẫn, trang 148-149). Lý Bạch sở trường về thơ tuyệt cú (ngũ ngôn tuyệt cú cùng thất ngôn tuyệt cú) và trường biên ca hành.

Bạch Lạc Thiên (772-836), tức Bạch Cư Dị, là nhà thơ lớn thời Trung Đường. Hiệu là Hương Sơn Cư Sĩ. Thơ họ Bạch lưu lệ mà bình dị, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Nhật Bản thời Heian (794-1185). Nhiều bài thơ của Bạch Lạc Thiên đã trở thành mẫu mực cho người làm thơ chữ Hán ở Nhật.

Hàn Sơn là thi tăng đời Đường. Sống ở núi Thiên Thai với sư Thập Đắc. Truyền thuyết nói rằng Hàn Sơn là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát và sư Thập Đắc là hóa thân của Phổ Hiền Bồ Tát. Tác phẩm của Hàn Sơn được sưu tập trong Hàn Sơn thi.

Tô Đông Pha, tức Tô Thức (1036-1101), là nhà thơ và nhà tản văn lừng danh đời Tống. Người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên), làm quan đến Lễ bộ Thượng thư, nhưng vì phản đối chủ trương của Vương An Thạch nên nhiều lần bị đổi về địa phương. Văn thơ của Tô Đông Pha phong phú trên nhiều mặt. Ngoài thơ, Tô Đông Pha/Tô Thức còn sở trường về thi họa.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân