TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TRẦN MỘNG TÚ, THI SĨ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN VÀO SÁCH GIÁO KHOA TRUNG HỌC MỸ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TRẦN MỘNG TÚ, THI SĨ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN VÀO SÁCH GIÁO KHOA TRUNG HỌC MỸ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
THUY LOAN



Ngày tham gia: 12 May 2011
Số bài: 3197

Bài gửiGửi: Wed May 07, 2014 4:39 pm    Tiêu đề: TRẦN MỘNG TÚ, THI SĨ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN VÀO SÁCH GIÁO KHOA TRUNG HỌC MỸ

TRẦN MỘNG TÚ, THI SĨ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN VÀO SÁCH GIÁO KHOA TRUNG HỌC MỸ


Cao La




Nhà thơ Trần Mộng Tú, circa 2000


Nếu quý vị mở cuốn sách giáo khoa dậy văn chương “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành, quý vị sẽ thấy một bài thơ của một thi sĩ Việt Nam dịch sang tiếng Anh đi song song với bài diễn văn nổi tiếng của Tổng thống Abraham Lincoln trong thời Nội chiến Mỹ, tại bãi chiến trường Gettysburg. Đó là bài thơ của Trần Mộng Tú, The Gift in Wartime, nhan đề tiếng Việt là “Quà Tặng Trong Chiến Tranh.”


Hai tác phẩm trên được đem ra để dậy học sinh môn văn chương Hoa Kỳ. Trong phần thứ ba của cuốn sách giáo khoa, viết về văn chương thời kỳ nội chiến Nam Bắc ở Mỹ và sau cuộc nội chiến, các nhà soạn sách giáo khoa của công ty Glencoe - McGraw Hill, rất thông dụng trong các trường trung học ở Mỹ đã có sáng kiến đem bài thơ Trần Mộng Tú, qua bản dịch Anh ngữ cho học sinh nghiên cứu song song với bài diễn văn trầm hùng của Abraham Lincoln, so sánh cách dùng chữ, cách chọn hình ảnh, những ý tưởng trong mỗi bài của hai tác giả. Đây là một kinh nghiệm văn chương quý báu mà các học sinh Mỹ được hưởng khi tiếp xúc với một thi sĩ ngoại quốc để thấy hậu quả của chiến tranh trên tâm hồn một phụ nữ Việt Nam cũng mang những tính chất nhân bản và sâu sắc không khác gì vị tổng thống mà tất cả mọi người Mỹ đều quen thuộc. Có lẽ sau này học sinh Việt Nam khi học về văn chương thời nội chiến Nam Bắc ở thế kỷ 20 cũng sẽ có cơ hội nghiên cứu bài thơ của Trần Mộng Tú.


Trần Mộng Tú đã cộng tác với Nhật báo Người Việt từ lâu, nhưng chỉ tham gia trực tiếp và liên lạc thường xuyên với tòa soạn khi chấp nhận làm chủ bút Phụ Nữ Gia Đình Người Việt, xuất bản như một tuần báo từ cuối năm 2002. Vì thiết tha bảo vệ phẩm chất của tờ báo, Trần Mộng Tú đã đề nghị mỗi tháng chỉ nên làm một số, do đó Phụ Nữ Gia Đình Người Việt đã trở thành một nguyệt san. Bản chất là một nhà thơ chứ không phải nhà báo, nhưng Trần Mộng Tú đã thích ứng nhanh chóng với nhiệm vụ chủ bút tờ Phụ Nữ Gia Đình trong lúc cư ngụ tại Seattle, tiểu bang Washington vùng Tây Bắc Hoa kỳ, mà tòa soạn đặt tại Westminster, miền Nam California. Trong bài Sớ Táo Bà, đăng trong Phụ Nữ Gia Đình Người Việt số Tết Giáp Thân, Trần Mộng Tú đã đùa cợt với tình trạng phải bay đi, bay về giữa hai tiểu bang Washington và California trong công việc làm báo.


Bài Sớ Táo Bà này cho thấy một khuôn mặt mới của Trần Mộng Tú, như một nhà thơ trào lộng, nhìn thế sự với đôi mắt hài hước! Nhưng bản chất của Trần Mộng Tú là một nhà thơ trữ tình. Bài thơ “Quà Tặng Trong Chiến Tranh” là một thí dụ tiêu biểu. Trước biến cố tháng Tư năm 1975, Trần Mộng Tú đã làm thơ trong khi còn đi học cũng như khi bắt đầu làm việc cho Associated Press, một hãng thông tấn ngoại quốc ở Việt Nam. Sau khi sang Mỹ tị nạn, độc gỉa đã đọc thơ và văn Trần Mộng Tú trên các tạp chí văn chương của người Việt ở nước ngoài như Văn, Hợp Lưu, Văn Học, Thế kỷ 21, v.v. Các tác phẩm của Trần Mộng Tú thường được chép lại và đăng trên báo chí tiếng Việt ở khắp thế giới. Năm 1990 nhà xuất bản Người Việt đã ấn hành tuyển tập thơ đầu tiên của thi sĩ tựa là “Thơ Trần Mộng Tú.” Bốn năm sau, tạp chí Thế Kỷ 21 in tập truyện ngắn và tùy bút, nhan đề “Câu Truyện Của Lá Phong.” Hai năm sau, tạp chí Thế Kỷ 21, cũng là một ấn phẩm do công ty Người Việt sáng lập năm 1989 và tiếp tục nuôi dưỡng đến ngày nay, đã in tuyển tập thơ thứ nhì với tựa đề “Để Em Làm Gió.” Năm 1999 nhà xuất bản Văn Nghệ đã in tập truyện ngắn khác, “Cô Rơm, và Những Truyện Ngắn.”


Bài thơ “Quà Tặng Trong Chiến Tranh” được viết ở Việt Nam, khi thi sĩ còn rất trẻ, từ những xúc động trước cái chết của một chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, người yêu đầu của cô, sau đó đã được đăng trên các tạp chí khắp nơi ở hải ngoại.


Lần đầu tiên hai bài thơ về chiến tranh của Trần Mộng Tú xuất hiện trong thế giới văn chương quốc tế vào năm 1990, đăng trong “Vision of War, Dream of Peace,” (Viễn ảnh chiến tranh: Giấc mơ Hòa bình.) Đó là “The Gift in Wartime”(Quà Tặng Trong Chiến Tranh) và “ Dream of Peace” (Giấc Mơ Hòa Bình) cả hai được dịch sang Anh Ngữ do Vann Phan, một ký giả cũng cộng tác với Nhật báo Người Việt.


“Vision of War, Dream of Peace” là một tuyển tập Thơ của các Nữ Quân nhân và Y Tá phục vụ trong quân đội Mỹ vào thời kỳ chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam. Cuốn sách ra mắt tại Washington DC vào ngày Cựu Chiến Binh, Veteran’s 11 tháng 11 năm1990


Bản dịch bài thơ The Gift in Wartime được in vào American Literature textbook do nhà xuất bản sách giáo khoa lớn nhất ở Mỹ, Glencoe/Mc.Graw-Hill phát hành năm 1999, trong các chương về văn học Mỹ trong thời Nội Chiến Nam Bắc Mỹ. Thơ Trần Mộng Tú được giới thiệu cho các học sinh so sánh với bài diễn văn nổi tiếng The Gettysburg Address của Tổng Thống Abraham Lincoln.

Bài diễn văn do Tổng thống Lincoln đọc ngày 19 tháng 11 năm 1863 trong dịp khánh thành một nghĩa trang cho các tử sĩ tại chiến trường Gettysburg , tiểu bang Pennsylvania. Trước ông, một chính trị gia và nhà hùng biện nổi tiếng đã nói suốt 2 giờ; đến lượt Lincoln ông chỉ nói trong vòng 2 phút. Sau buổi lễ, các nhà báo tường thuật không ai nhắc đến những lời Lincoln nói, nhưng dần dần dân tộc Mỹ đã nhận ra đó là một tác phẩm văn chương bất hủ, xuất phát từ tấm lòng của một nhà lãnh đạo vốn rất ghét chiến tranh nhưng phải dẫn đầu nước Mỹ trong một cuộc chiến bất đắc dĩ và đã thành công trong việc bảo vệ một quốc gia thống nhất với những lý tưởng tự do, bình đẳng. Câu nói được cả thế giới ngày nay nhắc lại nhiều lần kết thúc bài diễn văn ca ngợi các chiến sĩ đã hy sinh để một “chính phủ của dân, do dân, và vì dân sẽ không bị hủy diệt trên trái đất.”


Cuốn sách giáo khoa tiếp theo đã giới thiệu thi sĩ Trần Mộng Tú, sinh ở tỉnh Hà Đông,Việt Nam, người phụ nữ có kinh nghiệm chính mình sống với những hậu quả của cuộc chiến tranh trong đó hai triệu người Việt Nam thiệt mạng cũng như 57,000 người Mỹ. Sau khi đọc bài thơ Trần Mộng Tú, học sinh được hướng dẫn với những câu hỏi để khám phá những cảm xúc mà tác giả gợi cho người đọc cũng như tìm hiểu nội dung bài thơ. Cuốn sách giáo khoa cũng gợi ý cho học sinh tìm hiểu về kỹ thuật, học sinh tự hỏi tại sao thi sĩ đã dùng các điệp ngữ và nhắc lại các hình ảnh để gây ấn tượng nợi người đọc. Sau đó, các học sinh được mời so sánh hai áng văn chương cùng viết trong thời nội chiến ở hai quốc gia, hai thế kỷ khác nhau. Abraham Lincoln đọc bài diễn văn của ông trước một đám đông, và ông nhắm vào công chúng. Còn Trần Mộng Tú viết một mình, cho mình. Nhưng học sinh có thể tìm thấy những mục đích và cảm xúc giống nhau trong hai tác phẩm ngắn này. Học sinh cũng được dịp tìm hiểu khai phá sự khác biệt giữa hai nền văn hóa của hai tác giả, và thử hỏi một người Mỹ thời nay nếu viết về chiến tranh thì sẽ viết giống tác phẩm nào.

Để quý vị thông cảm với tác giả Trần Mộng Tú, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn 2 bài thơ của thi sĩ bằng tiếng Việt dưới đây. Bài Quà Tặng Trong Chiến Tranh ( Trong American Literature textbook) và bài Giấc Mơ Hòa Bình ( Trong Vision of War, Dream of Peace)



Quà Tặng Trong Chiến Tranh


Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lòng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
Phủ trên nấm mồ xanh

Anh tặng em bội tinh
Kèm với ngôi sao bạc
Chiếc hoa mai mầu vàng
Chưa đeo còn sáng bóng

Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu

Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương

Em tặng anh mây vương
Mắt em ngày tháng hạ
Em tặng anh đông giá
Giữa tuổi xuân cuộc đời

Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm
Anh tặng mắt không nhìn
Một hình hài bất động

Anh muôn vàn tạ lỗi
Xin hẹn em kiếp sau
Mảnh đạn này em giữ
Làm di vật tìm nhau.



Tháng 7/ 1969



Giấc Mơ Hòa Bình


Em nghe nói hòa bình
Trên những tờ nhật báo
Em nghe nói hòa bình
Trên miệng người lãnh đạo

Em để lòng khờ khạo
Ôm giấc mơ hòa bình
Mong chiến tranh chấm dứt
Anh giã từ đao binh

Tin về từ trận tuyến
Anh chết giữa chiến trường
Ôi giấc mơ khờ khạo
Chỉ còn là đau thương

Từ khi em ra đời
Từ khi có trí khôn
Em thấy toàn chém giết
Em thấy toàn máu xương

Từ khi em biết nghe
Từ khi em biết nói
Toàn những lời giả dối
Toàn những lời hứa suông

Từ khi em biết yêu
Từ khi em biết nhớ
Anh đã dặn đợi chờ
Rồi anh không về nữa

Ôi giấc mơ khờ khạo
Ôi giấc mơ hòa bình
Xây giữa lòng tham bạo
Chết trước khi thành hình

Ôi lòng non bé nhỏ
Như giấy trắng thơm tho
Vết mực đen loang lổ
Làm hoen ố hồn thơ

Em đã biết giận thù
Biết cuộc đời dối trá
Trang nhất nói hòa bình
Trang tư toàn cáo-phó

Em không còn bồng bột
Tin những lời đầu môi
Em bắt đầu tỉnh ngộ
Thì đã mất anh rồi

Ôi giấc mơ hòa bình
Anh trả bằng sự sống
Em trả bằng tủi hờn
Bằng một đời đơn độc



Tháng 7/1969



Cao La
Về Đầu Trang
vdson
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 28 Nov 2012
Số bài: 97
Đến từ: Quảng Ngãi

Bài gửiGửi: Wed May 14, 2014 6:02 am    Tiêu đề:


Gởi bạn THÚY LOAN ,
Xin cám ơn bạn đã đăng thông tin này để mọi người và riêng tôi được biết và tự hào về một người  Việt  nam   như   thế,THI SĨ TRẦN MỘNG TÚ .
Nhân đây tôi mạo muội có đôi lời ngưỡng mộ gởi tặng NỮ THI SĨ TÀI HOA TRẦN MỘNG TÚ ,

Tôi vô cùng xúc động
Đọc hai bài thơ trên
Viết về người tình trẻ
Gởi tặng nàng bội tinh
Kèm theo ngôi sao bạc
....
Tôi gởi lời chia xẻ
Tình nàng mãi trăng tròn
Nàng một đời đơn độc
Nàng mãi mãi HOÀI MONG
....
Chị tôi tựa cửa ngóng qua song
Thăm thẳm chiều vương chạnh nỗi lòng
Nhớ thuở tóc mai vờn nắng sớm
Quên thời tóc trắng bạc gương trong
Thương người tình trẻ nơi tiền tuyến
Gởi chị thư thăm được mấy vòng
Gởi tặng chị tôi quà chiến thắng
Nhưng ...Rồi ...Tình lỡ ...Chị HOÀI MONG .

VDSON 14.5.2014
Về Đầu Trang
THUY LOAN



Ngày tham gia: 12 May 2011
Số bài: 3197

Bài gửiGửi: Wed May 14, 2014 9:03 pm    Tiêu đề:

Kính thầy

TL chân thành cảm ơn thầy đã ghé vào đọc và gởi tặng thơ cho NỮ THI SĨ TRẦN MỘNG TÚ.

TL xin được  bổ túc thêm phần sưu tầm chi tiết còn thiếu sót về nhà thơ Trần Mộng Tú.




Trần Mộng Tú Biography


Trần Mộng Tú Sinh  19-12-1943 tại Hà Đông, Bắc Việt.Lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng, di cư vào Sài Gòn 1954

* Nhân viên Hãng Thông Tấn The Associated Press, Sài Gòn (1968- 1975)

*Sang Mỹ tháng Tư năm1975, hiện sống (với gia đình) và viết ở Seattle, Washington.

*Thường xuyên cộng tác với các trang mạng và tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.

* Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999)

* Đoạt giải nhất về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.

*Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình cho báo Người Việt ở California.( 2002-2005)


Đã xuất bản:

1. Thơ Trần Mộng Tú (Tập Thơ-1990) NXB-Người-Việt.

2. Câu Chuyện Của Lá Phong( Tập Truyện Ngắn-1994) NXB-Người-Việt

3. Để Em Làm Gió (Tập Thơ-1996) NXB-Thế-Kỷ

4. Cô Rơm và Những Truyện Ngắn Khác (Tập Truyện Ngắn-1999) NXB-Văn Nghệ

5. Ngọn Nến Muộn Màng ( Tập Thơ-2005) NXB-Thư-Hương

6. Mưa Sài Gòn Mưa Seattle (Tập Truyện- 2006) NXB- Văn Mới

7. Vườn Măng Cụt ( Tập Truyện Ngắn và Tản-Văn – 2009 NXB Văn Mới)

8. Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm ( Thơ 1969-2009- Tác Giả Xuất Bản)
Về Đầu Trang
THUY LOAN



Ngày tham gia: 12 May 2011
Số bài: 3197

Bài gửiGửi: Wed May 14, 2014 9:45 pm    Tiêu đề: Trần Mộng Tú và tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009”

Trần Mộng Tú và tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm 1969-2009”


Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-12-04



Nhà thơ Trần Mộng Tú là khuôn mặt quen thuộc của giới thưởng ngoạn thơ hải ngoại từ đầu những thập niên 80 khi bà vừa đặt chân đến Mỹ với tư cách một người tỵ nạn.




Nhà thơ Trần Mộng Tú. Photo courtesy of Mạng Lưới Dũng Lạc.


Trần Mộng Tú là tác giả của nhiều tập thơ và người đọc thơ bà nhanh chóng tăng theo thời gian kể từ khi những trang thơ đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng hải ngoại.


Thơ của bà chủ yếu là thơ tình, nhưng đây là những bài thơ tình khó tìm trong tủ sách các nhà thơ nữ của thời cận đại. Thơ của Trần Mộng Tú thả lỏng ngôn ngữ để chúng có thể buông mình rơi tự do xuống khoảng trống suy tưởng và thăng hoa thành thứ tinh chất kết dính bài thơ với người đọc chúng.

“Tôi rời Việt Nam vào ngày 2 tháng Tư năm 1975 do hãng thông tấn AP nơi tôi làm việc tại Việt Nam đưa tôi và gia đình ra đi. Lúc đó tôi còn độc thân họ thu xếp cho tôi và bố mẹ đi với nhau.

Sang Mỹ năm 1975 coi như tôi làm tờ báo đầu tiên là Quê Hương xuất bản. Mấy người tham gia đầu tiên gồm có Du Tử Lê, Trần Mộng Tú, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Chính Nghĩa và một vài người nữa làm tờ báo đó chung với nhau.

Tôi bắt đầu đem những bài thơ của mình ra đăng từ năm 1975, mặc dù trước đó tôi cũng có làm thơ nhưng chưa bao giờ đăng báo vì tôi thấy không có nhu cầu cần đăng báo. Sang tới Mỹ thấy tiếng Việt ngày càng hiếm hoi, thấy anh em gia nhập vào báo chí tôi tham gia theo và từ đó tôi làm rất nhiều thơ về quê hương.”

Hôm nay chúng tôi xin được giới thiệu tới quý thính giả tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm 1969-2009” của Trần Mộng Tú, một trong nhiều tác phẩm của bà đã được in ra tại Hoa Kỳ.

Mặc dù tác giả cho rằng tập thơ này không nhất thiết chứa đựng những bài thơ hay nhất của mình, nhưng ít ra cũng tập trung hầu hết những bài thơ quan trọng của từng chặng thời gian qua suốt bốn mươi năm sáng tác.



Hãy tưởng tượng ra em

ở một căn nhà lạ

mình em một ngôn ngữ

mình em một màu da

mình em một màu mắt

mình em một lệ nhòa



Hãy tưởng tượng ra em

ở nơi không định tới

em tủi như chim khuyên

khóc trong lồng son mới



Hãy tưởng tượng ra em

ở một thành phố khác

em buồn như nước sông

khóc chia dòng tan tác


Bài thơ quý vị vừa nghe được Trần Mộng Tú sáng tác vào tháng 7/1975, ba tháng sau khi Trần Mộng Tú đặt chân xuống Mỹ. Thành phố tạm dung bà và gia đình dường như cũng thở dài cho cái không khí thê lương trong tâm hồn nhà thơ lúc ấy.



Cũng những tiếng than khô không lệ nhưng những giòng thơ của bà nghe ra có thấp thoáng hơi hám của mùa xuân lấp ló trong tiếng thở dài của buổi ban đầu ngỡ ngàng nơi xứ lạ. Con chim khuyên trong lồng có thể đang khóc, đang tủi bởi màu sơn son cộng với thếp vàng chóa ngời đôi mắt, nhưng con chim họ Trần ý thức rất rõ chiếc lồng hẹp này chỉ là giai đoạn ban đầu, giai đoạn rét mướt trước khi mùa Xuân tới.



Bài thơ nổi tiếng của bà mang tên “Cả một dòng sông đứng lại chờ” có không khí của giòng nhạc thính phòng những năm đầu thập niên 60. Vần bằng đều đặn ở cuối mỗi câu thơ khiến người đọc liên tưởng tiếng vọng của những bản thánh ca buồn vào cuối ngày Chúa Nhật. Lễ Misa nào thống thiết trong nỗi nhớ của nhà thơ, nhớ từng hơi ấm làn da, nhớ mài miệt từng hơi thuốc thơm vàng tay cháy môi thơm phức.



Tôi xa người nắng buồn trên vai

môi tôi mùi thuốc còn thơm hơi

người xa tôi một dòng sông trắng

dãy núi bên kia có ngậm ngùi



Tôi xa người hàng cây bâng khuâng

nước dâng chiều xuống nhớ muôn trùng

người xa tôi có còn đứng ngóng

một cánh chim bay ở cuối rừng



Nỗi buồn đeo bám Trần Mộng Tú dai dẳng nơi xứ người, cho dù khi đã lấy chồng, đã bước ra đường với một cái họ mới, họ của nhà chồng. Nhà thơ thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ người, nhớ từng cọng rơm sợi tóc, cái nhớ mà người Việt trong những năm 80 vẫn canh cánh như Trần Mộng Tú. Bà không nhớ một mình, nhưng cái nhớ của bà khác người, thật khác.

Tôi ở quê chồng xa xăm quá

cách quê cha cả một đại dương

mỗi độ xuân về tôi ngơ ngác

như con ngựa trận mất yên cương



Mỗi độ xuân về tôi nhớ lắm

những ngày xuân cũ trên quê hương

nhớ người tình cũ, ngôi chùa cũ

hoa mẫu đơn nở đỏ bên tường



Bài thơ “Tôi buồn như một nốt dương cầm” được bà viết năm 1984 thật sự là một tiếng ngân nhẹ nhưng thăm thẳm của nỗi buồn. Mùa Xuân đến một lần nữa nhưng Mùa Xuân khoác lên vai chiếc áo khác với chiếc áo Trần Mộng Tú quen biết từ nhiều chục năm trước. Ngôi nhà chơ vơ lạnh và trống vắng. Các con tung tăng đến trường trong khi bà đứng một mình, buồn như một con chim đuối sức.



Có thật mùa xuân đã đếnđây

sao lòng tôi không đổi mới

sáng nay đưa con đi học

các con vẫn mặc đồng phục

và trong túi thì không có một phong bao

tôi trở về,

buồn như một con chim

con chim bay về từ phương nam

không tìm thấy tổ



Ngôi nhà cũng cô đơn

đứng chơ vơ

trên ngọn đồi ngập gió

những cánh đồng cửa sổ đóng im

trên bàn

một bài thơ viết dở…

một chuyện tình cố quên


Chuỗi buồn phiền cứ đeo đuổi bà trong suốt nhiều chục năm tại xứ người. Buồn là âm thanh của mọi bài thơ trong tuyển tập. Buồn từ động tác, từng hơi thở và từng hành động thường nhật. Cái buồn của Trần Mộng Tú không phải ai cũng được gặp. Nó miên man và bất ngờ.Nó không lộ ra nhưng ăn mòn ký ức. Nỗi buồn của sự chết và hơn thế nữa, nỗi buồn như những vết cắt, cào xước tâm hồn.



Đốm nhang cháy đỏ như quầng mắt

khói có bay về tận cố hương

vườn người, tôi chiết cành xuân thắm

nhớ quê vết cắt trượt xuống hồn.


Mùa Xuân đối với Trần Mộng Tú hình như đã qua và không trở lại nhưng tháng Giêng thì vẫn rất quê nhà trong tâm trí bà. Tháng Giêng xuất hiện lại qua lăng kính trời Tây với những đứt khúc trí nhớ. Vườn sau nhà, khung cửa vắng và mùa Xuân ướt sũng…những tập hợp hình ảnh này làm thơ bà hình tượng hơn nhưng vẫn không mất nét lãng mạn của một cơn bão tháng Giêng, bão rất nhẹ nhưng đủ làm cho ai đó trăn trở, nhớ thao thiết một khung trời, một sắc lá.



Vườn tôi gầy quá hoa không nở

mưa ở nơi đây ướt sũng xuân

những cành thông gẫy ôm đầy gió

khung cửa nhà ai nhận vết thương



Mưa gió đuổi nhau qua thớ gỗ

que diêm xòe thảng thốt trong đêm

nến như mắt bão trừng bóng tối

một mảnh tháng Giêng vỡ bên thềm




Nỗi buồn nào rồi thì cũng phai, vết thương nào rồi cũng tới ngày lành. Thế nhưng bài thơ mang tên “Vết thương” xem ra rất khó lành. Nhà thơ ngập ngừng lắm mới mở được lòng ra thăm dò vết thương năm cũ, mà chao ơi, vết thương tuy đã kéo da non nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ lành lặn. Nó vẫn đau phía bên trong. Vẫn cần được thăm nom trong những ngày tháng tới.



Được sáng tác vào năm 1991 bài thơ “Vết thương” báo hiệu với chính nhà thơ về sự cạn kiệt dần quỹ thời gian trên hai khóe mắt. Quê nhà vẫn xa xa chơi trò cút bắt trong khi người yêu nay đã kiệt cùng nỗi nhớ. Bài thơ nhẹ nhàng nhưng cay đắng chen lẫn mỏi mệt của tháng ngày chồng chất:



Anh ạ! Tháng Tư mềm nắng lụa

hoa táo hoa lê nở trắng vườn

quê nhà hun hút sau trùng núi

em mở lòng xem lại vết thương



Năm tháng qua mau quên đếm tuổi

trong gương mắt đã rạn chân chim

em nhuộm nỗi buồn như nhuộm tóc

vết thương đóng vảy nhói trong tim



Anh ạ! Tháng Tư sương mỏng lắm

sao em nhìn mãi chẳng thấy quê

hay sương thành lệ tra vào mắt

mờ khuất trong em mọi ngã về.


“Sương mỏng nhưng sao nhìn mãi chẳng thấy quê!”

Câu thơ nhẹ mà đau như dao cắt.



Em ở nơi này mười bảy năm

có khi cất tiếng gọi dòng sông

có lúc bóng chùng lên bóng núi

sao núi sông vẫn đỗi lạ lùng



Nắng hạ cũng vàng thêu áo lụa

chẳng ai níu vạt tặng câu thơ

chữ hiếu như kim chìm đáy biển

chữ tình gió thổi đến xác xơ



Em ở nơi này mười bảy năm

buông vào nhật nguyệt nắm tuổi xuân

cầm như thả tuyết vào lò sưởi

những cánh hoa tan dưới lửa hồng



Tóc đã sợi đen chen sợi trắng

mắt cười đã lụn bấc đam mê

người vẫn từ quê ngơ ngác đến

ngượng môi không dám nhắc…chuyện về


Cảm tác bài thơ “Ta về”của Tô Thùy Yên, Trần Mộng Tú ghi lại những nốt trầm của 17 năm xa xứ. Bài thơ “17 năm 17 đoạn thơ” mà chúng ta vừa nghe man mác cái tứ của thất ngôn, thể loại thơ gần với “hành”, với gươm cùn, với ngựa mỏi…Người đọc chia sẻ không khí cổ xưa trong bài thơ qua những từ rất cũ như chữ hiếu, chữ tình, cầm như…thế nhưng toàn bài thơ lại toát lên cái tứ rất mới, rất đa nghĩa và nhất là mang đậm nỗi nhớ tươi roi rói nhưng đôi khi ngơ ngác đến tội nghiệp.



Không phải lúc nào Trần Mộng Tú cũng cứng cỏi, mạnh mẽ của thất ngôn, bà sử dụng lục bát cũng bén và đa chiều đến bất ngờ. Chỉ với bốn câu trong bài “Mưa Seattle”, Trần Mộng Tú đã dẫn dụ người đọc đứng trước cái mênh mông của một sợi tóc mỏng manh:



Sáng nay ra phố gội đầu

giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa

cong tay hứng hạt mưa sa

mưa giăng mắt lưới xóa nhòa chỉ tay


Mưa và tóc, hai hình tượng nhạt nhòa trong bốn câu thơ trên gây cảm giác người phát hiện ra chúng đang tan dần vào số phận, vào định mệnh, vào những đường chỉ tay đầy bất trắc…



Những bài thơ cuối trong Tập Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm 1969-2009 của Trần Mộng Tú được lật sang trang của những năm hai ngàn, những năm đầu trong thiên niên kỷ mới. Và, nhà thơ, cũng như mọi người khác, hăm hở bắt đầu bằng hy vọng. Qua bài “Nhìn Nhau Rất Xa” bà viết:



Sáng đầu năm hồn em chắp cánh

bay lơ mơ vào một kỷ nguyên

dĩ vãng như bức tường trong suốt

bụi hôm qua rũ lại bên thềm



Em giấu em ở trong hạt gạo

nằm rất ngoan giữa những chân nhang

đợi tiếng giầy anh chạm bực cửa

về chia nhau một thế kỷ tàn



Đóa thủy tiên của ngày rất mới

đang quay đầu nhìn thế kỷ qua

những viên sỏi đã thành cổ tích

anh và em nhìn nhau rất xa



Và một hôm bà trở về nhà.

Việc đầu tiên là nhà thơ chia sẻ cái hạnh phúc mà bà có cho người yêu. Cái mà nhà thơ muốn chia trong bài thơ là một chút thân ái mà bà đánh mất nhiều năm, hôm nay gặp lại bà viết Trong bài “Chia nhau Hà Nội”:



Em gửi cho anh

chiếc lá bàng cuối thu Hà Nội

hồi chuông giáo đường

buổi sớm tinh mơ

góc phố Nhà Chung có bầy sẻ nhỏ

một con rất gầy

đứng hót ngu ngơ



Em gửi cho anh

ly cà phê buổi tối

mùi ngô non

nướng dưới cột đèn

mảnh than nhỏ sưởi mùa thu

sắp hết

hơ gót chân ai

hồng giữa phố đêm



Em gửi cho anh

chiếc kiềng bạc trạm

đang khoe mình

làm mới phố Hàng Gai

ảnh mẹ chụp mấy mươi năm về trước

cổ có đeo

một chiếc giống thế này



Em gửi cho anh

đất trời Hà nội

để anh nhớ về thành phố

tuổi thơ

nơi hạnh phúc là một viên kẹo bột

được bạn chia cho trong một lúc.


Ai là người may mắn này? Không biết! có thể là “anh” của Sài Gòn người trước khi chia tay. Có thể là“anh” của chốn dung thân, người từ bên kia bờ đại dương ngóng theo bước chân bà trong những ngày vacation ngắn ngủi. “Anh” cũng có thể là tiềm thức, là nhớ nhung là trăn trở và tại sao không, những mất mát cần tìm…



Quý vị vừa theo dõi một vài tác phẩm của nhà thơ Trần Mộng Tú trong tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm 1969-2009”. Hy vọng qua những bài thơ này, quý vị sẽ tìm thấy đôi điều đồng cảm với nhà thơ, người luôn chăm chút nỗi buồn có tên “quê hương” nỗi buồn mà ai trong chúng ta cũng đã ít nhiều kinh nghiệm….
Về Đầu Trang
THUY LOAN



Ngày tham gia: 12 May 2011
Số bài: 3197

Bài gửiGửi: Sun Jun 15, 2014 1:10 pm    Tiêu đề: Thơ Trần Mộng Tú

Có thể nói Trần Mộng Tú là nhà thơ nữ được biết đến nhiều nhất ở hải ngoại.

Ngôn ngữ thơ Trần Mộng Tú chuẩn mực, nghiêm túc, giống như ngôn ngữ của một nhà giáo, cân nhắc từng lời mình buông ra. Dù vậy, nhà thơ vẫn không giấu được một khối tình cảm đầy ắp ở bên trong. Ðầy mà không tràn. Tình yêu cũng chuẩn mực như chính ngôn ngữ của cô; hay đúng hơn, ngôn ngữ đã được chuẩn mực hóa như tình yêu của cô: vừa phải, chừng mức, nhưng không kém vẻ sâu sắc, ý vị.

Thơ Trần Mộng Tú là thơ tình. Thứ tình rất keo sơn, thủy chung. Thứ tình bất tận. Tình yêu quê hương. Tình yêu gia đình. Tình yêu đôi lứa và đặc biệt, tình yêu đối với cuộc đời, dù với bao cay đắng, phũ phàng. Trần Mộng Tú luôn ca tụng lẽ thiện và niềm hạnh phúc chung cho con người, nhưng không thù ghét cái ác, người ác. Thơ cô là biểu tượng lòng bao dung tha thứ của một người mẹ, một người chị, một người em gái, mở rộng vòng tay đối với những sai lầm, man trá, tàn ác...






Trăng Ðất Khách


     
        Những đêm trăng sáng tôi không ngủ

Âm thầm mắt lệ nhớ quê hương

Ngày về sao bỗng xa xăm quá

Tôi thức cùng trăng suốt đêm trường.

Vườn xưa lối cũ trăng còn sáng

Thềm vắng còn ai đứng đợi chờ

Ngôi nhà thân mến ai đang ở

Có còn đầm ấm khói hương xưa

Bạn cũ bây giờ ở chốn nao

Ngửng mặt nhìn trăng dạ có sầu

Chén trà có mặn đôi giòng lệ

Ngậm ngùi có khẽ gọi tên nhau

Còn giòng sông nửa đêm biệt ly

Tôi đã cùng sông khóc hẹn về

Trăng nước thân yêu còn lắng đợi

Giữ giùm nước mắt kẻ ra đi

Ôi trăng đất khách làm tôi khóc

Quê hương càng nhớ lòng càng đau

Liệu tóc còn xanh ngày trở lại

Quê người lưu lạc đến bao lâu!





(sưu tầm)
Về Đầu Trang
Lan Mimosa



Ngày tham gia: 21 Feb 2010
Số bài: 685

Bài gửiGửi: Wed Jan 28, 2015 12:20 pm    Tiêu đề: Những Tờ Lịch Cũ

Những Tờ Lịch Cũ


Trần Mộng Tú

Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ
Mới hay năm tháng đã thay mùa
(Thanh Nam)


Khi còn ở quê nhà, mỗi năm tôi đều mua một cuốn lịch để bàn, loại lịch xé mỗi ngày một tờ, không chỉ mua riêng cho tôi mà còn cho tất cả các bàn làm việc trong hãng Thông Tấn AP. Tờ lịch xé ra ghim vào một miếng gỗ có cái cây sắt nhọn để ngay bên cạnh cuốn lịch.

Hết năm, những ký giả theo truyền thống của Mỹ, thích đứng ở cửa sổ văn phòng, từ từng lầu thứ tư của Building Eden vào đúng ngày 30 cuối năm dương lịch, thi nhau thả những tờ giấy ghi ngày tháng cũ bay như bươm bướm xuống mặt đường. Tôi rất thích truyền thống này. Bao giờ tôi cũng đợi làm người sau cùng thả xuống, để không phải tranh chỗ với ai. Tôi thích nhìn tháng ngày của tôi bay xuống riêng một mình, không lẫn vào tháng ngày của người khác.

Có tờ bay thật là xa, nếu gặp gió có thể bay qua tới rạp Rex bên kia, cách cả hai con đường và cái công viên nhỏ ở giữa; có nhiều tờ vướng lại trên những cành me, của cây me bên dưới cửa sổ; có tờ đáp trên nóc một chiếc taxi đang đậu gần đó, hoặc rơi ngay vào lòng một chiếc xích-lô vừa tấp vào lề; có tờ rơi vào những gánh hàng rong đi ngang hay rơi trên vai một người vừa đi tới, như bướm đậu rất tình cờ. Khi tất cả đã rơi xuống thì mặt đường đầy những tờ lịch trắng bằng lòng bàn tay với những con số in trên đó, đôi khi còn có cả những hàng chữ ghi xuống của các ký giả, của các nhân viên dùng lịch nữa.Thả thời gian đi cũng có nghĩa là thả theo cả công việc của một năm qua.

Rơi như thế nào, thì từ trên khung cửa sổ cao ngó xuống, tôi đều thấy đẹp vô cùng. Những cánh bướm thời gian đang quay vòng luân vũ. Lúc đó, tôi còn trẻ nên chưa biết tiếc thời gian, chỉ thấy mang mang buồn vui lẫn lộn giữa cái không khí thay đổi của vạn vật trong đất trời.

Tuổi trẻ, nhìn ngày tháng cũ bay bay trong không gian thấy lòng mình lạ lắm. Tiếc ngày qua thì ít, nhưng mong ngày mới đến với tất cả hân hoan. Cuối năm dương lịch, tức là sửa soạn vào Tết âm lịch. Tết với bao nôn nao của tuổi trẻ, tuổi đang yêu đương mơ mộng. Trong thời chiến, biết bao người con gái mong đợi Tết đến, người yêu trong quân ngũ sẽ được nghỉ phép về ăn Tết. Sự trở về đó mang bao nhiêu thương mến!

Một điều gì đó có tên là hạnh phúc đón chờ mình trong những ngày mới đang đi tới.

Những năm tháng đó không bao giờ còn tìm lại được nữa.

Bốn mươi năm đã đi qua. Tôi bây giờ đứng đây, nhớ lại ngày sụp đổ miền Nam vẫn tưởng như một cơn mộng dữ. Trời đất mới vào tháng 3 âm lịch. Nhà nông mới bắt đầu xới đất trồng đậu, trồng cà. Cả một chuỗi ngày tháng xếp đặt cho mọi công việc trước mặt. Người dân miền Nam cần cù như những con ong bắt đầu làm mật.

Chúng ta tất cả, bỗng nhiên phải đối mặt với định mệnh nghiệt ngã của đất nước. Chúng ta tan tác như chưa từng bao giờ tan tác như thế. Người ở núi chạy xuống đồng bằng, người ở đồng bằng chạy ra biển. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng. Tướng mất quân, quân mất dân. Một cơn đại hồng thủy lửa và máu nhiều hơn nước.

Kim đồng hồ đứng lại. Thời gian ngừng trôi. Hàng ngàn, hàng vạn cái chết tức tưởi không ai ghi rõ ngày giờ.




Tờ lịch ngày thứ Tư, 30 tháng 4 năm 1975 đã đứng lại trong trái tim của tất cả con dân Việt từ Nam Quan cho đến Cà Mau.

Chỉ có sự khác biệt, mỗi người Việt đã giữ lại ngày 30/4 đó trong tim họ như thế nào.

Chắc chắn cái ký ức nạm vàng của kẻ này đã là ký ức máu và nước mắt của người kia. Điều đáng tủi buồn, cả hai người đó cùng là người Việt Nam.


Thế mà, bốn mươi cái Tết đã đi qua rồi đấy!

Trong mấy tháng đầu tiên ở Mỹ, có một lần tôi tìm được ở garage sale một cái đĩa sứ in nguyên năm lịch của năm 1975. Tôi đã mua đem về treo trong nhà và vẫn giữ cho đến bây giờ. Chiếc đĩa này tôi sẽ trao cho con tôi, để mai sau khi tôi không còn nữa, chúng sẽ nhớ ngày, nhớ tháng, nhớ năm, mẹ phải bỏ nước ra đi.

Cuối năm, năm ngoái, khi ghé vào hiệu sách gần nhà, lang thang tìm mua mấy cuốn sách nhi đồng cho cháu, tôi chợt nhìn thấy loại lịch để bàn, xé từng tờ mỗi ngày. Tôi đứng ngẩn người ra ngắm, như ngắm một người bạn cũ lâu ngày gặp lại.
Tất cả dĩ vãng xa xưa chạy về trong trí óc của một phụ nữ luống tuổi. Tôi ngắm nghía từng cuốn lịch với những đề tài khác nhau. Bối rối không biết nên chọn cho mình cuốn nào, để mỗi lần xé là một lần nhắc về quá khứ.

Tìm mãi chẳng có cuốn nào đúng theo ý mình. Cuối cùng tôi đành chọn một cuốn, mỗi ngày có một câu nói vui, để giúp lòng thanh thản. Mua về để trên bàn viết, ngay sát máy vi tính để nhớ xé. Kiếm sẵn một cái hộp để cạnh cuốn lịch, khi xé tờ nào thì cất ngay vào đó. Hai tháng đầu, tôi nhớ lắm, mỗi ngày xé một tờ, dần dần bận chuyện hàng ngày, cả tuần quên xé. Khi nhìn con số ghi ngày trên lịch và con số ở góc máy vi tính khác nhau, mới vội vàng xé. Đã có lúc tôi quên nguyên một tháng không xé, khi phải xé một nắm dày thời gian trong tay thấy lòng chùng hẳn xuống.

Tôi đã đủ già, để biết tiếc thời gian.

Những tờ lịch mới luôn luôn là một đề tài lôi cuốn trong đời sống. Nên mỗi năm, người ta làm lịch đủ mọi hình thức và mang những nội dung khác nhau, dù cũng chỉ là đếm ngày tính tháng. Bức hình phong cảnh thanh nhã hay hình súc vật hiền lành, hình ca sĩ, tài tử lộng lẫy,v.v…thì cũng vẫn ngày tháng đó. Hình ảnh hấp dẫn tới đâu cũng không kéo tháng dài ra thêm một ngày hay cắt đi ngắn một ngày trong  tuần được.

Những câu danh ngôn, câu thơ in trên lịch cố níu kéo thời gian trên cánh chim mùa xuân, hay thả thời gian bay như cánh ong mùa hạ cũng chẳng giúp được gì. Tờ lịch thản nhiên làm nhiệm vụ rất nghiêm chỉnh của nó: Rơi từng giọt thời gian mỗi giây, mỗi phút.

Thời gian tự nó trôi đi chứ không phải chờ tờ lịch rơi xuống mới đi theo.

Thi sĩ Thanh Nam, định cư ở Seattle, Washington khi cám cảnh thời gian của người di tản là chính mình, đã viết:

Một năm người có mười hai tháng
Ta trọn năm dài Một tháng Tư.

Cái tháng Tư đứng lại trong tim, trong trí mỗi người Việt di tản chứ không đứng lại trên tờ lịch. Chúng ta đã thay tới cuốn lịch thứ bốn mươi rồi. Bốn mươi năm đó biết bao nhiêu sự việc xảy ra chung quanh đời sống chúng ta. Có ai nhìn xuống cuốn lịch rồi bâng khuâng tự hỏi: Ta đã làm được gì cho mình, cho người, cho quê hương đất nước. Dòng thời gian bốn mươi năm ta xé mỗi ngày, có sót lại chút gì trong lòng bàn tay không?

Sang Mỹ mấy chục năm, tôi quên cái hình ảnh những cánh bướm thời gian thả vào một buổi chiều cuối năm dương lịch, quên cái nôn nao của yêu đương, mơ mộng và đôi khi quên mất tuổi mình.

Cuối năm dương lịch vừa đi qua, tôi mở chiếc hộp thời gian ra, nhặt lên những tờ lịch chính tay mình đã xé, thấy lòng mình chùng xuống. Bây giờ mang nắm thời gian này thả đi đâu? Tôi không ở cao ốc, làm sao mà mở cửa sổ tung xuống đường như những ngày còn ở Sài Gòn. Cái balcony nhà tôi không đủ cao và nếu tôi có vứt xuống thì chính tôi sẽ là người phải đi gom lại, vì sợ thời gian của tôi bay tung khắp nơi, làm phiền hàng xóm. Tôi đành bỏ tất cả vào lại trong hộp, chờ ngày 23 tháng chạp âm lịch, hóa lịch thay cho hóa vàng, tiễn ông Táo về trời.

Tôi đi mua một cuốn lịch để bàn cho năm 2015. Tôi lại bắt đầu xé thời gian mỗi cuối ngày. Tôi hỏi vào không gian trước mặt:

-         Tôi còn xé thời gian như thế này của bao nhiêu cuốn lịch nữa?

Không gian im lặng.

Tôi biết rằng nếu tôi có hỏi một ai đó, cũng sẽ không ai trả lời cho câu hỏi của tôi rõ rệt được. Họ chỉ phỏng đoán và phần đông đều đoán sai.

Tôi xé thời gian ra từng mảnh
sao vẫn còn nguyên tháng Tư buồn
tôi hóa thời gian theo vàng mã
tàn tro bám chặt ở trong hồn
(tmt)

Đã bao nhiêu tờ lịch rơi xuống, bay đi trong bốn mươi năm, nhưng tờ lịch ngày 30 tháng Tư thì hình như không rơi xuống, không bay đi được, nó nằm chôn sâu trong lòng những người miền Nam và thời gian dừng lại ở đó…..ở đó. Thời gian không có tác động gì với những trái tim người di tản.

Trần Mộng Tú

Tết Ất Mùi -2015
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân