TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - VIẾT THÊM VỀ TUỔI 60
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

VIẾT THÊM VỀ TUỔI 60

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Sun Aug 25, 2013 4:03 am    Tiêu đề: VIẾT THÊM VỀ TUỔI 60



VIẾT THÊM VỀ TUỔI 60


      TUỔI SÁU MƯƠI

      Thấy Mai Thọ, Lê Đình Đức và Henry Chang nói về tuổi 60, mình thấy có cái gì đó vui vui; nên hôm nay chủ nhật rảnh việc, viết đôi giòng để cho trang website DuyTan có phần “góp nhặt tự bốn phương, tung ra khắp muôn phương”.

      Thật ra, theo truyền thống của tư tưởng cổ thời Trung Hoa vì chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo nên người nước ta hay nói đến lục thập hoa giáp. Chứ theo truyền thống tư tưởng Ấn Độ thì hầu như họ không để ý đến thời gian, vì họ quan niệm rằng chúng ta hiện nay là cái thân xác được hóa thân từ bao đời vô minh của kiếp trước. Một đằng quan tâm đến thân xác (nên rất chú trọng đến đám giỗ, mồ mả, xuất hành, kinh doanh v. v.., một đằng chỉ quan tâm đến đời sống tâm linh nên luôn trầm tư để làm sao giải thoát khỏi thân xác này). Vì thế triết học cổ thời Trung Hoa thường được xem là triết học nhập thế, còn Ấn Độ là triết học xuất thế là vậy. Tuy nhiên sau này đến thế kỷ XX, một đại triết gia kiêm triết học sử gia của Trung Hoa, PHÙNG HỮU LAN (1895-1990) đã khởi xướng học thuyết “SIÊU THẾ GIAN” tức là dung hòa hai khuynh hướng nói trên.

      Trở lại cái tuổi 60. Như chúng ta đã biết, với lục thập hoa giáp theo âm lịch ai sinh ra năm nào thì đúng sau 60 năm sau tuổi của mình trở lại can chi cũ. Ví dụ anh A sinh năm 1948, theo âm lịch là Mậu Tý, thì 60 năm sau, tuổi của anh A trở lại can MẬU và chi TÝ (tuổi ta tính là 61 tuổi). Nên mở ngoặc thêm để nói về điểm này: một người sinh mùng 1 tháng giêng năm Mậu Tý (của năm dương lịch 1948) sẽ trùng giờ, ngày, tháng và năm sinh của một người sanh năm 2008) ; tức là, nếu lấy lá sô tử vi thì anh A sinh giờ Tý ngày 01 tháng giêng năm Mậu Tý (1948) sẽ trùng lá số tử vi của anh B sinh giờ Tý ngày 01 tháng giêng năm Mậu Tý (2008). Vì thế, nếu lấy số Tử Vi, máy computer sẽ toán ra trên dưới 565. 000 lá số tử vi dùng cho cả 3, 4 tỉ người trên quả đất này! Vậy thì các bạn đừng nên tin vào số tử vi nhé! Bởi thế, Tử Bình mới thêm các chi tiết: thượng nguyên, trung nguyên và hạ nguyên! để lá số của anh A khác với của anh B là vậy!

      Có lẽ người đời quan tâm đến tuổi 60 là do câu nói sau của Đức Khổng Tử (551-479) “ Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục” (Luận ngữ, thiên Vi Chính) (không gõ được chữ Hán). Xin tạm dịch là: “Đến tuổi 30 phải có nghề nghiệp để lập thân, 40 tuổi thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa, 50 tuổi là biết được mệnh trời, 60 tuổi thì đã thuận mệnh trời, 70 tuổi tùy tâm và ý muốn của mình. ”

      Sau đây, mình xin bàn thêm cho vui về câu trên nhé: 30 tuổi mà không có nghề ngỗng gì thì khổ rồi phải không, ai dám gả con gái cho! Còn đến tuổi 40 thì từng trải có kinh nghiệm rồi, khi quyết định việc gì đâu còn nghi ngờ nữa. Đến 50 tuổi mà chết, không bị thiên hạ cho là chết non ; cho nên có chết thì hãy đợi đến 50 tuổi tây tức 51 tuổi ta hẵng chết nhé. 60 tuổi là thọ rồi, con cháu mừng lục thọ cha mẹ; Việt Nam hiện nay về hưu ở tuổi này (thời trước về hưu ở tuổi 55). Đến 70 tuổi mà còn thọ thì quá tốt! (Vì thế có mấy ông Việt Kiều ở tuổi này hay về VN kiếm bồ nhí, vì ổng nói tôi làm theo lời dạy của Đức Thánh sư Khổng Tử mà, tức là: tùng tâm sở dục!)

      Mình làm công việc chuyên về định cư, thăm thân nhân và du học (chủ yếu là các nước nói tiếng Anh) trên 25 năm nay rồi nên thỉnh thoảng thấy mấy ông Việt kiều Mỹ có, Úc có, Gia-nã-đại có: tuổi 65, 70 hay 72, 75 về VN cưới vợ hoặc đính hôn. Cưới/đính hôn với mấy cô 30 tuổi, cũng có các cô 23, 25 tuổi! (không biết có cưới thực không! vì sau khi hưởng tuần trăng mật xong, ông ta ôm theo giấy tờ về xứ, bặt tâm luôn làm cho các cô này tiến hành thủ tục ly hôn thật khó khăn; tội nghiệp mấy cô này quá!) Quả thực, mấy ông này trông còn trẻ và còn “gân” lắm so với mấy cụ ta trạc tuổi này ở VN! Có lẽ khí hậu và cuộc sống ở xứ người làm cho con người ta trẻ lại so với những người sống ở miền nhiệt đới cùng với cuộc sống ruộng vườn với nhiều nỗi lo toan chăng?

      Trong khi đó bên tai chúng mình, vẫn còn văng vẳng mấy vần thơ đậm đà mùi thoát tục của thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916-1976):

      Ta còn để lại gì không
      Kìa non đá lở nọ sông cát bồi
      Lang thang mấy độ luân hồi
      U minh nẻo trước xa khơi dặm về
      Trông ra bến cả bờ mê
      Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương
      Ta van cát bụi bên đường
      Dầu nhơ dầu sạch đừng vương gót này.


      ĐỖ KIM PHỤNG



Về Đầu Trang
henry chang



Ngày tham gia: 01 Oct 2008
Số bài: 1223
Đến từ: Hawaii

Bài gửiGửi: Sun Aug 25, 2013 5:11 am    Tiêu đề: Trí nhớ siêu Việt

Đọc bài VIẾT THÊM VỀ TUỔI 60 của anh ĐỖ KIM PHỤNG thật hay,không biết sau này 5,10 năm sau có được trí nhớ và đầu óc minh mẩn như anh không ? quả thật là phải phục Anh

Xin gởi tặng bài viết trong La Grande Epoque để đọc cho VUI


 
                  Túi Khôn của người Xưa


Tô Đông Pha là một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Tống (960-1279), ông rất quan tâm đến Phật giáo. Một ngày nọ, trong khi nghiên cứu kinh điển, ông cảm thấy rằng ông đã tỉnh thức và không có tư tưởng mông lung trong đầu óc. Cao hứng, ông đã viết một bài thơ nói rằng ông vững chắc như một tảng đá, không thể bị lay chuyển bởi bất kỳ ‘bát phong’, (tám ngọn gió) – tám điều cám dỗ: được, mất, vu khống, tâng bốc, khen, chê, sợ hãi hay vui sướng.

Ngay sau đó, ông đã gửi một sứ giả mang bài thơ cho người bạn của mình, một nhà sư sống ở phía bên kia sông, bởi vì ông muốn biết ngưòi bạn nghĩ gì. Nhà sư đã phê bình bài thơ là “ngớ ngẩn” và sau đó gũi trả lại.

Nhà thơ giận dữ và lấy thuyền đi gặp nhà sư. Khi đến bến, nhà thi sĩ đợi nhà sư.

Ông chất vấn vị tu sĩ: “Tại sao sư lại nói rằng bài thơ của tôi là “ngớ ngẩn”?

Nhà sư mỉm cười và nói: “Trong bài thơ của ông bạn, ông nói rằng ông sẽ không bị lay chuyển bởi các thứ được, mất, vu khống, tâng bốc, khen, chê, sợ hãi hay vui sướng. Tại sao bạn nổi giận chỉ vì một từ?

Chú thích:
-Theo truyền tụng, Tô Đông Pha nhà thơ nổi tiếng đời nhà Tống, được cộng đồng Trung hoa khen ngợi là một thi sĩ rất tao nhả, tuyệt không vướng chút bụi trần, được tặng cho cái danh hiệu “bát phong truy bất động” (*). Bản dịch tiếng Pháp của Đại kỷ nguyên tiếng Pháp La Grande Epoque về câu chuyện Tô Đông Pha có thay đổi đôi chút cho dễ hiểu đối với độc gỉa phương tây, cần truy cứu lại bản Hán văn.
-(*) Bát phong truy bất động = tám ngọn gió không lay chuyển được.

Đọc bản gốc tiếng Pháp

http://www.epochtimes.fr/front/13/7/10/n3508599.htm
Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Mon Aug 26, 2013 10:48 am    Tiêu đề: GỬI EM HENRY CHANG

Henry Chang thân mến,

Đến hôm nay anh mới biết Henry Chang quá giỏi . Em như vậy là biết 04 thứ tiếng : Việt, Hoa, Anh và Pháp .  Bởi vậy mới sinh ra thằng con lấy Ph. D. degree tại một trường đại học lẫy lừng ở Hoa Kỳ . Cũng mừng cho em . Ra nước ngoài như em mà chịu khó học hành và nghiên cứu là hay lắm, không quan tâm đến tiền tài .

Thôi trở lại đề tài nhé .  Liên quan đến thi hào TÔ ĐÔNG PHA, em có thể gửi mua cuốn : TÔ ĐÔNG PHA và NHỮNG PHƯƠNG TRỜI VIỄN MỘNG của TUỆ SỸ (do nhà An Tiêm, Paris,  xuất bản 2001 hay có thể mua từ Việt Nam do nxb Văn Hóa Saigon in lần thứ ba,  2007. Lần in thứ nhất là vào năm 1973 do Ca Dao , Saigon, xuất bản).  Thầy Tuệ Sỹ viết cuốn này lúc thầy 30 tuổi .

Bây giờ vì anh biết em rành chữ Hán và biết thêm tiếng Pháp & Anh, nên anh đề nghị em thế này nhé :

1-  Em dở lại ĐẠO ĐỨC KINH của LÃO TỬ , lật ra chương  6, đọc sáu câu thơ sau :

Cốc thần bất tử,
Thị vị huyền tẫn .
Huyền tẫn chi môn,
Thị vị địa căn .
Miên miên nhược tồn,
Dụng chi bất cần .

Anh lưu ý em hai chữ : CỐC THẦN . Bản chữ Việt đa số đều dịch là THẦN HANG . Bản chữ Pháp dịch là ESPRIT DE LA VALLÉ, bản chữ Anh dịch như chữ Pháp, tức là : VALLEY SPIRIT .  Nhưng mà theo một vị học giả cư sĩ (sau này anh sẽ nói tên) thì ông cho rằng : Không nên hiểu một cách tầm thường ý nghĩa của hai chữ CỐC THẦN .  Ý ông muốn nói đó là một [i]cái  sáng suốt không sinh không diệt [/i]mà nhà Phật gọi là Phật tính, còn Ấn giáo gọi là ATMAN . Và toàn bài thơ 6 câu ấy chứa đựng một phương cách phi thường nhằm chỉ dạy kẻ hậu sinh tu hành đạt đến chỗ TỰ TẠI bằng cách mở nguồn sáng tâm linh . Anh thấy vị cao nhân này nói có lẽ đúng, vì chỉ cần em đọc lại bài thơ mở đầu (Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh . . .cho bộ Đạo Đức Kinh (gồm 81 bài) thì em sẽ thấy cái bí ẩn trong các chữ và lời của Lão Tử (và ngay cuộc đời của Ngài cũng bí ẩn và kỳ diệu rồi !)

2- Anh thấy toàn bộ ĐẠO ĐỨC KINH này chỉ có 02 bài thơ này là cốt lõi  thôi (theo cái nhìn huyền bí của Đông phương) . Em thấy sao ? À, mà này .  Ở Hawaii hình như có một đại học rất nổi tiêng (trong đó có Trung Tâm Đông Tây,  mà những năm 40, 50 của thế kỷ trước là nơi gặp gỡ của các triết gia Đông và Tây trao đổi các vấn đề mang tính siêu hình học ) .  Em có thể đến đó xem sao, có tài liệu nào viết về sự huyền nhiệm của Đạo Đức Kinh không .

Chúc em có nhiều bài cho website Duytan .

ĐKP
Về Đầu Trang
henry chang



Ngày tham gia: 01 Oct 2008
Số bài: 1223
Đến từ: Hawaii

Bài gửiGửi: Mon Aug 26, 2013 8:24 pm    Tiêu đề: ĐẠO ĐỨC KINH

Anh ĐỖ KIM PHỤNG kính mến, cùng các Anh Chị Em Thân Thương
Cần viết lên đây lời đính chính lời khen rất thân tình của anh ĐKP về tiếng thứ 04 (Pháp văn)

Ngày xưa ở Việt-Nam, Trường Trung Học Duy-Tân bắt đầu lớp đệ Tam ,có học thêm sinh ngữ phụ là Pháp văn
Sau bao nhiêu năm ít dùng ngày nay trả lại hết cho Thầy Cô rồi ,chỉ còn nhớ lại đôi ba câu chào hỏi xả giao hằng ngày

Anh có nhắc về Trung Tâm Đông Tây nằm ở trong Đại Học Manoa ở Honolulu ?
Vâng,đó là EAST-WEST CENTER
Trung tâm Đông-Tây thúc đẩy mối quan hệ tốt hơn và sự hiểu biết giữa người dân và quốc gia của Hoa Kỳ, châu Á và Thái Bình Dương thông qua nghiên cứu đối thoại  và  nghiên cứu hợp tác




                     Đạo đức kinh
http://nhantu.net/TonGiao/DaoDucKinh/DaoDucKinh.htm
                               

Nhận xét/Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lời lẽ trong Đạo Đức Kinh rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, luận về hai chữ "Đạo Đức", nói về cơ tạo hóa, định vị trời đất, hóa sinh vạn vật, và những phương pháp huyền bí dạy về tu luyện để đắc thành bậc Thiên Tiên.

Nhân ái
Ông khuyên tri nhân giả trí, tự tri giả minh, nghĩa là biết người khác chỉ mới là trí, nhưng tự biết mình thì mới là sáng. Như vậy ông chú trọng đến việc tự chinh phục bản thân hơn là chinh phục kẻ khác. Nên bằng lòng với cái mình có, tri túc chi túc hà thời túc, tri nhàn chi nhàn hà thời nhàn, nghĩa là biết đủ thì đủ và lúc nào cũng đầy đủ cả, biết nhàn thì nhàn và lúc nào cũng nhàn cả.


Nghe lời chỉ bảo của Anh , em mở ra ĐẠO ĐỨC KINH. Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ. khảo luận & bình dịch,CHƯƠNG 6

                                        Bàn về cách sống để dung hòa được với ĐẠO ?


ĐẠO ĐỨC KINH


Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

khảo luận & bình dịch


CHƯƠNG 6

THÀNH TƯỢNG

成 象

Hán văn:

谷 神 不 死 是 謂 玄 牝. 玄 牝 之 門, 是 謂 天 地 根. 綿 綿 若 存. 用 之 不 勤.

Phiên âm:

1. Cốc thần [1] bất tử thị vị Huyền tẫn. [2]

2. Huyền tẫn chi môn thị vị thiên địa căn.

3. Miên miên [3] nhược tồn. Dụng chi bất cần. [4]

Dịch xuôi:

1. Cốc thần bất tử, đó là Huyền tẫn.

2. Cửa Huyền tẫn chính là gốc rễ trời đất.

3. Miên man trường tồn, dùng không bao giờ hết.

Dịch thơ:

Trời bất tử, trường sinh bất tử,

Cửa trường sinh là cửa càn khôn. [5]

Miên man muôn kiếp vẫn còn,

Muôn nghìn biến ảo mà tuồng trơ trơ.

BÌNH GIẢNG

Chương sáu này thực ra rất giản dị; đại ý rằng: Đạo hay Cốc thần trường sinh bất tử đó là cánh cửa kiền 乾 (Huyền 玄) khôn 坤 (tẫn 牝) đó là gốc gác, căn cơ của đất trời. Đó là một nguồn sinh tung tỏa vô cùng vô tận, dùng mãi chẳng hề vơi.

Chương này được các Đạo gia đặc biệt khai thác để áp dụng vào phương pháp tu thân, luyện đơn, cầu đạo, đi tìm trường sinh bất tử. Chính vì vậy mà ta cần khảo cứu chương này cho thấu đáo.

A. Cốc thần 谷 神 là gì?

Tiên học từ điển 仙 學 辭 典 giải: Cốc là hư 虛; thần là linh giác 靈 覺. Phép luyện đơn lấy «hư linh bất muội làm căn bản» 虛 靈 不 昧 為 本. Nên Cốc thần chính là «Không linh chi nguyên thần» 空 靈 之 元 神. [6]

Lưu Nhất Minh 劉 一 明 trong quyển Chu dịch xiển chân 周 易 闡 真 minh định rằng: «Cốc thần chính là: Thái cực 太 極 theo Nho giáo; Viên giác 圓 覺 theo Phật giáo; Kim đan 金 丹 theo Lão giáo.

«Cốc, ở đồ bản tròn của Dịch, thời ở vào điểm trống không ở giữa; ở đồ bản vuông của Dịch thời ở nơi tâm điểm chữ thập; ở nơi con người thời ở chỗ tứ tượng hòa hợp. Thần, ở đồ bản tròn của Dịch thời ở nơi Kiền Khôn tương giao; ở đồ bản vuông của Dịch thời ở nơi hai cánh chữ thập giao tiếp nhau; ở nơi con người, thời ở nơi tứ tượng động tĩnh. [... ] Cổ nhân gọi đó là ‘Sinh môn, tử hộ’ 生 門 死 戶, ‘Tạo hóa lô’ 造 化 爐 ‘Âm dương hộ’ 陰 陽 戶. Nho gia gọi là ‘Đạo nghĩa chi môn’ 道 義 之 門. Phật gia gọi là ‘bất nhị pháp môn’ 不 二 法 門. Đạo gia gọi là ‘Chúng diệu chi môn’ 眾妙之門. Cũng có thể gọi chung là «Giá cá» 這個. [7]

Lưu Nhất Minh cũng còn cho rằng: Cốc thần 谷 神 hay Nguyên tẫn 元 牝 [8] (Huyền tẫn 玄 牝) cũng chỉ là một. [9]

Bạch tổ 白 祖 cho rằng: «Đầu con người có chín cung, cung chính giữa là Cốc thần. Thần thường ở trong hang động của mình ban ngày tiếp xúc với vật, đêm tối tiếp xúc với mộng, vì thế không yên ở nơi chốn được». [10]

Như vậy Cốc thần chính là ở nơi nê hoàn cung, vì Nê hoàn chính là «Bản cung của Thần» ở trong con người. [11]

B. Huyền tẫn 玄 牝 là gì?

Lão tử cho rằng Huyền tẫn chính là Cốc thần: «Cốc thần bất tử, thị vị huyền tẫn.»

Các dịch giả châu Âu thường dịch là: la Femelle obscure (Duyvendak); la mère mystérieuse (Wieger); the Female mystery (J. Legge), v. v...

Nhưng khảo cứu Đạo gia ta thấy: Huyền tẫn chính là Thái cực, là nơi âm dương hợp nhất, kiền khôn giao thái, vì thế Lưu Nhất Minh mới nói: «Huyền tẫn tương giao, lương tri, lương năng hỗn thành vô ngại, kim đan ngưng kết. Danh viết: Cốc thần, hựu danh Thánh thai.» 玄 牝 相 交 良 知 良 能 混 成 無 礙 金 丹 凝 結 . 名曰: 谷 神 又 名 聖 胎 [12] Sách Kim đan đại thành tập viết: «Huyền tẫn là gì? Đáp viết: Ở trên là Huyền, ở dưới là Tẫn. Một khiếu Huyền quan phía trái là Huyền, phía phải là Tẫn.» [13]

Vì thế các nhà luyện đơn mới cho rằng:

«Yếu đắc Cốc thần trường bất tử,

Tu bằng Huyền tẫn lập căn cơ.» [14]

要 得 谷 神 長 不 死 ; 須 憑 玄 牝 立 根 基.

Nói nôm na rằng: Muốn đắc đạo, muốn trường sinh bất tử, phải biết phối hợp Huyền tẫn, nghĩa là phối hợp âm dương, phối hợp nhân tâm với Đạo tâm, phối hợp Thần, Hồn.

ÂM + DƯƠNG = THÁI CỰC

TẪN + HUYỀN = ĐẠO

NHÂN TÂM + ĐẠO TÂM = CỐC THẦN

HỒN + THẦN

Mà nơi phối hợp chính là ở Nê hoàn cung 泥 丸 宮 ở chính giữa đầu não con người (Huyền quan nhất khiếu 玄 關 一 竅, Huyền tẫn 玄 牝, Thượng đan điền 上 丹 田).

Chính vì thế mà Huyền tẫn còn được gọi là: Huỳnh phòng 黃 房, Thần thất 神 室, Kim đỉnh 金 鼎, Ngọc lô 玉爐, Huyền quan 玄 關, Chân thổ 真 土, Ngân ngạc 鄞 鄂 …[15]

Sách Thông thiên bí thư 通 天 秘 書 có cả một chương nói về Huyền tẫn. Đại loại Huyền tẫn là:

Thái hư chi cốc 太 虛 之 谷

Tạo hóa chi nguyên 造 化 之 源

Hỗn độn chi căn 混 沌 之 根

Thái cực chi đế 太 極 之 蒂

Hư vô chi hệ 虛 無 之 系

Qui căn khiếu 歸 根 竅

Phục mệnh quan 復 命 關

Mậu kỷ môn 戊 己 門

Hoàng trung cung 黃 中 宮

Đan nguyên phủ 丹 元 府

Chân nhất xứ 真 一 處

Huỳnh bà xá 黃 婆 舍

Chu sa đỉnh 朱 砂 鼎

Long hổ huyệt 龍 虎 穴

Qui trung 規 中

Trung 中(trung điểm vòng Dịch), v. v... [16]

C. Huyền tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn.

玄 牝 之 門 是 謂 天 地 根

Biết được Cốc thần, biết được Huyền tẫn chi môn, tức là biết được gốc gác, căn cơ của trời đất, vạn vật. Chẳng những thế còn biết được căn cơ, gốc gác của con người. Biết được căn cơ, gốc gác, tức là biết được nơi chốn trở về, vì thế trên đã nói Huyền tẫn chi môn cũng chính là: Qui căn khiếu, Phục mệnh quan.

Sách Kim đan đại thành tập viết: «Giữ được chân nhất ở Thiên cốc (Nê hoàn) khí vào được Huyền quan, tức là đạt tới Bản lai thiên chân». [17]

Đạt tới Căn nguyên 根 源 tức là tìm ra được «Bản lai diện mục» 本 來 面 目. [18] Biết được Huyền tẫn chi môn, tức là biết chỗ luyện đan, biết nơi ngưng kết thánh thai.

Sách Thông thiên bí thư viết: «Ở trong con người có một khiếu gọi là Huyền tẫn... Huyệt này là gốc gác căn cơ cho khoa luyện đan, hoàn phản; là nơi thần tiên ngưng kết thánh thai.» [19]

D. Biết được lò cừ Tạo hóa rồi, biết được Chân thể của Đạo rồi thì thấy mọi sự đều vĩnh cửu.

Từ biến chuyển nhìn ra trời đất,

Thì đất trời chớp mắt đã qua.

Từ trong vĩnh cửu nhìn ra,

Muôn loài muôn vật như ta, vô cùng. [20]

[1] Cốc thần 谷 神: các dịch giả châu Âu thường dịch Cốc thần là l’Esprit de la Vallée, như vậy không có nghĩa gì. Wieger dịch là: «La puissance expansive transcendante qui réside dans l’espace médian», không sai nhưng dài dòng quá.

[2] Huyền tẫn 玄 牝: nên hiểu Huyền là dương, tẫn là âm, và Huyền tẫn Thái cực nơi âm dương hợp nhất.

[3] Miên miên 綿 綿: dài dằng dặc.

[4] Cần 勤: hết.

[5] Ngộ chân thiên 悟 真 篇 vân:

Yếu đắc Cốc thần trường bất tử              要 得 谷 神 長 不 死

Tu bằng Huyền tẫn lập căn ky                 須 憑 玄 牝 立 根 基

Chân tinh ký phản huỳnh kim ốc             真 精 既 返 黃 金 屋

Nhất khỏa minh châu vĩnh bất ly.            一 顆 明 珠 永 不 離

[6] Đái Nguyên Trường 戴 源 長, Tiên Học từ điển 仙 學 辭 典, tr. 89: Cốc giả hư dã, thần giả linh giác dã, đan pháp dĩ hư linh bất muội vi bản, thị cốc thần giả, nãi không linh chi nguyên thần dã. 谷 者 虛 也, 神 者 靈 覺 也, 丹 法 以 虛 靈 不 昧 為 本, 是 谷 神 者, 乃 空 靈 之 元 神 也.

[7] Xem Lưu Nhất Minh, Chu dịch xiển chân, tr. 11. Thị cốc dã, tại viên đồ tắc Kiền Khôn trung hư xứ thị, tại phương viên tắc thập tự trung phân xứ thị, tại nhân thân tắc tứ tượng hoà hợp xứ thị. Thị thần dã, tại viên đồ tắc Kiền Khôn giao đại xứ thị, tại phương viên tắc thập tự giao tiếp xứ thị, tại nhân thân tắc tứ tượng động tĩnh xứ thị. [...] Cổ nhân hiệu viết sinh môn tử hộ, hựu viết tạo hoá lô, âm dương lô; Nho viết Đạo nghĩa chi môn; Thích viết bất nhị pháp môn; Đạo viết chúng diệu chi môn. Tổng nhi ngôn chi viết Giá cá nhi dĩ. 是 谷 也, 在 圓 圖 則 乾 坤 中 虛 處 是, 在 方 圓 則 十 字 中 分 處 是, 在 人 身 則 四 象 和 合 處 是. 是 神 也, 在 圓 圖 則 乾 坤 交 代 處 是, 在 方 圓 則 十 字 交 接 處 是, 在 人 身 則 四 象 動 靜 處 是. [...] 古 人 號 曰 生 門 死 戶, 又 曰 造 化 爐, 陰 陽 爐; 儒 曰 道 義 之 門; 釋 曰 不 二 法 門; 道 曰 眾 妙 之 門. 總 而 言 之 曰 這 個 而 已. (xem Tiên Thiên Phương Viên Đồ 先 天 方 圓 圖; ấn bản Chu Dịch Xiển Chân, Tây An 西 安 Trung Quốc, 1995, tr. 25-26.)

[8] Huyền tẫn 玄 牝 từ đời nhà Thanh được cải là Nguyên tẫn 元 牝 để tránh tên húy nhà vua.

[9] Xem Lưu Nhất Minh, Chu Dịch Xiển Chân, tr. 9: Sở vân cốc thần bất tử, thị vị nguyên tẫn, nguyên tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn dã. 所 云 谷 神 不 死,是 謂 元 牝,元 牝 之 門,是 謂 天 地 根 也 (Bản Tây An 1995, tr. 25)

[10] Bạch tổ viết: «Nhân chi đầu hữu cửu cung, trung nhất cung danh viết Cốc thần. Thần thường cư kỳ cốc, nhật tắc tiếp ư vật, dạ tắc tiếp ư mộng, bất năng an định kỳ cư dã.» 白 祖 曰 : 人 之 頭 有 九 宮 中 一 宮 曰 谷 神 神 常 居 其谷 日 則 接 於 物 夜 則 接 於 夢 不 能 安 定 其 居 也 . Tiên học từ điển, mục từ Cốc thần, tr. 89.

[11] Nê hoàn thần chi bản cung 泥 丸 神 之 本 宮 (Thôi Hi Phạm 崔 希 范, Nhập dược kính 入 藥 鏡, tr. 10b.)

[12] Lưu Nhất Minh, Chu dịch xiển chân, các đồ hình tr. 9. Như vậy Huyền là dương, Tẫn là âm.

[13] Kim đan đại thành tập 金 丹 大 成 集, chương 4a.

[14] Xem Chu dịch xiển chân, tr. 9a.

[15] Chú viết: Huỳnh phòng, Thần thất dã, Kim đỉnh dã; Ngọc lô dã; Huyền quan dã; Chân thổ dã; Ngân ngạc dã... 注 曰 : 黃 房 神 室 也 金 鼎 也 玉 爐 也 元 關 也 元 牝也 真 土 也 鄞 鄂 也 Thôi Hi Phạm, Nhập dược kính, tr. 4b.

[16] Thông thiên bí thư 通 天 秘 書, quyển 4, tr. 9b.

[17] Vấn: Thái ất hàm chân. Đáp viết: Thủ chân ư Thiên cốc, khí nhập Huyền quan, tức đạt «bản lai Thiên chân» 問 : 太 乙 含 真 答 曰 : 守 真 於 天 谷 氣 入 玄 關 即 達 本 來 天 真. Kim đan đại thành tập, tr. 6b.

[18] Đỗng kiến bản lai diện mục, chứng triệt vô thượng căn nguyên 洞 見 本 來 面 目 證徹 無 上 根 源. Xướng đạo chân ngôn 倡 道 真 言, quyển 1, tr. 2b.

[19] Phù thân trung nhất khiếu danh viết Huyền tẫn. Thử huyệt nãi kim đan hoàn phản chi căn; thần tiên ngưng kết thánh thai chi địa. 夫 身 中 一 竅 名 曰 玄 牝 . 此 穴 乃 金 丹 還 返 之 根 ; 神 仙 凝 結 聖胎 之 地 Thông thiên bí thư, quyển 4, tr. 9b.

[20] Cái tương tự kỳ biến giả nhi quan chi, tắc thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn; tự kỳ bất biến giả nhi quan chi, tắc vật dữ ngã giai vô tận dã. 蓋 將 自 其 變 者 而 觀 之 則 天 地 曾 不 能 以 一 瞬 ;自其 不 變 者 而 觀 之 則 物 與 我 皆 無 盡 也 . Tô Đông Pha 蘇 東 坡, Tiền Xích bích phú 前 赤 壁 賦. Xem bài phú Tiền Xích bích của Tô Thức 蘇 軾, bản dịch Nguyễn Văn Thọ, tạp chí Văn đàn, năm thứ 3, bộ 3, số 41, ngày 9 đến 15. 8. 1962.
Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Tue Aug 27, 2013 9:12 am    Tiêu đề: Thư gửi Henry Chang

Henry Chang thân mến,

Cảm ơn em đã trích dẫn nguồn tài liệu có thẩm quyền của một bậc thức giả VN trước 1975 . Em còn cuốn sách này là hay lắm . Trước đây anh có đọc sách của BS Nguyễn Văn Thọ, GS Nguyễn Duy Cần cũng như của LM Kim Định vì các vị này có dạy đại học văn khoa Saigon (chứng chỉ triết học Trung Hoa, một trong 04 chứng chỉ chuyên khoa của văn bằng Cử nhân giáo khoa triết học Đông phương không kể chứng chỉ Dự bị văn khoa) . Em nên nhớ 03 vị này đều không có văn bằng Cao Học (Diplôme d'Étude Superieur) hay  M.A  (bây giờ gọi là Thạc sĩ, hồi trước họ chỉ gọi là M.A thôi) hay Tiến sĩ gì cả nhé .  Nhưng hồi đó giáo dục Việt Nam trọng thực tài chứ không trọng bằng cấp như bây giờ !

Anh thích triết học Ấn Độ hơn triết học Trung Hoa (không biết lý do gì ? có lẽ sau này anh sẽ nói  với em thôi) . Cho đến bây giờ anh vẫn ngưỡng phục các đạo sư người Ấn Độ ; nhất là : KRISHNAMURTI (1895-1986), VIVEKANANDA (1863-1902) và RAMAKRISHNA (1836-1886).  Riêng  Sri RAMAKRISHNA có 02 câu nói bất hủ mà suốt đời anh ghi nhớ trong tâm . Đó là : A HOLY MAN MUST LIVE AWAY FROM WOMAN . ALL SINK THERE . (trang  188 trong The Gospel of Sri Ramakrishna , xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2007, bản in lần thứ 10  của Swami Nikhilananda (1895-1973) ; và trong  suốt cuốn sách khổ lớn dày ngót 1100 trang chữ nhỏ này Ngài lặp đi lặp lại hoài câu : YOU MUST LIVE AWAY FROM WOMAN AND GOLD IF YOU WOULD LIKE TO RECOGNIZE GOD ) .


Thôi, vậy là chấm hết mấy bài về TUỔI 60 nhé . Lần sau viết về đề tài nào cho thấy "TRẺ" lại đi ! Ôi chao ! Sao mà người ta lại sợ GIÀ  nhỉ . Ở VN này người ta không dám gọi người già  mà là người cao tuổi ! Già thì già về thân xác thôi chứ làm sao mà già về tinh thần (hay tâm linh); vì vậy anh khoái tư tưởng Ấn Độ là chỗ đó : Họ không để ý đến thân xác và thời gian , khác với tư tưởng Trung Hoa cổ thời rất chú trọng đến tuổi tác và thân xác , bởi mới có nghĩ ra thuật trường sinh bất lão .  

Sau cùng cho anh có lời cảm ơn Henry Chang,  Mai Thọ , Thịnh Đặng và Phước Chung vì đã sưu tầm và cho đăng nhiều bài rất bổ ích cho bạn đọc .

Hẹn dịp khác .

ĐKP
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân