TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nhớ về trường trung-học bán công Nguyễn Công Trứ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nhớ về trường trung-học bán công Nguyễn Công Trứ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Trung Học Nguyễn Công Trứ Xưa
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Thu May 30, 2013 8:17 am    Tiêu đề: Nhớ về trường trung-học bán công Nguyễn Công Trứ



Nhớ về trường trung-học bán công Nguyễn Công Trứ


      Nhớ về trường trung-học bán-công Nguyễn Công- Trứ
      Diệu-Huyền than-mến,
      DH có nhã-ý yêu-cầu tôi viết bài về trường trung-học bán-công Nguyễn-Công-Trứ. Vì bận nhiều việc, mãi đến nay mới bắt đầu nhớ lại để viết đây. Lâu quá rồi, nửa thế-kỷ đã đi qua. Ôi! làm sao mà nhớ hết... Thôi thì nhớ gì viết nấy thôi nhé.
      Tôi học ở ngôi trường thân-yêu này bốn năm (1959-1963) nhờ học-bổng của Dược-sĩ Ngô-Khắc-Tỉnh (lúc đó là dân-biểu Quốc-Hội đệ nhất cộng-hòa) chu-cấp mỗi tháng liên-tục từ đệ thất đến đệ tứ dành cho các học-sinh nghèo học giỏi (như vậy là tôi may mắn lắm rồi). Tôi nhớ mỗi tháng là 200 $ đến nhà cụ Ngô-Khắc-Kỉnh (thân-phụ của DS Ngô-Khắc-Tỉnh) lãnh ; 200$ thời đó lớn lắm, tô phở chỉ có 5$ thôi! Giá học-phí như sau:
      • Đệ Thất: 150 $
      • Đệ Lục: 160 $
      • Đệ Ngũ: 170 $
      • Đệ Tứ: 200 $ (đệ tứ là năm thi bằng trung-học đệ-nhất cấp, nên tiền học-phí phải cao hơn các lớp khác).
      Trong suốt khoảng thời-gian ấy, ngoài thầy Nguyễn Quảng-Tuân, lúc đó là hiệu-trưởng, trong tôi chỉ còn đọng lại ba hình-bóng mãi mãi không phai nhòa, đó là GS Phạm-Văn-Duyên và GS Nguyễn-Huyền-Viêm, và ông Cai trường (quên tên mất rồi). Ông Cai có nhiệm-vụ quét dọn trường lớp và gõ kiểng báo các giờ học; nhưng tụi tôi mến ông là vì ông thương tụi tôi như con cháu: tuy nghèo nhưng ông hay cho tụi tôi bánh kẹo, hình như ông cũng có một người con trai học ở Duy-Tân (tên Hiền thì phải, đàn anh tụi tôi mà). Tôi nhớ mãi công việc của ông làm mỗi sáng thứ hai chào cờ đầu tuần là ông ra đứng giữa đường trước cổng trường chận các xe lại để các thầy cô và học-sinh trong khuôn viên trường chào cờ. Có lần nột chiếc xe ngựa có lẽ do anh xà-ích lơ-đểnh hay sao mà vẫn chạy miết làm ông hoảng hồn nhảy té vào bên vệ đường; tuy nhiên chiếc xe ngựa vẫn thắng kịp, và anh xà-ích vội nhảy xuống đỡ ông dạy và xin lỗi rất nhiệt-tình.
      Về GS Nguyễn-Quảng-Tuân, tôi đã có dịp ghi lại trong một bài đăng ở tập-san Duy-Tân 2011 (tựa: Hoài-Niệm về Ngôi Trường cũ Duy-Tân 1963-1966) nên ở đây không nhắc lại. Tôi chỉ viết về hai giáo-sư khả-kính.
      1- GS PHẠM-VĂN-DUYÊN
      Tất cả những ai đã từng học với thầy (dù là Bồ-Đề hay Nguyễn-Công-Trứ) cũng đều phải cúi đầu ngưỡng-phục tư-cách và tài-năng của thầy. Thầy là thân-phụ của Phạm-Hoàng-Chung, hiện đang ở Úc, một người bạn mà tôi quen khi được tuyển thẳng vào học trường công-lập Duy-Tân, đệ tam 1963-1964; lúc đó Chung học đệ Tam B1, Pháp-Văn; cuối năm Chung, Đặng-Đức-Thịnh (lớp đệ Tam B2, Anh-văn, nay đang ở Hoa-Kỳ) và tôi (đệ Tam A) lãnh phần thưởng đứng đầu lớp, nên quen khá thân. (Hồi đó Duy-Tân chỉ có 3 lớp đệ Tam thôi). Ph. H. Chung quãng năm 2010 hay 2011 gì đó có về lại PhanRang và có phone cho tôi và mời tôi về PR họp mặt bạn bè cũ, nhưng lúc đó tôi quá bận.
      GS Phạm-Văn-Duyên dạy rất nhiều môn từ Sử, Địa đến Đại-số, Hình-học, Công-dân giáo-dục. Môn nào thầy cũng dạy rất hấp dẫn (nhất là Địa-lý, thầy hay mang các sách ngoại-quốc có hình ảnh các nước cho học-sinh xem, chưa kể thầy cho mang các tấm bảng đồ to bự từng nước bằng tiếng Pháp của trường vào và chỉ rõ cho chúng tôi thấy các chi-tiết của quốc-gia ấy). Thầy rất nghiêm-trang nhưng lúc nào cũng bao-dung với học trò khi họ bị một lỗi nào đó. Bình thường thầy không mang kính, nhưng khi đọc điểm bài chấm hay các tài-liệu thầy mới đeo kính. Đầu thầy hói, thầy nói tiếng Bắc. Một đặc-điểm nũa là cây viết của thầy màu mực cũng khác với các thầy khác (xem học-bạ là thấy ngay): mực lợt hơn các viết của các giáo-sư khác.
      Và đặc-điểm mà tất cả các học-sinh đều phải nhớ là: thầy hút thuốc lào. Nhà trường nơi phòng Giáo Sư luôn có sẵn một ống thuốc lào cho thầy; khi kiểng gõ đến giờ dạy, thầy phải rít một hơi (thấy thầy đã quá!) phì khói rồi hớp một ngụm nước trà, xách cặp ra khỏi phòng GS đến lớp dạy. Còn một điểm nữa là thầy mỗi buổi chiều thầy ghé lại nhà sách Quảng-Thuận (thân-phụ của Hồ Công Mạnh-Hùng, học-sinh Duy-Tân thế-hệ 1959-1966) xem báo. Thầy chạy chiếc xe Lambretta (thời đó mà có Vespa hay Lambretta là xịn lắm!). Vợ thầy (hình như gọi là bà Từ-Sơn, đẹp người và nhã-nhặn thật xứng với thầy).
      Rất tiếc thầy mất sớm quá, hình như 1964, 1965 thì phải ; học-sinh đưa đám quá trời đông; ít có đám tang nào như thế; mới biết học-sinh kính nể thầy biết chừng nào.
      2- GS NGUYỄN-HUYỀN-VIÊM
      Thầy hình như nhỏ tuổi hơn thầy Duyên. Thầy VIÊM chuyên dạy Quốc-Văn từ đệ thất đến đệ tứ. Thầy là một nhà văn, nhà thơ, vì vậy thầy rất yêu văn-chương nói chung và quốc-văn nói riêng. Khi dạy, thầy thường hay mang theo các tác-phẩm mà sách giảng-văn trich ra để dạy, cho học-sinh xem bìa. Bộ sách Giảng-Văn từ đệ thất đến đệ tứ thời đó dùng để dạy là của GS Nguyễn-Quảng-Tuân biên-soạn được nhà xuất-bản nổi tiếng, Trường-Thi, ấn-hành.
      Có lần được thầy gọi đến nhà thầy chơi, tôi thấy tủ sách của thầy nhiều sách lắm; nhà thầy lúc đó ở gần cầu Nước Đá, phiá bên trái hướng từ trường NCT đi vào. Thầy có tặng tôi tập thơ đã xuất-bản “THƠ MÙA CHINH CHIẾN” năm 1959 hay 1960 gì đó, bây giờ tập thơ này mất tiêu đâu rồi! Thầy cũng có nhiều bài tùy-bút đăng lên các tuần báo thời đó nữa. Cách đây mười mấy hai mươi năm có thấy bài thầy viết cho KIẾN THỨC NGÀY NAY ký tên Huyền-Viêm.
      Bây giờ mới nói đến một đặc-điểm mà ai đã học với thầy vẫn phải kính-phục. Giờ giấc được phân bố đâu ra đó: môn Việt-văn 02 tiết (khoảng 90 phút) trước tiên, thầy cho gọi vài học-sinh đọc cho xuôi bài văn/thơ sau đó bắt đầu gọi học-sinh hỏi và trả lời những câu hỏi trong sách, sau cùng thầy giảng rõ lại, cuối cùng thầy đọc cho chép những gì thầy đã dạy về bài văn/thơ đó; và... khi thầy xong CHẤM HẾT, là vừa lúc tiếng kẻng vang lên hết giờ! Không có giáo-sư nào làm được như thầy cả; mà ưu-điểm này thầy đã làm từ lớp đệ thất đến đệ tứ của bọn chúng tôi. (Chưa kể, khoảng 1962-1963 thầy được GS Nguyễn-Quảng-Tuân mời dạy thêm môn Việt-văn cho các lớp đệ Tam trường Duy-Tân, cũng giữ luôn tính ưu-việt cách dạy này.) Sau này lên đại-học tôi cũng không thấy vị giáo-sư nào có tính giáo-dục trội-bật này cả.
      Và còn một đặc-điểm nữa là: thầy lúc nào cũng mang theo chai dầu Nhị-thiên-đường; thầy để nó trên bàn, lâu lâu cầm lên hít (không biết hít như vậy thầy có khoái cảm như thầy Duyên rít thuốc lào không!). Có lẽ sắp tới nếu có đại-hội họp mặt cựu học-sinh Duy-Tân và các thầy cô chắc phải nhờ thầy Tôn-Thất-Liệu hay Diệu-Huyền kính mời thầy đến. Thầy năm nay chắc là 80, 82 tuổi rồi. Có lần ghé lại thăm thầy ở Saigon sau đại-hội Duy Tân 2011 (sau gần nửa thế-kỷ) do thầy Nguyễn-Quảng-Tuân cho địa-chỉ, tôi nghe thầy dùng những lời lẽ rất tốt đẹp cho GS Phạm-Văn-Duyên. Thầy không ngớt lời ca-tụng thầy Duyên với giọng nói đầy xúc-động; cho nên thầy nói khi thầy Duyên qua đời chẳng bao lâu, thầy buồn lắm và dọn vào SaiGon và lập nghiệp luôn. Thầy nói: Một người anh, một người bạn hiểu rõ mình đã ra đi, sau thầy Nguyễn-Quảng-Tuân...
      Đấy, viết về trường Nguyễn-Công-Trứ tôi chỉ còn những hoài-niệm đó thôi.
      Ngoài ra tôi cũng còn nhớ thầy Hồ-Tường (dạy Anh-văn, người Huế): thầy mập không cao đầu lúc nào cũng chải bóng mượt, mang giày đi kêu cốp cốp! Thầy rất vui vẻ với học-sinh hay kêu đến nhà chơi; thầy cũng rất nặng lòng với trường, bằng chứng là thầy hay lãnh về làm giùm cho trường những băng-rôn, bảng hiệu, bởi thế nhân-viên văn-phòng thương thầy lắm. (Không biết bây giờ thầy ra sao, ở đâu? Ai biết mách giùm. Thầy bây giờ chắc cũng gần 90 rồi!).
      Ngoài ra, còn có cô BẠCH-TUYẾT (vợ thầy Chương, sau này là hiệu-trưởng NCT thì phải) nữa. Tuy tôi không có học với cô (cô dạy môn Nữ-công mà) nhưng hay ghé đến lớp cô để xem. Cô rất vui vẻ và tận-tình, các nữ-sinh quí mến cô lắm. Cô dịu dàng và lại đẹp nữa. Rõ là thầy Chương có số tốt, mấy bạn nữ-sinh hay nói như vậy. (Lúc tôi học NCT thì thầy Chương đang dạy ở Duy-Tân). Cô có người em gái là cô BẠCH-MAI (vợ của LS Trịnh-Quang-Bình, dạy môn Công-dân giáo-dục các lớp đệ tam tụi tôi; và cô hình như cũng có dạy tụi tôi mấy lần, lúc đó hình như cô Mai cũng đã có bằng cử-nhân luật như thầy Bình thì phải. Lâu quá không nhớ.
      Thôi đến đây, hết nghen, Diệu-Huyền. Diệu-Huyền xem còn ai nhớ thêm về trường NCT viết vô để lại cho đời, cho hậu-duệ ở khắp bốn phương trời.
      ĐỖ-KIM-PHỤNG
      Cần Thơ, Hè 2013



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Trung Học Nguyễn Công Trứ Xưa Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân