TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Happy Mother's day!
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Happy Mother's day!

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin vui
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7286

Bài gửiGửi: Mon Apr 29, 2013 5:05 pm    Tiêu đề: Happy Mother's day!



Happy Mother's day!


    Đàn bà là món quà quí giá đặc biệt Thượng Đế tặng cho trái đất. Từ ngày có đàn bà, trái đất sống động vui vẻ hẳn lên. Ngày xưa lúc chưa có đàn bà, người đàn ông cám thấy tâm hồn cằn cỗi chả có đối tượng nào đế mà mơ, mà mộng. Cuộc đời chán nản, "boring". Ăn rồi chỉ muốn nằm chèo queo ở nhà. Có bóng hồng xuất hiện, mắt các chàng bỗng sáng lên, tâm hồn bỗng phơi phới, yêu đời, đầu óc đâm ra mơ mộng, nghĩ toàn những danh từ thật bóng bấy ướt át đế tán tỉnh các nàng. Người ngợm các chàng cũng đẹp trai sáng sủa hẳn ra, vì tối ngày được trau chuốt. Không đi tán đào ăn diện làm gì cho mất công, phải không quí vị liền ông? Quên nữa, điều này mới là quan trọng. Có đàn bà các ông sạch sẽ hẳn ra. Ông nào lười biếng không chịu tắm gội, sửa soạn đi gặp đào cũng phải tắm rửa sạch sẽ, đánh răng đánh lợi kỹ càng. Để chắc ăn các ông còn súc miệng thêm bằng Listerine nữa chứ. Tóm lại là nhờ có đàn bà, đàn ông lúc nào cũng phải cố gắng ăn ở hợp vệ sinh thơm tho sạch sẽ.
      Các ông hà tiện không chịu chi tiêu cũng trở nên rộng rãi hào hoa hơn. Đi tán đào thì phải bao các nàng ăn uống. Lâu lâu cũng phải quà cáp đế lấy lòng người đẹp. Thành ra, dù kẹo cách mấy, các ông cũng phải mở bóp chi tiêu. Chi mãi thành quen, tính kẹo đỡ đi được một chút.
      Trên đây chỉ là ba cái "công dụng" lẻ tẻ. Cái công dụng có chưởng lực mạnh nhất là đàn bà đã mang lại sự trường tồn cho nhân loại. Không có đàn bà trái đất sẽ vắng hoe. Làm sao loài người có thể sinh sôi, nẩy nở nếu đàn bà không mang nặng đẻ đau? Không có đàn bà chắc chắn loài người sẽ tuyệt chủng. Như vậy đàn bà xứng đáng được vinh là người quan trọng nhất trên trái đất (VIP đấy).
      Dù là VIP, người đàn bà vẫn bị xếp đặt ở một vị trí thật khiêm tốn. Xã hội Việt Nam đặt ra những phong tục tập quán thật bất công với đàn bà. Chắng hạn như "Xuất giá tòng phu. Phu tử tòng tử ". Về phương diện mê tín dị đoan cũng trọng nam khinh nữ. Hễ ra ngõ gặp trai là hên, gặp gái là xui. Sau khi lập gia đình, người đàn bà phải mang tên của chồng. Tên của mình bị chìm vào quên lãng.
      Lớn lên con gái bị lép vế đủ thứ. Trong gia đình, bao giờ người con gái cũng phải làm việc nhiều hơn con trai và không được cưng chiều bằng con trai. Trong việc "bồ bịch"con gái chỉ là người bị động, nghĩa là bị dụ dỗ tán tỉnh. Con trai mới là chủ động, tự mình đi bắt bồ tán gái. Vậy mà nếu con gái có nhiều bồ vẫn bị coi là đồ gái hư, lăng loàn, trắc nết. Con trai có nhiều bồ lại được khen là "anh chàng đó nhiều bồ, hào hoa phong nhã".
      Khi lập gia đình, ông nào cũng muốn cô dâu phải còn mới toanh trong trắng nguyên vẹn trong khi các ông đã cũ xì cũ xịt xài không biết bao nhiêu lần. Lấy nhau rồi, đàn ông vẫn có quyền "trai năm thê bảy thiếp", nhưng đàn bà ngược lại "gái chính chuyên chỉ có một chồng".
      Đến lúc có con, đàn bà là người mang nặng, đẻ đau. Thức khuya, dậy sớm, lo cho con cho đến ngày chúng khôn lớn. Người mẹ bao giờ cũng vất vả với con nhiều hơn là bố. Vậy mà hễ cái gì dính dáng đến mẹ thì bị gọi là họ ngoại. Có nghĩa là vòng ngoài, ngoại tộc. Cái gì dính dáng đến bố được gọi là họ nội. Nội là bên trong, gần gũi thân thiết. Bị đối xử bất công như vậy mà người đàn bà vẫn chấp nhận vui vẻ, thử hói có tội nghiệp không?
      Dù có ghen ghét và kỳ thị đàn bà tới đâu đi nữa, cũng không ai có thế chối cãi đàn bà đáng yêu vô cùng. Đọc đến đây, nhiều đấng mày râu bị vợ đì hay bị đào hành hạ sẽ mắng mỏ tôi tới tấp "nhờ chị tí nhé! mấy điều chị nói về đàn bà ớ trên chúng tôi nghe đã ngứa tai lắm rồi, nhưng không cãi được vì chị nói có lý quá. Nhưng còn cái câu chị khen đàn bà đáng yêu vô cùng thì phải xét lại. Chả hiểu mấy mụ bà chằng đang hành hạ chúng tôi, nó đáng yêu cái chỗ nào".
      Bình tĩnh suy nghĩ lại đi các ông ơi! Khởi thủy đàn bà bao giờ cũng đáng yêu. Không đáng yêu các ông dại gì mà theo đuổi, o bế, tán tỉnh. Hứa nhăng hứa cuội đủ điều, rồi mang xe bông rước về làm vợ. Có ai đi tán một con mẹ đáng ghét để mong được làm người yêu hay làm vợ đâu. Bằng chứng cụ thể là thơ tình gửi cho đàn bà bao giờ các ông cũng viết "Em yêu", "Em yêu quí", "Em yêu dấu". Cuối thơ bao giờ cũng không quên "yêu em nhiều lắm" v. v.. và v. v...
      Vậy nếu em không đáng yêu, mắc chứng mắc toi gì mà yêu em lắm thế? Vậy thì đàn bà đáng yêu là cái chắc chứ còn phải xét đi xét lại gì nữa. Lấy các ông rồi những người đàn bà đáng yêu nếu có thể trở thành bà chằng đáng ghét cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên. Đàn bà vốn thông minh "Nhập gia" phải "tùy tục" chứ làm sao hơn được. Ông chồng "qúa trời", cực chắng đã, bà vợ mới phải ra tay. Lý do thật đơn giản, đàn bà vốn mềm dẻo "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Ông chồng "quá xá quà xa" mà vợ hiền khô thì coi "hổng hợp". Đàn bà phải tập thay đổi cho nó "xứng đôi vừa lứa" với chồng. Như vậy các ông phải khen đàn bà mới phải. Nỡ lòng nào các ông lại gọi đàn bà bằng những cái tên chẳng êm ái tí nào "cọp cái", "bà chằng", "sư tử Hà Đông" v. v... Ăn ở kiểu đó là hổng có "phe" đâu à nghe. Trời phạt chết đó. Muốn lên thiên đàng với niết bàn, các ông nên ăn ở có trước có sau. Nghĩ đến đàn bà, các ông nên nghĩ đến những hình ảnh đẹp đầy mộng mị mà các ông mê mẩn ở những giây phút của thuở ban đầu.
      Hãy nhớ đến căn nhà các ông sống hồi độc thân nó lạnh lẽo, im vắng, chán nản như thế nào. Đến khi có nàng xuất hiện, tất cả đều biến đổi một cách nhiệm mầu. Trong nhà đầy tiếng cười nói ríu rít của tré thơ. Căn bếp lúc nào cũng ấm cúng với cơm dẻo canh ngọt, chiếc giường xưa kia lạnh lẽo vì chăn đơn gối chiếc, nay đã được sưởi ấm bằng ái ân nồng thắm của tình nghĩa vợ chồng.
      Nghĩ như vậy các ông sẽ thấy đàn bà không chỉ đơn thuần là những người vợ. Đàn bà là những chiếc đũa thần, đã mang sự sống, niềm vui, hạnh phúc đến cho nhân loại. Tưởng tượng thế giới toàn đàn ông sẽ buồn nản đến thế nào. Tim các ông sẽ không có đối tượng để mà rung động. Hồn các ông sẽ không bao giờ có cơ hội nhung nhớ mộng mơ. Các ông sẽ chẳng bao giờ được hưởng niềm vui nhìn đàn trẻ thơ tung tăng đùa giỡn. Và cuối cùng các ông sẽ chắng bao giờ hiểu được ý nghĩa của tình yêu.
      Tôi nhớ mỗi năm khi ngày "Mother's Day" đến, các ông thường kiếm cớ “em là vợ anh chứ có phải là má anh đâu mà anh phải mua quà. " (Câu này tôi nghe quen quen quí vị ạ)
      Dù những người vợ không phải là má cúa các ông, nhưng các nàng đã cho các ông những đứa con xinh đẹp ngoan ngoãn. Những người vợ xứng đáng được tặng một món quà trong ngày Mother's Day, dù nhỏ bé cũng được, nhưng thế hiện cái tình nồng thắm của nghĩa vợ chồng. Đàn bà dù là chiếc đũa thần nhưng vẫn thèm được chồng yêu, chồng chiều và nhất là "chồng cho quà. " Các ông đừng bao giờ quên điều đó nhé!

      Hồng Thủy



Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7286

Bài gửiGửi: Fri May 03, 2013 8:22 pm    Tiêu đề: Tôi là con Thắm, con Bà Tư bánh tằm…





Tôi là con Thắm, con bà Tư bánh Tằm...

Thân chuyển một bài viết về tình Mẹ, nhân ngày lễ Mẹ sắp tới đây...

Tôi là con Thắm, con Bà Tư bánh tằm…

Chẳng biết chính xác từ khi nào, tôi bắt đầu mắc cỡ khi nghe người ta gọi mình là “con Thắm, con Bà Tư bánh tằm”.
Năm đó tôi học lớp 8 trường xã, đã có mấy thằng bạn trong lớp để ý và bạn bè ghép đôi.
Tôi nói với má: “Từ giờ trở đi, má đừng bán ở trường con nữa, tụi bạn cứ ghẹo con hoài”.
 Nghe tôi nói vậy, mặt má buồn hiu: “Vậy rồi con ăn cái gì?”. Thường ngày má vẫn để dành cho tôi một dĩa bánh thật đầy, giờ ra chơi tôi sẽ chạy ù ra ăn. Hôm nào ngán thì tôi xin tiền má để mua bánh mì hay bánh lọt mặn. “Bánh của má có nước cốt dừa, ngán muốn chết. Thôi, con không ăn nữa đâu”- tôi vùng vằng.

Không bán ở trường, má tôi phải đẩy xe bánh tằm qua tận bên xóm Nhà Thờ rất xa. Tuy vậy có nhiều hôm bán ế, má ăn bánh tằm, nhường cơm cho anh em tôi.
Anh hai thương má, cũng nhất quyết đòi ăn bánh tằm.
Còn tôi thì vừa nhìn đĩa bánh, vừa lắc đầu rùng mình:
“Con thấy bánh tằm là ngán tới óc o”.



Má không nói gì, chỉ lẳng lặng chan nước mắm, lùa vội mấy cọng bánh tằm rồi đi dọn dẹp, ngâm bột, khìa thịt, xắt bì… Anh hai lườm tôi: “Mày ngán thì tao không biết ngán chắc? Nói mà không sợ má buồn. Đồ dở hơi”. Tôi sửng cồ: “Ngán thì nói ngán, mắc gì không được nói? Anh mới là đồ dở hơi!”. Tôi nói vậy rồi bưng chén cơm bỏ ra hàng ba.

Ba mất khi tôi mới 2 tuổi. Nhà nội nghèo nên má dắt anh em tôi trôi dạt từ Châu Đốc xuống Bạc Liêu. Má học được cách làm món bánh tằm bì và nuôi anh em tôi khôn lớn bằng thứ bánh đơn sơ ấy. Tôi nhớ có lần má nói: “Tụi con ráng học để sau này có cái nghề mà sống sung sướng tấm thân. Thấy con ông Ba không? Toàn kỹ sư, bác sĩ…”. Anh hai thương má nên học rất giỏi, năm nào cũng lãnh thưởng. Còn tôi thì thất thường, lúc được lúc không. Thế nhưng học xong lớp 12, anh hai nhất quyết nghỉ học, trốn ra thị xã đi làm phụ hồ để kiếm tiền phụ má. Biết tin, má giận lắm.

Một bữa, tôi chuẩn bị đi học thì má bảo: “Cơm nước má nấu sẵn rồi, đi học về thì dọn ăn rồi học bài. Má đi kiếm anh hai”. Nói rồi má tất tả xách cái nón lá đi bộ ra chợ để đón xe lên thị xã.
Tôi thắc mắc không biết làm sao mà má tìm được anh hai giữa nơi đông đúc, xô bồ ấy nhưng không kịp hỏi. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cái dáng tảo tần của má. Chuyến xe lam về thị xã hôm ấy bị lật vì chở quá đông. Trong số 2 người bị thương nặng nhất và không qua khỏi có má tôi.
Hôm đó, tôi chờ tới chiều, tới tối mà không thấy má về, trong bụng đã lo. Tới khuya thì anh hai đưa má về. Có nhiều người quen ở xã cùng đi với anh. Khi biết má gặp nạn và không trở về nữa, tôi đã ngất đi. Còn anh hai tôi thì mắt đỏ ngầu dù tôi không hề thấy anh khóc.

Lo cho má xong xuôi, một bữa tôi đi học về không thấy anh hai đâu thì cuống cuồng đi tìm. Với tôi bây giờ, nỗi sợ hãi lớn nhất là anh hai lại bỏ đi. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tôi tìm thấy anh hai đang gục đầu trên mộ má. Anh khóc thành tiếng, khóc rất to. Tôi cũng vậy. Vừa khóc anh vừa nói, giọng khàn đặc: “Tại anh, mà má mới chết”. Tôi không biết nói gì nhưng trong bụng cũng thầm trách anh. Giá như anh đừng nghỉ học trốn ra thị xã thì má đâu có đi tìm để rồi không về nữa…

Mấy hôm sau, anh hai tôi dựng cái chòi nhỏ ở chợ xã. Anh lần mò bắt chước má làm bánh tằm bì để bán. Bánh anh hai làm lúc đầu không ngon lắm, nhưng bà con thương nên rất đắt hàng. Dần dần, tay nghề của anh được nâng lên. Khi tôi học cấp ba, rồi lên Cần Thơ học đại học, thì anh cũng ra thị xã mở quán bánh tằm bì. Rồi anh cưới vợ. Lâu lâu anh lại làm bánh tằm bì mang lên ký túc xá cho tôi đãi bạn bè. Từ khi má mất, đĩa bánh tằm bì nào của tôi cũng chan đầy nước mắt…



Tôi đã đi nhiều nơi, chỗ nào có bánh tằm bì tôi cũng ăn thử để so sánh với bánh của má và anh hai. Thật tình, tôi không thấy ai làm bánh ngon như má. Bánh tằm của má làm bằng bột gạo. Hồi trước anh hai chuyên trị bị má bắt xay bột.
Tôi nhớ má cột cái bao bồng bột ở miệng cái cối đá để hứng bột chảy ra; xay xong thì cột miệng bao lại thật chặt rồi lấy cái cối dằn lên cho nước chảy ra bớt.
Sau đó má khuấy bột rồi đổ vô khuôn ép cho ra những sợi bánh dài, to hơn cọng bún một chút. Xong xuôi má cho bánh vô xửng hấp chín rồi để nguội. Bánh tằm của má dai dai, giòn giòn, thơm thơm; nhai lâu cứ ngọt lịm trong miệng…

Bì má làm cũng không giống ai. Má chọn một nửa thịt đùi, một nửa ba rọi ướp cho thật thấm mới khìa nước dừa xiêm rồi xắt sợi. Da heo má cũng mua về tự tay luộc, xắt… Hồi tôi còn nhỏ, má hay nhờ tôi ra lò heo của bác tư cuối xóm để lấy da heo về làm bì; lớn hơn một chút, tôi mắc cỡ không chịu đi nên anh hai phải “bao thầu” luôn. Có lần anh bực mình cốc vô đầu tôi đau điếng: “Cái thứ làm biếng như mày mai mốt bốc đất mà ăn”.
Tôi vênh mặt: “Mai mốt em làm bác sĩ, tới chừng đó anh đừng có nhờ em chữa bệnh nghen”. Anh hai “xì”một cái: “Bản mặt mày giỏi lắm là bán bánh tằm bì, chớ làm bác sĩ ai mà dám đưa cho mày chữa bệnh? Đồ làm biếng”.
Tôi công nhận mình làm biếng thật, vì tôi nghĩ có má và anh hai lo hết mọi chuyện rồi. Tới chừng những người ấy không có bên cạnh, tôi mới thấy hụt hẫng. Tôi nhớ có lần, má kêu tôi xuống bếp: “Xuống đây má chỉ cho làm nước mắm nè.
Con gái, con đứa, ít ra cũng phải biết làm chén nước mắm cho ngon…”. Tôi viện cớ mắc học bài nên không chịu xuống cho má dạy.

Nhưng phải công nhận là nước mắm má làm để chan bánh tằm bì hoặc ăn cơm tấm thì ngon tuyệt. Tỏi ớt má đâm nhuyễn chứ không bằm, nước dừa tươi má nấu cho kẹo lại, chứ không dùng nước sôi để nguội pha nước mắm như nhiều người vẫn làm.
Vì vậy mà nước mắm của má sền sệt chứ không lỏng bỏng.
Cả nước cốt dừa để chan vô bánh tằm, má cũng chăm chút thật kỹ: hành tăm xắt thật nhuyễn, nêm nếm vừa ăn, không đặc cũng không lỏng quá, sao cho mỗi đĩa bánh tằm chỉ cần chan một muỗng nhỏ là đủ. Hồi má mới bán bánh tằm bì, tôi rất thích chan nước cốt dừa vô cơm để ăn. Không biết có phải do ăn nhiều quá mà lớn lên một chút thì tôi lại thấy ngán…

Tôi đã lớn lên bằng những dĩa bánh tằm bì của má và anh hai. Giờ đây tôi đã trở thành bác sĩ như má hằng mong muốn, nhưng trong lòng tôi chưa bao giờ vơi đi những niềm ân hận. Năm nào về đám giỗ tôi cũng ngồi thật lâu bên mộ má để thầm thì những lời mà khi còn sống, má chưa bao giờ được nghe…
Tôi nhớ dáng má thập thò trước cổng trường chờ giờ ra chơi để đem bánh tằm cho tôi ăn sáng; tôi nhớ những bước chân rón rén dù má phải nhấc cái càng xe lên để không gây ra tiếng động, làm mất giấc ngủ của tôi mỗi sáng sớm; tôi nhớ những ngày mưa dầm bán ế, má ăn bánh tằm thay cơm…

Giờ đây, có nhiều hôm tôi bỗng thấy thèm quay quắt những cọng bánh tằm của má, thèm nghe tiếng má từ dưới bếp vọng lên nhắc tôi đi ngủ, thèm được má sai đi xuống xóm dưới lấy da heo về cho má làm bì…
Và tôi thèm được nghe người ta gọi tôi là .
“Con Thắm, con Bà Tư bánh tằm!”…
Đối với tôi, giờ đây đó là điều đáng tự hào nhất…

Hồng Thắm


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin vui Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân