TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nữ Tù Nhân
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nữ Tù Nhân

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2437

Bài gửiGửi: Mon Nov 12, 2007 1:50 am    Tiêu đề: Nữ Tù Nhân

Nữ Tù Nhân
Nguyên Hạnh
Trích sách viết “Chuyện Người Tù Cải Tạo” trang 240- 259 tập I/2007

“Để nhớ... để quên...”
(Trích đoạn trong tập Hồi ký “Nữ Tù Nhân”)

Hồi tưởng lại thời gian qua, tôi viết ra đây, không phải để kêu gọi tình thương, cũng không phải dám đóng góp vào một thời điểm lịch sử, mà chỉ với một ước mong tầm thường là giúp một số chị em phụ nữ yếu đuối suy gẫm, để có can đảm chấp nhận, chịu đựng những không may bất ngờ xẩy đến trong đời mình, và tập rèn luyện cho mình gan dạ hơn.
Vì, chúng tôi, những Nữ Quân Nhân, những nữ tù nhân, sau thời gian đen tối đó, đã gượng dậy nổi, và đã đứng lên được mà đi.
Những anh chị em tù nhân chính trị đều mang một bệnh tật riêng, những bệnh trầm kha có thể đem đến cái chết oan uổng, bỏ xác trong những trại tù xa xôi hẻo lánh, rừng thiêng nước độc, hoặc đem theo về với đời sống bên ngoài, cộng thêm với những lo âu ẩn ức hằng ngày trong xã hội cộng sản. Nêu được ra đi theo diện ODP, HO, vượt biên thì vẫn đem theo dai dẳng đến nơi hải ngoại, rồi vì sức khỏe kém, tuổi tác lại cao, lại phải đối diện với quá nhiều khó khăn nan giải nơi xứ người, một mình hay cùng với vợ hoặc chồng lo cho đàn con khôn lớn ăn học nên người, nếu tinh thần không được vững, càng về già, bệnh càng tái phát trầm trọng hơn, mà kết quả là những mục “phân ưu” liên tục đăng trên các báo... hoặc thầm lặng trong các nhà quàn nếu ít được bạn bè biết đến...
Những căn bệnh của tù cải tạo đa số là:
- Bệnh bao tử vì phải ăn những thức ăn mà chỉ bao tử cứng mạnh của súc vật mới nghiền nát được như: sắn khô cũ mốc, bo bo, bắp khô, khoai sùng, v. v... Trong những thời gian quá đói, còn kiếm thêm các loại rau cỏ, nấm dại, côn trùng... không từ một thứ gì có thể ăn được.
- Bệnh tê thấp vì có nhiều trại phải nằm đất năm này qua năm khác.
- Các bệnh gan, phổi, thận có thể đi đến lao và ung thư vì phải thông tim, mổ tim rất nhiều, và bệnh tâm thần do quá tuyệt vọng với những đổi thay chung và riêng, bị mất sạch của cải, có khi mất cả vợ, chồng, con cái, mất hạnh phúc gia đình...
Bên nữ tù nhân chúng tôi vốn yếu tim sẵn nên bị bệnh tim tấn công nhiều hơn.
Không bao giờ chúng tôi quên được những phập phồng lo sợ làm tim chúng tôi đập loạn xạ theo những biến cố xẩy ra, những trò chơi thâm độc của đám cán bộ trong mỗi trại tù.
Có nhiều đêm đang ngủ say vì suốt ngày lao động nặng nhọc, khoảng 1,2 giờ sáng, đột nhiên những tiếng kẻng, tiếng phèng la inh ỏi nổi lên tới tấp làm chúng tôi khiếp hãi thức dậy nháo nhác nhìn ra đêm tối. Từ ngoài sân, một toán vệ binh mang súng lách cách đi theo quản giáo vào nhà giam.
- Các chị thức dậy ra sắp hàng để điểm danh!
Chúng tôi theo nhau ra sắp hàng đứng giữa phòng để họ gọi tên. Có khi họ gọi kèm theo cấp bậc cũ hẳn hòi, nhưng với giọng điệu mỉa mai. Chúng tôi trả lời “có” khi nghe gọi đến tên mình.
- Xong! Các chị ngủ lại đi!
Thế thôi! không có gì cả...
Trời đất như muốn đảo lộn mỗi khi nghe tiếng kẻng tù đánh gấp gấp dội mạnh vào lồng ngực...
Có những tiếng kẻng gọi dậy lúc tờ mờ sáng để chuẩn bị chuyển trại, để đọc những tin sét đánh như đổi tiền, như có người trốn trại, hoặc để khám xét đồ đạc cá nhân...
Những tiếng kẻng tù đến nay vãn còn văng vẳng bên tai như đã ăn sâu vào tiềm thức của những cựu tù nhân, mặc dầu nay đã đến xứ tự do, có nhân quyền thực sự, đã cách xa quê hương gông cùm khốn khổ nửa vòng trái đất!
Chúng tôi không ở trại giam nào lâu hơn sáu, bẩy tháng. Ở trại nào cũng lao động vất vả, làm cỏ triền miên, cuốc dất, trồng khoai lang, khoai mì, bổ củi cap si bằng búa rìu, những khúc củi cưa sẵn lớn bằng vòng tay ôm, nấu cơm chảo lớn, v. v... và v. v...
Một sáng tinh mơ chúng tôi lại phải tháo gỡ tất cả nhà tắm, nhà cầu, chuẩn bị gói ghém đồ đạc cá nhân chờ đến trại giam mới. Đây là lần thứ tư di chuyển. Chúng tôi lên xe rời khỏi Hóc Môn trước giờ các anh tù bên nam ra lao động.
Đoàn xe đưa chúng tôi đi ra khỏi cổng, xe không bít bùng như lần đầu tiên nên chúng tôi được ngắm phong cảnh bên ngoài. Gió lộng thổi vào mặt làm cho chúng tôi được hít thở không khí trong lành và khoảng khoát. Những người dân đi bộ lác đác, ngơ ngác nhìn lên xe chúng tôi, nét mặt người nào cũng buồn bã, bước đi thầm lặng...
Xe đưa chúng tôi trở lại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cũ nhưng về phía khác của trại giam trước đây. Chúng tôi lại chia nhà, dọn dẹp, chùi rửa những căn nhà bỏ hoang, mất hết các cánh cửa lớn, cửa sổ, tự đào lại cầu tiêu, che buồng tắm ngoài trời. Sau một thời gian ngắn làm cỏ, dọn rác chung quanh, trại giam đã trở nên sạch sẽ, quang đãng. Lần này họ sử dụng chúng tôi vào công việc hái ra tiền. Có lẽ trong thời gian ở trại Hóc Môn vừa qua, có những lần họ nhờ chúng tôi làm những lẵng hoa giấy đẹp quá nên họ nghĩ đến khai thác chúng tôi trong việc làm đế xoong bằng lá cây buông để xuất cảng sang các nước XHCN hồi đó mới bắt đầu thịnh hành. Họ mời người đến hướng dẫn chúng tôi một vài lần là chúng tôi làm được rất xuất sắc. Từng xe lam chở những bó lá buông đã phơi khô đến giao cho trại, cuối tuần đến nhận và chở đế xoong đi. Thật sự chẳng phải chúng tôi quyết tâm làm lợi cho trại giam, mà vì mải mê làm cho quên đi nỗi buồn đau thân phận và thương nhớ gia đình.
Cộng sản bắt đầu thấy tài năng của chúng tôi mà trước đây họ đánh giá quá nhẹ, gán cho những danh từ như “phi lao động”, “phi sản xuất”, “ngồi không ăn bám “... Họ thường nói: “Các chị rất giỏi, rất có tài, chỉ tiếc rằng các chị “đi lầm đường lạc lối”, “làm tay sai”...” Buồn cười nhất là có đôi lần bộ đội nữ làm tiệc thết khách, họ nhờ một số chị em lên làm những món đặc biệt, làm bánh trái, vừa ngon vừa đẹp mà chắc ngoài Bắc cũng như trên rừng, họ chưa từng được thưởng thức nên phải khen nức nở.
Thời gian ở đây, chúng tôi phải tự vắt quả than bàng để nấu cơm cho toàn trại. Có những kỷ niệm không quên được trong việc làm than này:
Mỗi lần các xe GMC chở bột than đá đến, các chị ở đầu nhà thấy trước kêu lên: “Than đến, than đến!” Thế là dù đang làm thủ công hay đang ăn, chúng tôi phải bỏ dở, đi thay bộ quần áo cũ rách nhất ra trèo lên các xe đẩy bột than xuống đất để trả cho xe về gấp. Chúng tôi lam lũ lấy tay, lấy chân xô than xuống, lát nữa xe đi, chúng tôi sẽ lấy những chiếc cáng làm bằng tấm tôn có hai cây cột hai bên làm càng “xe”, xúc chở vào kho để làm dần. Chúng tôi lại có thêm một nghề vắt than quả bàng nữa (trộn đất, nước và bột than vắt thành cục đem phơi khô). Việc làm cũng rất vất vả vì phải đi đào đất và xách nước ra sân để nhào, trộn.
Một vài tên bộ đội trên các xe chở bột than, có lẽ cũng biết xúc động vì thấy chúng tôi cực nhọc quá nên lén cho chúng tôi các xẻng, cuốc để làm cho dễ, họ nói khẽ:
- Các chị lấy cuốc xẻng đi, chúng tôi về lấy cái khác.
Thật là những vật dụng quý giá cho chúng tôi trong thời gian ấy.
Nhìn chúng tôi những lúc xúc than thật là một cảnh tượng gây xúc động cho một cuốn phim nếu ai quay được để ghi nhận và chuyển ra cho các nước có tự do nhân quyền xem cho biết:
“Một đám phụ nữ xinh đẹp trước kia được “nâng như trứng, hứng như hoa” nay đầu bù tóc rối, áo quần rách rưới, hì hà hì hục xúc, đẩy bột than, bụi tung mù mịt, mặt người nào người nấy đen xì chỉ trừ cặp mắt và hàm răng trắng toát như những người da đen cùng khổ. Chúng tôi cũng ráng đùa nhau cho quên mệt, nhưng có ai nhìn kỹ sẽ thấy những đường nước chảy từ trên trán, trên má (mồ hôi và nước mắt?) làm thành những nét mặt vừa tếu vừa tội nghiệp, thật đúng với câu: “cười ra nước mắt!”
Tắm rửa sạch sẽ, chúng tôi lại trở vào tiếp tục làm thủ công, việc làm đế xoong này tương đối là công việc nhàn nhã nhất trong suốt thời gian bị giam giữ.
Còn nhớ trước đây, một sự lạ xẩy đến trong trại nữ là có một số chừng 15 người được chọn cho phép về thăm nhà trong vòng 2 tuần lễ. Thật là những con người sung sướng hạnh phúc dù mai đây sẽ trở vào lại tiếp tục những năm tháng tù đày. Chúng tôi vẫn cho là hạnh phúc không tưởng, vì chúng tôi thường mơ ước chỉ được về nhà một ngày, một buổi thôi để được nhìn thấy tận mắt cảnh nhà nay đã thay đổi ra sao.
... Hằng tháng chúng tôi thường nhận được thư nhà, thư đi, thư đến đều bị kiểm duyệt gắt gao, tuy mừng rỡ vì được thấy những nét chữ và tình yêu thương trong đó, nhưng chúng tôi luôn luôn ngờ vực rằng gia đình che giấu chúng tôi rất nhiều chuyện. Thư chúng tôi gởi về nhà cũng thế thôi, không bao giờ than thở, không bao giờ kể rõ sự thật.
Nhìn các chị được đi phép tung tăng ra về, lòng chúng tôi chùng xuống, càng thấm thía về sự kém may mắn của mình... đồng thời cũng hồi hộp nghĩ rằng biết đâu trong số đó cũng có người đi luôn không trở lại và sự việc này sẽ làm cho chúng tôi bị ảnh hưởng. (Hồi đó chúng tôi vẫn ngây thơ nghĩ rằng nếu các chị em đó vào đầy đủ thì chúng tôi cũng có thể được luân phiên về thăm nhà.)
Đa số phụ nữ chúng tôi không dám phiêu lưu mạo hiểm nên cuối cùng số đi phép trở vào vẫn đủ số khi ra, và chúng tôi được nghe kể bao nhiêu chuyện lạ ngoài đời về cái xã hội mới dưới sự cai trị sắt máu của Cộng Sản.
Mơ ước được về thăm nhà của chúng tôi không bao giờ thành sự thật cả.
Có lần một anh được tha về trước, gởi thư vào cho một cô trong chúng tôi, trong đó có câu “Chúng tôi muốn rớt nước mắt mỗi lần lao động đi ngang trại nữ thấy các chị đang bổ củi.” Cô bạn nhận thư bị gọi lên la lối đủ điều và chúng tôi bị tập họp để nghe khuyến cáo: “Các anh các chị không lao động tốt, còn ngại khó ngại khổ, chưa thấy lao động là vinh quang, tiếc là đã tha lầm anh kia... “
Nào có phải chúng tôi viết thư đâu mà cũng vẫn phải chịu bị mắng oan!
Ba năm tù đã trôi qua...
Một buổi sáng, một đoàn xe chạy vào sân, một toán quân phục màu vàng trên các xe nhẩy xuống đất, không khí nặng nề đến ngộp thở... Sau đó chúng tôi mới biết đó là toán công an cộng sản đến rước tù đi.
Họ gọi chúng tôi ra tập họp để nghe đọc tên những người có trong danh sách phải ra đi, đi đâu chưa biết. Rốt cuộc các chị em sĩ quan cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa phải ra đi, cộng thêm một cô Đại Uý Nữ Quân Nhân độc nhất đi theo.
Số còn lại là những sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa “được” ở lại với niềm hy vọng và mơ ước sẽ được tha về sớm! Sự kiểm soát có vẻ thoải mái hơn. Toán vệ binh nhỏ tuổi có vẻ thông cảm chúng tôi, muốn làm quen, nên có vài tên thường kiếm cớ xuống bếp xin lửa hút thuốc và lén dặn chúng tôi nếu có muốn gởi thư về nhà thì đem để dưới viên gạch cạnh bể nước, đến tối tụi nó sẽ đến nhận đem đi và đem thư nhà vào, cũng sẽ để lại chỗ cũ.
Một biến cố khác
Một cô Nữ Quân Nhân cấp Thiếu Úy thấy lâu được về và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, hay nổi cơn gây gổ, gây từ chị em bạn đến cả các cán bộ quản giáo, chửi cả nhà nước Cộng Sản lừa bịp nên cô bị giam vào connex cả tháng. Khi được tha, H. gầy sút hẳn đi. H. kể nỗi sợ lúc về đêm đơn độc trong chiếc thùng sắt lạnh cóng, ban ngày thì nóng nực đến nỗi phải cởi quần áo vắt mồ hôi ra nước... Nỗi uất ức càng sâu thêm làm cho con người của H. thay đổi quá nhiều, oán hận tất cả. Ngày về của H. phải kéo dài thêm ngang với các sĩ quan Nữ Quân Nhân cấp Tá mãi đến những trại giam về sau này.
Vài tháng sau, các đợt tha ngày càng gần nhau hơn, còn khoảng 30 người, và lại chuyển trại lần nữa, trại thứ năm! Chúng tôi được chở qua Hóc Môn, khác với doanh trại Hóc Môn trước. Ở đây chúng tôi có nhiệm vụ phải nuôi một bầy heo, vài chục con vừa lớn vừa nhỏ, nấu cơm heo (cám, bo bo, rau lang, chuối), tắm rửa heo, cho heo ăn và hốt phân bỏ vào các thùng (fut) để các anh tù bên nam đến khiêng đi làm phân bón.
Còn nhớ lần đầu tiên phải xắn quần, xắn áo vào chuồng heo làm việc. Cả đời chưa từng phải nuôi heo nên chúng tôi sợ quá, nhưng riết rồi cũng phải quen dần, rồi rất thương bầy heo hiền lành và xót xa tội nghiệp mỗi khi có lứa bán bớt heo bắt đem đi cho chủ khác nuôi hoặc làm thịt. Số heo cứ sinh sản thêm và lúc nào chuồng heo cũng đầy. Mỗi lần heo đẻ thì có toán bên tù nam qua phụ trách, chúng tôi không dám chứng kiến.
Việc nuôi heo của chúng tôi vẫn chia phiên đều đặn. Mồi lần đến phiên đi đốn chuối, hái rau, vớt bèo, chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn vì được thong thả đi đến chiếc ao cách xa trại mấy trăm thước, gió ban mai nhẹ thổi, phong cảnh êm ả tươi mát làm tâm hồn chúng tôi được thư thái trong vài tiếng đồng hồ. Bận về, chúng tôi vác chuối lên vai, khiêng rau về nhà bếp để nấu cám heo.
Thế rồi một đợt tha rầm rộ lại đến. Quản giáo xuống gọi tên trên một danh sách dài, các chị em vội vã sửa soạn khăn gói ra về, để lại vỏn vẹn toán cuối cùng tám người với bầy heo trong chuồng quá nhiều, chúng tôi không làm sao lo cho xuể được!
Các chị em ra về, vừa đi vừa ngoảnh lại thương cảm nhìn chúng tôi đang đứng trông theo. Các chị đã để lại cho chúng tôi chia nhau các thứ đồ dùng lỉnh kỉnh, vài cô lo xa đem theo về toàn bộ, có lẽ vì nghĩ rằng ở nhà nay cũng xuống cấp đến độ cũng rất cần những thứ đó, từ áo quần cũ rách, guốc dép, chai hũ, ca nhựa, những con dao tự chế làm bằng những miếng sắt lượm được từ các hố rác.
Những vật quý nhất chúng tôi cất kỹ gởi về cho con mỗi kỳ được thăm nuôi là những vật kỷ niệm tự tay chúng tôi làm ra, những giỏ đan lát, những áo len đan với sợi rút ra từ áo len của chúng tôi, có chị không có len, còn rút chỉ ở những bao đựng cát để đan thành áo cho con, cho chồng, cho cha mẹ... Có những chiếc áo len chúng tôi cứ tháo ra đan đi đan lại mãi vì khi đan cho con với kích cỡ của năm 1975, rồi vài năm sau các con lớn lên mặc chật lại gởi vào theo các chuyến thăm nuôi để chúng tôi đan lại rộng hơn, dài hơn, từ tay dài đến ngắn tay vì thiếu hụt. Đan len là một thú giải khuây của chúng tôi làm ngoài giờ lao động, hoặc đan mù trong những đêm mất ngủ với tất cả tình thương nhớ...
Ngoài ra còn những chiếc lắc đeo tay, những chiếc lược hoặc trâm cài tóc bằng nhôm từ những chiếc muỗng, dao nhôm lén gởi qua bên trại nam nhờ các anh chạm trổ rất mỹ thuật và tinh vi.
Chuyến thả về vừa qua gây cho những người ở lại một sự thất vọng não nề. Ngày về càng thấy xa lắc xa lơ vì nhìn lại chúng tôi, trừ hai cô trung úy và thiếu úy hay chống đối và nói năng không giữ gìn, số còn lại rõ ràng toàn là các cấp chỉ huy mà Cộng Sản cho là quan trọng trong đoàn Nữ Quân Nhân / Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Căn trại trống trải mất đi những tiếng nói chuyện rì rào trước đây, trở nên vắng vẻ lại thường. Trên nét mặt của mỗi người đều có ẩn một nỗi buồn xa vắng...
Vì chỉ còn lại số ít nên chúng tôi được đối xử tương đối có phần dễ chịu hơn. Chúng tôi cho họ biết là số chúng tôi còn lại đây không thể nào kham nổi đám heo quá nhiều. Một toán bên nam được điều động hàng ngày qua phụ chúng tôi đi đốn chuối và băm rau. Phải công nhận các anh có biệt tài kể chuyện. Chúng tôi nấu cơm heo trong bếp, các anh ở ngoài sân gần đó vừa băm rau vừa kể chuyện tếu với nhau, nhưng chúng tôi biết là các anh cốt làm vui cho chúng tôi, cố tình để cho chúng tôi nghe được. Mỗi ngày các anh lại kể thêm nhiều chuyện tếu hơn, những chuyện nay đã cho là thông thường nhưng lúc đầu nghe không thể nào nín cười được, đến nỗi có khi chúng tôi phải nói với ra ngoài:
- Các anh khoan kể tiếp, để bớt cười đã! Đau bụng quá!
Hằng hà sa số chuyện về cán bộ cộng sản và bộ đội ngoài Bắc vào đã ngố mà chuyên môn nói dối. Người miền Nam hỏi:
- Ngoài Bắc có xe hơi không?
- Có chứ! Nhiều lắm!
- Có firegidaire không?
- Chán khối! Chạy đầy đường!
Các anh nướng lạp xưởng gia đình thăm nuôi đem vào, bộ đội đi ngang hỏi:
- Các anh nướng con gì thế?
- Lạp xưởng
- Cái con lạp xưởng mà cũng ăn!
Cán ngố thấy treo lủng lẳng nịt ngực phụ nữ bèn hỏi mua:
- Cô có cắt hai ra cho tôi mua một miếng được không?
- Để làm gì? - Cô bán hàng hỏi
- Để lọc cà phê!
v. v... và v. v...
Có lần các anh đi ngang qua chuồng heo, gặp chúng tôi đang tắm cho heo và rửa chuồng, kể chuyện xẩy ra bên trại nam:
- Đêm qua thằng C làm “ăn- ten”, bị thằng X dấu rựa vào phòng phang cho gần gẫy cổ phải đem đi bệnh xá cấp cứu. X bị đưa đi cùm rồi.
Chúng tôi bảo:
- Các anh chửi mắng hay đấm đá cho họ chừa đi, chứ nếu giết như vậy nhỡ chết đi, vợ con, gia đình đang mong chờ tội nghiệp.
- Giết là phải chứ! Để thứ đó về còn sinh sản ra dòng giống hèn hạ đó càng hại cho xã hội nữa.
Chúng tôi khuyên can các anh nên giữ gìn để còn về lo cho tương lai, còn phải làm nhiều việc cho mình và cho xã hội...
Cũng có lúc các anh không đùa giỡn được mà trầm ngâm, chán nản:
- Làm cực quá! Ở tù không án, không biết lê thân như thế này đến bao giờ!
Chúng tôi lại trêu:
- Ai bảo thua chạy làm chi rồi bây giờ than thở?
- Có kịp đánh đâu mà bảo thua? Thua hồi nào?
- ...
Tình bạn đồng tù thắm thiết. Các anh thường để ý ưu đãi chúng tôi. Mỗi lần ra sân trại lãnh thực phẩm, các anh có phận sự chia chác luôn luôn phát trội hơn tiêu chuẩn cho toán nữ. Phần ăn vừa đủ nên chúng tôi thường giấu bớt cá, bo bo vào bao nylon đem ra để ở gốc cây cho các anh lao động về đi ngang qua, ai nhặt được thì nhặt. Ngược lại thỉnh thoảng các anh cũng lén đem qua cho chúng tôi những món ăn tự nấu nướng lấy, giấu ở chuồng heo cho chúng tôi. Nhà giam của chúng tôi ở cuối trại, cạnh một gò đất cao, bên dưới gò đất phía bên kia là một thung lũng, một khoảng đất rộng bao la bên ngoài trồng hoa màu.
Một anh tù có phận sự giữ bò, mỗi ngày đến cột bò vào gốc cây cạnh gò đất cho ăn cỏ. Công việc này có vẻ nhàn nhã vì chúng tôi để ý thấy anh ngồi nhìn trời nhìn đất, im lặng trầm ngâm ngắm cảnh vật chung quanh hoặc ngủ gà ngủ gật.
Thỉnh thoảng bọn cán bộ trại dắt tù binh đi mua một con bò về làm thịt chia bán cho anh em tù. Họ làm thịt bò trong lúc chúng tôi đi lao động, ngay đầu nhà giam của chúng tôi. Nói là nhà giam nhưng hồi đó do bộ đội coi giữ, chúng tôi không bị khóa cửa (nhà có cửa đâu mà khóa), họ có vẻ tin tưởng là chúng tôi không trốn trại nên cho đi lại bình thường trong chu vi hạn chế đó. Chúng tôi dặn các anh mua giùm xương và huyết để nấu cháo. Các anh chỉ lén cho mà không nhận tiền để đưa trả bộ đội. Mỗi lần được nấu cháo, chúng tôi không quên đem một chén ra gò đất để ở gốc cây mời anh H giữ bò. Ăn xong anh để chén ở chỗ cũ và dắt bò về chuồng, ở đâu chúng tôi không thấy được.
Phía bên vệ binh có vài tên trẻ tuổi tốt bụng cũng thường hay kiếm cớ giúp đỡ chúng tôi, cố làm cho chúng tôi tin là con nhà địa chủ ngoài Bắc bị đi nghĩa vụ chứ không phải Cộng Sản. Thấy chúng tôi buồn, mỗi đêm đến phiên gác đi tuần quanh trại, ngang cửa sổ liệng sách truyện vào cho chúng tôi mượn đọc. Toàn truyện của miền Nam trước 75 không à.
Một đôi lần tên vệ binh nhắm cô trung úy của chúng tôi tối ra gò đất có chuyện cần cho hay. Chúng tôi phụ họa cô cứ ra xem nó nói gì. Tên đó đề nghị đưa cô đi trốn trại nếu cô muốn. Điều đó không được chúng tôi tán thành nên khuyên cô nên gặp lại xin cám ơn vì đã có lòng tốt. Còn mục gởi thơ đem về nhà thì chúng tôi vẫn nhờ và vẫn êm xuôi không hề bị lộ.
Thời gian này tôi bị bệnh tê thấp nặng gần liệt cả hai chân, đi đứng rất khó khăn, đau nhức, phải vịn tường lần đi từng bước, ở trong nhà, không ra lao động được nữa. Các anh từng đội đi ngang qua để xuống thung lũng trồng trọt thấy tôi trong tình trạng đó, thế là hàng ngày các anh thay nhau lén ném thuốc vào cửa sổ giúp tôi chữa bệnh. Nhiều lần tôi cám ơn từ chối:
- Các anh để mà dùng, tôi có đủ rồi, bên các anh lao động nặng rất cần thuốc men.
- Chúng tôi có đủ rồi, đó là chúng tôi quyên góp để gởi qua chị, mỗi người chút ít thôi, miễn cho chị lành là được!
Có số anh em trẻ coi tôi như người chị ruột vậy.
- Ngày nào bọn em đi ngang qua thấy chị nằm là bọn em buồn quá! Chị ráng lên, tập thêm cho mau lành.
Thế là mỗi sáng tôi phải ngồi dậy nhìn ra cười với các anh để họ được yên lòng đi lao động.
- Có thế chứ! Thấy chị cười là tụi em làm việc không thấy mệt. Sáng nào không thấy chị bọn em làm việc uể oải lắm đó!
Những kỷ niệm đó khắc sâu vào tâm khảm tôi, không bao giờ quên được.
Nhờ thuốc men các anh và nhờ sự giúp đỡ tận tình của chị em trong nhà giam, bệnh của tôi dần dần nhẹ bớt, có thể ra lao động nhẹ, làm bếp, nấu cám heo. Đến đợt thăm nuôi, gia đình đem thuốc vào tôi càng khá hơn, từ từ đi đứng bình thường và làm việc như trước.
Nếu những ngày tù cứ kéo dài, như giai đoạn này thì chưa đến nỗi bi đát quá.
Nhưng một buổi sáng, một xe molotova chở bọn cán bộ áo vàng đến trại nói chúng tôi lên xe đi.
Chúng tôi buộc phải gấp rút thu xếp đồ đạc cá nhân để dời đến một trại giam khác.
Lần này xe chạy ra xa lộ Biên Hòa, không vào Long Giao - Long Khánh, đi thẳng quốc lộ 1, qua Bình Tuy, vào sâu trong rừng. Đã quá lâu chúng tôi không đi xe hơi đường xa, xe molotova này do tài xế công an Cộng Sản lái thả giàn, mặc cho chúng tôi ngồi sau thùng xe lắc lư nghiêng ngả, nhất là khi xe rẻ vào đường rừng vừa dốc vừa nhiều ổ gà, quanh co, khúc khuỷu, xe chạy như lăn lộn, ngoằn ngoèo làm cho chúng tôi ngất ngư, choáng váng. Xe dừng lại khoảng giữa trưa trong một khoảng sân rộng, hai tên công an đằng trước nhẩy ra gọi chúng tôi xuống xe, chuyền nhau từng giỏ xách xuống theo. Trời nắng gắt, chúng tôi tìm bóng mát trước một gian nhà lợp tranh dài và cao, ngồi bệt xuống đất, dựa vào nền nhà, trong lúc chờ đợi tên công an trưởng xa chạy đi đâu đó, có lẽ đi báo cho văn phòng trưởng trại biết chúng tôi đã đến.
Đang đưa mắt nhìn quang cảnh xung quanh, một bầu trời rộng lớn bao trùm một doanh trại xa lạ, có nhiều dãy nhà tranh ngang dọc, phên là những thân tre đóng sát vào nhau, bỗng nghe trong nhà có những tiếng gọi khẽ tên mỗi chúng tôi. Giật mình xoay vào nhà chúng tôi thấy qua các khe hở lấp lánh những ánh mắt nhìn ra, không thấy được toàn mặt nên không biết là ai trong đó. Hình như họ đang giới thiệu chúng tôi với nhau.
Một toán công an theo nhau xuống nhận chúng tôi. Bọn công an gay gắt và hỗn xược hơn bên bộ đội. Việc đầu tiên là điểm danh, sau đó là lục soát “hành lý” cá nhân chúng tôi đem theo.
- Các chị bày đồ đạc ra để khám xét!
- Ai cho các chị dùng dao găm? Các chị đem theo để làm gì đây?
- Đó là những con dao rỉ sét chúng tôi lượm được ở hố rác các trại cũ dùng để làm cỏ.
- Không được! Ở đây cấm dùng. Để riêng những đồ bằng nhôm, sắt, tôn, thép ra một bên.
Chúng tôi nhìn một cách tiếc rẻ những đồ đạc bị tịch thu, những đồ đạc nghèo nàn thân thuộc đã theo chúng tôi hơn ba năm qua, đã giúp chúng tôi rất nhiều trong lao động ở năm trại trước.
- Các chị nào có dao, kéo, đồng hồ tự giác bỏ ra hết đây, khi nào chuyển trại chúng tôi sẽ trả lại.
Chúng tôi nghe mà rụng rời, thất vọng. Tại sao lại “chuyển trại” nữa mà không nói là “khi nào về”?
Mới đến đây, thật là thân gái dặm trường, chẳng biết những gì sẽ chờ đợi chúng tôi, sẽ xẩy ra đến ở nơi khỉ ho cò gáy này.
Lại những câu nói tiếp khô khan, dằn mặt thường lệ:
- Các chị đến đây phải tuyệt đối tuân theo nội quy trại, lao động tích cực, không được có những hành động chống đối, trốn trại sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với các chị, v v... vv.....
...
- Không tin được!
- Đi về! Nhất định phải đi về thôi!
Chúng tôi hăng hái toan bước lên bờ đường. Tên kia nhượng bộ:
- Thôi được rồi, tôi nhìn qua phía kia. Các chị xuống tắm đi!
Tên công an võ trang ngồi xổm xuống nhìn ra phía khác. Nhỡ anh ta quay lại nhìn thì sao?!
Đành phải xuống tắm thật nhanh mà mắt cứ phải coi chừng tên kia quay lại.
Có những chiều vừa tắm giặt xong, trời đổ một trận mưa lớn, chúng tôi vẫn lầm lũi đội mưa tiếp tục đi về trại, lại thay bộ quần áo khác. Quần áo trong tù vài ba bộ đơn sơ, ngày mai lại phải đem theo một bộ phơi chưa kịp khô đi lao động, chưa kể vài chị em cảm mưa, nặng thì đi bệnh xá, nhẹ thì vẫn phải đi ra rừng làm việc như thường. Những công việc lao động cực nhọc đến đâu, chúng tôi cùng ráng chịu được, cùng không làm chúng tôi đau khổ, bị chà đạp phẩm giá bằng cách phải đi tắm suối ở Hàm Tân (Z30D).
... Những ngày lao động rã rời cứ nối tiếp nhau không biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Phong cảnh núi rừng thật đẹp nhưng chỉ làm tăng thêm nỗi đau buồn cho chúng tôi trong cảnh tù đày.
Còn gì buồn hơn, mỗi sáng chủ nhật được nghỉ lao động, chúng tôi ngồi thẫn thờ nhìn ra bìa rừng, chợt thấy vài ba quan tài hai người khiêng nối tiếp nhau đi đến một khu rừng hoang vắng nào đó. Những anh em bạn tù đói khát, bệnh hoạn, kiệt sức đó đã chết thật âm thầm, lặng lè, gia đình không hay biết, vẫn mong mỏi đợi chờ. Những anh em đã dứt bỏ cuộc đời để ra đi, không có được vài nén nhang trên nấm mồ, chỉ được vài bạn bè xót xa chôn cất mà không biết bao giờ lại đến phiên mình.
Những buổi chiều sau giờ lao động về, chúng tôi cặp tay nhau đi lui đi tới trong sân trao đổi tâm sự, hoặc ngồi yên lặng ngắm trời đất trong phong cảnh hùng vĩ của rừng núi, khi mặt trời dần lặn, những đám mây đổi màu viền một dải vàng chói tuyệt đẹp, cho đến khi trở thành một màu tím thẫm.
Giờ đó là giờ chúng tôi phải điểm danh để theo nhau trở vào trong nhà giam khóa cửa. Chúng tôi lại cảm thấy chán nản ê chề trong nỗi nhớ nhà khôn xiết.
Làm sao quên được cảnh tù đày với bao nhiêu sự việc cay đắng xẩy ra trong đó!
Có buổi ngồi trong nhà, bất giác nhìn qua phên tre lên khu nhà gác của toán công an, thấy một anh tù trốn trại vừa bị bắt lại đang bị bọn cán bộ dùng báng súng đánh tới tấp, máu chảy từng dòng lênh láng từ đầu qua mặt, xuống cổ.
Tối đó chúng tôi ăn không trôi và trăn trở suốt đêm vì kinh hoàng và thương xót!
Trong nhà giam chúng tôi vài chị thường xuyên đau ốm, rên xiết vì đau tim, đau bao tử hoặc cảm sốt. Những tiếng kêu cứu nối tiếp nhau:
- Báo cáo cán bộ, nhà bẩy có người bệnh nặng cần cấp cứu!
Tiếng kêu réo trong đêm khuya vang vọng không được đáp ứng, hoặc chậm lắm mới có vài tên trực trại xuống dần đi bệnh xá sau những câu càm ràm nặng nề.
Trong cảnh lao tù, những ngày vui nhất là những ngày được gia đình đến thăm nuôi, nhưng cũng không được trọn vẹn.
Còn nhớ một lần ở Hàm Tân (Z30D), mỗi phiên chúng tôi được gọi ra là một toán 5,6 người. Trước khi ra nhà thăm nuôi, như mọi lần, chúng tôi phải qua một sự khám xét thật kỹ càng. Nữ cán bộ vuốt toàn thân người của chúng tôi, lần tay vào đường tà áo bà ba, lai quần, nịt ngực, xổ tóc ra để họ thấy chắc chắn là không có dấu thư từ, vật cấm gì trong đó. Sau này chúng tôi có kinh nghiệm là may hai lớp đáy vải để dấu thư nếu cần, làm như giỏ rách phải vá víu lại.
Mỗi toán ra nhà thăm nuôi đều có nữ công an đi kèm theo ra tận nơi.
Tôi vì cao, chân dài nên hăm hở đi trước. Khi đi ngang chòi canh, bỗng nghe tiếng:
- Chị kia đứng lái
Tôi đứng lại nhìn thấy một tên công an trẻ măng khoảng 20 tuổi, mắt trợn trừng nhìn tôi hỏi:
- Chị học tập bao lâu rồi?
- Bốn năm.
- Chị học tập bốn năm mà sao không biết gì cả vậy? Chị phải biết đi ngang đây phải làm gì trước khi đi ra chứ!
- Tôi không biết. Cán bộ nói cho tôi biết tôi đã làm gì sai?
- Chị phải báo cáo số người đi theo chị nhỡ khi vào thiếu một chị thì phải tính sao? Chị không biết là trưởng toán là phải làm gì à?
- Tôi đâu phải là trưởng toán. Mà tôi nghĩ đã có nữ cán bộ kia đi kèm chúng tôi rồi kia mà!
- Vậy sao chị đi trước?
Biết là mình nôn nóng ra gặp gia đình nên đi nhanh quá, thôi thì làm theo nó cho xong mà ra, kẻo mất hết mấy phút rồi mà mình thì chỉ có 15, 20 phút.
Khi ra gặp chồng con, tôi vẫn ráng tươi cười, làm như không có việc gì xẩu ra để tránh sự xót xa cho gia đình. Tôi ôm con mà lòng đau như cắt, nén sự xúc động đang dâng tràn.
Lại một tiếng nạt nộ khác:
- Chị kia! Bỏ con ra! Gia đình phải ngồi cách xa bên kia bàn. Một mình chị ngồi bên ghế đối diện.
Tội nghiệp con tôi! Cháu khép nép qua ngồi cạnh bố, im lặng, nét mặt ngơ ngác nhìn mẹ, đôi mắt rưng rưng.
- Ở nhà với bố rồi mẹ sẽ về với con, gắng học giỏi, mẹ thương!
Vẫn phải cắn răng cố nén để gia đình kể chuyện nhà. Phần tôi thì những điều dự tính thăm hỏi và nhắn nhủ bị quên mất phân nửa, để tiếc hận mất cả tháng. Phải vài ba tháng sau mới được thăm nuôi lần khác.
Như mọi lần, khi tên công an bắt chấm dứt buổi thăm nuôi để trở vào, sự lưu luyến vẫn làm lòng tôi như tan nát!
Khi trở vào để khám xét những đồ vật gia đình đem cho, lại một phen nữa bị dằn vặt.
Đồ đạc được xổ tung ra cho các anh “trật tự” khám từng món trước sự chứng kiến của một tên cán bộ (“trật tự” cũng là anh em bạn tù được Cộng Sản chọn ra làm việc).
Anh trật tự khám quà của tôi tự nhiên la lên:
- Ai bảo chị xin thứ này?
- Tôi đâu có xin, gia đình muốn cho thứ gì thì cho, tôi đâu có biết. Nhưng thứ đó là thứ gì vậy?
- Là thức ăn khô của bọn “Trung Quốc bành trướng”, chị không được nhận món này!
Vừa nói, anh ta vừa vứt chung vào núi quà của những người bị tịch thu trước tôi.
Tôi gom những món đã được “thông qua” bỏ vào giỏ xách để đem về nhà giam. Và trên con đường trở vào, khi đó, hai hàng nước mắt của tôi mới được kín đáo chảy dài.
Vào nhà giam, ngồi trên sạp của mình, tôi ngẩn ngơ mãi vì nuối tiếc những giây phút quá ngắn ngủi đã qua với người thân. Trong nhiều đêm tôi mất ngủ vì tưởng tượng đến những nhọc nhằn của gia đình, đường trường xa xôi, bất kể tôi bị chuyển đi đến đâu cũng không quản ngại tìm đến thăm nuôi mà tôi biết đã gói ghém bao nhiêu hy sinh, nhịn ăn, nhịn mặc. Tưởng nhớ đến từng người một trong gia đình mà tôi đã lo lắng chăm sóc, bỗng chốc phải tách rời. Tôi đành bó tay phó mặc cho thời thế đổi thay!... Thật hết rồi, sự thất bại của cả nước, sự sụp đổ của một chế độ đã kéo theo sự ly tán của mọi gia đình, vô phương cứu chữa.
Ngày mai sẽ ra sao?!
Đến lúc nào đất nước mới được khôi phục và gia đình mới được xum họp, ổn định?
Phải chăng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”? Vận nước trải qua một khúc quanh bi thảm.
Sự liên hệ giữa tù nam và tù nữ bị cấm tiệt, nhưng chúng tôi vẫn có liên lạc thường xuyên nhờ các cô và các anh thay phiên nhau xuống nhà bếp lãnh phần ăn cho các toán trong đội hoặc ở các nơi lao động giáp ranh nhau - có những tin tức truyền cho nhau, những tin đồn, những câu sấm, nhớ lại thật buồn cười cho sự ngây thơ của cả đám nam nữ tù nhân chúng tôi. Có một lần chúng tôi muốn khóc khi đọc một tờ giấy nhầu nát mà các anh bảo là truyền đơn do toán lâm sản lượm được ở bìa rừng, của một tổ chức kháng chiến, trong đó viết:
- Chúng tôi là những kẻ có tội. Chúng tôi đã làm mất những gì quý báu nhất, mất nước, mất tự do, mất hạnh phúc của đồng bào. Chúng tôi nguyện để tóc dài cho đến ngày giành lại được tự do để đồng bào được sống trong hạnh phúc.
Đại khái là như thế, và chúng tôi đã ngày đêm cầu nguyện cho những con người quả cảm đó ở khắp nơi, được kể là ở khu rừng gần nay có một Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, ở vùng khác một Tiểu Đoàn Nhẩy dù hay Biệt Động Quân ly khai không trình diện, họ đang ở các mật khu của Việt cộng trước 1975. Chúng tôi tin được là vì ở chung với chúng tôi có những chị em hoạt động bí mật bị bắt vào khá đông. Nhưng càng dài ngày, sự thất vọng đã làm cho chúng tôi phai dần mong đợi.
Những tháng năm tù vẫn tiếp tục như vô tận, chúng tôi phải trải qua những mùa mưa nắng gian khổ, ngày càng rách rưới bệnh hoạn thêm. Cho đến một hôm, chúng tôi được tin đồn là hai đội nữ tù sẽ được chuyển trại đến một nơi khác. Đêm hôm đó, chúng tôi không ngủ để gom góp đồ đạc vào bao, vào bị để đợi trời sáng. Nhưng toán công an trực hay được, xuống mở cửa vào nhà giam lục soát. Chúng tôi nhanh chóng đẩy đồ đạc vào một góc, im lặng chờ đợi.
Một tên phụ trách la lối:
- Ai bảo các chị có việc chuyển trại? Ai bảo các chị sắp xếp đồ đạc? Các chị ngủ hết đi để mai đi lao động.
Chúng tôi nửa tin nửa ngờ, nhưng buồn cười nhất là tờ mờ sáng hôm sau chính những tên đó trân tráo xuống gọi chúng tôi ra tập họp báo tin chuẩn bị đợi xe đến chuyển đi một trại khác “thuận tiện hơn để cho các chị học tập”.
Nơi đó là “Trại cải tạo Long Thành”, mà chúng tôi lại phải tiếp tục những ngày lao tù khốn nạn nhất với công việc chăm lo một vườn táo rộng lớn. Quanh năm suốt tháng lam lũ đi xúc phân người ở các hố lớn khiên cáng về vườn táo để bón cây, giẫy cỏ, cấm không được mang khẩu trang vì làm như thế là “ngại khó ngại khổ”. Suốt ngày áo quần lem luốc hôi hám từ đầu đến chân, chiều mới được về tắm gội ở một bể nước lớn chung với một số nữ tù hình sự đông đảo giam riêng gần đó.
Làm lụng thì vất vả mà ăn thì bo bo với muối trường kỳ nên sức khỏe ngày càng kiệt quệ. Chị em thay nhau bệnh tật triền miên.
Thời cuộc đã làm cho chúng tôi là những kẻ sa cơ, gánh chịu vô vàn khổ nhục, nhưng vẫn tin tưởng rằng mọi hoàn cảnh đều sẽ có một lối thoát, nếu ta giữ vững được lòng tin.
Ở mỗi trại tù, mỗi sự hành hạ khác nhau. Và còn biết bao nhiêu mẩu chuyện, giai thoạt về những người “tù cải tạo”, như những chuyện “Nghìn lẻ một đêm”, kể sao cho hết được!


Nguyên Hạnh
Trích sách viết “Chuyện Người Tù Cải Tạo” trang 240- 259 tập I/2007


hit counter
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân