TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - LUẬT THƠ - GS NGUYỄN THỊ SỬU
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

LUẬT THƠ - GS NGUYỄN THỊ SỬU

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Fri Dec 07, 2012 2:45 pm    Tiêu đề: LUẬT THƠ - GS NGUYỄN THỊ SỬU




LUẬT THƠ


      Bài này đã được đăng trong đặc san Trung học Duy Tân 2011 - "Một Thời Vẫn Nhớ"


      **** Cách làm Thơ
      *************
      “ Luật thơ – Cách làm thơ “, được gởi đến mọi người trong Gia đình Trung học Duy Tân, với mong ước Diễn Đàn Trung học Duy Tân và Đặc san Duy Tân sẽ có thêm nhiều bài thơ của nhiều tác giả, để sinh hoạt tinh thần và văn hóa của chúng ta thêm phong phú.
      Phần biên soạn dưới đây là những nét cơ bản về luật thơ tiếng Việt, giúp người yêu tiếng Việt và yêu thơ, ôn lại những kiến thức cơ bản, để mạnh dạn và tự tin khi sáng tác.
      Kiến thức cơ bản:
      - Thơ tiếng Việt, yếu tố vần là yếu tố quan trọng. Không vần thì không có thơ. Vần là sự gắn kết các âm cuối (nguyên âm) của các chữ (từ) trong câu.
      Xét về vị trí của chữ trong câu, có 2 loại vần: Vần chân (vần ở cuối câu), vần lưng (vần ở giữa câu).
      Xét về âm, có 2 loại vần: Vần chính (âm giống nhau hoàn toàn), vần thông (âm gần giống nhau).
      Lưu ý: Tiếng Việt có những chữ chỉ có nguyên âm, không có phụ âm (âm cuối) nhưng vẫn có ý nghĩa (gọi là từ). Ví dụ: o (o gái Huế), ai (đố ai!), ui (ui chao)...
      - Thanh trong ngôn ngữ tiếng Việt: Có 6 thanh, chia làm 2 nhóm:
      + Thanh bằng (B): Không dấu (thanh ngang), dấu huyền
      + Thanh trắc (T): Dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng.
      - Thơ tiếng Việt, về thể loại có 4 loại thơ quen thuộc: Thơ Lục bát, thơ Song thất lục bát, thơ Đường luật, thơ Mới (thơ tự do).
      Những nét cơ bản về luật thơ
      1/ THƠ LỤC BÁT:
      - Nguồn gốc: Thơ dân tộc
      - Số chữ (từ): Câu lục (6 chữ), câu bát (8 chữ)
      - Số câu: Số câu không hạn định, cứ 1 câu lục đến 1 câu bát.
      - Luật phối thanh: (Phân phối thanh bằng, trắc trong câu thơ):
      Thơ lục bát chỉ quy định luật phối thanh ở các chữ chẵn (2, 4, 6, 8).
      Các chữ thứ 2, 6, 8 mang thanh bằng (B), chữ thứ 4 mang thanh trắc (T), Các chữ ở vị trí lẻ (3, 5, 7) không quy định B/ T. Riêng câu bát, có thêm luật “ trầm bổng, thấp cao “ (trầm bình thanh, phù bình thanh), nếu chữ thứ 6 là thanh huyền thì chữ thứ 8 phải là thanh ngang (không dấu), nếu chữ thứ 6 thang ngang thì chữ thứ 8 là thanh huyền.
      - Vần: Chữ cuối của câu lục vần với chữ thứ 6 của câu bát, chữ cuối của câu bát vần với chữ cuối của câu lục tiếp theo.
      - Ví dụ: Trong đầm gì đẹp bằng sen,
      Lá xanh bông trắng, lại chen nhị vàng.
      Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
      Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
      (Ca dao)
      & Dẫn giải:
      + Phối thanh: Câu 1: đầm, sen (B), đẹp (T)
      Câu 2: xanh, chen, vàng (B), trắng (T)
      Câu 3: vàng, xanh (B), trắng (T)
      Câu 4: bùn, tanh, bùn (B), chẳng (T)
      + Vần: sen – chen, vàng – xanh, xanh – tanh (vần chính)
      2/ THƠ SONG THẤT LỤC BÁT:
      - Nguồn gốc: Thơ dân tộc
      - Số chữ: Hai câu thất (7 chữ), câu lục (6 chữ), câu bát (8 chữ)
      - Số câu: Mỗi khổ thơ (đoạn thơ) gồm 4 câu: Hai câu 7 chữ, một câu 6 chữ, một câu 8 chữ. Bài thơ có thể dài ngắn bao nhiêu khổ cũng được
      - Phối thanh: + Hai câu thất: quy định phối thanh ở các chữ 3, 5, 7
      Câu thất trên: chữ thứ 3 (T), chữ thứ 5 (B), chữ thứ 7 (T)
      Câu thất dưới: chữ thứ 3 (B), chữ thứ 5 (T), chữ thứ 7 (B)
      + Hai câu lục bát phối thanh như thơ lục bát
      - Vần: Chữ thứ 7 của câu thất trên vần với chữ thứ 5 của câu thất dưới, chữ thứ 7 của câu thất dưới vần với chữ thứ 6 của câu lục, chữ thứ 6 của câu lục vần với chữ thứ 6 của câu bát, chữ cuối của câu bát vần với chữ thứ 5 của câu thất ở khổ thơ kế tiếp.
      - Ví dụ: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
      Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
      Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
      Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai.
      (Chinh phụ ngâm – Đoàn thị Điểm)
      & Dẫn giải:
      + Phối thanh: Câu 1: lại (T), cùng (B), thấy (T)
      Câu 2: xanh (B), mấy (T), dâu (B)
      Câu 3: xanh (B), ngắt (T, màu (B)
      Câu 4: chàng (B), thiếp (T), sầu (B), ai (B)
      + Vần: thấy- mấy (vần chính), dâu- màu (vần thông),
      màu - sầu (vần thông)
      3/ THƠ ĐƯỜNG LUẬT:
      - Nguồn gốc: Xuất xứ từ thời nhà Đường (Trung quốc)
      - Số chữ: Xét theo số chữ, thơ Đường luật có 2 loại: Thơ ngũ ngôn (5 chữ), thơ thất ngôn (7 chữ)
      - Số câu: Xét theo số câu, thơ Đường có 2 loại: Thơ tứ tuyệt (4 câu), bát cú (8 câu)
      Như vậy, có các loại thơ Đường: Ngũ ngôn tứ tuyệt (4 câu, 5 chữ). Ngũ ngôn bát cú (8 câu, 5 chữ). Thất ngôn tứ tuyệt (4 câu, 7 chữ). Thất ngôn bát cú (8 câu, 7 chữ).
      - Niêm: Là sự gắn kết chặt chẽ giữa các chữ thứ 2 trong các câu,, cùng B hoặc cùng T, theo từng cặp: 1- 8 ; 2- 3 ; 4 -5 ; 6 -7.
      - Vần: Thơ Đường luật, vần bắt buộc ở cuối câu thứ 1, và cuối các câu chẵn. Vần B hoặc vần T
      - Phối thanh: Vận dụng loại thơ Thất ngôn bát cú làm căn cứ để xét luật phối thanh theo qui tắc “ nhất tam ngũ bất luật, nhị tứ lục phân minh “ (Chỉ qui định B, T ở các chữ thứ 2, 4, 6).
      - Luật B / T: Thơ Đường có 2 luật thơ. Thơ luật bằng và thơ luật trắc. Luật B/ T thể hiện ở chữ thứ 2 của câu thứ 1. Nếu chữ đó mang thanh B thì bài thơ phải làm theo đúng luật B. Nếu chữ thứ 2 của cầu thứ 1 mang thanh T thì bài thơ phải làm theo luật T.
      - Bố cục: Bài thơ Đường luật, thất ngôn bát cú, bố cục gồm 4 phần:
      Câu 1, 2: Đề (giới thiệu, chuyển ý)
      Câu 3, 4: Thực (ý chính, nội dung cơ bản)
      Câu 5, 6: Luận (bàn luận, mở rộng ý)
      Câu 7, 8: Kết (Nhận định, đúc kết ý)
      - Đối: Thơ Đường luật thất ngôn bát cú, bắt buộc phải có đối: câu 3 > <c> <6> < T (tất yếu khi đúng luật phối thanh)
      + Đối tự loại: Danh từ // danh từ, động từ // động từ, tính từ // tính từ...
      + Đối ý: Có thể là nghịch đối (ý tương phản), hoặc tương đối (ý tương đương)
      & Bảng phối thanh, vần, luật thơ Đường (Thất ngôn bát cú):
      # Thơ luật B, vần B:
      + Thứ tự của chữ trong câu: 1 2 3 4 5 6 7
      Câu 1: B T B B
      Câu 2: T B T B
      Câu 3: T B T
      Câu 4: B T B B
      Câu 5: B T B
      Câu 6: T B T B
      Câu 7: T B T
      Câu 8: B T B B
      # Thơ luật T, vần B:
      + Thứ tự của chữ trong câu: 1 2 3 4 5 6 7
      Câu 1: T B T B
      Câu 2: B T B B
      Câu 3: B T B
      Câu 4: T B T B
      Câu 5: T B T
      Câu 6: B T B B
      Câu 7: B T B
      Câu 8: T B T B
      # Bài thơ làm theo vần T thì chữ thứ 7 của các câu 1, 2, 4, 6, 8 phải gieo vần T. Các chữ thứ 2, 4, 6 sẽ theo bảng phối thanh luật B, hoặc luật T (xem bảng trên đây)
      # Thơ tứ tuyệt: Phối thanh giống nhau, theo từng cặp: 1- 4, 2- 3.
      # Thơ ngũ ngôn: Luật B/ T và phối thanh, ở chữ thứ 2, 4. Vần ở cuối câu 1, 2, 4.
      Vídụ: + Bài thơ thất ngôn bát cú, luật B vần B:
      Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
      Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
      Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
      Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
      Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
      Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
      Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
      Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
      (Thu điếu – Nguyễn Khuyến)
      Dẫn giải:
      & Luật phối thanh: Đúng luật. (Đối chiếu với bảng phối thanh Luật B)
      & Niêm: Chặt chẽ: thu- đâu (B), chiếc- biếc (T), vàng- mây (B), trúc- gối (T).
      & Vần: veo – teo – vèo – teo – bèo (vần B, vần chính)
      & Bố cục: Đề: Giới thiệu không gian, thời gian...
      Thực: Cảnh thu (cận cảnh)
      Luận: Cảnh thu ở làng quê (viễn cảnh)
      Kết: Hình ảnh và tâm trạng của tác giả
      & Đối: Hai câu thực đối nhau, hai câu luận đối nhau rất chỉnh (thanh, tự loại, ý).
      + Bài thơ thất ngôn bát cú, luật T, vần B:
      Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
      Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
      Lom khom dưới núi tiều vài chú
      Lác đác bên sông chợ (rợ) mấy nhà.
      Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc (quốc quốc)
      Thương nhà mỏi miệng cái đa đa (gia gia)
      Dừng chân đứng lại, trời, non nước,
      Một mảnh tình riêng ta với ta
      (Qua đèo Ngang -Bà huyện Thanh Quan)
      Dẫn giải:
      & Luật phối thanh: Đúng luật T (Đối chiếu với bảng phối thanh luật T)
      & Niêm: Chặt, đúng niêm: tới -mảnh (T), chen - khom (B), đác -nước (T), nhà- chân (B)
      & Vần: Vần B: tà - hoa – nhà – đa - ta (vận dụng cả vần thông và vần chính).
      & Bố cục: Đề: Giới thiệu không gian, thời gian, địa điểm
      Thực: Cảnh đèo Ngang
      Luận: Cảnh và ẩn tình của tác giả
      Kết: Tâm trạng của nhà thơ
      & Đối: Hai câu thực đối nhau, hai câu luận đối nhau, rất chỉnh (thanh, tự loại, ý)
      4/ THƠ MỚI (THƠ TỰ DO):
      - Nguồn gốc: Thơ tiếng Việt, ảnh hưởng của thơ phương tây
      - Số câu, số chữ, phối thanh, vần...: Tự do, không theo quy định, hoàn toàn tùy thuộc vào cảm hứng của tác giả.
      - Tuy nhiên thơ mới vẫn có vần. Cơ bản có các loại vần sau:
      + Vần liên tiếp: Chữ cuối của 2 câu thơ kề cận nhau có cùng thanh, cùng âm (vần chính) hoặc gần âm (vần thông). Mô hình tóm tắt: a a, b b,..
      & Ví dụ: Một buổi trưa không biết ở thời nào,
      Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao.
      Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ,
      Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.
      Buổi trưa này xưa kia ta đã đi,
      Phải cùng chăng? lòng nhớ rõ làm chi.
      (Đi giữa đường thơm –Huy Cận)
      Dẫn giải: Vần liên tiếp: nào – dao (vần chính, thanh B), chứ - tự (vần chính, thanh T, đi – chi (vần chính, thanhB).
      + Vần gián cách: Chữ cuối của câu thứ 1 vần với chữ cuối câu 3, chữ cuối câu 2 vần với chữ cuối câu 4. Mô hình tóm tắt: a b a b.
      & Ví dụ: Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
      Hổn hển như lời của nước mây.
      Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
      Nghe ra ý vị và thơ ngây.
      (Mùa xuân chín – Hàn mặc Tử)
      Dẫn giải: Vần gián cách: núi – trúc (vần thông, thanh T), mây – ngây (vần chính, thanh B)
      + Vần ôm: Chữ cuối câu thứ 1 vần với chữ cuối câu thứ 4, chữ cuối câu thứ 2 vần với chữ cuối câu thứ 3. Mô hình tóm tắt a b b a.
      & Ví dụ: Em không nghe mùa thu,
      Dưới trăng mờ thổn thức.
      Em không nghe rạo rực,
      Hình ảnh kẻ chinh phu.
      Trong lòng người cô phụ...
      (Tiếng thu - Lưu trọng Lư)
      Dẫn giải: Vần ôm: thu –phu (vần chính – thanh B), thức – rực (vần chính – thanh T).
      ******

Giáo Sư Nguyễn Thị Sửu
Tốt nghiệp ĐHSP Huế, ban Việt Hán (1973)



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân