TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - BÀI GIẢNG TRÊN NÚI : TÁM MỐI PHÚC
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI : TÁM MỐI PHÚC

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Fri Aug 24, 2012 12:23 am    Tiêu đề: BÀI GIẢNG TRÊN NÚI : TÁM MỐI PHÚC




SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU
LOAN BÁO TIN MỪNG :

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI : TÁM MỐI PHÚC

Chúng ta đọc Bài Giảng Trên Núi trong các chương 5,6 và 7 của Tin Mừng Matthêu. Tác giả đã gom vào đây nhiều điều Chúa Giêsu nói trong những hoàn cảnh khác nhau, làm thành bài giảng khai mạc Nước Trời, quen gọi là Bài Giảng Trên Núi hay Hiến Chương Nước Trời.

Trước mặt Chúa có đám đông và bên cạnh Ngài có các môn đệ. Cảnh tượng này có thể gợi ngay ra cho chúng ta một suy nghĩ : Đám đông thấy gì ? Các môn đệ thấy gì ? Chúa Giêsu thấy gì ?

Đám đông thấy Chúa và các môn đệ bên Ngài. Những con người này, chỉ mới đây thôi, còn thuộc vào số họ, sống đời thường như họ. Thế mà giờ đây, các ông lại là những con người khác, hoàn toàn thuộc về Chúa, sống với Chúa, rong ruổi với Chúa. Có điều gì đó xẩy đến với các ông mà không phải với người khác. Điều đó, đám đông có thể biết rõ.

Còn các môn đệ thì sao ? Các ông thấy đám đông. Các ông đã xuất thân từ họ, và sau này sẽ được Chúa sai đến với họ, bởi các ông sẽ được Chúa đặt làm Tông đồ, tức những người được sai đi.

Cuối cùng là Chúa Giêsu. Ngài thấy gì ? Bên cạnh mình là hạt nhân của Giáo Hội. Ngoài kia là tất cả những người được Ngài kêu gọi qua trung gian các môn đệ, để làm thành một Giáo Hội rộng lớn. Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến. Các môn đệ là những người được Ngài sai đi. Ngài biết các ông sẽ bị thế gian từ chối, giống như Ngài bị thế gian chối từ. Cả Ngài lẫn các ông đều có cùng một mầu nhiệm thập giá. Đương nhiên, tiếp theo chúng ta cũng phải suy nghĩ về mình, để mỗi người có thể đi vào tinh thần của Tin Mừng.
“Chúa mở miệng dạy họ” : một công thức quen thuộc trong Kinh Thánh để nhấn mạnh tầm quan trọng của những điều sắp được nói ra. Nhưng trước đó, hẳn đã có những giây phút thinh lặng. Chúng ta cũng biết dành ra những giây phút thinh lặng, trước khi suy niệm những lời Chúa công bố.

1. Phúc thay …
Lời Chúa tiên vàn nhằm nói với các môn đệ. Bản văn song song trong Tin Mừng Luca cho thấy rõ điều này (Lc 6,20). Theo lời hứa thì cả đám đông phải được hạnh phúc, nhưng các môn đệ đã đáp lời Chúa kêu gọi, được hạnh phúc ngay từ lúc này. Các ông hạnh phúc vì được giải thoát khỏi những gì mình có. Niềm vui là kết quả của tự do. Nước Trời thuộc về các ông trước khi thuộc về người khác, vì các ông là những con người tự do.

Chúng ta hãy đọc chậm rãi từng mối phúc một. Cả tám mối phúc giống như một viên kim cương, tuy toả ra những ánh sáng lấp lánh khác nhau nhưng chỉ là một viên kim cương. Bẩy mối phúc trước quy về sự nghèo khó (Các mối phúc từ 2 đến 7 chỉ là những cách diễn tả chi tiết mối phúc đầu tiên về sự nghèo khó). Mối phúc cuối cùng như một thứ kết luận : Nếu anh em sống như trên, chắc chắn anh em sẽ bị người đời bách hại, vì khuấy động cuộc sống của họ khiến họ phải lo lắng. Và vì không muốn lo lắng, họ sẽ gây khó dễ cho anh em.

2. Phúc thay những người nghèo
Theo Matthêu, đây là những người có tâm hồn nghèo khó. Nhưng Luca nói đến những người nghèo khó thực sự, nghèo tiền túng của. Điều này áp dụng trước hết cho các môn đệ. Quả thực, khi theo Chúa, các ông mất mọi sự, không có gì bảo đảm, không còn gì sở hữu, không còn mảnh đất nào làm quê hương. Tất cả hy vọng của các ông chỉ là ở nơi Chúa, Đấng đã kêu gọi các ông. Chấp nhận theo Chúa là chấp nhận thiếu thốn hoàn toàn. Đó là nghèo khó.

Ý nghĩa của sự nghèo khó, tự nó, không rõ ràng. Tự nó, cái nghèo không làm cho người ta vui. Do đó, Matthêu đã xác định thêm : nghèo trong tâm hồn. Giá trị nằm trong tâm hồn, một tâm hồn nghèo khó. Tâm hồn hay tinh thần nghèo khó giúp cho người ta có lòng tin, cậy, mến, tức là có đời sống theo thần đức.

Trước hết, người nghèo là người tin vào Thiên Chúa, tin tưởng vào Ngài. Mà tin vào Thiên Chúa là đặt Ngài làm  tâm điểm cuộc đời ta. Sống đức tin là như vậy.

Người nghèo cũng là người cậy trông vào Chúa, không hy vọng nơi điều gì khác ngoài Ngài, không cảm thấy an thân về những gì đang sở hữu. K. Marx đã hiểu rõ là phải kêu gọi người vô sản nếu muốn xây dựng một xã hội vô giai cấp. Nhưng như vậy là hạ thấp hạnh phúc của người nghèo vào hạnh phúc trần thế, biến hạnh phúc ấy thành một phạm trù xã hội học và chính trị. Trong khi đó, theo Chúa Giêsu, nghèo khó là một phạm trù tinh thần, nhưng có những ảnh hưởng xã hội, chính trị.

Chắc chắn người giầu chỉ có thể ca ngợi quá khứ và không thích tương lai. Ca ngợi quá khứ, vì nhờ quá khứ mà họ giầu có. Không thích tương lai, vì tương lai có thể làm họ mất tài sản. Người nghèo không ca ngợi quá khứ, vì quá khứ làm cho họ nghèo. Họ hy vọng vào một tương lai có thể bảo đảm cho họ một cuộc sống khá hơn. Người giầu không thể hy vọng, vì đã có đầy đủ thừa thãi. Chính theo nghĩa này mà F. Mauriac đã viết: “Hạnh phúc là bất hạnh”. Bất hạnh, vì người được hạnh phúc không biết trông chờ hy vọng gì hết. Họ không có tâm trạng “hướng tới”.

Người nghèo thì tìm kiếm. Đây là một từ chủ chốt của Kinh Thánh : “Ai tìm thì sẽ thấy” (Mt 7,8), “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33). Vì tìm nên họ sẵn sàng để lời Chúa chất vấn họ. Chính đó là kiểm điểm đời sống, một thái độ đang được cổ võ ngày hôm nay.

Cuối cùng, người nghèo có lòng yêu thương, vì được cởi trói bên trong. Họ sẵn sàng phục vụ. Trong Kinh Thánh, ý tưởng phục vụ rất gần gũi với ý tưởng nghèo khó. Người Tôi Trung phục vụ những người nghèo của Giavê. Những con người này không đòi hỏi gì trước mặt Thiên Chúa, không phô trương công lao và những việc tốt mình làm, như người biệt phái trong một dụ ngôn (Lc 18,9-14).

Cũng cần phân biệt nghèo khó với lầm than. Lầm than là một điều kiện sống cần phải loại trừ. Thế nên đừng gán cho nó một mầu sắc thiêng thánh. Gán như vậy là không còn cố gắng đưa người ta ra khỏi đó. Chúa không nói : Phúc cho anh em là những người không có gì ăn. Chủ trương bần cùng hay chủ trương thống khổ, lấy lý do chúng giúp ích cho đời sống đạo đức, là những chủ trương xa lạ với kitô giáo. E. Mounier nói : thuyết bần cùng hay thuyết thống khổ không phải là truyền thống kitô giáo.
Tuy vậy, có một mối liên hệ giữa sự nghèo khó tinh thần và sự nghèo khó vật chất. Nếu xem xét sự nghèo khó tinh thần một cách nghiêm túc, ta sẽ phải từ bỏ mọi thành kiến bảo vệ sự tiện nghi vật chất. Phải hiểu rằng tiền bạc hoạ hoằn lắm mới không liên hệ gì với quyết định đức tin. Vì vậy mà Chúa đã nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Quả thực, người ta không thể phục vụ đồng thời cả hai chủ đó.

Chúa muốn chúng ta có tinh thần nghèo khó, tức sự nghèo khó cho phép ta sống đời sống đức tin, đức cậy, đức mến, nhưng đừng quên sự nghèo khó ấy cũng tác động trên đời sống vật chất của ta. Không được nghĩ rằng chỉ cần có tinh thần nghèo khó là đủ, còn sống sung túc như những người giầu cũng chẳng sao. Thánh Augustinô nói: “Nếu bạn muốn mở rộng không gian tình yêu, bạn phải hạn chế không gian xác thịt”. Tiền bạc chính là những cái thuộc không gian xác thịt.

Chúng ta có nguy cơ nói nhiều về sự nghèo khó mà lại không sống với người nghèo. Chúng ta nên nói nhiều về những người nghèo hơn là về sự nghèo khó. Bằng không, người khác dễ nghĩ rằng chúng ta chỉ biết nói những gì trừu tượng.




SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU
LOAN BÁO TIN MỪNG :

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI : TÁM MỐI PHÚC
(bài 2)

3. Phúc thay ai hiền lành

Hiền lành là từ bỏ mọi quyền lợi riêng. Và nếu liên hệ tới cá nhân mình mà thôi, thì đó là bất bạo động.

Nhưng chúng ta không giống như một lễ sinh. Trong một số trường hợp, dường như không còn giải pháp nào khác hơn là phải bạo động, để chống lại bất công. Sự bất công này không chỉ thể hiện trong những hành vi lẻ tẻ, mà còn có những tình trạng lâu ngày nhiều tháng. Đức Phaolô VI đã nói điều đó ở một đoạn vắn trong Thông điệp “Phát triển các dân tộc”, số 31. Đó là những đường lối cai trị bạo ngược hiển nhiên và kéo dài, vi phạm những quyền lợi cơ bản của con người, gây thiệt hại nặng nề cho công ích.

Còn nếu chỉ riêng mình liên hệ đến vụ việc thì hiền lành là bất bạo động, là giơ má bên này cho kẻ vả  má bên kia (x.Mt 5,39). Tuy vậy, cách hành xử này cũng có nguy cơ bị coi là quá dễ dãi hay nhu nhược. Phải suy nghĩ về điều này. Chúng ta không được quyền nại tới Tin mừng để nói hay làm những điều ngu ngốc.

Nói chung, phải vừa hiền lành vừa mạnh mẽ và bình tĩnh. Lắng nghe ý kiến của người khác. Cố gắng hiểu họ dù ta không đồng tình. Bác ái cao cả nhất là bác ái của trí khôn.

Hiền lành cũng là thích nghi với hoàn cảnh, với những đòi hỏi cụ thể của lịch sử. Không tỏ ra nóng vội, khó chịu trước điều xẩy đến bất ngờ, và điều bất ngờ này thì có luôn trong đời. Sự hiền lành cho phép ta từng ngày tìm ra cách đáp ứng với biến cố. Muốn vậy, phải học lấy tinh thần của Đức Kitô.

4. Phúc thay ai sầu khổ

Đây là sự sầu khổ hay “nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa”, như lời Phaolô nói trong thư 2Cr 7,10.

Chúng ta không ảo tưởng về một cuộc đời chỉ toàn mầu hồng. Ngay cả về tình yêu, cũng không có tình yêu hoàn toàn hạnh phúc. Nói về nhạc của Schubert, tác giả Julien Green viết: “Nơi Schubert, sự chết đã nằm sẵn trong khiêu vũ”. Nhạc Schubert liên tục khiêu vũ, nhưng giữa những nhảy múa, người ta luôn thoáng thấy dáng dấp của sự chết.

Phúc thay những ai, qua kinh nghiệm, biết rằng cuộc đời không thể làm con người thoả mãn hoàn toàn. Phúc thay những ai biết vượt qua những hy vọng mong manh trong đời sống để có lòng trông cậy đích thực. Khi mọi sự tiêu tan nơi Israel, cả hàng tư tế quý tộc lẫn vương quyền, đền thờ, phụng tự đều không còn, thì đó là lúc ngôn sứ Giêrêmia giúp cho dân hiểu rằng không có gì hơn là Thiên Chúa, và Thiên Chúa là tất cả. Đó là những giọt nước mắt muốn nói đến ở đây.
Vấn đề là phải cậy trông, một sự cậy trông chân thực.

5. Phúc thay ai khát khao nên người công chính

Cách duy nhất trở nên người công chính là khát khao sự công chính.

Chúng ta hiểu rằng sự công chính hôm nay chỉ là khởi điểm cho sự công chính ngày mai. Cũng cần nói thêm: sự công chính không thuộc thế gian này. Tuy vậy, đừng suy nghĩ như những người bảo thủ. Cho rằng ở trần gian không có sự công chính, những người này chủ trương không nên tranh đấu cho sự công chính. Theo họ, tội tổ tông đã gây ra tình trạng như thế, nên cứ để mặc nó, cứ khoanh tay ngồi nhìn, có sao sống vậy.

Theo một nghĩa nào đó, đúng là sự công chính không có trong thế gian này, vì mọi tình huống công chính chỉ là khởi điểm để đi tới công chính. Nhưng cũng chính vì vậy mà Giáo Hội thực hiện nhiệm vụ phê phán mọi nền văn minh, bất kể là văn minh nào, vì không có văn minh nào đồng hoá với Nước Thiên Chúa. Và cũng vì vậy, người ta luôn phải khát khao sự công chính.

6. Phúc thay ai xót thương người

Người thương xót là người đau lòng về nỗi khổ của người khác.

Đây là điểm chúng ta cần tự vấn. Phải chăng lòng ta chai lỳ trước nỗi khổ của người khác, giống như các đô tuỳ, quen việc khiêng và chôn xác người chết, nên ít còn xúc động trước nỗi đau buồn của thân nhân người chết.

Người thương xót ưu tiên quan tâm đến những ai bé mọn, những bệnh nhân, những người bị người khác nhục mạ hay bạo hành. Chúng ta có đau lòng khi thấy người khác bị đối xử bất công không ?

Người thương xót là người cố gắng tìm cách giải thoát những ai lâm cảnh nô lệ dưới bất cứ hình thức nào. Trong xã hội hôm nay, có rất nhiều hình thức nô lệ. Hơn nữa, giúp cho người khác được giải thoát cũng chính là giúp cho mình được giải thoát. Ta sẽ không bao giờ trở thành người tự do nếu không nỗ lực giúp cho các anh chị em ta được tự do.

7. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch

Suy nghĩ về Bài giảng trên núi, D. Bonhoeffer đã viết như sau: “Ai có tâm hồn trong sạch? Đó là người không làm nhơ bẩn tâm hồn mình bằng điều ác mình phạm hoặc điều thiện mình làm”. Lời nói thật hay. Hãy để ý đến vế sau: không làm nhơ bẩn tâm hồn mình ngay cả bằng điều thiện mình làm. Đừng tự phụ về những việc lành mình làm cho người khác.

Tâm hồn trong sạch là tâm hồn đơn sơ, như tâm hồn của Thiên Chúa. Tâm hồn trong sạch không thấy mình làm điều tốt cho người khác, giống như một phụ nữ thật sự đẹp không biết rằng mình đẹp. Tâm hồn đơn sơ không có vết nhăn, vì đơn sơ, theo nguyên ngữ la tinh simplex, là không có nếp gấp. Ngược lại, duplex có nghĩa là gấp đôi, tức là có nếp. Và complex là nhiều nếp gấp, nên phức tạp.

Thiên Chúa là đơn, tức ngược lại với “đúp”. Cuộc đời đúp là cuộc đời mang mặt nạ. Mặt nạ làm cho người ta có hai bộ mặt. Nó là bộ mặt mang thêm, dính vào da thịt, che giấu bộ mặt thật, thậm chí có khi tác hại nặng nề đến bộ mặt thật.

Thư Giacôbê viết: “Người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình” (Gc 1,23). Đó là bộ mặt tự nhiên, đã được Thiên Chúa ban cho, chứ không phải bộ mặt giả tạo. Thiên Chúa yêu bộ mặt nghèo khó của ta. Mang thêm bộ mặt khác là giả trá.

Cha H. de Lubac nói: “Người có tâm hồn trong sạch thì có được hai phúc, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa và, qua họ, người ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”.

8. Phúc cho ai xây dựng hoà bình

Đây là người thực sự kiến tạo sự bình an. Phải đấu tranh nhiều cho công cuộc này, ngay cả trong đời sống gia đình.

Tiên vàn phải là người sống bình an để có thể đem bình an đến cho người khác. Phải chăng tôi thích chịu khổ hơn là làm cho người khác phải khổ? Phương châm là đừng bao giờ làm cho ai phải khổ. Nếu vạn bất đắc dĩ có làm cho người khác đau khổ, thì phải có lý do mạnh hơn: làm thế là vì bác ái. Quả thực, có những trường hợp phải làm cho người mình yêu thương đau khổ vì ích lợi của người đó.
Nói chung, việc xây dựng hoà bình góp phần làm cho người khác được hạnh phúc. Phải nói được như thánh Phanxicô Salê: “Tôi muốn là một thương gia bán hạnh phúc và cửa tiệm của tôi luôn đầy ắp khách hàng”.

9. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính

Kierkegaard nói: “Nếu bạn muốn tuyệt đối mất mọi sự để được điều tốt, bạn sẽ bị bách hại, nhất thiết bị bách hại. Không có giải pháp thay thế nào khác”. Đúng vậy. Một kitô giáo không đụng chạm ai ít có cơ may trở thành một tôn giáo chính thực.
Nguy cơ bách hại hàm chứa trong mọi hình thức chống lại sự bất công. Người ta không bao giờ có thể phản đối bất cứ điều gì mà chính mình lại không bị phản đối.

Vậy phải sẵn sàng chấp nhận bị bách hại. Trong lịch sử đã từng có những cuộc bách hại đẫm máu. Không liên minh với chính quyền hiện hữu, chắc chắn Giáo Hội sẽ bị chính quyền làm khó dễ.

Lm. Micae Trần Đình Quảng



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân