TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2433

Bài gửiGửi: Thu Nov 08, 2007 5:54 pm    Tiêu đề: ĐẠO HÒA HẢO

ĐẠO HÒA HẢO


Đạo Hòa Hảo, hay còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Đức Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939. lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Số tín đồ Đạo Hòa Hảo ước tính khoảng 1.232.600 người , tập chung chủ yếu ở miền Tây Nam bộ. Hiện nay, trong thư viện của hơn 30 quốc gia trên thế giới vẫn còn giữ những tài liệu sách báo về đạo Hòa Hảo.


1- Huỳnh Phú Sổ

2- Đạo Hòa Hảo


Huỳnh Phú Sổ là người sáng lập Đạo Hòa Hảo, hay còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo.

Huỳnh Phú Sổ sinh ngày 15 tháng 01 năm 1920 nhằm ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi tại làng Hoà Hảo, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, (nay thuộc huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Thuở nhỏ ông thông minh, học hết bằng sơ học yếu lược Pháp - Việt nhưng hay bị đau ốm nên đành bỏ dở việc học.

Trong một lần lên núi Sam (Bảy Núi, An Giang), tiếp xúc với phái Phật giáo Bửu Sơn kì hương, ông được trị bệnh tốt và luyện chí tu hành. Năm 1937, Huỳnh Phú Sổ về làng, chữa bệnh cho dân, viết kinh, giảng sấm, tự xưng là Phật thầy.

Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (4 tháng 7 năm 1939) ông đứng ra cử hành lễ "đền linh Khứu Sơn trung thọ mạng" khai đạo, lấy tên là Hòa Hảo, đó vừa là tên quê hương ông vừa có ý nghĩa là "hiếu hòa" và "giao hảo". Từ đó Huỳnh Phú Sổ đi chữa bệnh, tiên tri, thuyết pháp và sáng tác thơ văn, kệ giảng. Văn chương của ông bình dân nên dễ đi vào lòng người. Chỉ trong một thời gian ngắn số tín đồ và ảnh hưởng của Huỳnh Phú Sổ càng ngày càng gia tăng và trở thành một phong trào tín ngưỡng mạnh mẽ khiến Thực dân Pháp lo ngại.

Ngày 18 tháng 8 năm 1940 họ đưa ông đi quản thúc tại Sa Đéc.

Ngày 23 tháng 5 năm 1940, chuyển ông sang quản thúc ở làng Nhơn Nghĩa, tỉnh Cần Thơ nhưng cả hai nơi này đều được đông đảo quần chúng đến xin nghe thuyết pháp và quy y Phật giáo Hòa Hảo.

Vì vậy ngày 28 tháng 7 năm 1940, nhà cầm quyền Pháp đưa Huỳnh Phú Sổ vào bệnh viện Cần Thơ và sau đó chuyển lên nhà thương điên Chợ Quán tại Sài Gòn.

Tháng 6 năm 1941 Huỳnh Phú Sổ bị đưa đi quản thúc ở Bạc Liêu. Tại đây ông không được phép trị bệnh và thuyết pháp.

Tháng 10 năm 1942 trước tin tức người Pháp sẽ đưa Huỳnh Phú Sổ đi đày ở Ai Lao (Lào), các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và hiến binh Nhật đã giải cứu ông đem về Sài Gòn.

Năm 1945 gần hai triệu người bị chết đói tại miền Bắc .

Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1945 Huỳnh Phú Sổ đi thuyết pháp và khuyến nông tại 107 địa điểm ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Huỳnh Phú Sổ cùng Hồ Văn Ngà, Trần Văn Ấn, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Thạch... thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945 Việt Minh tổ chức biểu tình và cướp chính quyền tại Sài Gòn.

Ngày 8 tháng 9 năm 1945 Phật Giáo Hòa Hảo biểu tình tại Cần Thơ. Việt Minh tấn công vào đám biểu tình và bắt những người cầm đầu.

Ngày 9 tháng 9 năm 1945 Việt Minh bao vây trụ sở Phật Giáo Hòa Hảo ở số 8 đường Sohier để bắt Huỳnh Phú Sổ nhưng ông trốn thoát.

Ngày 7 tháng 10 năm 1945 những người Phật Giáo Hòa Hảo cầm đầu biểu tình như Huỳnh Thạnh Mậu (em ruột Huỳnh Phú Sổ), Trần Ngọc Hoành (con ông Trần Văn Soái - tức Năm Lửa), Nguyễn Xuân Thiếp (tức nhà thơ Việt Châu - Anh chú bác với học giả Nguyễn Hiến Lê) bị cho là âm mưu cướp chính quyền và đưa ra xử tử hình tại sân vận động Cần Thơ.

Ngày 26 tháng 10 năm 1945 Pháp tái chiếm Cần Thơ. Tín đồ Hòa Hảo lùng bắt Việt Minh.

Sau tạm ước Ngày 6 tháng 3 năm 1946 giữa Pháp và Việt Minh. Việt Minh cải thiện quan hệ với Hòa Hảo. Huỳnh Phú Sổ tham gia Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ (do Việt Minh lãnh đạo) với chức vụ Ủy viên Đặc biệt.

Ngày 21 tháng 9 năm 1946, Huỳnh Phú Sổ và một số trí thức khuynh hướng dân tộc, dân chủ thành lập Việt Nam Dân chủ Xã hội đảng, gọi tắt là Dân Xã đảng.

Ngày 27 tháng 2 năm 1947, đại diện của Huỳnh Phú Sổ là Nguyễn Bảo Toàn cùng với lãnh tụ các đảng quốc gia khác như: Nguyễn Hải Thần (Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội), Nguyễn Tường Tam (Việt Nam Quốc dân đảng) thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc.

Ngày 16 tháng 4 năm 1947 Huỳnh Phú Sổ đột ngột mất tích khi đến Tân Phú, Đồng Tháp Mười để hòa giải sự xung đột giữa Việt Minh và Phật Giáo Hòa Hảo.

Tín đồ Đạo Hòa Hảo do Huỳnh Phú Sổ sáng lập hiện nay có khoảng 2 triệu người, phổ biến ở vài tỉnh miền Tây Nam bộ.

2- Đạo Hòa Hảo


Mục lục
1 Lịch sử
1.1 Ra đời
1.2 Thời kỳ Nhật xâm chiếm
1.3 1947-1972
1.4 1972-nay
2 Giáo lý Hòa Hảo
3 Nghi lễ và tổ chức
4 Các ngày lễ tết
5 Xem thêm



- Lịch sử

-Ra đời

Đạo Hòa Hảo ra đời tại làng Hòa Hảo, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang năm 1939 do Huỳnh Phú Sổ sáng lập. Huỳnh Phú Sổ, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1920 (tức 25/11 Kỷ Mùi), là con của Huỳnh Công Bộ, một con người điềm đạm trầm tính, ít nói, thường xa lánh chốn đông người ồn ã. Ông được cha cho học hết bậc sơ Pháp-Việt tại một trường ở huyện, có năng khiếu thơ, văn và thông minh, nhạy cảm. Nhưng do sức khỏe luôn đau ốm nên ông không tiếp tục học lên bậc cao hơn. Ông phải lên núi Cấm tìm thầy chữa bệnh và tại đây ông đã tu theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật thầy Đoàn Minh Huyên (1807-1856) làm giáo chủ.

Huỳnh Phú Sổ tự nhận mình là bậc "sinh như tri", biết được quá khứ nhìn thấu tương lai, được thọ mệnh cùng với Phật A-di-đà và Phật Thích-ca Mâu-ni, xuống hạ giới có nhiệm vụ truyền bá cho dân chúng tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để "Chấn hưng Phật giáo, cứu độ chúng sinh khỏi sông mê, biển khổ và đưa tới chốn Tây phương cực lạc". Ông chữa bệnh cho nhân dân bằng các bài thuốc đã học và chính những lúc đi chữa bệnh đó ông đã kết hợp rao giảng về Tứ ân hiếu nghĩa của Phật thầy Tây An qua những bài sấm kệ do ông soạn thảo. Vì vậy chỉ trong vòng 2 năm từ 1937 đến 1939 số người tin theo ông đã khá dông và ông trở nên nổi tiếng khắp vùng. Ngày 12 tháng 5 năm Kỷ Mão (tức 4/7/1939) được ông chọn làm ngày khai đạo, khi ông chưa tròn 20 tuổi. Nơi tổ chức lễ khai đạo chính là gia đình ông. Ông đã lấy tên ngôi làng Hòa Hảo nơi mình sinh ra để đặt tên cho tôn giáo mới của mình: đạo Hòa Hảo hay Phật giáo Hòa Hảo. Ông đã được các tín đồ suy tôn làm giáo chủ Hòa Hảo.

Huỳnh Phú Sổ tự xưng là Phật thầy mượn thân xác mình để cứu độ chúng sinh. Ông làm nhiều bài ca dao, thơ ca, nói thiên cơ, sau được tập hợp lại thành bài giảng "Giác mê tâm kệ" có phần gần gũi tư tưởng thần bí, tín ngưỡng dân gian nên trong hoàn cảnh đời sống nhân dân Nam Bộ đầu những năm 40 thế kỷ 20 dễ đi vào lòng người, được quần chúng tin theo. Muốn trở thành tín đồ Hòa Hảo phải tuyên thệ: "Một đời, một đạo đến ngày chung thân".


- Thời kỳ Nhật xâm chiếm

Sang năm 1941, đạo Hòa Hảo tiếp tục gia tăng số lượng tín đồ của mình một cách nhanh chóng. Khi Nhật vào Đông Dương, Pháp lo ngại Nhật tranh thủ giáo phái Hòa Hảo nên đã câu thúc Huỳnh Phú Sổ ở Châu Đốc, Bạc Liêu, Cần Thơ. Năm 1942, Nhật vận động được giáo chủ Hòa Hảo về Sài Gòn. Tại đây ông đã vận động được nhiều nhân vật hoạt động chính trị thân Nhật vào đạo Hòa Hảo để gây thanh thế, đồng thời thời gian này nhiều thanh niên theo đạo Hòa Hảo cũng tham gia các tổ chức của Nhật.

Năm 1946, Huỳnh Phú Sổ cùng với những người lãnh đạo Hòa Hảo thành lập tổ chức "Việt Nam dân chủ xã hội đảng" gọi tắt là "Đảng Dân xã" bao gồm lực lượng nòng cốt trong Hòa Hảo và tổ chức Việt Nam quốc gia độc lập đảng. Đảng Dân xã có điều lệ và chương trình hành động, cơ cấu tổ chức riêng, có vai trò như một tổ chức chính trị. Từ đó Hòa Hảo vừa có đạo vừa có đảng và nó mang hình thức một tổ chức chính trị. Sau khi lập đảng chính trị, Hòa Hảo còn lập lực lượng vũ trang mang tên "Bộ đội Nguyễn Trung Trực".


1947-1972

Năm 1947, Huỳnh Phú Sổ mất tích, lực lượng phản động tìm cách chia rẽ những phần tử quá khích trong đạo Hòa Hảo chống lại Việt Minh, gây ra những vụ thảm sát đẫm máu. Nội bộ Hòa Hảo có sự chia rẽ thành các nhóm khác nhau, cát cứ ở các vùng thuộc Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ.

Năm 1964 đạo Hòa Hảo có sự củng cố lại về tổ chức, xây dựng mở mang các cơ sở tôn giáo, văn hóa, xã hội. Hệ thống Ban trị sự được kiện toàn từ trung ương đến cơ sở (hình thành cơ cấu tổ chức 4 cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã). Đảng Dân xã cũng được củng cố để hộ trỡ cho đạo, đồng thời cơ quan lãnh đạo Hòa Hảo có sự phân đôi thành 2 ban trị sự trung ương: phái cũ do Lương Trọng Tường, phái mới do Huỳnh Văn Nhiệm đứng đầu.

- 1972-nay

Năm 1972 Lê Quang Liêm tách ra khỏi phái cũ của Lương Trọng Tường thành lập ban trị sự trung ương mới. Lúc này đạo Hòa Hảo có tới 3 ban trị sự trung ương cùng tồn tại cho đến ngày miền Nam giải phóng. Sau đó, Hòa Hảo thành lập thêm Tổng đoàn bảo an, lập Viện đại học Hòa Hảo.

Đến nay, Hòa Hảo vẫn phát triển chú yếu trong vùng tứ giác Long Xuyên. Số lượng tín đồ khoảng 2 triệu người.


- Giáo lý Hòa Hảo

Giáo lý Hòa Hảo được thể hiện trong những bài sấm kệ do Huỳnh Phú Sổ biên soạn, bao gồm 6 tập:

Sấm khuyên người đi tu niệm
Kệ của người Khùng
Sấm giảng
Giác mê tâm kệ
Khuyến thiện
Những điều sơ học cần thiết của kẻ tu hiền
Có thể nhận thấy giáo lý Hòa Hảo là sự tiếp thu và nâng cao tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật thày Tây An, gồm phần "Học Phật" và phần "Tu nhân":

Phần "Học Phật": chủ yếu dựa vào giáo lý đạo Phật song được giản lược nhiều và có thêm bớt đôi chút. Tinh thần chính là khuyên tín đồ ăn ngay ở hiền.
Phần "Tu nhân": theo giáo lý Hòa Hảo tu nhân có nghĩa là tu "tứ ân hiếu nghĩa"- đó là 4 điều Phật thầy Tây An đã chỉ ra, bao gồm Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân đồng bào nhân loại, Ân tam bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Đạo Hòa Hảo khuyên tín đồ vừa học Phật vừa tu nhân để tạo nên công đức. Có công đức để trở thành bậc hiền nhân. Song, họ đặc biệt yêu cầu tín đạo phải tu nhân, cho rằng việc tu hành phải dựa trên đạo đức, trước hết đạo làm người: Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên (Không có tu nhân thì không thể học Phật, hoặc học Phật mà chẳng tu nhân thì cũng vô nghĩa); Dụng tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo; Nhân đạo bất tu, Tiên tu viễn ký (Muốn tu thành Tiên Phật trước hết phải tu đạo làm người, đạo người mà không tu thì Tiên Phật còn xa vời).


- Nghi lễ và tổ chức
Đạo Hoà Hảo chủ trương tu tại gia hơn là đi lễ chùa. Họ chủ trương giúp đỡ người nghèo hơn là cúng tiền xây chùa hay tổ chức lễ hội tốn kém. Những buổi lễ được tổ chức rất đơn giản và khiêm tốn, không có ăn uống, hội hè. Lễ lộc, cưới hỏi hay ma chay không cầu kỳ như thường thấy ở những tôn giáo khác. Họ cho đó là những sự phung phí thay vì dùng tiền đó dể giúp đỡ những người thực sự cần đến.

Đạo Hòa Hảo không có tu sĩ, không có tổ chức giáo hội mà chỉ có một số chức sắc lo việc đạo và cả việc đời. Không có nơi thờ công cộng, trung tâm của đạo ở làng Hòa Hảo gọi là tổ đình cũng chỉ mang tính gia tộc. Đạo này không xây dựng chùa chiền, không có tượng ảnh thờ. Vật thờ của đạo Hòa Hảo là miếng vải đỏ (trần điều) trên bàn thờ (còn gọi là trang thờ) đặt ở gian chính giữa và xây một bàn thông thiên ở sân trước của nhà. Việc thờ phụng này thể hiện tư tưởng của Phật giáo: "Phật tại tâm, tâm tức Phật". Đạo Hòa Hảo thờ Phật, ông bà tổ tiên và các anh hùng tiên liệt có công với đất nước, không thờ các thần thánh nếu không rõ nguyên nhân.

Lễ vật khi thờ phúng cũng rất đơn giản chỉ có hương hoa và nước lạnh (nước mưa, nước lọc tinh khiết). Ban đêm đốt đèn ở bàn thờ trong nhà và bàn thờ thông thiên. Khi thờ tín đồ chỉ đọc sấm giảng do thầy Huỳnh Phú Sổ soạn, không phải đọc kinh Phật và niệm lục tự Nam-mô-a-di-đà-Phật với mục đích tĩnh tâm.

Ngoài ra đạo Hòa Hảo còn có một số quy định về tôn giáo và quan hệ gia đình, xã hội. Ví dụ người nhập môn phải tuyên thệ trước Tam Bảo, nam tín đồ phải để vấn tóc (búi) để giữ hiếu nghĩa với ông bà tổ tiên, tín đồ phải thực hiện ăn chay từ thấp đến cao (6 đến 10 ngày trong 1 tháng hoặc trường chay như đạo Cao Đài, những ngày ăn chay mặn phải kiêng ăn thịt 12 con giáp, ngày tín đồ phải 2 lần cầu nguyện và khấn lạy trước bàn thờ (sáng, tối). Lời khấn nguyện khi cúng lễ của tín đồ Hòa Hảo là câu Nam mô nhất nguyện, Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhân hoàng, Liên hoa hải hội, thượng Phật từ bi, Phật vương độ chúng, thế giới bình an.


- Các ngày lễ tết
Trong một năm, theo âm lịch đạo Hào Hảo có các ngày lễ, Tết chính:

Ngày 1 tháng Giêng: Tết Nguyên Đán
Ngày Rằm tháng Giêng: Lễ thượng nguyên
Ngày 8 tháng 4: Lễ Phật đản
Ngày 18 tháng 5: Lễ khai đạo
Ngày Rằm tháng 7: Lễ trung nguyên
Ngày 12 tháng 8: Vía Phật thày Tây An
Ngày Rằm tháng 10: Lễ hạ nguyên
Ngày Rằm tháng 11: Lễ Phật A-di-đà
Ngày 25 tháng 11: Lễ sinh nhật giáo chủ Huỳnh Phú Sổ
Ngày 8 tháng Chạp: Lễ Phật thành đạo
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân