TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trì hành theo lối nhân bản
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trì hành theo lối nhân bản

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Mon Jan 02, 2012 4:14 pm    Tiêu đề: Trì hành theo lối nhân bản



Trì hành theo lối nhân bản


     Như hầu hết các bạn, tôi sống trong khung cảnh Phật Giáo một cách tự nhiên như cá xuôi nước, trong niểm tin chung của gia đình vào các điều như phước đức, trong cái lâng lâng của hương trầm, trong tiếng kinh nhẹ nhàng có khi rất mơ hồ, như cái dư thừa mà các mái chùa giữ không hết. Không có vấn đề gì ngoài cái nghèo do chiến tranh và thời cuộc gây nên. Lớn lên giữa lúc Huế như có ai muốn đem cho nó một bộ mặt mới với những triết nhân mới từ Tây Phương hồi cố quốc, nơi có sông Hương làm họ đỡ nhớ sông mẹ là sông Seine.
     Những triết gia trọng vị ấy mang cho cố đô điều tôi nghĩ nằm trong sự diễn tả của Thanh Tâm Tuyền và Phạm Đình Chương: Anh đưa em vào quán rượu, có một chút Paris để anh làm thi sĩ. Về tư tưởng họ đem vào những những điều như bi đát, phi lý và những chuyện quanh điều tạm gọi là chủ thuyết hiện sinh tuy lúc ấy bên trời Âu chủ thuyết nầy đã lùi bước như những lý thuyết xã hội và khoa học đạp lên nhau trong hình ảnh: khoa học là mồ chôn của các lý thuyết (La science est la cimetière des théories). Nổi bậc nhất là chữ thân phận con người - la condition humaine.
     Thân phận ấy, condition ấy, được trình bày rất hiện sinh bắt đầu bởi sự kiện trần truồng, trần truồng như đứa bé "bị bỏ vào đời"; je suis mis au monde; on me mit au monde. Các luận sư của chúng ta không đi tiếp nhưng người nghe biết rằng từ quan điểm vô cùng hiện sinh ấy, chúng ta có hai thái độ, hai cách giải quyết thân phận con người.
     Chủ xướng thứ nhất con người xuất hiện từ ý muốn tuyệt đối của một thần linh. Tốt xấu thiện ác sống chết thành bại tất cả đều do thần linh ấy quyết định. Con người phải trao cơ sở đạo đức và lý trí cho thần linh đó; cứu rỗi chỉ có thể thành tựu nếu tin tưởng tuyệt đối vào thần linh ấy.
     Thái độ thứ hai là quan niệm tình cờ. Sự xuất hiện của tôi trên quả đất nầy như gió rung ngọn lá rụng. Tự nó, nó chẳng ý nghĩa gì, là vô nghĩa là absurde. Có gì làm tôi vui thì cũng tình cờ vì ngọn lá kia được thổi qua vườn hoa chứ không phải xuống bùn nhơ. Nhưng nếu đến bùn nhơ thì thật bi thảm, tragique, tăng thêm cái vô nghĩa ấy thành cao độ. Sự tình cờ thứ nhất nầy không khác các tình cờ kế tiếp ví như gặp một ai đó rồi mình yêu, mình đau khổ đến quyên sinh.
     Quan niệm bị ném vào cuộc đời bắt nguồn từ quan niệm cố hữu tây phương "thời gian bình cát", thời gian đi thẳng từ rốn của thần linh tạo hóa, chảy mãi như bình cát đến chết. Sau đó không còn thời gian vì thời gian trở thành vô nghĩa trong thiên đàn vĩnh viễn hay địa ngục vĩnh viễn. Mô hình vô thần cũng xây dụng trên cùng một logique. Thời gian bắt đầu từ khi sự tình cờ cấu hợp, ví dụ gió cuộn cát thành cái mô trên sa mạc. Thời gian chảy qua những bi đát, những vô nghĩa, những hoang lạc... đến cái chết là xong.
     Hai định thức nầy thiếu tính chất nhân bản, trong nghĩa con người hoàn toàn thụ động. Đây cũng là nguồn gốc sự khủng hoảng tinh thần của Tây Phương, nó cũng có nét tương tự sự khủng hoảng tư tưởng La Hy sau thời cực thịnh, tức là thời Jesus Christ xuất hiện. Khung cảnh triết lý tây phương không thể giúp con người trong ước muốn sau đây qua sự diễn tả của Edmond Holmes.

     Trên mọi điều, linh hồn cần được cho phép tin ở chính minh. Trong thiên nhiên, tin ở chính mình là sức mạnh vận chuyển tối thượng, đó cũng là sức mạnh nằm sau mọi ước mong, mọi công trình, mọi cố gắng tăng trưởng, nằm sau mọi "bản năng muốn sống". Mâu thuẩn giữa tim và óc thật sự là lời phản kháng căm phẩn - trên bình diện bản năng và ước mong - chống cái lý thuyết (nó) tạm thời thỏa mãn trên bình diện ý thức. Đó là lý thuyết nói rằng thế giới vật chất là thế giới bao trọn, rằng mọi hiện tượng, kể cả và cho đến đời sống tâm linh của con người, công nhận là được minh xác và giải thích bằng những định thức của sức mạnh vật lý và luật vật lý và rằng do đó linh hồn tại bản chất không phải là một thực tại mà là một tên rỗng.
     Nói khác, sự phản kháng của con tim chống khối óc là sự vùng dậy của linh hồn trước sự băng hoại của chính nó. Ước mong đầu tiên, và cuối cùng trong một nghĩa nào đó, của linh hồn là được phép tin ở chính mình; bởi lẽ mọi đức tin, mọi hy vọng, mọi niềm vui, tất cả những gì làm cho cuộc đời đáng sống, đã có mặt trong sơ thai của niềm tin tưởng duy nhất nầy.

     Now the soul needs, above all things, to be allowed to believe in itself. Belief in oneself is the supreme motive force in Nature, the power which is behind every desire, every enterprise, every effort, to grow, every "instinct to live. " What we call the feud between the heart and the head is really the soul's indignant protest, on the plane of instinct and desire, against a theory which satisfies it, for the time being, on the plane of conscious thought, --the theory that the material world is the whole world, that all phenomena, up to and including the spiritual life of man, admit of being stated and explained in terms of physical force and physical law, and that therefore the soul itself is not a reality but an empty name. In other words, the heart's revolt against the head is the soul's protest against its own disparagement of itself. The first, and in a sense the last, desire of the soul is to be allowed to believe in itself; for all faith, all hope, all joy, all that makes life worth living, is present in embryo in that one belief.
     The Creed of Buddha, 1919; http://www.sacred-texts.com/bud/cob/cob11.htm


     Trước khi chuyển đoạn, xin nói đừng quên khía cạnh tích cực của chủ thuyết hiện sinh. Nó xuất hiện vào thời giá trị con người bị coi nhẹ qua những biến chuyển chính trị, khởi đầu từ cách mạng Liên Sô. Gheorghiu cấp báo và khấp báo sự hấp hối của tư tưởng Tây Phương và trông chờ ánh sáng từ Đông Phương. Cố gắng của nhà văn Lỗ Mã Ni nổi tiếng với Giờ Thứ 25 nằm chung trong lối suy nghĩ của Edmond Holmes, tác giả lời trích trên. Arthur Koestler chỉ rõ nhà nước là tất cả, con người là số không và cá nhân chỉ là ảo tưởng văn phạm. Trong lúc ấy André Malraux ca ngợi cuộc đời bị bỏ quên: cuộc đời không đáng gì nhưng không có cái gì đáng bằng cuộc đời.
     Đông phương nhất là Phật giáo không đồng ý sự giới hạn thời gian từ khi sinh ra đến khi chết, vì nó không giải thích được những sự việc mà con người cho là phi lý, nguyên do của absurd. Việc đi thêm bước thứ hai là cứu rỗi và trừng phạt một cách vĩnh viễn không hàm chứa sự nới rộng vì thời gian không ý nghĩa trong thế bất động, bất diệt vĩnh viễn của thiên đàn và địa ngục.
     Edgar Cayce nhà tâm học Mỹ nói nếu bạn tin có cuộc sống sau cái chết dù lên hay xuống, bạn phải tin trước cuộc đời nầy phải đã có cuộc đời. Nếu bạn tin trước cuộc đời nầy không có gì thì sau cuộc đời nầy cũng không có gì. Đây là một trong những cách đơn giản để giái thích vô thủy vô chung. Nghiêm Xuân Hồng nói ý niệm thiên đàng và địa ngục vĩnh viễn không có trong TCGiao nguyên thủy (christianismen primitif).
     Ikeda Daihatsu, ngành Nhật Liên Tông Nichiren, nói có hai sự sai lầm.
            l. tin không có gì sau cái chết;
            2. tin cái có gì đó vĩnh viễn, không thay đổi. Nói khác mọi sự đều sinh thành vận chuyển đi lên hay xuống, nhưng không đứng yên.
     Phật giáo còn triệt để trong cố gắng thăng hóa. Không nên ngừng ở cõi tiên cõi thiên đàn ấy. Đó chỉ là sắc giới; cảnh giới cao hơn dục giới ở Diêm Phù Đề nhưng còn thấp hơn vô sắc giới và đi lên nữa. Cõi tiên mà còn cần được giải phóng huống hồ là địa ngục. Địa ngục được quan niệm như một tâm thức đói khát, tức là tâm sinh thức A tu la, địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh trong chính mỗi con người. Vô minh chính là ngục thất.
     Kinh điển tiền đại thừa nói lên sứ mệnh và hạnh nguyện cao cả cứu độ của vô số bồ tát mà vị nổi tiếng nhất là Địa Tạng. Nhưng nói chung vị nào cũng thệ nguyện thụ hưởng quả Phật sau khi tất cả chúng sinh đã thành Phật. PG vẫn lấy cõi Diêm Phù Đề nầy làm căn bản. Có cảm tưởng như trại chuyển tiếp, half way station. Vì giới người "nhơn" nằm giữa một bên là thiên, thanh văn duyên giác bồ tát Phật còn bên kia a tu la...
     Đã có một thời PG được xem như trái với nhân vị qua thuyết vô ngã. Chữ nghĩa trong đại học khác với chữ nghĩa trong ty thông tin tuyên truyền. Các giáo sư nói về nhân vị qua Bergson, nhưng ty thông tin níu vào chủ trương nhân vị của chính phủ. Nhưng nếu personalisme dựa trên ý niệm duy chỉ con người có ý nguyện tự do (free will, volonté libre) thì PG còn đi xa hơn nữa khi tìm đến sức mạnh nội tâm chuyển từ như lai tạng thức. Qua đó, và qua danh từ thời đại, PG nhằm giải quyết và giải thích tự do triết lý (liberté philosophique). Tự do nầy xem như vắng bóng trong quan niệm thời gian bình cát nói trên: tôi bị bỏ vào cuộc đời, hoặc tôi buông thả cho cái absurde, hay tôi giao hết cơ sở trí thức và tri thức cho một thần linh.
     Sau khi cho phép bồ tát Diệu Âm đến cõi Ta Bà thăm, Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí ân cần nhắn nhủ đệ tử: đừng khinh tưởng người Ta Bà là hạ liệt. Thân của ông to cao mà thân Phật và chúng bồ tát Ta Bà lại nhỏ, đất đai lại không bằng và nhiều vũng bùn; nhưng chớ vì thế mà khinh tưởng người Ta Bà là hạ liệt (họ đều có Phật tính). Cách nói giản dị của Pháp Hoa bao chứa một nội dung tình người và sâu xa. Như những phẩm khác, phẩm nầy biểu hiện tính chất nhân bản trong PG.
     Lại càng không phản với bất cứ lý thuyết nào về giá trị con người, khi Phật nhấn mạnh chân ngã và khả năng thăng hóa của chúng sinh. Nhưng hướng dẫn cho chúng sinh ra khỏi u minh tích tụ từ ngàn triệu kiếp cần kiên nhẫn và phương pháp thích ứng. Nếu giới hạn của chúng sinh là khả năng tiếp thu, sự thiếu hụt nầy cũng là giới hạn của chư Phật trong công việc khai hóa; nói khác, không thể đem kiến thức cao xa mà truyền cho một em bé.
     Lý duyên khởi là nét độc đáo duy nhất trong lịch sử triết học và tôn giáo của nhân loại. Giải phóng con người là cắt bỏ những ràng buộc thâm căn; công nhận sự hiện diện của chúng nhưng không xem chúng như "cái quay búng sẵn trên trời" của Nguyễn Gia Thiều. Con người (danh từ có phần trừu tượng khi đặt trên dòng thời gian kiếp kiếp; có học giả tây phương đề nghị là sujet, chủ thể) hiện diện trong mọi giai đoạn mọi trạng huống.
     Theo kiểu phát biểu thời đại mới, Phật là đấng tự do đối với tất cả mọi thứ (free from all,... như ngu muội, căm hờn). Tự do ấy tăng giảm tỷ lệ thuận với mức Phật tính tích lũy qua trì hành hay cơ duyên. Nhưng ai cũng có Phật tính ít nhiều, cũng có nghĩa ai cũng có tự do ít nhiều. Tự do cũng tỷ lệ thuận với trách nhiệm.
     Nhận thấy tỷ lệ cho phép ta thấy nhiều khía cạnh của sự xuất hiện đời người. Bên cạnh nghiệp lực còn hạnh nguyện. Hạnh nguyện cũng là một thứ duyên khởi. PG công nhận chuổi liên hệ nhưng đồng thời giúp con người phá bỏ dây xích nầy. Thầy thuốc quan trọng nhưng bệnh nhân cũng đóng vai trò không kém quan yếu. Ở mức cùng tột, không ai có thề cứu người quyết chết. Ở mức độ bình thường, bệnh nhân phải tự chăm lo mình như không từ chối uống thuốc v. v... Đối với việc diệt trừ nghiệp chướng, ý định của con người vô cùng quan trọng. Trước tiên, quyết định là nhân, tất sẽ có quả ngay.





Được sửa bởi tonthattue ngày Mon Jan 02, 2012 11:54 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Mon Jan 02, 2012 4:22 pm    Tiêu đề: trì hành theo lối nhân bản (tiếp)



Trì hành theo lối nhân bản (tiếp theo)


      Tác động của con người làm mất quân bình đẳng thức nhân quả. A = b + C sẽ trở thành a lớn hơn b+c hoặc a nhỏ hơn b +c nếu ta thêm yếu tố yếu N vào một một vế. Phương trình nầy chỉ có tình cách gợi ý. Tác động của N mang một động năng (vélocité) cấp số nhân. Như ta ném viên sỏi xuống hồ, từng lớp vòng tròn trên mặt nước. Hình ảnh nẩy cũng chưa đủ, mà phải nói tác động trong một không gian nhiều chiều. Yếu tố N dễ nhớ là người, và là (tác) nhân.
      Sau khi chữa trị cho nhà vua khỏi bệnh chết, vị lương y bị cầm giữ tại kinh đô xa. Một thời gian qua, quân vương cho ông về quê với tiền thưởng rẻ mạc chỉ vửa đủ tiền đò. Vua mà, làm gì chả được, thôi ta về đi. Đến quê, ông thấy ngôi nhà tranh cũ đã biến mất mà thay vào đó nhà cao cửa rộng. Hỏi ra mới biết trong thời gian ông xa nhà, nhà vua đã cho xây biệt thự ấy để trả công. Giờ ông mới biết tiền thưởng đã gấp trăm nghìn lần tiền công.
      Câu chuyện trên trong kinh Phật cho thấy quả vô cùng to lớn, quả tốt cũng lớn quả xấu cũng lớn. Hãy lấy một ví dụ thông thường. Một nụ cười đơn giản kèm lời ân cần thăm hỏi của bạn làm cho người hàng xóm vui sướng. Bà hay ông ấy đi làm vui tươi và cho những người cùng sở những nụ cười; dây chuyền cười sẽ tiếp như từ một điểm tỏa ra không những một góc phẳng mà cả một hình nón đi mãi về xa. Nếu bạn tạo ra điểm đỉnh ấy bạn hưởng toàn bộ khối hình chóp ấy. Nụ cười ấy trở lại tác dụng trên bạn và những người gẩn bạn hưởng trước niềm an lạc trong bạn, những kẻ thụ hưởng là gia đình; những người nầy đến phiên mình khởi phát những đợt sóng mới. Cũng giống như một đồng tiêu ra tạo nên một chu kỳ kinh tế.
      Nếu Suzuki đem PG ra thế giới với cái nhìn thiền đến nay gây nhiều ảnh hưởng trên văn học, Ikeda Daihatsu trình bày PG với ý niệm cách mạng con người (Human revolution) ảnh hưởng trong giới trì hành. Phần đóng góp của Suzuki được giới trí thức, Việt và các nước biết và phiên dịch.
      Cách mạng "người" lấy tinh lý là sự nâng tâm thức lên cao ngang với Phật, Bố Tát. Cuộc cách mạng nầy sẽ thay đổi con người và làm con người đủ huệ và phước. Đây chỉ là một cách áp dụng kinh Pháp Hoa, kinh mà ông khuyến khích người ta đọc tụng hằng ngày.
      Trong một công ty Mỹ, một thanh niên Nhật mới lớn lo nhiệm vụ pha cafe cho ban quản lý. Anh rất sốt sắng, tỏ ra hạnh phúc và thỏa mãn. Có người thương mến khuyên anh đừng say sưa với việc nhỏ nầy mà hãy nghĩ đến chức vụ cao hơn. Anh trình bày rằng song song với việc đi học đêm, anh hết sức chú tâm đến việc pha cafe. Anh lo khu ăn uống nầy ngăn nắp sạch sẽ và nhất là làm sao mọi người khi vào sở có cafe ngon không cần chần chừ. Anh thấy sung sướng có dịp phục vụ kẻ khác tuy việc làm có trả lương. Anh đã nhân hóa việc pha cafe, và chính anh tự làm tươi mát để không thành một máy pha cafe. Đó là từ bi không mất tiền, là bố thí không mất tiền.
      Cuộc cách mạng "người" bắt đầu từ người. Trước tiên là quảng bá cái luật hoàn vũ chi phối mọi người như trọng lực, không phân biệt trẻ già. Đó là luật huyền nhiệm (diệu pháp, mystical law, myo-ho) nhân quả đồng thời (liên hoa, ren-ge simultanous causality law). Nhận biết như vậy thì không ta thán, trách móc, đồng thời không thụ động chấp nhận; trái lại hóa giải. Tín hữu rõ những gì xẩy ra hôm nay do luật nhân quả, cô đọng thành nghiệp (karma, deed). Quyết định giải nghiệp tự cứu mình là nhân, mà có nhân là có quả. Tín hữu được mời tin năng lực của diệu pháp có khả năng giải thoát, không làm ta sợ hải, mà hanh thông (vô sở úy, vô ngại lực). Tín hữu được giải thích tụng kinh là đem tâm thức ngang với Phật. Họ được yêu cầu tự kiểm nghiệm.
      Họ luôn được lưu ý rằng không ai hăm dọa họ cái gì hết. Không trì hành họ vẫn không chết, nhưng trì hành thì tốt, trước nhất cho mình, xung quanh mình rồi ra xa. Khi kiểm nghiệm mà tự thấy có chút gì an lạc, hãy chia sẻ ngay, không phải chờ đến giác ngộ (giác ngộ là gì?, không cần học kệ hôn kệ cười). Chia sẻ bí quyết của an lạc ta có hai lần an lạc (on double son bonheur en le partageant) như khi bạn thấy phim hay điện thoại cho bạn bè. Dần dà tín hữu chứng nghiệm cái luật không thấy nhưng thấy có qua các biểu hiện như không thấy điện nhưng biết có điện qua đèn, bếp nấu, TV v. v...
      Khổng Tử nói: Đừng làm cho kẻ khác điều mình không thích cho mình. Câu nầy được chuyển qua thế tích cực: Hãy làm cho kẻ khác điều hay mình muốn làm cho mình. Những việc trên đã nằm trong hai chữ "thí pháp", với Tây Phương rất lạ, nhưng phe ta thì thờ ơ, "biết rồi, nói mãi, nói hoài, bỏ qua đi tám". Biết?
      Khuynh hướng chú trọng tác lực của con người trong nghiệp và trong tiến trình giải thoát, (khuynh hướng ấy) tự xưng là đại thừa qua ý hướng làm thiện cho kẻ khác; họ công kích thái độ nhờ một tha lực như Tịnh Độ chỉ lo vừa lòng Phật Di Đà trong giờ lâm chung, vãng sanh tịnh độ. Từ bây giờ cho đến khi chết, ta thì sao, người quanh ta thì sao? Họ so sánh việc nầy với đường lối đẹp lòng thần linh để vào cõi lạc sau khi chết mà không cần một cố gắng nào khác.
      Một sinh viên Nhật ở UC Irvine được tin mẹ bệnh ung thư. Cùng học với cô là một mục sư. Ông khuyên cô nên rửa tội và bảo mẹ rửa tội cho kịp trước khi chết hầu lên Thiên Đàng. Cô đáp: sao ông không nghĩ chuyện làm cho mẹ tôi lành bệnh, mẹ tôi hiền thục, chết sẽ về cõi Phật hay Chúa. Chuẩn bị bây giờ để lên Thiên Dàng hình như quá trễ. Cô đã dùng kinh PH cứu mẹ thành công. (Tôi cũng có kinh nghiệm bản thân gần giống vậy sẽ nói sau).
      Tôi đã viết cái gi? Mung lung quá "tào lao" quá. Tôi đã không biết diễn tả điều tôi muốn nói là trùng trùng duyên khởi, là nhân quả. Và dùng những công cụ ấy - cùng với ý niệm hạnh nguyện - để hiểu sự hiện diện trông như phi lý, vô bổ, rất chi là absurde, rất chi là tragique. Và cũng dùng những thứ ấy để khai mở, rộng mở điều tạm gọi là tự do triết học, nói cho kêu một chút mà chơi.
      Trên một mức độ nào đó, có thể nó duyên khởi bao trùm cả giáo lý PG. Nó được trình bày nhiều cách qua các thời giảng huấn (nếu ta còn dùng sơ đồ năm thời, ngũ thời giáo). Giai đoạn cuối (là Pháp Hoa) cho thêm tính cách năng động và trông bình dị hơn. Đó là Như Thị.
      Tổng đồ Như Thị chia ly thành mười như thị để rồi gom trở lại Như Thị. Ba cặp tiệm hoạt (nhân / duyên; lực / tác; quả/ báo) kết hợp với ba thành tố tĩnh, (tướng, tánh, thể) tạo nên tổng thể quân bình, cái cứu cánh rốt ráo tận cùng. (Như thị tướng,.. tánh,.. thể,.. lực,.. tác,.. nhân,.. duyên,.. quả,.. báo,.. đồng mặc cứu cảnh đẳng - phẩm 2).
             Cái rốt ráo ấy giúp ta thấy con đường dài và còn dài
             Chúng sinh vì tội báo
             do nhân duyên ác nghiệp
             nên trong vô lượng kiếp
             chẳng nghe tên Tam Bảo.
             Nó cũng chỉ cho con đường rất ngắn:
             Người nhu hòa ngay trực
             cố tu tập công đức
             sẽ thấy được thân ta.
      Cái "như thị đồng mặc cứu cảnh đẳng" nầy nơi Phật là Pháp thân, là lưỡng túc tôn, nơi Phổ Hiền là phước hải, nơi Vằn Thù là trí hải, nơi Quán Thế Âm là từ hải. Phân nhỏ như vậy cho vừa tầm của chúng sinh, để chuyển dụng (cho người khác) sau khi thụ dụng (nhận cho chính mình). Tác động vô ra qua lại nói lên ý năng tự do (free will).
      Tạm nằm trong ngoặc đơn, hình ảnh của Đa Bảo Như Lai trong Bảo Tháp lửng lựng giữa hư không. Đa Bảo Như lai, trong lập luận để biện giải, xem như chân lý vĩnh cửu nhưng là chân lý khách quan bên ngoài, tín hữu cần đưa chân lý ấy thể nhập với chính mình để trong ngoài đồng nhất. Ở đây cứ chấp nhận ngoài trong và chưa nên đi quá xa đề nói làm gì có ngoài để đưa vào trong.
      Hãy hình dung một chữ X hay dấu nhân, với bốn điểm mút A, B, bên trên và C, D bên dưới. Điểm giữa là N.
      A là Thích Ca, B là Đa Bảo, C là Phổ Hiền, D là Văn Thù Sư Lợi. N là người là nhân và điểm qui hội.
      Thích Ca đứng về phía chúng sinh (Phật sẽ thành), ôm Đa Bảo như hai Ngài ngồi chung trong tháp nói ở chương Hiện Bảo Tháp. Tháp đó cũng chính là Tâm N, nơi ngoài trong là một. Đó là một quả vị, ngộ nhất thời. Từ căn cứ địa N chìa ra hai hiệu ứng: huệ (Văn Thù) và phước (Phổ Hiền). Ví như máy phát điện có hiệu ứng sinh nhiệt và sinh ánh sáng.
      Bây giờ chúng ta đi ngược từ C và D cho giáp nhau ở N. Vì cơ duyên hay bất cư lý do gì, cá nhân dùng phước tích lũy trong mình mà làm ân phước cho người khác; hay dùng trí huệ khai thông cho người khác; một hoặc cả hai tác động đó làm cho cá nhân ấy giác ngộ.
      Những hướng đạo viên "trên mặt đất" rất thực tiển, họ bắt đầu nói với thân hữu rằng bác ái bắt đầu bởi chính mình theo câu nói của Pháp La Charité commence par soi même. Hãy làm cuộc cách mạng người với cái nhìn tươi vui. Vạn pháp do tâm tạo, cho nên một thiện niệm tô đẹp thế giới của ta; một ác niệm nhỏ cũng đủ để xáo trộn thế giới của ta. Thân hữu hãy làm việc từ bi cho chính mình, nâng tâm thức để hóa giải những bức bách tâm thần và vật chất. Cuộc đời không thể vắng bóng những sầu bi, những vấn đề (life cannot be problem free); nhưng những vấn đề ấy sẽ được giải tỏa bằng ý lực.
      Thân hữu đã khởi hành và xin đừng trở lui (bất thối chuyển; non regressive), đã cởi con voi trắng của Phổ Hiền, giác ngộ bằng con đường hành thiện; cởi con cọp trắng của Văn Thù để giác ngộ bằng trí; gộp chung hai con đường để hội nhập với diệu pháp, sống trong huyền nhiệm quên cả chữ nghĩa, quên cả cái tánh không mà an nhiên tự tại.
      Đến nơi đó, đừng quên cứu vớt thằng nhỏ ngu muội nầy đang còn hụp lặn trong chữ nghĩa li ti, đang còn ham ngựa vàng voi trắng. ---
     

tôn thất tuệ
(trích từ một email)



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân