TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - MỘNG DU _ SLEEPWALKING
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

MỘNG DU _ SLEEPWALKING

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Fri Dec 02, 2011 7:13 am    Tiêu đề: MỘNG DU _ SLEEPWALKING




MỘNG DU _ SLEEPWALKING
Intro Chapeau:
Bệnh Mộng Du theo danh từ tiếng Anh là Sleepwalking, còn từ ngữ chuyên môn hơn là Somnambulism hay bước đi trong dị mộng, nó thuộc căn bệnh gốc do triệu chứng rối loạn giấc ngủ hay được gọi là Parasomnia như tiếng của ông 7 Obama. Ông đốc Nguyễn Ý Đức của xứ Dallas Fort Worth đã gửi bài viết về nó.
Trước đây ông nhà báo Nguyễn Văn Lập bước vào một tiệm phở ở Dallas bỗng thấy một "người đàn ông Á châu" trông gương mặt quen quen ngồi ăn phở tái và vui vẽ đàm đạo với hai cha con US VIPs, tức hai Tổng thống 41 và 43 của xứ Huê Kỳ, ông ký giả Nguyễn Văn Lập dụi mắt hai lần liên tục cu71 tưởng đâu mình bị mộng du. Thưa "người đàn ông Á châu"  đó chính là ông Lang Dallas Nguyễn Ý Đức.


Đốc Đức nên viết về vụ phở double Bushes đi nhe, đề tài khiến ông ký giả Nguyễn Văn Lập dụi mắt đến những hai lần, tưởng mình bị cơn sleepwalking up-syndrome.
Xin mời quý ông bà, quý ACE xem bài viết của BS. Nguyễn Ý Đức.
VHLA

Câu Chuyện Thầy Lang: Mộng Du

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Theo tiến sĩ Rosalind Cartwright, trong Arm J Psychiatry 2004;161:1149-1158, trường hợp mộng du đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1878.
Một thanh niên 28 tuổi có tiền sử luôn luôn trong nhiều cơn ác mộng với cảm giác sống động rằng một thảm họa khủng khiếp sắp xảy ra. Anh bị đưa ra tòa vì đã dập đầu đứa con 18 tháng vào tường cho tới khi đứa bé thiệt mạng. Anh cho hay, khi hành động như vậy anh ta tin tưởng rằng anh đang phải đối phó với một ác quỷ đang đe dọa gia đình. Anh được quan tòa tha bổng vì thảm trạng xẩy ra khi anh ở trong giai đoạn Mộng Du, không ý thức được việc làm của mình.
Trong kịch bản nổi tiếng Tragedy of McBeth, soạn giả Shakespears đã tả lại hành vi và tâm trạng của Lady McBeth, một phụ nữ quyền quý suốt đêm đi lang thang vô định trong tòa lâu đài cổ kính, cố gắng tìm cách lau sạch hai bàn tay mà bà tin tưởng là dính đầy những máu. Trong nhiều năm trước đó, với nhiều mưu kế, bà đã thuyết phục chồng giết vua để đoạt ngôi báu. Bà bị ám ảnh về việc làm tội lỗi của mình trong quá khứ.

Với y khoa, tiếng Anh của Mộng Du là Somnambulism hoặc bình dân dễ hiểu hơn là Sleepwalking, Đi Trong Khi Ngủ, Miên Hành.
Bệnh nhân đi lại trong khi ngủ và thực hiện một số động tác một cách bán tự động, mà khi thức dạy, không nhớ là mình đã làm gì.Các động tác này đôi khi có thể gây nguy hiểm tới tính mệnh của mình hoặc cho người khác.
Bệnh thấy ở mọi lứa tuổi nhưng thường thấy nhất là ở trẻ em. Cứ 100 em thì từ 2-14% bị bệnh. May mắn là 25% các em này sẽ hết bệnh khi đạt tuổi trung niên. Người lớn cũng bị bệnh, nhưng ít hơn: 100 người chỉ có 2 người mắc bệnh.
Mộng du thường xuất hiện khoảng 1 hoặc 2 giờ sau khi người bệnh rơi vào giấc ngủ, tức là vào thời gian đang ngủ say nhất của ban đêm. Mộng du ít khi xảy ra khi ngủ trưa. Bệnh cũng không xảy ra mỗi đêm, có khi lâu lâu mới bị.
Bình thường mộng du kéo dài mưoi mừoi lăm phút, đôi khi cả giờ và có thể kết thúc đột ngột. Người mộng du trở lại giường ngủ tiếp.
Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa Antonio Culebras về Rối Loạn Giấc Ngủ tại Đại học Syracuse, New York thì “Người mộng du có thể rơi vào tình trạng trong đó bạo hành và tấn công dễ dàng xảy ra”.
Rủi ro đưa tới mộng du
Nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ em chưa được biết rõ nhưng một số rủi ro đưa tới tình trạng này ở người lớn đã được nêu ra:
-Tác dụng của rượu,thuốc cấm: Trước khi đi ngủ mà uống nhiều rượu hoặc dùng thuốc cấm đều có thể gây ra mộng du với các hành động nguy hiểm tới tính mệnh
-Căng thẳng tinh thần, lo âu cũng là rủi do thường thấy;
-Thiếu ngủ kinh niên có thể tạo ra cơn mộng du, mặc dù trước đây chưa bao giờ bị.
-Di truyền, thừa kế gia đình. Theo thống kê, nếu cha mẹ hoặc người thân mộng du thì rủi ro mộng du ở con lên tới 10%
-Một vài loại dược phẩm như thuốc an thần, thuốc chống kinh phong, điều hòa rối loạn nhịp tim, thuốc kháng histamin
-Trong các bệnh kinh phong, bệnh tâm thần, ngộp thở khi ngủ, cường tuyến giáp, thiên đầu thống, nóng sốt cao độ.
-Thay đổi hormon trong cơ thể như khi có thai, có kinh nguyệt, thời kỳ mãn kinh, trong thời gian phát triển tuổi thanh thiếu niên;
-Tiếng động hoặc ánh sáng bất thường cũng có thể là nguy cơ gây ra mộng du;
-Trường hợp nước tiểu quá nhiều trong bàng quang cũng kích thích cơ thể, đưa tới mộng du.
Người già cũng thường hay mắc mộng du đặc biệt là ở quý vị bị rối loạn trí nhớ, lú lẫn.

Dấu hiệu
Tài liệu DSM-IV của Hội Thần Kinh Tâm Trí Hoa Kỳ có ghi các dấu hiệu của Mộng Du như sau:
-Nhiều giai đoạn nhắc đi nhắc lại ở một người đang ngủ đứng dạy đi lang thang, thường xảy ra vào phần 3 đầu tiên của giấc ngủ;
-Trong khi mộng du, người đó có nét mặt đờ đẫn, chống rỗng, ít đáp ứng với người khác, nói lẩm bẩm và chỉ tỉnh thức với nhiều khó khăn;
-Khi tỉnh thức từ mộng du hoặc vào sáng ngày hôm sau, đương sự không nhớ gì về chuyện đã xảy ra;
-Trong thời gian mấy phút sau mộng du, đương sự không có rối loạn gì về các sinh hoạt tâm lý , hành vi mặc dù có thể có một thời gian ngắn ở trong tình trạng bối rối, mất định hướng;
-Mộng du gây ra nhiều rối loạn trong sinh hoạt xã hội, nghề nghiệp;
-Mộng du không trực tiếp là hậu quả sinh học của một chất nào như lạm dụng hoặc dùng thuốc để trị bệnh.
Trong ngôn ngữ bình dân dễ hiểu, người mộng du có những hành vi hơi kỳ lạ như:
-Đang ngủ, chợt ngồi dậy với nét mặt ngơ ngác, bối rối,mất định hướng;
-Cặp mắt đờ đẫn, không có sinh khí;
-Đi lang thang không vấp váp trong nhà hết phòng này sang phòng khác, mở cửa tủ, mở ngăn kéo một cách lơ đễnh, không chủ đích;
-Làm một số động tác hơi lạ như tự nhiên thay quần áo, vào bếp làm một món ăn, tiểu tiện trong phòng chứa quần áo, thậm chí có người ra garage, lái xe ra phố hoặc lang thang giữa lòng đường đầy xe cộ qua lại;
-Các cháu bé thì đi vòng vòng về phía có ánh sáng, tới gần giường ngủ của bố mẹ rồi quay về giường mình ngủ lại như không có chuyện gì xảy ra. Đôi khi có em leo qua cửa sổ, trèo lên mái nhà, té ngã xuống đất
-Có nhiều trường hợp thiếu nữ mặc áo ngủ mộng du trên mặt tường cao vào đêm trăng tròn, sương mù bao phủ âm u;
-Họ lẩm bẩm nói lảm nhảm không ý nghĩa;
-Có người la hét om sòm nhất là sau một cơn ác mộng;
-Sau mộng du, vào ngủ lại nhưng rất khó mà thức dậy.
Và khi thức dậy không nhớ chuyện gì đã xảy ra.

Mộng du trong đời thường
Truyền thông báo chí có ghi lại nhiều trường hợp mộng du kỳ lạ có thực…
-Ngày 13-8-2010, một thanh niên 21 tuổi tên là Mathew Nelson . ở thị trấn Bloomington, Hoa Kỳ, được tòa án miễn tố sau khi bị buộc tội là đã quấy nhiễu tình dục một bạn gái. Họ đã cùng nhiều bạn bè say sỉn nhậu suốt đêm.
Luật sư của Mathew trình bầy rằng anh ta không quấy rối và nếu có quấy rối chăng nữa thì anh ta cũng không chịu trách nhiệm, vì anh ta bị chứng bệnh mộng du. Bác sĩ của Mathew cũng trình bầy rằng gia đình anh ta có nhiều người bị mộng du.
-Lee Hadwin 33 tuổi cư dân thành phố North Wale, Anh quốc, ban ngày là y tá ban đêm là họa sĩ. Nhiều đêm, anh ta chợt đứng dạy, kiếm bút giấy và vẽ nhiều bức tranh có giá trị và được nhiều người mua. Khi ngủ dậy, thấy ở dưới sàn nhà nhiều bức tranh mà anh không nhớ là vẽ khi nào.
-Trong đêm News Year Eve, thanh niên Allen Ball nhậu nhẹt say bí tỷ rồi nằm lăn ra ngủ trên divan. Nửa đêm anh chợt đứng dậy, tìm đường lên lầu vào phòng một bé gái, hôn lên môi bé này. Nội vụ ra tòa, anh khai là không nhớ đã làm gì nhưng cho biết anh có tiền sử mộng du. Anh được miễn tố.
-Năm 2004, người ta thấy thi thể Timothy Brueggeman, 51 tuổi, làm nghề thợ điện ở thành phố Wisconsin, nằm chết cóng ngoài đường, cách nhà mươi dặm, phong phanh không quần áo lạnh. Nhà chức trách cho biết anh bị mất ngủ, thường hay dùng dược phẩm an thần Ambien, đôi khi lại uống rượu. Ambien đã được báo động là có thể gây ra mộng du.
-Năm 1988, ở Toronto, Canada, thanh niên Kenneth Park, lái xe vượt đoạn đường dài 15 dặm, tới nhà cha mẹ vợ, tấn công bố vợ, đâm chết mẹ vợ. Ra tòa anh ta khai là ngủ suốt đêm, không nhớ chuyện gì đã xảy ra.
-Năm 2005, người ta tìm thấy một em bé 15 tuổi ở South London bình thản nằm ngủ trên một đà ngang của dàn xây dựng nhà cao 130 feet. Ban đêm không biết bằng cách nào, em đã mộng du, qua mặt nhân viên an ninh lang thang rồi leo lên, tiếp tục ngủ trên đó mà không biết. Lục túi áo, nhân viên cấp cứu thấy em có cell phone, bèn thông báo cho gia đình. May mắn em không bị thươc tích, té ngã.
-Năm 2009, truyền thông và giới pháp y bên Anh cũng có nhiều tranh luận về trường hợp ông Brian Thomas, 55 tuổi, giết vợ nhưng được tha bổng với lý do bị bệnh rối loạn giấc ngủ.
Số là vợ chồng Brian tham dự một lễ hội ngoài trời tại công viên. Một đám thanh thiếu niên tới quấy phá. Ông ta bèn lái xe camper tới một góc vườn vắng ngủ qua đêm. Lúc 3g40 sáng, Brian kêu cảnh sát nói là mình đã gây ra thảm họa cho người vợ thân yêu. Tại Cảnh sát cuộc, anh khai tự sự và cho biết đêm qua cứ tưởng đám thiếu niên tới phá, anh chống trả. Không ngờ lại là gây thiệt mạng cho người vợ. Anh cho hay không nhớ gì về chuyện đã xảy ra. Tại tòa, luật sư biện hộ, bác sĩ chuyên khoa tâm lý cũng như con gái Brian trình bầy rằng đương sự mắc chứng bệnh Mộng du từ lâu. Sau khi nghe trình bầy, bồi thẩm đoàn tuyên bố tha bổng.
Nhân vụ này, bác sĩ Michael Cramer-Bornemann, chuyên gia về Bệnh Rối Loạn Giấc ngủ tại Minnesota cho hay, “Bất cứ ai bị mông du đều có thể giết người”.
-Và mới đây, ngày 26 tháng 10 năm 2011, tạp chí Daily Mail có tường thuật trường hợp anh Dan Sayer, bên Anh, bị sexsomnia, cứ mỗi đêm nằm cạnh vợ mà dục tính nổi lên. Anh sờ soạng vợ, đôi khi làm tình, nhưng sáng hôm sau không nhớ chuyện gì xảy ra. Cô vợ cho hay, cô ta quen với hành vi này của chồng rồi.
Giáo sư thần kinh Matthews Walker, Luân Đôn, cho hay: Tương tự như trẻ em thường hay trải qua cơn hoảng loạn kích thích thì người lớn cũng bị như vậy. Có điều khác là người lớn bị kích thích dục tính, đụng chạm tới bạn tình trong khi ngủ mà không biết”.
Còn nhiều trường hợp mộng du ly kỳ nữa, thậm chí ở cả bên nhà Việt Nam. Cũng có nhiều trượng hợp tử vong được cho là quyên sinh tự tử, nhưng sau điều tra, được cho là hậu quả của mộng du.
Vậy thì phải làm gì khi bị mộng du?
Nếu ít khi xảy ra và không gây hậu quả trầm trọng, chưa cần điều trị, mà chỉ quan sát, áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Nếu thường xuyên xảy ra, với hậu quả nguy hiểm cho đương sự và người khác, cần được bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám và điều trị.
Với thân nhân có người nhà bị mộng du, nên lưu ý những điểm như sau:
-Trước hết là cần tìm hiểu, hỗ trợ bệnh nhân;
-Áp dụng các biện pháp giảm yếu tố có thể gây ra rủi ro cho bệnh nhân như
-để bệnh nhân ngủ ở tầng chệt;
-phòng ốc ít đồ đạc gây trở ngại cho sự đi lại của người mộng du;
-cài buộc cửa sổ cửa ra vào, đặt chuông báo động ban đêm;
-loại bỏ các vật dụng sắc bén nơi bệnh nhân ngủ;
-Với em bé mộng du, nên nhẹ nhàng vỗ về, hướng dẫn em trở lại giường ngủ.
-Không nên cố ý đánh thức người đang lang thang mộng du, tránh gây ra kích động tâm trạng khiến họ có thể tấn công mình. Ngựoc lại nên im lặng theo dõi, đề phòng rủi ro.
-Đánh thức em bé dạy khoàng mươi mười lăm phút trước thời gian các em hay mộng du.
-Giúp các em giảm thiểu mệt mỏi và giúp các em sắp đặt thời gian ngủ đầy đủ, đúng giờ.

Kết luận
Mộng du không độc quyền chỉ xảy ra ở loài người.
Trên You-Tube, chúng ta có thể thấy cảnh chú chó dể thương Bizkit, đang ngả mình làm một giấc ngủ say mê dưới sàn nhà, chợt rùng mình cử động nhiều lần. Rồi đột nhiên đứng dậy, mất định hướng, chạy loanh quanh vài vòng rồi húc đầu vào tường, ngơ ngác…
Tội Nghiệp! Chắc là Men’s Best Friend ta đau đầu lắm!!!

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Mộng Du

Mộng Du - Căn Bệnh Kỳ Lạ Nhất


Người mộng du có thể làm tổn thương đến chính mình hoặc gây ra những tai họa nghiêm trọng cho người khác, nhưng không thể buộc họ phải chịu trách nhiệm về những hành động như vậy.
Đi bộ trong giấc ngủ hay mộng du là một hiện tượng được biết đến từ lâu. Hàng triệu người - khoảng 2,5% dân số thế giới - vẫn thường bật dậy và lang thang không chủ ý thường xuyên như vậy. Khoảng 25% những người mộng du có thể làm hại đến chính mình. Một vài người có thể bước ra ngoài cửa sổ khi cứ ngỡ đó là cửa chính. Có câu chuyện kể rằng người mộng du có thể leo lên xe hơi, khởi động máy và lái đi nhiều kilomét. Song theo các bác sĩ những giai thoại kiểu đó là không đúng sự thật vì người mộng du phản xạ thiếu tự nhiên. Một người đang ngủ quả thực có thể khởi động xe, nhưng chuyến đi đêm tự phát đó sẽ kết thúc nhanh chóng bằng một tai nạn.
Mộng du thường thấy ở trẻ nhỏ, mặc dù bệnh cũng giảm dần theo tuổi tác. Như một quy luật, những đứa trẻ khoẻ mạnh về tâm lý có thể rơi vào trạng thái này trong những giai đoạn bất ổn nào đó. Còn ở người lớn, mộng du thường đi kèm với trạng thái căng thẳng, lo lắng và đôi khi là động kinh.
Các nhà khoa học đi đến kết luận rằng sự phát triển của bệnh mộng du có liên quan đến những thay đổi ở một vài gene nhất định. Hoạt động của gene đột biết có thể làm tê liệt hệ thống thần kinh, khiến cho người ta không thức giấc. Mặc dầu vậy, cơ chế khiến cho người ta bước đi trong giấc ngủ vẫn còn là bí ẩn. Một chuỗi thí nghiệm được thực hiện trên người mộng du đã cho thấy bệnh có thể được xếp vào một dạng rối loạn gene.
Y học hiện đại không xem mặt trăng là một lý do đằng sau căn bệnh bí ẩn này. Tuy nhiên, điều thú vị là phần lớn những trường hợp mộng du lại rơi vào đêm trăng tròn.
Một người đàn ông Canada, Ken Parks, ra khỏi nhà vào năm 1987 trong khi đang ngủ. Anh lên xe của mình, lái 23 km tới nhà cha mẹ vợ. Lẳng lặng lẻn vào, người đàn ông bóp cổ nhạc phụ, đâm chết nhạc mẫu và bắt đầu bước vòng quanh ngôi nhà trong khi vẫn đang ngủ. Anh ta chỉ bị đánh thức bởi cảnh sát. Ken Parks không bị coi là phạm tội ác hoặc sát nhân, vì anh đã thực hiện vụ án mạng trong trạng thái giấc mơ mộng du. Các chuyên gia cho biết những người mộng du không thể bị buộc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, vì họ không nhận ra họ đang làm gì.
Không có thuốc hay kỹ thuật y học nào có thể chữa được bệnh mộng du. Các nhà khoa học tin rằng stress là tác nhân chính khiến cho bệnh xuất hiện. Người ta có thể trở thành người mộng du nếu giấc ngủ của họ thường xuyên bị ngắt quãng 3-4 lần mỗi đêm, hoặc nếu họ nói trong khi ngủ.

Sleepwalking
Những Điều Nên Biết  Về Bệnh Mộng Du

Mộng du là một chứng bệnh thường gặp nhưng lại không xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Có tới 40% trẻ em có mộng du vào một thời gian nào đó. Trong gia đình có trẻ mộng du, các trẻ khác cũng dễ mắc và hầu hết là các trẻ phát triển nhanh.
Thế nào là mộng du?
Mộng du là tình trạng đi trong giấc ngủ. Đây là một loại rối loạn giấc ngủ, người đi trong giấc ngủ tiến hành một số hoạt động trong khi dường như vẫn đang ngủ. Mộng du có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, thường gặp ở trẻ em, ngay cả trẻ em mới biết đi, tuổi hay gặp nhất là từ 3-7 tuổi.
Người bệnh đang ngủ, ngồi, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, trẻ đi về phòng ngủ của bố mẹ, hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài...
Thậm chí người bệnh tiến hành một số hoạt động phức tạp như di chuyển đồ đạc, đi vào nhà tắm, cởi hoặc mặc quần áo và nhiều hoạt động tương tự khác. Một số người  còn vào ô tô, lái ô tô đi một quãng đường dài trong lúc thực sự đang ngủ. Một  số hành vi tình dục có thể xuất hiện.
Người lớn có thể hoặc có ảo giác hoặc ăn trong lúc đang đi. Có thể rất khó đánh thức người đang mộng du như vậy, họ có thể tấn công người đánh thức mình. Thường người bệnh trông vụng về, lóng ngóng, có hành vi kỳ lạ như đi tiểu vào thùng rác. Đôi khi xuất hiện sự kích động, đàn ông hay có hành vi bạo lực hơn.
Mộng du có thể đột ngột kết thúc, người bệnh có thể trở lại giường và tiếp tục ngủ. Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ NREM (giấc ngủ sâu) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Khi ngủ dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Mộng du có thể xảy ra hằng đêm, cũng có thể không thường xuyên.
Một số yếu tố liên quan đến mộng du
Người ta cho rằng tình trạng lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, ngủ không có giờ giấc, sốt, ốm đau triền miên,  thiếu magiê, trào ngược thực quản, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, thuốc kháng histamin là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng mộng du.
Tuy nhiên, các yếu tố khác cũng được nhiều chuyên gia tâm thần kinh đề cập đến nữa là lúc đi ngủ bàng quang đầy nước tiểu, ngủ ở môi trường lạ, nơi ngủ ồn ào, có quá nhiều ánh sáng, người ngủ bị stress... cũng có thể dẫn đến tình trạng mộng du.
Ở người lớn, tình trạng này có thể liên quan tới rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, người uống nhiều rượu, có xảy ra những cơn động kinh cục bộ. Ở người già có thể là biểu hiện của bệnh não như thiếu máu não thoáng qua, các bệnh mạch máu não...
Xử trí bệnh mộng du như thế nào?
Những trường hợp bắt đầu ở tuổi trưởng thành cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác... Để an toàn cho người bệnh, nên để họ ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được cài then. Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa.
Khi đó cần đưa bệnh nhân trở lại giường ngủ và không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động, để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc.
Mộng du là bệnh rất hay gặp đặc biệt là ở trẻ em. Khi trong gia đình có người bị bệnh này cần kiên trì thực hiện theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, nếu thấy hiện tượng lần đầu tiên, không nên hốt hoảng sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh vì họ bị đánh thức đột ngột trong khi thực hiện những hoạt động trong giấc ngủ. Cần xem xét các yếu tố tinh thần một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng ở những người mắc phải chứng bệnh này, nhất là người lặp lại nhiều lần.

Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Nếu bị các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn tâm thần cần điều trị các bệnh lý đó.
Riêng đối với trẻ em, khi bị mộng du cần dịu dàng đưa trẻ trở lại phòng ngủ. Trước hết đưa trẻ vào nhà vệ sinh vì có thể trẻ đi tìm chỗ vệ sinh, sau đó đưa trẻ về giường. Mộng du có thể kết thúc ngay khi trẻ nằm lên giường. Đừng trông đợi trẻ thức tỉnh khi trở lại giấc ngủ bình thường.
Bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn, mặc dù hiếm nhưng trẻ có thể bị tai nạn, nhất là lúc trẻ đi ra ngoài, có thể bị tai nạn giao thông, bị chó cắn, lạc đường. Vì thế cần khóa cửa, không để trẻ ngủ ở giường hẹp. Giúp trẻ tránh mệt mỏi, kiệt sức vì mệt mỏi, thiếu ngủ có thể làm tăng mộng du.
Nếu trẻ cần được đánh thức sớm vào buổi sáng thì phải đi ngủ sớm hơn vào tối hôm trước. Cố gắng đánh thức đúng giờ đề phòng mộng du: Nếu con bạn thường bị mộng du, ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút. Làm như vậy 7 đêm liền. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa.
(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Sleepwalking

Tìm Hiểu Về Bệnh Mộng Du

Những trường hợp bắt đầu ở tuổi trưởng thành cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác...
Để an toàn cho người bệnh, nên để họ ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được cài then. Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa.
Khi đó cần đưa bệnh nhân trở lại giường ngủ và không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động, để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc.
Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Nếu bị các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn tâm thần cần điều trị các bệnh lý đó.
Riêng đối với trẻ em, khi bị mộng du cần dịu dàng đưa trẻ trở lại phòng ngủ. Trước hết đưa trẻ vào nhà vệ sinh vì có thể trẻ đi tìm chỗ vệ sinh, sau đó đưa trẻ về giường. Mộng du có thể kết thúc ngay khi trẻ nằm lên giường. Đừng trông đợi trẻ thức tỉnh khi trở lại giấc ngủ bình thường.
Bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn, mặc dù hiếm nhưng trẻ có thể bị tai nạn, nhất là lúc trẻ đi ra ngoài, có thể bị tai nạn giao thông, bị chó cắn, lạc đường. Vì thế cần khóa cửa, không để trẻ ngủ ở giường hẹp. Giúp trẻ tránh mệt mỏi, kiệt sức vì mệt mỏi, thiếu ngủ có thể làm tăng mộng du.
Nếu trẻ cần được đánh thức sớm vào buổi sáng thì phải đi ngủ sớm hơn vào tối hôm trước. Cố gắng đánh thức đúng giờ đề phòng mộng du: Nếu con bạn thường bị mộng du, ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút. Làm như vậy 7 đêm liền. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa.
(Theo Cẩm Nang Y Khoa)

"Oh, no, I didn't do it!"

Căn Bệnh Quái Ác "Yêu" Mộng Du,

tức "Sex Mộng Du”

Bệnh nhân “lục đục” cả đêm nhưng chỉ đến sáng hôm sau, khi nhìn vẻ mặt vợ, họ mới hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Dan Sayer, 24 tuổi, một bệnh nhân tại Anh chia sẻ trên DailyMail rằng anh đã mắc căn bệnh này từ hơn 1 năm trước, khi mới cưới vợ. Hai vợ chồng có thể “quan hệ” tới 3 lần mỗi đêm, nhưng khi tỉnh dậy Dan hoàn toàn không nhớ được gì. Vợ anh, Anita, cho biết khi cô cố gắng hỏi chuyện anh trong đêm, đáp lại luôn chỉ là sự im lặng và một cái nhìn trống rỗng. Chồng cô thực chất vẫn đang “ngủ” trong khi làm chuyện ấy.
Theo các bác sĩ, Dan được chẩn đoán mắc bệnh “Sex mộng du”, một hội chứng khiến người bệnh có thể hưng phấn và thậm chí “lên đỉnh” trong lúc ngủ, nhưng khi tỉnh dậy, toàn bộ ký ức của họ chỉ là một vùng trắng.

Dan Sayer và vợ
Phần lớn bệnh nhân đều không thể kiểm soát được những việc họ làm trong đêm và ba phần tư số bệnh nhân là nam giới, các nhà nghiên cứu cho biết.
Dan cho biết bệnh của anh tái diễn theo chu kỳ 2 tuần/lần và đôi khi có thể kéo dài liên tục trong nhiều đêm. Không có bất cứ quy luật nào và cũng chẳng có lý do rõ ràng vì sao chuyện ấy lại xảy ra vào đêm này chứ không phải đêm khác.
Theo thống kê, ở Anh hiện có khoảng 4% số người trưởng thành bị bệnh “Sex mộng du” với nhiều cấp độ khác nhau. Y học hiện đại phát hiện được căn bệnh này lần đầu vào thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng phải đến năm 2003, dư luận mới chú ý đến “sex mộng du” sau bài báo trên Tạp chí Tâm thần học Canada. Sex mộng du được xếp chung vào bệnh mộng du, khi người bệnh có thể làm đủ việc như đi bộ, trò chuyện, giặt là, nấu bếp... trong lúc họ vẫn đang ngủ.
Hậu quả của stress?
Giáo sư khoa Thần kinh học Matthew Walker của Bệnh viện Thần kinh Quốc gia London cho biết, sex mộng du thường xảy ra trong nửa đầu của đêm, khi người bệnh đang trong trạng thái ngủ sâu.
“Khi ấy, phần tư duy, nhận thức của não đã được tắt đi. Nhưng phần não phụ trách những nhu cầu cơ bản như ăn uống, quan hệ... vẫn làm việc”, Giáo sư Walker giải thích.

Có một số đặc điểm ở căn bệnh này mà các nhà nghiên cứu đã tổng kết được: nó chỉ xảy ra khi người bệnh nằm chung giường với vợ/bạn tình chứ không có chuyện họ tỉnh dậy và đi “săn” nạn nhân. Bệnh thường xảy ra trong những giai đoạn người bệnh bị stress hay chịu ảnh hưởng của rượu, thuốc kích thích, người bệnh trước đó đã từng bị mộng du. Đáng chú ý nhất, tỷ lệ nam giới mắc bệnh vượt hẳn so với phái yếu.
Tuy nhiên, căn bệnh này cũng làm dấy lên những nghi ngại về việc tội phạm tình dục có thể lấy đó làm cái cớ để bào chữa cho hành vi của chúng. Darren Greenwood, một thợ sửa cửa sổ 33 tuổi ở London đã được xóa tội hãm hiếp một phụ nữ hồi năm ngoái, vì anh ta một mực khai trước Tòa rằng mình bị sex mộng du.
Phương pháp hạn chế, theo Giáo sư Walker, là bệnh nhân phải luyện tập để có được giấc ngủ sâu, “có chất lượng”. Phòng ngủ không có ánh sáng và không ồn ào, không uống cà phê sau 4 giờ chiều, không uống rượu trước khi ngủ, luôn ngủ đủ giấc bởi việc thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên cũng có thể gây rối loạn hành vi. Các liệu pháp chống stress cũng có thể giúp ích. Tuy nhiên với những ca nặng, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc.

(Theo Daily mail)



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân