TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - BÊN CẦU TUỔI THƠ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

BÊN CẦU TUỔI THƠ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MINH CAN



Ngày tham gia: 06 Jun 2008
Số bài: 431

Bài gửiGửi: Sat Oct 15, 2011 1:58 pm    Tiêu đề: BÊN CẦU TUỔI THƠ
Tác Giả: MINH CẦN





 
   BÊN CẦU TUỔI THƠ
                                                          MINH CẦN      

     
  Hôm ấy Minh về thăm Quê Ngoại thân yêu của chàng. Quê hương trong trí nhớ của người lãng tử, sau bao năm tha phương nơi đất khách quê ngưởi, vì sự tang thương biến đổi của đất nước và thời cuộc, trong phút chốc, đã hiện thực trước mắt chàng. Làng Thương Diêm bây giờ thay đổi nhiều. Có một số nhà cán bộ mới cất cao ráo, đồ sộ, khang trang, Tuy nhiên, Sở Muối phẳng bằng vẫn y như cũ. Vùng duyên hải  bên cạnh núi rừng bao la, bát ngát, trông vắng vẻ, xơ xác, tiêu điều. Nắng thật gay gắt. Nắng chang chang như thuở nào.
Chiếc Cầu Tuổi Thơ của chàng đây rồi! Chiếc cầu gỗ trước làng nối con đường cái quan, từ ruộng muối băng qua con mương khô cạn, hầu như quanh năm suốt tháng, chạy một mạch vào làng, rồi nhập vào con lộ nối liền Nhà Bằng và Đồn Cửu Thân ngày nào.
    Trong thời kỳ gia đình chàng, gồm Ba Má, chàng và các em chàng, sống tại nhà Ông Bà Ngoại ở cuối xóm, chàng thường ra hóng mát trên cầu này. Lúc ấy, có cô bạn gái, B T Ph. Nàng cùng tuổi với chàng. Nàng là con của Thầy Tú, làm nghề y tá. Ba nàng làm công chức, phụ trách phòng y tế của Sở Muồi. Phòng này đặt cơ sở tại Nhà Bằng. Đây là tòa nhà đúc cao ráo, nguy nga, tráng lệ, là dinh thự của các Ông Chủ Sở Muối lúc bấy giờ. Nhà Bằng có biệt danh như thế là vì mái nhà bằng phẳng đúc bằng xi măng, cốt sắt, không lợp ngói. Nhà Bằng còn gọi là Đồn Bằng nữa, vì tại đây có đồn binh của lính Tây trú đóng thường xuyên để giữ an ninh, trật tự cho Sở Muối trong thời kỳ Việt Minh kháng chiến chống thực dân Pháp trước kia. Trên mái nhà của Chủ Sở có thiết lập chòi canh. Lính gác trên này có thể quan sát toàn ngôi làng Thương Diêm nói trên.
     Song thân của Ph, quê quán Quảng Ngải. Cả hai ông bà đều có ngoại hình trắng trẻo xinh đẹp, nên con cái, trai cũng như gái của họ, đều khôi ngô, tuấn tú vô cùng. Nàng là cô gái diễm lệ hết ý. Có thể nói, Ph xinh xắn nhất làng Thương Diêm lúc bấy giờ. Minh là cậu bé vốn dồi dào tình cảm. Chàng đã mê nàng từ lâu rồi. Những kỷ niệm thân thương êm đềm, thơ mộng, trong thuở hoa niên của chàng tại vùng quê duyên hải, là được quen biết người đẹp, tiểu thư, con gái cưng của Thầy Thuốc Tây Y tại nơi khỉ ho cò gấy này. Lúc bấy giờ, làm gì có bác sĩ nơi đây. Bác sĩ chỉ có ở thành phố Phan Rang thôi. Nơi thôn quê hẻo lánh, có được một vị y tá là người dân cũng vui rồi. Một vùng sơn thôn, nơi chó ăn đá gà ăn muối này, đám dân ngu khu đen nghèo khổ, làm cu li cho Chủ Pháp, có được phòng y tế nho nhỏ cho dân làng là may mắn lắm đó.
    Hằng ngày, Ph đi học, ngang qua nhà Ngoại chàng. Ngôi trường làng chỉ tới lớp Ba là cao nhất. Chương trình Việt Pháp. Học sinh các lớp sơ học do Thầy Hưng, người Huế, phụ trách. Một mình ông dạy cả ba lớp. Từ lớp Năm tới lớp Ba. Ph tuy mới mười một tuổi nhưng nàng đã trổ mã. Dáng người dong dỏng. Nước da trắng ngà. Mặt trái soan. Môi đỏ chót như thoa son. Bàn tay thon nhỏ, có những ngón búp măng mềm mại thanh nhã vô cùng. Lúc đó vì nhà nghèo, Minh không được đi học như cô bạn xinh đẹp kia. Ba Minh lại bị bịnh, phải ra bịnh viện Phan Rang điều trị. Sau đó. ông về ngụ tại Nhà Nội ở Phước Khánh luôn. Má chàng phải lao động vất vả nuôi con. Chàng là con trai trưởng . Chàng phải giữ em cho thân mẫu phụ với Dì Tám và Dì Thạnh làm bánh bán cho công nhân Sở Muối kiếm sống qua ngày, đoạn tháng. Vì vậy, chảng chỉ được Má và Dì dạy cho biết viết, biết đọc, biết tính toán bốn phép để ghi sổ giúp Bà Ngoại bán quán hằng ngày. Chàng không thể cắp sách đến trường như bao trẻ em cùng trang lứa khác tại vùng quê duyên hải nói trên. Cứ tối đến, dưới ánh đèn dầu leo lét, chàng ngồi ghi chép những con nợ mua chịu hàng hóa trong ngày. Chàng phục trí nhớ của Bà Ngoại thật tuyệt vời. Bà nhớ tên họ của các khách hàng mua chịu và nhớ cả những món hàng của người đó mua cùng với giá cả, chưa trả là bao nhiêu tiền. Bà nhớ y chang, trúng phốc và nói lại cho cháu Minh ghi chép vào cuốn sổ nợ mỗi đêm. Tại đây, dân làng thường đến mua các thứ họ cấn dùng, tại các hàng quán bán tạp hóa như đường, kẹo, bánh ngọt, bánh tráng, bột mì, đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, đủ loại, gạo, nếp. trầu, cau... Họ đa phần mua chịu rồi tới phơi lãnh lương của Sở Muối, họ sẽ thanh toán nợ sòng phẳng. Phơi lương lúc ấy là nửa tháng, Chủ phát một lần cho công nhân Sở Muối .    
     Lúc ấy, Thầy Hoảng phụ trách kế toán, dáng người cao lớn, gốc Quảng Nam. Thầy có nước da trắng trẻo, nét mặt khôi ngô, tuấn tú. Thầy nói tiếng Pháp rất lưu loát, trôi chảy. Thầy thường mặc bộ quần áo ngắn, tay xách chiếc cặp da, lúc đến sở hay khi đi thanh tra coi đám công nhân làm muối ngoài.trời. Thỉnh thoảng Ông Chủ Sở, Monsieur Los, hay các ông Tây khác, cũng đến nơi làm việc gặp Thầy và quan sát công việc đang tiến hành của đám cu li Sở Muối. Các Ông Tây cao lớn, tuấn vĩ, mũi cao, mắt xanh, tóc màu nâu vàng. Ông Los thường mặc chiếc quần soọt màu da cam, chiếc áo sơ mi trắng để hở ngực. Bộ ngưc của Ngài Pháp Lang Sa trông thật đồ sộ, nở nang. Lông lá lún phún lưa thưa, mịn màng dường như đu đưa qua khe áo sơ mi, theo làn gió nhẹ thổi từ biển vào. Xa xa, lấp lánh dưới ánh nắng chói chang mùa Hạ là chiếc gò cao. Gò đất trộn sỏi đá, san hô tả pí lù, trải dài bát ngát. Gò này chạy song song với cánh đồng muối phẳng bằng.
       Vào thời điểm, trước khi bị bịnh phải rời Thương Diêm, Ba Minh làm chung với Ông Tẩu, người Quảng Đà, cùng quê với Thầy Hoàng và Ông Bà Ngoại Minh. Ông này cẳng cà thọt. Ông Tẩu tuy khỏe mạnh nhưng vì khuyết tật nói trên, nên lao động không được nhanh nhẹn như thân phụ chàng. Vì vậy, Ba Minh phải đỡ đần cho bạn đồng nghiệp. Ba chàng thường than với Má như thế khi về nhà vào cuối ngày. Ba lao động cực lắm! Vất vả lắm! Nặng nhọc lắm! Đồng tiền kiếm được, cũng chẳng là bao. Má và Minh hằng ngày, phải phụ với Dì Tám làm rẫy để sinh nhai, gia đình mới đủ sống. Chính Minh đã chứng kiến có gia đình cư dân tại làng nghèo khổ quá mức. Sáng ăn cháo muối, mỗi người một chén. Buổi xế họ ăn thêm một bữa. Nồi cơm bới ra chỉ dành một chén cho mỗi người, bao gồm cha mẹ và con cái trong nhà. Họ ăn cơm với nước mắm, không có đâm tỏi, ớt, đường, gia vị gì cả. Họ đói lắm! Rách lắm! Khổ lắm! Nghèo lắm, Trời ạ! Đời sống của đa phần nông dân tại vùng quê duyên hải lúc ấy, thật cơ hàn, vất vả, khổ cưc lầm than hết nói. “ “Đổi bát mồ hôi lấy bát cơm” Nhưng thất nghiệp dài dài, thành gia đình lâm vào cảnh đói rách thê thảm, hết bút mưc nào tả nổi, vào thời kỳ ấy, kính thưa quý vị..
        Trước đây, gia đình Ngoại Minh, phải mất thời gian suốt ba tháng liên để khai thác khu rẫy trên gò đất trộn đá san hô và đầy gai gốc nói trên. Thật vậy, họ phải đào, cuốc, cào dọn một miếng đất mọc đầy cỏ dại úa vàng, gai gốc, cây bồn bồn mọc rải rác khắp nơi Lúc ấy, Minh phụ với Má, Dì Tám đào xới, chuyển san hô, đá sỏi ra đổ ở phía xa, gần mé gò. Chẳng mấy chốc, sau khi gia đình tạo một khu rẫy khá rộng, Má và Dì cho trồng ngô và đắp luống trồng khoai lang. Làm nương lúc đó, chỉ trông cậy vào nước trời. Ở đây, khí hậu hầu như khô hạn quanh năm suốt tháng.. cỏ vàng úa, đất  khô cằn sỏi đá. Nắng chói chang. Núi rừng hiu quạnh. Cây cối xác xơ.Đất khô cằn. Mưa ít lắm.
        “ Dì cháu mình làm nương bên đồng muối
           Nơi gò cao, đất sỏi trộn san hô.
           Thời tiết bốn mùa, nước mưa ít tới
            Khoai vẫn ra dây, đợi bắp trổ cờ.”
   Lúc bấy giờ, Minh rất sung sướng đi dạo một vòng quanh rẫy để canh giữ rẫy bắp sắp thu hoạch. Khoai lang cũng có củ lớn rồi. Nắng trải dài, chiếu lấp lánh trên những chòm cây mọc rải rác quanh rẫy. Phía dưới kia, đồng ruộng muối đang sinh họat náo nhiệt, tưng bừng. Tiếng đầu máy xe rùa nổ xình xịch, phun khói đen nghi ngút. Đầu máy kéo chầm chậm đoàn xe rùa chuyển muối về vựa. Dân phu xúc muối hột hì hục. Đoàn người xắn muối lao động tất bật, hối hả.
    Mấy hôm nay, Má chàng cắt chàng canh giữ rẫy ngày đêm là vì bắp trái bị kẻ trộm lẽn vào bẻ nhiều chỗ. Do đó, chòi coi giữ rẫy được cất lên lập tức. Hằng ngày, Dì Tám hay Dì Thạnh đem cơm nước tới chòi tại rẫy cho Minh dùng bữa. Vì thế, chàng ăn, uống, ngủ nghỉ tại chòi. Ban đêm, Minh ngủ trên một cái giường tre ọp ẹp được Ông Bảy  làm tạm và đặt sát vách lá buông.
    Lúc này chàng buồn lắm ! Chàng thấy nhớ Ph chi lạ. Cô bạn gái thật dễ thương. Trước đây hai người thường đi gánh nước uống trên con lộ cạnh nhà Ông Bộ Ấn. Gia đình nàng cũng ngụ tại ngôi nhà đúc khang trang, đồ sộ có nhiều phòng này. Ngôi nhà nằm gần khu rừng phía xa xa. Phía sau nhà nàng là những vườn rẫy trải dài dọc theo núi rừng bao la bát ngát. Chàng và nàng thường đi gánh nước uống gặp nhau. Giếng nước ngọt nằm tận phía Tây Bắc của làng Thương Diêm. Giếng nước này do một gia đình khá giả, nhà Bà Cửu nuôi bò, có vườn rẫy rộng lớn, cho đào và xây thành xí măng rất sạch sẽ. Tại vùng duyên hải nước mặn, nên đa số các giếng nước đều lơ lớ. Nước không được ngọt lắm. Rất khó uống. Chỉ có nhà Bà Cửu là có giếng nước ngọt dủng cho cả làng. Còn giếng nước to lớn, thành xây cao hơn trước Đồn Cừu Thân nói trên, là giếng nước của Chủ Sở Muồi. Tài xế lái xe hơi, lô nước cho Sở hàng ngày tại đây.
  Lúc bấy giờ, chàng và Ph mỗi lần gánh nước uống tại giếng nhà bà Cửu là họ có dịp trò chuyên, tâm tình vui vẻ, thoải mái bên nhau vô cùng. Chàng thường lắng tai nghe giai nhân Thương Diêm thỏ thẻ giọng ngọt ngào trong ấm như tiếng sơn ca hót líu lo hay âm nhạc thánh thót vang ra từ đôi môi mộng đỏ và hàm răng ngà của người đẹp gốc Quảng Đà. Hoặc giả chàng tưởng tượng chăng ? Lúc trông thấy chàng nhìn mình say sưa đờ đẫn, nàng e lệ vội ngó ra xa, đôi mắt long lanh. Đôi má ửng hồng hơn. Trông nàng thật xinh đẹp, quyến rũ, hấp dẫn chàng thiếu niên như nam châm hút sắt Những đàn bướm lượn quanh bờ dậu của nhà Bà Cửu. Nắng lấp lánh trên mái tóc thề óng ả của nàng, càng tăng thêm vẻ diễm lệ dễ thương của cô gái mới nhổ giò. Nàng mặc chíếc áo cổ bà lai màu hồng nhạt, càng làm nổi bật cánh tay thon nhỏ, tròn lẵn, nõn nà của mỹ nhân vùng quê duyên hải. Hay cậu bé vốn lãng mạn, đa tình, đa cảm, có  ảo giác như vậy chăng?
    Lúc bấy  giờ, tình bạn của hai người trong tuổi hoa niên thật hồn nhiên. Thật thơ mộng. Thật đẹp đẽ. Thật tuyệt vời. Thật trong sáng như mây mùa Thu mịn như nhung đang trôi lãng đãng trên đầu họ. Cô nàng xem chừng cũng có cảm tình với chàng. Chàng tuy da ngăm, nhưng mặt mày thanh tù. Vầng trán rộng. Đôi mắt to sáng. Giọng nói ấm trấm truyền cảm. Chàng vốn thông minh, hiền hậu. Vì vậy, cô cậu đã trở thành đôi bạn thân, ít ra cũng hay đi gánh nước uống bên nhau, dù chàng không được sóng buớc đi học chung trường với nàng.
  Đùng một cái, đêm hôm đó, Ủy Ban Ám Sát Việt Minh đột ngột về làng Thương Diêm bắt giết hoặc chôn sống các người bị buộc tội là có nợ máu với nhân dân và cách mạng. Họ làm việc cho Tây. Họ là tay sai cho thực dân Pháp. Một số bị thảm tử. Một số công chức hay nhân viên của Chủ Sở bị bắt đưa lên núi. Những người bị tử hình gốm có Thầy Đội Tấn, vợ chồng Thầy Đội Thơ. ( Bà vợ bé bị chôn sống cùng chồng.Bà vợ lớn, gốc người Huế như lang quân, vì già yếu, bịnh tật, bị mổ ruột thừa, phải đi cầu qua hông  của mình, nên được họ thương hại, tha tào. Hú hồn cho bà ta) Thầy Ba Nhà Thương. Thầy Thư Ký của Sở Muối ( Thầy này trẻ, đẹp trai bị xử tử, bỏ lại cô vợ, vốn hoa khôi của Sở Muối, mới 20 cái xuân xanh). Những nạn nhân bị Việt Minh ám sát tối hôm ấy đều gốc dân vùng Sông Hương, Núi Ngự. Riêng Thầy Tú và một số công chức khác bị họ đưa lên núi xét xử. Thế lá gia đỉnh Ph lâm vào cảnh khổ đau, khó khăn, thíếu thốn vô cùng. Ph phải nghỉ học đi làm công nhân Sở Muối, dù cô bé chưa tới mười hai tuổi đời. Một cô gái da nõn nà xinh đẹp như Ph, phải lao động vất vả, dang nắng dầm sương làm cu li gánh đất đổ đường cái quan cho Sở Muối. Người góa phụ trẻ đẹp, mơn mờn đào tơ, tuổi vừa chớm đôi mươi, bà xã của Thầy Thư Ký Sở Muối bị Việt Minh sát hại  nói trên, cũng phải đi làm cu li, gánh đất đổ đường như Ph vậy, ngõ hầu kiếm tiền và gạo nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình hằng ngày. Thật tội nghiệp cho Nhị Kiều vùng duyên hải. Quả là “ Má hống đa truân” “ Hồng nhan số phận hẩm hiu Lao đao lận đận Nàng Kiều truân chuyên.”
   Được tin người đẹp mình yêu thương tha thiết bấy lâu nay, phải bỏ học ngang xương và đi làm phu lục lộ cho Sở Muối, để giúp đỡ gia đình, Minh cảm thấy lòng lo nghĩ vu
 vơ. Chàng bồi hồi xúc động, thương cảm cô gái thiếu may mắn. Chàng liển nài nĩ thân mẫu cho mình đi làm công nhân làm đường. Thế là chàng và nàng lại có dịp gặp gỡ tâm tình những lúc họ giải lao, nhất là vào buổi trưa. Nhìn hai người đẹp nhất làng, mặt xinh xắn như hoa, da nõn nà, tóc huyền óng ả, thân hình thon thả, gợi cảm người khác phái hết nói, phải dang nắng chang chang cả ngày để lao động cực nhọc, Minh cảm thấy cảm thương họ vô cùng. Thật vậy, khí hậu tại đây thường khô khan, oi bức quá cở thợ mộc. Ánh nắng như tóe lửa. Nắng gây gắt. Nắng như thiêu như đốt da thịt con người lao động ngoài trời. Hai giai nhân cứ cống lưng ra gánh đôi ki đất bùn từ mương nước cạnh khu rừng bên kia. Họ phải gánh nặng đi một quãng đường xa, lên xuống dốc mới ra tới con lộ cần  sửa chữa, cần đắp thêm đất và ban phẳng bằng cùng sỏi đá. Vào giờ nghỉ trưa, các nam công nhân trong đó có cả Minh nữa, thường bơi lội tắm mát trên Sông Cà Ná. Nước từ Cầu Hoằng trút về đây. Lúc bấy giờ các người đẹp ngồi nghỉ bên bờ nước dười vồm cây râm mát của rừng Cà Ná. Trông Ph thật xinh đẹp dễ thương chi lạ  Có thể nói thời kỳ làm phu lục lộ tại Thương Diêm là thời kỳ hạnh phúc nhất của chàng –nàng. Tình yêu trai gái tuy chưa tới tuổi thơ mộng mười ba.
       “ Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
          Áo nảng xanh tôi mến lá sân trường” ( Nguyên Sa)    
 nhưng cô cậu đã cảm nhận được tình yêu thật kỳ diêu và tuyệt vời. Tình yên cần thiết cho con người trần tục. Sau đó Ph theo gia đình thân mẫu và các em lên núi kháng chiến chống Pháp luôn với thân phụ mình. Từ đó, Minh không gặp lại cô bạn gái thân thương năm nào nữa.  
                                          ooo

        “Bên Cần Tuổi Thơ” vẫn lấp lánh trong tâm thức chàng. Những kỷ niệm êm đềm thân ái giữa Minh và Ph, từng chôn vùi trong vùng trời ký ức của tuồi hoa niên. Giờ đây lại long lanh, ve vuốt, mơn man con tim đa cảm của người viễn khách tha hương vào ngày hôm ấy, khi chàng trờ lại thăm Quê Ngoại thân yêu của mình. Ngày xưa, họ thường ngồi hóng mát trên chiếc cầu quê hương này. Họ thưởng ngồi bên nhau tâm tình cởi mở, trò chuyện vui vẻ, chia bùi sẻ ngọt với nhau. Họ thường đi gánh nước chung nhau trong nhiều năm. Họ cùng làm phu lục lộ Sở Muối trong một thời gian. Em Ph ơi! Bây giờ em ở đâu? Bao giờ chúng ta mới có dịp hạnh ngộ đây, sau bao năm xa cách, hở giai nhân Quảng Đà, quê hương vùng “ Ngũ Phụng Tề Phi”, nơi sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta?
                    “ Tình yêu mầu nhiệm tuyệt vời
                       Món ăn cần thiết cho người trần gian
                       Chia bùi, sẻ ngọt chàng-nàng
                       Tình yêu bất diệt Thiên Đàng cõi đây!

                                MINH CẦN
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân