TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Sầu Ai Lao
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Sầu Ai Lao

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Fri Sep 16, 2011 11:19 pm    Tiêu đề: Sầu Ai Lao

Sầu Ai Lao
Đỗ Hữu

Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt
Mây cứ sầu tuôn núi võ vàng
Lá vẫn phai chàm trên sắc áo
Mưa nguồn thác đổ đá mù sương.

Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm
Với nắng bâng khuâng mây thuở nào
Với núi xanh lơ chiều tím nhạt
Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao.

Lưng đèo quán gió mờ hun hút
Thôn bản nằm trơ dưới nắng chiều
Tai vẫn nghe đều dòng thác đổ
Người ơi, thương nhớ biết bao nhiêu!

Ở đây hơi đá chiều vây khắp
Khép chặt mình tôi giữa núi rừng
Buồn quá ngày đi đêm trở lại
Hoàng hôn hoa bản phấn rưng rưng.

Người có theo tôi lên dốc nắng
Nhìn xem hoa rải sắc trên đường
Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm
Lá đổ sau chân một lối vàng.---


Trà Đỗ Hữu thì ai cũng biết là danh tiếng vùng Lâm Đồng Bảo Lộc, ít nhất trong những thập niên 1950, 60. Xe đò luôn ghé vào tiệm Đỗ Hữu cho khách nghỉ ngơi và mua trà như ai đi Huế cũng mua mè xửng. Nhưng thi sĩ Đỗ Hữu thì không biết ông là ai, thi phẩm của ông cũng không ai biết. Tôi gặp bài thơ nầy trên tạp chí Tân Văn, chủ nhiệm là Hoàng Dược Thảo.

Trong tập số 8 tháng 3-2008 Trần Trung Thuần tóm lược một bài báo của người khác trên internet với hai bài thơ duy nhất của Đỗ Hữu mà chính ông cũng không biết gì về thi sĩ nầy. Huỳnh Ngọc Chiến tìm gặp chúng trong một cuốn sách giáo khoa của Bùi Giáng soạn cho học sinh thi tú tài thời VNCH. Vài Nhận Xét Về Bà Huyện Thanh Quan (nxb Tân Việt Saigon 1957). Cả hai ông Chiến và Thuần đều không nói Bùi Giáng có biết gì về Đỗ Hữu hay không.
Họ đồng ý với nhau là khen Bùi Giáng có tâm hồn khoáng đạt, không “văn mình”, trái lại lòng yêu thơ đã làm cho Bùi Giáng trân quí những bài thơ hay của bất cứ ai, thời nào, chỗ nào. Rất tiếc ông Chiến không cho biết nhận xét của Bùi Giáng, hay nói về quan niệm thi ca của Bùi Giáng thế nào khi đưa hai bài của Đỗ Hữu làm minh chứng. Đây bài thứ hai của cùng tác giả.
[size=24]
Chiều Việt Bắc
Đỗ Hữu
Nắng xuống phương nào người thấy không?
Mà đây chiều tím rụng song song
Vàng tuôn mấy lối ngày thu quạnh
Ai liệm hoàng hôn kín mắt trong?

Khói thuốc lên mờ xanh bóng ai
Phương xa chiều xuống ngút sông dài
Đường kia có phải sầu xưa đọng?
Trở bước hoa lau trắng ngập đồi.

Con đường đất đỏ mờ sau bản
Thung lũng vàng tơ nắng trở chiều
Núi biếc chập chùng vây ải lạnh
Dặm về lá đổ phận tàn xiêu…

Rừng núi âm u chiều Việt Bắc
Chầy ngày lạc bước ai ngồi than
Buồn xưa chiều đọng sầu lau lách
Chòi cũ nằm nghe gió dặm trường…


Nếu ông Chiến chỉ biết hai bài thơ nầy qua tay người khác chứ không trích từ cuốn sách giáo khoa nói trên, rất có thể Bùi Giáng còn ghi thêm ít nhiều chi tiết. Nếu có cơ duyên tìm gặp cuốn sách  xin để ý trường hợp nầy.  Hai tác giả nầy cho rằng BG phải mất nhiều năm soạn thảo và ấn loát, và dự đoán mất ba năm. Sách xuất bản 1959 cho phép họ nói rằng Đỗ Hữu đã sáng tác trong khoảng thời gian ở bên Lào trong chiến dịch Tây Tiến như Quang Dũng cũng đi trong dịp nầy.

Nói như vậy vẫn còn khó hiểu vì Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào chống quân đội Pháp. Đoàn quân gồm phần đông là thanh niên Hà Nội trong đó có nhiều học sinh, sinh viên (như nhà thơ Quang Dũng). Chiến đấu khắp các địa bàn thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa, Sầm Nứa, trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Quang Dũng làm bài Tây Tiến năm 1948.

Tôi thật dốt chỗ nầy. Chỉ biết ông hoàng Souphanouvong qua Hà Nội nhận lệnh HCM thành lập Pathet Lao năm 1951; sau đó quân BV và Pathet chiếm miền trung Lào; hậu quả là nội chiến cho đến 1955, khi Pathet Lào chịu nhận hai tỉnh phía bắc. Như vậy quân BV có mặt trên đất Lào cho đến thời điểm nầy, cũng là lúc mà ông Chiến ức đoán Bùi Giáng đã có hai bài thơ của Đỗ Hữu trong tay. Nói khác hai bài nầy được sáng tác trong khoảng từ 1947 đến 1955. Quang Dũng bị đuổi khỏi hàng ngũ năm 1953 vì làm thơ lãng mạn. Nói cho cùng là làm thơ ngoài đường lối chỉ đạo của CS. Rất có thể Đỗ Hữu cũng đã bị dập vùi, bỏ của lấy người; bạn hữu không ai dám chép, đọc thơ của ông.

Nhưng để cho tận cùng kỳ lý, đã không biết tác giả là ai, bài viết lúc nào, mà thơ chỉ có chữ Ai Lao ngoài ra không có gì về hành quân nầy, chiến dịch nọ như trong bài Tây Tiến, thì làm sao nói tác giả trong đoàn quân viễn chinh của BV. Không ai cấm một người ngoài quân đội thấy thu về nơi thôn bản mà có cái sầu Ai Lao. Không ai cấm một ghi nhận núi biếc chập chùng vây ải lạnh ở Việt Bắc và thấy lá đổ sau chân một lối vàng trên đất Lào. Hai chữ Việt Bắc, không biết xuất xứ từ đâu, mang đầy tính chất kháng chiến, nhưng chưa đủ lý 100% để nói Đỗ Hữu nằm trong chiến dịch Tây Tiến của BV. Thế nhưng thôi, hãy nói là kháng chiến, viễn chinh bằng những chi tiết như khép chặt mình tôi giữa núi rừng hoặc phương xa chiều xuống ngút sông dài.

Trần Trung Thuần và Huỳnh Ngọc Chiến tin tưởng có sự giao cảm nghệ thuật giữa Đỗ Hữu và Quang Dũng nhất là trong bài Tây Tiến. Cảm quan nghệ thuật hoàn toàn chủ quan. Ông Thuần nhận xét thơ của Đỗ Hữu hay hơn của Quang Dũng.
Phần tôi, tôi chỉ thấy những nét hay riêng mà không so sánh vì mọi sự chọn lựa đều độc đoán buộc phải hy sinh điều không được chọn.

Tây Tiến cho thấy tác giả Quang Dũng lão luyện, ngôn ngữ chắc nịch, như những nhát kiếm đủ sức hàng phục đối phương. Điều độ nhưng quyết liệt như phim võ hiệp Nhật, chứ không vung vít dư thừa như phim công phu của Tàu.
Giá trị của Tây Tiến nằm trong nét hào hùng, không phải của đoàn quân, mà của sức mạnh ý chí nhận thức ở chiều thứ tư (4th dimension), có tính chất nhân chứng (témoignage, witnessing)
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Không gian của QD chen chúc những người là người, làm thành bức tranh linh hoạt; không gian không giới hạn trong rừng núi, đem người đọc từ những nấm mồ rải rác nơi biên cương đến Hà Nội có bóng dáng nồng thơm, từ rừng sâu đến một kinh đô khác là Viên chăn. Không gian đó cũng là không gian nội tâm. Sông Mã gầm lên khúc độc hành , như sư tử hống, vạn loại muôn thú cùng cây cỏ ngưng thở mà nghe. Khúc độc hành nầy, có sức mạnh của dòng nước và chính là sức mạnh ấy.
Trong lúc ấy, ĐH như đóng vai một làn gió của chất sầu, của mélancholie, như khói thuốc hòa với sương núi, như một người cô đơn nằm trong chòi tranh cũ, nhìn ra dặm về lá đổ phận tàn xiêu.
Đỗ Hữu coi bộ không thiết tha với ngôn ngữ đẻo gọt. Có cảm tưởng ĐH đã vượt qua sự kiện ông biết mình làm thơ. Xin đừng khinh những câu mộc mạc như: Buồn quá ngày đi đêm trở lại, hay Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm. Hai câu ấy như hai hỏa tiển phóng hai vệ tinh vào không gian.
Buồn quá ngày đi đêm trở lại
Hoàng hôn hoa bản phấn rưng rưng

Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm
Lá đổ sau chân một lối vàng.
************************************************************************************
Phụ bản 1
Tây Tiến
Quang Dũng 1948
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi
Nhớ ai Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt rừng gởi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.---- Chép theo Tân Văn
----------------------------------------------------------------------------------------------
Phụ bản 2
sông biển
tôn thất tuệ

Dòng sông ấy từ quê em buông xuống
xuống đồng bằng sông Cửu chốn nhà anh.
Chiều Vàm Cống qua đò về Rạch Giá
gặp cánh bèo trôi dạt từ trời cao
anh cúi xuống hỏi có gặp em đâu tá
ở một phương nào nơi đồi núi Séno.
Bèo nói có, em đang chờ đò nách rừng Kháo Lúy.
Ôi dòng nước giúp ta dòng thông thảo
hẹn cùng em ở một chốn rất xa.

Biển rộng lớn với lũ người độc ác
sóng hổn man và gió tát nát thuyền anh
nhưng sông nhỏ đâu đã gọi yên lành
không cá sấu mà mắt người như sấu
cố bắt em dưới họng súng bạo tàn.
Về Tây phương xứ người hay xứ Phật
có tinh yêu ma quỷ đón đường.

Cảm ơn em, ma quỷ không nắm được đầu em
nên em thoát biên cương Lào Thái
chiếc xà rông cô gái Mường Khai
tâm hồn Việt, em cười rất Quảng Trị.
Cảm ơn sông chiều kia không thác lũ
cho em rời những ngày xưa Vạn Tượng
những mái chùa nơi ngự trị tình thương.
Cảm ơn nước đưa thuyền anh rách nát
đến bờ kia nhìn lại đau thương.
Cảm ơn em nắm cơm nếp tẻ
em nấu khê nên anh thèn trách cá khét.
Giữ cho em mây rừng bát ngát
gió trên sông và biển lặng tình em.---
[/size]
Về Đầu Trang
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Tue Sep 27, 2011 4:14 pm    Tiêu đề: thơ Cao Thoại Châu

Dưới đây là bài thơ của Cao Thoại Châu nhan đề "Đôi Mắt Người Sơn Tây" giống như tên một bài thơ của Quang Dũng. Ở đây Cao Thoại Châu, chẳng phải là vịnh, nới rộng cảm quan của người đọc từ bốn câu thơ của Quang Dũng, nhất là dòng "sông Mã gào lên khúc độc hành". Cao Thoại Châu sinh 1939 tại Nam Định vào Nam 1954, tốt nghiệp sư phạm sử địa tại đại học Saigon 1963. Hiện sinh sống ở Long An.
[size=18]  

Cao Thoại Châu

Đôi mắt người Sơn Tây
[size=18]Đêm buồn ghé bến Cô Tô
Nghe hồn ma cũ đọc thơ Tản Đà
Người từ trong mộng bước ra
Hạc vàng vỗ cánh như là vẫn say
Đường thi từ buổi vắng người
Lầu không bãi vắng đêm dài tạnh không
Trời cao đất rộng vô cùng
Thương người đến chết vẫn không có nhà

Năm xưa Tây tiến trập trùng
Năm nay rừng núi một mình anh đi
Nhà thơ ra chốn biên thùy
Ông già lặng lẽ đi về đất sâu
Nhớ người đỉnh núi gió reo
Chiều xanh thăm thẳm trên đèo hư không
Gầm lên, sông Mã gầm lên
Ai đi về đất mà không độc hành.---
[/size] [/size]
[/size]


Được sửa bởi tonthattue ngày Mon Oct 03, 2011 1:20 pm; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Sun Oct 02, 2011 11:14 am    Tiêu đề: thơ Cao Thoại Châu


Đây là một bài khác của Cao Thoại Châu, không liên hệ đến đề tài Sầu Ai Lao. Tôi không hiểu toàn bài. Sau khi xem bốn reply của đọc giả đều khen là sâu sắc, tôi chỉ nói theo như Nguyễn Du: bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân tri Thoại Châu (cho đến cả ba trăm năm nữa có ai hiểu CTC).


Những tên đường trong thành phố tôi
Cao Thoại Châu



Khi đất nước còn vua Quang Trung
Mười tám vạn quân Thanh đứa nào sống sót
Không mất hồn cũng thành què cụt
Bỏ xác quê người chung nấm mồ hoang

Khi đất nước còn Lý tướng quân
Chân cứng đá mềm đứng trong lịch sử
Nhiều lá cờ nhưng chỉ lá cờ chính nghĩa
Chiều bay thơm lúa mạ trên đồng

Vẳng đâu đây mười năm rừng núi Lam Sơn
Sang sảng tiếng Bình Ngô đại cáo
Hào kiệt đất nước có khi nào thiếu
Gươm thiêng loáng nước ánh trăng rừng

Thần vì người cho mượn thanh gươm
Sòng phẳng trả khi rửa xong hận nước
Hào khí ngời lên như ánh thép
Hận nước trong lòng của mỗi người dân!

Thành phố tôi có đường Hai Bà Trưng
Có trường học mang tên hai vị ấy
Thì cột đồng kẻ thù để lại
Kim loại nào chống được với thời gian?

Thành phố nào không có đường Trần Hưng Đạo
Bến Bạch Đằng làm nhớ Bạch Đằng Giang
Bao thế hệ lớn lên từ trường học Ngô Quyền
Kiêu hãnh trước một bầy Nam Hán

Tôi từng là học sinh trường Chu Văn An
Thất trảm sớ một thời lừng lẫy
Trái tim của nhà danh sĩ ấy
Là bản sao rõ nét đến bây giờ

Chiều đi qua công trường Diên Hồng
Không đa cảm mà tự nhiên nhoà lệ
Bài học này thuộc từ thời còn bé
Không biết bây giờ còn trong sách giáo khoa?

Tôi đang đi giữa những con đường
Mà sao giống như trong thôn hẻo lánh
Chạnh thấy hồn vô cùng xao xuyến
Loang lổ bảng tên đường sơn tróc từ lâu!

Rất phân minh giữa bạn và thù
Khẳng khái không chịu làm nô lệ
Phố xá này mang tên các cụ
Có thể nào như những phố vô danh!?
?!
6-6-2011
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân