TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - CHA TÔI
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

CHA TÔI

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Danny Trinh



Ngày tham gia: 09 Jun 2008
Số bài: 165

Bài gửiGửi: Mon Jun 09, 2008 1:01 am    Tiêu đề: CHA TÔI
Tác Giả: Danny Trinh




CHA TÔI

Danny Trinh

Tôi vẫn thường gọi người cha ruột yêu quí bằng nhân xưng đại danh từ “Ba” ngay từ lúc bé trong gia đình! Nay người đã vĩnh viễn ra đi vào lòng đất và tôi không còn cơ hội nào để thăm viếng hay hàn huyên với ông nữa. Tuy vậy, tôi có cảm tưởng linh hồn ông như đang được thong dong tự tại khắp mọi nơi trong cõi trời phi không gian và thời gian! Và từ nơi ấy, ông có thể đến thăm viếng bất cứ lúc nào nơi tôi đang tạm cư, nước Mỹ; chính nơi này mà những ngày khi còn tại thế ông đã mong ước được đặt chân đến.

Ba má tôi đã rất vất vả lo lắng cho tôi từ lúc bé cho đến ngày khôn lớn! Tôi được nghe kể lại rằng, lúc sinh ra và nuôi dưỡng cho được khôn lớn khỏe mạnh là một sự mầu nhiệm, bởi vì sự “khó nuôi” rủi ro, thường hay ốm yếu, đau bệnh và dễ gây đến tử vong, chết yểu. Trong gia đình, các người con đầu lòng lúc còn bé cũng bị bệnh rất nặng này mà mất sớm, nên ông bà rất lo lắng và phải tìm đủ mọi cách để chữa trị cho những đứa con kế tiếp nếu gặp phải bệnh tật.

Một trong những cách để cứu mạng sống đứa con “khó nuôi” là ông bà đã đem hay “bỏ” tôi ra ngoài đường và nhờ người ở làng kế bên “lượm” đem về làm con nuôi trong một thời gian ngắn. Không biết phong tục tập quán này đã có từ lúc nào mà nhiều người miền quê tin rằng, khi một đứa trẻ ra đời với thân thể èo -uột bệnh hoạn thì cha mẹ ruột nên “cho” đứa bé ấy một gia đình người khác rồi sau đó “chuộc” lại để nuôi. Họ nghĩ rằng, đứa bé ấy vì “khắc” hoặc kỵ tuổi với người cha mẹ nên không thể sống chung với nhau trong gia đình hoặc còn có những lý do “mê tín- dị đoan” nào đó nữa. Thực ra, những phương pháp ấy cũng không làm cho tôi khỏe mạnh và khôn lớn bao nhiêu và người thứ hai đã nuôi tôi là một người xa lạ (không có trong thân thuộc) và sau này tôi cũng gọi bà ta là mẹ “lạ”; bà như một người vú nuôi tôi lúc còn bé (có lẽ lúc đó tôi được 3 hoặc bốn tuổi.) Tôi đã được xỏ (Pierce) một lỗ tai bên phải để đeo một khoen bằng đồng như phụ nữ, dưới ống chân có mang một cái kiềng bằng đồng bóng loáng và ăn mặc quần áo như đứa con gái. Chính vì thế, mọi người trong gia đình đều gọi tôi bằng tên “thằng Cái” ngay tại nhà, cái tên này không có trong giấy khai sinh và các hồ sơ nhà trường. Lúc còn bé, tôi vẫn tin rằng, có lẻ đây cũng là một cách đánh lạc hướng “Ma Quỷ về bắt hồn” hay các linh hồn thân nhân đã chết thường trở về nhà để “rũ” hoặc dẫn dắt các người thân cùng về bên kia thế giới với họ.

Thêm nữa, vì bị bệnh nặng lâu ngày đã ảnh hưởng đến thần kinh và trí nhớ nên tôi thường hay bị bệnh “Mộng du” về đêm, một hiện tượng đi rong chơi trong giấc ngủ. Đôi mắt khép kín lại như còn đang trong giấc ngủ và đôi chân cứ bước đi, rất may là tôi không có đi trên mái nhà hay trên các ngọn cây trong đêm tối. Mộng du là một hiện tượng bệnh về thái thức, vì Vô thức đẩy mạnh Thức năng khiến hồn hành động theo vô thức; khi thức năng mạnh thì thể xác không còn là vật nặng nề nữa. Do đó, thêm một cách khác nữa mà ba má tôi hy vọng cứu và phục hồi trí nhớ là khắc (xâm) trên trán (Tattoo) và trên cánh tay hình Thập tự rồi đem tôi “ký bán” như ký giấy bán một món đồ gì, nhưng thực tế là đem tôi gởi vào một ngôi chùa trong làng trông nôm. Bằng cách này, ông bà hy vọng Thần Thánh Tiên Phật tại ngôi chùa này sẽ ban hồng ân cứu mạng cho tôi, vì vậy, mỗi ngày, tôi được ngồi dưới một Đại Hồng (Hồn?) Chung (Chuông đồng to lớn) treo trên cao cách đầu người một mét(đơn vị đo lường) và luôn có một vị sư tụng kinh gõ chuông cầu nguyện được phục hồi trí nhớ; tai của tôi lúc nào cũng nghe tiếng chuông thức tỉnh ngân vang hòa lẫn tiếng tụng kinh ê- a của vị sư trụ trì. Lời kinh và tiếng vang của Đại Hồng Chung ấy có một uy lực để “Trục” hay xua đuổi con ma nào đó đang quấy phá trong tâm trí và trả lại “linh hồn thơ ngây” của tôi.

Đến nay, các dấu khắc (xâm) vẫn còn trên người và lỗ tai tôi vẫn còn có thể “đeo” hay mang các đồ trang sức phụ nữ; đây cũng là một (Model) mode của nhiều bạn trẻ thời đại hiện nay; ngoài ra, tôi có cảm tưởng tiếng chuông ấy vẫn còn vang vọng đâu đây trong tiềm thức như để nhắc nhở tôi luôn tĩnh và thức giác lý đạo. Kể từ ngày ấy, linh hồn tôi đã thực sự đã được quy-y cửa Phật. Tôi là đứa con của nhà chùa, con của Phật, một chủng tử của Phật, là Phật tử. Xin cảm ơn ba má đã cho con hạt giống từ bi ngay từ thời thơ ấu!

BỆNH THƯƠNG HÀN

Lúc 5 tuổi, tôi mắc phải chứng bệnh Thương Hàn, chứng bệnh đã làm cơ thể tôi ốm yếu, xanh xao và biếng ăn, biếng ngủ và ba tôi đã phải cầu cứu đến Đông y. May mắn, ông nội của tôi là một thầy thuốc bắc (Đông Y sĩ) và có tiệm bán thuốc nên đã chẩn bệnh và “hốt” cho tôi uống hơn hai trăm (200) thang thuốc gia truyền để trị bệnh, ngoài ra còn thêm những thứ sâm nhung ...bổ dưỡng quí giá đắc tiền trong ngành nghề mà ông biết. Ngày nào cái “siêu đất” dùng để nấu thuốc cũng ở trên bếp than nóng (Permanent) cho các “nước nhất, nhì và ba”, cứ ba chén nước sắc còn lại một chén thuốc; tôi phải cố gắng nhắm mắt, bịt mũi để uống hết chén thuốc đắng ròng rã gần một năm dài. Thuốc Bắc quả có công hiệu về lâu về dài cho lục phủ ngũ tạng vì thế sức khỏe của tôi đến ngày hôm nay dù đã từng hao phí rất nhiều khi còn trai trẻ và trong các trại tù lao động của Cộng Sản, nhưng so với người cùng tuổi thì tôi vẫn còn khỏe hơn nhiều người.

Ngoài ra, ba má tôi cũng đưa tôi đi bác sĩ để khám và trị theo Tây- Y và được biết đó là căn “bệnh thương hàn”. Thật ra, lý do nào gọi là “bệnh thương hàn”, thì tôi không hiểu. “Bệnh” khiến nhiều người chết mà sao gọi là “Thương.” Đầu thập niên năm mươi (40- 50), trình trạng Y tế phòng ngừa và chẩn đoán bệnh, cũng như thuốc men trị liệu còn giới hạn, thiếu thốn, nhất là ở vùng nông thôn ViệtNam, vì đây là một căn bệnh nguy hiểm đã giết nhiều trẻ em và nó trở thành một bệnh dịch gây nhiều tử vọng cho loài người thời ấy. Nhưng nếu sớm phát hiện ra bệnh và chữa trị theo Tây –Y thì có nhiều kết quả khả quan hơn. Tôi còn nhớ là đã được đi lên tỉnh (City) để khám bệnh và chích thuốc chỉ có một lần mà tôi cảm thấy khỏe và hết bệnh, nhưng tôi cũng không quên cái cảm giác đau ở mông cho lần chích thuốc đầu tiên vào lúc 5 tuổi tại phòng mạch của ông ta. Hình ảnh không gian phòng mạch, cô y tá, vị bác sĩ và cả tiếng khóc của tôi khi bị chích thuốc đau năm nào đến nay cũng chưa phai nhòa trong ký ức! Không biết là tại ông bác sĩ này giỏi, “mát tay” hay là cái duyên may đã làm cho tôi hết bệnh.

SỐNG XA NHÀ

Tôi không tin lắm vào “Số mệnh” hoặc sự khắc kỵ của người con với cha mẹ như thế nào, nhưng có một vấn đề đã xảy ra là tôi không sống (sinh hoạt) cùng với ba má và các em của tôi một cách liên tục cho đến ngày ba tôi mất.

Khi bệnh thương hàn vừa thuyên giảm, ông bà lại gởi tôi sang ở nhà người bác để tiếp tục uống thuốc Tây (mặc dù hai nhà ở sát vách) và nhờ các anh chị (con người bác) chăm sóc. Sau hơn một năm, ngoại tôi ở xóm trên (cách nhà tôi 500 mét) đem tôi về ở chung với bà. Đó là ngôi nhà tranh vách đất nghèo nàn đơn sơ nhưng vô cùng ấm áp tình thương của ngoại đã chăm lo sức khỏe cho cháu! Mỗi buổi ăn, bà thường cho tôi ăn cơm gạo lức với muối mè, hoặc ăn với nhiều tép tỏi sống và tôi cũng không hiểu ăn như vậy để trị bệnh hay là đó là cách ăn uống của bà tôi. Mỗi buổi tối, bà thường hay dẫn tôi đến các am (chùa nhỏ) trong làng để đọc kinh và lạy Phật. Ông ngoại tôi mất sớm (vì bị Việt Minh sát hại) nên bà ngoại tôi phải sống âm thầm một mình với câu kinh tiếng kệ; các cậu và dì của tôi đều có gia đình ở các tỉnh xa duy chỉ có má tôi là ở gần nhưng không ở chung và mãi đến sau này, bà ngoại tôi bán căn nhà ấy thì bà mới có dịp về ở chung với gia đình ba má tôi. Ngoại tôi lúc ấy(1958) vào khoảng 60 tuổi, bà luôn trầm lặng, hiền từ ít nói nhưng cũng nhiều tự ái và thỉnh thoảng giận hờn con cái. Khi bà giận thì bà đi đến ở nhà của các cậu hoặc dì tôi một hai tháng, nhưng cuối cùng bà vẫn trở về ở chung với ba má tôi đến gần trăm tuổi thì qua đời. Tôi không thể nào quên hình ảnh bà hằng đêm ngồi trên cái ghế ở giữa trời để trì kinh, mắt khép lại, miệng thì thầm niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” lâm- râm và trên tay lúc nào cũng có xâu chuỗi Bồ Đề màu nâu bóng loáng để lần từng hột. Khuôn mặt bà trông rất phúc hậu, miệng bà nhỏ và túm lại để thấy cái mũi cao và dài; đầu bà không để tóc và được choàng một cái khăn nâu, có một lần tôi đưa tay sờ trên đỉnh đầu bà thì thấy một lỗ trũng sâu ngay tại huyệt Bách Hội, tò mò hỏi thì bà chỉ cười mà không giải thích.

Sự lưu lạc thời thơ ấu của tôi vẫn chưa chấm dứt, sau nhà ngoại, tôi lại được “thuyên chuyển” đến nhà ông bà nội để giúp đỡ ông đang bị bệnh. Ông cố nội tôi gốc người Quảng Đông bên Trung Hoa sang Việt nam lập nghiệp vào những năm đầu thế kỷ 19; Ông đã chọn Nại là nơi an cư lạc nghiệp cho gia tộc họ T. Nại quả thật là nơi có phong cảnh hữu tình, có dòng sông êm đềm thơ mộng mang theo tính biển mặn của Đại dương bao la đi sâu vào đầm Nại rộng lớn, một nơi có nhiều tôm cá, hải sản... nuôi sống nhiều ngư phủ của các vùng chung quanh là Tri Thủy, Phương Cựu, Hộ Diêm, Tân An, Khánh Hội... ngoài ra, Nại được bao bọc che chở bởi các dãy núi thấp phía Bắc như núi Đá Chồng, Cà Đú, Tri Thủy, Tân An; phía Tây là các cánh đồng phì nhiêu mầu mỡ tiếp giáp các vùng Hò- Rò, Nại Giữa; về hướng Nam là đường lên tỉnh PhanRang. Lưu thông tiện lợi, không khí mát mẻ, đất đai mầu mỡ, địa lý thuận tiện có lẻ là những lý do mà ông cố nội tôi chọn Nại là quê hương thứ hai của ông.

Đến ở nhà ông bà nội, trước tiên là dịp để tôi giúp ông trong việc đi đứng, vệ sinh được dễ dàng vào ban ngày và ban đêm, sau đó, cũng là cơ hội để tôi học hỏi được nhiều cách bào chế thuốc Bắc tại nhà. Thuốc Bắc là những dược phẩm từ các lá, rễ cây thuốc được phơi khô từ bên Trung Quốc chở sang ViệtNam và các tiệm thuốc Bắc mua về cắt nhỏ cho dễ cân đo, đóng gói; một số khác thì được biến chế như tán nhỏ, nấu thành các cây thuốc tễ... mà chúng ta thường hay gọi là “Cao đơn hoàn tán”.

Sau khi ông nội tôi mất, tôi được trở về sống trong căn nhà thân yêu nơi tôi được sinh ra; hơn mười năm trong thời thơ ấu xa nhà không có nghĩa là tôi hoàn toàn sống xa gia đình, vì tôi vẫn thường chạy tới lui để thăm ba má và các em gần như mỗi ngày trong khoảng thời gian tôi ở với bác, bà ngoại và ông bà nội của tôi. Tôi tưởng rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho tôi sẻ bớt đi nhiều do sự xa cách, nhưng trái lại ba tôi rất thương tôi. Tình thương ấy không biểu lộ bằng cử chỉ âu yếm vuốt ve, những lời nhẹ nhàng dạy dỗ đầm ấm như người mẹ, trái lại, trong ánh mắt ba tôi đã tràn đầy sự yêu thương vô bờ bến của một người cha đối với con. Tình yêu ấy được biểu lộ bằng sự cương quyết, bằng hành động, bằng sự che chở bênh vực con cái, bảo vệ, bằng sự nghiêm khắc, trừng phạt mỗi khi tôi có sai phạm. Cách giáo dục con cái của ba tôi rất là độc đáo! Tôi đã từng nếm các ngọn roi mây trừng phạt của ông ta vào mông (đít) lúc còn bé; Ôi chao! Các trận đòn ấy đã gây đau đớn và xót xa cho tôi như thế nào! Tôi còn nhớ, một lần đúng vào ngày ba mươi (30) Tết, khi ba má tôi đang chưng bày thức ăn để dâng lên cúng tổ tiên, vô tình và bất cẩn nên tôi đụng mạnh vào cành hoa Mai to lớn, đã khiến bình bông này rơi xuống đất vỡ toang. Tôi hoảng hốt và hãi kinh vì sợ bị ăn đòn nặng như lúc trước nên bỏ chạy sang nhà bác lánh nạn. Mãi đến khuya gần giờ Giao Thừa, má tôi đi tìm về và nói rằng ba tôi đã tha tội không đánh đòn để tôi được an tâm. Trước tiên, sự may mắn cho tôi lúc ấy là đang giờ phút thắp hương cúng Ông Bà nên ba tôi đã nén được cái giận dữ ấy mà Hỉ Xả. Kế đó, hôm đó là chiều tối ngày Ba Mươi Tết (ngày cuối năm cũ) nên tất cả mọi người trong gia đình đoàn tụ và tâm lý mọi người là bỏ qua chuyện năm cũ, quên đi những xui xẻo và lỗi lầm con cái nếu có để mà đón một năm mới tốt đẹp, vui vẻ và may mắn hơn như mong ước. Sau cùng là tất cả mọi người trong gia đình không biết tôi đang trốn ở đâu, ở ngoài đường hay ở nhà ai trong đêm giao thừa này là điều bất tiện; đó là điềm xấu cho năm mới mà người ta tin, vì thế bằng cách nào ba má tôi cũng phải tìm và đem tôi về nhà. Cũng nhờ những điều “Hên” ấy mà tôi được thoát nạn!

Ngọn roi trừng phạt của ba tôi đã làm cho tôi sợ hãi, khiếp đảm để rồi tuân phục, vâng lời và tôi thực sự chưa bao giờ có một ý nghĩ oán hận ba tôi hoặc có những lời lẽ bất hiếu đối với bậc sinh thành. Ngọn roi ấy phải mạnh, phải đau thấu xương tủy, phải hằn dấu trên người thì tôi mới ghi nhớ mãi những lỗi lầm; đó cũng giống như ngọn roi của Thượng Từ Phụ, Thượng Đế, Ông Trời...đang trừng phạt hay đang ban ân sủng đến con người. Nếu con người Giác Thức thì đấy là ân sủng của Ngài đang ban cho chúng ta để hối cải những lỗi lầm đã qua, nếu không giác thức ra thì chúng ta ngồi đó mà than Trời trách Đất đang gieo cho ta những tai họa.

Tôi sống với cha mẹ cũng chỉ có thời gian ngắn từ năm lớp Đệ Thất đến hết năm Đệ Ngũ (Từ lớp 7 đến lớp 9) thì tôi xin đi Sàigòn để học thêm Anh Văn và các lớp Toán Lý Hóa hè. Ba tôi có nhiều người quen thân ở Sàigòn, nhưng ông ta không tìm nơi trọ nào đáng tin cậy để gởi cho tôi ăn học bằng nhà của người cậu, ở khu Bà Chiểu. Sau ba tháng học hè, tôi xin ở lại học hết chương trình Trung Học ở Sàigòn; ba má tôi đã đồng ý và chu cấp tất cả phí tổn ăn ở và lệ phí nhà trường. Ba tôi đã đặt lòng tin hoàn toàn vào tôi ngay từ lúc ấy! Tôi muốn ghi danh học thêm môn nào cũng được và toàn quyền sử dụng tất cả món tiền mà ông cho hằng tháng. Không phụ lòng mong đợi của ba và má, tôi đã cố gắng học và còn tận dụng tất cả thời gian để học nhạc, học đàn Guitar, học võ Thái Cực Đạo, học thêm Anh văn và Toán Lý Hóa song song với chương trình Trung học. Đó là cơ hội tốt cho tôi biết thêm nhiều môn học khác, vì tất cả các lớp này không có được “mở” ra để dạy thêm cho các học sinh tại thị xã PhanRang vào thời điểm đó. Kết quả kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi đã đạt được xếp hạng bình thứ, một hạng khá cao vào thời điểm ấy; đó là một điều đã làm cho ba má tôi vui và hài lòng nhất tại quê nhà. Nhưng sự nhớ thương con cái đã làm cho ông bà chưa có quyết định tiếp tục cho tôi học ở Sàigòn nữa hay không, người cậu ba cũng góp ý là nên để cho tôi tiếp tục học hết bậc trung học ở nhà ông ta. Ba má tôi vẫn còn phân vân, vì một phần thấy tôi còn nhỏ tuổi (mười bốn tuổi) mà phải xa gia đình nhiều lần và một phần khác là lý do tài chánh, nhưng cuối cùng vẫn đồng ý và khuyên tôi cố gắng học hành.

Sau bốn năm xa nhà, tôi trở về Phanrang học để thi tiếp Tú Tài 2 trong hai năm và sau đó tôi vào lại Sàigòn để ghi danh vào Đại Học Luật khoa. Nhưng lúc ấy có lệnh Tổng Động Viên của Bộ Quốc Phòng không miễn trừ “hoãn dịch” cho các sinh viên học Luật đang ở năm thứ nhất, nên tôi phải vào quân đội vào năm 1969. Những năm tháng trong quân đội càng làm cho ba má tôi lo lắng nhiều hơn, nhất là những lúc chiến sự giao tranh nóng bỏng, mãnh liệt và ông bà chỉ có tin vào số mệnh và sự cầu nguyện cho tôi được sự bình an.

Sau chiến trận 1975, ba mẹ tôi cũng tưởng rằng gia đình sẽ được đoàn tụ và không còn chiến tranh đau thương, chia ly chết chóc... nào ngờ sự giam cầm trong các trại tù lao động của chính quyền mới đã làm chồng chất thêm sự đau khổ uất hận cho nhiều gia đình, có người thân đã từng làm việc trong chế độ cũ. Tôi cũng là một trong số triệu người tù ấy, cùng chung số phận người tù không có bản án (nghĩa là không biết bao giờ được tha), lao động khổ sai, ăn uống thiếu thốn, bịnh tật vì không đủ thuốc men chữa trị. Ở địa phương, họ họp tất cả người dân như là một tòa án nhân dân để kê khai và xét xử tất cả tội của những người tù trước đây đã sinh sống và làm việc ngay tại địa phương đó; trong đêm tâm tối, ba má tôi nghe người ta nói về “tội ác “ của con mình mà thầm lo cho số phận của tôi.

Tôi ở trong trại tù bị giới hạn mọi thông tin liên lạc, nếu được viết thư thì lúc nào cũng “Học tập tốt, lao động tốt, đạt chỉ tiêu...” kèm trong các câu nói. Tôi viết thư nói dối, ba má tôi cũng trả lời dối, mọi người dối... tất cả “thần dân” như đang sống trong một “Vương quốc lừa dối.” Tôi bị đói khát, thiếu nhiều dinh dưỡng, nên mỗi khi viết thư về gia đình xin quà thăm nuôi thì làm cho ba má tôi “hoảng sợ”, bởi vì cái “List” ấy rất dài gồm cả đậu đường, mắm muối, tiêu ớt...như các thứ đang sẵn có trong một ngôi chợ, nhà bếp hay trong ký ức tôi, các món đó đã được ăn qua một lần, hoặc các món ăn ấy do gia đình bạn tù gởi vào cho người thân họ; mỗi thứ năm ba ký... tổng cộng gần cả trăm ký. Nếu tìm mua đúng theo “yêu cầu” trong “Đơn đặt hàng”, thì ba má tôi phải mất hơn một tháng chuẩn bị và phải đi vào tận Sài gòn mua “chui” mới có. Các bạn tù và tôi không biết là xã hội bên ngoài đã bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ (quản lý) như thế nào, như mua gạo phải có hộ khẩu, cá mắm, thịt, đường, bột ngọt...nói chung là lương thực thì mỗi người đều có tiêu chuẩn hằng tháng rất giới hạn, phải có tên trong danh sách “Hộ Khẩu”, không có còn buôn bán tự do dễ dàng như trước năm 1975. Do đó, nếu mua theo đúng cái danh sách của tôi gởi về, tất cả mọi người trong gia đình tôi phải nhịn đói trong một vài tháng thì may ra mới có đủ “Quà” gởi vào trại cho tôi. Tuy nhiên, gia đình tôi cũngcố gắng gói ghém bằng tất cả “cây nhà lá vườn” để đi “thăm nuôi”, tuy không thường xuyên như các người bạn tù may mắn khác nhưng tôi cũng được ba tôi thăm viếng ở tất cả cổng trại tập trung lao động. Mỗi lần đi thăm nuôi, má tôi sắp xếp mọi thứ sẵn sàng nhưng bà lại ở nhà để lo cho các em tôi. Riêng ba tôi, ông cũng phải thức khuya, chen chân “lấy tài” để dành mua cho được vé xe đò để đi, nhưng thường là bị từ chối vì lý do “hết vé” của các cán bộ trách nhiệm bến xe và phải mua vé giá “chợ đen” cao hơn nhiều so với giá chính thức (sau này khi ra khỏi tù, tôi cũng được nếm mùi đắng cay ấy ở các bến xe miền Đông, Tây thời ấy.). Xe thì chạy “cà rịch cà tang”, vì dùng nhiên liệu “than” để thay xăng như cách đây một thế kỷ, lúc mà khoa học mới phát minh “Máy hơi nước”, do đó hành khách trên xe phải hít vào các khói bụi than đầy ô nhiễm, mệt mỏi, nhiễm bệnh và rồi chẳng biết lúc nào xe mới đến nơi đến chốn; mỗi lần thăm nuôi, ba tôi phải mất cả tuần lễ mới về đến nhà. Chặng thứ nhất là phải đi vào Sàigòn, kế, là xếp hàng để mua vé đi chặng kế tiếp lên các vùng như Katum, Tây Ninh hay Hốc môn, Long Khánh, Long Giao, Gia Ray Ông Đồn, k 3, k 4... Tôi ở trong trại tù nào hay biết gì về nỗi khổ và vất vả của ba tôi vì ông cũng phải lội bộ gòng gánh thức ăn, vượt đồi, băng rừng, ngủ bờ, ngủ bụi theo xe để vào tận rừng sâu Katum, Trảng Táo, Tây Ninh... như những người khỏe mạnh khác. Có một lần chẳng may cho gia đình tôi khi đi thăm nuôi, vì gặp lúc có nhiều tù nhân trốn trại, bọn quản giáo trại giam sợ chúng tôi được thăm nuôi mang nhiều thức ăn khô vào trại mà để dành vượt trại (tù), nên họ cho mỗi người chỉ được mang vào 3 kí- lô thức ăn tổng cộng. Do đó, gặp nhau được một thời gian ngắn nên cũng chẳng nói được gì; tôi và ba tôi (thỉnh thoảng có các em hoặc cháu tôi đi cùng ông) chỉ nhìn nhau mà nước mắt lưng- tròng rồi lại chia tay bùi ngùi và gia đình lại phải gòng gánh đem về trữ lại thức ăn cho kỳ thăm sau. Mỗi lần đi thăm nuôi về, ba tôi đau bệnh cả tháng vì mệt mỏi và nhớ thương; còn tôi... luôn ôm ấp hình ảnh của ông bà trong suốt hành trình tù đày cay đắng, trong niềm nhớ thương ray rứt chưa tỏ bày và lặng thinh cay đắng tủi nhục.

Vụ nổ kho đạn tại Long Khánh cũng đã làm cho ba má tôi thêm kinh hoàng vì tin tức được loan truyền bằng miệng (truyền khẩu) nhiều tù nhân tại các trại bị thương vong đến gia đình tôi ở PhanRang rất nhanh. Ba tôi đã vội vã đến nơi thăm hỏi và ông đứng từ xa nhìn vào cổng trại, các dãy nhà đã giam giữ chúng tôi nay bị đổ nát vì bom đạn (như cảnh hoang tàn sau trận chiến) mà lòng đau xót; nhưng ông không thể nào biết được tin tức hoặc gặp được bóng dáng người con thương yêu. Ông có hỏi cũng không được ai trả lời, đó là điều tất nhiên; vì tất cả tin tức liên quan đến sự di chuyển, sống chết của các tù nhân đều được cán bộ chính quyền Cộng Sản giữ kín. Ba má tôi chỉ còn cách là trở về nhà để cầu nguyện cùng Trời Phật, nếu tôi còn sống thì được sự bình an và nếu chết thì, “Sống khôn thác thiêng...”

Ngày ra tù gần cuối năm 1982, tôi được trở về nhưng giấy ra trại lại không cho ở Sàigòn vì hàng chữ “Trục xuất khỏi thành phố” và nếu tôi trở về nơi quê quán, ba tôi nói, “nguy hiểm con có thể bị địa phương trù dập, trả thù”, do đó tôi đành phải sống không “Hộ Khẩu” nơi sài gòn, tha phương cầu thực cho đến ngày rời khỏi ViệtNam.

Đã hơn 50 năm qua, từ lúc sinh ra tôi cho đến ngày ba tôi nhắm mắt qua đời là một chuỗi dài đau khổ, lo lắng và hy sinh cho con cái của người. Bổn phận làm con, tôi chưa có dịp nào ở bên cạnh cha mẹ một thời gian đôi ba năm liên tục để đền đáp lại công ơn sinh dưỡng của người; ngược lại cha mẹ luôn luôn lo lắng, chăm sóc con cái như là một chức năng “Thiên bẩm” mà Thượng Từ Phụ dành cho con người. Tình yêu thương và công ơn sinh dưỡng của cha mẹ cao cả và hằng có mãi ví như “Thái sơn và nước ở trong nguồn chảy ra,” nhưng tôi chưa làm tròn chữ “Hiếu” và “Đạo làm con” để đền đáp lại công ơn ấy.

Khi đi Mỹ theo chương trình định cư tị nạn, tôi nghỉ rằng chắc mình sẽ không còn cơ hội để về quê hương thăm lại ba má, các em và bà con thân bằng quyến thuộc của mình. Đi định cư nước ngoài mà tôi có cảm tưởng như mình bị trục xuất khỏi nơi “chôn nhau cắt rún”, lưu đày ở những nơi thực xa như vùng kinh tế mới, mãi tận nơi biên giới Miên-Việt hay Trung Quốc, bởi vì cuộc sống nơi ấy sẽ khó khăn, vất vả và ít có cơ hội trở lại xóm làng thân yêu của mình. Đến nay, đã hơn mười năm định cư tại Mỹ, một đất nước văn minh và kinh tế phồn thịnh nhất thế giới, nhưng riêng tôi vẫn chưa có được một cuộc sống ổn định tại xứ người. Ba má tôi thường liên lạc qua điện thoại và ông nói với tôi rằng, “Con đừng có lo lắng nhiều cho ba má và các em; con hãy ráng lo cho gia đình con để có một cuộc sống vững vàng trước đã...” nhưng vài tháng trước ngày ba tôi mất thì má tôi trong lúc nói chuyện qua điện thoại đã có ý lo lắng rất nhiều về sức khỏe của ba tôi và bà mong tôi về thăm. Linh tính trong tâm thức (trực giác) như báo có sự chẳng lành cho gia đình, nhưng tôi vẫn chủ quan tin rằng ba tôi còn mạnh khỏe và có thể sống thêm vài năm cùng các con cháu. Tôi đang xúc tiến thủ tục bảo lãnh ba tôi sang Hoa Kỳ để thăm các con cháu trong vài tháng như ước nguyện mười năm trước đây của ông.

Hằng ngày, ba tôi tuy đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn còn đạp xe đạp ra bãi biển Ninh Chữ gần nhà để tắm biển cùng các bè bạn của ông trong làng, sau đó về nhà ăn cơm trưa và nghỉ ngơi; buổi chiều thì ông đi bộ từ nhà đến nhà người cô của tôi (người chị của ông) thăm viếng, rồi ông tiếp tục đi ngang ngôi chợ trong làng để đến các nhà bạn bè ông và mãi chiều tối thì ông đi bộ về nhà cho cơm tối. Ngày nào cũng vậy, như là một thời khóa biểu cố định (Tour) của ông ta, do đó khi ba tôi vắng mặt một hay hai ngày thì các bạn của ông lại kéo nhau đến nhà thăm hỏi. Nhưng có một sự đột biến ba tháng trước ngày ông mất, gia đình tôi phải đưa ông vào bệnh viện tỉnh Phan Rang để cấp cứu, lý do là ông đã uống “lộn” chai dầu hôi (Diesel) mà tưởng rằng chai nước lọc để trên bàn hai ngày trước đó và nay thì chất độc ấy đã thấm sâu vào gan phổi... làm ông nóng sốt mê man và khó thở.

Được tin cấp báo của gia đình mà lòng tôi đau thắt vì một số trở ngại mà tôi đang gặp phải. Trước tiên là vấn đề thời gian và không gian, tôi và gia đình đang xa cách hơn nửa vòng trái đất (bên này là đêm thì bên kia là ngày), từ Mỹ mà về đến quê nhà mất hơn 24 giờ liên tục, điểm kế tiếp, làm thế nào để mua vé máy bay và xin chiếu khán nhập cảnh ViệtNam...thật nhanh, trở ngại cuối cùng là công việc đang làm của tôi. Bởi vì tôi vừa xin được công việc làm tại một hãng mới và còn trong trình trạng thử thách (chưa chính thức) do đó nếu xin nghỉ phép (Vacations) trước thì tôi có thể bị mất việc. Chính vì những lý do trên mà lòng tôi bối rối, phân vân và lưỡng lự không biết tính sao cho trọn “Hiếu” và “Tình” cảnh hiện tại.

Sau ba ngày bị hôn mê thì sức khỏe ba tôi lần hồi khả quan hơn; ông nhận diện được các người chung quanh và nhớ rất rõ các chi tiết của sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Chính vì sự tỉnh táo của ông mà bệnh viện không còn lý do nào để giữ một bệnh nhân đã khỏe mạnh trong phòng cấp cứu nữa. Khi về đến nhà thì sức khỏe ông ngày một xấu đi, ăn uống rất ít, giảm trọng lượng cơ thể nhanh, đi đứng rất khó khăn, nên gia đình tôi lúc nào cũng có người túc trực chăm sóc.

Ba tôi đã chuẩn bị “Hành trang” để trở về “cát bụi” trước đó một năm mà tất cả người trong gia đình không để ý, thí dụ, ông đã làm sẵn “Tờ Di Chúc” cho các con, chọn nơi để an táng khi lìa trần, mua sắm bộ lư hương bằng đồng sáng chói, trang hoàng lại bàn thờ tổ tiên, căn dặn các con cháu một cách chu đáo như những lời trăn trối vô cùng tỉnh táo của người sắp rời bỏ cõi trần gian này trong khi ông đang còn khỏe mạnh với tuổi 80. Khi nói chuyện qua điện thoại, ba tôi chưa bao giờ bảo tôi về ViệtNam thăm gia đình, mặc dù ông đang bệnh nặng, mà trái lại ước muốn của ông là, “đến Hoa Kỳ chơi dù có chết nơi ấy cũng không sao”. Tôi có hứa với ông là sang năm tôi có nhiều ngày nghỉ (Vacations), đó là dịp cả gia đình tôi cùng về thăm.

Nhưng ba tôi không thể chờ, không thể đợi gia đình tôi, gia đình em gái tôi cùng về thăm ông, ông đã cố gắng bằng tất cả sức lực trong giây phút cuối cùng trong đời của ông để được sự tĩnh trong sự ra đi. Đứa cháu gái (con gái lớn của em gái tôi) trên đường từ nước Mỹ về với một sứ mạng của gia đình anh em chúng tôi bên này là sẽ tổ chức một bữa tiệc chay để mừng ông được “Đại thọ”. Vì thấy ông đang khỏe mạnh trở lại nên má và một số các em tôi đã thuê xe cùng đi Sài-gòn đón cháu từ Mỹ về. Ở lại nhà, để chăm sóc ba tôi cũng có các em và bà con của tôi đến nhà thăm ông và cùng chờ đợi người cháu “Việt kiều” về. Khi xe đến Phan-thiết (cách Phan-rang 150 kí lô mét) thì ba tôi ở nhà đã được ăn uống tắm rửa, thay đồ sạch sẽ xong, nhưng ông đã quá mệt mỏi và không thể chờ đợi lâu thêm, nên ông có nói một câu bất hủ, “Về thì kệ mụ nội nó!” rồi ra đi một cách êm ái trên tay các em của tôi, một giấc ngủ nghìn thu vĩnh biệt cõi trần.

Ba tôi mất là một mất mát to lớn cho gia đình chúng tôi! Má tôi sẽ cô đơn khi vắng bóng ông, các em tôi thiếu đi một người cha nhân ái, các cháu tôi thiếu mất một người ông đáng kính, trong tộc họ thiếu một người trưởng tộc; bà con, bạn bè, hàng xóm, láng giềng và làng xóm sẻ vắng bóng một người mà họ thường kính mến. Quả thật, khi thấy số người đông đảo đến thăm viếng thắp hương cầu nguyện vong linh ba tôi được siêu thoát, tôi mới thấy được cái tình hay ơn nghĩa mà họ thọ ơn ba tôi trước đó cao quí làm sao! Họ đã đọc điếu văn và kể những “công đức” mà ba tôi đã giúp họ như thế nào, chẳng hạn như ba tôi đã từng giữ chức hội trưởng bóng tròn nhiều năm(trước 1975) trong làng và đem lại một tinh thần thể dục thể thao cao độ cho làng xã. Ông đã đoạt huy chương bơi lội trong cuộc thi cấp tĩnh, giữ chức Hội trưởng hội phụ huynh học sinh tiểu học, có công đóng góp và xây dựng thêm nhiều phòng học cho các học sinh. Đảm trách chức vụ trưởng ban thông tin dân vận xã Khánh Hãi, một công việc rất nguy hiểm đến tánh mạng cho ba tôi ở những vùng nông thôn trong thời kỳ chiến tranh. Ba tôi lãnh trách nhiệm trông coi việc trùng tu và tổ chức lễ hội cho ngôi đình làng Dư Khánh và chùa Ông trong làng... Làng thì có đình làng; một làng có nhiều xóm như xóm trên, xóm dưới, trong, ngoài và xóm giữa; mỗi xóm thì có chùa và miễu thờ nhiều vị thần... ba tôi là một trong những người có công xây dựng, tu bổ nhiều nhất cho các lăng miếu này, ngoài ra, ba tôi còn có tài làm ông “Mai,” như Ông Tơ Bà Nguyệt tại thế cho nhiều cặp vợ chồng trong khắp xóm làng, vì họ nghĩ rằng ba tôi là người có uy tín, đạo đức và ăn nói vui vẻ, hoạt bát...để giúp họ làm mai mối tiến đến nghi thức “Hôn lễ”.

Ba tôi quả là tấm gương sáng chói để lại cho các anh em và con cháu chúng tôi noi theo. Cách thể hiện tình yêu thương của ba tôi không phải chỉ bằng những trận đòn trừng phạt dạy dỗ con cái một cách nghiêm khắc, mà ngược lại ông ta còn thể hiện ra bên ngoài cuộc sống, trong cách sống (hành sử), cách đối xử lẫn nhau hằng ngày với tất cả mọi người trong xã hội một cách chân thành. Những lời dạy của ba tôi giờ đây cũng đã thấm sâu vào máu mủ, xương cốt của tôi và đã tạo cho tôi một thứ tâm lý (Thức và Tình cảm chen lẫn) pha trộn lý đạo mà tôi được học, do đó trong hành sử của tôi cũng có phần nào ảnh hưởng tâm lý của ông.

Thật đáng tiếc là tôi đã không có mặt trong giờ phút lâm chung của người cha già yêu quí. Tôi rất ân hận vì không làm tròn những ước vọng trước khi mất của ông như, đưa ông sang Mỹ thăm viếng chúng tôi, không được thấy mặt các cháu nội, ngoại mà gần mười năm xa cách, không thấy được đông đủ con cháu trong giờ phút lâm chung hay trong tâm trí ba tôi còn có một niềm ước muốn nào khác mà chưa trọn vẹn. Vĩnh biệt ba!

California, 2004
Danny Trinh  



Về Đầu Trang
duytan



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 91

Bài gửiGửi: Sun Jun 15, 2008 1:24 pm    Tiêu đề:

Long lanh câu chuyện đẹp sao!
Ngừơi cha vĩ đại dạt dào thương con.
Bất tuân sức khỏe hao mòn
Vẫn còn tráng kiện, vẫn còn ung dung
Số trời lầm lẩn thuốc dùng
Lac Bang Phật Cảnh thong dong đi về.
Để thương để nhớ còn kia
Tấm gương thân phụ vuốt ve soi đường.
Cháu con ghi nhớ công ơn
Hy sinh, tận tụy, thơm hương họ Trình!
Về Đầu Trang
aihuu



Ngày tham gia: 05 Dec 2007
Số bài: 95

Bài gửiGửi: Mon Jun 16, 2008 2:03 am    Tiêu đề:

Thật cảm động khi đọc lại những lời tâm sự của tác giả về người cha! Hôm nay ngày Father Day tại Mỹ, đọc và ôn lại kỷ niệm về người Cha mà tác giả Danny Trinh đã viết đã hơn 4 năm trong số báo Đặc San Ninh Thuận mà tôi không ngăn được giòng lệ xúc động. Xin cảm ơn tác giả và Diệu Hiền đã làm trang Web thêm phong phú với những hình ảnh kèm theo hấp dẩn bài viết! Happy Father Day!
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân