TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Sun May 25, 2008 1:14 am    Tiêu đề: NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ - (MINH HÒA)




NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ

MINH HÒA

Chiều hôm ấy bà Thanh chở ông xã đi dự tiệc cưới của con trai Ông Tân Lùn hay ông còn có biệt danh là Tân Chùa hay Tân Hộ Diêm vì ông ta dáng dấp hơi thiếu thước tấc chút chút. Ông thích đi ăn chùa chứ không phải ông theo Đạo Phật đâu. Trươc đây mỗi khi thấy bạn bè ngồi nhậu nhẹt lai rai ba sợi tại các hàng quán thì ông hay tấp lại vui chơi ké giải sầu. Dĩ nhiên vì lịch sự họ phải mời ông nhậu chơi vui mà. Ông ưa nhậu Free. Nhậu chùa. Vì thế, hiệp sĩ quê Hộ Diêm này mới có các hỗn danh nói trên. Ông Minh chồng bà Thanh, nghe một số bạn bè chê ông Tân Lùn quá cỡ, dù cho gia đình ông ta cũng thuộc diện tù nhân chính trị và đã định cư tại xứ Cờ Hoa lâu nay như họ. Trước đây, ông ta đã không tế nhị và khéo léo. Ăn nói không đắc nhân tâm và vụng về:

- Dân Phan Rang, Ninh Thuận chơi không được. Chán ngấy.

Ông Minh nghe qua cũng bị chạm tự ái vì ông cũng là dân ở Thị Trấn Khô, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm mà lỵ. Ông không hiểu rõ vì sao ông ta là dân Hộ Diêm, Ninh Thuận mà dám ngang nhiên tuyên bố một câu nghe xanh dờn như thế. Lúc đầu nhận thiệp mời dự tiệc cưới tổ chức tại nhà thờ St. Anthony trên đường Choctaw. Cầm tấm thiệp in tại Việt Nam. Các bạn HO bàn tán, xì xào:

"Rõ ràng là ông bà Tân Lùn đã tổ chức đám cưới tại quê nhà rồi. Con ông ta, cậu N. C. Tài, đã về Việt Nam lấy vợ. Đã tổ chức tại nhà thờ ở Việt Nam rồi. Nay lại tổ chức một lần nữa, Anh em HO nghi ngờ ông bà Tân Hộ Diêm muốn làm tiền. Tại Hoa Kỳ những tiệc cưới thường thường gia đình cô dâu chú rể tổ chức, đều có lời, chứ ít khi bị lỗ lã. Một thực khách, ít nhất đi bao thư tại thành phố này là năm chục đô đến một trăm đô. Còn hai người đi dự tiệc thì thường thường đi hồng bao one large bill hay nhiều hơn nữa, tùy theo thâm tình của họ với mẹ cha của hai trẻ thành hôn.

Có điều, ông bà Minh-Thanh xem thiệp cưới in tại Việt Nam. Họ đã nhận ra cô dâu là Nguyễn thị Lệ Hằng, cha là ông Nguyễn văn Hùng và mẹ là bà Lê thị Mỹ Hương (Bà ta quê quán ở Mỹ Hương. Bố mẹ bà đã đặt tên này để kỷ niệm quê cha đất tổ của con gái mình. Cố quận thân yêu của má hồng vậy mà). Lệ Hằng chính là người học trò cũ của ông bà trước kia. Lệ Hằng trước có học cô Thanh tại trường Phổ Thông Cơ Sở Phủ Hà II.

Lệ Hằng cũng học kèm môn Toán và Anh Văn hai năm liền do ông Minh dạy kèm tại tư gia, tức tại nhà bố mẹ của Lê Hằng. Lệ Hằng hay Hằng Mặt Hoa, Hằng Phủ Hà để phân biệt với Hằng Đạo Long. Cả hai đều là học trò đã nhờ thày Minh dạy kèm hai môn nói trên. Bởi thế, chiều hôm đó bà Thanh chở chồng đi dự dám cưới theo thiệp mời để xem mặt cô dâu từ Việt Nam vừa qua Hoa Kỳ.

Từ lâu, mắt ông Minh đã kém hẳn. Ông phải mang kính, vừa cận, vừa viễn thị mới có thể lái xe được. Khi nào lái xe đi chung là bà xã ông Minh giành lái. Bà ta phán một câu nghe xanh dờn cán cuốc, như đinh đóng cột:

- Ông để tôi lái cho. Tôi trẻ hơn, khỏe mạnh hơn ông nhiều. Mắt tôi còn tốt. Khồng cần mang kính. Ông để tôi lái xe cho an toàn xa lộ hơn. Cặp mắt ông bây giờ tèm nhem rồi. Để ông lái xe đường xa, tôi không mấy an lòng và tin tưởng.

Thế là từ đó, hễ có việc đi đâu chung là hiền thê thục nữ, giành cầm tay lái hết ráo.

Thanh tỏ ra lái xe chuyên nghiệp và tuyệt vời. Họ tấp vào bãi Parking Lot của nhà thờ sau đó. Hai người bước vào căn phòng Great Hall mới sửa sang rộng lớn khang trang, đèn néon hiện đại, quạt trần quy mô... dùng cho khách thuê mướn kiếm lợi nhuận cho Giáo Hội Công Giáo tại thành phố địa phương. Khách thuê khi có nhu cầu như tổ chức đại hội, họp đoàn, cưới, hỏi, tổ chức yếu tiệc, đãi khách dạ hội...

Sau khi ký tên vào sổ wedding Reception, ông bà Thanh được người nhà của ông bà Tân Lùn mời vào ngồi nơi chiếc bàn còn trống chỗ. Chẳng bao lâu, trước khi nhập tiệc, Ông MC, đại diện gia đình của cô dâu, chú rể lên sân khấu nhà thờ giới thiệu hai họ, cho quan khách đến tham dự tiệc cưới biết mặt. Thực khách vỗ tay đón mừng hai họ và hai trẻ trong ngày vui trọng đại. Ngày tiếp tân đãi khách lễ mừng thành hôn của họ. Bên nhà trai thì đông đen. Còn bên nhà gái thì cu ki. Chỉ có cô dâu đứng riêng một mình. Lệ Hằng trông thật lẻ loi, đơn chiếc vô cùng. Không có bố mẹ, người thân, anh chị em, bà con nào ở Hoa Kỳ cảụ.

Ông bà Thanh - Minh đã nhận ra người học trò cũ của mình. Sau hơn mười lăm năm, họ mới gặp lại cô ta tại nơi đất khách quê người. Lệ Hằng từ xa cũng nhận ra thày cô giáo cũ của mình. Nàng mừng rỡ tiến nhanh lại chào thày cô và ôm chầm lấy bà Thanh. Giai nhân, nhan sắc lộng lẫy, diễm kiều trong bộ áo cưới, ôm chầm lấy cô giáo cũ thân thương của mình. Mắt nàng rưng rưng ngấn lệ vì hân hoan. Cô gái cảm thấy bớt lẻ loi lạc lõng nơi đất Mỹ xa lạ. Nàng vừa theo chồng đến đây, mới có mấy hôm. Thày cô giáo cũ là người thân duy nhất của má hồng ngày hôm đó, tại bữa tiệc cưới thết dãi quan khách là thân hữu của bố mẹ chồng mình. Nàng vô cùng lạc lõng xa lạ với tôn giáo nàng mới nhận "Trở lại đạo" như bố chồng tuyên bố với con dâu khi tiếp nhận phép rửa tội bởi Cha Xứ hồi sáng nay.

Gia đình bố mẹ nàng theo Phật Giáo xưa nay. Bây giờ nàng lấy chồng gốc Công Giáo, nên phải theo đạo của chồng. Lê Hằng qua Mỹ cũng mừng ghê lắm! Nàng coi như là nhịp cầu cho song thân và anh em ruột thịt của nàng sang định cư trong tương lai tại xứ sở dân chủ, tự do và giàu mạnh nhất thế giới ngày nay. Cuộc kháng chiến thầm lặng và trường kỳ của cô gái Việt Nam hầu mong người thân của mình có thể sang định cư tại vùng Đất Hứa. Vùng Thiên Đàng của Trần Tục. Có thể nói không ngoa, dân Việt Nam ta, nhất là thành phần trẻ tuổi thích, sống tại Xứ Cờ Hoa để có điều kiện học hành vươn lên, trong mọi ngành nghề, nhất là các ngành chuyên môn thuộc về các lãnh vực y khoa, khoa học, kỹ thuật, diện tử máy vi tính, kinh doanh...

"Má hồng ưa sống tha hương
Hoa Kỳ, Đất Hứa, Thiên Đường Trần Gian.
Nhịp cầu vững chắc thênh thang
Thân nhân có dịp chuyển sang xứ này.
Định cư, du lịch có ngày
Gia đình đoàn tụ, sum vầy, hân hoan"


Ông Minh nhìn cô học trò cũ ôm cô giáo ngày trước. Nàng hôn vào mặt bà như hôn mẹ mình. Rồi hai người chụp hình kỷ niệm liền tù tì. Thỉnh thoảng cũng có hình của thày giáo cũ chụp chung với cô học trò kiều diễm, dễ thương này. Lệ Hằng xúc động ngước nhìn thày cô giáo trước đây, thỏ thẻ:

- Thưa thày cô! Con sẽ gửi những tấm hình này về Việt Nam cho ba má và anh chị của con xem. Chắc họ vui lắm. Thày cô coi như là người thân nhất của con trong ngày đại hỷ này. Hai người là đại diện cho nhà gái ngày hôm nay đấy!

Cô dâu xinh đẹp, nói xong, vội lấy khăn chùi vài giọt lệ hân hoan còn đọng trên má hồng của giai nhân Phủ Hà Phan Rang. Ông Minh xúc động vô cùng. Chợt những hoài niệm xa xưa về cô học trò cũ này, bỗng nhiên chập chùng tỏa lấp lánh trong tâm thức của ông, càng lúc càng lồ lộ rõ nét.

o0o

Năm đó, cô học trò cũ của ông ở Duy Tân, Hồng Da Ngà hay Hồng Phủ Hà vì nhà cô ta ở Phủ Hà và Hồng có nước da trắng nõn. Nên cô ta có biệt danh trên để phân biệt với Hồng Kinh Dinh hay Hồng Mắt Nhung. Cả hai Hồng này đều là học sinh Đệ Nhị Cấp do thày Minh dạy môn Anh Văn trước kia. Lúc bấy giờ, Hồng nhờ thày cũ của mình lại nhà, dạy kèm cho hai em của nàng là Côn Láu Cá và Hằng Mặt Hoa. Côn Láu Cá là anh của Hằng, nhưng lại học thua em gái một lớp vì quá kém, lười học và ham chơi, nên bị ở lại lớp nhiều lần. Ngoài ra, nó còn nổi tiếng về tánh tình ranh mãnh láu cá. Vì vậy bố mẹ gọi biệt danh của nó như thế.

Hồi xưa, Hồng cũng thông minh, lanh lợi, học khá. Hiện là giáo viên Cấp I XHCN đã bỏ việc. Chồng của Hồng là Trung Bắc Kỳ hay Trung Di Cư. Trung là giáo viên Cấp II của chế độ mới. Tuy nhiên, cả hai đã bỏ việc. Đa bái bai nghề: "Thày giáo, tháo giày." "Thày giáo dứt cháo". Nghe nói, hôm đó, Hồng đang công tác tại một trường tiểu học, thuộc một xã miền xa xôi, hẻo lánh, tận vùng quê của tỉnh Thuậu Hải, ông Hùng Tài Xế tức ông Hùng Võ Sư, bố của cô, lái xe vào thăm con trưởng nữ yêu quý của mình, đang dạy học tại đây. Tỉnh Thuận Hải do ba tỉnh ghép lại lúc bấy giờ sau Đổi Đời. Đó là các tỉnh cũ Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy.

Trông thấy con dạy quá xa. Lương tiền ít ỏi. Cơm độn bo bo. Quá tơi tả mệt nhọc xa nhà, xa chồng con. Thật là tội nghiệp cho cô giáo Cấp I. Vốn là tiểu thư đài các trước đây. Ông liền bảo con lên xe, ông chở thẳng về Phan Rang sau khi ghé nhà báo chồng nàng đang công tác tại một huyện lỵ miền núi, khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn muối. Từ đó, hai vợ chồng nghỉ dạy luôn. Ông bà Hùng Võ Sư cấp cho vợ chồng họ căn nhà rộng rãi, có lầu, tọa lạc trên đường Thống Nhất Phan Rang, đối diện với Bùng Binh và gần Tòa Hành Chánh cũ.

Thế là, vợ chồng, từ đó bỏ việc hẳn. Họ nương nhờ cha mẹ giàu có đang làm ăn phát đạt tại Thị Trấn Khô. Thị xã "Hầu như nóng bốn mùa". Hai vợ chồng giúp ba má trong công việc quản lý Hãng Dệt khá bành trướng vào lúc bấy giờ tại tư gia của bố mẹ ở Phủ Hà, gần Bến Xe Đò Phan Rang - Nha Trang.

Có thể nói, lúc bấy giờ, Ông Hùng Võ Sư là một trung niên rất khỏe mạnh và khôi ngô, tuấn tú, không thể chê vào đâu được. Ông ta vừa cán mức "Tứ thập nhi bất hoặc" cộng thêm chừng bốn niên là cùng. Da trắng hồng hào cường tráng. Môi đỏ chót như thoa son, Tướng tá cao ráo. Mặt chữ điền. Đôi mắt sáng quắc như sao. Tai to dày, thọ mạng khá cao như các sách về Sắc Tướng nói thế. Khộng biết có đúng không. Có điều ông Hùng Phủ Hà quả là một mỹ nam tử, bà con ơi. Bà Răng Khểnh bằng tuổi chồng.

"Vợ chồng cùng tuổi, lủi thủi làm ăn" như ông bà ta thường nói đó. Bà vợ da trắng mặt trái soan, mái tóc huyền óng ả, dù đã cao tuổi. Quả là một cặp Kim Đồng - Ngọc Nữ trước kia. Bà mê người hùng quá khôi ngô tuấu tú, tánh lại ưa phong lưu, hào hoa phong nhã, sung sức. "Sức khỏe bẻ gẫy sừng trâu". Lang quân tuy học vấn không cao nhưng khôn ngoan lanh lợi, có nghề nghiệp, biết tính toán làm ăn xoay sở.

Lúc bấy giờ bà sanh cho ông bốn trai, hai gái. Đa số chúng có nghề nghiệp vững chắc. Chúng có cơ sở làm ăn tại Sài Gòn. Ông có mấy anh chị em họ, hiện cư ngụ tại dó giúp đỡ các cháu có cộng ăn việc làm ổn định. Ông bà còn trẻ đẹp vô cùng. Con cái lớn rồi. Nhà có của. Đang ăn nên, làm ra mà. Ông Hùng tạm thời nghỉ lái xe đò chở khách. Ông khỏe ru bà rù hà! Ông nằm nhà xem phim, đầu máy TV hay đọc báo giải trí thoải mái. Ông hay phì phà điếu thuốc lá ba số 5, thơm lừng. Ăn món ngon, vật lạ bia rượu quý giá hằng ngày. Ông cứ mặc bộ pyjama trắng vạch rằn vàng nhạt, ủi thẳng nếp. Quần áo màu óng ả, càng làm nổi bật nước da trắng trẻo và khuôn mặt điển trai quá cỡ của ông ta. Hôm đó, ông xã đi nhậu với bạn. Giờ giải lao, Lệ Hằng và Côn Láu ra vườn sau hóng mát. Bà Hương Răng Khểnh mời thày ăn chuối, uống nước đá lạnh. Bà tươi cười tâm sự chút chút về phu quân, thật đặc biệt này:

- Thày Minh biết hôn. Hồi còn con gái, tôi kiều diễm vô cùng và là con nhà giàu có trong vùng. Lúc đó có nhiều thanh niên mê nhan sắc của tôi quá cỡ. Họ cứ chạy theo tán tỉnh. Một số sĩ quan có học thức cao, một số giáo sư, công chức hay thương gia giàu có, xin hỏi tôi làm vợ. Nhưng cái số của tôi làm sao ấy, thày ạ! Tôi chỉ thích nhà tôi bây giờ thôi. Vì anh ta đẹp trai quá cỡ. Vì thế, cho nên bây giờ tôi mới gặp quả báo. Tôi mới khổ tâm quá, thày ạ. Nội cái ghen tuông không cũng đủ mệt rồi!

Đôi mắt nhung của bà chủ Hãng Dệt như long lanh, nhấp nháy. Bà ngừng kể, ngước nhìn ra phía trước hiên. Hàng cây bông giấy lấp lánh nắng chiều vàng nhạt. Ông Minh tươi cười nhìn người đẹp trung niên có thân hình thon thả, gợi cảm với đội nhũ hoa căng tròn. Chiếc quần lãnh láng mướt và áo cánh màu hồng nhạt làm cánh tay tròn lẳn nõn nà lồ lộ. Ông giáo hõiu bâng quơ mộtỉ câu cho có lệ:

- Tại sao vậy bà? Vì ông nhà đào hoa, phong nhã phải không?

Bà chợt thở dàỉ, như thú thật, có pha chút hãnh diện vì chồng mình mỹ nam tử. Có nhiều cô, nhiều bà mê tít thò lò.

- Tôi khổ tâm lắm, thày ời! Anh làm nghề tài xế đường xa. Anh vốn lãng mạn, đa tình, đa cảm. Tánh hay ưa phụ nữ nhất là các ả, các nường có chút nhan sắc, và thường thường được các bà, các cô ưa lại. Cho nên mới có vấn đề rắc rối sau này. Thành thật mà nói, khi ảnh ra đường, thì trong mười bà, hết tám bà mê ảnh rồi. Nghề tài xế đường xa, thày biết hôn, các bà, các cô đi buôn, thường quan hệ thân mật với tài xế. Nhất là bác tài khôi ngô tuấn tú, chịu chơi. Thích ga lăng với phụ nữ có chút nhân sắc.

- Vậy ông xã nhà thì sao?

- Nơi nào ổng cũng có bồ nhí. Như ở Sài Gòn có Cô Năm Sài Gòn hay Cô Năm Bói Bài vì bà ta bán vải dạo và chuyên bói bài để kiếm sống. Ông xã tôi dan dúi với bà ta có một con rơi đẹp trai giống thằng Côn như đúc. Chúng giống cha, có nước da trắng trẻo, đôi mắt sáng và môi đỏ như con gái, Thật là khôi ngô tuấn tú hết nói. Hai anh em cùng cha khác mẹ, nhưng gíống nhau quá cỡ. Ông xã tuy bồ bịch tùm lum tu di. Mèo chuột đâu ngoài đường ngoài sá. Không dám dẫn về nhà tôi đâu.

Thì ra bà Hương Răng Khểnh cũng là sư tỷ của Hoạn Thư. Thế mà ông chồng cứ lén lút xé rào, đi ngang về tắt mãi. Có được người vợ lanh lợi, khôn ngoan, đảm đang. Bà ta xinh đẹp như thế. Mặt hoa, da phấn lại thêm chiếc răng khểnh duyên dáng mà vẫn không giữ được ông chồng. Vì người hùng võ sư quá điển trai, ưa phong lưu, đa tình lãng mạn, khéo ga lăng với người đẹp nên có phòng hai, phòng ba... khắp nơi.

Nghe bà con đồn đại là hôm đó có bọn du đãng Sài Gòn chận một phụ nữ trẻ trung xinh đẹp. Chúng tính làm ẩu cô ta ở một góc phố trong đêm tối. Người hùng tình cờ đi ngang qua đó, trông thấy, liền ra tay can thiệp. Võ nghệ Bình Định của Hiệp Sĩ Phủ Hà Phan Rang khá cao cường. Một mình đại hán đã đánh tan sáu tên du đãng đường phố để cứu người đẹp Sài Thành hoa lệ. "Anh hùng chiếu cố mỹ nhân". Anh hùng nghĩa hiệp trừ bạo, cứu giai nhân. Thiên hạ nói thêm rằng, má hồng vì chịu ơn cứu mạng, khỏi bị bọn lưu manh làm ô nhục, nên nàng cảm động vô cùng. Nàng thương yêu người võ sư, Từ Hải, quá khôi ngô tuấn tú. Hai người đã trở thành tri âm, tri kỷ sau đó.

Ông Minh còn nhớ lời dặn của Hồng Da Ngà, trưởng nữ của ông ba chủ Hãng Dệt, khi ông mới nhận dạy kèm cho hai con họ.

- Ba em cưng con Lệ Hằng nhiều nhất. Còn má em thì thương yêu thằng Côn hơn cả. Thật ra, thường tình, người cha trong gia đình hay thương yêu chiều chuộng đứa con gái út nhiều nhất. Mặc dù ông cũng thương hết các con ruột của mình. Còn người mẹ thì thương cưng đứa trai út nhiều nhất, dù con cái thì đứa nào bà cũng yêu cả.

Hai học trò thày kèm tại tư gia lúc bấy giờ, tuy là hai anh em, nhưng tính tình và xử sự rất là khác biệt nhau. Trước hết, Côn Láu Cá quả là lười học và kém quá cỡ. Năm lớp bẩy nó bị thi lại môn toán. Cô giáo dạy toán kiêm giáo viên chủ nhiệm của lớp nó định cho nó ở lại lớp vì học yếu quá. Má Côn năn nỉ thày Minh nói xin giùm cho con trai cưng, trai út rượu của bà được lên lớp. Nể tình bà Hương Răng Khểnh, ông giáo lại nhà cô chủ nhiệm lớp 7 B Trường Phổ Thông Cơ Sở Phủ Hà II xin giùm cho Côn lên lớp 8. Cô Hà Phan Thiết hay Hà Mảnh Mai vì cô ta quê ở Phan Thiết và có thân hình gầy cao dong dỏng. Nàng là bạn dồng nghiệp của vợ chồng ông Minh ở Duy Tân trước đây. Hà nể tình bạn dạy cùng trường ngày xưa nên bằng lòng vớt điểm cho Côn Láu Cá. Sau đó, nghe nói Côn được lên lớp, ông lại cám ơn cô Hà. Chàng thân tình hỏi:

- Nhà thằng Côn có quà tạ ơn cô giáo chủ nhiệm chưa?

Cô Hà lắc đầu. Rồi nàng nhìn ông, không vui nói:

-Thằng học trò dốt nát và ranh mãnh như thế mà anh chịu dạy kèm hà? Như em thì em chả bao giờ dạy thứ học trò dạng này!

Thật ra cô ta giận Côn Láu Cá mà nói như thế. Ông Minh lúc bấy giờ mới ở tù tập trung cải tạo về. Ông đã mất tất cả. Ông thất nghiệp. Phải đi làm mướn, làm thuê kiếm sống qua ngày. Có phụ huynh học sinh nào biết ông gốc giáo sư ngày xưa mời dạy kèm là may lắm rồi. Chàng đâu thể từ chối không dạy thêm để sinh nhai. Nhờ thế ông mới có cơ hội giúp bà xã, gốc giáo viên chế độ cũ, được lưu dụng với đồng lương eo hẹp. Ngõ hầu họ có thể nuôi dưỡng ba con dại, trong thời kỳ củi quế gạo châu, ăn cơm độn bo bo này.

Lúc đó, ông rất bực mình mới hỏi bà Hương tại sao không có quà cáp gì cho cô giáo chủ nhiệm dạy môn toán đã giúp con mình lên lớp. Bà thản nhiên trả lời:

- Thằng Côn không chịu cho quà vì sợ bạn nó khiếu nại.

Đứa con đã vô tình với cô giáo mà cha mẹ lại hờ hững với ân nhân đã nhiệt tình giúp đỡ con trai cưng của mình. Từ đó, ông thày dạy kèm cũng buồn lòng vì tình đời ấm lạnh bất thường. Ăn cháo đá bát là thói đời mà.

Khi con Lệ Hằng lãnh giấy khen học khá, ông bà chủ Hãng Dệt rất vui. Ông Hùng Võ Sư thưởng cho thày giáo dạy kèm 5 mét vải thô, màu trắng đục. Loại vải ta sợi to chỉ may được áo quần để lao động ngoài trời thôi. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, 5 mét vải này cũng đáng giá lắm cho người thất nghiệp, chuyên đi làm mướn làm thuê như ông. Sau khi dạy xong lớp 9 và luyện thi vào lớp 10 hè năm đó. Lúc này thằng Côn đã bỏ học hẳn. Nó rong chơi, cờ bạc, trở nên hư hỏng bất trị luôn. Còn Lệ Hằng, lúc đó chừng 15 tuổi. Tuy nhiên cô gái đã trổ mã kiều diễm vô cùng. Dáng dong dỏng thon thả. Mặt trái soan, má hồng, da trắng, môi đào. Tóc huyền óng ả. Quả là một giai nhân vì bố mẹ mình đều xinh đẹp cả mà. Tuy nhiên, tánh tình cô ta thật khác thường kỳ lạ. Cứ mưa nằng bất thường. Có khi thày giảng bài cô ta lại không nghe gì cả. Cứ cúi đầu xuống vở. Không chịu nhìn lên bảng. Hoặc tự nhiên, Lệ Hằng cầm vở che một bên mặt mình như né không nhìn thày đang giảng bài. Hôm trước bực mình ông giáo có hỏi Hồng Da Ngà tại sao Hằng lại có thái độ vô lễ kỳ hoặc khi học với gia sư của mình như thế. Hồng thú thật:

- Nó bị thần kinh, thày ạ! Hơi bất thường. Ba em định đưa nó đi bác sĩ chuyên khoa về tâm thần ở Sài Gòn.

Ông thày sau mấy lần chỉnh sửa mà cô học trò không thay đổi. Ông bực mình bỏ dạy luôn. Tuy nhiên, sau đó Lệ Hằng vẫn đậu vào trường Cấp III Nguyễn Trãi. Cũng nhờ công sức của thày Minh giảng dạy trong hai năm ròng và luyện thi vào lớp 10 cho đến gần hết mùa hè năm đó.

Sau đó thì nghe thiên hạ đồn ông Hùng Võ Sư có hai cái tật khó bỏ. Một là tán tinh các bà sồn sồn giàu có đang tuổi hồi xuân. Các ả, các nường này ưa tình nhân trẻ khôi ngô tuấn tú. Mục đích để đào mỏ với sự đồng tình của bà xã. Hai là ưa đánh xập xám ăn thua lớn. Nhàn cư vi bất thiện. Ông Hùng cứ ghiền trò cờ bạc bị thua mãi phải sạt nghiệp. Cuối cùng nợ nần tùm lum phải bán nhà cửa để thanh toán nợ. Nếu không thì phải vào tù. Sang lại Hãng Dệt cho người khác. Nghe nói vợ chồng về Sài Gòn ở với các con. Ông bà ta có câu: "Cờ bạc, hút xách, nhậu nhẹt là những thói hư, tật xấu, khó bỏ vô cùng, một khi đã trót nghiện." Hơn nữa:

"Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm."


o0o

Bây giờ, sau mười lăm năm ca cách, thày cô Minh- Thanh gặp lại cô học trò cũ tại xứ Cờ Hoa. Họ cũng mừng cho Hằng Mặt Hoa vẫn kiều diễm duyên dáng như xưa. Cô ta se duyên với Việt Kiều về Việt Nam cưới vợ. Cô nàng có cơ hội giúp đỡ ba má và anh chị ở quê nhà. Hằng Phủ Hà, Hằng Man Man, hay Hằng Cà Tửng, như biệt danh của giai nhân trước kia, giờ tâm trí có lẽ bình thường rồi thì phải (?). Cô dâu nói năng chững chạc khôn khéo, dịu dàng dễ thương chi lạ. Lệ Hằng cho biết bố mình đang sống với bồ nhí ở Tấn Tài B Phan Rang. Hai người có một con trai cũng giống anh Côn như đúc. Bà xã chánh thất, mẹ Lệ Hằng, đăng sống với chị Hồng tại Sài Gòn.

Lúc này, ông bà cô giáo cũng mừng người học trò cũ sẽ là nhịp cầu an toàn cho bố mẹ và anh chị em của cô ta có cơ hội sang Mỹ trong tương lai.

Nhìn người học trò cũ xinh đẹp cứ nắm tay cô giáo cũ vui vẻ trò chuyện liến thoáng, ông Minh hứng chí ngâm khe khẽ:

"Giai nhân da trắng, môi hồng
Hân hoan giờ đã lấy chồng xa quê.
Nhịp cầu đưa rước mai kia
Mẹ cha anh chị đi về thong dong."

MINH HÒA

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân