TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - ÔNG BỐ ĐÀO HOA
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

ÔNG BỐ ĐÀO HOA

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Sun May 18, 2008 7:11 pm    Tiêu đề: ÔNG BỐ ĐÀO HOA - (MINH HÒA)




ÔNG BỐ ĐÀO HOA

MINH HÒA

Thằng Long Tây Lai, trong giờ giải lao, đang ngồi trò chuyên với ông Nguyên, Giáo Sư dạy kèm Anh Văn đàm thoại cho con cháu ông bà chủ Hãng Nước Đá N. A. ở Đài Sơn, thì bỗng nhiên có cô gái kiều diễm trạc tuổi nó, vừa đến nhà của bạn tri âm. Vừa trông thấy bóng giai nhân thấp thoáng dưới dàn nho trước lớp học là Thằng Long hớn hở ra mặt. Nó quay lại nhìn ông thầy dạy kèm, vui vẻ nói khẽ:

- Thưa thày cho phép em ra gặp cô Thơ một chút nghe thày? Thày còn nhớ Thơ chứ! Cô ta nói với em là cô ta và chị ruột Thư, người giữ Sổ Điểm lớp 11 A2 và lớp 12 A2, trong suốt hai năm thày dạy họ ở các lớp này tại Duy Tân. Họ có học kèm thêm môn Anh Văn đàm thoại, luyện viết câu và ngữ pháp. Cho phép, em nói chuyện với Thơ vài phút rồi vào học lại nghe thày.

Nó quay sang thằng Dũng Mặt Rô, ông anh họ con bà Dì, chị ruột của má Hồng, bà Dì ghẻ. Nó nói liền:

- Anh Dũng đợi em vài phút nhé!

Long vội đứng dậy ra đón người tình. Thơ bất ngờ tiến vào cửa cái của phòng khách làm phòng học dã chiến. Thơ tươi cười nhìn ông Nguyên rồi vội cúi đầu lễ phép:

- Xin chào thày ạ. Lâu quá mới gặp lại thày.

- Cám ơn Thơ. Chào em... Hai người có thể trò chuyện tự nhiên.

Long đắt tay bạn tình ra ngoài vườn cây phía sau.

Thơ càng lớn, càng kiều diễm hết nói. Còn Long và Dũng đều là học sinh cũ của Nguyên. Trước 75, chàng có dạy thêm tại trường Nông Lâm Súc môn Anh Văn theo lời mời của cô Hiệu Trưởng và ông Giám Học. Hai người này tốt nghiệp kỹ sư nông khoa và súc khoa tại Trường Đại Học Nông Lâm Súc Sài Gòn. Long Tây Lai chết cứng tên này từ thời học sinh, vì nó quá đẹp trai. Long da trắng như con gái. Mắt nâu, tóc hơi vàng. Mũi dọc dừa. Long quá khôi ngô tuấn tú. Quả là một mỹ nam tử. Nó giống bố nó vô cùng. Ông chủ Hãng Nước Đá nổi danh ở thôn Đài Sơn Phan Rang, quá đẹp trai. Hai cha con quá xinh đẹp không thua gì Phan An, Tống Ngọc, Kim Trọng hay Đạo Soái Lưu Hương của Kim Dung. Ông Nam Sài Gòn, (Vì ông nói giọng rặt Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông một trăm phần trăm, bà con ơi!) trông giống Tây Lai quá đi chớ. Bởi vậy ông ta mới có biệt danh Nam Tây Lai hay Nam Trắng để phân biệt với Nam Mun hay Nam Đen, nhân viên quản lý hãng Nước Đá Bửu Sơn Tháp Chàm trước kia.

Ông bà ta có câu "Trai ham sắc, gái ham tài." hay "Củi trai dễ nấu, chồng xấu dễ sai" "Chồng đẹp chồng người chồng xấu chồng mình." Những câu trên chỉ đúng một phần với trường hợp ông Nam Tây Lai. Ông điển trai như thế mà bà vợ hiện tại, bà Hồng Sài Gòn hay bà Hồng Hãng Nước Đá, vì quê bà cũng Sài Gòn và là bà chủ hãng này như đã nói ở trên. Có điều bà không đẹp bằng chồng. Nhan sắc bà trên trung bình một chút thôi. Bà mới cán mức "Tứ thập nhi bất hoặc" cộng hai niên. Còn ông xã vừa chẵn sáu bó mà trẻ măng hà. Chàng hơn má hồng mười tám cái xuân xanh chứ mấy! Trong tình yêu nào tính tuổi tác, phải không quý vị? Tuy nhiên, hiện tại, chàng nàng trông ngang ngửa nhau, sau khi thục nữ sanh cho lang quân ba gái hai trai. Nghe thiên hạ đồn rằng Bà Hồng Sài Gòn là người vợ thứ bẩy của hiệp sĩ mỹ nam tử này. Theo như lời tâm sự của Long, người học trò dễ thương của Nguyên thì:

"Thưa thày, thày biết hôn? Ba em đẹp trai quá! Ông có số đào hoa quá cỡ thợ mộc. Nên ba em đi đâu cũng có các bà các cô yêu thương, say mê đeo ông như đỉa. Vì thế, không tính các bạn gái qua đường, các bồ bịch, ba lăng nhăng tùm lum tu di. Chính thức làm vợ của ba có bẩy bà. Dì Hồng hiện tại là bà út đó. Người ta bảo một vợ thì nằm giường lèo. Hai vợ thì nằm chèo queo. Ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm. Câu này thật đúng với ba em. Nhiều bà quá nên ba em phải khổ tâm, khổ trí, quá mệt óc nhức đầu. Ba phải khéo léo đứng ra dàn xếp với các bà vợ cứ hục hặc với nhau mãi. Họ ghen tuông quá chừng. Cuối cùng, ba em có tất cả hai mươi lăm người con. Em nghe nói ngang tài với ca sĩ Chế Linh hiện ở Mỹ. Ông ta người Chàm theo chế độ đa thê. Ông cũng có tất cả hai mươi lăm người con, như ba em vậy. Có điều người ca sĩ tài hoa, có giọng thiên phú này, tỏ ra rất hãnh diện là mình có nhiều thê thiếp và một bày con như thế.

Ông Nguyên rất biết ơn Long Tây Lai và Dũng Mặt Rô vì hai người học sinh cũ giúp ông trong khi người hùng sa cơ thất thế bằng cách nhờ thày cũ dạy kèm sinh ngữ. Dũng có biệt danh này vì tánh hung hăng hay nóng giận và có bộ mặt ngầu ngầu nên nó chết cứng với hỗn danh này. Bà Lan Sài Gòn, chị ruột của bà Hồng, là mẹ Dũng. Chia tay chồng vì lý do sao đó, bà Lan dẫn dứa con trai duy nhất, thằng Dũng, lớn hơn Long vài tuổi, ra Phan Rang nương nhờ cô em kế lấy chồng giàu có triệu phú lâu này. Dù là làm lẽ mọn nhưng hiện tại trở thành chánh thất. Bà Hồng sau năm lần sanh nở, nhan sắc trông héo gầy và già đi nhiều. Vì thế, tuy nhỏ hơn chồng khá bộn, nhưng bây giờ dáng dấp phu thê coi như ngang ngửa nhau. "Kẻ non tám lạng, ngừời già nửa cân." Cho hay người phụ nữ, một khi sanh đẻ nhiều, nên thường thường mau già hơn chồng mình là thế. Bà Hồng tuy ít học hơn chồng, nhưng thông minh lanh lợi ghê lắm đó!

Ông Nam Sài Gòn vốn thông minh học giỏi trước kia. Ông lại thích đọc sách báo, văn chương, các tạp chí sinh ngữ nước ngoài như Pháp và Anh do Liên Sô XHCN xuất bản và truyền vào Việt Nam lúc bấy giờ, sau khi Miền Nam sập tiệm. Thật vậy, Bà Hồng tỏ ra sáng dạ, lanh lợi, khôn ngoan, đảm đang khéo léo. Bà quán xuyến hết mọi công việc trong ngoài. Bà quản lý, chỉ huy, lãnh đạo, điều hành mọi khâu và giờ giấc sinh hoạt của Hãng Nước Đá và Hãng Dệt cùng tên nói trên. Bởi vậy, ông chồng bà khỏe ru bà rù. Bà lo cho ông ăn uống ngon lành. Sơn hào hải vị, món ngon vật lạ. Mỗi bữa ăn ông còn nhâm nhi rượu ngoại hạng. Hút thuốc lá ba số 5. Nhà phú hộ mà. Ngoài ra bà xã đa tài trẻ trung, còn phát cho lang quân mỗi ngày năm chục bạc để xài chơi. Ông Nam Tây Lai ưa đá gà, thích cá độ với người cùng máu mê chơi trò đen đỏ này vào các ngày cuối tuần. Trong khi lương công nhân XHCN chừng bốn chục dồng một tháng là cùng. Dĩ nhiên, người công chức của chính quyền mới được hưởng tem phiếu và mua gạo cùng thực phẩm giá cung cấp của nhà nước. Đó là chế độ kinh tế chỉ huy. Nhà Nước quản lý toàn bộ các ngành công thương nghiệp. Chế độ hợp tác xã. Làm ăn tập thể. Chính quyền Cách Mạng thủ tiêu mọi hình thức kinh doanh làm ăn cá thể tự do kinh doanh theo tư bản chủ nghĩa, người bóc lột người.

Ra tù, sau khi tập trung cải tạo trong trại giam của kẻ chiến thắng nhiều niên. Ông phải lao động khổ sai, đói rách lầm than. Ông phải gỡ gần năm tấm lịch vì là Sĩ Quan Chế độ cũ. Thân tàn ma dại. Khi về quê cũ đoàn tụ với vợ con, ông Nguyên coi như bị mất sạch tất cả. Đói rách, bệnh tật đầy mình. Đang thất nghiệp thì ông bà Nam Sài Gòn nhớ ơn thày cũ của con cháu mình, cho phép ông được mua giá cung cấp, giá rẻ chút chút nửa cây đá đại. Tức mua cây đá trung mỗi buổi sáng sớm và đồng thời mời thày dạy hai cô con gái cưng của ông bà. Lúc bấy giờ nhà nước quản lý mọi ngành kinh tế kinh doanh. Hãng Nước Đá hợp đồng hai chiều. Do nhà nước hợp tác cùng tư nhân sản xuất nước đá cung cấp cho cơ quan nhà nước là ưu tiên một. Sau đó mới bán lẻ cho người dân tiêu dùng. Bởi vậy, người dân khó xin mua nước đá lẻ lắm. Mua với giá cao, giá thị trường thì người dân nghèo làm sao có đủ tiền mua đây? Ông bà chủ bán cho cán bộ nhà nước đảng viên, như trưởng phòng công thương nghiêp. Trưởng phòng kế hoạch thị xã ưu tiên một, Một số ngươi mà ông bà chủ cần giúp đỡ khi hữu sự, có tính cách cá thể cá nhân như các thợ điện (Ông Nam Sàì Gòn từng tuyên bố với ông giáo dạy các con ông như sau: "Nếu không bán cây đá giá cung cấp cho họ, thì họ phá hoại điện, làm hỏng hầm đá của Hãng chúng tôi thì sao?) Ông bà chủ cũng khéo léo trong xã giao, giao tế xã hội hằng ngày. Họ bán đá cho một số y sĩ thường khám bịnh, cho toa thuốc điều trị chữa bịnh cho bà tại Nhà Thương Phan Rang, Thục nữ má hồng Sài Thành bị bịnh suyễn kinh niên lâu rồi. Ông bà khôn lanh, tế nhị, có tài ngoại giao kinh doanh thấy mồ.

Lúc bấy giờ, ông Nguyên dạy kèm trong dịp hè năm ấy cho hai con gái của ông bà chủ Hãng Nước Đá. Họ đang theo học lớp 11 và 10 Trường Trung Học Nguyễn Trãi Phan Rang (Tức Trường Trung Học Duy Tân cũ). Hai tiểu thư, Nhị Kiều đang nghỉ hè. Nhờ thày dạy kèm hai môn toán và Anh Văn. Dĩ nhiên là dạy theo chương trình XHCN. Linh học lớp 11 và Nga học lớp 10. Ông Nguyên nghe phụ huynh học sinh có lòng chiếu cố ông giáo Ngụy Quân này mừng húm. Liền ghé lại ngôi trường xưa. May gặp anh chàng quản thủ thư viện cũ. Anh Hành, nhà ở gần Cầu Ông Cọp, nguyên là giám thị trường Duy Tân biết chàng. Anh ta không đi lính Ngụy ngày nào vì lúc đó anh ta còn trẻ. Anh ta liền lấy cho chàng mượn mấy cuốn sách Giáo khoa về toán Hình, Đại, Giải Tích và Anh Văn Cấp Ba. Chàng vốn là học sinh xuất sắc toàn diện ngày xưa dù là trước đây chàng đậu Cử Nhân Văn Khoa và chuyên dạy các môn văn chương, nhưng khi xem qua sách khoa học, toán, lý, hóa là chàng dạy được vì chàng đã học qua cả mà. Thế là sáng sáng chàng dậy sớm, lấy chiếc bao bố bỏ sau bọc ba ga xe đạp. Chàng đạp một mạch ra Hãng Nước Đá. Chàng sắp hàng mua cây đá trung, chở về bỏ mối cho bà bán chè ngoài chợ Phan Rang. Nhà bà cũng gần chợ thôi.

Người đẹp bán chè này là hiền thê của chàng trai khôi ngô tuấn tú. Hai vợ chồng ăn ở có ba mặt con. Con gái lớn của hai người là học trò của bà xã chàng. Bà Thanh đang dạy tại Trường Phổ Thông Cơ Sở Kinh Dinh. Bà là giáo viên chủ nhiệm (Nền giáo dục XHCN đã bỏ từ ngữ Giáo Sư. Họ gọi là giáo viên hết ráo, từ cấp 1 đến cấp 3. Kể cả giảng viên Đại Học. Chỉ gọi là Giáo Sư, Phó Giáo Sư khi nào được chính phủ cách mạng phong chức). Vài nơi, họ cũng bỏ từ sinh viên Đại Học. Họ gọi là học sinh luôn.

Trở lại thục nữ ngoài chợ, mua đá, cây trung mỗi buổi sáng của chàng để bán kèm chè thập cẩm đủ loại. Chị ta quả là trẻ trung duyên dáng dù đã ba mặt con Anh Hoàng chồng chị Ba Cà Ná (Ba là thứ hay tên chị. Cà Ná là chỉ quê quán của chị) nguyên là hạ sĩ quan cảnh sát đặc biệt, chế độ cũ. Tuy nhiên, vì là gia đình gốc gác Cà Ná, nên có người bà con, thân nhân tham gia cách mạng, nên anh ta chỉ hoc tập cải tạo trong thời gian ngắn thôi, Hoàng vốn là tay ham mê các trò chơi đen đỏ như Domino xập xám chướng, bài cào, phé, tứ sắc, cổ xập, cát tê, bài tiến lên (môn chơi mới du nhập vào Nam sau 75 do bộ đội Miền Bắc đem vào). Anh chồng nhờ mã khôi ngô tuấn tú thành ra phó thác mọi việc nhà cho bà xã kiều diễm, đảm đang, lo liệu hết mọi chuyện trong gia đình. Từ việc buôn bán hàng ngày, chạy gạo, cá mắm, ăn, mặc, chợ búa. Vì thế lang quân khỏe ru bà rù hà! Anh chồng trở nên phi lao động. Sáng sớm, anh ta ăn mặc chỉnh tề, đi tìm những bạn ăn không ngồi rồi có của, cùng sở thích. Những đồng môn, đồng nghiệp gây sòng hàng ngày. Họ sát phạt nhau cả ngày, có khi cả đêm nữa. Dĩ nhiên, họ chơi nơi kín đáo. Lạng quạng công an tóm được thì tiêu đời luôn.

Nghe nói, Hoàng là tay chuyên nghiệp cờ bạc, Anh ta có ngón nghề như chuyên bấm bài, lên rác, xuống rác, đổi bài... Có thể cờ bạc, nhậu nhẹt và hút xách là những thói hư tật xấu, dễ bị ảnh hưởng, bị lây lan và dễ nghiện giống như thuốc phiện hay xì ke ma túy. Khó bỏ ghê lắm, một khi tay đã nhúng chàm. Nguyên còn nhớ sáng hôm đó chàng vừa chở cây đá lại nhà anh ta ở gần chợ Phan Rang, Hoàng đã ăn mặc gọn gàng sạch sẽ. Áo sơ mi trắng ủi thẳng nếp bỏ vô quần tây xám xanh. Trông người hùng quê Cà Ná thật khôi ngô tuấn tú. Y bảnh trai quá đi chớ! Hèn chi hiền thê thục nữ mê tít thò lò ông chồng Kim Trọng này. Nàng thờ chồng hết mực. Chàng chuẩn bị khởi hành vào Casino bí mật của mình như thường lệ. Hoàng chào ông giáo. Y mỉm cười ngoại giao:

- Chào thày Nguyên! Thày chịu khó chở đá cho bà xã tôi bán chè hằng ngày. Xin lấy giá phải chăng nhé! Vì là chỗ mối hàng thường xuyên với nhau mà, Thày có cơm. Chúng tôi có cháo.

Nói xong, Hoàng bước thong dong ra con lộ trước nhà. Rồi hiệp sĩ mất hút ở con hẻm rẽ ra đường phố lớn. Thành thật mà nói, lúc đó, chàng cũng lấy giá rẻ cho vợ chồng anh ta. Họ cũng thuộc dạng Ngụy Quân, Ngụy Quyền phe ta mà. Bỏ mối cây đá trung, tiền lời khoảng chừng ba, bốn đồng là cùng. Tuy nhiên cũng đỡ đói. Ăn sáng lúc bấy giờ chừng một hai đồng. Một gói xôi cũng ấm lòng, "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Ông Hoàng cũng là phe ta cả mà! Cũng dân Ngụy mà lỵ!

Chàng dạy cho hai cô em cùng cha khác mẹ với Long Tây Lai không lâu thì hết mùa hè. Hai cô vào trường học lại. Họ nghỉ học kèm với thày Nguyên. Sau đó không lâu, Long Tây Lai và Dũng Mặt Rô xin học Anh văn đàm thoại như đã kể trên.

Còn Thơ và Thư là hai chị em ruột. Hai cô gái con nhà giàu có. Ba má kinh doanh vàng bạc. Tiệm họ tọa lạc trên Đường Thống Nhất. Phía trước Trường Nam Tiểu Học Phan Rang. Hai tiểu thư đài các. Hai cô chiêu đều xinh đẹp nổi tiếng một thời. Chàng dạy Thư suốt hai niên khóa lớp 11A2 và 12 A2 như đã kể ở doạn trên. Còn Thơ, em gái là học sinh lúc đó đang học lớp 9 Trường Nữ Trung Học Nguyễn Nhược Thị Phan Rang. Thư lúc bấy giờ chừng 18, 19 tuổi còn Thơ chừng 15, 16 cái xuân xanh. Nhưng Thơ cao ráo nhổ giò và kiều diễm khỏi chê được. Thơ thông minh học giỏi và đẹp sắc sảo hơn hẳn cô chị cũng mặt hoa da phấn. Nhưng nét đẹp của Thư nhu mì, hiền lành phúc hậu hơn em gái mình. Nhị Kiều xinh đẹp nổi tiếng một thời tại hai ngôi trường nói trên. Cùng học với hai người có Hương Việt Tiến vì nhà em ở sát Rạp Hát này, để dễ phận biệt với Hương Tấn Tài. Cả hai cô này đang học cùng lớp 10 A 3, đều do thày Nguyên dạy môn Anh Văn vào lúc đó. Hương Việt Tiến là em con bạn Dì với Thư và Thơ. Hai chị em đều là chủ tiệm vàng nổi danh ở Phan Rang vào thời điểm ấy. Bà chị gửi hai con gái cưng cho thày dạy kèm buổi tối tại tư gia của em gái mình. Cho cháu Hương cùng học cho vui. Tuy ba cấp lớp khác nhau, nhưng thày chỉ dạy Anh Văn căn bản về ngữ pháp văn pham cách viết luận văn và tập đàm thoại thôi. Bố của Hương nhỏ hơn má mình hai tuổi. Ông ta có tiệm vàng mở ngay trong chợ, Má của Nguyên cũng có quày bán gạo lẻ cạnh tiệm vàng của ông ta. Bố của chủ tiệm vàng này gốc Huế một trăm phần trăm, bà con ơi! Ông ta là một người Phật Tử thuần thành. Ông từng giữ chức vụ Hội Trửởng Hội Phật Học Chùa Mỹ Hương nhiều năm trước đây.

Ông Nguyên còn nhớ, lúc bấy giờ, mỗi đêm ông dạy tạị nhà Hương, má của Hương đều pha một lý cối nước đá chanh để bồi dưỡng ông thày dạy sinh ngữ cho con gái cưng và các cháu mình. Má của Thư và má của Hương là hai chị em ruột kề nhau. Họ giống nhau như hai giọt nước. Giống như chị em sinh đôi. Có điều Hương không kiều diễm bằng hai bà chị họ của mình. Sau này, Nguyên mới hay là bố cửa Thư - Thơ lá cán bộ Cộng Sản nằm vùng. Sau 75 ông về Phan Rang làm lớn lắm.

Hiện tại, quả ông thày cũ có duyên hạnh ngộ với các học sinh ruột của mình.

Một hôm, Long Tây Lai khoe với thày Nguyên trong gìờ giải lao:

- Thơ mê em hết nói, Thày ạ. Nếu em muốn cưới cô ta làm vợ thì cô ả OK ngay hà! Một trăm phần trăm chiều nay, anh ơi!

Long ưa pha trò vậy mà! Thực vậy, vì Long đẹp trai quá cỡ, nên cô nào lại chẳng mê Phan An, Tống Ngọc. Như bố chàng vậy. Khi ra đường thì trong mười bà, hết chín bà mê mẩn người hùng điển trai quá cỡ. Họ chạy theo ông ta quá khôi ngô tuấn tú này. Tự nhiên, Long nhớ đến câu nói nổi danh của nhà văn Khái Hưng trước đây:

"Nam nhân muốn làm cho nữ nhi mê mình, yêu mình tha thiết thì một là phải đẹp trai. Phải thật khô ngô tuấn tú. Hai là phải có tài năng đặc biệt hơn người."

Long hãnh diện, nàng Thơ mê mình tít thò lò. Dù nàng cũng là một mỹ nhân lúc đó. Người đẹp Phan Thành thường hay ngả đầu tóc huyền uồn ngắn, óng ả, thơm phức mùi nước hoa đắt tiền vào ngực người tình nũng nịu mơn man ngực trái của bạn tri âm. Hai đứa hay hò hẹn gặp nhau ngoại vườn này. Thơ thủ thỉ vào tai Long Trắng:

- Anh yêu quý của em! Anh hãy thưa với ba má tiến hành hôn lễ của chúng mình đi anh. Mình yêu nhau lâu rồi! Thành phố bé nhỏ này, ai cũng biết mình thương nhau lâu nay. Ông bà ta có câu: "Cưới vợ thì cưới liền tay Chớ để lâu ngày thiên hạ dèm pha."

Nhìn thấy hai đứa học trò cũ của mình đều xinh đẹp, kiều diễm như Tiên Đồng Ngọc Nữ. Chúng yêu nhau tha thiết và sắp thành hôn nay mai, ông thày cũng thấy vui vui. Mừng cho hai trẻ.

Trở lại việc chàng chở cây đá trung hằng ngày vào buổi sáng sớm để bỏ mối cho khách hàng kiếm vài đồng ăn sáng mà không yên chút nào. Số là Công An khu vực Hà ở Đồn Công An Thị Trấn Phan Rang - lúc bấy giơ, đã phát hiện. Dù là lao động bằng chân tay, đổ bát mồ hôi lấy bát cơm, những không yên thân. Một hôm, Ông Tổ Trường Dân Phố gọi chàng lại nhà gặp ông. Ông ta liền truyền lệnh cho chàng phải trình diện Đồn Công An Thị Trấn để gặp mặt dồng chí Hà Công An khu vực gấp.

Tại đậy y xài xể ông tả tơi hoa lá cành:

- Giờ này mà không lo lao động chân chánh XHCN để sinh sống. Lại theo thói tư bản bóc lột nhân dân. Lại buôn bán ư? Anh phải về viết bản kiểm điểm những hành vi sai trái của mình rồi nộp cho Tổ Trưởng dân phố cho tôi xét tội anh sau. Nghe chưa?

Trời đất quỷ thần ơi! Chàng nhủ thầm. Tuy nhiên, chàng ôn tồn biện minh trước lý lẽ của người công an, bạn dân. Anh ta tuổi chừng 22/23 là cùng:

- Thưa cán bộ. Tôi đâu có buôn bán kinh doanh gì. Tôi chỉ chở mướn một cây đá nhỏ để kiếm tiền công vài đồng ăn sáng, thế thôi. Xin cán bộ thông cảm mà!

ũ Công an Hà trừng mắt sừng sộ:

- Anh dám cãi lại cán bộ cách mạng hả? Hãy về nhà lo viết kiểm điểm gấp! Không được lải nhải nữa!

Chàng chợt nhớ câu nói bất hủ của Thi hào La Fontaine Pháp: "Lý của kẻ mạnh là lý đúng nhất!" (La raison du plus fort est toujours la meilleuse)

Từ đó, chàng đi chở đá thật sớm. Chàng cứ lủi thủi đi ngõ hậu phía sau Đồn Công An Thị Trấn, đằng sau rạp hát xi nê Ninh Thuận bị tịch thu làm Đồn Công An nói trên. Chàng lao động, đi chở mướn cậy đá trung kiếm vài đồng tiền công ăn sáng mà phải lén lút, thậm thụt như một tên ăn trộm. Giống như mọt tên hắc đạo lo sợ nhân viên an ninh, công an tóm được thì toi mạng. Vì tội buôn bán, bóc lột sức lao động của nhân dân. Lạng quạng có thể bị tập trung trở lại, cải tạo mút mùa lệ thủy như chơi. Chàng cũng bị gọi lên Đồn Công An nói trên vài lần sau đó, để làm bản kiểm điểm khi chàng đi xuống Bình Sơn hằng ngày, sáng đi chiều về nhà. Dù là đi làm mướn kiếm bữa ăn trưa và sáu đồng tiền công nhật. Ông bà chủ rẫy hành tỏi là anh rể, chị ruột của người bạn thân của chàng, quê hương Phương Cựu. Ông chủ rẫy vườn quê Nại cũng gần đó. Họ cũng là phụ huynh học sinh trước kia của chàng.

Tiếp theo là vụ kiểm điểm lần ba là lúc làm rẫy tại Phước Đức do bà cô ruột thương tình cho làm một mùa trồng đậu bi thôi. Chiều về, chàng hay đậu chiếc xe đạp trành, dựa gốc cây me tây. Chàng khóa xe cẩn thận. Chàng ghé lại xem thiên hạ đánh cờ tướng dưới gốc cây, cạnh Cầu Ông Cọp cho vui, sau một ngày lao động vất vả. Xui xẻo làm sao, Thần Rủi Ro đã gõ cửa người cựu tù nhân chính trị đói rách lầm than hết mực này vào lúc bấy giờ. Hôm đó bị lũ trẻ, quả tay Diệu Thủy Thư Sinh thật là lanh tay lẹ mắt quá chừng. Nó ra chiêu lẹ quá. Chàng ngồi xem cờ mê man, không thấy được. Nó cưỡm mất chiếc bi đông nước uống bằng nhôm của chàng giữ kỷ niệm thời nhà binh của mình. Chiếc bi đông nước này lúc đó quý giá vô cùng. Ngoài ra Công An khu vực Hà cũng trông thấy chàng ngồi xem cờ nữa. Thật là tai hại. Lập tức chàng bị Tổ trưởng dân phố truyền lệnh chàng trình diện Đồn Cồng An gấp.

Tại đây cán bộ Hà vỗ bàn, giận dữ, cự chàng sát nút:

- Giờ này mà còn cờ bạc hở? Không chịu đi lao động. Mà phải đi lao động chân chính kiếm sống bằng chân tay, nghe chưa? Anh hãy về viết bản kiểm diểm nộp cho Tổ Trưởng dân phố gấp, hiểu chưa?

Lần thứ tư, suýt nữa thì tiêu đời, Trưa hôm ấy, chàng nằm trên chiếc giường sắt nhỏ bên cạnh cửa sổ hướng ra dàn nho hẹp trước mặt tiền nhà và con đường hẻm của Khu Nhà Máy Nước thuộc Phường Kinh Dinh Phan Rang. Chàng đang đọc cuốn tiểu thuyết nổi danh, nhan đề Doctor Zhivago của văn hào Nga Boris Pasternak. Ông đã đoạt gỉải thưởng Văn Chương Nobel năm 1962. Nguyên tác bằng tiếng Nga. Nhà thơ vĩ đại kiêm nhà văn thiên tài này, lúc đó, không được phép Chính Quyền Vô Sản Liên Bang Sô Viết đi sang nước Thụy Điển để lãnh giải thưởng cao quý nhất và giá trị nhất thế giới nói trên. Đã thế ông còn bị hội nhà văn Liên Sô lên án trục xuất ra khỏi Hội Văn Nhân. Ông bị giam lỏng tại ngoại ô thủ đô Mạc Tư Khoa, và từ trần vì nghèo túng, đói, khổ, buồn phiền, uất hận vào năm 1964. Về sau, Tồng Thống Nga Gockbachov đã phục hồi danh dự cho ông. Họ cho xuất bản lại toàn bộ các thi phẩm cũng như các tác phẩm tiểu thuyết của thi sĩ kiêm văn sĩ thiên tài hiếm hoi này.

Hôm ấy, chàng đọc bản dịch tiếng Anh của cuốn sách trên. Thật ra, cuốn tiểu thuyết bất hủ này đã quay thành phim kéo dài gần bốn giờ và đã từng trình chiếu tại rạp xi nê Việt Tiến trước 75 không lâu. Cuốn sách dày cộm bìa màu đỏ nổi bật do nhà xuất bản nước ngoài ấn hành. Không ngờ, Công An Hà thường theo học đàn Tây Ban Cầm tại nhà ông Đổng đối diện với nhà chàng. Y cứ hay theo dõi chàng từ phía cửa sổ nhà ông thày nhạc mù lòa bẩm sinh này. Y thấy cuốn sách màu đỏ dày cộm. Y nghi ngờ chàng đang đọc sách đồi trụy hay tuyên truyền phản động gì đó. Từ lâu nhân dân địa phương đã học chánh sách chủ trương đường lối của nhà nước XHCN. Có ba dạng văn hóa mà cách mạng đã nêu ra người dân cần học tập để cảnh giác, đề phòng và tố giác lên nhà chức trách, ban an ninh hay cảnh sát công an của chính quyền mới.

Trước hết là văn hóa đồi trụy. Là sách báo do Mỹ Ngụy để lại không phải do nhà xuất bản XHCN thì là xếp loại như trên hết ráo. Chỉ trừ sách báo do nhà xuất bản của nhà nước XHCN ấn hành hay nhà do xuất bản của Liên Sô hay các nước XHCN anh em thì người dân được phép đọc, được phép lưu hành trong dân gian. Loại thứ hai văn hóa mê tín dị đoan. Đó là toàn bộ ấn phẩm kinh sách các tôn giáo phản động truyền bá, đồng bóng, thờ cúng ma quỷ, thần linh, bùa ngải, bùa chú, tào lao. Toàn là mê tín dị đoan bị cấm ngặt. Loại thứ ba là văn hóa phản động là các ấn phẩm hay tài liệu tuyên truyền chống phá cách mạng, tài liệu xuyên tạc chống lại nhà nước XHCN.

Như vậy, tác phảm này tuy của nhà văn lớn Nga Sô, tuy được phục hồi danh dự và công trạng đã cống hiến cho Liên Bang Sô Viết nhưng không phải chữ viết Nga văn mà chữ Anh là chữ của đế quốc tư bản chủ nghĩa. Bất hợp pháp. May mà tình cờ chàng nhìn sang bên kia đường hẻm sát nhà chàng Chàng bắt được ánh mắt nhìn đầy ác cảm nghi ngờ, đôi mắt cú vọ của y kịp thời. Chàng kinh hãi, liền nhanh nhẹn giấu nhẹm cuốn sách ấy ngay. Sợ y qua nhà tức tốc.

Quả nhiên như dự đoán của chàng, sáng hôm sau ông Tổ Trưởng dân phố lại lịnh cho càng trình diện đồng chí Hà, công an khu vực.

Tại Đồn Công An Thị Trấn, Hà giận dữ sừng sộ nhìn chàng coi chàng như là tù nhân trong trại cải tạo vậy. Y vỗ bàn quát:

- Tại sao giờ này anh vẫn không chịu đi lao động. Anh ăn không ngồi rồi. Tự tung, tự tác, đọc sách báo phản động, đồi trụy của Mỹ Ngụy của tư bản bóc lột nhân dân.. Anh cải tạo về mà phi lao động. Anh đọc sách gì hôm qua? Hãy thành khẩn khai báo ngay cho công an xét nghe rõ không? Hãy về nhà làm bản kiểm điểm nộp ngay cho Tổ trường dân phố. Tôi sẽ xét trường. hợp của anh sau. Anh hiểu chưa?

- Thưa cán bộ, Dạ tôi hiểu ạ!

Chàng vốn quen sống bao dung và nhẫn nhục. Nên quen dần với hoàn cảnh khắc nghiệt chung quanh. Niềm tin tôn giáo lúc bấy giờ quả là liều thuốc an thần hữu hiệu cho những con người mất hết mọi tự do. Chỉ còn một chút tự do về đức tin và tâm linh để nương tựa cho tâm hồn quá đau khổ. Vật chất thì thiếu thốn đã quen rồì. Lúc ấy sinh hoạt các lễ hội chùa chiền như Mùa An Cư Kiết Hạ, ngày Lễ Phật Đản Lễ Thượng Nguyên, Rằm tháng giêng, Lễ Báo Hiếu Mùa Vu Lan, Lễ Hạ Nguyên rằm tháng mười âm lịch tại Thị Trấn Khô và vùng phụ cận thật tưng bừng náo nhiệt. Nhất là tại Chùa Tỉnh Hội Phủ Hà, Chùa Mương Cát, nơi đức bổn Sư của chàng đã làm lễ quy y cho chàng cùng gia đình trước kia. Chàng tham gia sốt sắng các sinh hoạt Phật sự tại Chùa Mỹ Hương cũng như chùa tỉnh Hội. Chàng hay mặc áo tràng tụng kinh cầu an, cầu siêu ông bà tại chùa hay tại nhà. Nhờ thế, chàng cảm thấy lòng mình thanh thản an lạc vô cùng.

Sau đó, chính quyền phường Kinh Dinh mời chàng dạy bổ túc văn hóa ban đêm cho cán bộ nhà nước và đồng bào mù chữ hay học vấn không cao. Dạy học không lương. Chàng sốt sắng tham gia để được miễn đi kinh tế mới và làm thủy lợi hay công tác làm vệ sinh khu phố. Chàng muốn yên thân, nín thở qua sông. Tại lớp 9 bổ túc văn hóa tại trường Kinh Dinh có mấy công an học. Có cả Phó Đồn Công An Phường nữa. Chàng dạy môn toán. Công an Hà học lớp 7. Từ đó, họ cũng lơ là cho chàng dạy kèm thêm tại nhà hay tại tư gia, Hoặc chàng có chơi cờ tướng công khai cũng không sao. Không còn gọi chàng trình diện Đồn Công An hay phải khai báo làm bản kiểm điểm nữa. Nhất là sau thời kỳ Đổi Mới Tư Duy, chàng được mời dạy Anh Văn tại các trung tâm Anh Ngữ do Trường Đại Học Đà Lạt tổ chức để thi các văn bằng Anh Ngữ A, B, C, theo chương trình XHCN.

Có lúc chàng cảm nhận không khí dễ thở hơn. "Sông có khúc người có lúc". Khi thấy làm ăn được, chàng định không làm hồ sơ xuất cảnh sang định cư tại Hoa Kỳ nữa. Tuy nhiên, thục nữ hiền thê của chàng là gia đình cách mạng. Con liệt sĩ. Bố nàng đã tham gia kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp. Ông đã hy sinh năm 1948 tại Sài Gòn, Nhưng nàng mê đi Mỹ. Thấy chồng bị tù cải tạo gần năm năm. Đủ điều kiện lập hồ sơ xuất cảnh diện HO, Ông xã không chịu tiến hành thủ tục xin đi Mỹ. Hôm đó, ông Nguyên nằm nghỉ ngơi trên chiếc võng móc qua rào, dưới bóng cây mít tại một góc sân nhà. Ông đang đọc sách, bà Thanh lại nỉ non, ỉ ôi, năn nỉ chồng xúc tiến lập hồ sơ diện HO như bao nhiêu bạn bè đồng cảnh ngộ khác. Giai nhân hiền thê thỏ thẻ giọng Sài Gòn ngọt xớt như mía lùi hà:

- Ông xã thân yêu của em! Xin anh hãy xúc tiến làm hồ sơ xin xuất cảnh đi, ba thằng Anh! Dù anh không thích đi Mỹ vì anh thấy ở quê nhà anh đang làm ăn ngon lành. Nhưng em biết ở Việt Nam, cuộc sống kinh tế bấp bênh lắm anh ơi! Tương lai không bảo đảm. Các gia đình HO đi trước đó, sướng thấy mồ! Các Việt Kiều ở Hoa Kỳ được hưởng đủ thứ tiện nghi vật chất. Mỹ là quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Nào xứ sở tự do, dân chủ. Con cái được học hành. Tuổi trẻ có cơ hội vươn lên tiến thân. Anh chỉ cần đưa mẹ con em quá đó. Là anh sẽ khỏi làm gì cả, Anh sẽ khẽ ru bà rù hà, Em và các con lo hết. Anh dưỡng già nghe hôn ông xã?

Thế là người hùng nghe lời đường mật của nội chiết hiền thê, xúc tiến làm hồ sơ xin xuất cảnh diện HO. Lúc bấy giờ con gái lớn của ông bà chủ Hãng Nước Đá, Mỹ Liên đã se duyên với con trai của Cựu Chủ Tiệm Sách Nghệ Thương trước kia. Cậu Hùng Họa Sĩ giống bố dong dỏng cao, mặt xương xương. Hùng đẹp trai và tài hoa nghệ sĩ. Hùng đã vẽ bức chân dung cho người đẹp tiểu thư đài các Mỹ Liên. Hùng Họa Sĩ và Mỹ Liên trước có học Duy Tân nên biết thày cô Nguyên và Thanh, Mỹ Liên kiều diễm nhất trong ba chị em con của Bà Hồng Sài Gòn. Linh và Nga đều diễm lệ nhưng đẹp và sắc sảo không bằng Mỹ Liên. Sau này, hai con trai của vợ chồng Hùng - Liên lớn lên cũng trắng trẻo, khôi ngô, tuấn tú giống ông ngoại vô cùng. Chúng còn nhỏ nhưng xinh đẹp và thông minh lanh lợi. Cha mẹ chúng đều đẹp đẽ nên các con họ phải đẹp thôi. Thật là một gia đình phú hộ, hạnh phúc. Vì vậy bà Hồng chủ Hãng Nước Đá yêu thương cưng chìu cháu ngoại hết mực. Chính bà bảo con gái trưởng nữ cưng của mình mời thày Nguyên dạy kèm Anh Văn vỡ lòng cho hai cháu mình.

Chàng hết dạy cha mẹ rồi đến dạy các con họ. Kể ra, nghề mô phạm, nghề cầm phấn, đứng bảng cũng vui thật. Có điều nghề dạy học thường chỉ đủ ăn đủ mặc thôi. Cái nghề thanh cao đạm bạc. Suốt đời họ đào tạo biết bao mầm non tương lai cho xã hội, cho xứ sở quê hương đất nước. Bởi thế, xưa nay, dân Á Đông và nhất là dân tộc Việt Nam thường kính trọng ông bà thày giáo. Dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, "Nhất tự vi sư bán tự vi sư" . Hay "Quân sư phụ". Trong Nho Giáo của Khổng Mạnh xa xưa thì ông thày được tôn trọng sau vua và trước thân phụ mình. Đạo Phật cũng tôn trọng thày cô giáo dạy mình. Trong Tứ Đại Trọng Ân là Biết ơn Cha mẹ, ơn Chư Phật cứu độ chúng sanh, ơn thày và ơn vua chúa, xã hội loài người. Xem thế thời đại nào, chế độ nào, người dân cũng kính trọng người thày đã có công dạy dỗ, đào tạo, truyền bá kiến thức căn bản cho con cái mình thành người hữu ích cho chính bản thân chúng và cho cộng đồng xã hội loài người.

Sau thời gian chàng dạy kèm con cái ông bà chủ Hãng Nước Đá Đài Sơn, thì bao sự kiện xẩy ra tốt đẹp, êm ả, hạnh phúc cho gia đình chủ nhân nói trên. Trước hết, cô trưởng nữ Mỹ Liên lấy chồng như kể ở đoạn trước đó. Tiếp theo là Long và Thơ đã thành hôn vợ chồng. Ông Nguyên cũng mừng cho hai học trò cũ mình đã se duyên Tần Tấn. Thật là một cặp Kim Đồng Ngọc Nữ hiếm có vậy. Điều thú vị bất ngờ nữa là ông bà chũ Hãng Nước Đá kiêm Chủ Nhân Hãng Dệt nổi tiếng tại Đài Sơn Phan Rang này là hiện tại họ có trước sau cả chục đứa con ruột đang định cư tại Hoa Kỳ. Ông Bố Đào Hoa của Long Tây Lai giàu sụ, triệu phú, đã cho cả 10 đứa trong 25 con của bẩy phụ nữ xinh đẹp là thê thiếp mình qua Mỹ. Chúng đã đi bán chính thức hay vượt biên công khai tại các bến bãi mà ông đã bỏ vàng ra mua đứt cán bộ công an. Riêng Linh và Lan qua Mỹ sau cùng khi chúng đang học dở dang lớp 11 và 12 tại Trường Cấp Ba Nguyễn Trãi,

Cho hay, thời nào cũng thế. Chế độ nào cũng vậy. Xã hội nào cũng giống nhau. Muôn đời các câu nói sau đây vẫn có giá trị thực dựng: "Có tiền mua Tiện cũng được" "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" "Đồng bạc đâm toạc tờ giấy" "Tiền tài ám nhãn" "Tiền tài nhân nghĩa tuyệt" Mãnh lực của đồng tiền thật vô song. "Tiền tài là huyết mạch" "Đồng tiền là mạch sống ở đời". Và sâu sắc hơn nữa: "Đồng tiền là Tiên, là Phật, Là sức bật của lò so. Là thước đo của lòng người. Là nụ cười của tuổi trẻ. Là sức khỏe của người già..."

Sau đó, gia đình ông bà Nguyên sang định cư tại Xứ Cờ Hoa. Năm 2002 ông Nguyên về quê hương thăm mẹ các em và ngừời thân cùng bạn bè. Lúc bất giờ ông mới sáng mắt. Ông đã ngây thơ mù quáng trước kia. Thật là bé cái nhầm! Họ chỉ dùng ông một giai đoạn nào thôi. Vắt chanh bỏ vỏ mà. Ông thấy rõ hiền thê thục nữ quả có cái nhìn xa, hiểu rộng. Nàng là gia đình cách mạng. Là con của liệt sĩ, đang được lưu dụng, dạy học mà nàng thích sống tự do, đi tìm tương lai cho con cháu mai sau tại xứ sở giàu mạnh này. Lúc bấy giờ, các bạn của chàng, cùng đổng nghiệp ở quê nhà than vãng như bọng:

- Thày giáo tháo giày. "Thày giáo dứt cháo". Càng ngày cuộc sống của thày cô giáo cũ càng khó khăn. Càng có những giáo viên mới con cái gia đình cách mạng mở lớp dạy kèm tại nhà vì đồng lương quá kém. Dù giáo chức cũ có bằng cấp chuyên môn cao, nhưng không được lưu dụng sau 75, như một số các bạn chàng, cũng bị cấm dạy và phải ghi danh mới được phép dạy kèm. Họ trở nên thất nghiệp. Khó kiếm học trò, học viên vô cùng. Các học sinh cứ theo học thày cô đang dạy chúng tại trường mình đang theo học. Chúng ngại nếu không học thêm thì bị trù dập.

Hiện tại Ông Bố Đào Hoa của Long Tây Lai chắc già rồi. Không rõ ông bà chủ Hãng Nước Đá còn khỏe không. Có điều nghe nói các con cháu của hai người ở Mỹ rất thành đạt về mọi mặt, nhất là về phương diện kinh doanh thương nghiệp, phát triển kinh tế. Họ thừa hưởng dòng máu và tài năng của cha me. Họ thông minh lanh lợi khôn khéo trong quan hệ giao tế, xử sự, ngoại giao và nhạy bén trước thời cuộc.

"Cha nào con nấy xưa nay.
Con hơn cha mẹ, phước này nở hoa."

MINH HÒA



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân