TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TIÊN SAO
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TIÊN SAO

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Dài
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Sat May 28, 2011 2:51 pm    Tiêu đề: TIÊN SAO
Tác Giả: Bi

TIÊN SAO


SÓNG VỖ BIDONG
Pulau Bidong. Pulau, tiếng Mã, nghĩa là đảo. Giữa năm 1985.

Tôi đã ở đảo Bidong được một năm. Ngày theo gió. Đêm vắng trước hụt sau. Lòng gợn theo sóng vỗ nhẹ quanh bờ đá.

Bidong là hòn đảo hoang nhỏ, khoảng cây số vuông, phía đông bắc bán đảo Mã Lai, trước đây không người ở, hai phần ba là núi trọc, phần ba còn lại đất đỏ gồ ghề, nay làm trại tỵ nạn tạm cư. Biển sâu xanh thẳm bao bọc chung quanh. Xa xa về phía nam và phía tây của đảo thấy mấy dãy núi của vài hòn đảo lớn khác. Nước ở các giếng đào ở Bidong là nước lợ, màu vàng nhờ đục ngầu, tắm xong rít cả người. Nước ngọt để uống được chở bằng sà-lan từ đất liền ra chứa trong các hồ sắt lớn rồi phân phát hai lần một tuần. Thực phẩm và củi cũng chở từ đất liền ra phân phát hai lần một tuần. Một lần thực phẩm tươi: quanh năm suốt tháng là thịt gà, bắp cải và hành tây - phần ăn độc thân như tôi, 1 miếng thịt gà và 1 miếng nhỏ bắp cải, lãnh xong đem xào chỉ ăn được một ngày. Một lần thực phẩm khô: quanh năm suốt tháng là gạo, mì gói, dầu ăn, đậu nành hoặc đậu xanh, đường, muối, trà đen gói nhỏ phẩm chất tệ, 1 hộp thịt bò nhỏ - phần của tôi ăn 2 ngày là hết. Riêng gạo thì ráng ăn được 5 ngày trong tuần, 7 mì gói cho 7 ngày; nhưng mì gói tôi thường đem đổi thuốc lá hút. Phần của gia đình đông người lãnh chung thường được chia nhiều hơn độc thân. Đã vậy lại còn nạn ăn cắp, ăn xén bớt của những người làm trong Khối Tiếp Liệu. Những ngày hết thức ăn và hết thuốc hút, tôi nằm lơ mơ nghe sóng biển vỗ ngoài bờ biển vọng vào.

Ai có thân nhân ở nước ngoài gửi tiền cho thì sống sung túc. Trong trại có hai quầy tạp hóa, một của Mã và một của Tàu được phép từ đất liền vào buôn bán. Ngoài ra, còn có rất nhiều quầy tạp hóa nhỏ khác, bán các món lặt vặt mua lại từ hai tiệm tạp hóa đó, của người Việt có tiền và ở đó lâu. Vài quán may quần áo. Một chợ nhỏ bán cá câu lậu và rau cải họ trồng ven sườn đồi khu D và khu F. Hai quán cà phê của người Việt, một ở khu B sát bên hông thư viện và một ở ngoài bãi biển khu C.

Những người có thân nhân trực hệ - cha mẹ, anh chị em ruột, vợ chồng, con cái - ở nước ngoài được phái đoàn vào phỏng vấn và nhận đi rất mau, thân nhân bà con thường thì không được; hoặc những người đã từng làm việc trước 1975 ở miền nam có giấy tờ hoặc được xác nhận thì cũng ra đi mau. Họ chỉ ở đảo vài tháng.

Những thành phần còn lại phải ở đảo chờ rất lâu, ít nhất là ba năm trở lên. Những năm đó chuyện nhận người đã khó và chậm. Người được nhận, thường được rời đảo rất nhanh, đi qua trại chuyển tiếp Sugei Besi gần Kuala Lumpur để chờ khám sức khỏe, điều tra hồ sơ, và chờ chuyến bay. Nếu người nào khai gian dối, qua đó bị khám phá ra, sẽ được trả về lại Bidong để điều tra bổ túc hồ sơ và thường bị ở lại Bidong rất lâu, tính bằng năm, tùy theo gian dối cỡ nào.

Trưởng trại và các trưởng Khối trên đảo thường là những người Việt lớn tuổi, đã từng làm các chức vụ lớn trước 75; họ thường ở đó vài tháng là ra đi vì được Mỹ và Úc nhận rất nhanh, người mới khác lên nhận.

Thời điểm đó, tôi nghỉ dạy học Anh văn vì thường bị đói, đi dạy học chẳng lãnh được cái gì hết, lại còn hay bị ganh tỵ vì lớp nào tôi dạy thì cũng đông người chen vào học, trong khi các ông bà khác thường bị chê. Tôi là người nhỏ tuổi nhất, 22 tuổi, trong các giáo viên trong Khối Giáo dục. Khối Giáo dục lớn nhất trên đảo vì gồm có 5 trường Anh ngữ ở 5 năm khu, một trường trung tiểu học song ngữ, một thư viên, một phòng thính thị, giáo viên và nhân viên rất đông. Do đó, trưởng Khối không phải là người Việt, mà là cố vấn người Mã lai Ấn làm cho Hội Hồng Thập Tự Mã Lai; phó Khối mới là người Việt lớn tuổi.

Lúc còn ông linh mục cố vấn người Anh ở khối Giáo dục, mỗi lần tôi nghỉ dạy là ông kêu lên mắng, bắt đi dạy học lại. Ông hiền lành nhưng rất nghiêm. Các hiệu trưởng và giáo viên rất sợ ông và nịnh ông. Tôi còn trẻ nhưng ngông và hơi kiêu, dạy học lãng đãng bạt mạng, và đòi đổi trường liên tục. Họ thường hay nói xấu về tôi cho ông nghe; ông kêu hỏi, tôi không sợ mà còn trả lời tỉnh bơ. Ông chỉ mắng sơ qua, rồi bắt đi dạy học. Thấy ông có vẻ cưng tôi, họ đành im lặng. Thật ra, tôi buồn chán vì thấy đường định cư của mình rắc rối không biết sẽ ở đó bao lâu, và bị đói, thiếu thuốc hút triền miên, nên bất mãn sinh ra ngông mà thôi; trong khi đó, họ cho là tôi coi thường mọi người.

Nghỉ dạy học, tôi vào thư viện đọc sách báo hàng ngày để tự luyện Anh ngữ. Anh Trưởng Ban thư viện thấy tôi vào mỗi ngày nên tới nói chuyện. Anh ta người tàu, tên Hoàng, khoảng 30 tuổi, cao ráo, to con, đẹp trai, độc thân một mình đã ở đảo 3 năm, nói và viết tiếng Việt rành rẽ, có thân nhân bà con xa ở nước ngoài gửi tiền cho nên sống thoải mái. Lúc đó anh ta nói tiếng Anh rất lưu loát, đang làm cho Khối Thông Dịch, kèm thêm làm Trưởng ban Thư viện. Khối Hành Chánh Thông Dịch do một cựu trung tá Hải quân làm trưởng khối, nhưng ai cũng nể anh Hoàng hơn về khoản tiếng Anh; các Cao ủy, Cố vấn, phái đoàn các nước đều thích anh ta làm thông dịch cho họ. Người làm trong khối phần đông là những người đã từng du học nước ngoài hay làm việc liên quan nhiều về Anh ngữ trước đây, đến đảo và ra đi nhanh, nên khối phải kiếm người thay thế vào liên miên.

Biết tôi đã nghỉ dạy, anh Hoàng rủ tôi vào làm Khối Thông Dịch. Tôi ngần ngại vì vốn liếng tiếng Anh mình còn yếu quá. Anh ta cho biết khối có hai ban: ban Thông dịch làm thông dịch cho phái đoàn các nước khi họ vào phỏng vấn hoặc khi các cao ủy, cố vấn cần, và ban Phiên dịch là những người không nói, nghe tiếng Anh rành nên chỉ chuyên phiên dịch các giấy tờ và ngồi làm 'thợ phụ' cho thông dịch viên để tập sự. Ở đảo Bidong, người làm thông dịch viên rất ‘hách’, được mọi người nể nang vì được cho là việc làm ‘cao quý và trí thức’. Người làm việc đó thường ăn mặc chải chuốt, tưởng mình là ‘ngon’, đi làm tay xách cặp hồ sơ coi rất bảnh chọe, gần phái đoàn thì tưởng là mình gần... mặt trời, thích hù họa người được gọi vào phỏng vấn, đang ngồi dịch thì hay dựa hơi phái đoàn để nạt nộ và hăm he, và nhất là khi nói chuyện với ai thì hay 'nổ' văng miểng tùm lum. Thời trước tôi đến đảo, nghe nói mỗi lần được vào phái đoàn phỏng vấn là người ta lo chạy chọt, đút lót cho người thông dịch để họ nói thông dịch sao cho có lợi, trước và sau cuộc phỏng vấn đều có bao ăn uống nữa. Đến thời tôi ở đó, thông dịch viên đã bết bát nhiều, không còn chuyện lo lót tiền, nhưng vẫn còn chuyện bao ăn và năn nỉ, vẫn còn chuyện dọa nạt, và vẫn còn tỏ ra ‘hách’.

Anh Hoàng dẫn tôi vào làm ở ban Phiên dịch chuyên dịch giấy tờ, và để cho ngồi làm 'thợ phụ' khi có phái đoàn vào. Tôi nhỏ tuổi nhất, ai cũng coi thường, nhưng ai cũng nể anh Hoàng nên không dám nói gì hết. Vào đó, tôi mới biết ai cũng không ưa anh Hoàng vì họ cho là anh ta kiêu nhưng họ cần anh.

Anh ta thường trò chuyện cùng tôi ở trong thư viện, mua cà phê uống cùng tôi vì anh ta có tiền, và đôi khi tới nhà tôi hai đứa ngồi trên gác nhìn thiên hạ mà tán gẫu. Chỉ là những chuyện vặt vãnh, lăng nhăng của tuổi trẻ, đôi khi là chuyện Xuân Thu Chiến Quốc, vậy mà anh ta và tôi rất tương đắc. Anh ta có vẻ hơi ngông và kiêu. Tôi cũng hơi ngông và kiêu nên hiểu anh ta.

Có lần phái đoàn Mỹ vào 8 người để phỏng vấn người đi định cư và 2 người để phỏng vấn chuyện người Mỹ mất tích. Thiếu thông dịch ngồi cho tổng cộng 10 bàn, anh Hoàng đẩy tôi ngồi thông dịch chính cho một bàn. Tôi hồi hộp, run lắm, nhưng sau vài hồ sơ, tôi làm việc tỉnh queo. Từ đó, tôi thành thông dịch viên chính thức. Anh Hoàng nhìn quần áo tôi mặc mà cười, cho là tôi 'bụi đời'. Lúc đi vượt biên, tôi mang theo giỏ có vài bộ quần áo, nhưng lúc lênh đênh trên biển, say sóng ngủ li bì, người ta tát nước và tát hết các giỏ lềnh bềnh trong lòng tàu xuống biển, khi tới đảo tôi chỉ còn duy nhất bộ quần áo mặt trên người, mỗi khi tắm xong phải mặc quần đùi ướt chờ cho khô và chờ bộ quần áo khô. Vài ngày sau, được Khối Xã Hội phát cho hai bộ quần áo cũ, nhưng quần cái thì rộng, tôi phải cột dây nylon vào lưng quần túm lại cho khỏi tuột, cái kia bị thủng một lỗ nhỏ ở mông đít, còn áo thì cái màu nâu đen như ông lão, cái chim cò kiểu Mã Lai, cái nào cũng rộng thùng thình vì tôi ốm và đen thêm mỗi ngày. Mới đầu ngồi thông dịch, người của phái đoàn nhìn quần áo tôi có vẻ khó chịu, tôi tỉnh bơ vì có quần áo khác đâu mà thay, muốn chim cò hơn nữa cũng không được. Sau, hình như họ hiểu là tôi 'có nhiêu đó'và vì tôi làm việc trơn tru nên họ hết khó chịu. Đi làm, tôi tay không quần áo cũ xì bụi đời chim cò đi lặng lẽ.

Thời gian ngắn sau, anh Hoàng được Cao ủy giới thiệu vào gặp phái đoàn Canada phỏng vấn cho đi   định cư. Anh ta mừng lắm, vừa được Canada nhận là anh ta bàn giao cho tôi làm Trưởng ban Thư viện liền. Nhân viên thư viện khoảng 20 người, không ai phản đối vì biết tôi làm ở Khối Thông Dịch. Tôi thích thư viện vì ban đêm sau khi đóng cửa tôi sẽ được ngủ trong thư viện, kê bàn dài lại làm giường, có hai quạt trần quạt suốt đêm mát mẻ, thích hơn ngủ ở nhà sàn nóng bức. Ở Mã Lai, ngày nào cũng nóng sấp sỉ 40 oC, dù đảo Bidong ở giữa biển. Ngoài ra, mỗi tháng thư viện được phát cho vài cuốn vở và viết mực, nhân viên chẳng ai lấy làm gì, tôi đem đổi thuốc hút. Anh Hoàng nói với tôi là tương lai tôi sẽ như anh ta, ở đảo khoảng ba năm và sẽ đi Canada. Tôi không đồng ý vì cho rằng tôi đang chờ đi Mỹ, nghĩ tới ba năm ở đảo mà sợ quá. Anh ta đi rồi, tôi mất người tương đắc; khối Thông Dịch vẫn do ông Trung tá Hải quân còn kẹt lại vì giấy tờ rắc rối làm Trưởng Khối; tôi coi như thế chỗ anh Hoàng.


MÙA THU ĐẾN
Tôi đã ở đảo gần năm rưỡi. Thời gian đó, có tàu mới tới nhiều.

Một bữa, đang ngồi trong thư viện ngó ra, tôi thấy một người con gái cỡ tuổi tôi, mặt xinh xắn, dáng người đầy đặn, đi ngang qua, cùng đi có người con trai trẻ hơn, thấp hơn nàng một chút, da đen và xấu trai. Tôi thầm nghĩ chắc là em trai nàng, mà sao hai chị em không giống nhau chút nào, chị đẹp em xấu. Mấy ngày liền, tôi gặp nàng đi với người con trai đó. Biết là những người mới tới đảo, tôi hỏi thăm những người đi cùng tàu của nàng thì được biết nàng tên Thu người Phan Thiết, có chồng ở Mỹ, còn người con trai cùng đi với nàng là em bà con nàng. Biết nàng có chồng ở Mỹ, sắp rời đảo đi sớm, tôi bỏ ý định tìm hiểu thêm về nàng, chỉ hơi ngạc nhiên là nàng còn trẻ mà đã có chồng.

Có lần nàng vào thư viện ngồi đọc sách, mặt cúi xuống trang sách, dáng nhu mì, mắt nàng như bị cận mà không mang kính cận. Tôi nhìn lén thân hình nẩy nở cân đối của nàng mấy lần. Hình như nàng biết tôi nhìn lén nàng nhưng nàng làm lơ. Lúc nàng vào gặp phái đoàn Mỹ thì lại vào bàn khác tôi, tôi ngồi bên bàn này ở xa nên không biết được có thật nàng có chồng ở Mỹ hay không. Một tháng sau, nàng và người em bà con được Mỹ nhận, rời đảo qua trại chuyển tiếp Sungei Besi để chờ đi Mỹ.

CHIM OANH ĐẬU
Trước nhà tôi ở là khu đất rộng có trường trung tiểu học song ngữ và trường Anh ngữ khu B. Nhiều cây dừa cao vút, các cây khác lớn nhỏ mọc ở đó, và hai cây cổ thụ có gốc cỡ bốn người ôm mới hết với vòm tàn lá cao che kín khoảng không gian bên trên làm thành vùng đất trống nhiều bóng mát. Ai ở trên đảo đi qua đi lại đi tới đi lui đều phải đi qua khu đất trống đó. Buổi chiều, tôi thường ngồi ở trên gác nhà sàn có đóng cái bàn nhỏ trước mặt, chống tay nhìn người đi qua lại đi tới đi lui.

Trong tháng đó có thêm nhiều tàu vượt biên mới tới. Một buổi chiều kia, tôi đang ngồi trên gác nhìn bâng quơ thì bỗng một nàng cỡ tuổi tôi, mặt đẹp thanh tú, mặc đồ bộ bông hoa nhỏ màu đỏ rất nhã, tóc dài thả ngang lưng, thân hình thon gọn và đẹp, hấp dẫn vô cùng, bước đi có vẻ kiêu sa, đài các, đi ngược chiều về hướng tôi ngồi ngó ra. Tôi nhìn nàng như bị nam châm hút. Tôi tưởng tôi là chàng chăn cừu ngồi trên sườn đồi, một vì sao đang đi lạc về phía tôi. Vì sao đi tới đâu, tâm hồn tôi lạc theo tới đó. Nàng đi khỏi về phía sau nhà tôi mà tôi còn ngồi đó ngẩn ngơ. Khi thấy nàng, tâm hồn tôi đi lạc; nàng đi qua rồi, tôi ngồi đó như cái xác không tâm hồn hoặc có tâm hồn mà hồn ngớ ngẩn. Buổi chiều nhìn thấy nàng tiên sao đi lạc qua nhà tôi đó, tôi đã ở đảo một năm rưỡi.

Tôi hỏi thăm thì biết nàng tên Oanh, Kim Oanh, mới tới đảo cùng em trai út, có thân nhân ở Úc, đang chờ đi Úc. Tôi thở dài, người đẹp nào tới rồi cũng ra đi nhanh.

Chiều hôm sau, nàng tiên sao cũng đi từ xa ngược chiều lại nhà tôi để đi về khu nhà phía sau nhà tôi lần nữa. Tôi lại ngồi trên gác ngẩn ngơ lạc lối theo bước chân nàng. Khi nàng sắp đi qua khỏi nhà tôi, tôi bất chợt kêu lên “Kim Oanh”. Nàng giật mình ngó lên gác chỗ tôi ngồi, rồi cụp mắt xuống, bước nhanh về phía sau.

Chiều hôm sau nữa, tôi ngồi trên gác chờ nàng. Cũng đồ bộ, màu khác rất nhã, cũng nét đẹp thanh tú mà kiêu sa, nàng đi hơi nhanh và lạnh lùng về phía nhà nơi tôi ngồi trên gác. Khi tới gần, nàng ngước nhìn về phía tôi thật nhanh, rồi cúi đầu bước vội về phía sau nhà tôi. Tôi ngồi đó im lặng ngắm nàng, tâm hồn đi lạc trời sao.

Những hôm sau đó, nàng tiên không còn giáng trần đi về ngang nhà tôi nữa. Tôi ngồi trên gác nhà sàn một mình, tâm hồn lạc lõng ngớ ngẩn nơi nào.

Quần áo tôi mặc là đồ cũ cho, quần rộng phải cột dây lưng bằng sợi nylon, áo màu nâu già và áo chim cò, thức ăn bữa đó bữa no, thuốc hút khi có, khi nhịn thèm, lâu lâu có tiền là hết rất nhanh như mưa hạn lâu ngày gặp đất khô mà còn phải chia xẻ với những người thiếu thốn ở chung nhà, đường đi định cư mù mịt. Tôi lúc đó rất ốm, da đã đen, so sánh với nàng tiên sao trắng trẻo, xinh đẹp đi lạc qua nhà tôi, tôi biết rằng mình không có hy vọng gì hết. Cái gì tôi cũng thua. Nàng đẹp kiêu sa tiểu thư, có thân nhân gửi tiền từ Úc cho nên sống có vẻ sung túc, lại đang chờ đi Úc. Ngày nào, tôi nghe nói, nhà nàng cũng có những chàng công tử bảnh bao kéo tới. Lúc nào ra đường nàng cũng có nhiều chàng đi theo mà chàng nào cũng quần áo tươm tất, mở miệng ra là phô trương có thân nhân ở các nước, sắp rời đảo rất nhanh. Tôi tự thấy mình thua xa. Tôi chỉ là chàng chăn cừu tình cờ thấy tiên sao đi lạc ngang qua nhà. Tôi không dám mơ. Nhiều lần tình cờ gặp nàng đi ngược chiều ngoài đường nói cười cùng với những chàng tươm tất, tôi lặng lẽ cúi đầu bước nhanh đi qua như nhà tu khổ hạnh.

MÙA THU ĐI TRỞ LẠI
Robinson Crusoe bị lạc vào đảo hoang, sống 28 năm ở đó mới về lại được với văn minh loài người, là chuyện giả tưởng, không có thật, lấy bối cảnh các đảo hoang ở phía bắc ngoài khơi Venezuela; còn tôi, câu chuyện thật, tỵ lạc vào đảo hoang đông bắc Malaysia, có người ở nhưng thiếu tình thân và dư văn minh chụp giựt, gian dối, chuyện đi định cư ở nước văn minh không bao giờ được xác định trước. Chờ đợi dài dài là điều rất thật như sóng biển vỗ vào Bidong mỗi ngày.

Có một văn phòng Lực Lượng Đặc Nhiệm Mã Lai do ông đại tá làm tư lệnh coi an ninh trên đảo. Ban đêm cả trại giới nghiêm vào lúc 11 giờ cho tới 6 giờ sáng; sau 11 giờ đêm lính Mã Lai đi tuần trên đảo.

Các Khối trên đảo làm việc theo kiểu tự trị, độc lập nhau và độc lập với cả văn phòng trại. Văn phòng Trại chỉ làm nhiệm vụ là phân phối người mới tới về các khu ở, sao cho mỗi nhà đừng ít người hay nhiều người quá. Nhà là các dãy nhà sàn dài, hai tầng, mái tôn, gọi là 'long house'. Cũng còn có các nhà tự cất vào thời mới lập trại bằng tôn, nhựa, cardboard lắp ráp vào, rất ộp ẹp. Văn phòng trại chỉ coi danh sách người mới tới, thấy ai có chuyên môn gì thì giới thiệu vào các Khối, Ban, và giải quyết trật tự nội bộ trong trại

Cả trại được điều hành bởi Hội Hồng Thập Tự Mã Lai ký hợp đồng với Ủy ban Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, do đó mỗi Khối có một cố vấn người Mã Lai thuộc Hội Hồng Thập Tự trông coi. Họ coi về khoản cung cấp vật dụng, phụ cấp cho Khối, còn chương trình làm việc thì do người Việt điều hành. Khi Trưởng Khối hay Trưởng ban rời đảo thì họ tự tìm người thay thế, miễn sao công việc chạy và cố vấn Mã đồng ý; Trưởng Khối thường là những người lớn tuổi, làm các chức vụ lớn trước 1975.

Khối Hành Chánh Thông Dịch là khối có người đến và rời đảo nhanh nhất, tìm người rất khó khăn. Mỗi lần có tàu mới tới, cả chục hoặc cả trăm người chưa chắc có được 1, 2 người nói tiếng Anh lưu loát; người biết đọc, viết, nghe, nói chút đỉnh thì nhiều. Phần lớn những người biết chút đỉnh đó, nếu khá, thì được đưa đi học khóa đào tạo giáo viên Anh ngữ cấp tốc do cố vấn ngoại quốc dạy trong hai tuần, rồi đi dạy. Người ở lâu trên đảo, học hoặc tự học thêm, rồi nói và nghe tiếng Anh lưu loát có thể làm thông dịch viên được rất hiếm, lâu lắm mới có được người như anh Hoàng và... tôi. Phần đông người ở lâu nói và nghe tiếng Anh được thì lại nói theo kiểu người học ít tiếng Anh bồi.

Tôi làm thông dịch viên ít ai biết vì tôi không đi khoe khoang như những người khác. Chỉ những người ở gần nhà, những người đã được vào phỏng vấn và bà con những ngưởi đó mới biết tôi. Các người khác nếu như nghe biết tôi làm thông dịch viên thì kinh ngạc, không tin. Vài người có thân nhân ở nước ngoài bị trả về vì hồ sơ gian dối, ở lâu, có tiền viện trợ, biết tôi là thông dịch viên thì họp nhau lại nhờ tôi dạy kèm Anh ngữ, trả tiền mỗi tháng cho tôi tiêu xài. Nhờ đó, mỗi tháng tôi kiếm được khi $50, khi $100. Tiền tôi kiếm được còn phải bao nuôi những người ở chung nhà mà đói như tôi vì không bao giờ có ai viện trợ, nên hết rất nhanh. Họ ăn uống và hút thuốc như hạm đói. Nhiều khi, ban đêm đi dạy về mệt, tôi lục mì gói để ăn cho đỡ đói thì mì hết sạch từ lúc nào. Lâu ngày, họ biến thành thói quen là tôi phải có bổn phận đi dạy học nuôi họ và họ xài phí như tiền chùa. Đi dạy kèm có tiền mà ăn một mình, không giúp họ thì kỳ cục quá, tôi chán nản bỏ dạy. Khi nào đói quá, có người kêu dạy kèm lại thì tôi đi dạy lại một thời gian.

Thư viện của tôi công việc do nhân viên chia ca, thay phiên nhau làm việc đã quen, nên tôi không cần ngó tới. Buổi sáng, tôi thức dậy mở cửa vì tôi ngủ ở đó; nhân viên vào làm việc, còn tôi muốn đi đâu thì đi. Thường, buổi trưa tôi hay vào đó để trốn nắng và nóng, trong đó có hai cái quạt trần, rất mát. Buổi chiều, tôi mặc quần đùi, ở trần đi tắm biển, rồi về nhà nấu ăn. Ban đêm, tôi ngồi nhà hoặc vào thư viện đọc sách, tới giờ đóng cửa thì tôi tới khóa cửa, vào trong nấu nước trà, cà phê, đọc sách, rồi ngủ ở đó. Có ấm nấu nước bằng điện, có trà đen lãnh mỗi tuần uống rất dở. Cà phê và thuốc lá khi có, khi không. Mỗi tháng thư viện được phát vài cuốn vở, vài cây viết, nhân viên không ai lấy, tôi đem đổi thuốc hút.

Bốn tháng sau, nàng Thu trở về lại Bidong, một mình. Gặp nàng đi trong đảo, tôi biết ngay là nàng có chuyện trục trặc về hồ sơ, mà trục trặc về hồ sơ bị trả về là có nguy cơ ở đảo lâu dài. Đảo nhỏ, người tới và ra đi liên tục, nhưng lúc nào trên đảo cũng có khoảng 5,000 - 6,000 người, chuyện gì xảy ra trên đảo cũng lan truyền rất nhanh, nhất là những người có tiếng tăm hay những người đẹp. Nghe nói, nàng Thu có chồng ở Mỹ nhưng chồng hồi đó lên đảo Bidong khai còn độc thân, nên bây giờ khi nàng qua khai có chồng ở Mỹ trở thành trật lất.

Một bữa trưa, tôi bước vào thư viện trốn nắng, cả phòng vắng ngắt, nhân viên ngồi muốn ngủ gục, tôi thấy nàng Thu ngồi đọc sách một mình trong góc. Nàng ngồi đó, lưng quay về phía chỗ tôi thường ngồi, dáng nhu mì tiểu thư hiền dịu, mặc đồ bộ màu trắng hoa xanh nhỏ rất đẹp, rất hấp dẫn, nhìn nàng mà tôi muốn... nựng. Tôi linh cảm là hình như nàng biết tôi thường vào giờ đó ít người để trốn nắng, nên cố tình vào ngồi đọc sách, hồi trước giờ nàng không phải là người thường vào thư viện. Biết tôi đã vào, một lúc sau, nàng kín đáo liếc về sau phía tôi ngồi. Thấy vậy, tôi biết tới chào làm quen. Nàng có vẻ vui, nói chuyện rất nhiều. Nàng ngỏ ý muốn tôi dạy kèm nàng Anh ngữ mỗi ngày 2 giờ ở trong thư viện, vào buổi trưa vắng người như hôm đó. Hỏi ra thì nàng nói là nàng cùng tuổi tôi, học xong lớp 12 cùng năm. Tôi nói vậy thì vốn tiếng Anh của nàng cũng như tôi. Nàng nói nàng cần học thêm. Tôi ngần ngừ, không muốn dạy, nhưng hứa sẽ giúp nàng khi nào nàng cần hỏi điều gì mà thôi. Từ hôm đó, nàng vào thư viện vào buổi trưa mỗi ngày ngồi với tôi. Ngồi với nhau, nàng chỉ giả vờ hỏi vài câu, còn cả buổi hai đứa nói chuyện huyên thuyên. Nàng nói ít, hay thẹn thùng cúi mặt làm duyên, ít dám nhìn thẳng vào mắt tôi. Ngày nào nàng cũng bận đồ bộ, màu khác nhau. Tôi thầm nghĩ, Oanh và nàng giống nhau ở chỗ thường mặc đồ bộ. Bộ đồ nào của nàng cũng đẹp, hơi mỏng, thân hình nàng qua đó trông mát rượi và nẩy nở. Cặp mông nàng thường để nhô ra hai hàng gân quần lót, làm tôi thường hụt hơi mỗi khi nhìn thấy. Nàng lúc nào cũng hấp dẫn và nóng bỏng. Tôi, thanh niên đang hồi lớn, ngồi bên nàng mỗi ngày như vậy làm tôi cũng... nóng bỏng theo. Mỗi lần nàng cúi mặt thẹn thùng thì tôi càng... nóng bỏng hơn nữa.

Khi hỏi chuyện bị trả về thì nàng nói là anh trai nàng ở Mỹ, hồi anh trai nàng lên Bidong vì ghép hồ sơ đi theo gia đình người khác nên không khai anh chị em còn lại ở VN, do đó, khi nàng tới đảo khai có anh trai ở Mỹ thì không trùng khớp với anh trai nàng. Hỏi, còn người em trai lúc trước thấy đi chung, nàng nói đó là em bà con và người đó có anh ruột ở Mỹ nên đang chờ đi Mỹ ở bên Sungei Besi. Tôi nghe mà không tin vì người đi cùng tàu của nàng nói là chồng nàng đi Mỹ không khai nàng là vợ, nên bây giờ nàng thành khai gian.

Tôi biết là nếu cứ gặp nàng và ngồi bên nhau mỗi ngày như vậy, nóng bỏng mỗi ngày như vậy, có thể cả hai sẽ bùng phát thành đám cháy lớn, nên một hôm tôi gặp ông Trưởng ban Hồ sơ Định cư Hoa Kỳ đưa tên nàng và số tàu, nhờ ông coi dùm hồ sơ nàng có ai thân nhân ở Mỹ. Ông vào trong lục hồ sơ, photocopy ra đưa cho tôi nguyên trang. Ông thì thào “Bà Cao uỷ trưởng mà biết tôi photocopy hồ sơ người ta là tôi sẽ bị giam hồ sơ định cư vĩnh viễn”. Ông tiếp “Tui thấy hồ sơ con nhỏ rắc rối lắm, ông đừng nên dính líu với nó mà phiền phức”. Ra chỗ vắng, tôi ngồi đọc hồ sơ nàng. Đọc tới đâu tôi giật mình tới đó. Theo năm sinh, nàng lớn hơn tôi 6 tuổi. Nàng có 9 anh chị em ruột, tất cả còn ở VN, cộng nàng nữa là 10. Chồng ở Texas, Mỹ, nhưng chồng khai còn độc thân. Tôi nhẩm tính, trừ mấy năm chồng nàng ở Mỹ và mấy năm ở đảo ra, lúc chồng nàng còn ở VN thì nàng, bằng tuổi tôi, mới học lớp 10. Lúc đó, làm sao nàng có chồng được. Như vậy, nàng phải lớn hơn tôi 6 tuổi thì đúng hơn, nhưng sao nhìn nàng chỉ bằng cỡ Oanh và tôi.

Hôm sau, khi nàng tới, tôi gọi nàng ra chỗ vắng để nói chuyện. Tôi hỏi thân nhân nàng là ai ở Mỹ. Nàng nói anh trai, đã nói rồi. Tôi nói tên chồng nàng và hỏi là ai. Nàng giật mình, rồi nói là anh trai. Tôi lẳng lặng rút tờ photocopy ra đưa cho nàng đọc. Đọc nửa chừng, nàng hiểu ra, mặt đỏ lên rồi chuyển sang tái. Nàng ngồi sượng sùng rất lâu. Tôi xin lỗi nàng là tôi phải làm vậy vì tôi muốn biết. Nàng chợt đổi thái độ, ráng cười thật lớn, nói “Trời ơi, anh này ghê nhen, dám điều tra hồ sơ của Thu nhen !”. Tôi nói tôi làm trong hội trường nên nếu tôi muốn biết hồ sơ của bất cứ ai là có người sẽ cho tôi biết liền. Nàng ngồi ngượng ngùng suy nghĩ một lát, rồi nói là người đó không phải là chồng, chỉ là bạn, hồi còn ở VN anh ta theo đuổi Thu nên anh ta khi đi vượt biên có tới năn nỉ Thu là cho anh ta khai Thu là vợ để khi Thu vượt biên sau này thì khai có chồng ở nước ngoài sẽ mau được nhận đi. Nàng vì tin lời anh ta nên bây giờ mới mắc kẹt. Tôi nghe mà thở dài trong lòng. Sông La Ngà chảy quanh co gian dối. Mùa thu rụng hết lá trụi lũi trong tôi. Nàng lật đật bỏ đi về. Sau hôm đó, nàng không tới thư viện nữa, cũng không gặp tôi nữa ở đâu.

Sau đó, thỉnh thoảng tôi gặp nàng đi chơi với bạn nữ ở cùng nhà cười đùa vui vẻ, khi thấy tôi thì nàng làm lơ. Một, hai tháng sau, có đêm tôi ngồi bên hông thư viện trong bóng tối, thấy nàng cùng bạn nàng tới văn phòng Khối giáo dục đứng ném sỏi lên gác, rồi một anh chàng trên đó thò đầu ra, đi xuống đón hai nàng lên, họ cùng cười với nhau vui lắm. Có khi chỉ có một mình nàng tới phòng đó gặp chàng đó. Tôi nép vào bóng tối để nàng khỏi thấy tôi.

CHIM OANH ĐẬU CÀNH CAO
Chim Oanh vẫn còn ở đảo. Tôi biết ngay là nàng không có thân nhân trực hệ ở Úc vì phái đoàn Úc đến và đi mấy lần mà nàng không hề được gặp phái đoàn Úc để được phỏng vấn. Úc chỉ gọi phỏng vấn những người có thân nhân trực hệ ở Úc, và những người làm việc lớn trước 1975 hoặc những người có bằng cấp chuyên môn bậc đại học muốn xin định cư ở Úc. Ngoài ra, tất cả đều bị Úc từ chối không gọi phỏng vấn, gọi là ‘xù vắng mặt’.

Nàng dọn về ở dãy 'long house' gần dãy tôi ở. Hai dãy 'long house' làm thành hình chữ T; nàng ở đầu chữ T nhìn xuống thấy dãy tôi; tôi ở mình chữ T nhìn ra khoảng đất trống có người đi qua đi lại đi tới đi lui. Nhà nàng tôi vẫn thấy thỉnh thoảng nhiều chàng công tử bảnh bao lui tới nhộn nhịp, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nàng đi chơi với riêng ai. Nàng ở trên gác cùng em trai nàng và một cô bạn gái tên Thủy, tầng dưới là cặp vợ chồng có 2 con. Tuy ở gần như vậy mà tôi ít khi thấy nàng dù khu đất trống đó là con đường nàng bắt buộc phải đi ngang qua, tất nhiên cũng phải đi qua trước mặt nhà tôi, nếu phải đi lên hội trường, đi lãnh thực phẩm và thư, hoặc đi chơi. Lâu thật lâu mới thấy nàng đi ngang qua khu đất trống một lần và lần nào nàng cũng đi hình vòng cung qua bên kia hai cây cổ thụ để tránh xa nhà tôi, làm như nhà tôi có người ngồi ngó rất... nguy hiểm, còn những lần khác thì nàng đi lối khác. Buổi chiều nào tôi cũng đi tắm biển cho mát, riết rồi da sậm đen. Đôi khi đi tắm về với mình trần quần đùi ướt, tôi thoáng thấy bóng nàng đứng trên gác hoặc dưới bếp trước nhà nhìn ra, tôi cúi đầu về nhà.

Nàng Thu cũng ít thấy đi chơi bên ngoài, Thu ở khu Thanh nữ Độc thân, chung nhà với một cô bạn gái. Kim Oanh và Thủy ở chung nhà, Thu và cô bạn gái ở chung nhà, Chúng tôi là những người cùng lứa tuổi, qua tới đảo không có đường đi định cư rõ ràng. Chúng tôi, lứa tuổi đó học xong 12, không có thân nhân trực hệ ở các nước, trước 1975 là con nít không có làm gì, và sau này cũng không có bằng cấp chuyên môn để các phái đoàn ngó tới, thành ra phải ở đảo dài cổ mà chờ đợi. Oanh là người đài các, kiêu sa nên nói rằng nàng có thân nhân ở Úc vì sĩ diện với mọi người chung quanh, nhưng chờ đợi thì cũng như nhau. Nàng có bà con ở Úc thỉnh thoảng gửi tiền cho nên cuộc sống phong lưu, lúc nào cũng tươm tất, có tiền tiêu xài.

Thời gian kế tiếp có nhiều chuyến tàu vượt biên vào Mã Lai được đưa vào Bidong tới tấp, khoảng 500, 600 người, đảo đông người thêm, nhộn nhịp hẳn lên. Tôi phải vào ban Phiên dịch để giúp họ dịch giấy tờ của người mới tới để sẵn chờ phái đoàn vào. Có vài người do văn phòng Trại giới thiệu tới làm Khối Hành Chánh Thông Dịch, Trong đó có ba người là có dính líu chút ít với tôi về sau này:

Người thứ nhất, nữ giáo viên môn Văn cấp ba, khoảng 30, chưa có chồng, mặt xấu nhưng thân hình rất mát mẻ tựa mùa xuân đang hồi nở rộ hết. Chị ta không đủ tiếng Anh để làm Thông hay Phiên dịch, nên đưa về lại văn phòng Trại để đưa đi làm chỗ khác. Chị ta có thân nhân ở Canada, nên sẽ mau rời đảo.

Người thứ hai, anh chàng tên Quang người Đà Nẵng, lớn hơn tôi vài tuổi, tốt nghiệp Kỹ sư Bách Khoa Saigon và đã đi làm mấy năm, mặt mụn bọc gồ ghề lởm chởm, da đen thui, nhưng nói nhiều, và khoe khoang văng mạng. Ngồi chỗ nào, anh ta cũng nói huyên thuyên cho mọi người biết là gia đình anh ta ở VN giàu, anh ta từ Bách Khoa ra, anh ta làm việc rất hách ở VN, tiếng Anh rất cừ, có thân nhân ở Canada nên sẽ rời đảo nhanh v.v... Cuối cùng anh ta nói và nghe tiếng Anh chẳng bao nhiêu, cũng chỉ cỡ bằng tôi lúc mới tới đảo, nên anh ta sang ban Phiên dịch. Được vài ngày anh ta chạy đi dạy học Anh ngữ, nhưng vẫn ghé lại Khối Thông dịch để đấu láo và cốt là để cho người trên đảo thấy là anh ta đi làm thông dịch.

Người thứ ba, anh chàng tên Hưng người Pleiku, khoảng 40 tuổi, còn độc thân, da trắng trẻo, đẹp trai, người tầm thước, dáng dấp nghiêm trang, nói năng chững chạc, tốt nghiệp Kỹ sư Phú Thọ trước 75, đi làm chuyên môn cho tới ngày vượt biên. Vượt biên mới tới mà anh ta ăn mặc rất bảnh bao, làm như chuyến đi không có mưa, bão, nắng cháy da, đói, khát, không phải chạy trốn hải tặc Thái Lan v.v.. Phong thái, cử chỉ, và cách nói chuyện của anh ta, theo như xã hội VN, rõ là người trí thức. [Nhiều năm sau này, tôi mới biết rằng cái gọi là 'dáng vẻ trí thức' đó chỉ là món trang sức rẻ tiền ở Bắc Mỹ]. Anh ta có hai em gái đã có chồng con ở Mỹ, nên sẽ rời đảo theo diện Mỹ rất nhanh, và khoe là biết tiếng Anh nhiều. Khi gặp tôi thì anh ta nói tiếng Anh rất chậm, và nghe thì… bù trất. Cuối cùng, anh ta chẳng nói và nghe được tiếng Anh bao nhiêu nên anh ta qua ban Phiên dịch. Ở đó, anh ta như cuốn tự điển sống để mọi người hỏi từ vựng khi bí vì anh ta biết rất nhiều từ vựng. Tuy đạo mạo nhưng còn độc thân nên anh ta rất vui vẻ với mọi người.

Kỳ đó, phái đoàn Mỹ vào, tôi dẫn anh Hưng theo tôi làm 'thợ phụ' để coi anh ta có hiểu nhiều không. Người Mỹ thấy anh ta mặc quần áo bỏ vào trong rất đứng đắn, mặt sáng láng có vẻ người trí thức nên hỏi chuyện anh ta. Hai câu đầu về sức khỏe anh ta còn nói được tuy chậm, sau đó thì anh ta nhìn tôi cầu cứu. Người Mỹ thấy vậy quay sang tôi làm việc, từ đó không hỏi gì anh ta nữa. Sau buổi đó, tôi hỏi thì anh ta nói là người Mỹ nói nhanh quá làm anh ta nghe không kịp. Tôi cười, cho anh biết là người Mỹ nói dễ nghe nhất trong tất cả các phái đoàn vào đảo, và báo anh biết là anh không nói được bao nhiêu, đã vậy còn sai giọng nhiều lắm. Những buổi sau, anh ta ăn mặc bảnh bao ngồi một bên tôi làm 'thợ phụ' trông rất tội vì 'thợ phụ' chỉ ngồi nghe và nhìn người ta làm việc. Tôi nói anh ta vào làm Trưởng ban Phiên dịch giấy tờ cho anh ta bớt mệt mỏi.

Từ đó, anh Hưng thường xuyên ghé thư viện để đấu láo với tôi. Anh ra biết nhiều hiểu rộng, thích nói, đối xử với tôi như em út, tôi lại chịu khó nghe và lễ phép, nên anh ta coi như tương đắc. Mỗi tối sau 8 giờ, thư viện đóng cửa là anh Hưng Pleiku, Quang Đà Nẵng, vài người khác trong Khối Thông dịch ghé vào thư viện, chúng tôi nấu trà, cà phê, bày bánh ngọt rôm rả. Rồi từ từ chỉ còn mình anh Hưng là tới thường xuyên vì anh thích nói chuyện với tôi. Quang Đà Nẵng khoe là mới tán tỉnh được một em gái đi cùng chuyến tàu, rất đẹp, đang học Sư Phạm thì bỏ đi; từ đó, vắng mặt Quang tới thư viện, nếu có gặp thì anh ta khoe ngay là có cô bồ rất xinh đẹp. Anh Hưng có hai người em bên Mỹ gửi tiền sang ngay, khá nhiều. Mấy người trong Khối Thông dịch thúc anh dẫn đi cà phê, anh ta dẫn vài người đi một lần mà thôi; mọi người kháo nhau là anh ta kẹo kéo. Tới thư viện chơi với tôi, anh ta chẳng bao giờ bỏ tiền ra mua cà phê, may mà tôi có chút đỉnh nhờ đi dạy kèm.

Phái đoàn Mỹ rời đảo. Anh Hưng vẫn còn ở lại vì họ làm việc theo thứ tự số tàu tới đảo, chưa tới phiên số tàu của anh. Anh ta là người cùng tôi mạn đàm mỗi tối trong thư viện cho qua thì giờ. Thời gian ngắn sau đó, anh ta khoe là quen được với cô Kim Oanh người Pleiku. Anh ta nói tuy cùng quê mà trước đây anh không biết cô nàng vì anh ta thuộc thế hệ trước và vì chị em Oanh sau này sống ở Saigon. Tôi im lặng nghe anh nói về nàng tiên sao của tôi. Anh cho rằng nàng cùng quê với anh ta nên đối xử với anh ta rất niềm nỡ, rất vui; nàng có đạo Tin Lành; rằng nàng cùng tuổi tôi tốt nghiệp 12 cùng năm; rằng nàng giống tôi, tuy nhỏ tuổi mà đầu óc sâu sắc và tính tình chững chạc; rằng nàng nói chuyện thùy mị nhưng rất... hóc búa v.v..

Anh giữ tình cảm rất kín làm như nói vô tình, nhưng càng nghe anh nói về Oanh, tôi càng thấy anh ta si mê nàng. Ai mà chẳng si mê nàng khi thấy nàng, tôi nghĩ, ông già cũng mê, trai trẻ cũng mê. Nàng xinh đẹp đài các, thanh lịch, nói năng duyên dáng, chỉ hiềm nỗi nàng quá kiêu sa nên chẳng anh chàng nào tán tỉnh được nàng mà thôi. Và hình như chẳng ai lui tới nhà nàng được lâu vì gần đây tôi chẳng thấy mấy chàng lui tới nhà nàng nườm nượp như lúc trước nữa. Bây giờ thì tới phiên anh Hưng. Từ đó, anh Hưng tới nhà nàng mỗi bữa, thỉnh thoảng lắm mới ghé tới thư viện tôi một lần. Lần nào cũng nghe anh khoe là nàng có vẻ rất thích anh. Tôi nghĩ, anh ta có đủ tiêu chuẩn mà nàng chọn lựa: cùng quê, đẹp trai, trí thức. có bằng cấp chuyên môn, con nhà giàu, có thân nhân ở Mỹ nên sẽ rời đảo nhanh v.v... chỉ có điều anh ta hơi lớn tuổi hơn nàng. Có sao đâu, chàng lớn tuổi hơn nàng là chuyện thường tình. Tôi biết, theo lời đồn đãi của những người theo dõi người đẹp trên đảo, trước tới giờ nàng Oanh chỉ tiếp xúc với hạng người trí thức hoặc khá giả như vậy; nay, nghe anh Hưng nói về nàng, tôi không ngạc nhiên lắm. Tôi thầm nghĩ: vậy là nàng chọn anh Hưng. Tôi không buồn, cũng không vui, vì tôi có là gì đâu. Tôi chỉ là người ngắm tiên sao từ xa; tôi chẳng hề mộng mơ cao xa vì biết phận mình không có đường đi định cư rõ ràng, sống ở đảo lại thiếu thốn, cực khổ, quần áo lúc nào cũng như 'bụi đời' mà chưa bao giờ có đủ tiền may một bộ mới, có bao nhiêu là mua thức ăn, thuốc hút hết bấy nhiêu vẫn còn chưa đủ.

Phái đoàn Mỹ mỗi hai tháng vào đảo một lần, có khi mỗi tháng một lần nếu số lượng người mới tới nhiều. Phái đoàn Úc mỗi ba tháng một lần. Phái đoàn Canada mỗi sáu tháng vào một lần. Các nước châu Âu mỗi năm một lần. Năm nào thời khóa biểu các phái đoàn vào đảo cũng y như vậy.

Kỳ tiếp theo đó, phái đoàn Úc và Mỹ vào cách nhau một ngày. Úc vào trước Mỹ một ngày. Từ xưa tới giờ, rất nhiều người muốn ngồi thông dịch để nhân tiện xin đi Úc, cho nên họ hay tranh dành nhau để được thông dịch cho phái đoàn Úc. Khổ nỗi, giọng nói người Úc thường rất khó nghe vì họ nói rất nhanh và gầm gừ trong cuống họng và giọng thì nhão nhoẹt như bánh tráng bị nhúng nước quá lâu; cho nên, chuyện phái đoàn Úc đuổi thông dịch viên liên miên là chuyện rất thường, và hễ đuổi nhiều là họ giận dữ, dọa ra về không thèm phỏng vấn nữa. Tôi không muốn đi Úc, cho nên tôi không bao giờ dành với ai và luôn nhường cho họ; tôi chuyên làm việc cho phái đoàn Mỹ.

Phái đoàn Úc vào hai người, một nam và một nữ làm trưởng đoàn. Ông Trưởng Khối, cựu trung tá Hải quân, vì đang xin đi Úc nên ông ta dành ngồi một bàn, bàn còn lại dành cho ông lớn tuổi nọ cũng đang chờ đi Úc. Tôi cùng nhóm người 4 chính, 4 phụ sẵn sàng làm việc cho phái đoàn Mỹ vào hôm sau.

Hai ngày trước khi Mỹ vào, anh Hưng có tới nói cho tôi biết là anh ta sẽ đề nghị với Kim Oanh ghép chung hồ sơ với anh theo diện fiancé để cùng xin đi định cư chung. Anh ta hỏi tôi có được không. Tôi nói có thể được vì anh ta và Oanh đều đứng đắn nên phái đoàn Mỹ sẽ tin chứ không nghi ngờ là giả mạo để ghép chung nhau mà đi Mỹ. Hơn nữa, tôi nói, nếu không xin được thì khi vào phỏng vấn cứ khai là fiancé để khi anh tới Mỹ bảo lãnh sẽ dễ dàng hơn. Anh ta vui lắm, nói tối đó sẽ đưa đề nghị với Oanh, và cho rằng nàng sẽ chịu vì nàng rất thích anh và muốn đi định cư nhanh. Tôi không buồn, cũng không vui, chỉ nghĩ là nàng sắp đi Mỹ với anh ta; nếu nàng có chồng như anh ta thì cũng được vì anh ta là người 'được' hết mọi thứ.

Hôm sau, phái đoàn Úc vào trước. Tôi ở nhà nấu mì g
Về Đầu Trang
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Fri Jun 03, 2011 10:03 am    Tiêu đề: TIÊN SAO (tt)
Tác Giả: Bi

Hôm sau, phái đoàn Úc vào trước. Tôi ở nhà nấu mì gói ăn sáng, nghe loa kêu rộn ràng khắp đảo tên những người vào gặp phái đoàn Úc để tới hội trường ngồi chờ. Người đi phỏng vấn ăn mặc như ngày tết, bà con bạn bè theo ủng hộ rất đông. Không khí trên đảo tưng bừng mỗi khi có phái đoàn vào phỏng vấn. Giữa buổi, đang ngồi trên gác vẩn vơ, tôi nghe thiên hạ đi ngang qua khu đất trống nói chuyện với nhau là phái đoàn Úc đuổi thông dịch viên. Rồi một người trong Khối Thông dịch chạy tới báo cho tôi hay là bà Úc đã đuổi 2 thông dịch viên rồi. Tôi nói, còn ông trước làm Hội Dục Mỹ đang chờ làm cho Mỹ ngày mai với tôi, hãy đưa ông ta qua làm cho Úc. Rồi tôi đi vo gạo nấu cơm. Đang chờ cơm sôi thì loa réo tên tôi, rằng tôi phải lên hội trường gấp, không thì sẽ bị bà Cao ủy trưởng giam hồ sơ định cư. Tôi ngạc nhiên, mắc mớ gì mà bà ta đòi giam hồ sơ lãng nhách như vậy. Tôi mặc vội cái quần thủng lỗ nhỏ ở mông đít, cái áo màu cháo lòng mới xin được ở ban Xã hội, rồi chạy tới hội trường.

Bà Cao ủy trưởng đang đứng ở cửa hội trường mặt lo lắng, nôn nóng ngóng tôi. Tôi chạy tới hỏi chuyện gì. Bà ta nói bà Úc đã đuổi hết ba người thông dịch rồi, rồi nắm tay tôi vào ngay bàn bà Úc đang có 'thợ phụ' ngồi đó mặt sợ sệt, giới thiệu tôi là thông dịch chính. Bà Úc nhìn tôi vẻ nghi ngờ, hỏi tôi đã làm qua phái đoàn nào chưa. Tôi nói tôi đã làm cho phái đoàn Mỹ. Bà ta hỏi tôi vài câu, tôi đáp nhanh lẹ, bà gật đầu biểu tôi ngồi xuống. Suốt buổi đó, bà Úc rất hài lòng, làm việc rất êm. Bà Cao ủy trưởng ghé qua nhìn, mặt hớn hở, nhìn tôi nháy mắt cười. Bà Úc khoảng 35, chưa chồng, nét mặt rất khó khăn, là trưởng tất cả các phái đoàn Úc thay phiên nhau vào đảo làm việc nên các Cao ủy rất nể sợ. Giữa buổi làm, bà Úc gọi người mua cho bà và tôi hai ly nước đá chanh lớn vì trời nóng mà hai bên nói nhiều quá, làm việc rất nhanh - đó là vinh dự chưa ai từng được như vậy; ông cựu Trung tá ngồi bàn bên kia nhìn qua thèm. Suốt ba ngày làm việc bà đều có mua nước cho tôi uống hai lần sáng, chiều. Bà Úc đồi xử với tôi rất tôn trọng và thân mật - điều ấy chưa hề xảy ra với các thông dịch viên từ trước tới giờ. Tất cả mọi người làm việc trong hội trường đều nhìn tôi nể nang. Ngày cuối, bà hỏi tôi có diện đi đâu không. Tôi nói không. Bà hỏi tôi muốn đi Úc không. Tôi không muốn đi Úc nhưng không muốn mất lòng bà nên nói láo là tôi đang chờ được Cao ủy giới thiệu để đi Canada. Bà ta nói là tuần tới bà sẽ đi Saigon để phỏng vấn những người ở VN đang chờ bảo lãnh qua Úc, kỳ sau vào lại bà hy vọng sẽ còn gặp tôi. Tôi nói chắc tôi sẽ còn ở đảo tới lúc đó và hỏi đùa bà có muốn tôi theo bà về VN thông dịch không. Bà cười ngất nói là bên đó có người thông dịch cho bà, hơn nữa, tôi làm sao đi VN được. Tôi nói cho tôi gửi thương, gửi nhớ về VN. Bà ta cười.

Phái đoàn Úc về rồi, buổi tối tôi đóng cửa ngồi trong thư viện một mình, bên ngoài vẫn còn người đi lại bàn tán, nói chuyện rộn rã vì phái đoàn Mỹ còn làm việc một ngày nữa. Anh Hưng bước vào, mặt buồn xo và đau đớn; mấy hôm nay, bận làm việc cho phái đoàn Úc tôi không thấy anh ta. Anh ta ngồi xuống, thở dài rất mệt mỏi. Tôi hỏi anh vào gặp Mỹ ra sao rồi. Anh ta lắc đầu “bị xù rồi”. Tôi sửng sốt, anh ta có hai em gái đang ở Mỹ mà sao bị xù. Có thân nhân ở Mỹ mà bị Mỹ xù thì rất nguy hiểm vì sau đó sẽ chẳng có phái đoàn nước nào dòm ngó tới. Anh ta cho biết là Mỹ cho rằng anh ta vẫn được làm việc chuyên môn cho tới ngày anh vượt biên, như vậy thì anh không có đủ lý do chính đáng để rời VN và để xin đi Mỹ. À, ra vậy. Tôi im lặng; một lát sau tôi an ủi anh ta là còn Úc và Canada. Anh ta nói là cũng đã bị Úc 'xù vắng mặt'. Tôi biết thế là anh ta cũng hết mong được đi Canada nhưng chưa dám nói ra.

Tôi hỏi, còn chuyện cô Oanh. Mặt anh ta càng đau đớn hơn nữa; anh nói là hôm trước khi vào gặp Mỹ, khi anh đề nghị với Oanh chuyện ghép hồ sơ thì nàng cự tuyệt và nặng lời với anh. Anh nói anh ta thích Oanh và muốn giúp Oanh đi định cư, vậy mà nàng nói những lời rất xóc hông với anh, làm cho anh rất mắc cỡ. Đã vậy, nàng còn cấm anh từ nay không được tới nhà nàng nữa. Tôi im lặng nghe anh nói, không buồn cũng không vui, chỉ hơi ngạc nhiên. Anh càm ràm cả buổi về chuyện nàng bằng cỡ tuổi tôi coi cũng như em anh ta, vậy mà nàng nói nhiều câu với anh rất 'xóc hông' và 'xóc óc'. Tôi ngạc nhiên, hỏi anh sao trước đây anh ta khen là nàng nói chuyện dịu dàng và có vẻ thích anh mà. Anh ta nói vậy mới lầm, bây giờ anh ta ngượng quá sức.

Hôm sau, nhiều người trong Khối Thông dịch vừa cười chế nhạo vừa nói cho tôi nghe chuyện anh Hưng đã bị Mỹ xù mà còn bị cô em Pleiku 'xù' nữa. Tôi không hiểu làm sao họ biết hết chuyện anh Hưng; sau mới biết anh ta kể cho họ nghe cho đỡ tức. Tôi thầm nghĩ: cỡ anh Hưng mà còn bị nàng cho xóc hông, xóc óc, vậy thì cỡ tôi chắc là sẽ bị nàng xóc tới mây xanh.

Tuần lễ tiếp theo đó, phái đoàn Canada vào hai người. Bà Cao ủy ra lệnh cho tôi ngồi một bàn, còn bàn kia là ông Trưởng Khối - vừa mới được Úc nhận xong còn đang chờ rời đảo. Ngưởi Canada nói với tôi là kỳ đó họ có rất nhiều hồ sơ bảo lãnh người ở đảo từ Canada, họ được lệnh Bộ Di Trú Canada là phải ráng làm cho gấp xong trong ba ngày, không thể nhận nhân đạo một người nào hết. Ba ngày đó, tôi phải làm việc với họ từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối, mà hồ sơ của họ mang vào vẫn chưa hết, phải chờ vào lần sau.

Chuyến đó, Quang Đà Nẵng vì có thân nhân ở Canada bảo lãnh nên được nhận. Chị giáo Văn cấp ba chưa tới lượt, phải chờ lần sau. Anh Hưng bị 'xù vắng mặt'.

Quang Đà Nẵng mở party, mời nhóm người Khối Thông Dịch và mấy người dạy Anh ngữ cùng với anh ta và cô bồ đi cùng tàu với anh, mừng được Canada nhận, nhưng cốt yếu là để khoe với mọi người là anh ta có cô bồ xinh đẹp. Cô ta tên Giang, 21 tuổi, đang học Sư phạm thì bỏ đi, có diện đi Mỹ, quả thật rất xinh đẹp, trông giống cô Thu nhưng trẻ hơn và tươi mát hơn. Suốt buổi party, anh Quang mặt mụn đen nói chuyện ầm vang và 'nổ' như pháo, xoay qua lo cho cô bồ ăn uống rất âu yếm và đầy kịch tính. Cô Giang nói ít, ngồi làm dáng tiểu thư, điệu bộ như là người sang trọng. Tôi thấy cả hai người đều như đang đóng kịch cho mọi người coi, và thầm nghĩ cô Giang không thể nào đài các, kiêu sa tự nhiên được như cô Oanh tiên sao.

Hai tháng sau, anh Hưng được giới thiệu vào gặp phái đoàn Na Uy và được nhận. Tháng sau nữa anh rời đảo trong u buồn. Quang cũng rời đảo.

CHIM OANH CẤT TIẾNG
Sau vụ phái đoàn Úc đuổi ba thông dịch viên, phải có tôi vào mới ‘êm’ thì bỗng nhiên tôi trở nên nổi tiếng. Nhiều người tỏ vẻ nể nang tôi ra mặt. Tôi cười thầm: người mình ai cũng nghĩ hễ nói tiếng Anh trơn tru thì phải là người giỏi. Từ đó, tôi là người chuyên thông dịch cho Úc và Canada mỗi khi phái đoàn vào, còn thường lệ thì tôi vẫn làm cho Mỹ.

Một nhóm người có tiền tới nhờ tôi dạy kèm họ Anh ngữ trả tiền dạy học hàng tháng vì họ bị Mỹ xù về lại Bidong, thân nhân gửi tiền cho đều đặn và dặn phải lo học Anh ngữ. Tôi nói với họ là tôi chỉ học xong lớp 12 ở VN thì tiếng Anh cũng như các người khác, tiếng Anh học nhiều cũng bấy nhiêu, phải biết vận dụng khi nói và nghe là chính, chớ học văn phạm và từ ngữ cho nhiều mà không biết dùng thì cũng như không. Họ vẫn năn nỉ tôi dạy. Thấy mình cũng ở không, tôi nhận dạy họ 2 ngày một tuần, mỗi lần 2 giờ. Bà bác sĩ Mỹ làm trong bệnh viện kêu tôi mỗi tuần một buổi vào bệnh viện dạy chữ Việt cho bà.

Sau đợt đó, Anh Hưng và Quang Đà Nẵng đi rồi, tôi buồn vì không có người tới thư viện nói chuyện thường xuyên nữa tuy thỉnh thoảng có vài người làm trong thư viện hoặc từ Khối thông dịch ghé lại ban đêm nói chuyện chốc lát.

Khi nhiều người quen rời đảo đã hơi lâu và những cơn mưa ập tới, tôi mới biết lúc đó đã là tháng 9/1986, tháng đó là mùa tựu trường ở VN, đi học thường gặp mưa những ngày đầu mùa học. Tôi đã ở đảo khoảng hai năm và bốn tháng. Những ngày đó ở Bidong cũng thường có mưa và gió lớn. Có ngày trời tối đen, mưa lớn đột ngột và tạnh rất nhanh. Gió ào ào tràn qua đảo như có cơn bão đi qua. Ban đêm nằm co ro trong bóng tối thư viện ngủ một mình, nghe mưa đổ như thác trên mái tôn, bên ngoài gió hú thổi từng cơn lồng lộng, tôi buồn và cô đơn khủng khiếp, tự hỏi mình sẽ phải chờ đến bao giờ để được rời đảo.

Sáng sớm thức dậy, bên ngoài cả trại ướt át vì mới tắm mưa lớn xong, nhiều vũng nước đọng ở nhiều nơi, cây cối gãy cành đổ ngổn ngang. Tôi đi lượm những cành cây gãy ướt át trên mặt đất, đem về nhà để dành chờ nắng lên phơi khô làm củi chụm. Ôm bó cành cây ướt về gần tới nhà, tôi thấy cô Oanh măc áo len màu hồng đẹp như tiên nữ, ra đứng ở cửa đang nhìn trời đất và cảnh vật chung quanh. Thấy tôi ôm mớ củi ướt cô nhìn, tôi nhìn sang hướng khác, đi về nhà. Thà củi ướt xóc hông, còn hơn là để cho tiên nữ nói những lời xóc hông, xóc óc - tôi nghĩ trong đầu.

Khối Giáo dục kêu tôi đến và nhờ tôi dạy dùm một lớp Anh ngữ chuyển tiếp. Thấy buồn và có thì giờ nên tôi nhận lời dạy một lớp, tuần 2 đêm, mỗi đêm 2 tiếng ở đồi khu C. Đồi khu C còn gọi là đồi tôn giáo vì trên đó có nhà thờ Công giáo, nhà thờ Tin Lành, nhà chùa, nhà mát, và trường Anh ngữ khu C. Nhiều người lên đó vào buổi chiều để hóng mát và ngắm cảnh biển. Tôi thường lên đồi khu C hóng mát.

Đêm dạy đầu tiên, tôi giật mình vì có quá nhiều người vào học. Không có người già hay còn nhỏ, toàn là những người đã xong trung học và cao đẳng ở VN, cỡ trẻ hơn tôi ba tuổi trở lên tới 40 tuổi. Họ ngồi chen chúc trong những băng ghế dài, tay cầm vở để viết vì không thể để vở trên bàn. Ngoài cửa sổ người bu đông nghẹt. Họ nghe đồn tôi là thông dịch viên của Úc nên nhào tới học. Nhìn xuống lớp, tôi thấy có cô Thu và bạn cô ngồi cạnh nhau. Sau buổi học, cô Thu và bạn cô tới gặp tôi, nhờ tôi tới nhà dạy kèm hai cô mỗi tuần hai buổi. Tôi từ chối. Bạn cô Thu nói là sẽ gửi tiền cho tôi ăn quà và mua thuốc hút. Tôi lấy cớ là tôi còn bận dạy chữ Việt cho bà bác sĩ Mỹ nữa nên không kham nỗi, nói rằng hai cô đi học ở lớp này là được rồi. Sau đó, không thấy hai cô tới lớp học nữa.

Đêm thứ hai, đang dạy học thì trời mưa. Dạy xong. tôi chờ cho mưa dứt mới về. Bước qua nhà mát, gió hú nghe rùng rợn. Qua nhà thờ Tin Lành, có ánh đèn còn leo lét bên trong. Tôi bước cẩn thận trên con đường đồi còn ướt nước mưa đổ dốc xuống, nhìn ra biển thấy đen ngòm, sóng biển vỗ vào vách núi ầm ầm, thì có tiếng chân chạy theo sau lưng và tiếng gọi “thầy, thầy”. Tôi quay lại: Kim Oanh. Nàng 'tiên sao' chạy theo kêu tôi. Ngôi sao ở đâu trên trời mà rơi xuống đây! Tôi hỏi có chuyện gì thì nàng bước tới, giọng có vẻ đùa cợt là nàng xin vào học lớp tôi dạy. Tôi nói, trời ơi, cô đừng có phá tôi chớ. Nàng cứ giọng đùa cợt nói là muốn xin vào học, bộ thầy không muốn cho học sao. Nàng làm bộ giận dỗi đi nhanh về trước. Tôi nói lớp học ai muốn vào học thì học, cần gì xin phép. Nàng cứ đi nhanh ở phía trước. Tôi lững thững đi chậm phía sau, không thèm bước nhanh theo nàng. Đột nhiên, nàng quay lại nói nhanh và nhỏ “Có gì thì mình về nhà nói chuyện với nhau. Đừng nên đi ngoài đường như vầy, người ta nói bậy về mình không hay”. Nói xong nàng đi thật mau xuống chân dốc và đi như chạy về nhà. Tôi cứ từ từ lững thững đi sau. Tới chỗ hai cây cổ thụ, tôi quẹo về hướng nhà nàng. Nàng đang ngồi chờ ở bàn ăn cơm chỗ bếp nấu ăn ở trước dãy nhà, ánh đèn điện ban đêm hắt ra sáng mờ mờ. Tôi bước vào. Nàng ngước lên nhìn tôi, cười ngại ngùng.

TƯỞNG TÌNH NHƯNG KHÔNG PHẢI TÌNH
TƯỞNG BẠN MÀ THƯƠNG HƠN BẠN
Đêm ấy, nàng và tôi ngồi nói chuyện hơi ngượng ngập với nhau. Cả hai cùng lúng túng, cùng tìm cách nói cho bớt ngượng. Trước kia khi ngồi bên Thu, tôi rất tự tin và dạn dĩ, nói năng dí dỏm. Còn nay khi ngồi với 'tiên sao' thì tôi... nhát, đầu óc mụ mị đi, nói cái gì cũng có vẻ trật lất, và ráng tìm đề tài để nói thì đề tài đi chơi đâu mất. Nàng cũng chẳng hơn gì tôi mấy, nói gì mà... vẩn vơ. Cô Thủy bạn nàng và em trai trên gác xuống, cùng ngồi nói chuyện với nhau. Lúc ấy, không khí ngượng nghịu mới nguôi bớt. Cô Thủy nói năng lanh chanh, chọc ghẹo mơ hồ; em trai nàng ngồi cười hiền khô. Anh chàng có vợ và hai con ở tầng gác dưới bước ra dòm, rồi bước xuống bếp nhìn tôi có vẻ ganh ghét. Anh ta cũng cỡ tuổi anh Hưng, trắng trẻo, đẹp trai, có bà vợ cũng trắng trẻo và xinh xắn, vậy mà anh ta nhìn tôi với tia ghét thấy rõ. Gần giới nghiêm tôi về.

Chiều hôm sau, đi ngang qua nhà nàng, tôi ghé vào thì thấy nàng và Thủy đang ngồi nói chuyện cũng ở bàn ăn tối hôm qua với bốn chàng công tử ăn bận bảnh bao, quần áo lượt là. Nàng nhìn ra thấy tôi. Tôi lẳng lặng quay lưng đi về. Tối hôm sau, khi tôi tới, nàng hỏi tôi sao hôm qua tới mà không vào. Tôi nói thấy nàng có khách nên về. Nàng nói mấy người đó tới nói chuyện chơi thôi, sao tôi không vào nói chuyện chung cho vui. Tôi lắc đầu. Nàng nói “Để Oanh nói cho anh kinh nghiệm này...”. Tôi hỏi kinh nghiệm gì. Nàng nói “Nếu anh đang theo đuổi ai...”. Nàng chợt nín và sửa đổi “Nếu anh sau này có bạn gái, thấy cảnh như vậy thì cứ vào. Bỏ đi như vậy là nhát đó, là yếu lắm !”. Tôi cười trừ “Vào phá đám người ta thì kỳ quá”. Nàng hứ lên, đi lấy mì gói nấu cho tôi và nàng. Thủy và em trai cũng xuống cùng ăn. Anh chàng gác dưới lại giả vờ bước lên, bước xuống bếp vài lần và liếc nhìn tôi căm ghét. Tôi lén nhìn Oanh. Nàng vẻ mặt khó chịu nhìn anh ta rồi quay mặt hướng khác.

Hôm sau, anh chàng gác dưới nhà nàng, làm ra vẻ là Khu trưởng Khu B nơi chúng tôi ở, đi tới nhà bên cạnh tôi nói to căn dặn mọi người chuẩn bị làm vệ sinh và tối đó sẽ có ban Vệ Sinh đi xịt thuốc muỗi. Bước vào nhà tôi, anh ta càng làm ra vẻ nhân vật quan trọng, nói như ra lệnh với mọi người về chuyện vệ sinh; khi nói anh ta nhìn tôi gườm gườm. Hai hôm sau nữa, anh ta lại lấy cớ coi số người ở trong nhà, tới nhà tôi hạch hỏi, nhìn tôi gầm gừ. Tôi ngồi nín thinh. Hôm sau, tôi kêu ông Trưởng Ban Hồ Sơ Người Mới Đến nói rằng ông Khu Trưởng Khu B ghen tỵ khi thấy tôi tới nhà ông nói chuyện với cô Oanh, tôi không thể nói nặng lời với ông ấy vì ông ấy lớn tuổi hơn tôi, vậy nhờ ông nói dùm tôi sao cho ông ta im miệng lại. Ông Trưởng Ban cười “Để tui nói”. Từ đó, anh ta hết dám làm ra vẻ nhân vật quan trọng nữa, mà còn nhìn tôi sợ sệt, khi tôi tới Oanh thì anh ta rút trong phòng với vợ con, hết dám giả vờ lên xuống bếp nữa. Tôi hỏi ông Trưởng Ban nói cái gì mà ông ta sợ dữ vậy. Ông ta nói “Tui nói anh là thông dịch viên của phái đoàn Úc, anh ta lại đang chờ đi Úc, lạng quạng khi vào gặp phái đoàn Úc mà anh xổ cho vài câu để Úc xù là anh ta sẽ ở đảo tới khi đảo mục luôn”. Ông ta và tôi cười ha hả.

Khoảng sau ba bốn hôm tới nhà như vậy, bữa đó tiên sao bất ngờ hỏi tôi “Anh biết Thu không ?”. Tôi giật thót mình nhưng giả vờ nai tơ “Thu nào ?”. Nàng cười khì “Còn làm bộ hỏi Thu nào !”. Nai tơ ngơ ngác “Ở đảo có nhiều Thu, nói như vậy thì ai mà biết Thu nào”. Nàng cười chế nhạo “Thu nào mà anh lúc trước dạy tiếng Anh cho người ta trong thư viện mỗi ngày đó... Thu nào mà anh cứ theo hỏi người ta có chồng ở Mỹ phải không đó...”. Tôi bật cười “À... thì ra Thu người Phan Thiết”. Nàng liếc tôi “Ừ, Thu tới trước chuyến tàu của Oanh một số đó. Bây giờ thì nhớ ra là ai rồi hả. Sao tình gì mà mau quên quá dzậyyy? Nhắc ra chi tiết mới nhớ sao !”. Tôi nói “Chi tiết sai và ý nghĩa cũng sai”. Nàng hỏi “Sao sai ?”. Tôi nói “Người ta có nhờ tôi kèm tiếng Anh ở thư viện nhưng tôi không kèm. Tôi không hề theo hỏi cô ấy có chồng ở Mỹ hay không nhưng cô ấy cho tôi biết là có anh trai ở Mỹ. Từ đó cô ấy và tôi không hề gặp nhau. Hôm bữa cô ta có tới lớp tôi học, rồi cô ấy và bạn lại nhờ tôi tới nhà kèm tiếng Anh có trả tiền mà tôi không chịu. Chi tiết như vậy mới tạm đầy đủ và ý nghĩa cũng rõ rang”. Nàng liếc xéo tôi “Chớ không phải anh năn nỉ tới nhà người ta kèm tiếng Anh sao ?”. Tôi cười ha hả “Làm gì có chuyện đó. Hãy kêu cô ta hỏi trước mặt tôi đi”. Tiên sao im lặng, ngẫm nghĩ gì đó. Một lúc sau, nàng nói “Thu có chồng ở Mỹ, anh biết không ?”. Tôi nói biết. Nàng trừng mắt “Sao biết ?”. Tôi nói “Nghe người đi cùng chuyến tàu của Thu nói”. Nàng gằn giọng “Biết người ta có chồng mà còn theo”. Tôi đưa tay lên than thở “Trời ơi, tôi đâu có theo người ta”. Nàng nói “Người ta bị chồng bỏ rơi đó, anh muốn nhào vô không ?”. Tôi nói “Nếu có chồng mà lôi thôi hoặc không hợp thì bỏ nhau và kiếm chồng khác là có lý do chính đáng, không ai chê trách. Thu có quyền kiếm chồng khác. Nhưng ở đây, không chắc là Thu có ý kiếm tôi làm chồng và tôi thì không thương Thu”. Nàng nhìn tôi dò xét thật lâu. Tôi nói tôi không thương Thu mà tôi đang thương người khác. Nàng nhìn tôi chăm chú, không hỏi nhưng ánh mắt hỏi thật nhiều.

Hai hôm sau, tôi đi lãnh thực phẩm phân phát về gần tới nhà thì tiên sao và Thu đang ngồi sẵn trong nhà nàng, cả hai cùng bước ra, đi mau về phía tôi. Tôi đứng lại chào hỏi hai nàng nhưng mắt tôi nhìn nàng tiên sao nhiều hơn. Nàng nhìn tôi và nhìn Thu. Thu nhìn tôi cười, hỏi thăm hơi nhiều. Tôi lơ đãng trả lời Thu và cứ nhìn tiên sao. Nàng giả vờ quay về nhà lấy bọc để đi lãnh thực phẩm, biểu Thu hãy đi trước, rồi quầy quả bước ngược về nhà. Tôi xách bọc thực phẩm đi nhanh theo nàng. Mặt Thu sa sầm xuống, ngượng ngùng đi lãnh thực phẩm một mình. Tới cửa bếp nhà nàng, tiên sao khuôn mặt tươi rói, hài lòng nói “Thôi, anh mang thức ăn về nhà đi, Oanh còn phải đi lãnh phần của chị em Oanh”.

Tôi thỉnh thoảng tới nhà nàng sau khi dạy học và những buổi khác nữa. Nàng tiên sao và tôi càng ngày càng nói chuyện nhiều hơn. Thủy và em trai chỉ xuống gác ban đầu, rồi càng ngày càng để cho nàng và tôi ngồi nói chuyện riêng với nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn canh cánh bên lòng 'tâm sự tưởng bở' của anh Hưng, nên tôi không bao giờ nghĩ là nàng thích tôi. Chuyện nàng và tôi nói với nhau toàn là chuyện con nít, của tuổi trẻ nhiều hơn là chuyện gì đó nghiêm trọng. Nàng và tôi nhiều khi cãi nhau chí chóe. Có lúc nàng gắt lên “Anh muốn hơn Oanh hả ?”. Tôi nói “Không dám”. Nàng trừng mắt với tôi “Vậy sao anh cứ cãi ?”. Tôi nói “Cãi nhau cho vui. Chớ nói chuyện mà cái gì cũng khen hay, đúng, phải, tuyệt... thì chán chết, phải không ?”. Nàng liếc xéo tôi “Anh nói chuyện với gái mà cãi như vậy thì đời nào có ai thương cho”. Tôi rên rĩ “Có ai thương tui đâu chớ !”. Nàng liếc nữa, cái liếc dài như sao băng. Nàng kể cho tôi nghe ba nàng có vợ nhỏ; nàng thương mẹ lắm nên nàng thường nghe lời mẹ dặn; nàng không tin đàn ông, con trai; theo nàng thì đàn ông gian dối và tham lam hay bắt cá hai tay lắm v.v... Tôi lặng thinh nghe nàng nói mà không biết làm sao để minh oan cho mình.

Từ khi tôi thường tới nhà nàng thì các công tử bảnh bao hết còn lui tới nhà nàng tiên sao nữa. Tôi là khách nam duy nhất.

Một hôm, buổi chiều, tôi vừa tới thì nàng lập tức dẫn tôi lên gác, vừa đi nàng vừa mỉm cười khinh khỉnh với anh chàng gác dưới đang ngồi nhìn lén. Lần đầu tiên tôi được lên giang sơn của tiên, gọn gàng, ngăn nắp, có giường trong góc cho nàng và Thủy, em trai nàng ngủ dười sàn, có chiếc võng giăng ngang gần chỗ ngồi trước gác. Tôi ngồi chỗ cái bàn trước gác nhìn xuống dưới, quay mặt lại phía nàng. Nàng nằm trên võng đung đưa, thân hình hơi nghiêng, đầu hơi chếch về phía tôi đang ngồi đằng sau chỗ đầu nàng, thỉnh thoảng tay nắm võng ngước đầu lên nhìn tôi mà nói chuyện. Một lúc, đột ngột cổ áo vuông của nàng bị trễ xuống, làm hở ra phần trên của bộ ngực, thấy cả soutien bao quanh hai bầu tròn bên trong. Tôi sững sờ, nín thở, lặng người: đẹp quá, trắng quá ! Nàng đang quay đầu nhìn tôi nói, tôi vội nhìn sang hướng khác. Nàng linh cảm có chuyện lạ, ngồi ngay ngắn lên võng, tay kéo quần áo lại cho ngay ngắn, nhìn tôi dò xét. Tôi cảm thấy như mình vừa bị bắt tại trận đang... gian lận, nên làm bộ nhìn thẳng thắn mà nói bâng quơ cho bớt ngượng. Nàng nhìn tôi chăm chăm một lát, rồi rán nín một nụ cười kín đáo.

Bữa nọ, mưa vừa tạnh, nàng và Thủy dẫn tôi đi chợ chiều mua cá và rau. Trên đường về, hai nàng cố tình dẫn đi lối khác cho đường... dài hơn một chút. Bất ngờ gặp vũng nước chắn ngang. Thủy cười lanh chanh nhảy qua vũng nước trước. Tôi nhảy theo sau. Tiên sao lúng túng, mắc cỡ, không dám nhảy qua. Tôi, một cách tự nhiên, chồm về phía nàng, đưa tay ra để nàng nắm mà nhảy qua. Nàng đưa tay tính nằm tay tôi, đột nhiên nàng rút tay lại, rồi nép qua một bên tự nhảy qua vũng nước. Nàng và Thủy đi trước chụm đầu thì thầm điều gì đó và hai nàng cười rúc rích với nhau. Tôi đi sau cảm thấy tâm hồn mình hụt hẫng. Bàn tay tôi còn hụt hẫng hơn: sém chút nữa là bàn tay đã chạm phải tay tiên.

Một đêm, nàng hỏi tôi dịch dùm nàng vài đoạn bài giảng về Kinh Thánh được không. Tôi hết hồn “Trời ơi, tôi dịch chuyện trần tục không thôi, làm sao tôi đủ từ ngữ để dịch Kinh Thánh”. Nàng cười. Sẵn có Thủy đang xuống ngồi đó, tôi nêu thắc mắc “Bên Công giáo, theo tôi biết là hễ ai lấy vợ Công giáo thì phải theo đạo của vợ. Còn bên Tin Lành nếu tôi có vợ Tin Lành thì tôi có phải theo đạo của vợ không ?”. Nàng mắc cỡ đỏ mặt quay mặt ngó sang hướng khác. Thủy chồm tới, đưa hai ngón tay của hai bàn tay quào quào trước mặt nàng “Lêu lêu mắc cỡ”. Tôi lặp lại câu hỏi lần nữa. Nàng cúi đầu ngượng ngùng im lặng. Thủy lại chồm tới quào quào hai ngón tay vào mặt nàng “Lêu lêu mắc cỡ...ê... lêu lêu mắc cỡ”.

Đôi lần, tôi đi lên hội trường làm việc theo ngã sau nhà tôi; đường quanh co chật hẹp nhưng gần hơn. Một bữa, đi ngang qua khu Thanh Nữ độc thân thì Thu đang ngồi ở bàn ăn trước nhà. Tôi ngạc nhiên chào Thu. Thu cười trách móc "Thu thấy anh đi ngang qua đây mấy lần mà anh làm lơ, có vào nhà nói chuyện chơi đâu". Tôi nói là tôi không biết Thu ở nhà đó. Ngồi nói vẩn vơ với nàng vài câu; Thu lại nhờ tôi kèm tiếng Anh tại nhà nhưng tôi lấy cớ bận. Sau hôm đó, tôi tránh đi ngã sau.

Nàng tiên sao và tôi ít nói tới chuyện định cư, không dám hỏi thăm chuyện của nhau. Tôi biết nhiều về chuyện định cư và chuyện phái đoàn nhận người theo chính sách di dân của mỗi nước ra sao nhưng tôi không hề nói cho nàng biết, sợ nàng buồn và lo. Nàng cũng không bao giờ hỏi tôi về chuyện đó. Hai đứa tránh nói tới ngày hai đứa đi hai nước khác nhau. Tôi thầm cầu mong trong lòng là tiên sao cùng tôi sẽ đi chung về một bến, nhưng mong là mong vậy, còn chuyện đi định cư thì tùy ở... phái đoàn các nước. Gần gũi bên nhau mà cả hai hình như cùng sợ ngày ra đi hai nơi. Và tôi luôn luôn canh cánh trong lòng là đừng tưởng bở như anh Hưng mà... mất mặt. Nàng có vẻ kiêu, nhiều tự ái và nghi ngờ. Tôi cũng kiêu, nhiều tự ái và cũng ngờ vực nữa. Cứ coi nhau như bạn, rồi tới đâu hay tới đó.


Được sửa bởi Bi ngày Sat Apr 21, 2012 12:06 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Sat Jun 04, 2011 9:32 am    Tiêu đề: TIÊN SAO
Tác Giả: Bi

MÙA CHIA LY
1986. Tháng 10.

Đầu tháng 10, bất ngờ Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Mã Lai tới thăm đảo bằng trực thăng. Một đoàn khoảng 12 người theo hộ tống; máy bay đáp xuống đồi khu F, nơi đó là nghĩa trang của người Việt bỏ mình trên đảo. Họ đi thật nhanh từ đồi khu F dẫn tới hội trường, chẳng hỏi han thăm viếng người trên đảo, người nào trông cũng phương phi. Phái đoàn nói chuyện với Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ở hội trường thật nhanh khoảng 15 phút. Và rồi họ ra về cũng thật nhanh như lúc tới. Giống như là họ đi chơi đảo mà sợ nắng nóng nên về sớm.

Tuần sau, đột nhiên lại có phái đoàn đặc biệt của Bộ Di Trú Mỹ tới thăm đảo. Phái đoàn chỉ có vài người và họ dẫn theo thông dịch viên người Việt từ Mỹ. Họ họp riêng với các Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, ăn trưa, rồi gọi mọi người trên đảo tới tập trung dưới ngọn đồi tôn giáo để nghe ông Phụ tá Thứ trưởng Bộ Di trú Mỹ nói chuyện. Tôi đứng ở sân banh tennis ngoài vòng người đứng để nghe. Bài nói chuyện chẳng có gì đặc biệt, cứ một câu ông nói thì người dịch dịch sang tiếng Việt nên thành dài dòng. Ông nhắn nhủ mọi người trên đảo yên tâm chờ đợi đi định cư, không nên nản lòng, nhắc nhở chuyện giữ vệ sinh phòng dịch. Tôi thắc mắc họ tới đây để làm gì mà nói chuyện chẳng có gì để mọi người hy vọng. Mọi người trên đảo thì cho là cứ lâu lâu là có các phái đoàn tới thăm viếng, ủy lạo mà thôi.

Tuần sau nữa, có phái đoàn của các Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của 12 nước tới thăm viếng đảo. Khối Hành Chánh Thông Dịch chúng tôi phải chia ra để đi thông dịch với từng Đại sứ riêng rẽ khi họ đi đến từng khu, từng nhà để hỏi han người dân trên đảo. Tôi phải nhận lãnh đi với các Đại sứ nói tiếng Anh được cho là khó nghe nhất, Úc và Tân Tây Lan. Tôi dặn mọi người trong khối là họ hỏi và nói chuyện với dân ra sao thì nên ráng dịch gần đúng như vậy, đừng nên thêm bớt hoặc than thở về chuyện thực phẩm thiếu thốn vì nhóm đại sứ này không có khả năng can thiệp cho chuyện sinh hoạt ăn uống trên đảo, nhưng họ có khả năng tác động về chính sách di dân của nước họ, cho nên hãy tăng thêm về số năm sống trên đảo của người được hỏi khi thông dịch, ví dụ dân nói ở 3 năm thì dịch thành 5 năm v.v... để cho họ thấy là có rất nhiều người ở đảo tỵ nạn với thời gian lâu quá, từ đó mới mong họ thúc đẩy nước họ nhận thêm di dân và tỵ nạn. Tôi dẫn 2 người Đại sứ Úc và Tân Tây Lan đi thăm viếng các nơi trên đảo. Họ chỉ đi đâu và vào khu nào, nhà nào thì tôi dẫn tới đó theo ý họ, để tránh họ nghĩ là trên đảo có giàn cảnh khi phái đoàn tới thăm. Tôi cố ý nói khi thông dịch với họ là số người ở đảo thời gian 3 năm trở lên quá nhiều. Họ ăn trưa với Cao ủy, buổi xế thăm qua loa, sau đó có một buổi văn nghệ nho nhỏ do các em thiếu nhi trình diễn; quần áo các em mặc khi trình diễn làm mủi lòng họ. Buổi chiều họ về.

Khi họ về rồi tôi cứ thắc mắc, suy nghĩ hoài mà không hiểu lý do tại sao lại có nhiều phái đoàn tới thăm đảo đột ngột. Mọi người trên đảo đều cho là cứ vài năm lại có các phái đoàn tới thăm viếng như vậy. Tôi thì nghĩ khác nhưng không tìm ra nguyên nhân của các cuộc thăm viếng. Tôi giống như là cá vào nằm trong rọ, ở bên ngoài người ta làm gì thì mình chịu, chẳng thể nào mà đoán biết được ý muốn của họ.

Nàng tiên sao có hỏi tôi về chuyện phái đoàn đại sứ LHQ, phải chăng có hy vọng là các nước đó sẽ nhận thêm nhiều người tỵ nạn vào nước họ. Tôi ậm ừ trả lời rằng mong sao được như vậy, còn ý định của họ thì tôi không sao đoán biết được. Tôi chỉ lờ mờ đoán là sẽ có điều gì đó thay đổi trên đảo Bidong mà thôi.

Bà Cao uỷ trưởng gọi tôi vào nói cho biết là phái đoàn Canada sẽ vào hai người vào tuần lễ cuối tháng 10 để làm việc trong 3 ngày. Bà nói họ vào sớm hơn thường lệ, rồi tám tháng sau họ mới vào lại. Họ sẽ thanh toán cho xong các hồ sơ bảo lãnh thân nhân sang Canada mà đợt trước chưa làm xong vì quá nhiều, sau đó sẽ làm tiếp các hồ sơ bảo lãnh thân nhân mới từ Canada và các người mới tới đảo sau này có thân nhân trực hệ đang sống ở Canada, phần thời gian còn lại thì họ sẽ nhận thêm một số người theo diện nhân đạo. Bà cho biết là hồ sơ của tôi sẽ được đưa vào gặp Canada kỳ này, chắc chắn tôi sẽ được nhận nên hãy để cho hồ sơ tôi vào phỏng vấn cuối cùng, nên nhường cho các người khác được phỏng vấn trước. Bà nói cho biết các hồ sơ nhân đạo là những người nào, ở đảo quá lâu khoảng 5 năm hoặc lâu hơn, để tôi biết mà làm việc sao cho nhanh để cho phái đoàn Canada nhận được nhiều người. Tôi không muốn chờ đi Mỹ lâu hơn nữa vì giấy tờ của tôi bị trục trặc thành ra bị nghi ngờ, bây giờ tôi chỉ còn nước đi Canada mà thôi. Đi Úc thì tôi đã từ chối rồi.

Đêm đó, khi tôi nói cho tiên sao biết là tôi sẽ gặp phái đoàn Canada kỳ đó thì nàng có vẻ buồn lắm, tuy nhiên nàng vẫn cố chúc mừng tôi là sắp được rời đảo. Tự nhiên, hai đứa ít nói, rất buồn nhưng ráng làm vẻ vui. Mắt nàng buồi rượi, cứ nhìn đâu xa xôi, suy nghĩ mông lung. Tôi cũng buồn lắm, không biết nói gì cho nàng vui. Mọi người chung quanh ai cũng chúc mừng tôi; họ chắc chắn là tôi sẽ được nhận vì tôi làm thông dịch cho phái đoàn thì làm sao mà họ nỡ 'xù'.

Mấy ngày trước khi phái đoàn Canada vào, tôi ít tới nhà nàng, cứ nằm nhà mà suy nghĩ là có nên đưa ra đề nghị với nàng là tôi sẽ khai với phái đoàn Canada nàng là fiancé để xin cho nàng và em trai nàng cùng đi với tôi sang Canada. Chỉ có khai là fiancé, yêu nhau trên đảo, thì mới mong xin đi chung được, không thể khai cách nào khác để xin đi chung. Nhưng hễ nghĩ tới 'tâm sự tưởng bở' của anh Hưng là tôi lại ngại ngùng, không dám nói. Trước đây, nàng phải đối xử với anh Hưng sao đó mới làm cho anh ta tưởng bở là nàng thích và yêu anh, để rồi anh mang...hận. Nàng đối với tôi lâu nay cũng chỉ như là bạn thân, lạng quạng tưởng bở là nàng thích mình thì mang... hận thiên thu. Tôi cứ loay hoay với ý nghĩ đó. Tôi thương nàng, mong muốn cho nàng được đi định cư và rời đảo sớm cho bớt khổ, nhưng lại ngại ngùng khi nói ra, chỉ vì phải khai nàng là fiancé trong hồ sơ. Còn nếu như nói với nàng rằng tôi chỉ khai nàng là fiancé để giúp nàng đi định cư mà thôi, sau này khi sang Canada rồi thì hai đứa coi nhau như bạn, đường ai nấy đi, không mắc nợ gì nhau thì sợ nàng càng không tin rằng không có ai mà có lòng tốt như vậy, điều đó càng khiến cho tôi ngại ngùng hơn. Tôi cứ loay hoay, băn khoăn... mất mấy ngày mà không tìm ra giải pháp.Cuối cùng, tôi quyết định là nàng, cho tới nay, vẫn đối xử với tôi như bạn, không có gì gọi là tình yêu, chưa bao giờ nói yêu, chưa bao giờ hun nhau, chưa bao giờ cầm tay nhau, vậy thì, đơn giản hai đứa là bạn, có thể hơn... bạn một chút cũng được.

Phái đoàn Canada vào, tôi bận túi bụi làm việc với họ từ 9 giờ sáng đến tận 8 giờ tối hai ngày đầu, khi về tới nhà là tôi mệt lử vì nói nhiều quá, ăn xong là ngủ ngay, không tới nhà nàng mà trò chuyện. Hai hôm đó, tôi quên hẳn nàng.

Hôm thứ ba, ngày cuối cùng của phái đoàn làm việc với các hồ sơ nhận nhân đạo. Buổi sáng trôi qua êm ả. Buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, tôi ôm cặp hồ sơ của mình tới hội trường sớm vì tôi phải luôn tới trước phái đoàn và cũng vì buổi chiều đó là tới phiên tôi sẽ được phỏng vấn cuối cùng. Tôi, quần áo cũ xì bụi đời, lẳng lặng đi cô đơn một mình, không có ai đi theo ủng hộ như những người khác. Khi đi ngang Ban Xướng Ngôn Phát Thanh, tôi thấy cô Thu làm trong ban đó đang ngồi nhìn ra. Nhiều người đã tụ tập sẵn ở hội trường. Thấy tôi tới sớm, họ bu lại hỏi han chuyện phỏng vấn. Tôi phải nói với họ là đừng có nói chuyện với tôi, không khéo phái đoàn và Cao ủy tưởng là tôi bày vẽ cách trả lời cho mọi người thì bất lợi lắm, họ mới tản ra xa tôi. Tôi ngồi im lặng ở góc nhà hội trường, trước mặt là cây sộp cổ thụ to lớn vô cùng, gốc cây dễ phải tới bốn người ôm mới hết, suy nghĩ vẩn vơ tới tiên sao, ôn nhẩm lại các câu sẽ trả lời với phái đoàn, rồi lại suy nghĩ vẩn vơ tới tiên sao...

Bất chợt có hòn sỏi ai quăng vào người tôi. Nhìn quanh chẳng thấy ai, tôi lại suy nghĩ vẩn vơ tiếp. Lại một hòn sỏi nữa quăng vào mình tôi, lần này thì tôi chắc là có người ném sỏi vào mình, nhưng nhìn quanh thì chẳng thấy ai, mấy người đang chờ phỏng vấn thì ở xa đằng kia. Tôi nhìn chăm chăm vào gốc sộp cổ thụ. Cô Thu từ gốc cây sộp ló ra, định quăng hòn sỏi vào tôi nữa, thấy tôi nhìn cô ta cười bẽn lẽn bước tới tôi. Cô ta nói "Biết anh vào gặp Canada phỏng vấn hôm nay nên Thu tới chúc may mắn". Tôi cảm động nói cám ơn, nàng là người duy nhất tới ủng hộ tôi trước cuộc phỏng vấn. Thu cứ nhìn tôi cười tươi rói, mặt rạng rỡ vô cùng, làm như nàng là người sắp vào phỏng vấn chớ không phải tôi. Tôi cố tìm lời an ủi nàng, rằng tôi ở đảo cũng lâu rồi nên giờ được phỏng vấn đi định cư cũng là vừa, rằng tôi mong hồ sơ của nàng sẽ được Mỹ cứu xét sớm để rồi cũng sẽ rời đảo sớm v.v.. Tôi cứ ráng nói cho nàng đừng buồn. Nàng cứ đứng nhìn tôi cười tủm tỉm, mặt vui rạng rỡ vô cùng. Tôi thắc mắc không hiểu sao nàng quá vui? Nàng hỏi tôi nói xong chưa. Tôi ngưng nói, nhìn nàng thắc mắc. Nàng nói là nàng vừa có tên rời đảo theo danh sách đặc biệt, mới biết hai hôm nay. Tôi ngạc nhiên, hỏi 'danh sách đặc biệt' là gì mà tôi chưa từng nghe qua. Nàng nói là nàng đi theo diện được Mỹ tái cứu xét, chỉ có một mình nàng rời đảo theo danh sách đó. Nàng cho biết là nàng sẽ rời đảo vào tuần sau, chúc tôi may mắn được phái đoàn Canada nhận, và hẹn gặp tôi ở trại chuyển tiếp Sungei Besi. Nói xong nàng bỏ đi thật nhanh, nói rằng vì phải về làm việc lại, đang làm mà bỏ đi gặp tôi.

Buổi chiều đó, phái đoàn Canada làm xong các hồ sơ sớm. Khi hồ sơ cuối cùng của tôi đưa vào, tôi chuyển sang ngồi ghế của người được phỏng vấn, ông Canadian ngạc nhiên "Ah, là mày ?". Tôi cười, gật đầu. Ông chăm chú đọc hồ sơ của tôi khoảng ba phút, rồi nói rằng theo thủ tục thì ông vẫn phải hỏi tôi toàn bộ các câu hỏi dù rằng tôi đã biết các câu hỏi đó. Sau cùng, ông hỏi tôi muốn hỏi gì không. Tôi xin được cho về Toronto. Ông hỏi tại sao. Tôi nói là tôi muốn về thành phố lớn để tìm việc làm và việc học cho dễ, hơn nữa tôi có nhiều bạn quen đi trước đang ở Toronto. Suy nghĩ một lúc, ông nói là theo chính sách di dân của Canada thì chỉ những người đang có thân nhân ở Toronto mới đưọc đưa về đó, còn các người khác thì được đưa về các thành phố nhỏ, sâu trong nội địa Canada để phân tán ra cho dễ hội nhập vào xã hội mới, nhưng vì tôi làm việc cho phái đoàn Canada mấy kỳ rồi, cho nên ông sẽ viết vào hồ sơ tôi là 'muốn về Toronto' rồi tuỳ Bộ Di Trú quyết định, có thể là tôi sẽ được đưa về vùng phụ cận Toronto, rồi từ đó tìm cách về Toronto cũng dễ. Tôi chấp nhận.

Chiều đó, từ hội trường tôi ghé vào nhà tiên sao, làm bộ mặt rất là thiểu não. Nàng đang ngồi ở chỗ bàn ăn một mình, như có vẻ chờ tôi, mặt buồn xo. Tôi bước vào, nàng ngẩng mặt nhìn có vẻ buồn mà không hỏi, nói gì hết. Thủy bạn nàng và em trai nàng trên gác chạy xuống hỏi tới tấp về chuyện tôi gặp phái đoàn Canada ra sao. Mọi người ở chung quanh cũng bu lại hỏi thăm. Tôi giả vờ buồn thiu, mặt rầu rĩ lắc đầu "Rớt rồi !". Ai cũng không tin vì tôi làm thông dịch mà rớt phỏng vấn. Thủy hỏi hoài "Rớt ? Xạo quá nhen". Em trai nàng ngồi cười không tin hiền khô. Ai hỏi, tôi đều lắc đầu, cứ nói rớt. Nàng nhìn tôi và gắt nhẹ "Anh vào gặp phái đoàn Canada ra sao ?". Tôi nói "Rớt". Nàng bĩu môi. Thủy la lên, không tin, không tin. Tôi lắc đầu chán nản "Tới Canada tôi chắc chết, vì lỡ làm rớt trái tim ở lại Bidong !". Nàng tiên sao ngượng ngùng ngồi xoay lưng lại phía tôi. Thủy chồm tới nàng chọc "Lêu lêu mắc cỡ.... ê.... lêu lêu mắc cỡ".

HẠT SÓNG
Từ hôm được Canada nhận, tôi ít lui tới nhà nàng tiên sao vì không khí buồn và gượng gạo giữa hai bên. Nhiều khi ngồi với nhau chẳng biết nói chuyện gì. Cảm thấy hơi vui vì sắp sửa đi định cư sau hơn hai năm rưỡi chờ đợi ở đảo nhưng đồng thời trong đầu tôi là những mối lo mới, lo cho những ngày gian nan đang chờ đợi ở phía trước. Không còn là những ngày chờ lãnh thực phẩm phân phát và buồn rầu nữa, không còn là những ngày dài chờ đợi đi định cư vẩn vơ nữa, mà ở phía trước tương lai là những trách nhiệm, lo toan, việc làm, việc học v.v... Bận rộn trong đầu như vậy, mà nàng tiên sao thì chưa biết sẽ đi định cư về đâu, cho nên tôi không muốn tới nhà nàng để rồi cảm thấy phân vân.

Tôi nghỉ dạy học, lấy cớ là chuẩn bị rời đảo sớm, và cũng nghỉ luôn buổi dạy chữ Việt cho bà bác sĩ Mỹ ở bệnh viện. Bà bác sĩ tặng tôi một cuốn sách về thành ngữ tiếng Anh, $20, và vài thỏi kẹo chocolates. Tôi mang về đưa cho chị em tiên sao, Thủy, còn bao nhiêu thì những người ở chung nhà ăn hết sạch trong một ngày kể cả $20.

Một đêm, tôi và tiên sao ngồi ở bàn ăn của nhà bếp đằng trước với nhau. Chỉ có hai đứa. Tôi kể cho nàng nghe truyện ngắn 'Những Vì Sao' của Alphonse Daudet: "Có chàng chăn cừu nọ quanh năm sống cô đơn trên triền núi chăn cừu cho chủ trại, lâu lắm mới được xuống núi về làng một lần, có khi mấy tuần lễ không thấy bóng người. Hai tuần một lần, chủ trại cho thằng nhỏ giúp việc hoặc bà bếp già mang thức ăn lên núi cho chàng. Chàng thường yêu cầu họ kể cho chàng nghe về các chuyện xảy ra dưới đồng bằng và trong làng, nhưng điều mà chàng chú ý và thích nghe hơn cả là chuyện về cô tiểu thư con chủ trại. Chàng làm vẻ như rất vô tình hỏi về nàng, có đi dự dạ hội nhiều không, có nhiều chàng trai tới tán tỉnh không v.v... Những chuyện về cô tiểu thư có lợi cho thân phận nghèo hèn của chàng không thì chàng không biết, chỉ biết rằng đối với chàng, nàng tiểu thư con chủ trại là thiếu nữ đẹp nhất trần gian. Một bữa nọ, tới phiên ngày thằng nhỏ mang lương thực lên, nhưng chờ tới trưa, sau trận mưa lớn qua đi, vẫn không thấy ai mang lên. Chờ tới xề chiều chàng chăn cừu mới nghe tiếng leng keng của con la đang lên dốc. Không phải thằng nhỏ giúp việc, cũng không phải là bà bếp già, mà là... cô tiểu thư mang lương thực lên cho chàng. Thằng nhỏ bệnh, bà bếp già về quê thăm con, nên tiểu thư phải mang lương thực thay thế.
Nàng vui vẻ, nhí nhảnh, tò mò hỏi thăm chỗ ăn, chỗ ở của chàng vì cái gì đối với nàng cũng lạ. Chàng ngơ ngẩn và mừng quá nên không nói thành lời. Chưa bao giờ chàng có dịp thấy nàng gần như vậy và nay lại còn được nghe nàng hỏi chuyện, trước đây chàng chỉ thấy nàng thoáng qua từ xa trong trang trại và nàng thì không bao giờ nói chuyện với người làm. Sau đó, nàng về. Chàng ra ngồi đầu con dốc ngẩn ngơ, thấy hồn mình như chảy trôi về xuôi dưới đồng bằng, từng viên sỏi theo chân la đang rơi vào lòng mình. Chiều đến, chợt chàng nghe tiếng gọi: nàng tiểu thư đang trở lại, lạnh và ướt. Mưa lớn làm con suối nước dâng lớn, nàng và con la không qua được, phải trở lại ở qua đêm. Nàng lo lắng và muốn khóc. Chàng cố an ủi nàng, nhóm lửa cho nàng hong khô bộ áo ướt sũng và hơ chân, đem sữa và phó mát cho nàng ăn uống. Đêm đến, chàng lót chăn ấm cho nàng ngủ trên giường, còn chàng ra ngồi ngoài cửa lều ngắm sao, canh chừng giấc ngủ cho nàng. Bỗng tiểu thư bước ra ngồi bên cạnh chàng; nàng, không ngủ được vì lạ chỗ và tiếng động của đàn cừu.  Chàng kể cho nàng tiểu thư nghe về các vì sao, sao nào tên gì, mọc lặn khi nào, và đám cưới của sao trên trời v.v.. Nàng nghe kể chuyện sao và ngủ gục trên vai chàng. Đêm đó, trên bầu trời những vì sao vẫn tiếp tục di chuyển ngoan ngoãn như đàn cừu, và với chàng chăn cừu, có một vì sao đẹp nhất, thanh tú nhất trên trời đi lạc, rơi xuống đậu trên vai chàng
."

Nàng tiên sao nghe xong, nét mặt có vẻ thích thú vì đoán biết là tôi muốn ám chỉ cô tiểu thư trong truyện là ai, nhưng nín thinh, ngồi ngó ra ngoài với nụ cười mỉm. Một lát sau, nàng mới nói nhẹ "Hình như Oanh đã đọc chuyện đó ở đâu rồi!". Tôi nói "Còn tôi thì hình như tôi đã sống trong truyện đó lâu rồi". Nàng nhìn tôi thắc mắc. Tôi giải thích "Cách đây một năm, tôi đang ngồi trên căn gác nhà tôi thì bất chợt có một ngôi sao đi ngang qua. Tôi lỡ dại kêu tên ngôi sao làm cho ngôi sao biến mất. Phải mất một năm sau, một đêm mưa gió trên ngọn đồi tôn giáo, ngôi sao ấy mới lại hiện ra và lần đó ngôi sao gọi tên tôi. Tôi không biến mất như sao, mà tôi đang mất linh hồn mình". Nàng hiểu ra, cười thích thú, hướng mắt ngó ra ngoài trời đêm. Hai bên im lặng khá lâu. Rồi tôi nói "Mà lạ lắm nhen!". Nàng ngạc nhiên quay lại nhìn tôi "Anh nói cái gì lạ?". Tôi nói "Sao ở trên trời thì xa là phải rồi. Nhiều khi sao ở gần ngay bên mình mà coi lại thì dường như cũng cách xa cả triệu năm ánh sáng". Nàng nhìn tôi thật nhanh với đôi mắt long lanh như hai vì sao sáng, rồi quay mặt nhìn ra ngoài, mái tóc dài che nghiêng khuôn mặt đẹp rất buồn. Ánh sáng truyền đi vừa là hạt, vừa là sóng. Hạt sóng nào vừa truyền xạ vào mắt tôi, khúc xạ xuống tâm hồn và nằm yên ở đó.

CUỘC ĐỜI LÀM CHO ĐÔI BÊN YÊU NHAU CÁCH MỘT BIỂN SÂU
Cuối tháng 12, trước Giáng Sinh, tôi có tên trong danh sách rời đảo để qua trại chuyển tiếp Sungei Besi gần thủ đô Kuala Lumpur chờ khám sức khỏe, điều tra lại hồ sơ, và chờ chuyến bay.

Ngày cuối cùng ở đảo, tôi đi khắp các người quen biết để chào từ giã. Tôi cố tình để tới ban đêm mới tới nhà nàng tiên sao. Buổi tối, khi đi về ngang đồi khu D, cô giáo dạy Văn cấp ba ngó thấy, gọi tôi "Ê, đi dâu đó ? Dô đây nói chuyện chút đi !". Chị có thân nhân trực hệ ở Canada, kỳ trước chưa tới phiên phỏng vấn, lần này vừa được phái đoàn Canada nhận cùng lượt với tôi, tôi thông dịch cho hồ sơ chị. Mỗi lần gặp nhau là chị cứ nói trỏng với tôi, đại từ xưng hô biến đâu mất hết. Chị vui vẻ mừng là sẽ cùng tôi rời đảo một lượt, mong sẽ cùng nhau đi Canada cùng chuyến bay luôn. Tôi nói chuyện đó còn tùy ở khám sức khỏe, và còn tùy vùng nào ở Canada mà mình sẽ tới vì các chuyến bay được đặt vé theo từng vùng cho tiện. Chị biểu tôi hãy ngồi nói chuyện với chị cho tới giới nghiêm mới về. Tôi nói là còn mấy người quen nữa chưa tới từ giã.

Khi bước ra về, đi mấy bước, tôi gặp cô Giang đang ngồi ở bàn ăn trước nhà cầm sách đọc. Hồi nãy bước tới nhà cô giáo Văn thì không thấy, bây giờ bước ra thì thấy cô ta. Đây là lần thứ hai mà tôi gặp Giang, lần trước gặp ở buổi party của Quang, bồ nàng, nhưng hai bên chưa hề nói chuyện với nhau. Tôi ngừng lại chào từ giã nàng. Nàng nhìn tôi có vẻ mắc cỡ, ngại ngùng và hơi... sợ. Thấy vậy, tôi tỉnh bơ ngồi xuống nói chuyện như bạn cho nàng hết sợ. Tôi hỏi Quang có gửi thư về không vì tôi biết là Quang vẫn còn ở bên Sungei Besi. Nàng không trả lời. Tôi hỏi lại lần nữa, nàng lí nhí nói có. Tôi an ủi nàng là ai rồi cũng rời đảo, tôi tới trước rời trước, nàng tới sau rời sau, chắc hồ sơ nàng đi Mỹ rồi cũng sẽ được tái cứu xét vì nàng có thân nhân ở Mỹ. Nàng cứ im lặng, ngượng ngùng không nói gì hết, sau cùng chỉ lí nhí chúc tôi lên đường may mắn. Tôi hỏi nàng có gửi thư cho Quang không thì tôi mang qua Sungei Besi cho. Nàng lắc đầu. Tôi ngạc nhiên thì nàng lại lí nhí là 'gửi rồi'.  Thấy nàng có vẻ ngượng và sợ quá nên tôi chào ra về. Nàng lại lí nhí chào và nhìn tôi thật nhanh như tia chớp.

Khi tôi bước tới nhà tiên sao thì đã 10 giờ đêm. Nàng đang ngồi im lặng một mình ở bàn ăn trước dãy nhà. Tôi bước vào trong thinh lặng. Nàng ngước nhìn tôi không nói gì hết. Tôi lẳng lặng ngồi xuống đối diện nàng. Tôi nhìn nàng. Nàng thì cúi đầu tránh nhìn tôi. Hai đứa cứ ngồi lặng thinh như vậy khá lâu. Sau cùng, nàng lẳng lặng đứng dậy bước tới bếp nấu mì gói. Mì gói là món ăn phổ biến và thường trực ở đảo Bidong, tiêu chuẩn lãnh là mỗi người một gói mỗi ngày. Ai có tiền thì mua nhiều thêm mà ăn, mua từ những người ớn quá không ăn nỗi nữa hoặc từ những người có tiền nhiều không thèm ăn. Tôi biết là nàng tiên sao chỉ có bà con xa ở Úc lâu lâu gửi tiền sang giúp cho một lần, không có tiền nhiều, chỉ đỡ hơn tôi một chút vì tôi không có ai gửi cho. Tôi thề là khi nào rời khỏi Bidong thì tôi sẽ không bao giờ đụng tới mì gói nữa vì... sợ quá. Nàng nấu chỉ một tô, mang tới đặt trước mặt tôi "Anh ăn đi". Tôi hỏi sao nàng không ăn. Nàng nói no rồi. Tôi nói tôi cũng no rồi. Nàng gắt nhẹ "Anh ăn đi khéo nguội". Tôi lắc đầu, làm sao tôi ăn cho nỗi. Tôi biểu nàng đem một tô không tới để tôi chia làm hai và hai đứa cùng ăn, nhưng nàng lắc đầu ngồi im lặng. Tôi không bụng dạ nào mà ăn. Nàng lại gắt "Anh ăn đi, không thôi mì nở hết". Tôi lắc đầu. Nàng có vẻ giận dỗi, kéo tô mì gói về phía nàng và cúi đầu ăn nhỏ nhẹ như mèo. Tôi ngồi im lặng nhìn nàng ăn mì. Nàng ăn từng muỗng nhỏ, cúi đầu tóc che mặt buồn bã.
yêu em mà không dám nói
sợ rằng phải nói anh đi
yêu em mà không dám hẹn
sợ rằng đời mãi phân ly
yêu em anh yêu tất cả
vầng sao sáng đẹp trên trời
ngày mai dù đời vạn ngã
lòng anh một vì sao rơi

Tôi đọc thầm trong đầu, không dám đọc thành lời. Sợ nàng khóc.

Sau cùng, thu hết can đảm, tôi nói "Hay là Oanh viết cho tôi lý lịch của hai chị em, để khi tới Canada tôi coi có cách nào giúp Oanh không ?". Nàng cúi gầm mặt xuống tô mì, bối rối, nhưng mỉm cười kín đáo có vẻ hài lòng. Nàng đứng dậy đi đổ bỏ nửa tô mì ăn dở, ra bên ngoài rửa tô thật lâu. Khi nàng trở vào thì tôi thấy mặt nàng bớt buồn nhưng cặp mắt rất buồn. Nàng ngồi xuống im lặng. Tôi hồi hộp chờ đợi. Cuối cùng, nàng nói "Anh chị của Oanh đang ở trại tỵ nạn bên Thái Lan có gửi thư cho Oanh biết là chắc sẽ được gặp phái đoàn Mỹ kỳ tới". Tôi ngạc nhiên khi biết là nàng có anh chị bên trại Thái Lan, lâu nay không nghe nàng nói. Tôi hỏi "Vậy là Oanh sẽ đi Úc hay đi Mỹ ?". Nàng nói "Không biết. Chắc phải chờ anh chị đi đâu thì Oanh đi theo đó". Lệ của các trại tỵ nạn là những người thân thuộc ở các trại tỵ nạn khác nhau thì sẽ phải chờ đi chung với nhau cùng một nước, thường là người nào trong gia đình được phái đoàn nước nào nhận thì những người thân còn lại ở các trại khác phải chờ phái đoàn nước đó vào phỏng vấn để đi theo cùng một nước.

Tôi nói "Như vậy là Oanh chờ đi theo anh chị ?". Nàng nói "Có lẽ vậy vì đó là điều bắt buộc mà ". Hai đứa lại rơi vào im lặng. Nàng không dám nhìn tôi lâu. Nàng nhắc tôi biết là sắp tới giờ giới nghiêm. Tôi nói lời từ giã, không dám hẹn ngày gặp lại. Nàng cúi đầu u buồn. Nàng biểu tôi chờ một chút, rồi chạy lên lầu mang xuống đưa cho tôi một bọc gói kín. Tôi không lấy. Nàng ấn vào tay tôi "Anh không lấy thì đừng bao giờ nhìn mặt Oanh nữa". Tôi đành phải cầm lấy. Nàng cúi đầu nói mau "Ngày mai anh đi, Oanh sẽ không ra cầu jetty đưa tiễn đâu". Tôi ngạc nhiên "Sao vậy ?". Nàng nói "Người khác thì Oanh ra tiễn, còn anh thì Oanh không ra tiễn". Tôi ngạc nhiên hơn "Tại sao ?". Nàng nói nhỏ và nhanh "Người khác Oanh coi như bạn nên đưa tiễn, còn anh thì Oanh coi... khác nên không tiễn". Tôi sửng sốt "Khác... là sao ?". Nàng ngượng ngùng bỏ chạy nhanh lên gác "Không biết !". Tôi cầm bọc nylon về nhà. Cận giờ giới nghiêm. Mấy người trong nhà mở bọc của tiên sao cho ra: một gói bánh khô, một lon nước, hai gói thuốc, một hộp quẹt. Họ thi nhau ăn và hút liền tức thì. Được tiền bao nhiêu do dạy học, tôi đã mua thức ăn và thuốc cho những người ở chung nhà, còn thì chia nhau mỗi người chút đỉnh, tôi rời đảo trắng tay với chỉ hai cây thuốc trong giỏ.

Đêm đó, tôi trằn trọc khó ngủ vì là đêm cuối cùng ngủ ở đảo, suốt đời sẽ không bao giờ có dịp trở lại đảo Bidong nữa. Càng khó ngủ hơn khi tôi nhớ lại câu nói của tiên sao "người khác Oanh coi như bạn nên đưa tiễn, còn anh thì Oanh coi... khác nên không tiễn". Tôi không thể hiểu nỗi ý nàng muốn nói "khác" là khác cái gì ?! "Khác" trên bạn hay "khác" dưới bạn ? Cuối cùng, tôi đành phải công nhận đó là câu nói duy nhất của nàng từ trước tới giờ làm cho tôi... xóc tim.

Sáng hôm sau, tôi mang giỏ nhỏ trên vai trong có chứa hai bộ quần áo, lên đường ra tàu rời đảo. Khi bước ra, tôi nhìn về phía nhà nàng tiên sao. Nàng đứng trong góc trên gác, lặng lẽ nhìn theo.
Về Đầu Trang
ledinhduc
Niên Khóa 1968-1975


Ngày tham gia: 12 Jan 2008
Số bài: 801
Đến từ: PR/SG/California/Arizona

Bài gửiGửi: Sat Jun 04, 2011 8:10 pm    Tiêu đề:

Cám ơn Bi đã kể câu chuyện về Bidong thật hay.

Bi đến đảo năm 1985 khi Bi được 22, còn anh đến Bidong vào nặm 1980 khi anh 23 tuổi  ...vậy thì Bi học Duy Tân năm đầu khi anh đang học lớp 12 ...

Thu đi cho lá vàng bay
Gió đi cho đám cưới về
Chiều nay người em nhỏ bé
Ngồi trên kiệu hoa
Tình duyên đành dứt ...

Ngày xưa anh cũng quen một cô tên Oanh, Mỹ Oanh chứ không phải Kim Oanh như người trong chuyện của Bi ...

Anh cũng làm việc ở cái Thư Viện mà Bi nhắc tới ...có điều anh có cái chìa khoá của cái căn nhà tiền chế ấy (vì anh là trưởng ban nhân viên của TV mà) nên nhiều đêm anh rũ mấy bạn cùng Ca-Đoàn ngủ lại trong ấy luôn ...

Chà, chàng chăn cừu tên Bi cũng mơ mộng dữ hen ....

Chắc ngày rời đảo, Bi cũng được nghe bài "Biệt Ly" hay là bài "Ngàn Trùng Xa Cách" ...

Đưa người ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng ...

Không biết tiếng sóng của Bidong hôm rời đảo năm nào , có còn vang vọng trong lòng của Bi bây giờ ....


LĐ.Đ.
_________________
Thời gian trôi qua, tình quê không phôi pha.....
Về Đầu Trang
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Mon Jun 06, 2011 11:27 am    Tiêu đề: Trả lời LDD

Hi Đại Huynh LDD:
Cám ơn đại huynh đã xoa đầu khen tiểu đệ. Tiểu đệ là lớp đàn em sau cùng của TH Duy Tân. Một năm THDT thì mãi mãi là dân THDT. Thỉnh thoảng tiểu đệ sẽ post bài viết lên đây cho gia đình THDT. Viết là để nhắm nói điều gì đó về cuộc sống và tình cảm thôi, chớ không phải là 'phe' tài đâu nhen. Mong các huynh và tỷ hiểu dùm cho.
Về Đầu Trang
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Mon Jun 06, 2011 11:31 am    Tiêu đề: TIÊN SAO
Tác Giả: Bi

MARANG NGÀY TRỞ LẠI
Marang. Terengganu.

Marang trước là trại lính nhỏ, sau lấy làm trại chuyển tiếp cho người tỵ nạn. Muốn ra đảo Bidong, phải ghé vào Marang ở lại chờ tàu đưa ra. Vào đất liền, phải ghé vào Marang ở lại chờ chuyến xe bus đi tiếp. Trong trại có một nhà lớn, dài xây bằng ximăng, bên trong có để nhiều giường cá nhân theo từng hàng dọc, dành làm chỗ ngủ cho người ghé vào đó. Bên ngoài là chu vi sân đất rộng lớn, có nhiều cây che bóng mát, nhiều nhất là cây dừa rất cao. Có một dãy phòng tắm và cầu tiêu công cộng ở cuối sân. Có một giếng nước, nước lợ như ở các vùng ven biển khác. Ngoài hàng rào phía đông là biển mênh mông, phía tây là con đường lộ dẫn ngang qua. Chung quanh trại là vùng thôn quê, nhà ở cách xa nhau, nhà nào cũng có vườn cây um tùm.

Hai năm bảy tháng về trước, 12/5/1984, tôi đã từng được đưa tới đây bằng tàu từ cực nam của nước Mã Lai, gần Singapore, chờ ở đây hết ba ngày vì biển động, mới có tàu chở ra đảo Bidong. Buổi chiều hôm cuối tháng 12/1986 đó, tàu lại đưa tôi từ Bidong ghé vào Marang. Mọi người được phát một phần cơm nấu sẵn, một lon nước ngọt, và một... gói mì.

Ăn xong, tôi đang lui cui rửa mặt mũi tay chân ngoài giếng nước thì chị giáo Văn cấp ba gọi tôi "Nè...Dô đây nói chuyện chút đi. Làm gì sạch sẽ quá dậy ?" Tôi cười, lau sạch sẽ, bước vào ngồi giường gần giường chị. Chị biểu tôi đêm nay ngủ gần chị để nói chuyện với nhau. Tôi nói không sợ tôi mộng du ban đêm đi bậy qua giường chị hay sao. Chị lườm tôi âu yếm. Chị hỏi "Xa Bidong buồn không ?" Tôi cười "Ở Bidong thì ai cũng mong muốn mau ra đi, sao lại buồn ?". Chị nhìn tôi thăm dò "Bộ không nhớ ai sao ?". Tôi nói "Đâu có ai mà nhớ !". Chị nói không tin. Tôi hỏi chị sao không tin. Chị nói hồi đêm qua thấy tôi ngồi nói chuyện với Giang. Tôi ngẩn người, rồi chợt nhớ ra Giang ở gần nhà chị. Chị cười "Có gì với người ta không ?". Tôi nói "Không. Giang là bồ của Quang, mà Quang là bạn quen tôi mà". Chị nói thì chị cũng biết là Giang là bạn gái của Quang, cả hai đi cùng tàu vượt biên với chị. Tôi hỏi vậy sao chị còn nghi tôi. Chị cười tinh ranh nhìn tôi, không nói gì hết. Hai chị em nói chuyện vớ vẩn. Chợt chị nói "Giang nó gửi thư nhờ tui mang qua cho Quang, muốn coi hông ?". Tôi nói không, vì thư tình của người ta mà coi cái gì. Chị nói vì thư gửi tay nên không có dán kín, chị đọc lén rồi, mùi mẫn lắm. Tôi lắc đầu, không muốn đọc lén. Chị lại ép tôi, bắt phải đọc. Biết chị nghi ngờ tôi có tình ý với Giang nên tôi đành phải đọc cho chị hết nghi ngờ. Lá thư mùi còn hơn cải lương, đại khái "từ ngày anh đi, đêm nào em cũng nhớ anh, đêm nào em cũng khóc....nếu có anh ở bên em thì em sẽ bắt anh đền....em sẽ bắt anh hôn thiệt nhiều để đền bù ....". Tôi cười ha hả, bỏ thư xuống không đọc tiếp nữa. Chị giáo văn cũng cười khúc khích "Thấy làm sao ?". Tôi lắc đầu "Sao mà thiên hạ tình tứ với nhau quá, làm cho tui tủi thân ghê, cô đơn ơi là cô đơn !". Chị lườm yêu tôi "Tại không muốn đó chớ". Tôi hỏi "Ở đâu mà muốn ?". Chị liếc xéo "Ở đâu thì tự biết !". Tôi thở dài, nghĩ tới tiên sao còn ở Bidong. Chị tưởng tôi nghĩ tới Giang, nên nói "Giang có bồ rồi, thôi đừng nghĩ ngợi nữa, để tui kiếm người dùm cho". Tôi nói "Tui không có ý gì với Giang hết, chị đừng nghi ngờ trật lất. Giang là bồ của Quang mà". Chị vẫn tinh quái nhìn tôi, cười mỉm, vẻ không tin. Đêm đó, chị và tôi nằm bên nhau nói chuyện VN và chuyện định cư ở Canada.

TƯƠNG TƯ BÊN CẠNH MÙA THU
Sungei Besi. Malaysia.

Trại chuyển tiếp Sugei Besi nằm ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, nhưng cách khá xa. Trước, đó là vùng khai thác mỏ thiếc; nay, vùng đất trống được làm thành trại chuyển tiếp cho người tỵ nạn.

Sau một ngày dài đi bus vất vả, nhiều đoạn đường đèo một bên núi một bên biển cheo leo, ngừng ăn dọc đường hai bận, tôi và những người không có tiền ngồi ăn cơm gói được phát khi lên đường, còn những người khác có tiền xuống xe vào quán ăn mì, hủ tiếu, cơm v.v…, chúng tôi nhập trại chuyển tiếp Sungei Besi vào buổi chiều tối.

Sau khi làm thủ tục nhập trại, tôi được phân chia về nhà hộp ở chung với nhiều người đã ở đó sẵn. Nhà ở Sungei Besi có hai loại: nhà lồng giống như nhà lồng chợ thiệt lớn và dài, chia ra thành từng ngăn như sạp chợ, mỗi ngăn là một gia đình nhiều người hoặc nhiều gia đình, hoặc nhiều người ở chung với nhau; và nhà hộp là một dãy nhà hộp bằng tôn chia từng ngăn giống như từng cái hộp, loại nhà dã chiến kiểu Mỹ hồi ở VN, mỗi ngăn gồm những người độc thân ở chung với nhau.

Vì là vùng đất trống trải, ít có cây cối, mà Mã Lai lại gần xích đạo, nên thời tiết ngày nào trong trại cũng nóng trên 40 oC. Nắng và nóng như thiêu, như nung trong lò. Ngày nào, tôi cũng mồ hôi nhễ nhại dù không có làm gì hết, người lúc nào cũng lười biếng không muốn làm gì vì nóng quá. Đường đi trong trại lấm tấm sáng loáng những hạt kim loại.

Ở Sungei Besi khỏi phải nấu ăn vì thức ăn được nhà bếp của Mã thầu nấu, ngày hai bữa mỗi người mang hộp đi lãnh thức ăn ở nhà bếp, xếp thành hàng dài. Buổi sáng cũng lãnh mì gói và nước sôi ở nhà bếp. Người nào có tiền thì mua lò sô, dầu, và thức ăn để nấu ăn riêng hoặc nấu thêm ở nhà. Mỗi ngày, tôi đi lãnh thức ăn cho mình ba lần: sáng mì gói, trưa và chiều lãnh cơm và thức ăn. Tối nào, tôi cũng đi tắm ở nhà tắm công cộng khoảng 9 giờ, giặt bộ quần áo trong ngày đó, và xách về một sô nước để đó cho cả nhà xài.

Sungei Besi không có các phái đoàn vào phỏng vấn như ở Bidong, lâu lâu mới có người của phái đoàn nước nào đó vào để phỏng vấn bổ sung, bổ túc hồ sơ, hoặc điều tra hồ sơ gian lận, hồ sơ an ninh, hoặc điều tra về mấy tàu bị cướp biển Thái Lan v.v.. nên Khối Thông Dịch không có việc làm cho tôi nhiều. Ở đây còn có rất nhiều người bị kẹt lại vì hồ sơ trục trặc hoặc bị bệnh phải chờ chữa cho hết bệnh, nên số người cũng sấp sỉ như ở Bidong mà chu vi trại thì lại nhỏ hơn nhiều lắm. Số người thông dịch và giáo viên Anh ngữ khá nhiều nên tôi được thoát nợ đi dạy học, chỉ có hai lần tôi phải đi thông dịch cho Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc điều tra với cả mấy trăm người bị cướp biển Thái Lan. Hàng ngày tôi rất rảnh rỗi. Vào thư viện đọc sách tôi bỗng nhiên lười biếng hơn hồi ở Bidong, nên chỉ lang thang tới nhà mấy người quen biết cũ để tán dóc. Nằm trong nhà hộp mà ngủ hay đọc sách thì như nằm trong lò nung nên tôi ít khi ở nhà. Tôi cứ đi lang thang nhà khác, tìm bóng mát, tìm chỗ mà ngồi suy nghĩ cho tương lai. Chỉ một thời gian ngắn ở Sungei Besi mà tôi ốm đi thấy rõ vì tôi chịu nóng không nổi. Ăn nhiều hơn hồi còn ở Bidong mà tôi ốm tong. Ở Bidong dù sao tôi còn có biển để tắm và tập thể dục mỗi ngày nên đói mà trông rắn chắc. Có người quen vừa từ Bidong qua sau, thấy tôi ốm quá, bà ta khóc. Tôi nói tôi ốm vì không chịu nỗi nóng chớ đâu phải vì bệnh hoạn ốm yếu gì đâu, bà ta mới hết khóc.

Tôi nhớ tiên sao mỗi ngày. Đi đâu, tôi cũng thấy hình ảnh nàng. Đứng chờ lãnh cơm, tôi thấy nàng trước mặt. Ban đêm nằm ngủ, tôi thấy nàng đang nhìn tôi. Ngồi nói chuyện với người quen, tôi thấy nàng đang ngồi đó nhìn tôi im lặng. Vào thư viện, mở sách ra là hình nàng choán hết trang sách, tôi bỏ ra về. Nhìn mây trôi, tôi tự hỏi nàng ở Bidong giờ ra sao, có nhớ đến tôi không. Thấy ai từ Bidong qua, tôi cũng mong là người đó biết nàng để nói cho tôi biết tin tức về nàng. Tôi tương tư nàng. Tôi đoán là tôi tương tư rất nặng vì tôi chưa từng biết tới tương tư bao giờ trước đây, và cũng không biết có ai tương tư như tôi đang tương tư hay không. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi biết thế nào là tương tư, và biết thế nào là nhớ một người, nhớ da diết. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa từng nhớ người con gái nào nhiều như vậy. Không gian tôi thở đầy ắp nỗi nhớ.

người bảo sông tương sâu
sao bằng lòng thương nhớ
sông sâu còn có đáy
tương tư không bến bờ

(trích Tương Tư - Lương Ý Nương)

Nếu gặp lại nàng bây giờ, chắc chắn tôi sẽ dám nói tôi yêu nàng. Nếu vào gặp phái đoàn Canada bây giờ, chắc chắn tôi sẽ dám xin cho nàng theo tôi mà không sợ gì hết. Tôi ước gì được gặp lại nàng để nói cho nàng biết là tôi muốn ưng nàng làm vợ, tôi muốn sống bên nàng suốt đời. Tôi nuối tiếc là đã không dám nói với nàng những lời tương tự hồi còn ở Bidong. Lúc ấy, tôi lo sợ hai đứa đi hai nước khác nhau. Tôi lo sợ nàng cũng sợ vậy mà không dám yêu tôi. Lúc ấy, tôi lo sợ nếu xin cho nàng đi chung thì trách nhiệm của tôi đối với nàng và em nàng nữa sẽ rất nặng, trong khi tôi biết khi tới Canada thì tôi sẽ rất vất vả vừa làm việc vừa kiếm đường đi học, sợ không lo nỗi cho hai chị em nàng. Tôi lo sợ nàng quá xinh đẹp nên khi tới quốc gia mới nàng sẽ quên tôi ngay vì sẽ có nhiều người ngon lành theo đuổi nàng, còn tôi chỉ là người mới tới, hai tay trắng phải gầy dựng từ đầu, còn nhiều trở ngại phải vượt qua v.v... Tôi lo sợ nhiều quá nên tôi đã đánh mất nàng. Giờ thì ở Sungei Besi tôi đang tương tư nàng. Mỗi ngày. Mỗi đêm. Tôi ước gì được trở về lại Bidong để nhìn thấy nàng. Tôi làm một bài thơ thật dài ‘Yêu người nhiều lắm nên cô đơn’, gửi về cho nàng ở Bidong. Không thấy trả lời.

Sau hai hôm tới Bidong, buổi chiều đó, giặt quần áo ở giếng trước nhà về, tôi thấy một dáng người nữ mặc đồ bộ rất đẹp đang lấp ló trước cửa nhà tôi nhìn vào. Trong nhà không có ai. Biết là mơ cũng không phải tiên sao vì dáng người này đầy đặn và nẩy nở  hơn, tôi hỏi "Cô tìm ai ?". Người đẹp quay lại: Thu. Nàng nhìn tôi cười bẽn lẽn. Tôi bất ngờ quá nên hỏi "Thu tìm ai ? Hiện giờ nhà không có ai, nói tôi biết để khi người đó về tôi nói lại dùm cho". Nàng chỉ tay vào ngực tôi "Thu tìm... ông". Tôi lật đật phơi quần áo, rồi nhắc ghế mời nàng ngồi đằng trước nhà bên cạnh dưới bóng cây cho bớt nóng. Nàng và tôi nói chuyện vẩn vơ, chẳng đâu vào đâu. Nàng hỏi tôi về chuyện ở Bidong, và kể cho tôi nghe chuyện nàng ở Sugei Besi. Nàng nói nhiều hơn tôi vì nàng ở trại này lâu hơn tôi, còn tôi mới qua. Hơn nữa, ngồi với nàng mà tôi cứ nghĩ tới tiên sao, ước gì nàng là tiên sao đang nói chuyện với tôi, cho nên đầu óc tôi ngớ ngẩn không biết nói gì nhiều cho nàng nghe. Nàng cho biết đang ở khu Thanh Nữ Độc Thân là khu dành cho phụ nữ đi vượt biên không có chồng, cha, anh, em hay gia đình đi theo. Khu này rất gắt gao, cấm đàn ông tới lui sau 8 giời tối, nếu tới chơi trước giờ đó thì phải ngồi bên ngoài nhà mà nói chuyện với nhau, cấm đàn ông vào bên trong nhà. Buổi tối đó, nàng Thu nói chuyện nhiều cho tôi nghe, nàng có vẻ vui lắm.

Hôm sau, nàng lại tới rủ tôi dẫn nàng đi dạo ngoài đồi cỏ. Nàng và tôi đi bên nhau nói chuyện lung tung. Đi với nàng mà tôi cứ nghĩ tới tiên sao. Nàng hỏi tôi thấy nàng có mập ra không. Tôi nói không, thấy cũng vậy. Nàng nói mấy người ở chung nhà nàng nói nàng mập ra. Tôi nói không thấy mập, và thêm là tôi thích con gái có da có thịt hơn. Nàng bụm miệng cười khúc khích. Tôi nói chuyện với nàng như bạn, không muốn đi xa hơn với nàng vì nàng đang chờ đi Mỹ để đoàn tụ với chồng, không nên làm nàng mất... chung thủy. Vả lại, cuộc sống tập thể ở chung như trong trại này thì khó mà 'yêu đương' được gì, có chỗ nào kín đáo để mà 'yêu nhau' đâu. Cho nên, tôi luôn giữ gìn chừng mực cho nàng, lo sợ người nào đó thấy nàng hay đi dạo chơi với tôi mà tai tiếng đến chồng nàng ở Mỹ thì khổ cho nàng.

Một chiều nọ, đang đi trên đường về ngang khu Thanh Nữ Độc Thân, bất chợt Thu dừng lại nhìn tôi bực bội "Anh nói với Thu toàn chuyện gì đâu không hà !". Tôi thắc mắc "Vậy Thu muốn nói chuyện gì ?". Nàng gắt gỏng "Bộ anh không biết nói gì với Thu hay sao ?". Tôi lén thở dài, nhớ tới tiên sao "Tôi chỉ biết nói chuyện như vậy. Thu không thích thì thôi". Nàng vùng vằng "Anh không biết nói gì với Thu thì thôi đừng gặp mặt Thu nữa !". Nói xong, nàng bỏ đi nhanh vào nhà ở khu Thanh Nữ Độc Thân. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo dáng nàng đi nhanh trong cơn giận.

Từ đó, nàng hết tới rủ tôi đi dạo nữa. Trước nhà tôi có cái giếng, tôi ra đó rửa chén sau mỗi bữa ăn, và giặt quần áo mỗi ngày. Vài hôm sau buổi giận, tôi thấy nàng Thu buổi chiều hay tới giếng trước nhà tôi ngồi rửa chén. Trước đây tôi không thấy nàng tới giếng đó rửa ráy bao giờ vì khá xa khu Thanh Nữ Độc Thân. Biết nàng rửa chén mỗi buổi chiều, tôi lặng thinh trong nhà, không thèm ra chào hỏi nàng. Mỗi lần rửa xong, trước khi ra về tôi thấy nàng liếc nhanh vào trong nhà tôi. Tôi muốn im luôn cho chuyện của nàng và tôi chìm vào quên lãng. Vả chăng, hai bên chẳng có gì với nhau, chẳng có nợ nhau.

Một buổi chiều, tôi đang rửa chén thì Thu cũng tới rửa chén. Tôi tỉnh bơ chào hỏi nàng nhưng không thân mật. Nàng cũng chào hỏi qua loa, làm như còn giận. Đúng lúc đó thì có cô em xinh đẹp nhỏ hơn tôi hai tuổi bước tới giếng rửa chén. Cô em cao và lớn bằng tôi, rất xinh, gia đình đi Mỹ vì có thân nhân trực hệ bên Mỹ, lúc vào phái đoàn Mỹ phỏng vấn có tôi làm thông dịch nên nàng biết tôi. Gia đình cô em qua trại này đã lâu mà vẫn còn ở đây chứng tỏ gia đình em có người bị bệnh gì đó đang chờ chữa trị cho xong. Nàng rất nhí nhảnh và liến thoắng, gặp tôi là nàng reo vang, cười nói om sòm. Cô em vừa tới giếng thấy tôi là reo lên "Anh đó hả... chời ơi... múc nước dùm cho em cái đi". Nàng Thu ngẩng đầu lên ngó cô em và tôi. Cô em cười khanh khách "Chời ơi... anh phải rửa chén sao. Sao mà tội quá đi !". Tôi nói "Tại anh không có dợ đó em. Nếu có dợ thì dợ rửa chén dùm anh rồi". Nàng Thu liếc xéo tôi. Cô em cười to "Chời ơi... dậy hả...tụi nghiệp anh quá hén.... để em coi có ai làm mai cho anh hén...". Tôi nói "Em để không đó làm gì mà phải kiếm người khác cho mất công dậy ?". Thu liếc tôi thật dài. Cô em dễ thương cười vang "Chời ơi... anh này ăn nói quá chừng hén... Em đi Texas nè... Mai mốt anh mà qua Texas nói năng như vậy là em sẽ cầm súng như cao bồi Texans bắn anh liền nè...". Nàng chỉa ngón tay làm súng vào ngực tôi. Tôi ưỡn ngực hát lên "Em bắn ngay tim... bang bang... Anh ngã ra đây... bang bang... Anh chết cho em chết chồng...". Cô em dễ thương cười ré lên vang dội cả khu quanh giếng, hai tay đấm vào lưng tôi thùm thụp. Nàng Thu hầm hầm đứng dậy bỏ đi một nước, không thèm chào ai. Từ đó, hết thấy nàng tới giếng rửa chén vào mỗi buổi chiều nữa.

HỜN YÊU
Trại Sungei Besi có một quán ăn và giải khát, hai quầy tạp hóa, tất cả là của người Mã. Họ bán gì thì mua nấy, có ít hàng hóa để chọn lựa, phần lớn là các món hàng rẻ tiền hoặc bán ế bên ngoài được mang vào bán lại cho người tỵ nạn. Trong trại, phần đông người đều có thân nhân ở các nước cho nên có tiền viện trợ đều đặn, sống thoải mái vì thức ăn nấu sẵn lãnh mỗi ngày đã đủ, sướng hơn ở Bidong, còn tiền thì mua tiêu xài riêng. Không có quán may quần áo như ở Bidong, nhưng có nhà may công cộng để ai muốn may vá thì đăng ký máy may mà sử dụng; các thợ may đăng ký vào may mỗi ngày để may quần áo cho người khác lấy tiền, kim chỉ lại được phát miễn phí. Mấy thợ may khoe khoang là thợ chính ở Saigon hay ở VN, nhưng may rất tệ, mặc vào chẳng ưng ý nhưng đành chịu vì có thợ nào khác khá hơn đâu.

Ở Mã Lai cấm uống rượu và ăn thịt heo. Ở Bidong, khi nào có phát khóm thì nhiều người hùn lại lấy khóm và đường ủ thành rượu khóm mà uống, nhưng phải uống trong vòng bí mật, lính Mã mà biết được là bị đánh tàn nhẫn. Ở trại Sungei Besi này có đường dây mua đồ lậu qua hàng rào do người tàu ở gần bên ngoài trại mua bán. Muốn mua gì thì nói và đưa tiền qua hàng rào, hôm sau đúng giờ hẹn thì tới hàng rào nhận món hàng do họ quăng vào qua hàng rào. Cũng chỉ là các món thông dụng thường xuyên vì bên ngoài họ không có nhiều đường dây bán hàng hóa, hai món mua lậu nhiều nhất là thịt heo và rượu. Mua món gì thì không được chọn trước vì có thấy hàng đâu mà chọn, mua rồi thì không được trả lại. Buôn bán mấy món hàng kém phẩm chất và rẻ như vậy, nhưng giá cả mắc lắm vì đó là dịp để họ kiếm lời bất chính qua hàng rào lậu.

Đang lo lắng là sẽ măc quần áo 'bụi đời' có dây nylon cột làm nịt và đôi dép nhật rẻ tiền được cấp phát năm một đôi để lên máy bay qua Canada thì tôi được một nhóm người có tiền nhờ dạy Anh ngữ Đàm thoại cấp tốc có trả tiền, tuần ba buổi, nhờ vậy mà tôi kiếm được tiền. Tôi vội đặt may 2 bộ quần áo, vải tầm thường và may xấu, nhưng mặc vào cũng dễ coi hơn; khi tôi mặc vào, ai cũng nhìn với ánh mặt lạ khác hẳn. Tôi cũng gửi mua qua hàng rào một đôi giày; họ đưa vào đôi giày dỏm màu vàng lợt trông dị kỳ mà không đổi được. Qua hàng rào, tôi cũng mua được một ký thịt heo, thịt nạc pha lẫn nhiều mỡ, rất mắc vì là hàng cấm, đưa về cho người quen nấu dùm. Sau 3 năm, tôi mới ăn lại thịt heo, thiệt phê.

Một tháng sau tôi ở Sungei Besi, khoảng cuối tháng 1/1987, số người từ Bidong chuyển qua tăng vọt lên vì phái đoàn Úc và các nước châu Âu vào đảo nhận người nhiều hơn thường lệ, làm trại nhộn nhịp hẳn lên. Tôi nhớ lại các chuyến viếng thăm của các phái đoàn hồi tháng 10 năm ngoái, chẳng biết có liên hệ gì hay không.

Một chị có con đi cùng tàu vượt biên với Kim Oanh được Úc nhận và vừa tới Sungei Besi. Trong trại tỵ nạn, tên người luôn đi kèm với số thứ tự tàu vượt biên được đặt khi tới đảo Bidong. Kim Oanh rất thân với chị này. Ở Bidong, nàng hay tới nhà chị này chuyện vãn và bồng bế con chị. Chị có chồng ở Úc nhưng vì hai vợ chồng khai trật chi tiết gì đó cho nên tới bây giờ, sau gần hai năm, chị mới được Úc vớt qua. Nghe tin chị qua, tôi lật đật tới thăm chị, và cốt là để hỏi thăm về Kim Oanh. Tôi đinh ninh là nàng sẽ nhờ chị mang thư cho tôi. Không có thư nàng gửi cho tôi. Tôi thất vọng và buồn. Chị nói chuyện về chồng con chị lung tung. Khi tôi cố hỏi nhiều về Kim Oanh thì chị lên giọng khuyên tôi là không nên nghĩ nhiều về Oanh và đừng có mơ tưởng. Chị nói rằng trước đây có nhiều chàng bảnh lắm, đẹp trai, có thân nhân giàu có ở Úc, năn nỉ bảo lãnh nàng qua Úc mà nàng không chịu...rằng Kim Oanh đẹp nên tới đâu cũng có rất nhiều người theo đuổi, toàn là dân học thức và giàu có... rằng tôi không là gì hết, chắc là Kim Oanh sẽ không nhớ tới tôi đâu v.v... Những lời của chị như những gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi. Chưa từng có ai nói với tôi những lời thô lỗ và khiếm nhã như vậy. Tôi ráng nín giận, bỏ ra về. Từ đó, tôi không thèm gặp chị nữa. Tôi suy nghĩ và giận lây tiên sao, tại sao nàng không gửi thư thăm hỏi tôi, vậy thì nàng coi tôi 'khác' là khác làm sao. Vậy là nàng không coi tôi như bạn. Tôi buồn và giận nàng kinh khủng. Tôi muốn quên nàng. Mà trời ơi, càng muốn quên thì lại càng nhớ. Tôi giận nàng. Mà trời ơi, càng giận thì càng... nhớ.

Một người khác từ Bidong qua nói với tôi là anh ta thấy Kim Oanh, sau ngày tôi rời đảo, thường đi dạo chơi với anh chàng phụ tá Mục Sư Tin Lành, rất thân mật. Tôi càng giận và càng tức nàng hơn. Hồi ở Bidong nàng chưa bao giờ đi dạo với riêng tôi bao giờ, dù từ ngày nàng biết tôi thì không có những chàng công tử đến nhà nàng nữa. Lúc nào nàng cũng giữ gìn phong cách phẩm giá thanh cao. Nay thì nghe nói nàng đi dạo chơi với chàng phụ tá Mục sư thường xuyên. Tôi ghen. Tôi tức. Tôi giận. Tôi hứa sẽ quên nàng. Quên tiệt. Thế nhưng, lòng thì hứa quên mà nhìn đâu tôi cũng thấy khuôn mặt xinh đẹp thanh tú và dáng người thanh tao, đài các của nàng. Càng giận thì tôi càng tức. Càng tức thì tôi càng... nhớ. Tôi viết một lá thư thăm hỏi gửi về Bidong lần nữa. Không hề có hồi âm. Tôi âm thầm quyết chí quên nàng. Quên nhanh không được thì quên từ từ.
Về Đầu Trang
ledinhduc
Niên Khóa 1968-1975


Ngày tham gia: 12 Jan 2008
Số bài: 801
Đến từ: PR/SG/California/Arizona

Bài gửiGửi: Mon Jun 06, 2011 3:28 pm    Tiêu đề:

Tại hạ phải cám ơn Bi nhiều vì bạn đã kế lại bao kỷ niệm xưa ngày ở Bidong của thập niên 1980.
Ngày ấy, mình cũng như Bi, rời xa quê nhà khi mới ngoài 20 ...cái tuổi xa quê hương nhớ Mẹ hiền ấy mà ...

Rồi là ...biết yêu, hờn giận nhớ nhung...

Bi nhắc đến ... Những Vì Sao trong một đoạn trước, song, mùi nhất vẫn là đoạn thơ của Lương Ý Nương:

...
sông sâu còn có đáy
tương tư không bến bờ
                             ....

Chúc Bi một ngày vui ...

LĐ.Đ.
_________________
Thời gian trôi qua, tình quê không phôi pha.....
Về Đầu Trang
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Tue Jun 07, 2011 9:43 am    Tiêu đề: TIÊN SAO
Tác Giả: Bi

KHÓC DỐI MỘT DÒNG SÔNG
Hai tháng sau, cuối tháng 2/1987, rộ lên tin Mỹ vào Bidong 'hốt rác', chuyện chỉ xảy ra lâu lắm một lần. Tất cả mọi người bàn tán xôn xao về hiện tượng 'hốt rác' kỳ này của Mỹ. 'Hốt rác' có nghĩa là phái đoàn Mỹ vào nhận tất cả những ai trước đây bị Mỹ xù và trả về Bidong, những ai bị trục trặc về giấy tờ nên không đi Mỹ được, và những ai ở đảo quá lâu mà không có phái đoàn nước nào nhận đi định cư; nghĩa là Mỹ 'hốt' hết những người bế tắc đường đi định cư. Tôi nghe mà tiếc cho mình hùi hụi; phải chi tôi chờ thêm chừng 4 tháng nữa là tôi đã đi Mỹ rồi. Tôi nhớ lại chuyện các phái đoàn vào thăm đảo hồi tháng 10 năm ngoái mà tôi linh cảm có chuyện lạ. Vậy là đúng là họ làm việc có tính toán trước, vậy mà lúc đó tôi không thể nào đoán ra. Tôi vội nhờ các cố vấn quen biết mua mang vào trại cho tôi những tạp chí Time, Newsweek, số mới nhất, để tôi theo dõi tình hình thời sự bên ngoài. Qua các tạp chí đó tôi mới biết là ở VN đang có sự đổi mới; VN đang cố mở cửa và tìm cách hội nhập với thế giới bên ngoài. Vậy là tôi hiểu tại sao có sự chuyển biến đột ngột ở các trại tỵ nạn. Họ muốn giải tỏa bớt số người bị ùn tắc trong các trại tỵ nạn trước, rồi sau đó sẽ tiến tới giải tỏa và đóng cửa các trại tỵ nạn, để phù hợp với tình hình đang biến chuyển mới ở VN.

Từng đợt người được Mỹ 'hốt rác' chuyển qua trại Sungei Besi làm trại đông hẳn lên. Những người bế tắc đường định cư, nay được Mỹ nhận, qua tới nơi là cười hớn hở, khoe khoang inh ỏi. Họ quay lại chọc tức những người trước đây rời đảo trước họ.

Mỗi lần có đợt người mới tới là tôi ra cổng trại đứng nhìn, xem có chị em Kim Oanh không. Lần nào cũng không thấy. Úc và Mỹ nhận đợt đó khá nhiều người, những người đang chờ đi Mỹ và Úc ở trại chuyển tiếp được cấp tốc có các chuyến bay đi để giảm bớt số người trong trại. Đi các nước có các chuyến bay thẳng. Đi Mỹ thì bắt buộc phải chuyển qua trại Battaan ở Philippines học Anh ngữ từ 6 tháng tới một năm, trước khi tới Mỹ.

Trong chuyến Mỹ nhận 'hốt rác' sau cùng qua, tôi thấy có Giang nhưng tôi nép vào hàng rào cổng trại để nàng không thấy tôi. Rốt cuộc, các chuyến người Mỹ nhận qua đều không có chị em Kim Oanh. Tôi buồn.

Mấy hôm sau, tôi ghé tới nhà người quen tán dóc. Ở đó tôi gặp Quang Đà nẵng hầu như thường xuyên vì anh ta ở đó và vẫn còn chưa có chuyến bay đi Canada. Hôm đó, anh ta nằm buồn rầu úp mặt xoay vào trong, không nói chuyện với ai hết. Tôi hỏi gì anh ta cũng không nói. Hỏi những người khác trong nhà thì họ nói là anh ta bị nàng Giang mới từ Bidong qua 'xù'. Hỏi lý do thì không ai biết. Một người cười hì hì "Tình Bidong có list thì dông". Một người khác mỉa mai "Con gái qua tới đây là lên giá cao lắm vì nó biết qua Mỹ hay Canada là gái Việt hiếm lắm !". Một người khác thêm vào "Nó đi Mỹ, còn mày đi Canada, cũng khó gặp nhau, nó lo bỏ mày trước thì cho nó qua đi là xong, hơi đâu mà buồn". Anh Quang nằm nín thinh. Khi tôi ráng hỏi Quang tại sao thì anh ta nói là không biết tại sao nàng Giang 'xù', nàng mới qua hôm trước hôm sau là nói chia tay, biểu anh ta đừng gặp mặt nữa. Tôi nín thinh, không biết nói gì để an ủi anh ta.

Hôm đi lãnh cơm, đang đứng trong hàng chờ thì gặp một chị quen chờ đi Úc. Chị ta mừng rỡ, nói tíu tít "Chời ơi... em đi Canada hả...chị mừng cho em nghen... mấy người không ra gì mà qua đảo có thân nhân ở nước quài là đi sớm, còn em như dậy mà ở lâu chị tội nghiệp quá nghen... mừng cho em nghen". Tôi cười cám ơn chị. Chị lăng xăng "Nè, em kiếm con nào gép theo đi Canada đi em... chị nghe nói bên đó hút con gái Diệt... coi chừng qua đó ế dợ đó em... mấy đứa con gái mới qua tới đây thơi là tụi nó đồn rùm cái chiện con gái Diệt ở Mỹ, Úc, Canada hiếm đó em... cho nên tụi nó làm tàng lắm em..,. tụi nó bàn dới nhau là qua tới phi trường thơi là có nhiều bác sĩ, kỹ sư chạy ra săn đón đó em...". Tôi cười lắc đầu ngao ngán. Chị ta tiếp tục tíu tít "Nè... mà cái chiện đó sao khó tin vá hả em... làm gì mà bác sĩ, kỹ sư chạy săn đón kỳ cục dậy... nói chớ mai mốt em mà thành bác sĩ kỹ sư thì em có chạy ra săn đón mửng đó không, phải hôn em ? Nói gì mà nói vá xá...". Tôi cười nói với chị "Thì để cho đời họ lên hương chút nào đỡ chút đó đi mà". Chị gắt lên "Nói gì nói...hiếm thì hiếm... chớ mấy con xấu ình mà nói vá, sao mà nghe dị hợm... nhưng mà thơi em cũng ráng kiếm đứa nào đi em, rủi qua đó cu ky một mình buồn lắm". Tôi cười trừ. Chị chợt hỏi "Em biết con Giang hôn ?". Tôi nói biết, bồ của Quang Đà nẵng đó mà. Chị cười hích hích "Ời.. chị cũng nghe nói dậy... Mà thằng đó đen thui, mặt mụn, xấu trai vá hả em ? Con Giang đẹp mà bồ thằng xấu bất nhơn", tới đó chị nhìn tôi cười hí hí. Chị cười tiếp tục "Hôm bữa nó mới qua ở khu Thanh Nữ Độc Thân thì hôm sau thằng đó tới... ngời quài nhà nói chiện đó em chớ đâu được dô trong nhà... mấy đứa ở khu Thanh Nữ Độc Thân chê bồ nó xấu trai làm nó mắc cỡ vá trời... nó không cho thằng đó tới nữa... hi hihi...". Chị lu bu tiếp "Ở khu Thanh Nữ lâu nay có con Hằng cở băm hai tuổi, nởi tiếng là đẹp nhứt... con đó nói biết em đó em... bây giờ có thim con Giang hăm hai tuổi dô... hai đứa, đứa nào cũng muốn mình là người đẹp nhứt khu Thanh Nữ... gà nhốt chung chuồng ganh nhau tiếng gáy đó em... nhìn cử chỉ hai đứa nó là chị biết tụi nó có khía cạnh dới nhau....Mà sao con Giang nói biết em... hôm bữa mới tới nó hỏi có ai biết em qua đây làm gì không, làm thông dịch hay là đi dạy học ?". Tôi nhíu mày "Có lẽ cô ta muốn hỏi em chuyện gì đó về hồ sơ chăng ?". Chị ta nhìn tôi ngờ vực "Nó hỏi em đó... thơi trong hai đứa con Giang dới con Hằng, em chọn một đứa rùi dẫn đi định cư đi". Tôi cười "Chị Hằng lớn tuổi hơn em nhiều mà lại đi Mỹ. Giang là bồ của Quang mà lại cũng đi Mỹ, làm sao mà tới em". Chị cười hinh hích "Ờ... há... tụi nó đi Mỹ...thơi em ráng qua Canada kiếm dợ nhen... không thì huốt đó nhen".

Hai hôm sau, tôi đi ra ngõ sau nhà để đi lãnh cơm thì thấy Giang đang ngồi ở bàn ăn cơm đằng sau của nhà bên cạnh, tây cầm cuốn sách. Tôi ngạc nhiên "Ủa, Giang làm gì ngồi đây ?". Nàng mỉm cười e thẹn, nhìn tôi nói lí nhí "Giang mới dọn về ở nhà này" nàng chỉ tay vào nhà bên cạnh. Tôi chưng hửng "Nghe nói Giang ở khu Thanh Nữ Độc Thân mà ?". Nàng nói "Giang không thích ở đó nữa nên dọn về đây". Tôi phải ngồi xuống nói chuyện với nàng vài câu. Nàng có vẻ e thẹn, ngại ngùng, than thở nhiều về đời sống và tình cảm của người ở trại Sungei besi. Tôi hỏi nàng gặp Quang chưa thì nàng khó chịu, lảng chuyện khác. Nàng than buồn, than người ở trại này sao mà khô khan, lạnh lùng. Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp về Quang. Nàng bực dọc nói là Quang và nàng chỉ đi chung chuyến tàu, vậy mà đi đâu anh ta cũng khoe với mọi người nàng là bồ của anh ta, làm cho nàng khó chịu lắm, nàng không muốn gặp mặt Quang nữa. Tôi sững sờ nghe nàng nói, nhớ lại những lời trong thư nàng viết cho Quang "ngày nào em cũng nhớ anh... đêm nào em cũng khóc... nếu có anh em sẽ bắt đền vài nụ hôn..." mà rùng mình. Nàng lại than thở về tình cảm người ở trại Sungei Besi làm nàng buồn và cô đơn. Tôi nói "Thì cứ coi như Quang là bạn thường thôi. Đi chơi, nói chuyện với nhau có sao đâu. Bạn cho đỡ buồn, trước khi chia tay nhau mỗi người mỗi nước". Nàng lắc đầu quầy quậy. Tôi kiếm cớ đi lãnh cơm để khỏi phải nói chuyện với nàng nữa.

Chiều hôm đó, đi ngõ sau lãnh cơm, tôi cũng thấy Giang ra ngồi ở bàn ăn, và tôi cũng phải ngồi xuống nói với nàng vài câu. Nàng lại than buồn, nhớ Bidong, than người ở Sugei Besi sao mà lạnh lùng, không có tình cảm. Nàng nhìn tôi đôi mắt ướt át, có lẫn vẻ trách móc. Tôi nhớ tới dáng nằm buồn bã thất tình của Quang, nhớ tới những lời thư mùi mẫn cải lương của nàng viết cho Quang "nếu có anh bên cạnh, em sẽ bắt anh đền vài nụ hôn...", rồi nhìn khuôn mặt xinh đẹp của nàng, đôi môi mộng đỏ đang nói những lời hờn dỗi với tôi mà tôi nổi da gà. Sao mà nàng nói dối trắng trợn không biết ngượng. Tôi lại tìm cách nói khéo về Quang thì nàng gắt lên, cấm tôi nói về Quang nữa, nàng và Quang không có gì với nhau hết, anh Quang cứ nói tầm bậy nàng là bồ làm nàng giận quá không muốn nhìn hay gặp Quang nữa. Tôi nhìn vào khuôn mặt xinh đẹp, miệng đẹp cong lên phụng phịu dường như đang hờn với tôi mà ...ớn, nổi da gà. Tôi lật đật đi lãnh cơm.

Trưa hôm sau, cũng vậy, vừa ló ra cửa sau đi lãnh cơm là Giang ngồi sẵn đó. Nàng lại hờn trách tình người ở Sungei Besi sao mà lạnh lùng. Nàng nói muốn trở về lại Bidong; tôi chưng hửng nhớ lại hôm nào ở buổi party nàng có than thở là mong sao cho rời Biodng sớm vì ở đó khổ và chán quá. Nàng than vài câu rồi bất chợt bật khóc nức nở với tôi. Tôi lúng túng, không biết làm gì. Nàng vừa khóc vừa trách người ở trại này sao mà hững hờ, lạnh lùng. Mấy người trong nhà nàng và nhà tôi tò mò bước ra sau thấy nàng khóc thì nhìn tôi dò hỏi, rồi bỏ vào. Tôi phải ráng nói với nàng là người ở đây cũng là bên Bidong qua chớ ai đâu mà trách kỳ cục, gần sắp qua Mỹ định cư gặp lại thân nhân rồi sao lại buồn, sao lại muốn trở về Bidong lãng xẹt vậy, có bạn là Quang đã không muốn gặp lại người ta mà còn than buồn, nàng không nên khóc vì như vậy người ta chung quanh đây sẽ tưởng là tôi làm gì nàng ở Bidong cho nên gặp lại tôi đây thì nàng khóc v.v... Nàng vẫn thút thít với tôi. Tôi nhìn khuôn mặt xinh đẹp đẫm lệ và đôi môi xinh tươi, nhớ lại những câu mùi cải lương của nàng viết cho Quang "đêm nào nhớ anh, em cũng khóc...nếu có anh bên cạnh em sẽ bắt anh đền vài nụ hôn...." mà ớn lạnh dọc xương sống, nổi da gà. Người đâu mà gian dối thì thôi. Đúng là 'đầu môi chót lưỡi'. Nước mắt ở đâu mà có sẵn để khóc với tôi. Tôi lạnh lùng đứng dậy đi lãnh cơm, nói với nàng là tôi không muốn nàng khóc với tôi cách lãng nhách như vậy, làm cho người xung quanh hiểu lầm tôi. Nàng thấy thái độ tôi lạnh lùng và quyết liệt thì sượng sùng lên, nhìn tôi vừa oán trách vừa giận dữ. Tôi đi lãnh cơm, bỏ mặc nàng ngồi đó lau nước mắt một mình.

Trưa hôm sau, tôi đi vòng ngõ trước xa hơn để đi lãnh cơm, tránh phải gặp nước mắt gian dối, lời nói 'đầu môi chót lưỡi'. Chiều đó, tôi cũng ra ngõ trước đánh vòng xa hơn thì chị ở trong nhà bên cạnh gọi tôi. Tôi đứng lại, hồi hộp sợ nàng Giang trong nhà nghe tiếng tôi. Chị cười cười "Sao đi vòng xa để lãnh cơm, mất công vậy ?". Tôi lúng túng không biết nói sao. Chị nhìn tôi cười chế nhạo "Giang nó dọn về lại Khu Thanh Nữ Độc Thân ở rồi". Tôi ngơ ngác "Hồi nào ?". Chị ta nhìn tôi châm biếm và soi mói "Hồi tối qua. Bộ hai đứa có gì với nhau mà sao hôm qua thấy nó khóc với em, rồi tối đó dọn đi liền ?". Tôi ngượng nghịu "Không có gì đâu chị. Chỉ là hiều lầm thôi". Chị nhìn tôi soi mói, không tin lời tôi nói. Tôi bước đi, lầm thầm trong đầu: sao mà khi không mang nỗi oan lãng nhách !

Tôi hay đi ngõ sau để lãnh cơm và đi tắm vào buổi tối, ngày nào cũng vậy, vì đi ngõ sau gần hơn và có vài cây dầu khuynh diệp có bóng mát che. Tối hôm sau, đi tắm từ nhà tắm công cộng về, vừa tới đầu dãy nhà hộp nơi tôi ở là tôi thấy ngay băng ghế để ngồi dưới bóng cấy khuynh diệp đầu dãy nhà Giang và Quang đang ngồi. Tôi tính lảng ra xa để vòng xa hơn thì Quang gọi tôi. Tôi ở trần, quần đùi, tay xách sô nước, tay kia cầm bộ quần áo mới giặt bước thản nhiên tới. Thấy tôi tới là nàng Giang dựa người vào Quang rất âu yếm, mắt nhìn tôi chế nhạo. Chàng Quang thì cặp mắt nhìn tôi vẻ đắc thắng, miệng nói làm như bình thường mà có vẻ như chế diễu tôi. Tôi thản nhiên nói vài câu. Nàng Giang không nói gì hết, cứ dựa đầu vào ngực Quang mắt nhìn tôi chế nhạo, thách thức. Tôi lấy cớ xách nước về.

Tối hôm sau tắm về, lần thứ hai, vừa ló ra đầu ngõ về nhà, ngay băng ghế đầu dãy nhà có Quang và Giang đang ngồi cười khúc khích. Lần này cũng vậy, Quang lại kêu tôi tới. Lần này nàng Giang vòng tay ôm eo ếch Quang rất âu yếm và nũng nịu với chàng, mắt thì nhìn tôi cười rúc rích như chế nhạo. Quang thì nhìn tôi đắc thắng vẻ vang, cố nói chuyện làm như bình thường mà lối nói châm biếm tôi rõ ràng. Tôi thản nhiên nói vài câu, rồi lấy cớ xách nước về.

Hôm sau, lần thứ ba, cũng vậy, vừa từ phòng tắm công cộng ló ra ngõ dẫn về nhà là tôi thấy Quang và Giang đang quấn xà-nẹo trên băng ghế ngồi chờ tôi. Nàng Giang đang ôm eo ếch chàng rất thiết tha, không bao giờ lên tiếng nhưng mắt thì nhìn tôi vừa chế nhạo vừa chọc tức. Quang thì vòng tay qua ôm vai nàng, kéo vào sát ngực chàng rất âu yếm, mắt nhìn tôi đắc thắng vẻ vang, miệng nói châm biếm với tôi. Tôi lấy cớ xách sô nước về cho cả nhà xài và đi thẳng về nhà. Đằng sau, tiếng cười đắc thắng vẻ vang của Quang và tiếng cười rúc rích chế nhạo của Giang đuổi theo tôi tới tận cửa nhà. Đặt sô nước xuống bậc cửa, nhịn hết nỗi nữa tôi cười phá lên, cười sặc sụa, tay tôi phải chống vào thành cửa mới đứng vững được. Mấy người trong nhà hỏi tôi chuyện gì mà cười dữ vậy. Tôi không trả lời được, cứ đứng tay chống cửa mà cười như có ai thọc léc. Mấy người trong nhà cau mày "Đồ khùng, tự nhiên đứng cười một mình !". Tôi thì nghĩ thầm trong đầu: oan ức lãng nhách này phải tắm bao nhiêu lần trong một ngày mới gột rửa được ?

Tối hôm sau nữa, từ nhà tắm bước về, tới đầu ngõ sắp ra hướng về nhà tôi, tôi rất hồi hộp vì sắp sửa phải chứng kiến cảnh hai người quấn quýt xà-nẹo trên ghế, phải thấy ánh mắt chế nhạo của nàng, phải nghe lời nói ráng bình thường mà châm biếm và ánh mắt đắc thắng của chàng v.v... thì may mắn làm sao: băng ghế trống trơn. Chàng và nàng đâu mất ! Tôi thở phào nhẹ nhõm, bước về trong lòng sung sướng, nhẹ lâng lâng. Từ đó, ban đêm tắm về tôi hết thấy cảnh quấn quýt xà-nẹo trên băng ghế nữa.

Vài hôm sau, tới nhà người quen trò chuyện chơi, tôi lại thấy anh chàng Quang nằm buồn xo, rầu rĩ như lúc trước. Tôi đưa mắt nhìn mấy người trong nhà. Một ông lắc đầu "Mới xáp lại với em được có vài bữa là bị em xù lại rồi". Một ông khác ca lên "Tình Bidong có list thì dông". Mấy ông kia bình phẩm " Mới tới nó bỏ, không hiểu sao ráp lại với thằng này vài bữa, rồi bỏ nữa, bộ nó muốn hành thằng này sao mà". Tôi im lặng. Còn Quang thì nằm xoay mặt vào trong, nghe tiếng tôi tới nhà nhưng làm bộ không biết, có vẻ rất xấu hổ với tôi.

Vài hôm sau, Quang có tên rời trại. Anh ta về vùng đông bắc Canada rất lạnh, nơi thân nhân anh đang ở. Tôi ra đưa tiễn. Anh ta u buồn, nhưng ráng cười nói với những người ra tiễn. Khi bắt tay tôi, anh ta rất ngượng ngùng, không dám nhìn thẳng vào mắt tôi, nói vội vã lời từ giã. Tôi chúc anh ta lên đường nhiều may mắn. Nhìn quanh, tôi không thấy một dòng sông ra khóc dối để tiễn đưa.

TA NGẮT ĐI MỘT CỤM HOA THẠCH THẢO
EM NHỚ CHO MÙA THU ĐÃ CHẾT RỒI (P.D.)

Nắng tháng ba vãi lửa trắng xuống trại Sungei Besi. Khí nóng bay cuộn từng đợt vòng vèo trong không gian. Nhìn ra đằng trước nắng làm chóa lòa mắt người ta. Từng buổi trưa im ắng gió, cả trại im lìm nằm say dưới nắng trưa, nhắc nhở huyền thoại 'trời tháng ba, bà già đi biển' của thời vượt biên. Ít ai đi ra ngoài đường vào trưa xế nắng làm cho trại vắng vẻ buồn tênh phơi uể oải dưới nắng nung Mã Lai. Tôi phải đi tắm ngày ba lần vì không chịu nỗi cái nóng; may mà có nước ngọt tắm thoải mái ở phòng tắm công cộng.

Các chuyến 'hốt rác' của Mỹ đã ngừng chuyển người qua trại Sungei Besi và những chuyến người chờ đi Mỹ tới trại trước đây đã được chở sang Phi Luật Tân chờ học Anh ngữ một năm trước khi tới Mỹ. Các chuyến vét người theo diện đi Úc cũng đã xong; từng đợt người chờ đi Úc đã lên đường. Các chuyến vớt người theo diện đi châu Âu cũng đã hoàn tất đưa người sang trại.

Tôi ở trại Sungei Besi chờ chuyến bay đã ba tháng. Kim Oanh vẫn biệt tăm. Trước đây, tôi nghe nàng nói chờ người thân ở Úc bảo lãnh, mà nay những chuyến nhận đi Úc đã ngừng. Rồi nghe nói anh chị nàng ở bên Thái Lan sắp được gặp Mỹ, mà nay những chuyến Mỹ nhận đã dứt. Tôi không biết tình hình nàng ở đảo ra sao; không còn ai biết nàng từ đảo qua để tôi hỏi thăm. Tôi viết một lá thư gửi về đảo để hỏi nàng. Không hồi âm.

Tôi suy nghĩ và phân tích thái độ và lời nói của nàng với tôi lúc còn ở đảo để đoán coi nàng xem tôi là gì. Cuối cùng, tôi phải công nhận là chữ 'khác' coi đơn giản vậy mà vô cùng rắc rối và khó hiểu. Rất... xóc tim. Tôi tiếp tục tương tư nàng. Nỗi nhớ như thuốc nhuộm lấm lem cả tâm hồn, cần phải có thời gian lâu dài mới mong rửa cho phai bớt màu nhớ.

Một đêm, tôi đang ngồi khâu khuy nút áo cho chặt thêm để lên máy bay khỏi sợ sút áo thì một em bé gái thò đầu vào nhà hỏi tên tôi. Tôi hỏi em có chuyện gì. Em nói "Chị Thu muốn gặp anh nói chuyện". Tôi mặc quần áo vào đi theo em. Vừa đi tôi vừa nghĩ không biết có chuyện gì mà Thu muốn gặp tôi. Những chuyến người đi Mỹ đã bay sang Phi Luật Tân mà sao nàng còn ở đây, không lẽ nàng đang bị nám phổi hay nám tim. Tưởng em dẫn xuống khu Thanh Nữ, em lại dẫn vòng vèo vào khu nhà lồng chợ. Từng ngăn có vách ngăn chia ra cho mỗi gia đình. Tất cả nhà ở Sungei Besi, nhà lồng hay nhà hộp, đều không có cửa. Ở khu nhà lồng chợ, có ngăn được người gia đình đó lấy vải hay mền che lên làm cửa sơ sài. Em bé gái dẫn tôi vào sâu trong một ngăn có mền làm cửa che kín mít, chỉ tay vào đó, nhìn tôi với ánh mắt tinh nghịch rồi bỏ chạy mất.

Tôi vén mền cửa chui vào. Thu đang ngồi trên chiếc nệm đặt dưới đất nhìn tôi cười tươi. Căn phòng ấm cúng và kín đáo. Chung quanh vang lại tiếng người nói chuyện của từng nhóm đang uống trà, đánh cờ, hoặc đang nhậu. Thu chỉ tay vào ghế đẩu nhỏ xíu trước tấm nệm mời tôi ngồi. Trên mặt chiếc ghế đẩu nhỏ còn lại là dĩa bánh, hai lon cokes, và hai trái táo. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống. Nàng mặc bộ đồ bộ màu trắng ngà mỏng tang, hơi trong suốt, nhìn vừa mát mẻ vừa khêu gợi. Cả thân hình đầy đặn của nàng là mùa xuân đang nở đều, gợi cảm gọi mời. Tôi cố tránh nhìn thẳng vào mùa xuân đang làm tôi hơi khó thở. Tôi hỏi nàng kêu tôi có chuyện gì. Nàng nói "Buồn nên muốn nói chuyện với anh. Bộ anh không muốn nói chuyện với Thu hả ?". Tôi nói "Lúc trước có người chê tôi không biết nói chuyện, cho nên tôi đâu biết nói gì…". Nàng cúi đầu cười rung rinh. Sau đó, nàng ngã người ra sau, với tay lấy tập nhạc trên kệ, làm bộ mông nàng vun to tròn nẩy về phía tôi, thấy rõ màu đỏ quần lót thấp thoáng sau làn vải quần mỏng. Tôi cắn miếng bánh nuốt trong ấm ức, nghẹn ngào.

Nàng nửa nằm, nửa ngồi trên nệm, nghiêng người chống tay vào đầu nói chuyện nhạc với tôi. Tôi rất ngạc nhiên vì nàng nói nàng ưa thích nhạc và làm như biết tôi biết nhạc. Nàng nói về nhạc Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn v.v... giòng nhạc còn sót lại của thế hệ đi trước mà tuổi mới lớn thế hệ chúng tôi tập tành hát lén trong thời đi học và lao động khổ ải, thời cả nước là tu viện khắc khổ khổng lồ. Nàng nói ước gì có đàn thì tôi đàn và hát cho nàng nghe. Tôi ngạc nhiên hỏi nàng sao biết tôi biết đánh đàn. Nàng mỉm cười "Thu biết anh biết chơi đàn classical guitar". Tôi hỏi sao biết thì nàng không nói. Hồi ở đảo có lần nàng tiên sao cũng nói biết tôi biết chơi đàn. Lúc đó tôi không ngạc nhiên lắm vì có lần tôi mượn được cây guitar của cố vấn người Pháp đánh được một đêm cho đỡ nhớ; nhà nàng tiên sao gần nhà tôi nên có lẽ nàng tiên sao nghe được và biết tôi đánh đàn.

Thu hát nho nhỏ cho tôi nghe; bộ ngực căng tròn của nàng khiêu vũ thầm theo nốt nhạc:
tình ngỡ đã quên đi
nhưng tình vẫn còn về
người ngỡ đã xa xôi
ai ngờ vẫn quanh đây...
(Tình Nhớ - T.C.S.)

Tôi suy nghĩ nhanh. Nếu tôi 'sa ngã' với nàng đêm nay thì sẽ ra sao ? Nàng là mùa xuân đang nở rộ, tựa như thỏi nam châm đang thu hút, còn tôi là thanh sắt đang bị lửa mùa xuân nằm kia nung lên từng phút, từng phút..., vậy nàng sẽ rất dễ... sình bụng. Nàng mà mang bầu thì chắc chắn là sẽ bị Mỹ 'xù' và trả về Bidong, chấm dứt đường đi Mỹ. Chắc chắn tôi cũng sẽ bị trả về Bidong để chờ gặp lại phái đoàn Canada giải quyết. Nếu Canada chấp nhận thì cả hai phải chờ khi nàng sinh xong mới rời đảo, và tôi khi tới Canada sẽ lo gánh vác gia đình vợ con, hết đường đi học. Nếu Canada 'xù' thì cả hai chỉ còn nước chờ đi một nước Bắc Âu, và mất vài năm nữa chờ đợi. Nếu nàng không mang bầu thì 'sa ngã' với nàng cũng đủ cho nàng níu áo đòi theo Canada, vậy tới nơi tôi phải lo bảo lãnh nàng ngay lập tức. Dường như nàng biết tôi là người không phải hạng Sở khanh. Đằng nào thì tôi cũng thiệt thòi khi 'sa ngã' với mùa xuân đêm nay. Phải chi, nàng đừng có chồng, và phải chi, tôi đừng gặp tiên sao ! Tôi suy nghĩ thật lẹ để tìm đường thoái thác.

Thu chợt đổi đề tài. Nàng nói là người chồng mà nàng khai trong hồ sơ hồi xưa là người theo đuổi nàng, thương nàng ghê lắm, anh ta cũng thích hát những bài nhạc mà nàng vừa nói. Thật ra, anh ta chỉ là... bồ, nàng nhìn tôi cười ngượng nghịu. Nhà anh ta giàu, hãng nước mắm, còn nhà nàng đông người chỉ đủ ăn. Lúc sắp đi vượt biên, anh ta có đề nghị làm giấy hôn thú để khi sang Mỹ rồi thì anh ta sẽ làm bảo lãnh. Mà làm giấy hôn thú thì phải có đám cưới, nên hai người làm đám cưới "giả" trước khi anh ta đi. Khi anh ta đi rồi, ở nhà em trai anh chàng thường lui tới thăm nom, chăm sóc nàng và em trai nẩy sinh ra ...yêu nàng. Nàng và em trai anh ta coi như cũng là bồ bịch luôn. Em trai mới xin vàng cha mẹ cho em trai và nàng vượt biên. Hai người tới đảo, nàng khai chồng ở Mỹ thì lòi ra anh trai đi trước không khai như đã hứa hồi hứa hôn. Nàng cho biết người con trai lúc trước hay đi với nàng trên đảo không phải là em bà con nàng như nàng nói mà là em trai 'chồng' nàng và người ấy cũng là bồ nàng hồi còn ở VN. Em trai đã tới Mỹ vì có anh trai ở Mỹ, còn nàng bị trả về Bidong vì khai gian. Em trai khi tới Mỹ có thú thật hết mọi sự tình yêu giữa em trai và 'chị dâu' cho anh trai biết, và em trai thay anh làm bảo lãnh khai nàng là fiancé. Do đó, nàng được Mỹ gọi qua trại này trở lại theo diện tái cứu xét đặc biệt là do bảo lãnh của người em trai. Mấy tháng rồi, nàng đã được phỏng vấn ba lần mà chưa biết kết quả đi Mỹ ra sao.

Nàng ngừng nói, nhìn tôi dò xét. Tôi kinh ngạc nghe nàng kể tình trạng của nàng, hỏi "Sao mà Thu lại làm nhiều chuyện rắc rối như vậy?". Nàng cười buồn, không trả lời.

Nàng nói tiếp là bây giờ nàng không muốn đi Mỹ nữa vì rất ngại và không muốn gặp lại hai anh em nhà ấy. Thật ra, hồi ở Bidong nàng đã tính đường đi Úc hoặc Canada rồi. Có mấy chàng muốn bảo lãnh nàng đi Úc mà nàng không chịu. Tôi biết nàng nói láo. Hồi đó, tôi biết nàng có cặp bồ với một, hai người đi Úc, chắc là mong nhờ bảo lãnh sang Úc, mà những người đó chỉ cặp cho vui hoặc lợi dụng, ra đi là quên hết. Nàng nói là từ khi sang trại Sungei Besi này cũng có mấy anh đi Canada muốn bảo lãnh nàng đi Canada mà nàng chưa chịu. Nàng kể ra vài cái tên. Tôi không tin là nàng không chịu, mà tin là nàng bị lừa thì đúng hơn, vì tình trạng lừa dối đó xảy ra rất thường ở đảo và ở Sungei Besi. Tôi nói với nàng là có rất nhiều phụ nữ đi một mình, và ai rồi cũng có đường đi định cư không cần nhờ vả ai hết, nếu nàng lỡ khai có chồng ở Mỹ mà chồng không khai có vợ thì xin với Cao ủy điều chỉnh lại, rồi sẽ được đi định cư như mọi người, tại sao lại dính líu tùm lum và nhờ vả lung tung làm cho mình bị lệ thuộc chuyện định cư vào người khác như vậy, lẽ ra Thu không cần phải nhờ vả, nương tựa mà vẫn đi định cư được. Nàng cười buồn "Vì Thu mong muốn rời đảo quá, không muốn ở lâu trong trại tỵ nạn". Tôi nói nàng làm như vậy là sai, tự gây khổ và khó khăn cho mình. Nàng im lặng. Một lúc sau, nàng nhìn tôi đắm đuối "Thu muốn đi Canada". Tôi thở dài, im lặng.

Một lúc sau, tôi ráng nói nhẹ nhàng "Hồi ở đảo, tôi không dám nghĩ tới tình yêu với ai vì đường định cư mù mịt quá và biết có đi chung với nhau không. Khi rời đảo rồi, tôi mới biết là mình đã yêu một người". Mặt Thu sáng rỡ. Nàng nhìn tôi cười sung sướng, tay đưa bánh vào miệng cắn chờ tôi nói tiếp. Biết nàng hiểu lầm, tôi nói mau "Người đó còn ở Bidong". Thu sững người như có luồng điện chạy qua, tay nàng cầm bánh vội rút ra khỏi miệng, và mắt nhìn tôi ngơ ngác như không tin. Thật lâu, nàng hỏi "Người đó còn ở đảo?". Tôi gật đầu mau và mạnh. Mặt nàng tái mét, mắt nàng nhìn tôi vừa ngơ ngác vừa tức tối. Nàng ngồi bật dậy trên giường, cúi đầu nghĩ ngợi, miệng mím chặt. Nàng ngẩng đầu lên, cố gượng cười trông rất bi thảm "Người may mắn đó là ai ?". Tôi lắc đầu "Biết như vậy được rồi, không cần biết tên". Nàng nhìn tôi tức giận "Anh nói thiệt không ?". Tôi gật đầu nhìn thẳng vào mắt nàng. Nàng nghiêng đầu suy nghĩ dữ lắm. Cuối cùng nàng nói "Để Thu đoán coi có đúng không nhen". Tôi gật đầu. Nàng nhìn tôi "Người đó đi sau Thu một số tàu". Tôi gật đầu. Nàng ngừng một lúc và nhìn tôi chăm chú "Người đó có em trai đi theo". Tôi gật đầu. Nàng quay mặt vào vách vẻ đau xót, mặt tái, miệng mím lại "Thu biết ai rồi". Bất chợt nàng quay nhìn tôi cười gượng gạo với ánh mắt có nét thù ghét, mặt vừa tái vừa sượng sùng như vừa bị ai đó nói với nàng những lời sỉ nhục. Tôi im lặng, ái ngại nhìn nàng. Nàng đưa mắt vẩn vơ lên trần nhà, đột ngột đứng dậy, với lấy cái áo khoác màu đỏ mặc vào che bớt thân hình gợi cảm lại, xỏ chân vào dép, nói với tôi "Thôi, mình về, trả lại phòng cho người ta". Tôi im lặng đứng lên theo nàng. Nàng đi nhanh dẫn tôi ra khỏi khu nhà lồng chợ. Tôi đi bên cạnh im lặng trong áy náy. Đi bên tôi là mùa xuân đang cố nén cơn giận dữ, mùa thu đang cháy bừng bừng ở góc trời hửng nắng. Ra khỏi khu nhà lồng chợ, nàng nói "Anh về đi. Khỏi phải đưa Thu về". Tôi nói "Để tôi đưa Thu tới khu nhà Thanh Nữ". Nàng quay mặt, kéo áo che cho kín thêm, bước nhanh "Thôi, khỏi". Cơn giận cúi đầu bước nhanh như gió thu xuyên thật nhanh vào màn đêm, băng qua mấy bóng đèn vàng vọt, mất hút vào cuối con đường về khu Thanh Nữ Độc Thân.

Giữa tháng tư 1987, tôi rời trại, Thu bất chợt xuất hiện, miệng cười hơi ngại ngùng. Nàng nói hãy quên hết những hiểu lầm và hờn giận giữa hai đứa. Tôi nói tôi không có gì hiểu lầm hay giận Thu hết. Nàng biểu tôi khi tới Canada nhớ viết thư về kể chuyện Canada cho nàng nghe. Tôi gật đầu, hứa sẽ viết thư kể chuyện. Nhìn quanh, không thấy một dòng sông ra khóc dối để tiễn tôi về xứ lạnh.
Về Đầu Trang
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Tue Jun 07, 2011 9:46 am    Tiêu đề: TIÊN SAO
Tác Giả: Bi

NẾU LÀ CHIM XIN LÀM ĐÔI CHIM LIỀN CÁNH
Metro Toronto, Canada. 1987. Tháng 5.

Sau nửa tháng ở Fort Erie gần Buffalo, New York, tôi tìm về sống ở thành phố Toronto.

Toronto là thành phố lớn nhất nước Canada, cũng là thủ phủ của tỉnh bang Ontario, nơi đặt trung tâm hành chánh của chính phủ tỉnh bang. Tuy chỉ có 3.5 triệu dân nhưng Toronto là trung tâm thương mại, kinh tế, tài chánh, kỹ nghệ, văn hóa, nghệ thuật v.v... của cả nước, nơi đây thu hút mọi người tìm về kiếm việc làm và cơ hội khá hơn. Thời gian trước và khi tôi mới tới, Toronto chia thành 7 thành phố nhỏ khác nhau với tên gọi khác nhau; không phải chia thành vùng địa lý mà chia theo khu vực hành chánh khác nhau. Sau này, 7 trung tâm hành chánh đó mới hợp nhất lại thành một trung tâm hành chánh duy nhất gọi là Đô thị Toronto (Metro Toronto). Nếu kể luôn các thành phố ven bìa (Greater Toronto Area) còn lại chưa hợp nhất theo hành chánh nhưng lại liền nhau theo địa lý thì Toronto được gọi là Đại đô thị Toronto. Tên vùng 'Toronto' là của thổ dân da đỏ đặt ra hồi xưa, có nghĩa là 'vùng tụ họp buôn bán'. Trên thế giới, Toronto chỉ nhỏ hơn thành phố New York và Los Angeles của Mỹ. Ngày tôi đặt chân đến Toronto cũng đúng ngày cách đó ba năm về trước tôi bước chân xuống tàu vượt biên.

Năm đầu tiên, di dân được Canda nhận nhân đạo như tôi được chính phủ liên bang dành cho trợ cấp di dân: mỗi tháng tiền thuê nhà maximum $380, tiền ăn $220, 1 MetroPass để đi xe bus trong tháng, và được đi học Anh ngữ miễn phí cả năm đó. Hầu như tất cả mọi người mới tới đều đi học các lớp 'English As A Second Language' có 5 hạng khác nhau dành cho di dân để rồi sau đó đi làm; không hiểu, nghe và nói được tiếng Anh thì không đi làm được. Tôi không học các lớp này vì tôi có thể dạy các lớp này được, nhưng muốn dạy các lớp này cần phải có bằng dạy học English từ đại học. Tôi chạy kiếm các lớp luyện thi English dành cho người chuẩn bị vào học bậc đại học. Phần đông các lớp này mở ban đêm, có nơi miễn phí đo chính phủ tài trợ, có nơi phải đóng học phí.

Mỗi hai tuần một lần, tới văn phòng Sở Di Trú lãnh chi phiếu là tôi bị ông Cố vấn nhờ làm thông dịch dùm cho ông vì có quá nhiều người Việt không nói và hiểu được tiếng Anh. Những người đó đã từng học Anh ngữ nhiều năm ở VN và ở các trại tỵ nạn, vậy mà qua tới Canada là trở thành điếc và ngọng với thứ tiếng Anh chính gốc ở Canada. Bản thân tôi đã từng làm thông dịch viên cho các phái đoàn 2 năm ở đảo, vậy mà tôi nói chuyện với những người làm trong các văn phòng thì không sao, nhưng hễ ra đường là tôi cũng điếc và ngọng với ngôn ngữ dân bản xứ nói với nhau hàng ngày. Coi tivi thì hiểu chỉ một nửa vì họ nói nhanh và từ ngữ nhiều quá chẳng nắm hết. Nghe radio thì hoàn toàn không hiểu, phải đoán mò.

Người Việt qua trước ở lâu thường đặt cọc một số tiền để mua nhà, rồi họ sửa lại nhà thành nhiều phòng để cho thuê, lấy tiền thuê nhà mà trả tiền nợ mua nhà hàng tháng. Nhờ có nhiều người Việt tới sau mà những người đi trước mới có cơ hội mua nhà và có khả năng trả tiền nợ nhà do cho thuê. Cũng nhờ đó mà nhiều người tới sau mới thuê được nhà giá rẻ hơn là thuê từ người tây, và nhiều người thường họp nhau thuê chung nhà để ở chung cho rẻ hơn nữa.

Tôi mướn một phòng $250/tháng nhưng khai với văn phòng Di Trú số tiền maximum được cho để thuê nhà, thành ra dư được $130 từ tiền nhà và dư thêm $100 từ tiền ăn vì giá thực phẩm ở Toronto tuy mắc hơn ở thành phố nhỏ nhưng lúc đó vẫn còn rẻ lắm và tôi ăn tiện tặn. Tháng đầu tiên ở Toronto có dư $230, tôi gửi về VN $100, và bỏ tờ $100 kia vào trong hai trang giấy xếp kỹ lại, bao kèm thêm bên ngoài là lá thư viết kể chuyện Canada gửi cho Oanh, bỏ bìa thư, gửi về địa chỉ Bidong. Gửi tiền mặt trong thư là bất hợp pháp, dễ mất, nhất là dễ bị khám thấy ở Ban Thư Tín trên đảo, nhưng tôi biết cách gửi tiền đó là đến tay người nhận nhanh nhất, vì gửi bằng Money Order thì từ khi nhận được cho đến khi gửi đổi ra thành tiến ở đảo cũng phải mất cả tháng. Tôi biết cuộc sống ở đảo khổ và túng thiếu -thực chất đó là trại tù - không người thăm nuôi là thiếu ăn. Tôi muốn giúp chị em người bạn xinh đẹp của tôi còn ở đó nhưng lại không có thân nhân ở nước ngoài viện trợ. Cho tới lúc đó tôi vẫn không có tin tức gì về nàng tiên sao và không biết là nàng sẽ đi về nước nào, Úc hay Mỹ. Tháng thứ hai ở Toronto, tôi cũng gửi $100 như vậy về địa chỉ ở đảo cho nàng qua thư dán kín; còn gửi về VN thì tôi để dành để gửi một lần nhiều hơn. Gửi tiền qua thư, tôi hồi hộp lắm vì không biết thư có tới tay nàng không hay mất nơi nào. Hai lần gửi, hai tháng trôi qua, tôi không nhận được thư trả lời.

Vì tình thế bắt buộc phải làm thông dịch cho ông Cố vấn nên khi tôi xin đi học English dành cho di dân mới tới thì ông ta không cho vì ông cho rằng tôi nói tiếng Anh khá lắm, và ông bắt buộc tôi đi làm. Sau ba tháng, tôi bị buộc phải đi làm. Công việc do ông Cố vấn giới thiệu tới, làm việc vặt ở Nhà In nhỏ chuyên in ấn các loại giấy tờ, hóa đơn, quảng cáo... cho cơ sở thương mại và công ty, lương khởi đầu là $7.50/giờ. Công việc vặt nhưng nhàn hạ vì toàn là làm với giấy tờ và dùng máy móc để cắt, xén, dán, đóng thành tập, cho vào thùng để sẵn sàng chở đi. Ban ngày đi làm, ban đêm tôi đi học các lớp English để chuẩn bị nộp đơn thi English và xin vào đại học.

Vừa có việc làm, tôi liền xin giấy chứng nhận việc làm và lương bổng từ công ty để tới Văn phòng Di Trú Liên Bang chuyên về Bảo lãnh Di Dân nộp đơn xin bảo lãnh mẹ ở VN. Thủ tục lúc đó là người bảo lãnh phải ký hứa sẽ lo cho người được bảo lãnh trong vòng 5 năm nếu người đó không có việc làm và không được lãnh bất cứ trợ cấp nào của chính phủ trong thời hạn đó. Tôi xin bảo lãnh luôn cho chị em Oanh từ đảo qua. Họ cho biết là lương tôi chỉ vừa đủ để bảo lãnh 1 người từ VN mà thôi, muốn bảo lãnh thêm 2 người từ đảo tới Canada thì lương phải cao hơn nữa, có bảng tính toán từ đồng lương ra số người bảo lãnh để tham khảo. Tôi đành chịu, không thể bảo lãnh nàng được, nhưng tôi dấu, không dám nói qua thư về chuyện bảo lãnh, sợ nàng buồn.

Vài hôm sau ngày xin làm bảo lãnh, bất ngờ, tôi nhận được thư của Thu từ trại Sugei Besi. Bìa thư có dấu hiệu bị mở ra đọc rồi dán lại bằng cơm, tôi thắc mắc không biết ai là người đọc lén thư. Thu cho biết là có địa chỉ của tôi do đọc thư tôi viết về cho người quen ở Sungei Besi kể chuyện chuyến đi qua Canada. Thu viết rằng trước đây có nhiều người ở Canada năn nỉ bảo lãnh nàng qua Canada mà nàng không chịu vì nàng không thương họ. Nay nàng muốn đi Canada vì nàng thương tôi, tin tôi, và muốn sống chung với tôi. Nàng kê ra lý lịch nàng và tất cả những người trong gia đình còn ở VN; phần này thì tôi đã đọc qua ở photocopy hồ sơ định cư của nàng hồi ở Bidong. Tôi viết giải thích chuyện bảo lãnh ở Canada cho Thu biết, không phải muốn bảo lãnh là được mà còn tùy vào đồng lương làm việc, cho nàng biết tôi đã muốn bảo lãnh chị em Oanh mà không được vì lương thấp. Cuối cùng, tôi khuyên nàng nên chờ đi Mỹ vì hồ sơ nàng khai có chồng ở Mỹ, sau đó lại có em chồng khai và bảo lãnh theo diện fiancé nữa, do đó không ai có thể bảo lãnh nàng sang Canada được vì hồ sơ nàng rắc rối như vậy, đừng nên tin lời hứa cuội của những người khác nữa.

Chiều hôm đó, khi ra ngồi ăn cơm, bà chủ nhà khoảng 40 tuổi, tự nhiên ra nhìn tôi và nói "Em không nên tin lời con gái còn ở đảo". Tôi chưng hửng "Chuyện gì vậy chị ?". Chị ta làm bộ nói bâng quơ "Con gái ở đảo xạo lắm. Nó đòi bảo lãnh qua dùm, qua tới nơi là nó xù liền". Tôi biết ngay là chị ta đọc lén thư Thu gửi tôi trước, rồi dán lại bằng cơm. Tôi nói "Chị và tôi cũng cùng ở đảo qua. Sao chị lại nói kỳ vậy ?". Chị ta hứ lên, lập lại rằng không nên tin con gái còn ở đảo. Tôi im lặng. Chị ta có chồng, ba con. Hai vợ chồng giả vờ làm giấy ly dị, để chị ta được lãnh tiền Single Mom mỗi tháng khoảng $1300, còn chồng thì làm ở hãng gỗ, công việc lao động nặng nề, nhờ vậy mà hai vợ chồng mới có tiền đặt cọc mua nhà để cho thuê. Nhà chị ta cho thuê tôi một phòng và một người nữa một phòng ở tầng trên, còn tầng dưới ở đầy nghẹt người. Tôi mới ở tháng đầu tiên là chị ta tìm mọi cách cho tôi biết là chị ta thích tôi liền; khi có mặt chồng thì chị ta nói hành, nói tỏi tôi, coi tôi không ra gì. Chị ta còn kêu bạn chị ta tới để coi mặt tôi, khoe rằng tôi đẹp trai. Chị nại ra lý do là chị mới xin chính phủ cho đi học nghề trong khi lãnh tiền Single Mom, nên chị nhờ tôi dạy chị học tiếng Anh mỗi đêm. Tôi từ chối vì không muốn liên hệ với chị và vì chị ta ở VN chỉ học hết lớp 7, tiếng Anh dốt đặc. Chị ta làm áp lực và năn nỉ tôi dạy chị tiếng Anh. Anh chồng ghen ra lảng vảng bên cạnh thì chị ta thò chân xuống bàn khều chân tôi cho tôi hiểu ý rằng chị thích tôi. Tôi âm thầm tìm nhà khác để dọn ra.

Ba tuần sau, nàng Thu viết thư qua tiếp, đòi tôi hãy gửi trả lại nàng lá thư trước và lá thư này, và nói rằng vì suy nghĩ dại dột nên nàng đã nhờ tôi bảo lãnh qua Canada, nay nàng đã đổi ý và muốn đi Mỹ. Tôi im lặng, giữ hai lá thư nàng làm... kỷ niệm dại dột.

Sau ba tháng ở Toronto, tôi mới nhận được thư của tiên sao. Thư ngắn ngủn, chỉ hai phần ba trang. Nàng vắn tắt cho biết là khi phái đoàn Mỹ vào Bidong 'hốt rác' người thì nàng không chịu đi Mỹ; anh chị nàng ở bên Thái Lan được Mỹ nhận và phái đoàn Mỹ gọi chị em nàng phỏng vấn nhưng nàng cũng không chịu đi Mỹ mà lại xin chờ gặp phái đoàn Canada vì nàng nghe nói Canada kỳ đó sẽ nhận nhân đạo nhiều người như các phái đoàn Mỹ và Úc. Kết quả là chị em nàng đã được Canada nhận nhân đạo dù có anh chị đã được Mỹ nhận bên trại tỵ nạn ở Thái Lan. Nàng cho biết là Thủy cũng xin vào gặp Canada kỳ đó và cũng được nhận. Sau cùng, nàng nói là khi tới Canada nàng hy vọng là tôi vẫn chưa quên nàng.

Tôi mừng vô cùng khi đọc thư nàng dù thư viết ngắn gọn, dù chỉ có câu sau cùng là hơi ... xóc tim. Nàng sắp tới Canada. Tôi không hiểu nỗi tại sao Mỹ lại chịu để nàng vào gặp Canada và tại sao Canada lại nhận nàng trong khi anh chị nàng đã được Mỹ nhận. Tôi không hiểu tại sao nàng lại xin đi Canada trong khi anh chị nàng đi Mỹ. Tôi hoàn toàn không hiểu. Tôi chỉ biết là tôi vui. Vui ghê lắm. Vui vô cùng. Nàng tiên sao cuối cùng rồi cũng đi định cư chung một nước với tôi, điều mà hồi ở đảo cả tôi và nàng đều không hề nghĩ tới.

Đang lúc giữa mùa hè, trời Toronto nắng và nóng không thua gì Bidong. Tôi thấy nắng sao mà đẹp lạ lùng và nóng sao mà dễ chịu quá. Đường phố đẹp hơn và người đi đường ai cũng dễ thương. Nhìn cảnh nào tôi cũng thấy vui và sinh động, nhiều màu sắc. Lá thư của nàng ngắn nhưng tôi cứ lấy ra đọc lại hoài không biết chán. Và đi đâu, tôi cũng mang theo bên mình - như của quý.

Tôi lại bỏ $100 tiền mặt, gói kín trong thư gửi về nàng theo địa chỉ Sungei Besi. Hễ nàng còn ở Bidong thì thư sẽ chuyển về Bidong và ngược lại.

Tháng sau, tôi tìm được nhà khác để mướn, vội viết số phôn của chủ nhà mới và địa chỉ mới cho nàng tiên sao biết trước, phòng khi nàng qua Canada bất ngờ để khỏi lạc nhau. Khi tôi báo dọn đi chỗ khác, chị chủ nhà tức tôi lắm trong khi chồng chị thì mừng rỡ. Trước hai, ba hôm tôi dọn đi, chị ta tìm cách gây sự với chồng, cãi nhau, và chị ta khóc bù lu bù loa mỗi đêm. Tôi nằm im lặng trong phòng thở dài chán chường cho chị ta.

GIÓ THU TAN TÁC CÁNH CHIM
Ở Toronto có trường Unniversity of Toronto là trường đại học lớn nhất nước, danh tiếng nhất và lâu đời nhất của Canada; trường có đủ tất cả các ngành nghề trên thế giới cho sinh viên chọn học và có số lượng sinh viên và người làm việc đông nhất, có thư viện chính lớn hạng thứ nhì trên thế giới chỉ đứng sau thư viện đại học tư Harvard bên Mỹ. Đây là trường mà tôi nhắm tới. Ngoài ra, thành phố Toronto còn có hai đại học lớn khác là York và Ryerson; tổng cộng là ba trường tất cả. Các trường Cao đẳng Cộng đồng ở Toronto cũng lớn và đồ sộ không kém các trường đại học khác trên cả nước.

Bốn tháng sau nữa, tôi không hề nhận được thư tiên sao, không biết nàng đã rời Bidong sang Sugei Besi chưa, và lo ngại nhất là không biết nàng có nhận được thư và tiền của tôi gửi cho nàng không hay thư đã mất trên đường đi. Trong lá thư duy nhất gửi cho tôi, nàng không hề nói gì về chuyện tiền trong thư. Tôi gửi một lá thư nữa về Sungei Besi, giải thích cho nàng biết chuyện bay sang Canada ra sao, mới tới ra sao, và tiền trợ cấp đi dân như thế nào v.v... để nàng khỏi bỡ ngỡ và chuẩn bị tinh thần. Không có hồi âm.

Tôi bận rộn hơn với cuộc sống, lo chạy tìm công việc khác cho có tiền lương khá hơn; nhà in thấy tôi muốn rời bỏ việc nên tăng thêm 50 xu một giờ để giữ chân tôi. Ở nhà nào, tôi cũng thường bị phụ nữ nhà đó tìm cách lôi kéo và phiền nhiễu, nên tôi phải lo kiếm chỗ khác thuê nhà liên miên. Việc học English của tôi cũng bận hơn vì tôi thay chỗ học khác thường xuyên sao cho khá hơn. Ngày đi làm, chiều về lo nấu ăn, tối lo đón bus chạy học English, về nhà lo đọc sách luyện... công phu, lại thêm lo nghĩ về VN, tính toán đường đi vào đại học và tương lai, lo lắng chuyện tiên sao sẽ tới Canada v.v... mọi sự gay go dồn hết vào thân tôi ở ngay giai đoạn đầu định cư nhiều mới lạ và thử thách làm tôi ốm o.

Có hai chị em người Việt ở Toronto thường chở dùm tôi đi học English ban đêm và đi chơi phố tàu cuối tuần, và hai cô Việt khác đi làm chung đường xe bus nên quen và thường ghé tới nhà tôi, nhưng tôi không thích họ lắm. Sau một thời gian ngắn, tôi tìm cách tránh xa họ.

Mùa đông Canada và ở Toronto chính thức từ tháng 1 đến cuối tháng 3 mỗi năm, nhưng thật ra mùa lạnh Canada kéo dài khoảng sáu tháng của hai mùa thu và đông - khoảng từ tháng 10 đến cuối tháng 3 mỗi năm. Tuyết xuống thật nhiều, phủ trắng thành phố và cuộc đời. Gió lạnh winchills thổi tơi bời làm chín da thịt để hở ra trong vòng vài phút. Băng giá bao quanh khắp nơi, đi ra đường người nào cũng tùm hụp trong nhiều lớp quần áo, mũ, khăn quấn cổ, bao tay, giày mùa đông, khăn che miệng và hai lỗ tai. Bù lại, nhà cửa, chỗ làm, cơ sở thương mại và hành chánh, xe hơi, xe bus, xe điện ngầm v.v... nơi nào cũng sưởi ngày và đêm, rất ấm áp. Tất cả xe hơi ở Canada bắt buộc theo luật phải có 'heat' và bảo hiểm, nếu không có thì bị phạt rất nặng, máy lạnh mùa hè trong xe và nhà thì... tùy ý chủ nhân. Đêm mùa đông Canada dài hơn ban ngày. Ban đêm nhìn ra ngoài chỉ thấy màu đen nếu trời không có tuyết, hoặc màu trắng nếu trời có tuyết. Đêm mùa đông dài cho tương tư dài thêm sông tuyết trắng đổ vào lòng người xa lạ chốn dung thân.

Không có tin tức gì về tiên sao, tôi đã nghĩ rằng chắc là nàng đổi ý, không muốn gặp tôi nữa nên nàng đã im lặng, vì thời gian đó con gái Việt ở các nước định cư rất hiếm, trai thừa gái thiếu. Phụ nữ Việt rất đỏng đảnh, lên ngôi, đòi hỏi cao giá, phụ bạc tình và hành hạ đàn ông Việt nơi định cư là chuyện rất thường tình, chuyện không ai xa lạ hay kinh tởm. Đàn ông Việt chạy theo van lơn, giành giựt nhau, và khoác lác với phái nữ để chinh phục trở thành bản năng. Thị Nở mà tới Canada lúc đó cũng phải trở thành công chúa con Hùng Vương thứ 16 để cho nhiều Sơn Tinh và Thủy Tinh chạy theo tranh giành trái tim yêu.

Cuối tháng 12/1987 sắp sang năm mới, trời rất lạnh vì với tôi là mùa đông đầu tiên. Một đêm, vừa ăn cơm xong lên phòng thì ông chủ nhà gọi tôi xuống có phôn. Ngạc nhiên, không hiểu ai gọi vì tôi có đường dây phôn riêng thì người bên kia giọng đàn ông hỏi tên tôi rồi đưa sang cho người giọng nữ, "Kim Oanh đây". Tôi ngớ ra. Tôi hỏi nàng tới Canada bao giờ, sao không cho tôi biết trước gì hết. Nàng nói mới tới 2 ngày. Hỏi ở đâu. Nàng nói tên một thành phố nhỏ. Tôi không biết thành phố đó. Nàng gắt lên "Anh không có bản đồ Canada trong nhà hay sao ?". Tôi ngạc nhiên "Tự dưng có bản đồ trong nhà làm gì. Canada quá lớn, có quá nhiều thành phố lớn, nhỏ, làm sao tôi biết hết !". Giọng nàng bực dọc "Ở gần Calgary". Calgary thuộc tỉnh bang Alberta, ở sâu trong nội địa Canada. Tôi à lên, hỏi sao lại về đó. Nàng lạnh lùng "Người ta cho về đâu thì về đó". Tới đó, giọng đàn ông xen vào, biểu tôi hãy gọi lại vì đó là cú gọi viễn liên. Tôi liền cúp phôn.

Tôi tính chạy lên phòng mình trên lầu lấy phôn của mình gọi lại nàng thì ông chủ nhà cản lại không cho. Ông ta nói gọi viễn liên giờ đó mắc lắm, hãy chờ sau 9 giờ tối rẻ hơn, hoặc sau 11 giờ đêm thì rẻ hơn nữa. Ông ta nói ở Calgary đi sau Toronto 3 giờ, vậy sau 11 giờ đêm thì bên đó mới có 8 giờ. Tôi nôn nóng muốn gọi nói chuyện với nàng liền nhưng ông ta cứ cản đường, làm bộ lo lắng cho túi tiền của tôi. Rốt cuộc, tôi phải chờ sau 11 giờ đêm.

Đêm đó, khi tôi gọi sang thì nàng bực dọc hỏi sao hồi chiều không gọi lại, sợ tốn tiền hả, có người nào bên cạnh không dám gọi hả, không muốn liên lạc hả v.v... Tôi giải thích chuyện ông chủ nhà cản trở vô duyên thì nàng không tin. Nàng cáu kỉnh liên miên và nói chuyện rất lạnh lùng. Tôi hỏi chuyện nàng thì nàng không muốn nói nhiều, chỉ vắn tắt là anh chị nàng qua Mỹ trước nàng mấy tháng, đang ở New York và trách nàng sao lại đi Canada mà không đi Mỹ, Thủy còn đang chờ chuyến bay ở Sungei Besi. Nàng đang ở nhà thuê tạm với em trai, điện thoại mà nàng đang sử dụng là của nhà anh chàng đã ở đó hơn 10 năm, hiện thời nàng và em trai tới nhà đó mỗi ngày để ăn cơm và dùng điện thoại. Nàng cho biết là anh ta đã có nhà cửa, có 2 chiếc xe để đi làm và đi chơi, hơi lớn tuổi hơn nàng nhưng chưa có vợ, rất thích nàng và rất chìu chuộng nàng. Nàng nói muốn tính đi học Accounting thì anh chàng hứa sẽ đưa nàng đi Ottawa học. Tôi nói ở Calgary cũng có trường học, mắc mớ gì mà phải về Ottawa rất gần Toronto là tỉnh bang tôi đang ở. Nàng lúng túng chuyển đề tài. Nàng nói anh chị nàng tính bảo lãnh chị em nàng qua Mỹ để sum họp. Tôi hỏi nàng vậy chọn đường nào: học Accounting do anh chàng ở đó lo hay là dọn về New York. Nàng lại khoe tiếp là anh trai nàng bên Mỹ có quen với một chàng đang học năm tư Y Khoa, còn trẻ và rất đẹp trai, khi thấy hình nàng là anh chàng năn nỉ với anh của nàng là muốn bảo lãnh nàng qua Mỹ theo diện fiancé để cho chị em nàng đoàn tụ với anh chị. Tôi chán nản hỏi nàng tính chọn đường nào: Y Khoa hay Accounting có người lo cho chu đáo ? Nàng lại mỉa mai tôi "Anh có thể lo cho hai chị em Oanh về Totonto hay không ?". Giọng của nàng châm biếm và có vẻ khinh thường tôi. Tôi thở dài, cho nàng biết là tôi đang làm công nhân lương rẻ mạt, lo giúp đỡ cho bên nhà ở VN, lại đang tìm đường đi học, còn rất nhiều khó khăn, chị em nàng mới qua đã có tiền trợ cấp di dân thì cần gì tôi hay bất cứ ai giúp đỡ, muốn đi đâu sống thì cứ đi tới đó có cần gì ai cho hay nhờ vả ai v.v...  Nàng tiếp tục lạnh lùng, gắt gỏng, châm biếm tôi, và lải nhải khoe tiếp về chàng lớn tuổi nhưng khá giả nơi nàng ở và chàng trẻ tuổi, đẹp trai, đang học Y khoa năm tư bên New York. Suốt ba tiếng đồng hồ tôi chỉ nghe nàng nói bao nhiêu chuyện đó. Nàng và tôi nói với nhau giống như là châm chích nhau hơn là nói chuyện.

Khi tôi cúp phôn, bước giận dữ ra cầu thang để xuống lấy nước uống thì thấy ông chủ nhà đang lật đật chạy xuống cầu thang với vẻ thích chí. Thì ra, ông ta đã nghe lén buổi nói chuyện giữa Oanh và tôi. Tôi hiểu ngay tại sao hồi chiều ông ta tìm cách không cho tôi gọi phôn liền. Ông ta sợ tôi có bạn thì sẽ dọn ra ở chỗ khác với bạn. Ông ta không muốn mất đi một người mướn phòng trong nhà mà đàng hoàng như tôi. Mấy năm trời, ông ta không dám cho ai khác mướn phòng trên lầu vì ông ta không tin người lạ, mà để phòng không thì uổng, nên ông ta muốn phá đám làm cho Oanh tưởng tôi keo kiệt mà ghét tôi để hai bên xa nhau, và tôi cứ còn phải ở thuê trong nhà ông. Ông ta rất tinh quái, xảo quyệt, nhưng lúc nào ông ta cũng làm như rất lo cho túi tiền của người khác.

Đêm sau, lần thứ hai, khi tôi gọi qua thì nàng cũng dùng giọng lạnh lùng, gắt gỏng và châm biếm với tôi. Cũng vẫn là anh chàng lớn tuổi khá giả nơi nàng ở đang rất chìu nàng và lo cho nàng, cùng là anh chàng trẻ tuổi, đẹp trai, đang học Y Khoa bên New York, và anh chị nàng đang thúc hối nàng về Mỹ để đoàn tụ một nhà v.v... Hai đêm liền, tôi chưa hề nghe nàng hỏi về tôi lấy một câu. Tôi âm thầm buồn và đau đớn. Tôi tự hỏi tại sao nàng liên lạc với tôi làm chi, để chỉ nói những điều xúc phạm đến tự ái của tôi và tình cảm của tôi dành cho nàng. Phải chi nàng cứ im lặng khi tới Canada thì tôi đâu biết nàng ở đâu và ra sao ?. Giọng điệu nói chuyện của nàng rõ ràng là giọng điệu muốn xua đuổi tôi, hoặc là ngầm đe dọa hãy tránh xa nàng ra vì tôi không là cái gì cả. Tôi đoán có lẽ nàng lỡ nhận mấy trăm đồng qua thư tôi nên bây giờ nàng chỉ ráng liên lạc cho phải phép và tìm cách ngăn tôi ra xa nàng. Nàng lại tiếp tục mỉa mai hỏi tôi rằng tôi có thể lo cho cho chị em nàng về Toronto hay không ? Tôi lạnh lùng nói cho nàng biết là nàng muốn đi đâu thì đâu, tôi không là gì với nàng mà đóng góp ý kiến, nếu nàng quả là muốn về Toronto sinh sống thì với tình quen biết ở Bidong thì tôi chỉ có thể tìm nhà thuê trước, đặt tiền cọc trước giúp nàng mà thôi, còn khi qua Toronto rồi thì đã có chính phủ trợ cấp không cần gì tới tôi. Nàng cười khì khì có vẻ khinh thường. Tôi giận hết sức. Nàng lại hỏi tôi về chuyện tôi đi học English mỗi tối mà có mấy nàng người Việt chở đi dùm và chở đi chơi cuối tuần rất vui mà. Tôi nói đó chỉ là chuyện tôi kể cho nàng nghe qua thư để nàng biết cuộc sống Toronto và cũng là ngầm so sánh cách đối xử của nàng với những người con gái ở Toronto đối với tôi mà thôi. Nàng cười châm chích "Anh có nhiều bạn gái quá há ?". Tôi giận... cành hông. Nàng nói tôi có nhiều bạn gái quá cho nên bữa đầu không dám gọi liền vì sợ tốn tiến phôn, lo cho nhiều bạn gái quá nên không đủ sức lo cho chị em nàng về Toronto v.v.... Tôi nổi quạu thật sự. Tôi gằn giọng nói cho nàng biết là cách nói chuyện của nàng rất khác xa với hồi tôi biết nàng ở Bidong, rằng nàng nói chuyện châm chích và mỉa mai tôi nhiều quá. Tôi nhắn nhủ nàng là nàng đã qua tới Canada rồi thì nàng cũng như tôi, không cần gì phải nhờ vả ai hết, hồi ở Bidong nàng và tôi cũng chỉ là quen biết mà thôi, nay cũng chỉ là quen biết, tôi không có nói hay làm gì mà xen kẽ vào chuyện cuộc sống của nàng, nàng muốn đi đâu và muốn chọn ai thì tùy nàng, tôi có bạn ở Toronto hay không là tùy tôi, tôi không năn nỉ nàng và cũng không mỉa mai nàng, do đó tôi không muốn nghe nàng mỉa mai và coi thường tôi, tôi không muốn nghe những gì nàng khoe nữa, nàng có toàn quyền quyết định đi đâu: ở Calgary, đi Ottawa, đi Toronto, hoặc là đi New York, nàng muốn chọn ai là tùy nàng và tùy anh chị nàng, tôi không hề có ý kiến gì hết v.v... Nàng hỏi tôi có tiếc những gì tôi đã gửi về Bidong cho nàng không? Tới đó thì cơn giận của tôi bùng vỡ òa. Tuy nhiên, tôi ráng nín và chỉ lạnh lùng cho nàng biết là khi gửi thư về Bidong cho nàng thì tôi không biết nàng sẽ đi về nước nào, tôi chỉ gửi thư như gửi cho người bạn hoặc người quen biết, tôi không hề biết là nàng sẽ đi Canada mà tìm cách gửi trước để lấy lòng nàng, tôi gửi như đã từng gửi hồi ở Sungei Besi mà không mong có ngày sẽ gặp lại nàng hay là sẽ có hồi âm, cho nên tôi không có gì phải tiếc hết vì đó là gửi cho người mà mình không bao giờ gặp lại mà v.v... Nàng cười có vẻ không tin. Tôi không muốn nói chuyện với nàng nữa. Bữa đó, hai bên nói với nhau cũng ba tiếng đồng hồ. Khi cúp phôn, tôi phải lo ngủ ngay vì đã quá khuya mà sáng mai còn phải đi làm.

Tôi đoán là nàng vì lỡ có nhận thư tôi trước đây nên bây giờ tới Canada nàng đang tìm cách ngăn sông, cách núi, che bờ, xây tường, rào giậu, đắp đê, rút ván... với tôi. Thà là nàng im lặng luôn khi tới Canada để tôi không biết gì về nàng, còn hơn là liên lạc với tôi mà mỉa mai, coi thường, và châm chọc. Tự ái của tôi bị thương tổn nặng nề. Tình cảm của tôi bị đem ra chế giễu. Tôi đau lòng lắm. Nàng muốn chọn đường đi sáng sủa hơn thì cứ đi, nàng và tôi đâu có thề hứa gì với nhau đâu mà nàng đối xử với tôi như vậy cho đau đớn lòng nhau. Chỉ vì lỡ gửi thư và gửi tiền giúp bạn trong cơn khổ ở Bidong mà giờ này tôi phải buồn và hận. Biết vậy, khi rời đảo là tôi đã quên nàng luôn cho khỏe... tim.

Đêm thứ ba, dù rất chán nản nhưng tôi cũng ráng gọi qua nàng với lời hứa thầm đó là lần cuối, một lần nữa thôi rồi vĩnh viễn xa nhau. Lần này, nàng cũng dùng giọng điệu như hai đêm trước. Nàng cho biết anh chị nàng kêu nàng về New York; tôi khuyên nàng nên về New York mà đoàn tụ với anh chị. Sau đó, nàng lại ca bài anh chàng lớn tuổi nơi nàng đang ở rất giàu và rất chìu nàng; tôi nói anh chàng đó thương nàng là chuyện đáng tin vì ai mà chẳng thương nàng, cho nên nếu nàng cũng thích anh ta thì nên chọn nơi đó để sống có người khá giả chăm lo; nàng cười khì. Nàng lại chuyển sang ca bài anh chàng Y khoa bên New York; tôi nói anh chàng đó trẻ tuổi, đẹp trai, ở Mỹ đã lâu, tương lai sáng lạn, lại ở gần anh chị nàng, vậy nàng nên chọn anh đó là tốt nhất, vẹn mọi bề; nàng cười khì khì. Tôi cho nàng biết tôi sẽ không gọi phôn hay liên lạc với nàng nữa, không muốn làm phiền nàng, không muốn nghe những lời mỉa mai, châm chích của nàng nữa, chúc nàng gặp nhiều may mắn.

Nàng hỏi "Có biết tại sao Oanh nói chuyện với anh như vậy không ?". Tôi nói "Ai mà biết lòng nhau. Tôi chỉ biết là tôi vô tội mà bị nghe những điều như vậy thì chán lắm. Thôi, tôi xin ngưng nơi đây". Nàng mỉa mai "Anh mà vô tội ?". Tôi gằn giọng "Tôi làm gì mà có tội ?". Nàng cười khì khì "Oanh qua Sungei Besi có gặp lại Thu". Tôi giật thót mình, hồi hộp, nhưng im lặng chờ nàng nói tiếp. Nàng hỏi mát "Anh chắc còn nhớ Thu chớ hả, làm sao mà quên được ?". Tôi nói cứng "Cô gặp lại Thu thì mắc mớ gì tới tôi mà lại nói chuyện với tôi kỳ cục như vậy ?". Nàng ra vẻ bí mật "Ở Sungei Besi, Thu rất thân với Oanh, ngày nào cũng nói chuyện với Oanh". Tôi biết có chuyện chẳng lành "Rồi sao, mắc mớ gì tới tôi ?". Nàng cười lớn tiếng "Còn làm bộ nữa ?". Tôi ngơ ngác "Làm bộ cái gì chớ ?".  Nàng cười khì khì "Để Oanh nhắc cho anh nhớ nhen".

Nàng kể là ở Bidong Thu và nàng chỉ quen biết nhau, không phải là bạn, qua tới Sungei Besi Thu tỏ ra rất thân với nàng. Thu có đưa thư tôi gửi về cho Thu cho nàng coi bìa thư có tên và địa chỉ của tôi, nói là tôi gửi thư cho Thu nhiều lắm, và cho biết tôi nhớ Thu lắm. Nàng hỏi "Có phải vậy không ?". Tôi biết là tai họa đang giáng xuống rồi nhưng ráng chống đỡ "Tôi có gửi thư cho Thu nhưng chỉ có 1 lá và với nội dung khác hẳn điều Thu nói". Nàng cười khúc khích. Tôi cảm thấy khó mà giải thích thêm. Nàng kể tiếp là hôm nàng rời trại có làm buổi party đãi bạn bè, trong buổi đó có Thu nữa; khi có vài người chọc nàng là tới Canada thì nàng sẽ xum họp với tôi thì Thu lập tức lên tiếng "Ồ... ông đó hả...ông đó gửi thư cho Thu mấy lần năn nỉ Thu cho ổng làm bảo lãnh financé mà Thu không chịu"; Thu và mọi người trong buổi party cười ầm ĩ; nàng ngượng và xấu hổ vô cùng mà không biết nói sao, chỉ lo bào chữa là giữa nàng và tôi chỉ là bạn. Nàng hỏi "Có vậy không ? Anh năn nỉ người ta cho anh bảo lãnh fiancé mà".

Tôi giải thích sơ cho nàng biết là hồi ở Sungei Besi Thu có nhờ tôi bảo lãnh fiancé rồi nhưng tôi không chịu. Nàng tiên sao hứ lên "Con gái ai mà lại đi đòi con trai làm bảo lãnh fiancé cho mình. Nói xạo vừa vừa chứ !". Tôi nói cho nàng biết là tôi nói chuyện thật và kể cho nàng nghe tình trạng của Thu với chồng và em trai chồng có mối tình tay ba như vậy thì có muốn cũng chẳng ai mà bảo lãnh được, tôi đâu có điên mà đòi làm chuyện tầm bậy như vậy. Sang tới Canada thì Thu lại gửi thư nhờ tôi bảo lãnh fiancé lần nữa. Nàng tiên sao chặn lại "Anh không gửi thư cho người ta thì làm sao mà người ta có địa chỉ của anh để gửi ?". Tôi nói tôi gửi thư cho người quen còn ở Sungei Besi chờ đi Canada chuyến sau, kể chuyện cho họ nghe để họ biết trước mà chuẩn bị, Thu có đọc thư đó từ người quen tôi nên nàng lấy địa chỉ mà gửi thư qua cho tôi. Tôi nói là tôi giải thích qua thư cho Thu chuyện bảo lãnh không được vì tôi đã xin bảo lãnh chị em Oanh mà không được vì lương thấp. Nàng hứ lên, cười khì khì tỏ vẻ như tôi đang kể chuyện bịa. Tôi nói cho Thu biết tiếp là hồ sơ của Thu như vậy thì chẳng có ai mà bảo lãnh được, khuyên Thu nên chờ đi Mỹ là con đường đúng nhất. Nàng tiên sao ngờ vực, không tin những lời tôi nói vì nàng một mực cho là con gái không thể nói trước với con trai để nhờ bảo lãnh fiancé. Nàng nói là nàng có thấy lá thư tôi gửi cho Thu. Tôi nói nếu nàng đọc lá thư đó thì nàng biết là tôi đang nói thật. Nàng nói nàng chỉ thấy bìa thư, không đọc lá thư vì "thư tình của người ta, ai mà dám đọc !".

Tôi thở dài, chán nản. Cuối cùng, tôi nói là tôi còn giữ hai lá thư của Thu dù Thu có đòi tôi gửi trả lại, nếu nàng muốn thì tôi sẽ đưa cho nàng đọc để chứng minh là tôi đang nói thật. Nàng hứ lên "Ai mà thèm đọc thư tình của hai người gửi cho nhau chớ !". Tôi hỏi "Vậy thì tôi phải làm gì và nói gì để chứng minh là tôi đang nói thật". Nàng mỉa mai "Làm gì thì anh làm, ai mà biết. Chuyện của anh và Thu thì anh biết rõ quá mà, biết làm gì, lo gì cho người ta mà ?!". Tôi nói "Chỉ có cách duy nhất là Oanh hãy đọc thư Thu gửi cho tôi, mọi chuyện sẽ rõ ràng ra hết". Nàng xì lên "Không thèm". Tôi hỏi "Vậy giữa Thu và tôi, Oanh tin ai hơn ?". Nàng nói ngay "Oanh phải tin bạn gái hơn chớ. Bạn gái biết người nào gian dối, ba xạo thì người ta báo cho mình biết để đề phòng. Đàn ông, con trai, bắt cá hai tay, ai mà dám tin !". Tôi tuyệt vọng. Nàng nói là nhờ Thu mà nàng mới biết là tôi có liên lạc với nhiều bạn gái, đã vậy tôi còn kể trong thư cho nàng nghe về chuyện có bạn gái chở dùm cho đi học English hàng đêm và đi chơi cuối tuần nữa, nàng phải cám ơn Thu mới được. Tôi ráng vớt vát lần cuối "Oanh hãy cho tôi địa chỉ. Tôi sẽ gửi hai lá thư của Thu qua cho mà đọc. Đọc xong là biết ai thật, ai láo liền". Nàng dứt khoát không tin tôi, không muốn đọc thư Thu gửi cho tôi.

Nàng nhắc là Thu còn ở Sungei Besi đó, tôi hãy lo gửi tiền về mà giúp đỡ cho người ta. Cơn giận của tôi đã nổ thành cơn bão tố trong đầu. Tự ái của tôi đã bị chạm tới tận cùng trong trái tim. Tình cảm của tôi đã bị chế nhạo như trò hề. Tôi nói với nàng lời chào giã biệt, từ đây tôi sẽ không bao giờ phôn hay liên lạc gì với nàng nữa, tôi chúc nàng gặp nhiều may mắn và mau qua New York để đoàn tụ với anh chị.

Khi cúp phôn, tôi nằm tức anh ách trên giường không ngủ được, cơn giận hành hạ bầm dập tôi làm tôi thở không nỗi. Tôi đã làm ơn và mắc oán. Tôi bị xóc hông, xóc óc, xóc tim, xóc cả người từ thể xác tới tâm hồn, từ tự ái tới tình cảm, từ mặt đất tới trăng sao...

Hôm sau, tôi suy nghĩ đi, suy nghĩ lại mọi chuyện giữa nàng tiên sao và tôi, để rồi tới kết luận là tôi không thể giải quyết nỗi chuyện nghi ngờ và lòng tổn thương của nàng. Hồi ở Bidong, nàng và tôi chỉ là bạn thường, nên hai bên không có gì để mà gắn bó và tin tưởng nhau. Hoàn cảnh và những người chung quanh luôn tìm cách phá, tôi chẳng thể nào chứng minh lòng mình rõ hơn nữa. Vả chăng, nàng đang lúc rất xinh đẹp, đang lúc có nhiều người đã thành công nơi xứ người theo đuổi thì nàng không có gì phải vướng bận với tôi. Không có ai phá vào thì nàng chắc cũng sẽ tìm cho nàng hướng đi khác cho tương lai sáng sủa hơn mà thôi, hơi đâu mà nàng vướng víu vào tôi, người đang rất long đong ở giai đoạn mới tới. Nàng khoe những chàng đã ở lâu, thành đạt, liên miên như vậy là cách gióng tiếng chuông cảnh báo cho tôi biết mà tìm cách lui, đừng nên vì mấy trăm bạc gửi về Bidong mà đòi hỏi tình yêu. Tôi hiểu vậy. Và tôi buồn lắm, đau lòng vô cùng, ráng quên nàng. Tôi biết con đường đi học sắp tới rất khó khăn và chật vật, phải lo cho xong, không thể nào vì tình không ra tình mà làm hỏng bét.

Từ khi tôi ráng quên nàng cũng là từ khi tôi cảm thấy thế giới chung quanh tôi... trống rỗng. Hoàn toàn trống rỗng. Chỉ một mình tôi đi, về, làm việc, học English, đi chợ, nấu ăn, đi chơi cuối tuần một mình. Hoàn toàn cô đơn. Cả thế giới lúc đó có dân số là khoảng 6.5 tỷ người, vậy mà tôi cảm tưởng chỉ có mỗi mình tôi đang sống; mọi người khác dường như biến mất hết. Tôi sống cô đơn một mình. Lầm lũi. Đi, về. Có lúc, tôi tưởng như mình đang lênh đênh một mình trên chiếc ghe trên đại dương, như ngày nào vượt biên, chỉ nhìn thấy chung quanh trời với nước một màu, không thấy bờ bến, và không thấy bóng người. Lúc đó, tôi mới thấu hiểu thấm thía "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" hoặc "ở giữa nơi đông người mình càng thấy cô đơn hơn khi ở một mình". Tôi ghét những người con gái Việt khác. Tôi ráng quên. Quên Bidong. Quên Sungei Besi. Quên khoảng đời tỵ nạn. Quên hết mọi thứ... xóc. Tôi chỉ còn có một quyết tâm: dồn sức vào việc học và phải vào cho được University of Toronto.

Tôi xé hai lá thư của Thu và lá thư của Oanh, cho vào thùng rác. Vĩnh biệt tình... đau đớn lu bu. Xóa hết số phôn và địa chỉ. Xóa hết một khoảng đời u ám đã qua.
Về Đầu Trang
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Thu Jun 09, 2011 12:25 pm    Tiêu đề: TIÊN SAO
Tác Giả: Bi

CHIM BAY ĐƯỜNG CHIM, MÂY ĐƯỜNG MÂY
Hai tháng sau. Sáng chủ nhật.

Tôi vừa ăn sáng xong, đang tính đón bus đi xuống phố tàu mua thực phẩm thì mẹ ông chủ nhà chạy lên phòng tôi, ú ớ tiếng Việt khó khăn, ra dấu cho tôi biết là có ai gọi phôn cho tôi. Vừa đi xuống phòng khách, tôi vừa thầm hỏi ai mà gọi cho tôi qua số phôn ông chủ nhà trong khi tôi có điện thoại riêng. Bắt phôn lên, tôi lên tiếng thì bên kia giọng nữ "Biết ai đây không ?". Tôi ngạc nhiên, không biết ai mà hỏi tôi giọng điệu kỳ vậy, nói "Không". Giọng nữ hơi gằn "Không biết ai đang gọi hả ?". Tôi ngơ ngẩn, ai mà gọi cho tôi qua phôn chủ nhà, lại còn hỏi giọng điệu như sếp của tôi, nên nói "Tôi không biết ai đang gọi". Im lặng một chút, giọng nữ lại nói "Không biết ai đang gọi thiệt sao ?". Tôi ráng suy nghĩ mà không biết là ai, hỏi "Ai gọi mà không nói cho tôi biết tên ?". Giọng nữ kênh kiệu có vẻ giận "Không biết thì cúp phôn à !". Tôi bật cười "Tự nhiên gọi tới cho tôi, đã không cho biết tên, lại còn dọa cúp phôn nữa, ai mà lạ vậy ?". Giọng nữ buông thõng "Oanh". Tôi giật mình thảng thốt, không biết nói gì.

Nàng hỏi tôi bà già trong nhà sao không biết tiếng Việt. Tôi nói đó là mẹ chủ nhà, người tàu, già rồi nên nói tiếng Việt rất khó khăn. Nàng hỏi vậy làm sao mà bà ta nói chuyện được với tôi. Tôi nói rằng không hiểu sao tôi nói thì bà hiểu, còn bà nói nửa việt nửa tàu tôi cũng hiểu. Nàng nói rằng nàng có gọi cho tôi ba lần rồi, mà lần nào bà già đó cũng không biết nàng nói cái gì, nói tiếng Anh bà cũng không hiểu. Tôi hỏi nàng gọi có chuyện gì. Nàng cho biết là chị em nàng đã dọn sang ở chỗ mới, không còn lui tới nhà anh chàng lớn tuổi khá giả ở đó nữa, không còn dùng điện thoại nhà đó nữa. Nàng biểu tôi ghi số phôn mới của nàng. Nàng đọc số phôn mới, trong khi tôi đứng nguyên một chỗ, không thèm lấy giấy viết ra ghi, không thèm ghi nhớ trong đầu. Đọc xong số phone, nàng cười cười qua phôn "Thôi Oanh cúp nhen". Nàng cúp phôn, với thái độ mà tôi biết là nàng tin rằng tôi sẽ gọi lại ngay.

Hết rồi. Tôi đã quyết. Tôi đã không thèm ghi lại và nhớ số phôn của nàng thì dù muốn tôi cũng không gọi lại cho nàng được. Tôi không muốn nàng làm cho tôi buồn, đau, và xóc hơn nữa. Tôi còn trách nhiệm với gia đình ở VN, đang còn lận đận, và còn nhiều khó khắn trước mặt. Tôi còn phải ráng làm sao vào được Universiry of Toronto, mà vào rồi là tôi sẽ có mấy năm gian nan và thiếu thốn chờ đợi trước mặt. Tôi không muốn nàng so sánh, coi thường, và làm cho tôi buồn. Tự ái của tôi đã từng bị va chạm nặng nề. Tình yêu của tôi đã bị chế giễu cho tới vỡ nát, khó mà làm cho lành lặn như xưa. Hãy để cho tình sao băng.

Tuần sau, Thủy gọi tới cho tôi biết là Thủy vừa tới Canada, đang ở nhà thuê chung nhiều người với nhau gần phi trường Pearson, Toronto. Thủy không nói gì về Oanh, làm như nàng biết giữa Oanh và tôi có chuyện không hay. Tôi cũng không đả động gì tới Oanh, chỉ hỏi chuyện nàng. Thủy nói là mấy người con trai trong nhà rất là kỳ cục, tìm cách làm như giúp đỡ đưa nàng về nhà ở chung, mà thật ra bám sát theo nàng và canh chừng nàng làm như sợ mất nàng, trong khi nàng chỉ là người mới tới. Thuỷ nói là đang tìm mướn thuê chỗ khác cùng với mấy chị bạn, có gì Thủy sẽ cho tôi biết số phôn và địa chỉ sau. Hôm sau, khi tôi gọi lại thì một anh chàng trong nhà hỏi tôi là gì của Thủy. Tôi nói tôi là bà con của Thủy. Anh ta gằn giọng "Bà con ra sao ?". Tôi nói "Anh hỏi làm gì ?". Anh ta gằn giọng hơn nữa "Tôi nói cho anh biết, tôi là financé của Thủy, Thuỷ là dợ sắp cưới của tôi, tôi cấm anh gọi phôn tới hay liên lạc với Thủy nữa". Tôi phì cười thì anh ta cúp phôn cái rột. Lần nào tôi gọi lại thì anh ta cũng bắt nghe và cúp liền. Rốt cuộc, tôi chẳng gọi cho Thủy được và cũng chẳng thấy Thủy gọi cho tôi.

Tháng sau, tôi dọn nhà, thay đổi hẳn số phôn và địa chỉ. Thủy và Oanh không thể nào liên lạc được với tôi nữa.

Hai năm sau.

Một hôm tôi đi với mấy người bạn ở phố tàu thì bất ngờ gặp Thủy cùng với mấy người bạn nữ đang đi ngược chiều. Tôi đứng lại chào hỏi Thủy vài câu, xong quay lưng đi tiếp. Thủy gọi giật lại, nói nhanh "Oanh đã về Toronto sống gần 2 năm nay rồi, đang ở gần Dufferin Mall đó, anh biết không ?". Tôi nói "Vậy hả, cho tôi gửi lời hỏi thăm". Thủy vội vã nói tiếp "Anh muốn lấy số phôn và địa chỉ của Oanh không ?". Tôi nhìn Thủy lắc đầu. Ánh mắt của tôi nói với Thủy là mọi chuyện đã hết rồi. Thủy dường như hiểu. Tôi quay lưng đi tiếp với bạn.

Suốt nhiều năm sống cùng trong thành phố Toronto, đi phố tàu nhiều lần, mà tôi chưa hề gặp mặt đụng độ với Kim Oanh lần nào.

MỘT NGƯỜI NGỒI BÊN KIA SÔNG IM NGHE NƯỚC CHẢY VỀ ĐÂU
MỘT NGƯỜI CHÌM SÂU TRONG KHI MƯA NGÂU BỖNG NGỪNG NGANG ĐẦU (P.D.)

Sau một năm ở Toronto, nhờ chuyển sang làm ở công ty sản xuất phụ tùng xe hơi lương khá hơn gấp rưỡi $11.5/giờ khởi đầu nên tôi lấy bằng lái xe và mua chiếc xe hơi Nhật Honda cũ $2500 và mua bảo hiểm cũng $2500/năm, chuyện đi lại do đó đỡ tốn thì giờ hơn.

Suốt những năm tháng ở Toronto, tôi có nhiều niềm vui và nỗi buồn, nhưng chỉ có hai niềm vui là tôi nhớ nhất.

Một, lần duy nhất nhận lá thư ngắn ngủn của tiên sao. Mấy hôm đó, đi đâu tôi cũng bỏ lá thư vào túi quần, miệng ca hát liên miên, nhìn thấy cái gì cũng đáng yêu. Những người đi đường tưởng thằng tỵ nạn di dân nào qua tới Canada chịu không nỗi cú sốc cuộc sống mới nên... khủng.

Hai, ngày tôi nhận giấy báo được nhận vào học University of Toronto. Tôi bỏ lá thư vào túi quần, lái xe chạy rong trong thành phố, ca hát inh ỏi. May mà có cửa kính xe đóng kín lại, không thì người ta lại tưởng tôi điên. Buổi chiều tôi ghé vào tiệm phở kêu một tô phở xe lửa đặc biệt. Buổi tối, tôi vào tiệm massage nhờ một cô nõn nà xoa dùm cái lưng cho bớt... cô đơn.

Vào đại học, tôi chuyển sang mướn bachelor, basement, hoặc unit một phòng ngủ ở một mình dù tốn kém hơn, không còn mướn phòng ở chung chạ nhiều phiền phức nữa. Tiền nợ mượn đi học được cho rất ít, trả xong học phí và tiền mua sách vở, tôi chỉ còn có $400 một tháng để ăn, ở, phải lo chạy tìm việc làm part time quanh năm suốt tháng.

Thời gian đi học là thời gian nhiều màu sắc nhất của cuộc đời tôi, mặc dù gam màu xám, tối nhiều hơn gam màu sáng. Tôi không có bạn học người Việt dù người Việt học trong trường cũng khá đông, có hẳn một Hội Sinh Viên Việt Nam và tôi không tham gia hội đó.

Tôi bắt đầu ăn mặc theo lối sinh viên của trường, thường nhất là quần jeans đắt tiền nhưng rất 'bụi', áo thun in chữ và hình ảnh nói lên vài statements; khi mặc suits vào thì cũng oai lắm, vừa cổ điển vừa đậm phong cách hiện đại; mùa hè quần sọoc rất ư là dân thành phố lớn. Tóc tôi cắt theo những mốt mới, đôi khi uốn tóc rất nghệ sĩ.

Năm đầu tiên, tôi vào giảng đường nghe giáo sư giảng bài như vịt nghe sấm, không hiểu gì hết. Nghe bạn tây nói chuyện và giỡn với nhau, tôi cũng thành kẻ đứng bên lề vì không hiểu hết và không nhập bọn được. Tôi phải tập nghe tivi, radios, tập nói English một mình vào khoảng không mỗi ngày. Nhất là tôi luyện giọng, nhấn giọng sao cho đúng với giọng Torontonians; giọng tiếng Anh trước đây của tôi trật bấy bá, giống như người Pháp nói tiếng Anh, may mà tôi nói được nhiều nên người nghe có thể đoán được. Ngữ điệu tiếng Anh của vùng Toronto, New York, và vùng đông bắc Hoa Kỳ là chuẩn và hay nhất trên thế giới, có thể so sánh như giọng Hà Nội của tiếng Việt. Ngữ điệu tiếng Anh ở miền tây Canada và Hoa Kỳ, ven bờ tây Thái Bình Dương, như ở Vancouver B. C., California thì giống như giọng Saigon của tiếng Việt. Các tiểu bang miền nam nước Mỹ nói giọng tiếng Anh rất kỳ cục và gãy, giống như tiếng Việt ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng trị. Tiếng Anh ở Anh quốc còn tệ hơn nữa, giọng nhão và đớt. Anh quốc, Úc và Tân Tây Lan có giọng nói English gần giống nhau và dở nhất thế giới. Tới cuối năm thứ hai là tôi nghe và nói thành thạo English như tiếng Việt.

Chúng tôi miệt mài với những assignments, chạy đua với thời gian theo những courses, thổn thức theo số điểm, bỏ và lấy lại những killers' courses, vật vã với những kỳ thi. Có nhiều đêm tôi thức trắng trong phòng computer labs ở trường. Chúng tôi tranh biện với nhau về những phương pháp giải quyết vấn đề trong computer science, những luận lý dùng trong khoa học và thực tiễn, nghệ thuật đương đại thế giới đang tiến theo hướng nào v.v.. Người HongKong thì tranh luận với tôi về tương lai của Trung Quốc về đâu cùng với những vấn nạn đương thời v.v... Tôi bắt đầu nghe toàn nhạc Mỹ và Canadian, hết thích nghe nhạc Việt nữa; tất nhiên classical guitar của tôi cũng tiến bộ hơn. Nhạc Việt, với tôi lúc đó, là một sự loanh quanh vương vấn lập lại nhạc thời trước 1975; cái ao nhạc nhỏ bé đó có quá nhiều mến tiếc, người Việt dường như không nỡ rời xa.

Các nàng từ HongKong, Đài Loan và Đại hàn, nhưng sinh trưởng ở Canada, học chung mết tôi nhiều lắm, nhưng lúc đó tôi cặp yêu với một nàng gốc Nhật phù-tang. Hai đứa mết nhau qua tính tình. Nàng xinh đẹp, thanh lịch, con nhà giàu, phong thái trầm lắng nhưng mở miệng là lý luận sâu sắc, chặt chẽ như Luật sư làm tôi ngán lắm. Nàng lại thông minh và dịu dàng, khoan thai, quần áo đúng mốt, tiếng Anh là ngôn ngữ chính của nàng. Nàng và tôi đều mê nhạc Jazz và classical music. Mẫu người con gái tôi yêu bấy giờ là như vậy. Tôi yêu người con gái hiện đại, đầu óc sắc bén lý luận tây phương, nhạy cảm với vấn đề xã hội, và biết yêu & thưởng thức nghệ thuật. Trong tôi không còn hình ảnh mẫu người con gái lý tưởng như nàng tiên sao ngày nào.  Đôi khi tôi cũng còn nhớ lại nàng tiên sao, nhưng hễ nhớ tới nàng là tôi tức anh ách, giận cành hông, và muốn quên cho mau. Gái Nhật phù-tang cùng tôi giữ gìn ban đầu, sau một thời gian thì yêu nhau xả láng, may mà nàng biết cách giữ cho bụng lúc nào cũng nho nhỏ, xinh xinh. Gia đình nàng không muốn nàng ưng chồng khác người Nhật, cuối cùng thì tình hai đứa rã đám sau khi ra trường. Sau này, đôi khi nàng còn tìm gặp tôi, nhưng tôi khuyên nàng nên chấm dứt để mà giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Có vài nàng Việt học chung trường, khi biết tôi là người Việt thì lảng vảng quanh tôi, làm bộ làm tịch như tiểu thư con nhà gia giáo, mắt nhìn tôi khêu gợi rất 'gian' mà khi tôi tới nói chuyện thì ngậm miệng im thin thít làm như mở miệng là sẽ bị... sình bụng; tôi bỏ đi thì lại tìm cách lảng vảng níu kéo và tiếp tục nín khe; như vậy thì làm sao sinh ra tình khi mà không nói chuyện được với nhau. Tôi chán cái ngữ làm bộ bảo thủ đó vô cùng. Có em Việt mới 19 tuổi học năm thứ nhất thôi, biết tôi là Việt, gặp tôi là chạy tới tíu tít khêu gợi tình và thái độ làm như tiểu thư nhà kín cổng cao tường, trong khi tôi nói chuyện hiền khô và thản nhiên; tuần sau, bước ra trạm xe bus, tôi tình cờ thấy em đang xà-nẹo ôm hun hút với một chàng tây mập như thùng phuy giữa chốn đông người; thấy tôi, em tái mặt và mắc cỡ kéo chàng tây đi mất; nhờ vậy mà hết thấy em tới tôi đóng kịch gái nhà lành tỏ tình nữa. Với tôi, gái Việt rất gian dối bên trong mà lại rất nết na gia giáo bên ngoài. Thời gian đó, tôi không thể yêu hay thích gái Việt được nữa. Tôi ra đường, người Việt gặp tôi không biết tôi là người Việt cho nên họ không còn nhìn tôi lấm lét, thói quen của người Việt, như lúc trước nữa. Có lần, đi ngang phòng Sinh Viên Quốc Tế trong trường, tôi tính ghé vào thì có hai em gái Việt chặn tôi ngay cửa vào, nói bằng English "Hôm nay chỗ này dành cho sinh viên VN họp, anh không được vào". Tôi lẳng lặng bỏ đi. Người Đại Hàn gặp tôi thì nói tiếng Hàn; tôi lắc đầu, họ biết là lầm. Vào tiệm tàu, tôi nói tiếng Anh thì họ nhìn tôi ghét bỏ và nói tiếng tàu mỉa mai tôi; tôi nói tôi là người Việt thì họ mới biết là lầm.

Thập niên 1990s, phong trào về VN du lịch, cưới vợ dễ dàng và rầm rộ. Gái Việt ở nước ngoài tự nhiên bị giảm giá trị hẳn. Phụ nữ Việt lại chạy theo và quỵ lụy với trai Việt. Đàn ông Việt lên ngôi và quay lại hành hạ tình, phụ tình với đàn bà Việt. Chuyện thay đổi xảy ra chỉ trong vòng vài năm từ khi tôi tới Canada. Các trại tỵ nạn xảy ra chuyện thanh lọc để nhận người tỵ nạn đi định cư, còn lại thì trả về lại VN, để tiến tới đóng cửa các trại tỵ nạn. Người từ các trại tỵ nạn qua Canada giảm sút mạnh, từ từ hết hẳn. Người từ VN được thân nhân bảo lãnh qua đoàn tụ lại tăng lên hẳn vào thập niên 90s này. Những người mới qua từ VN theo bảo lãnh ở thời gian sau này rất dốt về mọi vấn đề, tiếng Anh rất tệ, nhưng nói dóc, nói khoác thì một tấc tới trời.

Thời gian sau đó, đi làm tôi cặp bồ với một nàng Ba Lan, 25 tuổi. Nàng yêu tôi và đi với tôi một thời gian mới ngỏ ý cho tôi biết. Nàng sống ở Toronto bằng khoảng thời gian tôi, nên hai đứa có nhiều hoàn cảnh sống tương đương, Nàng học Computer Graphic Design nhưng khác trường, rất xinh đẹp và da rất trắng, quần áo thanh lịch, chỗ làm anh chàng nào cũng mê. Khi nàng cặp bồ tôi, mấy chàng da trắng tức tối, chế nhạo "Áo trắng không mặc mà mặc áo vàng". Nàng chỉ mỉm cười khinh khỉnh. Chị Kỹ sư người tàu làm chung không muốn cho tôi cặp với nàng, nên kéo tôi hỏi nhỏ "Sao không cặp với người Á châu mà cặp với tây làm gì ?". Tôi ngạc nhiên hỏi chị "Tại sao ?". Chị nói "Tao già rồi và xấu nữa, lại có chồng, có con, nếu tao mà còn trẻ, đẹp, chưa chồng, là tao sẽ ưng mày liền". Tôi chưng hửng nhìn chị. Chị nói tiếp "Con gái nào mà thấy mày là chịu liền. Mày giỏi, đẹp người, đẹp nết. Nhất là mày có tấm lòng nhân hậu". Tôi im lặng. Chị khuyên "Đừng nên ưng tụi tây, kiếm người châu Á mà ưng". Sau này, gia đình nàng Ba Lan không cho nàng ưng tôi vì khác chủng tộc. Cuộc tình tan vỡ.

Rồi tôi cặp bồ em da trắng gốc Anh, rất cao và nẩy nở, 20 tuổi học ngành Lịch sử, đi làm part time chỗ tôi làm. Tôi trở lại trường học tiếp Cao học và gặp gỡ nàng Tích Lan da đen hết một năm. Rồi đi làm, tôi bị nàng Bồ Đào Nha 35 tuổi dạy dỗ cho biết kỷ niệm mịn hết một năm. Sau này, khi có dịp trở lại trường, tôi gặp một nàng Việt đẹp tuyệt vời khoảng 22 tuổi, đang học năm cuối cùng trường, hai bên mết nhau ngay 'first sight love', chưa kịp yêu nhau thì mẹ nàng tìm cách ngăn cản làm tình tôi chưa nói đã tiêu tan. Rồi v.v... và v.v... Dường như cuộc tình nào cũng... đau !

Mùa hè 1992, một hôm sau khi điều chỉnh résumé và đơn xin việc làm mùa hè, tôi lật cuốn niên giám điện thoại ra để dò lại vài cái địa chỉ công ty. Tình cờ, tay tôi mở ra đúng trang có tên nàng tiên sao. Thường, trong cuốn niên giám điện thoại, chỉ có họ là viết đầy đủ, còn tên và chữ lót thì viết tắt, nhưng tên nàng tiên sao thì được viết đầy đủ họ và tên. Không hiểu sao, tôi biết đó là nàng dù là có rất nhiều người mang tên họ đó. Tôi bần thần nhìn cái tên. Kỷ niệm tức anh ách và giận cành hông tràn về. Tôi tính lật qua trang nhưng không hiểu sao tôi cứ bần thần để đó nhìn và suy nghĩ. Nhìn địa chỉ, tôi biết là không xa chỗ tôi ở lắm. Cuối cùng, tôi gọi cho số phôn đó. Bên kia giọng nữ vừa "hello" không hiểu sao tôi biết ngay là giọng nàng. Tôi vừa lên tiếng hình như nàng cũng biết ngay là tôi nên nàng im lặng. Tôi hỏi nàng bây giờ làm gì. Nàng nói nàng làm nhân viên buôn bán cho tiệm furniture - bàn ghế giưòng tủ - của tiệm người Việt duy nhất ở Toronto từ khi nàng về Toronto. Tôi biết tiệm đó, ở rất gần phố tàu; campus trường tôi học cũng rất gần phố tàu, đi bộ chỉ vài phút, cho nên từ campus tôi học đi bộ tới tiệm furniture đó cũng chỉ khoảng mươi, mười lăm phút. Giọng nói của nàng không còn trịch thượng với tôi như xưa nữa, mà có vẻ mệt mỏi và buồn. Nàng nói hình quảng cáo furniture của tiệm có hình nàng ngồi trên giường. Tôi bật cười "Tại sao quảng cáo bàn ghế giường tủ mà lại chụp chung?". Nàng có vẻ phật lòng "Chị bạn làm chung tiệm cũng có chụp hình trong quảng cáo nữa". Tôi im lặng một lát, rồi hỏi "Oanh có chồng chưa ?". Nàng nói lảng "Oanh bây giờ già và xấu rồi". Tôi tính nói byebye. Nàng vội nói "Thu đã qua Mỹ lâu rồi, đang sống với người em chồng và đã có con với người đó". Cơn giận ở đâu tràn về trong tôi ào ạt "Tôi không muốn nghe nói tới cô Thu nữa !". Nàng mỉa mai "Bộ anh còn giận Thu hả ?". Tôi sừng sộ "Giận làm quái gì người láo khoét, gian dối đó !". Nàng mỉa tiếp "Thu không cho anh bảo lãnh financé nên anh giận quá hả ?". Tôi giận quá, lật đật nói nhanh "Tình cờ thấy tên cô trong cuốn niên giám điện thoại nên tôi gọi thử coi có phải cô không thôi, chớ tôi không có ý liên lạc với cô làm gì. Goodbye and good luck !". Tôi cúp phôn thật mạnh.
Về Đầu Trang
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Fri Jun 10, 2011 9:08 am    Tiêu đề:

NGƯỜI ĐI ĐỤNG PHẢI KỶ NIỆM
Toronto. 2008. Tháng 9. Cuối mùa hè.

Hai tháng nay, báo chí và truyền thông dồn dập các tin về khủng hoảng tài chánh và suy thoái kinh tế. Thị trường chứng khoán tuột dốc mỗi ngày, các ngân hàng vỡ nợ và thi nhau khai phá sản, thị trường địa ốc chết cứng và xuống thê thảm, các công ty xe hơi lớn đang đóng cửa hàng loạt, chuẩn bị khai phá sản, sa thải công nhân hàng ngàn. Giấy laid off - cho nghỉ việc - được các công ty lớn , nhỏ trao cho hàng ngàn công nhân, kể cả nhân viên có kỹ năng chuyên môn và làm việc lâu năm v.v... Các nhà bình luận cho rằng đây là dịp hiếm có để các công ty lớn sa thải thật nhiều nhân viên có mức lương cao hoặc lớn tuổi.  Ngày nào cũng toàn là những tin xấu về kinh tế. Ngày hôm sau tin xấu hơn ngày hôm trước.Tôi đã trải qua 2 lần suy thoái kinh tế trước đây, nhưng lần này là nặng nhất. Cả năm vừa rồi, tôi lãnh thất nghiệp. Vừa dứt lãnh thất nghiệp thì đụng ngay trận suy thoái kinh tế, chẳng biết đằng nào mà tìm cho ra công việc.

Đã cuối mùa hè, mới 9 giờ sáng mà trời đã nắng và nóng. Nóng ẩm ướt khó chịu. Toronto nằm gần hồ lớn nên hơi nước từ hồ bốc lên vào mùa hè làm cho không khí nóng thành nóng ẩm ướt làm cho người ta bức rức khó chịu. Sau khi lang thang qua mấy văn phòng tìm việc, biết chắc không thể kiếm được việc gì vào lúc này, tôi chán nản ra về và cảm thấy đói. Ngang qua một plaza, thấy có siêu thị người Việt và tiệm phở nhỏ kế bên, tôi ghé vào gọi một tô phở đặc biệt.

Ăn xong, tôi ra ngoài đứng dưới gốc cây phong nhỏ cho đỡ nóng, hút thuốc. Ông chủ tiệm hơi thấp, thân hình không mập lắm nhưng mặt mập tròn, đi liền theo tôi ra hút thuốc. Ông ta te te đi tới, nhìn tôi chăm chăm. Tôi hỏi “Tiệm phở ở đây bán được không anh ?”. Ông ta nói “Dạ, cũng lai rai anh”. Tôi cười “Hiện nay người ta đang suy thoái kinh tế mà anh cũng lai rai là được lắm rồi”. Ông ta cười “Dạ, tiệm tui nhỏ nên cũng đắp đổi qua ngày”. Ông ta vẫn nhìn tôi chăm chú. Đột ngột, ông hỏi “Có phải anh hồi trước viết báo ?”. Tôi bật cười “Tôi chưa bao giờ sống bằng nghề báo và chưa bao giờ viết báo”. Ông vẫn nhìn tôi soi mói “Nhưng hồi đó anh có từng viết bài cho báo ?”. Tôi nhíu mày, nhớ lại “À..à... hồi còn đi học tôi có viết chơi vài bài. Hồi đó họ cần bài nên tôi viết đăng chơi, không có nhuận bút gì hết”. Ông ta hỏi tiếp “Hồi đó anh học ở đại học Toronto ?”. Tôi đáp “Phải”. Ông hỏi tiếp “Anh biết chơi đàn classical guitar”. Tôi nhìn sửng ông ta “Sao ông biết về tôi nhiều vậy?”. Ông ta cười “Tui và ông có gặp nhau trước đây rồi”. Tôi ngạc nhiên “Ở đâu ?”. Ông ta nói “Hồi đó tui có tiệm in nhỏ đường Dundas gần phố tàu. Anh có tới hỏi thăm chuyện in tập thơ. Mình có dịp gặp nhau nói chuyện hồi đó”. Tôi nhớ lại “À...thì ra là anh. Lâu quá rồi nhen”. Ông ta cười hì hì “Ừ, lâu rồi”. Tôi cố nhớ lại “Dễ chừng 15, 16 năm ?”. Ông ta nói “Cũng đâu đó. Hồi ông tới, thằng con tui mới 10 tuổi, bây giờ nó đã xong đại học đi làm rồi, đang sắp lấy vợ”. Tôi nói “Vậy mà anh nhớ ra tôi, hay ghê !”. Ông ta nói “Hồi đó tui ốm, bây giờ mập, nên ông nhìn không ra. Còn ông vẫn như vậy, chỉ lớn hơn chút đỉnh, nên tui nhớ”. Tôi cười “Tôi tới chỉ một tiệm in người Việt mà không nhớ nỗi ông. Còn ông, mười mấy năm đã từng gặp biết bao nhiêu khách, vậy mà ông nhớ được tôi, tôi nói hay là hay ở chỗ đó”. Ông ta cười hóm hỉnh “Người đặc biệt thì phải nhớ chớ !”. Tôi bật cười ha hả “Anh cũng khéo nói quá nhen”. Ông ta nói “Anh là người rất đặc biệt, hễ ai đã gặp anh và nói chuyện với anh một lần là phải nhớ anh”. Tôi bật cười ha hả “Phải chi con gái đẹp mà có cặp mắt tinh đời như anh thì cuộc đời tôi sẽ đỡ biết mấy !”. Ông ta cùng cười ha hả. Ông ta hỏi tôi chưa có vợ sao. Tôi nói chưa. Ông ta nói không sao, ông còn trẻ mà, lo gì. Tôi nói, con ông sắp có vợ, còn tôi chưa có nơi nào, không lo sao được. Ông hỏi tôi có đi đâu nữa không. Tôi nói, không. Ông mời tôi về tiệm in của ông hiện nay gần đó, tiệm cũ của ông bỏ lâu rồi. Tôi ngại, nói ông phải coi tiệm. Ông nói, tiệm phở do ba vợ chồng anh em ông làm, không phải một mình vợ chồng ông, sẽ có anh ông tới liền, lâu ngày gặp tôi ông mừng quá, muốn nói chuyện chơi. Rồi ông chở tôi về tiệm in nhỏ gần đó. Ông ta lăng xăng pha cà phê, mời bánh và thuốc. Ông cho biết bây giờ người ta ai cũng có computer và printer nên tiệm in ế, ông chỉ in danh thiếp và giấy quảng cáo cho các tiệm nhỏ.

Đang nói thì có vợ chồng ông Mục sư người Việt vào. Hai vợ chồng sắp đi Đài Loan để làm mục vụ cho người Việt đang sống ở đó nên vào in danh thiếp và giấy tờ chương trình. Vợ chồng mục sư và ông ta quen biết nhau. Ông ta và ông mục sư cắm cúi lựa màu sắc để chọn in. Tôi ngồi yên trên ghế nhìn màn ảnh computer chọn màu. Bà vợ ông mục sư từ lúc vào cứ đứng khép nép một bên. Bà ta có vẻ e ngại tôi và tránh né tôi. Tôi lên tiếng mời bà ngồi cho bà hết mắc cỡ thì bà càng mắc cỡ hơn. Thấy vậy, tôi bỏ mặc, không thèm nói nữa, nhìn tiếp hai ông lựa màu và chọn phông chữ. Ông mục sư và ông nhà in có vẻ nghi ngờ nên có nhìn kín đáo bà ta và nhìn tôi hai, ba lần. Tôi đứng dậy, đứng cùng hai ông để cùng lựa màu với hai ông. Bà vợ mục sư bỏ ra đứng ở ngoài sân.

Khi vợ chồng mục sư đi rồi, ông nhà in hỏi tôi thấy bà vợ mục sư ra sao. Tôi nói hai vợ chồng làm nghề tôn giáo nên trông bảo thủ, quê mùa, và đạo mạo. Ông nhà in hỏi, bà đẹp không. Tôi xì lớn, đẹp gì, bà ta già và trông quê mùa, đáng lẽ tôi kêu ông bà bằng chú thím hoặc ông bà mục sư, nhưng vì anh kêu ông bà bằng anh chị cho nên tôi phải kêu theo bằng anh chị đó chớ. Ông ta nhìn tôi vẻ nghi ngờ. Tôi không hiểu tại sao ông ta nghi ngờ. Ông ta chỉ vào computer có nhiều hình ảnh trong đó, hỏi tôi hình nào thì là người đẹp. Tôi chỉ vào một tấm. Ông ta gật gù, tiêu chuẩn của ông cao quá. Tôi nói, hồi còn đi học thì tôi quen toàn cỡ đó. Ông ta im lặng.

Rồi ông ta đưa lên hình ảnh gia đình ông cho tôi coi. Ông ta bấm ra mấy tấm ảnh ở đảo Bidong, hỏi tôi nhìn ra ông trong ảnh không. Tôi nhìn hồi lâu, lắc đầu, một đám người ở trần ốm nhách đen thui trông giống như một bầy thổ dân trên đảo. Ông chỉ vào ông trong hình, người ốm tong teo và đen thui. Tôi lắc đầu, ông thay đổi nhiều quá.
Chợt ông ta bấm lên một tấm hình hai phụ nữ, nói đó là hình bà xã tui hồi còn con gái đi làm ở tiệm furniture của người Việt gần phố tàu. Tôi nhìn vào. Ông nói, còn người đứng bên cạnh bà xã tui là bạn cùng làm chung trong tiệm. Tôi cúi nhìn, thấy có nét gì quen quen. Thấy tôi nhìn chăm chú người trong tấm hình, ông nói “Cô ấy tên Oanh, Kim Oanh, hồi xưa cũng ở đảo Bidong, hình như qua Canada cùng thời gian như anh”. Tôi giật mình, nhìn kỹ người trong hình, im lặng, không nói gì hết. Ông ta thao thao “Tiệm furniture đó ở đường College, cũng gần trường anh học, chạy thẳng qua vài ngã tư là tới. Tiệm đó dẹp lâu rồi”. Tôi giả vờ vô tình “Vậy còn người này thì nay ở đâu và làm gì ?”. Ông ta cứ nói thao thao trong khi tôi cứ cúi đầu vào đó “Hồi mới qua, cô ấy đẹp lắm, rất nhiều người theo đuổi mà cô ta không chịu ai.... Sau khá lớn tuổi mới lấy chồng....lấy chồng về New York... chồng cô ấy cũng buôn bán furniture.... Cô Oanh cùng đạo Tin Lành như vợ chồng tui nên tụi này quen nhau khá thân....Ở Toronto, nhóm Tin Lành tụi tui không bao nhiêu người nên biết nhau hết...Ông bà mục sư hồi nãy là chỗ quen biết với tụi tui và cô Oanh... À, mà hồi nãy, tui thấy bà vợ ông mục sư nhìn anh chăm chú mấy lần, hình như bà ta biết anh ?”. Tôi nghĩ thật nhanh trong đầu: Oanh - Tin Lành - Bà vợ mục sư, rồi lắc đầu nói “Tôi chưa bao giờ đi lễ nhà thờ Tin Lành”. Ông ta lại nói thao thao “Vậy mà bà cứ nhìn anh làm tui tưởng bà và anh biết nhau”. Tôi muốn hỏi chồng Oanh người ở Toronto hay ở New York và Oanh có con chưa mà không dám hỏi.

Ông ta tiếp tục nhìn hình nói “Năm nọ, cô Oanh có về lại Toronto thăm, có tới thăm tụi này....Lúc này cổ già và xấu nhiều rồi... Hình như cổ  lớn tuổi hơn anh vì trông anh trẻ hơn”. Tôi nói “Cô ấy và tôi cùng tuổi nhau”. Ông nhà in ngạc nhiên “Vậy sao...Sao anh biết ?”. Tôi nói “Tại vì hồi đó ở đảo cùng thời gian nên tôi có biết chút xíu”. Ông ta nhìn tôi có vẻ nghi ngờ nhiều lắm “Anh cùng tuổi cô Oanh à ? Vậy thì anh cũng lớn tuổi rồi. Sao chưa chịu có vợ ?”. Tôi nói “Không phải chưa chịu mà là chưa gặp”. Ông ta cười “Phải rồi, phải có duyên nợ mới được. Tui và vợ tui ưng nhau từ hồi còn ở VN, vượt biên cùng nhau, qua đây cùng nhau và sống với nhau cho tới bây giờ”. Tôi nói “Vậy là ông bà chung thủy với nhau quá !”. Ông ta cười hềnh hệch.

Khi ra về, đi ngang qua công viên nhỏ, tôi ghé vào ngồi trên băng ghế dưới bóng cây phong lớn, nghỉ tránh nắng trưa đang nóng. Nhìn lên vòm lá phong, tôi suy nghĩ miên man. Nắng buổi trưa rơi xuống nhẹ nhàng xiên xéo đan kẽ qua cành lá rậm rạp che trên đầu. Mây trên trời xanh trôi lãng đãng về cuối chân trời. Mây, nếu có ghé ngang qua về nơi ấy, hỏi dùm tôi phương đông Thái Bình Dương vẫn còn vỗ sóng ? Nước trôi về đâu, còn đâu màu nguyên thủy năm xưa ?

KẾT THÚC 1
Bây giờ ngồi nhìn lại, tôi biết Thu đã tính toán muốn níu áo theo tôi đi Canada từ khi biết tôi được phái đoàn Canada phỏng vấn và nhận, và quyết tâm làm điều đó ở Sungei Besi. Vì tính toán trật cho nên Thu mang hận mà phá đám tôi, và cố làm đủ mọi cách làm sao cho nàng tiên sao không đọc được lá thư Thu nhờ tôi làm bảo lãnh fiancé.

Hồi đó, tôi phản ứng theo trực cảm nên cố chấp và dứt khoát thẳng thừng với tiên sao khi tự ái của tôi bị va chạm nặng nề và tình cảm của tôi tổn thương vì bị chế giễu, mà không hiểu tại sao. Bây giờ tôi hiểu ra: Nàng tiên sao không tin tôi. Không yêu cho nên không tin. Hơn nữa, nàng không hề viết thư cho tôi dù nhận thư của tôi vài lá, để giữ kẽ khỏi sợ người khác biết sự liên lạc giữa nàng và tôi. Nàng không cần đọc thư Thu gửi cho tôi để tôi chứng minh mình vô tội vì nàng không cần, đơn giản như vậy. Khi nàng muốn về Toronto thì nàng không nói lời nhờ vả như nhờ một người bạn giúp mà nàng nói kiểu khích tướng để tôi làm. Nàng đối xử với tôi như đối xử với một tên anh hùng rơm: rời đảo còn lo gửi tiền giúp, cho nên khích anh hùng rơm giúp nữa mà không sợ mang ơn. Nàng kê ra những chàng ở lâu và thành đạt để gián tiếp cho tôi biết đường mà tránh ra. Tình cảm của tôi bị coi thường. Cho nên tôi giận. Cho nên tôi dứt khoát. Cho nên tôi cố chấp. Thời gian đó, gái Việt hiếm và có giá; nàng xinh đẹp thì càng hiếm và có giá hơn. Nàng chắc không ngờ tôi hành động quyết liệt như vậy. Nàng đâu ngờ tôi quyết đi tới với tương lai mà không cần mối tình không phải là tình.

KẾT THÚC 2
Bây giờ, tôi chỉ còn thắc mắc, chắc không bao giờ có câu trả lời: tại sao nàng chờ xin đi Canada mà không phải đi Mỹ ?

Tôi chưa bao giờ có dịp hỏi nàng tại sao hồi đó nàng không đi Mỹ theo anh chị mà lại đi Canada. Đúng ra Mỹ nhận nàng khi vào 'hốt rác'. Hoặc nàng phải được Mỹ nhận vì có anh chị ở bên Thái Lan đã được Mỹ nhận. Đó là điều tôi biết khi tôi còn ở đảo và làm việc cho các phái đoàn. Tại sao nàng lại chọn xin vào gặp phái đoàn Canada để xin đi Canada ? Tình hình ở đảo đổi khác sau khi tôi rời đảo, hay là nàng cố tình xin đi Canada vì tôi ?

Lời ông nhà in vang bên tai tôi "Lúc này cổ già và xấu nhiều rồi... Hình như cổ  lớn tuổi hơn anh vì trông anh trẻ hơn...", tôi cảm thấy ức nghẹn trong cổ họng, ngực tôi phập phồng vài hơi thở mạnh. Hình ảnh nàng tiên sao hôm nào đi ngang qua căn gác nhà sàn ở Bidong làm tâm hồn tôi bay lạc trời sao hiện ra... mờ lắm... như một tấm hình đen trắng cũ ở trong cuốn album phai mờ màu sắc theo thời gian. Ngày tôi rời Bidong [1986] tới nay [2008] mới đó mà đã 22 năm rồi. Hai mươi hai cũng là số tuổi của nàng và tôi khi lần đầu tiên gặp nhau. Nước mắt tôi ứa ra. Buổi trưa vẫn đi qua êm đềm, nắng lung linh khẽ khàng, tôi ngồi chảy nước mắt, khóc thầm lặng trong công viên. Đó là lần đầu tiên tôi biết khóc từ khi tôi rời khỏi VN. Đó cũng là lần đầu trong đời tôi biết khóc cho một mối tình đã đi qua lâu lắm rồi, dường như từ ngày tôi rời đảo lận. Nàng là người con gái Việt đầu tiên mà tôi thương nhiều nhất. Ở trại tỵ nạn, thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân, bạn bè, cho nên tôi dành hết tình thương cho nàng. Nàng là người đầu tiên cho tôi biết mối tương tư. Nàng là người đầu tiên cho tôi biết buồn vì tình. Nàng là người đầu tiên mà tôi muốn ưng làm vợ. Nàng là người đầu tiên làm cho tôi biết khóc cho một mối tình.

Thuở xưa, có đàn chim bỏ xứ ra đi tìm đường sống, bay vượt Thái Bình Dương, tạt vào tỵ nạn ở các đảo hoang, trước khi bay tiếp về phương trời mới lạ. Có hai con chim non trẻ đậu bên nhau trong run rẩy và lo sợ, không biết tương lai mình sẽ dạt về phương nào. Cuộc sống tạm bợ, bấp bênh và bơ vơ ở trại tỵ nạn dạy dỗ đôi chim non tánh thận trọng và kín đáo - vì nhiều giành giựt, dối trá, lọc lừa, phản trắc, hại nhau v.v... xảy ra nhan nhản xung quanh.

Tôi bay về Canada. Cánh chim đã thầm lặng bay theo tôi về xứ lạnh, mà không bay về New York để đoàn tụ với anh chị. Cánh chim lại tiếp tục bay từ nội địa Canada về Toronto và đậu quanh quẩn nơi trường tôi học, vậy mà những năm đó hễ nghĩ tới nàng là tôi tức anh ách và giận cành hông. Cuối cùng cánh chim mới bay về New York để đoàn tụ.

Người có tâm hồn đẹp thường dễ có tình yêu đẹp, vậy mà tâm hồn tôi đã bao phủ bằng băng tuyết dày cộm và tôi đã lầm lũi đi vào tương lai không thèm nhìn lại, để đến một ngày nắng trưa nóng hôm nay, nóng như miền nhiệt đới Bidong, đã làm chảy tan băng giá bao quanh tâm hồn tôi.

Người ta chỉ có thể sống với hiện tại và cho tương lai, không thể nào trở về sống với quá khứ được. Quá khứ chỉ còn là những kỷ niệm rời rạc, thấp thoáng đó đây, tựa như hình ảnh nàng tiên sao trong tấm hình đen trắng mờ trong cuốn album Bidong cũ. Thẩm mỹ quan của tôi đã thay đổi nhiều lắm và mẫu người tôi yêu hiện nay khác rất xa với hình ảnh tiên sao ngày nào, nhưng kỷ niệm đã có chỗ đứng trong quá khứ, của khoảng đời tỵ nạn đau thương, không thể tẩy xóa được. Quá khứ chỉ có thể được: hoặc là chối bỏ, hoặc là chấp nhận, hoặc là nhìn lại với nhãn quan và nhận thức mới. Cuộc sống và tình yêu vốn dĩ mỏng manh, dễ đổ vỡ; sau khi đi qua một chặng đường đời dài, ngoái đầu nhìn lại, tôi chỉ còn biết nâng đỡ kỷ niệm của quá khứ bằng những lời nhẹ nhàng.

Sao trên trời đã băng vào vũ trụ bao la thăm thẳm. Ánh sáng truyền đi vừa là hạt, vừa là sóng; hạt sóng nào đã truyền xạ vào mắt tôi, khúc xạ xuống tâm hồn và nằm yên ở đó. Dưới trần gian, hai cánh chim giờ đã dạt về hai nơi - New York và Toronto. Hai nơi chỉ cách nhau vài giờ lái xe, nhưng mãi mãi là hai nơi cách biệt, nhiều khi thấy rất gần mà coi lại thì dường như cũng cách xa cả triệu năm ánh sáng. Nàng, từ khi đi định cư, buôn bán furniture; không ai biết được nàng có hài lòng, vui sướng với cuộc sống ? Tôi đã đi qua con đường hàn lâm như đã quyết, nhưng sự nghiệp lại gặp quá nhiều bất ưng và đời tôi luôn lận đận vì phụ nữ; không hề có ai hỏi tôi có hài lòng, vui sướng với cuộc sống ? Tôi chỉ biết là ở bất cứ giai đoạn nào hễ dấn thân là tôi bước với tâm thế của người nhập cuộc.

Hành trình "vượt biên- tỵ nạn -định cư" là hành trình "mạo hiểm- gian khổ -hội nhập". Một số người chết ở giai đoạn đầu. Một số người chết ở giai đoạn giữa. Khi tới nơi, trong số còn lại hơn phân nửa đã chết ở giai đoạn cuối. Cái chết ở giai đoạn cuối là cái chết tâm hồn, cái chết của người đang sống mà không hội nhập được vào xã hội mới.

Rất nhiều khi, trong cuộc sống, người ta phải chọn lựa những quyết định với sự dễ dàng, hoặc với sự phân vân, đắn đo, hoặc với sự đau đớn. Chọn lựa theo cách nào rồi, có khi người ta cũng chẳng xác quyết là quyết định đúng hay sai, hậu quả tốt hay xấu. Tôi thường chọn lựa quyết định dựa vào tham số [parameter] hoàn cảnh: chọn làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh mình sống. Tất nhiên, hoàn cảnh sống thay đổi thì chọn lựa sẽ thay đổi; không thể lấy hoàn cảnh này mà phán xét chọn lựa của hoàn cảnh khác.

Chọn lựa dựa theo tham số hoàn cảnh là phù hợp với mình nhất, dù trái ngược với tâm tư và tình cảm của mình. Người tán gia bại sản, phải vật lộn với mưu sinh mà cứ phải ráng sống như thời mình còn trưởng giả thì khó khăn vô cùng, dù chọn cách sống ấy là phù hợp với tâm tư và tình cảm của mình. Chọn sống theo hoàn cảnh mới, dù nghiệt ngã hơn và đau đớn hơn, nhưng lại thích hợp hơn. Tôi đã thường chọn lựa như vậy trong quá khứ. Mỗi thời gian, hoàn cảnh thì chọn lựa quyết định khác nhau. Không ai có thể trở về quá khứ để trách móc hoặc thay đổi chọn lựa và do đó, để thay đổi kỷ niệm. Nàng cũng đã chọn lựa theo cách đó, như tôi. Những chuyện như vậy đã được viết vào những ngôi sao trên trời.

FIN
Viết xong nội trong tháng 5/2011
binh_hy @ yahoo.com
Về Đầu Trang
ledinhduc
Niên Khóa 1968-1975


Ngày tham gia: 12 Jan 2008
Số bài: 801
Đến từ: PR/SG/California/Arizona

Bài gửiGửi: Wed Jun 15, 2011 3:17 pm    Tiêu đề:

Cám ơn bi đã kể cho nghe một câu chuyện đời thật lâm li và hấp dẫn .

Mình chưa đọc kỹ chuyện ở đây nhưng thấy hay bèn 'shared' với một anh bạn rất thân mà mình quen ngày còn ở Bidong...mà dưới đây là lời nhận xét của anh ấy:

+++++++
Date: Wed, 15 Jun 2011 08:49:59 -0400
Subject: Re: Chut' Ky? Niem Xua.....
From: anthonylc528 ( a t ) gmail.com
To: duc.d.le @ live.com

Cau chuyen lam minh…nhuc dau!! Smile Hopefully by this time he's been settled.

Duc co biet tac gia co nhieu diem rat going Duc khong?

Than.



2011/6/10 Duc Le <duc>

LeCuong than-men:

Day la` toan bo cau chuyen...

Chuc ban va` gia-dinh mot cuoi tuan vui-ve...

LeDuc


--------------------------------------------------------------------------------
Date: Wed, 8 Jun 2011 22:01:20 -0400
Subject: Re: Chut' Ky? Niem Xua.....
From: anthonylc528 [ at ] gmail.com
To: duc.d.le ( a t ) live.com

Doc mau truyen lam minh nghi ngoi bang khuang…
Nhung ky niem co the khong thuong nghi toi, nhung chang bao gio minh co the quen duoc. Minh chi uoc la minh duoc khon ngoan hon khi co o tren dao.
Cam on Duc da chia se.

Sau khi doc truyen, minh google lai hinh anh Bidong thay hon dao da duoc sua sang lai.
http://www.pulaubidong.org/

Chuc vui ve.


2011/6/4 Duc Le <duc>

Gui den LeCuong mot cau chuyen ve Bidong.
Tac-gia la` mot em hoc cung` truong Trung-Hoc Duy Tan voi Duc o Phan Rang ngay xua.
Nam Duc hoc lop 12 (1974-1975) thi` tac-gia dang hoc lop sau' ....

LeDuc
++++++++++++++++++++++


Chúc Bi một ngày vui....
_________________
Thời gian trôi qua, tình quê không phôi pha.....
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Dài Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân