TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NỖI NHỚ KHÔNG RỜI
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NỖI NHỚ KHÔNG RỜI

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Diem Khanh



Ngày tham gia: 04 Jul 2008
Số bài: 579

Bài gửiGửi: Sat May 07, 2011 6:22 pm    Tiêu đề: NỖI NHỚ KHÔNG RỜI
Tác Giả: MINH HÒA

 


 
NỖI NHỚ KHÔNG RỜI
                                                  MINH HÒA  


Chiếc xe ca chạy bon bon trên chiếc cầu sắt bắc qua sông Mississippi, một con sông lớn và dài nhất nước Mỹ. Chiếc cầu dài và rộng, có hai chiều, nhiều lane trắng xóa, những vạch sơn nối dài vô tận Ánh nắng mai ấm áp chiếu rực rỡ trên các nhịp cầu cong vòng. Bên này sông, thành phố Baton Rouge diễm lệ, như nằm mơ màng dưới vầng dương mới  lên cao. Vùng downtown bát ngát với nhiều tòa cao ốc vươn lên sừng sững, nhuộm hồng dưới ánh bình minh. Phía bên kia là thị trấn Cảng Port Allen, với nhà máy hóa chất đồ sộ. Khói bốc nghi ngút, tỏa rộng một màu trắng đục giữa bầu trời mùa Xuân, trong vắt như pha lê.
     Dòng sông nằm dưới cầu xanh biếc, lấp lánh ánh dương quang. Ánh nắng vàng nhạt đổ từng vệt dài trên mặt nước. Quang cảnh Bến Cảng và hai bên bờ sông trông thật đẹp mắt, thật hùng vĩ, thật nên thơ, thật hấp dẫn khách qua đường. Ngoài ra, chiếc tàu Casino thả neo bên bờ sông cho khách vui chơi, vứa ngắm cảnh, vừa đánh bạc, vừa ăn uống, giải trí trên sông. Lác đác đây đó, vài tàu thuyền trôi lững lơ theo dòng sông nổi tiếng khắp thế giới này. Đoàn người ngồi trên hai chiếc xe ca đi hành hương, cũng là đi tham quan các thắng cảnh ở Houston, Texas. Hôm ấy họ có dịp nhìn ngắm, thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của bình minh trên sông. Minh say sưa thưởng ngọan những hình ảnh diễm kiều trên sông cũng như quang cảnh hai bên bờ. Nước chảy cuồn cuộn xanh rờn. bọt tung trắng xóa phía sau những con tàu chở hàng xuôi ngược lướt nhẹ trên sóng. Trong giây phút bâng khuâng, xao xuyến, mơ màng, êm đềm, Minh chợt nhớ đến những câu thơ tình cảm tuyệt vời. nghe thắm thía cả tâm can của người viễn khách tha phương:
                “ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
                   Con thuyền xuôi mái, nước song song.
                   Thuyền về, nước lại sầu trăm ngã
                   Củi một cành khô lạc mấy dòng.
                   
                   Lơ thơ cồn nhỏ, giò đìu hiu
                   Đâu tiếng làng xa vãng chợ chiều?  
                   Nắng xuống, trởi lên sầu chót vót
                   Sông dài, trời rộng, bến cô liêu...” ( Trảng Giang- Huy Cận)
     Tự nhiên, Minh cảm thấy mình cô đơn, bơ vơ nơi xứ lạ quê người. cũng nào có khác
“ Củi một cành khô lạc mấy dòng.”. “ Đâu tiếng làng xa vãng chợ chiều?” Câu thơ gợi hình ảnh, âm thanh hay tuyệt. Chàng thắm thía câu này nhất. Chợ là không gian náo nhiệt tưng bừng, vui vẻ, có nhiều người sinh hoạt. Ở đây, kẻ buôn, người bán huyên náo, tấp nập, bầu không khí lúc nào cũng nhộn nhịp. Đó là nếp sống văn minh của một vùng. Là một tổ chức thu hẹp.. Thế mà khi chợ tan lúc xế chiều, “ chợ vãng” cũng như vãng hát, bỗng nhiên quang cảnh trở nên vắng vẻ, tiêu điều, khách bỏ đi, thưa dần người mua kẻ bán, cũng như “ bèo hợp rồi tan”. Có hạnh ngộ, tất có chia ly. Buồn thật!
    Chàng bỗng nhiên nhớ đến con sông tuổi thơ, con sông quê hương của chàng ở gần thị xã vùng gió cát nóng như ran. “ Thị xã hầu như nóng bốn mùa.”
      “ Dòng Sông Dinh lặng lờ qua xóm vắng
         Lác đác chòm keo trái chín ửng hồng.
         Ông lái đò hân hoan nhìn nước bạc
         Sào rướn mình, thuyền khẳm khách mùa Đông.”
 Vì thời cuộc, chàng phải xa lìa quê hương, xa lìa con sông thân yêu của thời hoa niên đầy thơ mộng.
   Xin trở lại chuyến đi hành hương hôm ấy. Hài chiếc xe ca lúc đầu rời khỏi Chùa Tam Bảo ở trung tâm thành phố, chạy gần nhau. Tuy nhiên, sau khi qua cầu, lướt nhanh trên đường xuyên ban 10 ( I-10) , chiếc xe do Bác Sĩ ( BS) Hát lái, chạy trước, đã bỏ khá xa chiếc xe ca chạy phía sau, do BS Phương điều khiển. Ai có ngờ hai vị BS cũng là các tài xế cừ khôi trong chuyến đi tham quan thắng cảnh này. Tuy nhiên, khi đến nghỉ ngơi, giải lao tại một “ rest area” ở khu vực nằm giữa tiểu bang ( TB) Louisiana và TB Texas, mọi người lại gặp nhau đông đủ ở đây.
 Ban tổ chức thuê các xe này. Chúng đậu gần nhau phía trước khu nhà khách du lịch đồ sộ, rộng mênh mông. Ánh nắng bắt đầu chuyển hơi nóng xuống khu rừng cây xanh mọc rải rác bao quanh khu nhà du lịch. Khách vãng lai đông đảo. Họ đi viếng thăm, thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh nhân ngày Lễ Phục Sinh, tuần lễ Thánh, nghỉ làm ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật. Kẻ đi dạo ngắm cảnh, người vào nhà khách xem tranh ảnh, sách vở, báo chí, bản đò, quảng cáo các khu du lịch, các trung tâm du ngoạn, các danh lam thắng cảnh của các vùng địa phương ở Texas, một trong các TB rộng lớn nhất Hoa Kỳ. Chung quanh khu nhà rest area là vườn cây xanh bát ngát. Hương hoa tỏa ngát trong không gian. Chim hót líu lo trên cành. Thật là một khung cảnh đẹp đẽ, nên thơ. Một vùng thiên nhiên rực rỡ tươi mát vô cùng.
   Minh đang thơ thần dạo chơi, ngắm nhìn một cụm mây trắng bay lơ lửng trên nền trời Xuân xanh biếc thì một cặp trung niên nam nữ đi ngang qua trước mặt chàng. Minh hơi sựng lại. Chàng trông theo dáng người đàn ông. Hình như quen quen. Chàng như gặp ông ta ở đâu đây. Chàng cố moi trí nhớ xem mình có quen với ông ấy không. Minh già rồi, Trí nhớ kém lắm. Khuôn mặt ông ta hơi sạm đen. cặp mắt hơi xếch, lông mày rậm, mặt vuông, chiếc cầm hơi bạnh. Dáng người khỏe mạnh, cương nghị. Hình như chàng nhớ đến một thanh niên rất trẻ, lao động giỏi lắm, trong một tổ do anh Wòng Chay D. làm tổ trưởng. À Minh nhớ hắn rồi. Hoàng Phan Thiết mà! Sao hắn già lẹ thế nhỉ? Lúc đi cải tạo với chàng ở Sông Mao, Hoảng tuổi chừng 23 là cùng. Y độc thân ở Trại B, Trại Tù dành cho sĩ quan chế độ cũ, cấp bậc Trung Úy ( Trại A cấp Đại Úy trở lên đến Trung Tá. Trại C cấp Thiếu Úy/ Chuẩn Úy). Lúc đó, anh D. nói với Minh, trong Tổ có hai Hoàng: một Hoàng người Bắc, một Hoàng Phan Thiết. Cả hai đều lao động tiên tiến, D. nhận xét  Thời gian trôi nhanh. Thắm thoát mà gần 30 năm rồi nhỉ?
    Thế là Minh vội vã đuổi theo người bạn tù cũ năm nào, tuy hai người không cùng Tổ. Khối. nhưng vì tập trung cải tạo lâu quá, họ gặp nhau nhiều lần thành ra quen biết và mến nhau dễ dàng, khi thấy hợp nhau vì cùng trong một cảnh đói khổ như nhau, dễ gần nhau, dễ thân nhau.
       “ Thấy anh vừa miệng, tôi vừa bụng
          Mình có nhau mà, phải thế không?
          Anh đi lao động, tôi làm bếp
          Nước dẫu trăm con cũng một dòng.”
                ( Trích tử Bài thơ “Anh Nuôi”- Trần Vấn Lệ )
       Khi chạy lên gần Hoàng và người phụ nữ trẻ có nước da hồng hào trắng trẻo, Minh gọi:
- Hoàng! Hoàng! Ngạc nhiên, Hoàng quay đầu lại. Hắn nhận ra chàng ngay.
- Ô kìa! Anh Minh! Rồi hai người ôm choàng lấy nhau, siết mạnh, mừng rỡ giống như hai người bạn thân lâu ngày gặp lại nhau vậy Họ xúc động muốn rưng rưng dòng lệ. Vừa lúc đó, có tiếng gọi mọi người lên xe để tiếp tục cuộc đi tham quan Houston. Vợ chồng Hoàng theo người bạn lên xe con. Họ lái theo chiếc xe ca. Họ không đi chung với phái đoàn trên hai xe lớn. Họ rành đường sá và nắm vững chương trình tổ chức đi hành hương cũng như nhiều người khác lái xe nhà đi theo để được tự do thoải mái hơn. Đoàn xe lướt nhẹ trên Freeway. Gió mát rượi như mơn trớn da thịt Minh. Chàng cảm thấy êm ái, thú vị vô cùng. Một cảm giác nhẹ nhàng, bồng bềnh như đang trôi phiêu lãng trên dòng sông ký ức xa xôi nào đó.
                                 ooo
    Trại Tù Sông Mao nắm 1975. Đây là Tổng Trại Tù Binh 8, nơi giam cầm hàng ngàn sĩ quan chế độ cũ thuộc các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy, Ninh Thuận, Đà Lạt, Lâm Đồng... Họ bị khổ sai lao động mút chỉ cà tha. Nhiều người đã bỏ xác nơi đây. Anh Đào Viết Ch, bạn đồng nghiệp dạy Trường Trung Học Duy Tân với ông Minh, học bên Trại A, bị chết thảm vì chứng bịnh đau bao tử mà trạm xá cải tạo không có thuốc chữa trị ( Trạm chỉ có thuốc xuyên tâm liên, cồn sát trùng và bông gòn). Tại Trại B, anh D, cựu học sinh Duy Tân, bạn thân của anh Ng.X. Bảo, bà con với Ông Hồ Trần Chánh, cựu Tình Trường Tỉnh Ninh Thuận trước kia, cắt động mạch cánh tay tự sát vì buồn tình ở tù quá lâu, không có án xét xử, mặc dù cán bộ tuyên bố như anh Thượng Úy Thái từng hứa hẹn,
 “ Nay mai các anh về.” Hay
“ Chừng nào tiến bộ, cách mạng sẽ xét cho các anh về đoàn tụ với gia đình.”. Chỉ là những lời hứa hảo huyền. Anh chết đi bỏ vợ và bầy con thơ đau khổ ở Phan Rang. Nào anh Huệ và Tân vựợt trại bất thành. Huệ bị họ phục kích sẵn ngoài bờ rào, bắn chết ngay tại chỗ, trong lúc anh đỉnh chui qua rào, cạnh hố tiểu của Khối II. Tân chạy thoát trong đường tơ kẽ tóc. Họ bắn theo dữ dội, nhưng đạn AK đã tha tào kẻ định đào tẩu. Thế là Tân bị cùm dài hạn trong Connex, nóng như thiêu như đốt ban ngày.  Có một anh thuộc Khối 3, nằm cạnh Khối II, bị bịnh thần kinh, nhưng họ không tha về. Cuối cùng anh nhảy từ mái nhà xuống đất tự sát, Anh ta bị thương nặng, phải đưa đi bịnh viện Phan Thiết. Không rõ số phận kẻ khùng điên ra sao. Sau đó, tù nhân từ Tổng Trại 8, chuyển dần đi lao động làm bông, làm đường ở Lương Sơn. Nhiều người vì khổ quá, đói quá nên ngã bịnh và nằm xuống vĩnh viễn. Minh theo đoàn tù nhân đi làm Đâp Tràn Sông Lũy trong thời gian rất lâu. Tại đây cũng có một số tù nhân vĩnh biệt trần gian vì đói khổ và bịnh tật thiếu thuốc men. Kỷ niệm cay đắng nhất đễ đời là hôm đó cả Khối II ăn củ nần bị say. Vì thiếu gạo nuôi ăn, nên các anh nuôi tù nhân phải đi hái củ nần, gọt vỏ, ngâm nước suối ba ngày đêm, trước khi nấu cho tù nhân ăn sáng, để họ đi lao động làm đập nặng nề vất vả vô cùng. Củ nần có nhiều độc tố nên đã làm say cả Khối II hôm ấy. Nhiều người bị xiểu, choáng vàng mặt mày mà Trại không có thuốc gì chữa trị cả. Các Khối bạn cứ hai người dìu một người bị say xỉu về lều nghỉ ngơi. Cán bộ Tùng, Tr/ Úy, cán bộ quản giáo Khối II tuyên bố với đám tù nhân bị say nằm la liệt trên sàn nhà:
 - Hồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở trên rừng, chúng tôi có một cách giải độc củ nần đã lỡ nhai vào miệng mà bị độc tố hoành hành là: Phân người tươi đem nướng khô, rồi nghiền nát trộn với nước lả. Lọc nước bằng vải sạch. Chịu khó uống nước này. Có thể giải được độc tố do ăn phải củ nần.
Nghe Xếp Sòng đoàn tù tuyên bố một câu nghe chắc nịch như đinh đóng cột, ai cũng le lưỡi sợ hãi. Không ai dám uống thử nước phân người đề trừ chất độc đang làm say xỉu mình. Cũng may không ai bị bỏ mạng sa trường trong rừng sâu núi thẳm hôm ấy vì bị say nần.
Tiếp đó, tù nhân chuyển về trại Hàm Trí, sau gần hai năm làm đập, để tiếp tục khổ sai lao động trồng khoai sắn phục vụ cho trại. Rồi tù chuyển về trại Sông Cái ở Ninh Thuận hay Trại Tù Trung Uơng A 30 ở Phú Yên. Nhiều người đã bỏ mình tại các nơi họ bị giam giữ. Tù không có án xét xử. Tù tập trung cải tạo mút mùa lệ thủy. Những cuộc vượt trạị. Một số không thành công, bị àn tử hình, hay khổ sai chung thân, hay vài mươi tấm lịch phải xé. Điển hình như vụ sáu anh đại úy vượt trại, có người thoát khỏi, có người không. Một bị hành quyết, một chung thân, hai anh bị án tủ nhiều năm. Ngoài ra có hai anh khác trốn trại, thoát khỏi đia ngục trần gian thật hy hữu. Họ thuộc gia đình cách mạng. Họ ở trại tù thuộc ngoại vi vòng kẽm gai của Trại Tù A 30. Họ đục tường và thoát ra được. Họ về Qui Nhơn. Người nhà lo giấy tờ giả sẵn cho họ. Họ vượt biên thành công sang Mỹ luôn. Thật may mắn. Cũng như Lý Tống đã vượt trại, băng rừng lội suối theo đướng bộ sang Thái Lan thoát nạn.  
 Một số bạn tù chung đội của ông Minh trước đây như anh Lê Phong Qu , Nh.đã bị nước lũ trên sông cạnh trại tù, cuốn trôi chết đuối khi họ đi lao động ngày hôm ấy. Nhiều anh bỏ xác tại đây. Nghĩa trang trại tù gần núi rừng, cảng ngày càng mọc thêm các ngôi mộ của những tù nhân xấu số. Họ đói lắm! Khổ lắm! Rách lắm! Thê thảm vô cùng, không bút mực nào tả nổi. Mỗi ngày Trại phát hai lần khoai sắn và nước muối pha bột ngọt cho tù nhân Lúc 5 giờ sáng và lúc 6 giờ chiều. Bữa cơm trưa chỉ có trong trí tưởng tượng của kẻ tội đồ đầu thai lầm thế kỷ. Cách mạng cai tri bọn tủ bằng phương pháp tuỵêt vời là khống chế cái dạ dày, chúa tế của tấm thân tứ đại con người. Anh Quý, nằm cạnh
Minh, ở Trại Bính Sơn, vượt ngục không thảnh. Lợi dụng 20 phút tắm sông, sau một ngày lao động vất vả, Quý bò trốn. Sau đó họ phát hiện khi điểm danh vào cỗng thiếu anh  Anh bị công an truy tầm và bắt được vì đói và thời gian ngắn quá làm sao chạy xa được. Anh bị họ dùng súng đánh gẫy lọi hai cẳng. Họ dùng súng lục kê bên tai trái bóp cò. Đạn xuyên qua màn óc, vọt ra mắt phải. Anh bị giết một cách dã man vì thù hận, trà đủa, khi bị họ tóm lại. Thời gian tù cải tạo tập trung trong nhiều năm quả là sống trong địa ngục trần gian. Đúng như ông bà ta thường nói:
      “ Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.”
        Xin trở lại đoàn người đi du lịch tham quan thắng cảnh. Xe đến Houston, mọi người vào khách sạn Hilton đã “order” sẵn. Cứ bốn người ở chung một phòng. Hai giường rộng rãi thoáng đãng, mát mẻ vô cùng. Hoặc một đôi vợ chồng ngụ một phòng. Sau đó hai xe ca lại tiếp tục di chuyển về chùa Việt Nam (VN). Trung Tâm Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ. Trung Tâm này do Thượng Tọa Thích Nguyên Hạnh làm Viện Chủ. Thầy Thích Nguyên Đạt phụ tá. Phái đoàn tham dự “Lễ Hội Quan Âm” . Lễ Hội được tổ chức long trọng tại chùa. Có lắm xe cộ của nhiều phái đoàn đến Houston dự lễ . Họ từ Kansas, Indiana, Louisiana ( New Orleans, Baton Rouge ), Mississippi, Nebraska...Các đoàn xe lần lượt lướt nhẹ nhàng trên các đại lộ rộng thênh thang của thành phố đồ sộ, nguy nga, tráng lệ. Hai vị tài xế bác sĩ lái xe thật rành rẽ, thật tuyệt vời qua các con đường, hai bên lề những tòa cao ốc vươn mình sừng sững. Ánh nắng chiều le lói trên các nóc nhà, chấp chóa trên các cây cổ thụ vùng ngoại ô thành phố.  Ngôi chùa Viêt Nam, nghe nói lớn nhất Hoa Kỳ. Khắp nước Mỹ không có chùa VN nào nổi danh và nhiều khách hành hương, tham quan như thế.
     Lúc bấy giờ, các xe ca đổ lại trên một parking lot khá rộng, cạnh ngôi chùa của người Ấn Độ ( Chùa Ấn Độ Giáo, Bà La Môn Giáo). Minh theo phái đoàn tiến vào khuôn viên Chùa VN. Đèn được thắp sáng choang khắp nơi. Khách hành hương, các Phật Tử tại Houston tụ họp trước sân chùa để dự Lễ Hội Quan Âm. Hoàng cùng Minh ngắm nhìn tượng đài của Đại Sỹ Quan Âm Bồ Tát cao sừng sững được xây bên phải ngôi chùa, cạnh một hồ sen rộng mênh mông, bát bát. Phía trước chùa là tượng Đức Phật nằm tu. Pho tượng lớn và trải dài thật cân đối, thật đẹp đẽ, thật uy nghi. Tượng nằm nghiêng về phía tay phải. Mặt Ngài an nhiên, tự tại, toát ra một vẻ từ bi vô lượng. Phía sau chùa là khu đất rộng thênh thang. Một số tháp thờ nhô cao  lấp lánh ánh điện sáng rực rỡ khắp nơi. Phái đoàn tham gia Lễ Hội Quan Âm “tam bộ nhất bái”, rồi xem văn nghệ trình diễn trên sân khấu lộ thiên bên phải chùa. Nhiều màn ca vũ được biểu diễn nhịp nhàng, uyển chuyển, đẹp mắt vô cùng của các vũ nữ Mỹ, Ấn, Việt. Ca sĩ đẹp trai Anh Dũng được Hoa Hậu Phu Nhân Hạnh Phước giới thiệu lên trình diễn. Tiếng hát của anh nâng cao, dìu dặt, trong suốt, hay tuyệt. Tiếng vỗ tay cổ vũ vang trời...
      Qua hôm sau, đoàn đi thăm Động Thạch Nhũ “ Natural Bridge Caverns”. Động hang thiên nhiên nổi tiếng khắp Mỹ Quốc, nằm cách hướng Tây Bắc Houston khoảng ba giờ hơn lái xe theo xa lộ. Bà con mua vé và đi bộ vào Hang Động. Giống như một Động Tiên. Động sâu hun hút, thăm thẳm, nằm dưới lòng đất. Du khách được các hướng dẫn viên du lịch đưa đi tham quan khắp nơi. Tại hang hay xó động nào cũng có ánh điện lờ mờ, huyền áo. Bầu không khí trong động thật âm u. ảm đạm, lạnh lẽo hết nói. Nước nhỏ tí tách trên các khe đá xuống các hình tượng đã bị sói mòn dần dần. Theo các cô cậu hướng dẫn viên trình bày, giải thích với giọng Mỹ nhanh như gió, chẳng kém tốc độ của tiếng Tây Ban Nha là “ khoàng từ 100 năm đến hàng ngàn năm thì nước xoáy, soi mòn được chừng một” in” trên tảng đá. Rồi các tượng thiên nhiên được hình thành, nhiều dáng, nhiều kiểu khác nhau qua nhiều thiên niên kỷ. Nhiều pho tượng nhô lên, cúi xuống,  như tựợng các Thần Thánh, Tiên Nga tắm suối, tóc xỏa bên nguồn. Nhiều tựợng giống các quái vật khủng long. thú, giống người. Một màn sương mỏng như bao trùm cảnh thạch nhủ.phía trên, phía dưới. bao la, dài vô tận. Núi thẳm âm u. Ánh sáng mờ nhạt. Nước nhỏ giọt tí tách không ngừng.
       Đi xuống càng sâu, Hoàng và Minh càng có cảm giác huyền ảo, thâm u , lạnh lẽo. Hoàng nhắc cho Minh nghe giai đọan hãi hùng khiếp đảm nhât trong đời tù của minh là bị giam ở “Trại Cà Tót” trong rừng sâu núi thẳm tỉnh Bình Thuận, trước khi chuyển xuống Sông Mao, vì khí hậu ở đây thật khắc nghiệt, nhiều tù nhân bị bịnh sốt rét ác tính.
bỏ mạng tại chỗ.            
           “  Đây Cà Tót, mật khu, trời ảm đạm
               Vùng sơn lam, đầy chướng khí bao trùm.
               Suối róc rách lách luồn khe đá dựng
               Tù bẻ măng, khô cá hẩm nấu chung.

               Sốt rét rừng làm nhiều chàng bỏ mạng
               Thiếu thuốc men, tù bịnh hoạn triền miên.
                Kẻ tội đồ khổ sai miền nùi thằm
                Cõi trần gian thù hận chẳng ngủ yên.”
                                       ooo      
 Sau chuyến tham quan Động Thạch Nhũ, Đoàn viềng thăm Chùa Pháp Luân, Chùa Nam Tông, thăm Thầy Thích Hộ Giác. Đoàn vào chánh điện lễ Phật, gặp lúc Thầy Thích Giác Đăng đang giảng cho Phật Tử nghe Pháp thoại và kể lại chuyến viếng thăm Ấn Độ, Xứ Phật của Thầy.
   Ngày chủ nhật đẹp trời, các xe ca bắt đầu chạy bon bon về hướng Louisiana trên freeway I-10 thẳng tắp, thênh thang. Ánh nắng ấm áp trải rộng hai bên đường. Rừng cây lùi dần về phía sau. Trời thật khô ráo, thật mỹ quang. Tại một khu rest area, Minh và Hoáng có dịp ôn lai nhửng hoài niệm khổ đau, cay đắng, xót xa, tủi nhục, bi thảm của kẻ bị thua trận trong trại tù XHCN trước đây.
                    “ Kỷ niệm xưa đau thương trong tù ngục
                       Thật khó quên, giờ tóc bạc da mồi.
                       Mong thù hận nước trôi theo dòng thác
                       Tâm bao dung, nhẫn nhục, sống an vui.
                       
                       Nỗi nhớ không rời, vùi trong tro bụi
                       Bụi thời gian xóa sạch vết đau thương.
                       Kiếp nhân sinh vốn vô thường lui tới
                       Trụ Tâm Không cho an lạc tâm hồn.”                    
             
                                               MINH HÒA
                                                 


Được sửa bởi Diem Khanh ngày Mon May 09, 2011 4:46 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Đinh Văn Quý
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 01 Mar 2011
Số bài: 304

Bài gửiGửi: Sun May 08, 2011 9:54 pm    Tiêu đề:

Biết đến bao giờ
Quê hương Việt Nam
Mới hết đau thương !!!
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân