TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NGƯỜI THƠ TRONG NHỮNG NGÀY MƯA
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NGƯỜI THƠ TRONG NHỮNG NGÀY MƯA

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
GIANG THIÊN TƯỜNG



Ngày tham gia: 01 Aug 2010
Số bài: 103

Bài gửiGửi: Mon Mar 14, 2011 5:43 pm    Tiêu đề: NGƯỜI THƠ TRONG NHỮNG NGÀY MƯA




NGƯỜI THƠ TRONG NHỮNG NGÀY MƯA

      Tết Âm lịch tại Mỹ luôn luôn nằm trong mùa Đông. Những cơn mưa lạnh bắt đầu từ trước Giáng Sinh vẫn còn kéo dài như gợi thêm nỗi buồn cho kẻ tha hương. Thi nhân Việt Nam, trong những ngày mưa buồn đã từng dệt nên bao nhiêu vần thơ trữ tình tuyệt tác. Gợi lại đây những thi phẩm mùa mưa có thể làm ta nhớ thêm quê hương yêu dấu, thương thêm những người xa cách và hiểu biết thêm văn học nước nhà. Lắng nghe tiếng lòng của người thơ trong những ngày mưa chắc không làm ta chán nản cuộc sống hiện tại, mà có thể giúp ta cảm thấy gần gũi nhau hơn qua niềm thông cảm chung của thi ca.

      Mùa mưa ở Việt Nam không bắt đầu ở mùa Đông hay Xuân mà khởi sự trong mùa Hè và kéo dài qua mùa Thu với những cơn mưa dầm tầm tã tháng bảy, tháng tám. Một áng thơ tuyệt tác, nhưng thật u sầu, tìm được trong kho tàng thi ca cổ Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ, đã diễn tả cảnh mưa này như sau:

             Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
             Toát hơi may lạnh buốt xương khô
             Não người thay buổi chiều thu
             Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng
             Đường bạch dương bóng chiều man mác
             Dặm đường lê lác đác mưa sa
             Lòng nào lòng chẳng thiết tha?


      Đoạn thơ trên được trích trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" của Nguyễn Du, một khuôn mặt vĩ đại của thi ca Việt Nam. Tuy không phải là tác phẩm chính của Nguyễn Du, các đoạn thơ trong bài "Văn Tế" cũng là những áng thơ tuyệt tác. Cảnh mưa dầm trong buổi chiều thu gần cõi âm thật là thê lương, ảo não; nhưng thật ra có cảnh mưa nào, nhất là dưới mắt thi nhân mà không buồn?

      Sau này, Huy Cận, một trong những khuôn mặt lớn của thi ca thời tiền chiến cũng đã đưa ta đến một nỗi buồn mênh mông qua bài thơ lục bát bất hủ "Buồn Đêm Mưa":

             Đêm mưa làm nhớ không gian,
             Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
             Tại nương nước giọt mái nhà
             Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn
             Nghe đi rời rạc trong hồn
             Những chân xa vắng dặm mòn lẽ loi
             Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
             Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
             Tương tư hướng lạc phương mờ
             Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
             Gió về lòng rộng không che
             Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư.


      Thơ Huy Cận chứa một hồn buồn, một nỗi buồn mênh mông trong một khung cảnh thời gian và không gian thật mơ hồ. Vì thế "nhớ không gian" không hẳn là nhớ một nơi nào nhất định. "Không gian" trong câu đầu chỉ nhằm tạo một cảm giác thật mơ hồ nhưng rộng lớn để tăng cường cho "nỗi hàn bao la" ở câu sau. Ngoài ra, tính đồng nhất của bài thơ là nhịp điệu chậm chậm của những giọt mưa kèm với nỗi buồn nhẹ nhàng, vu vơ. Có nghĩa là mưa to khiến khí trời nặng nề mà ngược lại, những hạt mưa nhỏ rơi lác đác, nhẹ nhàng trên mái nhà tạo một cảm giác buồn dìu dịu, đó là tất cả điệu buồn của đêm mưa:

             "Rơi rơi dìu dịu rơi rơi,
             Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ".


      Đọc xong toàn bài, một cảm giác mưa lạnh tràn ngập tâm hồn, ta tưởng chừng như mình đang trằn trọc trong một đêm mưa, lạnh lùng và cô độc, lắng nghe những giọt mưa rơi nhè nhẹ dai dẳng trên mái nhà và hình dung có ai đang đi lẻ loi ngoài mưa nơi xa vắng. Bài thơ này là cả một nỗi buồn mênh mông trong một không gian và thời gian bao la và sâu thẳm.



      Cũng đồng thời với Huy Cận trong thời tiền chiến, Lưu Trọng Lư đã sáng tạo một hình ảnh mưa độc đáo:

             Mưa mãi mưa hoài!
             Lòng biết thương ai
             Trăng lặn về non không trở lại.
             Mưa chi mưa mãi!
             Lòng nhớ nhung hoài
             Nào biết nhớ nhung ai
             Mưa chi mưa mãi!
             Buồn hết nửa đời xuân
             Mộng vàng không kịp hái
             Mưa mãi mưa hoài!
             Nào biết trách ai
             Phí hoang đời trẻ dại
             Mưa hoài mưa mãi!
             Lòng biết tìm ai.


      Tác giả đã sử dụng thơ tự do, không theo thể nhất định, nhưng lại tận dụng điệp ngữ, âm điệu và tiết điệu để diễn tả cảnh mưa kéo dài lê thê.

      Một khuynh hướng khác độc đáo trong thời tiền chiến là tượng hình, nghĩa là sắp xếp các chữ để tạo một hình ảnh tăng cường cho nội dung định diễn tả. Thí dụ điển hình là bài "Sương Rơi" sau đây của Nguyễn Vỹ, bài thơ gồm có các câu hai chữ và được sắp thành ba cột. Tác giả định tạo hình ảnh của những hạt sương, hạt mưa đang rơi:

             Sương rơi
             Nặng trĩu
             Trên cành Rồi hạt
             Dương liễu Sương trong Rơi sương
             Nhưng hơi Tan tác Cành dương
             Gió bấc Trong lòng Liễu ngả
             Lạnh lùng Tả tơi Gió mưa
             Hiu hắt Em ơi Tơi tả
             Thấm vào Từng giọt Từng giọt
             Hạt sương Điêu tàn Tơi bời
             Thành một Trên nấm Mưa rơi!
             Vết thương Mồ hoang Gió rơi!
             Lá rơi!
             Em ơi!


             Khía cạnh nghệ thuật của bài thơ trên không phải là cách xếp chữ mà chính là tiết điệu được tác giả sáng tạo để diễn tả những giọt sương, giọt mưa rơi, tương tự như những giọt mưa của Huy Cận:

             Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
             Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ




      Nhưng mưa không phải chỉ là những giọt nhẹ nối lời vu vơ, mưa còn tràn ngập tâm hồn thi sĩ với cả một trời kỷ niệm, mưa làm rộn lên trong lòng người thơ mối tình trong mơ thuở xa xưa. Muốn biết mưa đã nói gì với thi nhân, ta nên đọc hết "Tình Trong Mưa" của Bàng Bá Lân:

             Chiều ấy mưa rào ở xóm Đông
             Cho người ủ dột đứng bên sông,
             Xa nhìn đắm đuối tìm trong gió
             Chỉ thấy màu mưa trắng ngập đồng
             Ai biết mưa rơi nói những gì?
             Lá buồn gieo lệ khóc lâm ly
             Lòng bâng khuâng quá, xôn xao nhớ
             Cả một tình yêu buổi ấu thì
             Buổi một nàng qua dưới mái hiên
             Đường mưa in nuột gót chân tiên,
             Ta nhìn theo bước đi ren rén,
             Bỗng cả lòng yêu náo nức liền!
             Từ ấy trên đường loang loáng mưa,
             Tìm hoài đâu thấy gót chân xưa?
             Đường mưa bao gót chân mưa bước
             Gợi mãi tình yêu buổi dại khờ.
                                         (Tiếng Võng Đưa)


      Ai ngờ một thoáng yêu trong một chiều mưa thuở thiếu thời lại ghi sâu mãi vào hoài niệm người thơ. Và ai ngờ với một chút kỷ niệm tầm thường ấy, được gợi lên trong những ngày mưa, thi nhân đã đúc thành những vần thơ tình buồn man mác. Phải chăng thi nhân luôn vướng mắc tình buồn hay phải chăng những ngày mưa lạnh dễ làm giấc mộng yêu xưa sống lại trong lòng? Ta hãy nghe Đinh Hùng kể lại mối sầu trong một đêm mưa:

             Có kẻ nghe mưa trạnh mối sầu,
             Vắt tay chờ mộng suốt đêm thâu
             Gió từ sông lại, mưa từ biển,
             Không biết người yêu nay ở đâu?

             Người ta xa lánh cả tôi rồi!
             Trở gối, nghe hồn động biển khơi,
             Xa bạn, xa lòng, xa mắt đẹp,
             Gió mưa dòng tóc đắng vành môi.
                                         (Chớp Bể Mưa Nguồn)




      Nếu mưa để gợi lên mối sầu tình ái thì mưa cũng để nhắc nhở một niềm đau bao la, rộng lớn hơn, niềm đau khổ của kẻ tha hương. Các bạn có bao giờ tình cờ đi qua các công viên, vỉa hè hay các bãi cỏ ướt trong những cơn mưa nhè nhẹ nơi đây, để nghe mùi đất ẩm, quê hương xa thẳm? Kỷ niệm tình cảm này đã được Bình Nguyên Lộc diễn tả khi dừng chân trên bến tàu một ngày mưa; mùi đất, nước đã làm ông ngây ngất lòng sầu cố hương:

             Lạnh thấm lòng, mưa mai lác đác,
             Quán bên hè, uống tách cà phê
             Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê,
             Rưng rưng nước mắt: tư bề người dưng.
             Bến Ông Lãnh màn mưa bao phủ,
             Ghe thương hồ ủ rủ dưới kia,
             Ghe ơi, vài bữa ghe về,
             Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không?

             Mùi đất nước ruộng bùn phảng phất,
             Nhớ cố hương ngây ngất lòng sầu,
             Năm năm, bao cuộc bể dâu
             Phút giây ôn lại, như hầu hôm qua.
                                              (Trên Bến Ông Lãnh)


      Câu chuyện ở trong chính lòng Việt Nam yêu dấu mà "cố hương" của tác giả, huyện lỵ Tân Uyên chỉ cách xa bến Ông Lãnh, nơi tác giả dừng chân đụt mưa có vài giờ đường xe: sự xa cách quê hương chỉ ở hoàn cảnh loạn ly lúc bấy giờ mà thôi. Thế mà tình cảm vẫn dâng tràn khiến ông, một nhà văn ít khi làm thơ, đã dệt được những vần thơ nhớ quê hương êm đềm và dễ thương nhất. Còn chúng ta hôm nay ôi! Quê hương đã xa quá rồi, quê hương cách nửa địa cầu! Lòng sầu viễn xứ của chúng ta sẽ bao la dường nào trước cảnh mưa trên một bến sông mơ buồn nào đó của quê người.

      Những ngày này, các cơn mưa lạnh về, báo hiệu mùa đông nơi đất khách và cũng là mùa xuân của kẻ tha hương.

      Ai là người trong chúng ta không mong được chấp cánh chim trời, bay về quê hương xa vắng, để trong mơ sống những ngày xuân đầm ấm của hồi còn thơ, ai là người không cùng một "Tâm Tình Cuối Năm" với Đinh Hùng:

             Từng cơn mưa lạnh đến dần,
             Đời chưa trang điểm mà xuân đã về!
             Hững hờ để nước trôi đi,
             Giấc chiêm bao hết lấy gì mà say?
             Quê ai đầm ấm đâu đây,
             Cho tôi về sống những ngày trẻ thơ.

             Quê nhà ai sẵn nụ cười,
             Núi sông hồn hậu, mà trời bao dung?
             Cho tôi về hưởng xuân cùng,
             Bao giờ hoa nở thì lòng cũng nguôi.


      Những ngày mưa đã làm thi sĩ tạo được những vần thơ kỳ diệu và sẽ là nguồn thơ bất tận cho các thế hệ thi nhân Việt Nam sau này. Qua một số thi phẩm về mưa, ta đã đủ thấy tính cách lãng mạn và phong phú của thi ca Việt Nam mà tình người, tình quê đều bàng bạc khắp nơi. Niềm rung động của thi nhân cũng là niềm rung động chung của mọi người, cũng giúp mọi người Việt hiểu biết nhau hơn, thương yêu quê hương hơn. Đối với mọi người, dù là thi nhân đang sáng tác hay người đọc, thi ca Việt Nam vẫn là nguồn an ủi vô biên cho những kẻ tha hương. Và ngày mưa rồi sẽ tạnh, hoa xuân sẽ nở, các bạn yêu thơ chúng ta sẽ hưởng một mùa xuân đầy hứa hẹn.

Giang Thiên Tường



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân