TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trận Đống Đa - Gò Đống Đa
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trận Đống Đa - Gò Đống Đa

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Wed Feb 17, 2010 5:54 pm    Tiêu đề: Trận Đống Đa - Gò Đống Đa

Trận Đống Đa


Trận Đống Đa-cùng với trận Ngọc Hồi - Đầm Mực là hai trận then chốt trong chiến dịch giải phóng Thăng Long đầu Xuân Kỷ Dậu (1789). Về trận này, theo kế hoạch của Quang Trung - Nguyễn Huệ, trong 5 đạo quân xuất phát từ Tam Điệp - Biện Sơn, tiến theo nhiều hướng nhằm thực hiện nhiệm vụ của chiến dịch tiến công tiêu diệt quân Thanh ở Thăng Long, thì đạo quân đánh từ phía tây nam là do đô đốc Long chỉ huy. Đạo quân này gồm cả bộ binh, tượng binh và kỵ binh tinh nhuệ, từ Tam Điệp, theo đường Thiên Quan (Nho Quan, Ninh Bình), xuyên qua Chương Đức (Chương Mỹ, Hà Tây) tiến thẳng vào Nhân Mục (Hà Nội), có nhiệm vụ vu hồi chiến dịch, bất ngờ bao vây tiêu diệt đạo quân Sầm Nghi Đống ở Đống Đa, rồi vượt qua cửa ô phía tây nam, thọc sâu vào thành Thăng Long, làm rối loạn đội hình trung tâm của địch, uy hiếp và đánh vỗ mặt vào đại bản doanh chủ tướng giặc Tôn Sĩ Nghị.

Đống Đa bấy giờ thuộc trại Khương Thượng, tổng Hạ, huyện Quảng Đức, nay là quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Trại Khương Thượng nằm trên con đường cái quan trọng từ Nho Quan, Chương Đức, qua cầu Nhân Mục (sông Tô Lịch) vào cửa ô tây - nam thành Thăng Long, tức cửa ô Thịnh Quang (Thịnh Hào - Ô Chợ Dừa bây giờ). Tôn Sĩ Nghị sau khi chiếm được Thăng Long, đã không tiếp tục tiến vào Nam, mà cho quân tạm dừng chân để ăn Tết Nguyên Đán. Hắn đóng đại bản doanh tại cung Tây Long bên bờ sông Nhị (sông Hồng) - phía đông thành Thăng Long, và bố trí các trại quân thành từng cụm. Đạo chủ lực do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy, đóng doanh trại trên bãi cát, hai bên bờ sông Hồng, khoảng bến Bồ Đề, ở giữa có cầu phao qua lại, trong đó có đạo quân của tổng binh Lý Hóa Long đóng ở phía nam sông. Đạo quân Điền Châu và Triều Châu do tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy, đóng ở Đống Đa. Đạo chủ lực do Hứa Thế Hanh chỉ huy đóng ở Ngọc Hồi. Đạo quân Vân Quý do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy đóng ở Sơn Tây. Đạo quân Khâm Châu tiến theo đường biển đóng ở Hải Dương. Từ ngày 16-12-1788 (tức 19 tháng Mười một Mậu Thân), toàn bộ kinh thành Thăng Long đều do quân Thanh và quân bán nước Lê Chiêu Thống đóng giữ. Tại Đống Đa, quân Thanh không xây dựng đồn lũy, mà chỉ dựa vào địa hình và làng mạc để bố trí doanh trại. Chúng chiếm cánh đồng cao ráo ở phía bắc trại Khương Thượng để dựng đồn trại. Sở chỉ huy của Sầm Nghi Đống đặt trên núi Loa Sơn. Đó là một điểm cao lợi hại có thể bao quát cả khu doanh trại và khống chế con đường từ phía tây nam vào Thăng Long. Doanh trại giặc dựng quanh sở chỉ huy gồm cả hai bên đường cái, tiện lợi cho việc bảo vệ, hoặc cũng dễ dàng khi xuất phát hành quân. Để canh phòng từ xa và giữ cho khu vực Đống Đa được an toàn, Sầm Nghi Đống còn lập một số trại hoặc đồn binh nhỏ xung quanh, như đồn Yên Quyết (xã Yên Hòa, Từ Liêm) và đồn Nam Đồng ở phía sau gần cửa ô vào thành Thăng Long...

Sầm Nghi Đống là tri phủ Điền Châu, chỉ huy một đạo quân chừng vài vạn, gồm binh lính tuyển mộ ở Điền Châu và Triều Châu. Bản thân Sầm Nghi Đống có một đội quân hộ riêng rất trung thành và tinh nhuệ. Bố trí quân Sầm Nghi Đống ở Đống Đa có ý phòng bị mặt tây nam cho mình trong những ngày Tết, song qua đó cũng thấy tư tưởng chủ quan, khinh địch của Tôn Sĩ Nghị, coi thường quân Tây Sơn không thể có hoạt động gì ở hướng này. Song Nguyễn Huệ sử dụng đường đó để thực hiện mũi vu hồi vào sườn giặc, rồi từ đó đánh thọc sâu vào cung Tây Long. Nguyễn Huệ hết sức coi trọng hướng kỳ binh và đã giao nhiệm vụ quan trọng này cho đô đốc Long. Đạo quân này tuy không đông - chỉ độ hơn một vạn - nhưng phần lớn là kỵ binh và tượng binh, được trang bị đầy đủ vũ khí, trong đó có nhiều hỏa hổ và đại bác đặt trên mình voi chiến. Họ lại hành quân bí mật theo con đường núi hầu như đã bỏ hoang, nên vừa tiến vừa khắc phục nhiều trở ngại mở đường. Chính vì thế, tham gia chỉ huy cánh quân phía tây nam còn có cả đô đốc Đặng Tiến Đông là người Lương Xá (Chương Mỹ), rất am hiểu địa hình và đường đi lối lại trong vùng. Nhiệm vụ của đạo quân này là đánh hiệp đồng phối hợp với các cánh quân khác trong thế trận chung, nhất là với cánh quân của Nguyễn Huệ, nhưng phải bất ngờ và nhanh chóng tiêu diệt đồn Đống Đa để mở cửa ngõ phía tây nam tiến vào Thăng Long. Vượt qua bao khó khăn trở ngại của rừng núi, đạo quân của đô đốc Long đã bảo đảm cuộc hành quân hết sức khẩn trương và bí mật, theo đúng với kế hoạch đã vạch ra. Tới mồng 4 tháng Giêng, quân của đô đốc Long đã tiến tới Nhân Mục. Trong đêm ấy, quân ta đã vượt sông Tô Lịch tới Khương Thượng và bí mật áp sát đồn Đống Đa, tổ chức sẵn một thế trận bao vây tiến công quân địch. Sáng mồng 5 tháng Giêng Tết Kỷ Dậu (30-1-1789), lúc trời còn tối, quân Tây Sơn đô đốc Long và đô đốc Đông chỉ huy bất thình lình tiến công đồn Đống Đa. Với thế trận và khí thế áp đảo quân thù, quân sĩ Tây Sơn đã xông thẳng vào đồn trại địch. Đại bác, hỏa hổ nổ vang trời. Quân ta nhanh chóng đốt phá các doanh trại vòng ngoài rồi nhanh chóng chọc thẳng vào sở chỉ huy của giặc. Nhân dân địa phương đã hăng hái tham gia trận đánh. Một trận “rồng lửa” rực sáng cả vùng Khương Thượng - Đống Đa. Tư liệu lịch sử ghi lại rằng, trước khi cuộc chiến diễn ra, Tây Sơn đã cử người tới bí mật vận động nhân dân các làng xã xung quanh Đống Đa sẵn sàng phối hợp với quân đội bao vây, tiêu diệt đồn giặc. Hưởng ứng sự vận động đó, nhân dân chín làng xã vùng này đã lấy rơm bện thành hình những “con rồng” lớn tẩm dầu và các loại nhựa dễ cháy, cất giấu sẵn trong nhà, để đến ngày diệt đồn, sẽ dùng làm vũ khí. Khi quân Tây Sơn nổ súng tiến công thì nhân dân cũng đốt cháy những con rồng rơm, tạo thành lớp lớp hàng rào lửa dày đặc, vây kín các doanh trại quân Thanh. Đang đêm tối, bỗng dưng trời rực sáng, tiếng súng nổ vang động, tiếng reo hò dậy đất, quân lính Tây Sơn bất thần xuất hiện, đột nhập các doanh trại, thỏa sức chém giết. Các đội tượng binh và kỵ binh đồng thời ập vào, dùng đại bác và hỏa hổ đốt phá đồn trại và thiêu cháy quân địch. Quân ta tràn vào bên trong trại giặc như những dòng thác, không một sức nào có thể cản nổi.

Trước sức tiến công bất ngờ vũ bão của quân Tây Sơn và nhân dân của các làng bao quanh, quân Thanh khiếp đảm, chúng chống cự không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau. Sầm Nghi Đống buộc phải rời trận tiền, bỏ các doanh trại bên ngoài, rút về bảo vệ sở chỉ huy ở Loa Sơn để chờ quân cứu viện. Để tiếp tục phát triển tiến công về phía đại bản doanh của giặc, đô đốc Long sử dụng một phần lực lượng tiếp tục vây hãm Loa Sơn, tiêu diệt nốt số quân địch ở Đống Đa, còn phần lớn lực lượng do mình chỉ huy, nhanh chóng vượt qua cửa ô đánh thẳng vào kinh thành. Lúc này, Tôn Sĩ Nghị và bộ chỉ huy quân Thanh ở cung Tây Long, tuy có bị sửng sốt và bất ngờ khi biết tin quân đội Nguyễn Huệ đã tiến đến gần, nhưng vẫn tin vào sức mạnh của mình, hắn hoàn toàn không hay biết gì về cánh quân Tây Sơn tiến từ phía tây nam đến. Sáng mồng 5, Tôn Sĩ Nghị đột nhiên nghe tiếng súng nổ liên hồi từ phía tây nam thành Thăng Long vọng lại, vội sai thám tử cấp tốc phi ngựa đến xem tình hình, mới hay Ngọc Hồi đang bị tiến công dữ dội; đạo quân Sầm Nghi Đống đã tan vỡ, sở chỉ huy ở Loa Sơn bị bao vây. Hắn càng sửng sốt khi được tin kỵ binh và tượng binh Tây Sơn đang ập vào cửa ô tây nam Thăng Long. Tên tướng giặc như bị một đòn giáng mạnh, hết sức choáng váng. Cả một đạo quân chủ lực gần như còn nguyên vẹn trong tay, nhưng do quá hốt hoảng, y không còn biết xoay xở, đối phó ra sao, đốc quân tìm cách tháo chạy. Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép lại rằng: Tôn Sĩ Nghị “sợ mất mật” và “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy...”. Chủ tướng bỏ chạy, quân Thanh và quân cần vương Lê Chiêu Thống cũng chạy theo. Tôn Sĩ Nghị đã vượt qua cầu phao nhưng lại sợ quân Tây Sơn đuổi theo nên ra lệnh “cắt đứt cầu phao để chẹn phía sau”. Hành động đó của viên chủ tướng giặc thật tàn nhẫn, đã làm cho hàng vạn quân Thanh không thể bơi qua sông được, bị dòng nước sông Nhị cuốn trôi. Cũng lúc đó, quân Tây Sơn lại ập tới. Quân Thanh phần bị giết hoặc bị bắt, phần bị nước cuốn, chết không biết bao nhiêu mà kể. Một số tàn quân lẩn trốn quanh các xóm làng về sau đều phải ra đầu thú. Bọn Lê Chiêu Thống không qua được cầu, tắt đường phía tây, cùng đám tùy tùng chạy lên cửa ải phía Bắc.

Số phận của đám quân Thanh đóng ở bờ bắc sông Nhị cùng với tàn quân phía bờ nam vượt được qua sông chạy trốn theo Tôn Sĩ Nghị, cũng chẳng may mắn gì. Bị đô đốc Lộc chặn đánh ở Phượng Nhãn, chúng càng lo sợ, không dám chạy theo đường cái, phải luồn rừng, lội suối, vất vả lắm mới thoát thân. Đạo quân Khâm Châu ở Hải Dương và đạo quân Văn Quý của đề đốc Ô Đại Kinh ở Sơn Tây nghe tin đều kinh hãi, vội vã tìm đường về nước. Được tin đại quân của Tôn Sĩ Nghị đã tháo chạy, Thăng Long đã về Tây Sơn, Sầm Nghi Đống đang bị vây hãm ở Loa Sơn hoàn toàn tuyệt vọng. Sáng mồng 6 tháng Giêng âm lịch, hắn đã thắt cổ tự tử...

Nếu như trận Ngọc Hồi - Đầm Mực do đích thân Nguyễn Huệ cùng Ngô Văn Sở chỉ huy là trận tiến công chính diện, nhằm đập nát vị trí then chốt phía trước của hệ thống doanh trại, quân Thanh, thu hút chủ lực và sự chú ý của quân tướng nhà Thanh, thì trận Đống Đa-Thăng Long là trận vu hồi, thọc sâu hết sức bất ngờ vào chỗ sơ hở, hiểm yếu nhất của địch, để phát huy thế tiến công, đánh thẳng vào cơ quan đầu não, làm tê liệt và tan rã hoàn toàn đạo quân xâm lược. Vậy nên trưa ngày mồng 5 Tết, sau khi thắng lợi, tiến vào Thăng Long, gặp đô đốc Long ra đón, Quang Trung khen ngợi: “Việc quân cốt ở thần tốc, tướng quân đánh một trận mà thành công lớn, ta đến sau thật là xấu hổ”. Đô đốc Long trả lời: “Chúa thượng đem chính binh đánh phía trước, thần đem kỳ binh lẻn đánh phía sau, đang đêm nhân khi giặc không phòng bị mà đánh, nên dễ thành công. Vả lại, Nghi Đống không phải là người có tài làm tướng. Đánh được địch là nhờ oai binh của chúa thượng và sự cố gắng của các tướng sĩ đó thôi!...”.


NGUYỄN TRƯỜNG SƠN



Gò Đống Đa



Trận Hà Hồi – Trận Ngọc Hồi – Trận Đống Đa – Trận Thăng Long

Gò Đống Đa là một gò nằm bên đường phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Tại đây năm 1789 quân Tây Sơn đã đại phá và đánh thắng quân nhà Thanh trong Trận Ngọc Hồi - Đống Đa

Mục lục
1 Lịch sử
2 Sự hình thành
3 Lễ hội Đống Đa
4 Gò Đống Đa trong thơ văn
5 Chú thích
6 Xem thêm
7 Liên kết ngoài


Lịch sử
Đêm 4 rạng ngày 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) trận đánh của quân Tây Sơn diễn ra với sự tham gia của nhân dân vùng Khương Thượng, do Đô đốc Long (còn có tên là Đặng Tiến Đông) chỉ huy. Trận này diệt tan đồn Khương Thượng của quân nhà Thanh. Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh đã mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào Thăng Long.

Nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du đã làm bài thơ Loa Sơn điếu cổ có câu:

Thánh Nam thập nhị kình nghê quán
Chiến điệu anh hùng đại võ công
Dịch là:

Thánh nam xác giặc mười hai đống
Ngời sáng anh hùng đại võ công
Sự hình thành

Tảng đá khắc câu nói của Quang Trung khi ra lệnh tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh.Sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là "Kình nghê quán" (gò tô chôn xác kình ghê - 2 loài cá dữ ngoài biển) nhằm biểu dương chiến công của quân và dân nước nhà cũng như để cảnh cáo các lực lượng xâm lược.

Gò này nằm giải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, trên các gò cây cối mọc um tùm nên có tên là Đống Đa. Năm 1851, do mở đường mở chợ, đào xẻ nhiều nơi thấy nhiều hài cốt, lại cho thu vào một hố cao lên nối liền với núi Xưa, thành gò thứ 13, tức là gò còn lại hiện nay. Còn 12 gò khác đã bị phạt đi trong thời gian người Pháp mở rộng Hà Nội năm 1890.

Chiến thắng Đống Đa cùng với Chiến thắng Ngọc Hồi - Đầm Mực dưới sự chỉ huy của Quang Trung đã phá tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long (xem bài chính: Nguyễn Huệ).

Nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, năm 1989, Công viên Văn hóa Đống Đa được thành lập trên cơ sở khu vực Gò Đống Đa[1]. Đây là công trình kiến trúc mang tính lịch sử văn hóa nhằm ghi nhớ công ơn của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tổng diện tích của công trình 21.745 m2 được chia làm 2 khu vực, gồm khu vực tượng đài, nhà trưng bày và khu vực gò.

Lễ hội Đống Đa
Hàng năm cứ vào ngày mồng 5 Tết nhân dân thường tổ chức hội Gò Đống Đa để ôn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây, đặc biệt có tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.


Khu tượng đài Quang Trung tại Gò Đống Đa.Kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa, khu tượng đài Quang Trung và công viên văn hóa Đống Đa đã được xây dựng tại khu đất bên cạnh gò lịch sử này, trông ra phố mang tên Đặng Tiến Đông, người chỉ huy trận đánh đồn Khương Thượng và đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Gò Đống Đa trong thơ văn
Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò
Mùng 5 tết trận thắng to
Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân
Noi gương chiến đấu anh hùng
Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta

Về Đầu Trang
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Mon Feb 07, 2011 2:26 pm    Tiêu đề:

Trận chiến thắng làm vẻ vang dân tộc .
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân