TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - CÙNG NHAU KHUẤY BỤI THỜI GIAN
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

CÙNG NHAU KHUẤY BỤI THỜI GIAN

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
TONG DIEN



Ngày tham gia: 01 Aug 2010
Số bài: 1

Bài gửiGửi: Wed Aug 04, 2010 4:33 pm    Tiêu đề: CÙNG NHAU KHUẤY BỤI THỜI GIAN



CÙNG NHAU KHUẤY BỤI THỜI GIAN

       Do bị giới hạn độ dài của mỗi bài viết, truyện ngắn in thành sách phải đến với độc giả dưới dạng thức tập, mỗi tập kết hợp trung bình trên dưới hai mươi truyện. Thông thường các truyện ngắn trong cùng một tập được viết ra bởi một tác giả duy nhất. Nhưng cũng không hiếm trường hợp nhiều tác giả đóng góp mỗi người một số truyện để hoàn thành một tuyển tập. Tiêu chuẩn chọn lựa tác giả cho tuyển tập thường là tiếng tăm của họ trong giới văn nghệ hoặc là tình trạng đồng nhất địa phương cư ngụ của họ.

       Tuyển tập KHUẤY BỤI THỜI GIAN mà bạn đọc sắp thưởng lãm đây có hàm chứa thêm một tiêu chuẩn chọn lựa khác. Đó là sự đồng nhất chủ đích của các tác giả. Bốn tác giả đã đặt trọng tâm tác phẩm của mình trong việc khơi động dĩ vãng từ một khoảng thời gian gần như tương tự nhau đối với cả bốn người. Nhưng mỗi người đã “khuấy bụi thời gian” theo cung cách riêng của mình. Theo chân đoàn lữ hành trên bước đường viễn du về quá khứ, bạn đọc sẽ đối diện với bốn lối nhìn đời khác nhau.

       Người dẫn đầu đoàn lữ hành là Cao Thanh Tâm. Có thể một số bạn đọc đã gặp nhà văn này trong một buổi họp mặt văn nghệ nào đó. Những người khác thì không cần, nhưng riêng các bạn đọc nói trên nên tạm thời quên mặt Cao Thanh Tâm đi để có thể nhìn thấy trọn vẹn hình ảnh tác giả Cao Thanh Tâm đang múa chổi khuấy bụi thời gian.

       Cao Thanh Tâm đã từng làm giám đốc ngân hàng, thầm yêu nhớ trộm vợ một người bạn bác sĩ, yêu thương đến nỗi quên mất cô bạn gái dấu ái của mình trong suốt một thời gian khá dài! ...Cao Thanh Tâm đã từng chính thức đề nghị ly thân với vợ, nhưng khi nghe vợ thản nhiên đồng ý thì đùng đùng nổi trận lôi đình! ...Cao Thanh Tâm đã từng bị thôi miên bởi một thiếu phụ bán thuốc tây chợ trời có gốc gác cao sang. Rồi hàng ngày Cao Thanh Tâm đến mua thuốc Tylenol của cô ấy, mua hai viên thôi...

       Lần theo lối cũ đi về chốn xưa, ta bắt gặp Cao Thanh Tâm trong cái tội bỏ rơi cô bạn gái của mình với cái bào thai trong bụng rồi trốn đi xa. Mười lăm năm sau, cùng với vợ con trở về quê nhà, gặp lại người yêu cũ với đứa con rơi. Ngỡ ngàng, xót xa cho cả đôi bên. Nhưng giải quyết thật tự nhiên, mặc dù có đau đớn. Không một chút giả tạo như trong các tiểu thuyết tình cảm diễm lệ.

       Gần đây hơn, người ta lại thấy Cao Thanh Tâm đang ngồi im lặng quan sát một cặp nam nữ mỗi ngày chỉ gặp nhau một lần vào buổi ăn trưa. Câu chuyện giữa họ với nhau vẫn mãi mãi là chuyện mơ hồ đối với mọi người, trừ họ ra. Cái mơ hồ đặc thù của một xã hội trong đó có nhiều khi sống gần nhau mà không biết rõ về nhau.

       Cao Thanh Tâm đã hóa thân vào những nhân vật của mình như thế đấy. Đa số những nhân vật này là những người đàn ông có nhược điểm rất đàn ông, nhưng lại ngần ngại, do dự khi thấy mình đang chìm dần vào nhược điểm đó. Ngoài ra phần lớn trong bọn họ là những người ưa trầm ngâm suy tư và có căn bản đạo đức. Như thế phải chăng Cao Thanh Tâm là một mẫu người đàn ông giống như các nhân vật của mình? Những bạn đọc nào chưa hề biết Cao Thanh Tâm, hoặc đã nhìn thấy mặt Cao Thanh Tâm nhưng tạm quên như tôi đề nghị ở trên thì sẽ vô cùng thích thú khi biết hoặc nhớ lại Cao Thanh Tâm là ai. Thích thú vì cái khả năng hóa thân của Cao Thanh Tâm. Tác giả đã nhập thể nhuần nhuyễn vào các nhân vật của mình để điều động họ mặc dù họ thuộc thành phần giới tính khác với tác giả!!!

       Nhìn chung là như thế, nhưng không phải lúc nào truyện của Cao Thanh Tâm cũng vắng bóng phụ nữ trong vai nhân vật chính. Truyện Mẹ Chồng (đặt ở vị trí sau cùng trong loạt bài của Cao Thanh Tâm) là một bằng cớ hùng hồn. Ở đây nhân vật chính là một bà mẹ chồng không rõ tên họ. Bà thường xuyên hồi tưởng lại thời gian bà làm dâu với một bà mẹ chồng dịu hiền nhân ái. Kết quả là bà đã dành cho con dâu của bà cái tình thương yêu mà bà đã từng tiếp nhận từ mẹ chồng của bà. Truyện Mẹ Chồng khơi dậy nơi độc giả cả nam lẫn nữ một cảm xúc khó tả, cảm xúc của kẻ vừa tìm lại được một tình tự cao quí của con người mà cuộc sống trong xã hội lắm khi đã vùi lấp dưới lớp bụi ganh ghét hận thù. Điều cần ghi thêm là tới truyện cuối cùng này Cao Thanh Tâm vẫn duy trì được khả năng phân thân và hóa thân của mình. Tác giả hòa mình một cách thoải mái, tự nhiên, không gượng gập, vào hàng ngũ nhân vật, dù là nhân vật nam hay nữ cũng thế. Truyện Mẹ Chồng là một biệt lệ về giới tính của nhân vật chớ không phải một biệt lệ về nghệ thuật phô diễn ý và tình.

*

       Người theo sau Cao Thanh Tâm trong đoàn lữ hành là nhà thơ Lưu Trần Nguyễn. Bạn đọc làm sao mà quên được những vần thơ lãng mạn gây cảm xúc nhẹ nhàng lâng lâng của ông. Con đường thi ca đang mở rộng trước mặt của ông. Ông có thể thoải mái đi theo con đường đó để lên tới đỉnh thi sơn. Nhưng nửa chừng ông chọn đi thêm một con đường khác, một ngả tẻ, ngả tản văn. Đường mới, hoàn cảnh mới, nhiều trở ngại có thể xuất hiện thình lình. Nhưng khi đã chọn lựa thì người lữ khách chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn. Khi làm thơ, Lưu Trần Nguyễn đã tôn trọng kỹ thuật căn bản của thi ca. Ông chọn một điểm nhỏ trong không gian và thời gian làm phiếm đàn rồi bấm lên đó để buông ra một nốt nhạc làm lòng người rung động theo nó. Khi bước chân vào lĩnh vực tản văn, Lưu quân phải bung lớn ra theo chiều ngang rồi tiến xa vào theo chiều sâu. Cuộc đời không còn được cô đọng lại để gây ấn tượng mạnh nữa mà phải trải rộng ra để nhìn bao quát, để nghe thấm thía tê tái lâu dài. Lưu Trần Nguyễn không chỉ tuân thủ nguyên tắc này, có vẻ ông còn muốn đi xa hơn nữa trên phương diện đa dạng hóa đề tài và văn hướng.

       Để có một ý niệm cụ thể về chuyển biến trong văn phong họ Lưu, ta có thể tưởng tượng một trục hoành độ trên đó truyện Như Khói Như Sương nằm ở điểm gốc số không. Truyện này kể lại một chuyện tình học trò trung học. Nhẹ nhàng, lãng mạn. Kết cục có vẻ như là tình một chiều, nhưng nếu nhớ lại đầy đủ mọi diễn biến trong thân truyện, bạn đọc có thể tự hỏi phải chăng cái một chiều trong những ngày cuối cùng có thể đã là hai chiều – nhưng hai chiều không rõ rệt - ở một thời điểm nào đó trong quá khứ? Mơ mơ, hồ hồ, dễ thương lạ! Câu chuyện được một nhân vật kể theo ngôi thứ nhất, tạo ấn tượng đây là chuyện có thật, một tự truyện của tác giả (dĩ nhiên trên thực tế truyện phải được hư cấu hóa đi dù cho nó là tự truyện cũng thế). Chính tại nơi đây, nơi cái truyện lãng mạn nhè nhẹ này mà Lưu Trần Nguyễn đã đem vào văn chương những gì ông thực hiện được trong thơ. Thế nên đặt truyện này vào điểm gốc là hợp lý.

       Từ điểm gốc số không đó, Lưu Trần Nguyễn tiến sang phía số dương, phía thực tế, phía tả chân với các truyện như Một Thứ Hạnh Phúc, Nước Mắt Đàn Ông... Với các truyện xã hội này, ông phác họa ra dưới mắt độc giả cảnh đổi đời sau 1975, đổi đời theo chiều hướng khôi hài và tệ hại nhiều hơn là theo chiều hướng tốt lành.

       Nhưng từ điểm gốc số không Lưu Trần Nguyễn cũng đã đi ngược về phía số âm, phía cõi âm u của lòng người với các truyện Hạnh Phúc Của Mẫn, Mười Năm Quên Hót. Hạnh Phúc Của Mẫn là một màn biểu diễn thành công về khả năng phân tích tâm lý của tác giả. Con người lắm khi tìm được hạnh phúc một cách hết sức tình cờ. Hạnh phúc đó lại là một thứ hạnh phúc nhỏ nhoi, tuy nhiên vẫn là hạnh phúc. Tìm được hạnh phúc nhưng lại phải bước qua lằn ranh phân cách đạo đức và tội lỗi. Tình cờ nhích đi một chút là phải qua bên này hay bên kia lằn ranh. Đọc Hạnh Phúc Của Mẫn phải liêntưởng tới Sợi Tóc của Thạch Lam hay Đi Đòi Nợ của Nhật Tiến (Đi Đòi Nợ là truyện ngắn đầu tay của Nhật Tiến, đăng lần đầu tiên năm 1957 trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh). Còn Mươì Năm Quên Hót là một chuyện tình tay ba kín đáo, tế nhị, chưa đi tới tội lỗi nghiêm trọng, nhưng cũng không còn ở trong vòng lễ giáo cổ điển. Cái màu sắc, cái không khí của nhóm Sáng Tạo chập chờn bao phủ cả câu chuyện. Đọc Mười Năm Quên Hót đôi khi phải rờn rợn mà thấy lòng người tráo trở bất ngờ vì chủ thể bất lực trước những may rủi của dòng đời. Thật đáng thương, cũng đáng tội nghiệp cho kiếp người.

       Như thế quả thật Lưu Trần Nguyễn đã hoàn thành được trong lĩnh vực văn những gì mà người ta không chờ đợi nơi một nhà thơ. Đây là một đề tài suy nghĩ hết sức phong phú.

*

       Người viễn khách thứ ba là Tôn Thất Sang. Lớp bụi thời gian mà ông khuấy lên đây chủ yếu là bụi tù. Chuyện tù trong các trại giam của Việt Cộng đã được nhiều tác giả tường thuật, nhưng không phải vì thế mà độc giả nhàm chán, không muốn thưởng thức loại chuyện đó nữa. Tương tự như chuyện tình hàng ngàn năm qua vẫn liên tục được kể, vẫn liên tục được nghe.

       Tôn Thất Sang kể chuyện tù tuần tự theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ lúc ông trình diện Ủy Ban Quân Quản VC đặt trụ sở tại nơi mà trước đây là tòa án thành phố Đà Nẵng. Những chuyện vui buồn trên đường tới trại Kỳ Sơn, cuộc đấu tranh bí mật và cực kỳ căng thẳng trong trại Tiên Lãnh, nếp sống hỗn tạp tại nhà giam đặc biệt, nghĩa vụ y tế (Tôn Thất Sang đã là bác sĩ trước khi đi tù Cộng Sản) ở các trại Tiên Lãnh, Na Sơn, Hàm Tân..., mọi diễn biến đều được ông tường thuật và mô tả sinh động nhưng chân phương, không màu mè, không trang trí rườm rà bằng chi tiết hư cấu.

       Tuy nhiên, không phải truyện của Tôn Thất Sang tất cả đều như thế. Ông có dành cho độc giả một biệt lệ, một biệt lệ cần thiết để tô đậm thêm màu sắc đặc thù của tổng thể. Truyện Viết Cho Hòa (truyện đầu tiên trong loạt truyện của Tôn Thất Sang) có nội dung hoàn toàn xa lạ với môi trường tù đày, nhưng sự hiện diện của nó giúp độc giả nắm bắt được ý nghĩa thật sự của một khuyết điểm cố ý tạo ra và nằm tản mạn khắp nơi trong các truyện kế tiếp. Trong Viết Cho Hòa, Tôn Thất Sang kể lại chuyện tình, chuyện sống, chuyện chết của bác sĩ Hòa, một người bạn thân của ông. Trên cái sườn vốn dĩ là chuyện có thật, tác giả đã bồi đắp thêm bằng nhiều chi tiết hư cấu mô tả qua lời văn nhẹ nhàng, duyên dáng, thích hợp với nội dung của truyện. Nhưng sang truyện kế tiếp là truyện Đường Đến Kỳ Sơn Trại và từ đó trở đi cho tới truyện cuối cùng là truyện Bác Sĩ Trong Tù, giọng văn của ông bỗng trở nên cộc lốc; ông không trau chuốt câu văn nữa và cũng không ngần ngại dùng tiếng lóng! Việc đột ngột chuyển biến bút pháp theo chiều hướng thô hóa là một chọn lựa có tính toán để thích ứng ngôn ngữ phô diễn với thực tế ở trại giam.

       Tuy có nỗ lực tự tạo cho mình một số ưu điểm như đã nói trên, Tôn Thất Sang vẫn bị mất hút đi trong số đông đảo tác giả kể chuyện tù nếu ông không hoàn thành được truyện Để Vinh Danh Một Cái Chết. Truyện kể lại hoạt động tuyên truyền chống Cộng của một nhóm tù nhân trại Tiên Lãnh ở Quảng Nam (trong số đó có cả tác giả nữa). Kết quả là một án tử hình, một án chung thân khổ sai, một án 20 năm, một án 18 năm, 4 án 10 năm, một án 5 năm và một án 3 năm. Có ba lý do để tin rằng truyện này góp phần rất nhiều vào việc tạo chỗ đứng cho tác giả, ít nhất như là chứng nhân lịch sử.

       Lý do thứ nhất: nội dung của truyện liên quan tới một biến cố mà chính VC đã lượng định là rất nghiêm trọng nên mới ra những bản án rất khốc liệt.

       Lý do thứ hai: biến cố Tiên Lãnh có thực chất đặc biệt không giống những biến cố khác ở các trại giam của VC. Đây không còn là phản ứng tự vệ ngẫu nhiên của một tập thể bị dồn ép vào đường cùng nữa, mà đã là bước tiến chủ động có kế hoạch dài hạn của những người quyết tâm chống phá VC dù biết mình đang ở tư thế tù nhân.

       Lý do thứ ba: một biến cố đặc biệt, có khả năng gây nhiều tác hại cho VC, thế mà chưa ai tường thuật lại cả, ngoại trừ Tôn Thất Sang, một người đã trực tiếp tham gia vào nội vụ.

       Trong giới văn nghệ cả cổ lẫn kim, đôi ba người sống mãi với thời gian bằng một tác phẩm duy nhất... Tôn Thất Sang sẽ sáng tác được bao nhiêu tác phẩm, ông sẽ nổi danh hay không, và nếu nổi danh thì nổi danh qua mấy tác phẩm, thời gian sẽ trả lời những câu hỏi này. Chỉ biết hiện nay, với truyện Để Vinh Danh Một Cái Chết, ông đã trở thành nhân chứng lịch sử, mặc dù biến cố mà ông làm chứng không phải là biến cố ở hệ cấp quốc gia. Ông có đủ tư cách để đứng ở một vị trí riêng biệt mà cùng bạn hữu khuấy bụi thời gian.

*

       Người đi đoạn hậu trong đoàn lữ hành là Ngô Viết Trọng với năm tác phẩm đã xuất bản trong đó ba tác phẩm là lịch sử tiểu thuyết. Đó là chưa kể nhiều bài thơ đăng rải rác trong các tạp chí nhưng chưa in thành tập, có bài đã đoạt giải thưởng. Với sức sáng tác dồi dào và thể loại sáng tác đa dạng như thế, Ngô Viết Trọng không gặp một trở ngại nào cả trong việc chọn bài để góp mặt vào những công trình tập thể. Lần này ba trong số bốn truyện ông đóng góp vào tập Khuấy Bụi Thời Gian đều ít nhiều mang màu sắc truyện ký nếu không nói là truyện ký chính danh như truyện Ngôi Cổ Miếu. Không phải ông không biết viết truyện tình cảm, truyện xã hội. Vết Hằn Mùa Xuân, Ngõ Tím đã cho thấy như thế. Tôi nghĩ chính nhu cầu đa dạng hóa đã hướng dẫn ông chọn thể loại truyện ký cho phần đóng góp của mình vào tập truyện.

       Tuy chỉ là kết quả của nhu cầu đa dạng hóa, sự lựa chọn của Ngô Viết Trọng cũng gợi ý ta suy nghĩ về một vấn đề khác là tác dụng của thể loại truyện ký. Khoảng đầu thập niên 1960, một nhà phê bình văn học Pháp nhận định rằng truyện ngắn, truyện dài, nhất là truyên luận đề đang bị cạnh tranh ráo riết bởi truyện tiểu luận. Muốn nhắn nhủ chi với độc giả thì cứ đơn giản và thẳng thừng nói ra bằng tiểu luận, cần chi phải nói bóng nói gió qua truyện ngắn, truyện dài... Nhận định trên tuy có phần cực đoan nhưng nó nói lên một hiện tượng có thật, mỗi ngày một phổ biến thêm trong cái xã hội thiếu hụt thì giờ hiện nay. Hiện tượng còn có thể nới rộng phạm vi qua lĩnh vực truyện ký bao gồm cả hồi ký chính trị và bút ký văn nghệ. Kể lại một cách trung thực và duyên dáng những sự kiện, những biến cố mà mình đã sống qua cũng có khả năng tác động trên nếp suy tư của người nghe.

       Kỹ thuật truyện ký đã hình thành dựa trên hai yếu tố trung thực và sống động. Muốn trung thực phải đấu tranh với chính bản thân mình để chống lại khuynh hướng cường điệu hóa. Muốn tạo sống động phải biết nắm bắt những sự kiện có khả năng lôi cuốn người đọc dù mới nhìn qua tưởng chừng như chúng thuộc loại vô nghĩa. Ngô Viết Trọng quán triệt và tuân thủ những nguyên tắc đó nên đã nâng các truyện ký của ông lên được ngang hàng với các truyện tình cảm, truyện xã hội mà ông đã hoàn thành.

       Ngoài các truyện ký trong đó những mẫu người và sự việc được mô tả sống động và trung thực một cách lạnh lùng vô tư chứ không phải với hậu ý tổng quát hóa để báng bổ một tầng lớp xã hội, Ngô Viết Trọng còn đóng góp vào tập Khuấy Bụi Thời Gian một truyện sử là Thái Bình Đạo Nhân. Nội dung của truyện tuy đạt được tiêu chuẩn trung thực đại thể, nhưng nó cũng được tác giả phong phú hóa bằng những chi tiết hư cấu để nói lên cái thực tế phũ phàng là mọi nhà tu hành đều không đương nhiên thoát khỏi tác động của các yếu tố ngoại thân. Phải tận lực đấu tranh với chính bản thân mình mới mong phá vỡ được vòng cương tỏa của hoàn cảnh và môi trường nhân sự bao quanh mình.

*

       Trong những cái thú khi thưởng lãm một tác phẩm văn chương có cái thú tìm lại được những mẫu người mà ta đã gặp ở nơi nào đó ngoài đời. Gặp lại họ, ta nhìn thấy ta. Lần này, khi thưởng lãm tập Khuấy Bụi Thời Gian, bạn đọc tìm được không những nhiều mẫu nhân vật mà còn kèm thêm bốn mẫu... tác giả nữa! Có điều bốn mẫu tác giả đó, bạn chưa hề thấy được ở tác phẩm nào khác. Thêm một lý do đặc biệt nữa để bạn nên đọc tác phẩm này.

California, tháng 3/2006
TỐNG DIÊN





Được sửa bởi TONG DIEN ngày Sun Aug 08, 2010 12:26 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Wed Aug 04, 2010 6:26 pm    Tiêu đề: "Khuấy Bụi Thời Gian"


TONG DIEN đã giới thiệu tác phẩm "Khuấy Bụị Thời Gian" với một ngòi bút rất là lưu loát và điêu luyện khi đề cập đến các tác giả đã lôi cuốn người đọc hoà nhập với truyện và người với nét đặc sắc của các tác giả. Cả bốn cây viết đều có nét đặc thù riêng riêng biệt từ Cao Thanh Tâm đến Lưu Trần Nguyễn ,Tôn thất Sang , Ngô Viết Trọng. Tất cả đều nhìn đời đều hướng về dĩ vãng với một mốc thời gian gần giống nhau nhưng lại diễn tả khía cạnh của thời gian bằng 4 lối hoà nhập và quan niệm khác nhau.

Riêng đối với Lưu Trần Nguyễn anh là một cây bút không xa lạ gì với Gia Đình Duy Tân. Chúng tôi đã thưởng thức và ca ngợi anh ,người văn thi sĩ tài hoa này.Nhiều bài thơ và truyện ngắn của anh đã được post trên diễn đàn Duy Tân.Những vần thơ nhẹ nhàng lãng mạn ,cũng như những truyện ngắn đưa người đọc từ trang thái mơ hồ huyễn hoặc ,thi vị bất ngờ với ngòi bút điêu luyện của anh. Nên những lời giới thiệu về Lưu Trần Nguyễn đã hay mà Lưu Trần Nguyễn còn tuyệt vời hơn nữa.

Anh TONG DIEN và các tác giả nếu có thể ,gởi hình tập bìa của trang sách để giới thiệu cho các bạn Duy Tân cùng nhau đọc tác phẩm  "Khuấy Bụi Thời Gian" của 4 tác giả nỗi tiếng trong văn đoàn hải ngoại .

Chúc TONG DIEN và tứ vị hạnh phúc và thành công với "Khuấy Bụi Thời Gian".

Kính
DHV


TONG DIEN đã viết :

Người theo sau Cao Thanh Tâm trong đoàn lữ hành là nhà thơ Lưu Trần Nguyễn. Bạn đọc làm sao mà quên được những vần thơ lãng mạn gây cảm xúc nhẹ nhàng lâng lâng của ông. Con đường thi ca đang mở rộng trước mặt của ông. Ông có thể thoải mái đi theo con đường đó để lên tới đỉnh thi sơn. Nhưng nửa chừng ông chọn đi thêm một con đường khác, một ngả tẻ, ngả tản văn. Đường mới, hoàn cảnh mới, nhiều trở ngại có thể xuất hiện thình lình. Nhưng khi đã chọn lựa thì người lữ khách chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn. Khi làm thơ, Lưu Trần Nguyễn đã tôn trọng kỹ thuật căn bản của thi ca. Ông chọn một điểm nhỏ trong không gian và thời gian làm phiếm đàn rồi bấm lên đó để buông ra một nốt nhạc làm lòng người rung động theo nó. Khi bước chân vào lĩnh vực tản văn, Lưu quân phải bung lớn ra theo chiều ngang rồi tiến xa vào theo chiều sâu. Cuộc đời không còn được cô đọng lại để gây ấn tượng mạnh nữa mà phải trải rộng ra để nhìn bao quát, để nghe thấm thía tê tái lâu dài. Lưu Trần Nguyễn không chỉ tuân thủ nguyên tắc này, có vẻ ông còn muốn đi xa hơn nữa trên phương diện đa dạng hóa đề tài và văn hướng.

Để có một ý niệm cụ thể về chuyển biến trong văn phong họ Lưu, ta có thể tưởng tượng một trục hoành độ trên đó truyện Như Khói Như Sương nằm ở điểm gốc số không. Truyện này kể lại một chuyện tình học trò trung học. Nhẹ nhàng, lãng mạn. Kết cục có vẻ như là tình một chiều, nhưng nếu nhớ lại đầy đủ mọi diễn biến trong thân truyện, bạn đọc có thể tự hỏi phải chăng cái một chiều trong những ngày cuối cùng có thể đã là hai chiều – nhưng hai chiều không rõ rệt - ở một thời điểm nào đó trong quá khứ? Mơ mơ, hồ hồ, dễ thương lạ! Câu chuyện được một nhân vật kể theo ngôi thứ nhất, tạo ấn tượng đây là chuyện có thật, một tự truyện của tác giả (dĩ nhiên trên thực tế truyện phải được hư cấu hóa đi dù cho nó là tự truyện cũng thế). Chính tại nơi đây, nơi cái truyện lãng mạn nhè nhẹ này mà Lưu Trần Nguyễn đã đem vào văn chương những gì ông thực hiện được trong thơ. Thế nên đặt truyện này vào điểm gốc là hợp lý.

Từ điểm gốc số không đó, Lưu Trần Nguyễn tiến sang phía số dương, phía thực tế, phía tả chân với các truyện như Một Thứ Hạnh Phúc, Nước Mắt Đàn Ông... Với các truyện xã hội này, ông phác họa ra dưới mắt độc giả cảnh đổi đời sau 1975, đổi đời theo chiều hướng khôi hài và tệ hại nhiều hơn là theo chiều hướng tốt lành.

Nhưng từ điểm gốc số không Lưu Trần Nguyễn cũng đã đi ngược về phía số âm, phía cõi âm u của lòng người với các truyện Hạnh Phúc Của Mẫn, Mười Năm Quên Hót. Hạnh Phúc Của Mẫn là một màn biểu diễn thành công về khả năng phân tích tâm lý của tác giả. Con người lắm khi tìm được hạnh phúc một cách hết sức tình cờ. Hạnh phúc đó lại là một thứ hạnh phúc nhỏ nhoi, tuy nhiên vẫn là hạnh phúc. Tìm được hạnh phúc nhưng lại phải bước qua lằn ranh phân cách đạo đức và tội lỗi. Tình cờ nhích đi một chút là phải qua bên này hay bên kia lằn ranh. Đọc Hạnh Phúc Của Mẫn phải liêntưởng tới Sợi Tóc của Thạch Lam hay Đi Đòi Nợ của Nhật Tiến (Đi Đòi Nợ là truyện ngắn đầu tay của Nhật Tiến, đăng lần đầu tiên năm 1957 trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh). Còn Mươì Năm Quên Hót là một chuyện tình tay ba kín đáo, tế nhị, chưa đi tới tội lỗi nghiêm trọng, nhưng cũng không còn ở trong vòng lễ giáo cổ điển. Cái màu sắc, cái không khí của nhóm Sáng Tạo chập chờn bao phủ cả câu chuyện. Đọc Mười Năm Quên Hót đôi khi phải rờn rợn mà thấy lòng người tráo trở bất ngờ vì chủ thể bất lực trước những may rủi của dòng đời. Thật đáng thương, cũng đáng tội nghiệp cho kiếp người.

Như thế quả thật Lưu Trần Nguyễn đã hoàn thành được trong lĩnh vực văn những gì mà người ta không chờ đợi nơi một nhà thơ. Đây là một đề tài suy nghĩ hết sức phong phú.


Được sửa bởi DIEU HUYEN ngày Wed Aug 04, 2010 10:36 pm; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân