TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Những Mảnh Đời.... Phần I
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Những Mảnh Đời.... Phần I

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Dài
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
hoai thương trang
Thân Hữu Duy Tân


Ngày tham gia: 06 Mar 2009
Số bài: 1175

Bài gửiGửi: Wed Jul 28, 2010 1:17 pm    Tiêu đề: Những Mảnh Đời.... Phần I
Tác Giả: Hoài Thương Trang



Hạnh đẩy cửa bước vào , mặt mày cau có như có điều gì đó không vừa ý . Bà Như không màng đến , mắt liếc nhìn cái xách tay Hạnh vừa để xuống trên bàn – hình như cũng nặng nề lắm như cái bản mặt của Hạnh lúc này . Bà nhìn cái đồng hồ treo ở phòng ăn , đã hơn chín giờ tối rồi , bà biết cũng không nên phải mở lời hỏi han con gái mình trong lúc này dù bà rất muốn - ở nhà thui thủi có một mình – bà cũng thèm được to nhỏ gì đó với con cái – ông Như , chồng bà chẳng qua vương phải căn bệnh ung thư phổi từ sau thời gian đi lao động kinh tế mới về , tình cảnh ngặt nghèo sau cuộc đổi đời , gia đình bà không đủ tiền trang trải thuốc men và ông không được đưa đến bệnh viện thường xuyên như lời bác sĩ khuyên bảo để chữa trị - chẳng bao lâu ông đã qua đời - tính đến nay cũng hơn năm năm . Lúc đó , đám con của bà còn bé dại – chỉ có cô con gái đầu là Thúy - ở vừa cái tuổi mới lớn … năm sau đó vì hoàn cảnh bà cho xả tang ông Như sớm vì Thúy , có một nơi mai mối ở nước ngoài , thế là Thúy bằng lòng ưng thuận dù bà đã đôi lần khuyên nhủ chuyện trăm năm không phải vì hai tiếng Việt kiều mà đánh đổi cả một đời con gái .

Nói là nói vậy thôi chứ bà cũng hiểu ở trong một cái xã hội hỗn loạn nhiễu nhương này các cô con gái chưa đến tuổi xuân thì đã tơ tưởng chuyện trăm năm với người mình chưa yêu hay ít ra chưa được biết đến mặt mũi người mình sẽ yêu và lấy ! Báo chí đã không thổi tin rầm rộ đây đó khắp nơi đó sao ; thậm chí bà cũng được biết và nghe về những tin đồn đãi rao bán khắp từ mọi con đường phố xá hoa đèn cho đến ngã thành quê chợ hẻo lánh xa xôi . Cứ nghĩ đến chuyện đời như thế là bà lại thở vắn than dài , ôm đàn con bơ vơ không có chồng trong cuộc sống thiếu thốn này , bà tủi lòng nước mắt cứ tuôn chảy theo tháng năm.

Hôm đám cưới Thúy , bên nhà trai đến dự trên dưới mươi người , nghe nói toàn bạn bè quen nhưng lại không có cha mẹ chàng rể - Hân , chồng Thúy đưa bà mai đến - thưa chuyện lần trước trong chuyến về thăm quê và khi đã được gặp mặt Thúy lần thứ hai , Hân thưa : “ Vì con nóng lòng muốn đưa em Thúy sang mỹ sớm , nên phải làm thủ tục cưới hỏi cho gấp , bố mẹ con không thu xếp kịp , với lại ông bà cụ con cũng già yếu đi đường xa vất vả khó khăn.… bố mẹ con tính dù gì khi rước vợ con qua bên đó , cũng phải có bữa tiệc đình đám ra mắt với bà con bạn bè cho long trọng “.

Bà nghe khó chịu với lối cách xưng hô của Hân , vì bà biết Hân cũng chỉ thua kém bà dăm ba tuổi , lại càng lố bịch hơn khi Hân gọi con gái bà bằng tiếng em ngọt sớt . Bà nhớ lại lúc đầu tiên , bà mai dẫn Hân đến , bà ngờ ngợ không hiểu đây là ông bố chồng hay chú bác gì chứ - nhưng khi nghe tiếng dạ thưa rớt ra từ cái miệng của Hân thì bà mới vỡ lẽ … à ra thế ! Sao mà cái Thúy , nó thuận lòng làm vợ một người đàn ông chững chạc già dặn đến như vậy ! Bà đã năm lần bảy lượt ngọt ngào dụ dỗ năn nỉ ỉ ôi , có lúc giận quá bà hăm tự vận cho rảnh nợ đời nhưng Thúy cứ lạnh lùng dửng dưng :

- “Má nghĩ coi , nghèo đến mức độ này mà ai dám ngó vào đám con của má, mà con cũng mười chín hai mươi rồi chứ đâu còn nhỏ nhoi gì nữa mà má lo , bộ má sợ mang tiếng là con lấy ông chồng già sao ?

Bà nhìn con gái mà xót xa , thật khổ – Cha mẹ sanh con trời sanh tánh là vậy – cô con gái đầu lòng mà bà đã yêu thương nuông chìu từ bấy lâu nay bỗng chốc đã trở nên một đứa con xa lạ - nó trưởng thành từ lúc nào mà bà cũng không hay – Hay trong thời gian ông Như bệnh , bà đã phải vất vả bận rộn bương chải với từng bát cháo , từng bữa cơm cho gia đình ? Hoặc bà đã bỏ mặc mấy đứa nhỏ cho cái Thúy để tự chị em nó đi tìm từng mảnh áo che thân ? Nó vốn là đứa con đảm đang tháo vát thay bà trong suốt thời gian dài trước khi chồng bà nhắm mắt lìa đời . Bà thoáng nghĩ lại , hôm đưa đám ông Như , trước sự túng thiếu trong việc lo tang chay , Thúy dúi vào tay bà một xấp bạc không nhỏ - bà muốn hỏi ở đâu ra mà cổ họng bà cứng nghẹn lại , lúc đó chưa phải là lúc bà chất vấn con cái – bà phải lo cho ông Như một chỗ nằm yên tĩnh để ông an nghỉ dưới mộ phần . Sau một tuần lễ dài trôi qua , bà mới mở miệng hỏi :

- “Thúy này , tiền ma chay ở đâu mà ra thế , con vay của ai à ?”

Thúy cười đon đả :

- “ Má hỏi làm gì , tiền của con đấy !”

Bà nhỏ nhẹ :

- “ Mà làm gì mà có ?”

Thúy gằn giọng như để át tiếng của bà :

- “ Má không nhớ sao ? Thì gần cả năm nay con qua nhà bà Dư giúp việc nhà cho người ta – gom được một chút . Hôm đó cần , bả đưa trước mấy tháng lương . Mai mốt qua làm trả công lại cho bả chớ có mất mát gì đâu , má lo .

Bà Như ôm đầu đau khổ , tội nghiệt cho con gái bà . Bà biết phải làm gì khi chính bà đã làm khổ đời con cái . Trách nhiệm làm cha làm mẹ của bà đã không trọn , chỉ vì cái nghèo mà ra nông nỗi này . Giờ nhớ lại , bà Dư – chính là người mai mối đã đưa Hân đến hôm lần đầu gặp bà . Bây giờ , cô con gái của bà đã lấy Hân và theo sang Mỹ .

Cả năm sau , Thúy mới thư về thăm hỏi bà và các em – cho biết đời sống bận rộn và phải đi làm đêm nên không có nhiều thì giờ để viết thư . Điện thoại lại tiện hơn cho Thúy nhưng bên nhà không có máy riêng nên Thúy không thể nào phone về hỏi thăm thuờng xuyên như mong muốn – Còn có muốn viết thư cũng không được vì nhà bà Như nằm trong một góc hẻm bụi bặm quanh năm – mấy ông phát thư không đi vào mấy nơi xó xỉnh hiếm hoi đó , nên bà Như có muốn tin tức gì của Thúy thì phải năn nỉ bà Dư cho xin nhờ cái địa chỉ rồi phải lặn lội ra đó mà thăm hỏi . Cái giỗ đầu tiên của ông Như , Thúy có gởi về cho bà mấy trăm đô la mỹ - bà nghẹn ngào nức nở khóc , thương con gái đơn độc ở bên nhà chồng – nhất là lại ở một nơi cách xa bà đến một nửa vòng trái đất . Có nhớ muốn đến thăm cũng chả được .

Trở lại Hạnh , đứa con gái thứ hai của bà – năm nay vừa tròn mười tám , nghĩa là nó chỉ kém Thúy có hai tuổi . Hiện đang làm cho một quán cơm bình dân trên Sàigòn , do một người bạn giới thiệu – bà nghe nói vậy , chứ từ ngày chồng mất – bà có cần gì đâu mà phải lên cái chốn xa hoa ồn ào đó - ban đêm nghe nói Hạnh đi học thêm Anh ngữ - bà cũng mừng , ít ra nó cũng còn nghĩ đến tương lai sau này ; dù trong thâm tâm bà lại lo sợ nó lại bắt chước cái Thúy – mơ mộng được gặp một ông Việt kiều rồi đưa nhau sang mỹ thì bà có mà chết thật …..

Đang suy nghĩ mông lung thì tiếng Hạnh làm bà thức tỉnh :

- “ Có gì ăn hôn má ?”

Chưa kịp trả lời thì Hạnh đã biến vào trong bếp , cái nồi cá bống kho tiêu hồi chiều và đĩa rau cải luộc còn để nguyên đấy – Hạnh dở ra một cái tô rồi ngồi ăn một mình . Vơ được một hai đũa thì Hạnh hỏi :

- “ Má ăn chưa ? Ủa , con út và thằng Đan ngủ hả má ?”

Bà Hân thở dài :

- “Ngày mai nghỉ học , hai đứa nó xin qua nhà thằng Phúc nói xem cái phin nhạc gì đó mới ra – lát nữa về “

Hạnh không nói gì thêm , cuối đầu vào tô cơm ăn tiếp . Bà Như kéo cái ghế ngồi gần bên , như để chờ Hạnh mở miệng thăm hỏi hoặc kể chuyện làm ăn ở trên quán cơm cho bà nghe như mọi lần . Nhưng Hạnh cứ giả lờ , thấy con ăn ngon miệng , bà tằng hắn ho rồi nhìn sang cái xách tay mà lúc vừa vào nhà Hạnh đã quẳn nó xuống cái bàn . Bà hỏi nhỏ :

-“ Cái túi gì mà trông đầy vung lên thế ?”

Hạnh thả đôi đũa và bát cơm xuống , nét mặt trở lại hớn hở hơn lúc mới bước vào , chắc là bát cơm ngon miệng làm nó tỉnh táo lại - bà nghĩ thế - chứ mọi bữa là Hạnh đã ăn ở trong quán trước khi về nhà , có khi lại mang về cho bà cái bánh hay gói xôi gì đó . Nghe bà hỏi , Hạnh vội vàng vói cái xách rồi lôi ra một xấp quần áo mới tinh , mấy hộp kẹo sô cô la và một hộp quà được gói giấy bông và thắt nơ trông đẹp lắm – Đưa cho bà một cái áo , Hạnh nói trỏng :

-“ Ưà quên , má coi xem có vừa má hôn ? Còn mấy cái kia của con út và thằng Đan”

Bà Hân cầm cái áo trên tay , chiếc áo dài xám xanh có thêu vài cánh hoa điểm trắng li ti . Bà thả vội xuống ngay :

-“ Má có đi đâu mà cần áo mới ! Bay may làm chi cho tốn kém.”

Hạnh đứng dậy , lấy ly nước nốc một hơi :

-“ Của bà Dư nhắn đưa cho má với mấy nhỏ đó , nói là của người bà con bên chồng chị Thúy mới về thăm nhà gởi biếu“.

Rồi như sực nhớ điều gì , Hạnh moi lại cái xách tay – lấy ra một bao phong bì luýnh quýnh mở ra , một vài tờ trăm đô la bay sà xuống trên sàn đất . Hạnh cúi xuống nhặt lên rồi đưa cho bà Hân - Tay bà run run xúc động :

-“ Thơ , con Thúy à ? Nó có nhắn gì không ?”

Hạnh đọc lướt nhanh rồi la lớn lên :

-“ Đi Mỹ … chị Thúy hỏi má có muốn đi Mỹ không ?”

Bà Hân đứng như chết lặng , nước mắt tuôn rơi thành giòng vì nhớ đứa con gái mà bà vẫn cho nó là một đứa con bất hạnh - trong khi Hạnh bỏ chạy ra ngõ :

- “ Để kêu mấy đứa nhỏ về - khuya rồi má .”



Thấy thấp thoáng bóng bà Như ở ngoài cái cổng , mấy con chó phèn đang nằm ngủ trưa dưới bóng mát tàn cây bông giấy bỗng phóng dậy tủa đến nơi cánh cửa sắc sủa vang ầm ĩ – bà Như vội thụt lại vài bước thì có tiếng la oang oang của chị Hỏn , mấy con chó rụt lui về chỗ cũ , nằm ngả xuống nhưng vẫn còn gầm gừ . Chị Hỏn hỏi vọng ra :

- “ Tìm bà chủ hả ?”

Bà Như mừng húm vì biết có người ở trỏng , bà lấm lét lại gần cánh cửa – may mà đã được đóng lại chứ không thì mấy con chó dữ đã chẳng tha bà . Thấy Hỏn đon đả nặng nề bước ra – Hỏn , là một thiếu nữ trẻ khoảng dưới ba mươi tuổi , người ở tận miệt quê nào đó – nghe nói bị chồng bỏ trốn đi đâu mất biệt , một thân một mình vào đến đất này – tìm đến nhà bà Dư xin việc làm sau khi nhiều người mách chỉ - lúc ấy Thúy , cũng vừa mới nghỉ không qua giúp việc nhà bà Dư để theo chồng sang Mỹ . Bà Như tươi cười hỏi han :

- “ Sắp sanh hở cô Hỏn ?”

Hỏn tay ôm xoa xoa cái bụng bầu , không trả lời bà Như mà hỏi lại lần nữa :

- “ Tìm bà chủ hả ? Bả không có nhà - Có nhắn gì tui nhắn lại cho ….Không chừng khuya lắm bả mới dìa ..”

Bà Như ôn tồn :

-“ Tính sang cám ơn chút quà lần trước bà chủ gởi con Hạnh đem về … thôi bữa khác tôi sang “

Nói xong bà quay bước nhanh , nghĩ đến cái bụng tròn xoay của Hỏn , bà lại nhớ đến con Thúy – không biết giờ này vợ chồng nó ở bển ra sao , làm ăn như thế nào ? Nó có bầu bì sanh đẻ gì chưa ? Bà cũng thòm thèm có được một đứa cháu ngoại để nựng nịu ẵm bồng . Nhưng từ hôm nhận được chút quà và mấy trăm bạc đến nay bà không được tin tức gì của Thúy nữa . Chuyện mong đợi đi Mỹ hay thủ tục bảo lãnh cũng dần dần trở thành một giấc mơ không thật . Chẳng phải bà nôn nóng muốn qua mỹ làm gì nhưng nghĩ đến tương lai mấy đưa nhỏ nên sự mong đợi làm bà bồn chồn , với lại không biết Thúy nó có chuyện gì mà chẳng có tăm hơi gì suốt gần cả năm rồi . Đó cũng chính là nguyên nhân mà hôm nay bà mới dò dẫm đến tìm bà Dư – may ra bà Dư biết được chút tin gì về vợ chồng con Thúy - dù sao bà Dư cũng là chỗ quen biết bên chồng của con gái bà .

Khi về đến nhà thì thằng Đan và con út cũng đi học về . Bà vội vã lấy cái gáo múc đầy nước rồi hất thẳng vào mặt – buổi trưa nắng gắt – gáo nước mát làm người dễ chịu hơn một chút . Nhìn thấy hai đứa nhỏ mà bà ngậm ngùi chua xót – phận đời con cái nhà nghèo thật khốn khổ tội nghiệp . Bà nhớ hồi nãy khi từ nhà bà Dư về , bà đi tạt ngang chợ chồm hổm , mua được hai cái bánh ú người ta bán rẻ để dẹp hàng đi về …bà lấy ra đưa cho thằng Đan và con út . Thấy hai đứa vừa ăn vừa đọc sách một cách ngon lành . Bà Như vui và hãnh diện lắm vì hai đứa con này ngoan ngoãn hiền lành dù đang ở cái tuổi mười mươi – ở cái tuổi mà những đưa trẻ cùng trang lứa ở trong xóm đã lêu lỏng chơi bời , tụ năm tụ bảy để phá làng phá xóm . Thằng Đan, mười lăm tuổi - đang theo học lớp đệ tam, ngoài giờ đi học về là phụ giúp bà công việc nặng nề trong nhà nhất là rất để ý đến Duyên thay mẹ. Vì lúc Duyên mới lên năm lên bảy, ông Như ngã bện nặng nên bao nhiêu thì giờ bà dồn hết vào ông Như – cho nên nó thiếu tình yêu thương chăm sóc cả cha lẫn mẹ . Con Thúy và Hạnh thì lu bu thay việc nhà cơm nước , trách nhiệm trông em lại giao cả vào thằng Đan.

Bây giờ, ở cái tuổi mười ba , Duyên vẫn rất còn ngây thơ và hồn nhiên . Chỉ thích quanh quẩn bên anh – hai anh em rất hợp tính nết của nhau nên đi đâu cũng không vắng nhau. Điều đó đã làm bà Như sung sướng . Nhiều lần trong sự buồn chán tuyệt vọng , bà muốn tự vẫn cho xong một kiếp đời khốn khổ nhưng nghĩ đến thằng Đan và con Duyên là bà gạt bỏ ý tưởng điên rồ đó ngay . Hạnh dạo này nghe nói làm nhiều giờ và đi học tối thêm nên rất vất vả , có đêm khuya lắm nó mới về đến nhà . Sáng thức dậy lại đi sớm , cứ ngày này sang ngày khác …dần dần tình cảm mẹ con xa cách nên bà lo lắng đến ốm o gầy mòn .

Đang nằm thiu thiu ngủ thì Hạnh về , bà Như ngồi nhỏm dậy , nhỏ nhẹ ;

- “Hồi chiều má ra chợ đi qua sạp hàng bà Năm thấy có miếng thịt heo tươi quá , má mua một khúc nhỏ đem kho nước dừa – ngon lắm . Ăn một miếng đi con “

Hạnh kê cái xe gắn máy cũ kỹ vào vách nhà , nói như lấm nhẩm :

- “ Con ăn rồi ….để đó mai má với thằng Đan con út ăn …”

Bà Như thở dài , đứng dậy lại cái bàn rót bát nước trà uống . Như mọi lần , bà cứ mong được trò chuyện với Hạnh hay ít ra tại chỉ còn có nó là lớn hơn dễ để bà than thở trong những lúc muộn phiền cô quạnh nhớ nhung lo lắng – chẳng phải là chuyện vớ vẩn như người ta vẫn hay nói nhưng đó là những chuyện thật mà bà luôn luôn suy nghĩ không khi nào rời khỏi tâm óc bà mỗi đêm khi hai đứa nhỏ đã lên giường ngủ … rồi đến Hạnh – phải bôn ba với cuộc sống xô bồ đầy lừa lọc trong khi tuổi đời đang còn tươi trẻ - chuyện đứa con gái đầu lòng đang sống lạc lõng ở một nơi xa xôi mịt mù mà bà chưa bao giờ hình dung ra được cái xứ Mỹ nó rộng lớn mênh mông như thế nào, và ông Hân -chồng của Thúy , bà chưa được một lần tiếp xúc thân mật để có một thứ tình cảm của một bà mẹ vợ dành cho ông con rể , để thông cảm chia sẻ hoặc ít ra một bà mẹ đã được cảm nhận một niềm tin trước khi gả cưới con gái mình . Bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm bà chẳng tha thiết sống – dù bản năng sinh tồn của bà đôi khi lại khó ai mà suy đoán được .

Thấy bà im lặng thở dài không nói gì thêm , Hạnh thay vội cái áo rồi ngồi lết lại gần mẹ - nó dúi vài trăm ngàn đồng vào tay bà rồi nói khéo :

-“ Hôm nay, có đám việt kiều vào ăn , họ ăn uống thoải mái , bà chủ hốt bạc triệu chứ chẳng chơi – họ lại cho tiền bồi bàn gấp đôi . Thấy con chạy bàn ráo riết , bà chủ cho hết luôn không lấy xu nào – má giữ cho thằng Đan và con út cần gì mua cho tụi nó nghe…”

Bà Như tròn con mắt , một xấp bạc nhàu cầm trong tay – bà nhớ đến mấy tờ trăm đô la của Thúy gởi cho bà vẫn giũ đấy chưa có đụng đến - có nhiều lúc rất cần nhưng bà chẳng muốn đổi ra xài vì cứ muốn cất đi để dành lo tiền học phí cho thằng Đan và con út sau này sẽ cần . Bà cầm xấp bạc đưa lại cho Hạnh rồi nói :

-“Con cứ giữ đấy để chi tiêu , má còn chút ít cũng đủ lo cho hai đứa nhỏ . À , hồi trưa má có ra ngoài bà Dư hỏi thăm tin tức của chị Thúy mày mà bà ấy lại không có nhà . Hôm nào rỗi con ra đó gặp bà Dư hỏi xem … má nóng ruột quá . Cẩn thận mấy con nhà chó đằng đó – may mà cửa nẻo cô Hỏn đóng cẩn thận chứ không là bọn nó cắn cho mà phải biết …!”

Rồi bà cười tò mò :

-“Mày xem , cái cô Hỏn ăn ở nhà người ta , có chồng đâu lại bụng chửa dạ mang đến thế chứ ! Bà Dư đâu phải là người để cho kẻ ăn người làm đi đêm đi hôm mà vác cái bụng chần vần về ăn làm ở trỏng. Ừ , nhìn cô Hỏn làm má lại nhớ con Thúy , hỗng biết nó có sanh đẻ gì chưa mà trông hoài không thấy nó thư về cho hay – phải gì nó cứ đẻ rồi tao nuôi cũng không sao “.

Hạnh gắt lời như để đánh tan đi những buồn rầu bà đang nghĩ về Thúy:

-“Má cứ để ý chi mấy cái việc chẳng có ăn nhằm gì đến mình . Người ta có chửa thì cũng mặc kệ người ta . Bà Dư ở xóm này ai ai mà chả biết tiếng đến … mà con cũng chả hiểu tại sao hồi đó chị Thúy lại chịu sang bên ấy giúp việc nhà bà ấy . Cái lão Dư mới thật là ghê gớm …già rồi , năm sáu chục tuổi mà con mắt cứ láo liêng mỗi khi nhìn bà góa hay mấy cô con gái mơn mởn là lão ấy lại liếc mắt đưa ghèn , miệng còn mủm mỉm cười tình nữa chứ “

Bà Như xót xa , tay với cái quạt mây, vờn quanh bóng đêm như đập ruồi đuổi muỗi :

-“Thì cũng tại má , hồi đó nó nói đi sang bển chỉ dọn dẹp lau quét giặt giũ , công việc nhẹ thôi – mà bả lại trả tiền công cũng khá . Ba mày thì nằm ở nhà thương , tiền nong không đủ chữa bịnh . Nên má có ngăn cản mà chị Thúy mày cũng không nghe . Người ta ghét đồn đãi thế , hơi đâu mà … “

Hạnh nói nhỏ như sợ nhỡ thằng Đan và con út ở phòng bên trong chưa ngủ mà nghe lóm được thì kỳ cục lắm :

-“Con nghe người ta đồn , lão Dư lấy luôn cô Hỏn rồi có mang – mới đầu bà Dư xấu hổ chửi bới đánh đập đòi đuổi cô ấy đi nhưng rốt cuộc phải chấp thuận để cô Hỏn ở lại , vì biết cô Hỏn chỉ một thân một mình không có nơi nào nương tựa . Mà cũng do lỗi của lão Dư , thấy con người ta trẻ đẹp lại nghèo hèn nên hà hiếp . Nghe đâu bả đặt điều kiện với cô Hỏn là cho ở lại nhưng tuyệt đối phải dấu không nói tác giả cái bầu đó thì bả mới cho chỗ ăn chỗ ở . Làm công việc nhà mà không phải trả tiền công mỗi tháng - ban ngày làm người giúp việc, tối đến nếu cần thì làm cô chủ …cô Hỏn vì cái bụng bầu nên cũng xấu hổ đành nhịn nhục chấp thuận ”

Rồi Hạnh lại kể tiếp :

-“Má nhớ coi , hồi đám cưới chị Thúy , bà Dư chỉ sang một mình đại diện với đám nhà trai - đâu có mặt lão Dư . Ông Hân , nghe đâu cũng không muốn lão Dư có mặt trong ngày cưới của ổng . Nghĩ cũng kỳ hén má … “

Nói đến đó , Hạnh ngưng rồi đứng dậy – ngáp dài vài cái rồi quay vào phòng sau bếp gần sát cái vách là chiếc giường và một cái bàn cỏn con – đó là nơi giang sơn của Hạnh .

-“Ngủ đi má , mai con còn đi làm . Giờ vào trỏng coi lại ít bài vở…khuya rồi”

Bà Như như cụt hứng , bà vẫn mong đêm không qua mau để hai mẹ con bà còn được ngồi gần bên nhau như thế để tâm sự to nhỏ chuyện đời chuyện người . Bây giờ thì đã muộn rồi , Hạnh đã vào trong sửa soạn học bài đi ngủ , để mặc bà ngồi đó một mình dưới ngọn đèn dầu heo hắt bóng đêm cô đơn .

Buổi sáng hôm sau thức dậy muộn đầu bà Như cứ giống như cái chong chóng quay , bà cảm thấy trong người mệt mỏi khó chịu . Thằng Đan đang xách nước đổ vào lu , con út đang giặt dũ áo quần gần cái giếng ở đằng sau bếp . Thấy bà Như đi ra , út Duyên cười tươi như khoe :

-“Hồi sáng chị Hạnh có để tiền trên bàn cho má – con lấy một vài chục bạc ra đầu quán bà ba Lu mua đĩa bánh ướt có chả lụa cho má ở trỏng . Má ăn đi”

-“Hôm nay mấy đứa không đi học sao ?’

Thằng Đan ngừng tay :

-”Má quên , hôm nay bắt đầu nghỉ hè sao !”

-“Đêm qua chuyện trò với con Hạnh , má quên. Mấy bay ăn chưa ? Sao không mua ăn luôn thể ”

Thằng Đan quay sang hỏi Duyên :

-“Ăn bánh mì thịt không ? Anh ra đầu ngõ mua nghe”

Không đợi con út trả lời nó hỏi bà Dư cũng vừa mới quay vào bên trong :

-”Đưa con mấy chục bạc má ơi “

Cầm lấy tiền bà Như vừa đưa rồi nó biếng mất ở đầu ngõ .Một lát sau là về đến – bà Như và hai đứa xúm xít quanh cái bàn con con ở trong bếp vừa ăn vừa trò chuyện , chẳng biết chuyên thằng Đan kể vui như thế nào mà mấy mẹ con bà Như cười dòn như bắp rang .

Ăn xong thì mặt trời cũng lên cao , cái nắng bắt đầu gắt gỏng khó chịu . Thấy thằng Đan vớ cái nón lá và khoác cái áo cũ vào người bước ra sân sau , bà Như hỏi lớn :

-“Đi đâu vậy ?

-“Lát nữa con định rủ thằng Phúc vào trong xóm chợ cũ , xuống nhà ông Ba Thêm đốn cây – mấy tuần trước đi học về , bà Ba Thêm , bả nhắn hè nghỉ xuống phụ ông bả ít việc sẵn mùa trái chín bả cho mình hái đem về . Nghe nói vườn xoài , ổi nhà ông Ba Thêm sai trái mà ngon lắm má à “.

Bà Như cười gật đầu như vừa ý , sợ con út đi theo , bà dặn dò :

-“Vậy trưa nay nay con út theo má ra chợ , sẵn tiện đi với má sang nhà bà Dư xem có tin tức gì chị Thúy bay không . Má nhớ nó quá mà hỗng biết làm sao ! Thiệt chị bay tệ quá ..”

Nói như để mắng yêu con gái thôi , chứ trong tâm bà biết Thúy vẫn là cô con gái được ông bà cưng dữ lắm . Chẳng phải đó là sự tinh hoa kết nhụy của mối tình đầu giữa ông bà mà là đứa con sau thời gian dài ông bệnh hoạn – nó tự ý bỏ học rồi đi làm thuê kiếm mướn để có thêm số tiền trang trải thuốc men cho ông dù bà Như đã đem hết số vốn vòng vàng đi cầm , không bao lâu thì cũng bán đi hết luôn - ngay cả những vật dụng trong nhà cũng không chân mà từ từ ra nằm ngoài chợ trời…. Việc tìm đến làm giúp cho nhà bà Dư cũng vì số nợ Thúy vay trước để lo chạy thêm tiền thuốc chữa bệnh cho cha trước và ngay sau khi ông mất để bà Như trang trải việc ma chay đình đám cho ông được an vui nằm nghỉ nơi chín suối.

Bà chỉ ân hận đã không đủ nghị lực để giữ Thúy ở lại sau khi ông Như mất đi , gầy lại số vốn mà khuyên nó đi học trở lại dù gì Thúy cũng là chị lớn đã một thời khổ cực chăm sóc đàn em khi bà luôn luôn vắng nhà - ở trong bệnh viện với ông Như cả tháng này qua tháng nọ . Nghĩ đến bấy nhiêu thôi là nước mắt bà cứ tuôn chảy dài , đau khổ triền miên.

Ngày xưa khi lấy chồng rồi có con , có bao giờ bà lại nghĩ đến cái cảnh khốn khó nghèo hèn mà bà và các con phải chịu gánh lấy . Bao nhiêu cố gắng cũng không bù đắp được gì ở giữa cuộc đổi đời thê thảm này … may mà bên bà còn có con Hạnh, thằng Đan và con Duyên , vẫn còn là những đứa con ngoan của bà . Đứa lo chịu khó mần ăn , đứa lo quán xuyến việc nhà và ăn học chăm chỉ - đó là điều an ủi nhất đã làm bà vui trong những lúc bà cô quạnh một mình.



Mấy mẹ con bà Như đang ngồi quanh cái chiếu trải dài đàng sau hè , buổi tối trăng lên cao hình như chỉ sáng cho cả xóm nhà lá - Ngoài xa thành phố người ta vẫn phải dùng đến đèn điện để soi bóng những kẻ ăn chơi về đêm , nếu họ có làm gì hư hỏng bẩn thiểu thì họ sẽ cảm thấy xấu hổ tội lỗi. Trăng chỉ đẹp và dành cho những người biết thưởng thức ngắm trăng ở thôn quê hẻo lánh mà thôi - Hồi đó bà vẫn hay nói với con út như thế ! Vậy mà nó cũng tin – hễ thấy trăng lên cao là nó nhìn ra ngoài thấy sáng cả sân nhà , sáng rõ từng cành cây chiếc lá đu đưa theo gió mát lẩn vào bóng đêm ngoài sân - mà còn sáng luôn cả một xóm nghèo . Rồi nó lại liếc nhìn ra xa xa tận hút cuối đường , đâu đó lấp ló ánh đèn đường vàng vọt thưa thớt . Lúc ẩn lúc hiện …

Thế là con út chẳng bao giờ mơ tưởng đến nơi ánh sáng đô thành …dù bây giờ nó đã mười sáu , đã hiểu những gì bà Như nói năm xưa không đúng lắm nhưng nó cảm thấy ở nhà , nó được an toàn vì còn có bà Như và thằng Đan bảo bọc – nhất là những đêm trăng sáng như hôm nay, mẹ con nó ra ngồi ngắm trăng , thằng Đan đang ngồi ôm cây đàn đã cũ mà ông Ba Thêm cho nó hôm nào nó đi đốn cây – nó vẫn đem ra đàn mỗi khi trăng sáng treo ở trên đầu và thằng Phúc cũng đến ngồi chơi với anh em nó , xúm xít nhau lêu nghêu hát rồi chuyện trò to nhỏ cười vui . Bà Như cũng vui lây với đám nhỏ … dù nhiều lần đang vui bà cũng không khỏi chạnh lòng nhớ đến mấy đứa con gái ở xa .

Hạnh đã thôi làm ở quán cơm hơn cả năm , sau khi lấy được cái bằng ngoại ngữ lớp đêm . Nghe đâu nó nói được hai ba thứ tiếng – Anh , Hàn và ĐàiLoan lại được bà giáo thương nên giới thiệu cho nó vào một công ty thông dịch ngoại ngữ ở trển . Vì cho tiện công việc làm nên Hạnh đã dọn ra một căn phố trọ với một cô bạn nào đó cũng là bạn đồng nghiệp , thỉnh thoảng cuối tuần mới về thăm bà và các em – lần nào về Hạnh cũng gởi cho bà tiền trợ cấp hàng tháng để lo cho thằng Đan con Duyên ăn học .

Bà Như vui mừng ra mặt vì thấy Hạnh thành công trong việc sinh kế , nhất là lại hiếu thảo với bà và thương các em - nhưng bà cũng không luôn miệng nhắc nhở Hạnh nên giữ gìn tấm thân , dù bà cũng không dám tin tưởng vào chốn xa hoa náo nhiệt đó . Hạnh tỏ ra là một đứa con gái cứng rắn và không thay đổi nhiều lắm dưới con mắt của bà , vì nó vẫn là một cô con gái xinh đẹp lại có nét hiền hòa của một cô gái chân chất quê mùa dễ cảm dễ mến – hai mươi mấy tuổi đời mà bà cứ tưởng như Hạnh mới vừa còn ở đâu đây bên bà như cái thuở be bé …Đang ngồi mải vui bà quên cả nồi khoai đang luộc ở trong bếp , đứng trở vào thì cái nồi cũng vừa cạn nước , chưa đến nỗi khét , bà dở ra cái rá rồi đem ra cho các con ăn , cùng một lúc con Duyên và thằng Phúc với tay đỡ cho bà Như , loay xoay làm sao mà đổ cả rổ khoai xuống đất làm cả nhà cười ầm lên …mắc cở hay phỏng tay mà Duyên luýnh quýnh bỏ chạy trốn vào trong – dưới vầng trăng sáng bà Như cảm thấy mặt mày nó đỏ cả lên – thằng Phúc lụi cụi nhặt lên từng củ khoai nóng , vẫn còn khói bay tỏa lên . Thằng Đan bỏ cây đàn xuống , vói xuống cầm một củ ngoai lên ăn rồi đùa :

-“Lát nữa nó ra , khéo mà dỗ em gái tao – nó khóc thì mày có mà chết “

Thằng Phúc hình như mặt cũng đỏ lên vì câu nói của thằng Đan trước mặt bà Như nên không trả lời . Đưa mắt nhìn thằng bé con năm nào – bà Như mới nhìn ra sự trưởng thành của thằng Phúc – đã là một thanh niên cao ráo đẹp trai không thua kém gì thằng Đan nhà bà . Bà định quay vào bên trong tìm xem con Duyên có bị gì không nhưng thật ra bà biết cũng chả có chuyện gì mà bà phải lo – mấy củ khoai lang luộc thì làm gì như dầu sôi nước bỏng được chứ ! Mà bà tránh mặt để thằng Đan thằng Phúc có dịp trò chuyện với nhau – trăng đã lên cao rồi – chắc khuya lắm , bà cũng cần đi ngủ. Ngày mai cuối tuần Hạnh về thăm nhà , bà phải dậy sớm đi chợ mua ít tôm cá và ít rau tươi – chợ cuối tuần lúc nào cũng hết sớm . Trước khi vào trong nhà , bà còn dặn dò :

-“Mấy đứa ngồi chơi rồi ráng ngủ đi nghe “.

Rồi bà nhìn Phúc bảo :

-“ Mai rảnh qua chơi , bác nấu bún mắm cho ăn “.

Thằng Phúc dạ nhẹ rồi ngồi ăn củ khoai lang còn dở trên tay , con mắt cứ liếc vào trong như trông đợi Duyên , xem nó có trở ra – nhưng chờ mãi không thấy Duyên , cái đèn bên trong đã tắt . Phúc nuốt vội miếng khoai rồi cũng đứng dậy , nói lớn như để Duyên nghe :

-“Thôi tao về không thôi bà già tao đợi. Mai tao sang , thứ bảy này cũng không làm gì “

Đan vớ lại cây đàn , ghì vào lòng cười nói như trêu ghẹo :

-“ Thiệt không mày ? Hay lại sợ mất chỗ ngồi “

-“Cái thằng ôn dịch “

Nói xong Phúc đứng dậy đi thẳng một lèo ra ngõ , miệng mỉm cười với câu nói đùa của thằng Đan – y như nó đang đọc được ý nghĩ thầm kín của mình vậy - trăng cũng vòi vọi trông theo . Phúc không để ý thấy bên song cửa sổ , Duyên cũng đang đứng im lặng nhìn theo bước chân nó mất hút vào ngõ tối .

Còn lại thằng Đan ngồi một mình , khe khẩy vài tiếng đàn … nghe buồn buồn giữa đêm . Trăng đã bắt đầu khuất dần vào mây , tối um . Đan thả cây đàn xuống , khuya quá , để bà Như ngủ yên mai còn phải dậy sớm lo cơm nước . Nó nằm ngả xuống cái chiếu , bóng đêm cũng đổ chùng xuống bên cạnh chỗ nó nằm– nó cứ tưởng như thằng Phúc còn bên như mọi lần.

Nó ngắm nhìn những ánh sao trên trời lung linh khi mờ khi tỏ làm nó suy nghĩ mông lung về thằng Phúc , cái thằng bạn chung tình hàng xóm – cứ như bóng với hình đến với anh em nhà nó từ lúc nào chả hay . Nó thừa biết thằng Phúc đang phải lòng cô em gái của nó nhưng nó không rào đón ngăn cấm vì nó hiểu tánh tình thằng Phúc rõ lắm – sống và lớn lên từ thời thơ ấu , đi học cùng trường cùng lớp mà cũng là một thằng con trai chăm chỉ học giỏi lại con nhà đàng hoàng tử tế – bố mẹ thằng Phúc cũng là người có trí thức nên người trong xóm rất nể vì . Ông bà chỉ có mỗi nó nhưng cũng không tỏ ra cưng chìu nó quá mức nên nhờ vậy mà nó lại dễ hòa đồng không kiêu kỳ hách dịch vời lối xóm . Thỉnh thoảng anh em Đan cũng qua nhà nó chơi , nhất là mỗi lần ba nó ra Sàigòn về mua được phim hay băng nhạc mới là nó lại rủ anh em Đan qua xem . Những lúc như thế Đan cũng để ý để tứ vì bà Như hay cân nhắc tụi nó phải lễ phép nhã nhặn khi sang bên đó cứ sợ bị người ta khinh rẻ thì má nó sẽ tủi thân lắm – nhất là phải coi chừng con Duyên vì bà Như cứ hay nói chỉ có em con là con gái – tụi bay ham vui bỏ nó một mình không đặng . Nên lúc nào thằng Đan và thằng Phúc cũng để ý chơi với con Duyên , riết rồi thành cặp ba . Ba mẹ thằng Phúc rất vui vẻ niềm nở một cách thành thật không khách sáo hay giả dối đối với anh em tụi nó . Thành thử việc qua lại nhà thằng Phúc hay thằng Phúc sang nhà thằng Đan cũng không còn xa lạ đối với bà Như hay ba mẹ thằng Phúc nữa .
Có điều bà Như ít qua lại với nhà thằng Phúc , kể từ khi ông Như mất . Cái nghèo vì thời cuộc vẫn làm bà Như mặc cảm tự ti dù bây giờ hoàn cảnh nhà bà cũng không đến nỗi như mấy năm trước . Hạnh , đã trở thành một cứu cánh để cho bà nở mặt nở mày với lối xóm, thêm thằng Đan con Duyên ngoan ngoãn hiền lành học giỏi cũng làm bà hãnh diện sung sướng mỗi khi ra chợ có ai đó hỏi thăm dù là cũng chỉ để hỏi thăm qua loa mà thôi.
(Còn tiếp...)
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Dài Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân