TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - XÓM BỜ ĐÊ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

XÓM BỜ ĐÊ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Mon Mar 03, 2008 8:31 am    Tiêu đề: XÓM BỜ ĐÊ - (MINH TRANG)




XÓM BỜ ĐÊ
(đoản văn)

MINH TRANG

Lúc bấy giờ, ông Nguyên đang đứng ngay trên con đê của vùng quê hương nắng gió Phan Rang. Buổi chiều ụp xuống thật nhanh. Con Sông Dinh nhỏ bé nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận bắt nguồn từ núi rừng Lâm Viên trên cao nguyên xa xôi ngút ngàn. Sông chảy về sát ngay hông thành phố "Hầu như nóng bốn mùa" này. Con sông chảy lững lờ uốn khúc, rỉ rả, rì rào, lượn dọc theo làng Phước Khánh - Gò Đền. Bên kia bờ là những hàng cây keo ẩn hiện phía xa xa, mơ hồ trong ánh nắng chiều nhạt nhòa, thoi thóp. Hoàng hôn buông phủ thật nhanh, thật nhẹ nhàng, thật êm ả, thanh bình.

Có thể nói, Xóm Bờ Đê bên này sông là không gian đã dung chứa, đã ấp ủ chàng trai từ thời thơ ấu cho đến lúc lớn khôn. Khi xóm nhỏ chỉ có con đường Ngô Quyền rải đá, chạy từ dưới phố cho đến sát con đê. Những trụ đèn đường nằm rải rác, chạy dài lên tận sát bờ sông. Đêm đêm, ánh đèn vàng vọt mờ mờ ảo ảo. Xóm Bờ Đê gắn liền với con Sông Dinh. Khu xóm đìu hiu, bé nhỏ, bao gồm một số nhà gạch, xen kẽ những mái nhà tranh, vách đất lúc đó. Lơ thơ những ngôi nhà đúc có lầu vươn cao bên cạnh những ngôi nhà trệt. Đó là một xóm, dân cư đa phần là người nghèo giữa thị xã "nóng như rang". Hiện tại, có một số nhà gạch, mới xây dựng, trông cao ráo, khang trang.

Trước đây, khi ông còn nhỏ, đa số trong xóm này là nhà tranh, vách đất, lụp xụp, èo ọt. Lúc bấy giờ, xóm này, vườn rẫy còn nhiều. Đất đai còn trải rộng dọc ven bờ đê. Hàng tre lả ngọn phía sau khu vườn rộng mênh mông, bát ngát của một gia đình giàu có ngụ trong Thôn Đạo Long, Lũy tre xanh quê hương. Lũy tre Xóm Bờ Đê thật đẹp vô cùng. Đủ loại chim chóc tụ họp, rủ nhau, hòa tấu những khúc nhạc bình minh hay trưa xế, thật tưng bừng rộn rã, vang dậy cả một góc trời. Những ụ đá xám xì, rêu phong bám đầy, thân hình dài như con khủng long, nhô ra tận mé sông. Đa phần mới được xây sau trận lụt năm Thìn (1964). Trận Hồng Thủy do nước mưa thải ra từ Đập Đa Nhim trên tận Sông Pha. Lượng nước khổng lồ này đã làm vỡ đê. Nước dâng ngập thành phố Phan Rang và vùng phụ cận lúc bấy giờ. Hầu như tất cả bị chìm trong biển nước mênh mông. Xóm Bờ Đê, lúc ấy, bị tổn thất nặng nề. Nhiều nhà cửa bị cơn lũ cuốn phăng đi. Mực nước dâng cao tới nóc nhà trệt. Gia súc như trâu bò, dê, gà vịt, mèo chó... bị nước cuốn trôi, lổn ngổn, lảng ngảng, rải rác khắp đó đây.

Có thể nói, Khu xóm Bờ Đê này là quê hương của ông. Là vùng trời ký ức của tuổi thơ và không gian êm ả, đẹp đẽ thơ mộng của thời hoa niên của chàng trai trong thời loạn. Ông Nguyên còn nhớ như mới xẩy ra hôm qua, những hoài niệm xa xưa nằm vùi trong trí nhớ mù sương của mình. Những đêm ông và em trai kế, ngồi thức, canh nước xuống để vớt củi. Họ mê mẩn, say sưa, ngồi trên ụ đá to kềnh bò ra tận mé sông, rán thức chờ nước lũ về cùng củi khô, trôi lểnh nghểnh, lảng ngảng trên mặt sông nước chảy đục ngầu, cuốn theo bọt bèo, củi gỗ đủ thứ. Họ thường ngồi thu mình trong chiếc áo mưa. Trời lất phất mưa bay, không khí se lạnh. Bầu trời xám xịt, tối om, không ánh trăng. Một vài vì sao thức khuya, mờ nhạt, lẻ loi, lấp lánh trện nền trời cao thăm thẳm. Tiếng ếch nhái, côn trùng hòa tấu nhạc khúc thê lương, ảm đặm, buồn bã, hầu như suốt đêm trường thanh vắng. Họ như chỉ nghe tiếng nước chảy ùng ục, rầm rì, rỉ rả. Tiếng bày dơi ăn đêm bay rào rào, dọc theo những lùm tre cao chất ngất, đen ngòm. Tiếng dế kêu rả rích. Tiếng côn trùng rên rỉ, nỉ non trong các lùm bụi, dọc con sông. Hai anh em cứ kiên nhẫn ngồi thức khuya đợi củi về. Họ dùng những cây vợt làm bằng chiếc sào dài thoòng hà. Sào được bọc ràng trên đầu một mảnh lưới quấn kẽm, buộc thật chặt, chắc chắn. Chiếc vợt giúp họ vớt những khúc củi nhỏ trôi lềnh bềnh, nhấp nhô trên mặt nước đục ngầu. Những chùm bọt trắng xóa, trôi bềnh bồng, lổn ngổn, vật vờ, phiêu lãng theo dòng nước bạc trên nguồn xa tít đổ về mênh mông lênh láng, tứ nhãn âm binh. Bầu trời cứ xám xịt như đêm ba mươi. Mưa bay lất phất, rỉ rả. Hơi lạnh thắm dần vào da thịt họ. Nhưng chả sao. Vớt củi thích thú vô cùng. Vui quá đi chớ!

"Hôm nào may mắn nước mênh mông
Củi cũng tuôn về đặc khúc sông.
Dân Xóm Bờ Đê lòng hớn hở
Hừng đông, từng đống tỏa bên đường.


Thành thât mà nói, hồi đó, anh em ông Nguyên rất thích vớt củi. Ưa thích bơi lội, lặn hụp trên sông. Ham thích làm bạn với dòng sông tuổi thơ. Họ rất thích câu cá dọc theo bờ sông Dinh. Con sông quê hương hầu như êm ả, khô cạn quanh năm suốt tháng. Bãi cát trắng xóa mịn màng nằm phía bên kia bờ sông là khu vực thiên nhiên, là ân nhân giúp phương tiện cho dám dân nghèo cư ngụ tại đầy có điều kiện làm ăn sinh nhai, độ nhật hằng ngày. Thật vậy, họ gieo đậu xanh làm giá, để làm thực phẩm tươi mát, ngõ hầu cải thiện bữa ăn hay đem bán ngoài chợ Phan Rang. Có thể nói, giá là món ăn bổ dưỡng rất tốt cho sức khỏe con người. Đám dân cùng khổ hầu như tận dụng mội thứ phương tiện, vật chất, của cải, đất đai, không gian, có thể làm ăn, kiếm sống, sinh nhai. Con người trần tục, với tấm thân tứ đại, giả tạm vô thường này, thì cái bao tử, dạ dày quả là Hoàng Đế của mọi sinh vật, của mọi chúng sanh, phải không quý vị?

Cũng ven bờ đê, bên tả ngạn Sông Dinh, vài người dân nghèo khổ, thất nghiệp, đã liều mạng, phó mặc cho may rủi, thời tiết bất thường, không sợ lụt lội, lũ xuống bất tử, cuốn trôi những giàn trồng nho trên bãi cát vào mùa khô cạn của họ. Thật liều mạng quá cỡ.

"Một liều ba bẩy cũng liều
Không làm, cả lũ đói meo, rõ này.
"Thôi đành, phó mặc rủi may
Giàn nho làm đại, tại ngay bãi vàng
Kề con đê, nắng chang chang
Lũ to, lụt lội, nào màng, dân đen.
Sinh nhai bươn chải, khổ quen
Xịt sâu, tưới nước, thường xuyên phân chuồng"


Thậm chí, lúc đó, có người dân không chút đất cắm dùi. Họ cất đại nhà sàn trên bờ đê. Ngôi nhà dã chiến vách ván, mái tôn kê trên mé con đê. Phần còn lại, họ đóng cọc gỗ, giống như nhà sàn để đỡ bề đáy của căn nhà gỗ. Không rõ, lúc bấy giờ, nhà chức trách hay chính quyền địa phương có trách phạt gì không. Có điều vợ chồng con cái họ vẫn cư ngụ bất hơp pháp tại ngôi nhà dựng trên mé đê đó. Xung quanh khu vực có những ngôi nhà dựng trái phép ấy, có những cây cao, tỏa bóng mát rậm rạp lan rộng ra. Chúng cũng giúp cho đám dân cùng khổ nói trên, có chút chút mát mẻ dễ chịu trong những ngày hè nóng nực, oi ả hết nói của thành phố đầy nắng và gió PhanThành mến yêu của chàng.

Phía xa xa là khu vực trống trơ, dọc theo bờ đê, cỏ cây xơ xác, Bãi cát vàng nắng cháy mênh mông là Bãi Rác dã chiến do dân cư quanh vùng và phụ cận tự động đem đồ phế thải vứt xuống đó. Nào rác rến, xác súc vật chết như gà, vịt, chó, heo, mèo, chim. Bãi Rác khổng lồ, bẩn thỉu, hôi hám, thối tha này cũng là nơi rình rập, kiếm ăn của những người quá ư nghèo khổ, đói rách, lầm than hết mực. Họ thuộc dạng quá ư bần cùng trong xã hội lúc bấy giờ. Hồi ấy, Nguyên còn nhớ có Ông Bẩy ngụ gần đó. Gia đình ông quá nghèo. Quanh năm, hầu như không đủ tiền mua thịt ăn. Vì thế, ông hay ngồi trên bờ đê, phía dưới gốc cây me tây xum xuê. Ông cứ quan sát chờ cho có ai đến đống rác vứt bỏ các loại gia súc đã chết như gà, vịt. chó, mèo, heo... là ông vội đến nơi xem xét, khi họ vừa rời khỏi Bãi Rác, Nếu như ông thấy còn dùng được là ông xách đem về nhà. Cha con phụ nhau nấu nước sôi, nhổ lông, trụng lại thật chín, làm các món cho cả nhà ăn đỡ thèm. Ông nghĩ nước sôi sùng sục cả trăm độ C. Vi trùng, vi khuẩn nào sống nổi đây? Dẫu sao cả gia đình, chồng, vợ, con cái đã chén một bữa ngon lành. Một nhà thơ đã viết:

"Đói bụng thèm ăn, chơi xả láng.
Vi trùng, vi khuẩn vẫn pha rề.
Cứ chén đã đời cho thỏa mãn
Bịnh tình xa lánh kẻ nghèo kia."


Người nghèo thường thường liều mạng, không chịu cử kiêng gì cả, nhất là cơn ham muốn, thèm khát trào dâng đến tận cổ họng rồi.

"Thèm chất đạm, canh chừng Bãi Rác
Thú chết rồi, còn dùng được, khỏi lo.
Nước sôi trụng, vi trùng đà vĩnh biệt.
Ta cứ xơi món thịt tuyệt vô bờ."


Xem thế, cuộc sống của dân nghèo thường xuyên thiếu vắng mùa Xuân.

"Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng lộn gan trên đầu.
Thèm ăn, đói khát đã lâu
Dạ dày thôi thúc, dễ nào không tuân.
Hàm răng đào hố chôn lần
Tấm thân tứ đại, muôn phần khổ đau."


Ngoài ra, dọc theo con đường Ngô Quyền, cứ mỗi buổi sáng là Khu Chợ Chồm Hổm đã nhóm họp từ tinh sương thật tứng bừng náo nhiệt. Ngôi Chợ dã chiến đã thành hình từ bao giờ rồi. Chợ bao gồm những hàng quà bánh bày bán từ lúc ông mặt trời chưa thức dậy cho đến gần trưa thì tan hàng. Ngôi Chợ Trời kiểu dã chiến tự động vãn tuồng khi ánh nắng buổi trưa như nung nấu trút xuống khu vực nằm trên khúc đường Ngô Quyền này. Cứ mỗi bữa rạng đông vừa bừng nở, khi sương đêm con ướt đọng trên mặt đường nhựa hay trên những hàng cây nằm dọc theo hai bên con lộ. Nào gian hàng bánh hỏi, bánh căn, xôi chè, đậu hũ, bánh mì, bắp hầm... bày bán hai bên lề đường. Ngoài ra, còn có những sòng tài xiểu, bầu cua cá cọp thường xuyên xuất hiện nơi đây. Những người có máu ưa đen đỏ, những trẻ con hay bu lại những sòng cờ bạc công khai, lộ thiên này. Khi nào có cảnh sát hay công an lại, thì chủ sòng rút lui cái ào. Hình như họ cử người đứng canh gác từ phía xa, coi chừng. Nếu nhận thấy bóng nhân viên an ninh, trật tự đi tới là họ liền đưa cánh tay ám hiệu cho nhau ngay. Lúc đó họ chạy lẹ vào hẻm trốn mất tăm. Xóm bờ đê thường chứng kiến những cảnh chết đuối vào mùa lũ lụt. Những cảnh cá độ bơi thi qua dòng sông, khi nước lớn trôi về, chảy mênh mông bát ngát. Chảy mạnh như cuồng phong phẫn nộ. Những tay anh hùng trên sông nước. Cảnh con đò đưa khách sang sông, vào mùa nước lớn. Những cảnh vớt củi, vớt gỗ, tưng bừng, náo nhiệt khắp bờ đê. Xóm nhỏ nhưng có nhiều kỷ niệm vui buồn, như dấu ấn trong tâm hồn chàng trai từ xa xôi về thăm Cố Quận.

Bây giờ, ông Nguyên đang đứng trên con đê quen thuộc, thân thương của quê hương "Đất nghèo lên sỏi đá". Quê hương yêu quý của ông nổi danh nóng như rang. Quê hương ngập tràn gió bụi và nắng nung người. Hơi nóng thường dâng ngùn ngụt. Quê hương đó, bây giờ đã đổi thay nhiều. Nổi bật là những con đường rộng rãi thênh thang, những ngôi nhà lầu mọc rải rác khắp nơi tại thành phố quê hương nắng gió. Tuy nhiên, con sông quê nhà vẫn không có gì thay đổi. Dòng sông vẫn trôi lờ lững. Sông Dinh bé nhỏ thân thương hầu như khô cạn quanh năm, suốt tháng. Nước lũ chỉ tuôn tràn về trong mấy tháng mùa đông, vào mùa trời hay mưa liên tiếp mấy ngày đêm.

Xóm Bờ Đê của Nguyên bây giờ vẫn còn lồ lộ nét nghèo khổ, mặc dù trông bề ngoài có vẻ phồn vinh, khá giả, phát triển hơn xưa. Dân lao động vẫn cơ hàn thiếu thốn, nhất là người dân quê, chân lắm tay bùn, làm ruộng rẫy, chuyên sống bám vào hoa màu để kiếm ăn qua ngày, đoạn tháng. Tệ nạn xã hội hầu như lan tràn khắp nơi. Người dân vùng lân cận bờ sông, vẫn vun cát thành đống để gieo đậu xanh làm giá, kiếm ăn, sinh nhai, ở phía bên kia bờ sông. Bãi vàng, cát mịn trải dài dưới ánh nắng rực rỡ mênh mông, bao lao, bát ngát. Con sông khô cạn nằm phơi mình dưới vầng dương sáng chói, trông hiền hòa, dễ thương chi lạ. Nguyên cảm thấy lòng bồi hồi, xúc động khi đứng trước cảnh cũ, người xưa của quê hương thân thương, yêu quý của mình. Quê hương ấy, luôn luôn sáng lòa trong vùng trời ký ức của tuổi hoa niên.

Ô kìa! Dòng nước cạn xợt, xinh xinh, trong veo, cứ rỉ rả, chảy lăn tăn, lấp lánh phía xa xa. Đó là Bãi Giặt quần áo, chăn màn, linh tinh tả pí lù. Bãi Giặt dã chiến của đám dân nghèo tại Xóm Bò Đê và vùng phụ cận. Giờ đây Bãi Rác đã biến mất vì chính quyền cấm hẳn, không cho người dân quanh đó vứt vật phế thảỉ bừa bãi nữa, để giữ vẻ mỹ quan cho thành phố, trong thời kỳ "Đổi Mới Kinh Tế Thị Trường" của cả nnớc. Vì thế, những người nghèo khổ sống nhờ vào đống rác càng gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm sống hơn. Họ và những đứa trẻ, con nhà bần hàn, hay bụi đời lang thang, đầu đường xó chợ, đói rách hầu như triền miên. Họ thiếu ăn, nghèo khổ, thiếu thốn nhiều thứ, thuộc dạng mãn tính, kinh niên, phải tìm đến những đống rác khổng lồ ở vùng ngoại ô, xa lắc, xa lơ, để lùng xục, bươi xới, tìm kiếm thức ăn hay bịch ny lon để sống qua ngày. Những mảnh đời chưa thấy ánh sáng mùa Xuân, thiếu may mắn này, càng ngày càng phình to ra, nhất là những người dân quê hay vùng xa xôi hẻo lánh, vùng cao, rừng sâu, núi thẳm. Tuy nhiên, con người cũng như mọi sinh vật, chúng sanh, trong cõi đời đầy khổ đau và hệ lụy này, vốn có bản năng sinh tồn. Họ phải tìm phương tiện để lao động, để kiếm ăn, để sinh sống, để nhồi nhét thức ăn vào cái bao tử trống trơn. Nó đang kêu gào liên miên. Muốn tồn tại, phải nuôi cá dạ dày, Chúa Tể muôn loài này. Nếu không thì sinh vật phải về chầu Thượng Đế hay Diêm Vương là cái chắc. Ông bà ta có câu:

"Đói, đầu gối phải bò"

Hay là:

"Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai nỡ đem phần đến cho."


Xóm Bờ Đê của chàng nghèo lắm. Chỉ có một ít là dân khá giả, cho con ăn học lên cao. Còn lại đa phần là nhà nghèo. Vì thế, con cái thường thất học, hoặc được đi học chút chút cho biết đọc, bíết viết thôi. Họ phải lao động bằng chân tay rất cực nhọc, vất vả để kiếm sống "Đổi mồ hôi lấy bát cơm."

Chàng hy vọng Xóm Bờ Đê, quê hương tuổi thơ của chàng sẽ thay đổi trong tương lai. Cuộc sống của người dân ở đây, nói riêng, và của cả tỉnh Ninh Thuận cũng như cả nước, nói chung, sẽ khấm khá, phát triển hơn, phồn vinh, giàu có, hạnh phúc, tự do, dân chủ, khởi sắc hơn bây giờ. Cầu nguyện cho ước mơ của chàng sẽ hiện thực nay mai. Mong lắm thay!

MINH TRANG

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân