TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - ÔNG NỘI CHÚ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

ÔNG NỘI CHÚ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Fri Feb 29, 2008 9:45 pm    Tiêu đề: ÔNG NỘI CHÚ - (DIỄM TRANG)




ÔNG NỘI CHÚ

DIỄM TRANG


Tân đã tỏ ra hăng say trong công việc chuẩn bị đám cưới cho Cô Mười Út, con gái của Ông Nội Cửu: Ông Nội Chú. Cửu không phải là tên, mà là chức Cửu Phẩm của những người giàu có ở hương thôn đã mua của chính quyền thời đó. Tuy nhiên, dân làng cứ quen miệng gọi là Ông Cửu. Cũng như ông Hương lễ, Phó Lý, Lý Trưởng, ông Tiên Chỉ, ông Trưởng Bạ, ông Bá Hân, Hương cả, Hương Quản, Hương Bộ...

Người Việt mình có tục lệ tôn trọng chức vụ để gọi cho cao nhã, oai phong vậy mà. Ông Nội Chú vì Ông Cửu là em ruột của Ông Nội Tân. Bà Cố chỉ sanh được hai người con trai. Trong lúc sanh người con thứ nhì, bên nhà chồng, nhất bà mẹ chồng khắc nghiệt, hành hạ con dâu đủ điều. Nghe nói, bà này khó tính, nặng tinh thần phong kiến, chấp nê. Ngoài ra, còn các chị em của chồng, vốn không ưa cô dâu thông minh xinh đẹp, có mái tóc huyền óng ả phù xuống gần tới chân. Vì Bà Cố kiều diễm như thế, được chồng yêu mến, say mê quá cỡ, nên bị các người nữ bên nhà lang quân ganh ghét, dèm pha, nói xấu, nói hành, nói tỏi đủ chuyện trên đời. Quả là:

“Khi thương, nước đục cũng trong,
Khi ghét, nước chảy giữa dòng cũng dơ".

“Khi thương, trái ấu cũng tròn,
Khi ghét, trái bồ hòn cũng méo".


Hay là:

“Khi thương, câu bẩy bổ ba,
Khi ghét, câu bẩy bổ ra làm mười.”


Vì vậy, Bà Cố Nội sanh vừa đầy tháng, bị bên chồng dằn vặt, hành hạ đủ điều. Bà trờ nên tức tối, phiền não dồn dập, oan ức đủ thứ, nên bị khí huyết xung thiên. Bà bị cơn nổi máu sản hậu và từ trần ngay sau đó. Bà Cố nghe nói là con nhà trâm anh, đài cát, tiểu thư con quan lớn lúc bấy giờ. Ông Sơ nghe kể lại. gốc gác vùng Nghệ An, Hà Tĩnh gì đó. Ông là Quan võ của Triều đình Nhà Nguyễn, được bổ dụng Quan Lãnh Binh nhậm chức tại Đạo Ninh Thuận. Ông thường đi ngựa để thanh tra và giám binh. Khi ông còn sanh tiền, ông đã chọn một khu mộ huyệt ở gần vùng duyên hải có nhiều động cát và dương liễu mênh mông. Theo Thầy Địa Lý thì vùng đất tại đây, phía trước mặt là biển cả. Chung quanh là đồi cát bao la, có rồng nằm. Vùng địa linh nhân kiệt. Chôn tại đấy, về sau con cháu sẽ tấn phát mọi mặt, nhất là về công danh và giàu có. Hậu duệ sẽ ăn nên, làm ra, phát đạt về con đường hoạn lộ, thăng quan tiến chức trong tương lai. Ngôi mộ của Ông Cố, Chú Bẩy gọi, hay phần mồ của Ông Sớ, Tân và các em gọi, đã bị thất lạc qua nhiều năm vì chiến tranh.

Cách đây không lâu, Tân theo Chú Bẩy và các anh em họ bên Nội đi tìm mộ Ông Sơ. Hôm đó, mọi người đã đi vào một khu rừng chồi, có động cát mênh mông, trải dài đến vô tận. Cuối cùng họ phát hiện ngôi mộ đồ sộ, nằm dưới những tàng cây lớn. Chim chóc đủ loại, đang tập trung, hòa tấu khúc nhạc hoang da, tưng bừng, rộn rã, dưới ánh nắng chói chang, rực rỡ. Ngôi mộ bị suy đồi nhiều chỗ. Chiếc bia bị bể nát. Tường bằng gạch xây chung quanh khu mộ bị loang lổ nhiều chỗ. Có những pho tượng xây trước ngôi mộ đã ngả màu đen xám, bị lở lói nhiều nơi. Nhưng rõ ràng đây là ngôi mộ đồ sộ, như một lăng tẩm. Có lẽ là phần mộ của một vị tướng quân Quan Võ của Triều Đình Nhà Nguyễn xa xưa. Vì thế, mọi người tin chắc đây là ngôi mộ của Ông Sơ. Ngày trước ông cũng là một vị quan cao cấp của Vương triều mà. Thế là Tân bày ra bánh trái hoa quả, nhang đèn định cúng. Tuy nhiên, Chú Bẩy đi quanh mộ quan sát một hồi rồi nói với các cháu:

- Ngày trước, Chú có đến thăm mộ Ông Cố Nội một lần. Chú còn nhớ mộ nằm xa vùng An Thạnh. Mộ nằm trên đồi một động cát, gần phía thôn Phú Thọ và về phía biển cả nhiều hơn. Ngôi mộ này to lớn, trông giống ngôi mộ của Ông Cố, nhưng lại nằm gần làng xóm chuyên nghề dệt chiếu An Thạnh. Chắc chắn không phải mộ mình muốn tìm rồi, các cháu ạ!

Thế là Chú hướng dẫn các cháu đi xa hơn nữa. Quả nhiên họ tìm ra ngôi mộ Ông Sơ tọa lạc trên đồi cát, nằm gần bãi biển và cách xa làng An Thạnh hơn. Thấp thoáng phía bên kia là thôn Phú Thọ và biển cả xanh rờn. Gió thổi vi vu từ phía trùng dương bát ngát xa xa. Thỉnh thoảng có cơn gió mạnh ào tới, cuốn cát trắng bốc cao, Chòm cây dương liễu xanh biêng biếc tỏa mát quanh đây. Mọi người dựng bia mới đã làm sẵn, sau khi Tân đặt lễ vật cúng vái Ông Sơ, cầu xin về chứng giám và phù hộ con cháu. Từ đây, con cháu sẽ săn sóc mộ ông và dẫy mả quanh năm vào những ngày cận Tết và tảo mộ, nhân dịp lễ Thanh Minh.

“Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" (Kiều)


Tối hôm ấy, Tân đi ngủ sớm vì cả ngày cuốc bộ mệt nhọc, vất vả. Chàng đang mơ màng bỗng thấy một người cao to, tướng mạo bặm trợn, đội nón sắt, mắt xếch, lông mày rậm. Ông ta mặc áo giáp sắt, như hình vẩy cá. Ông hùng hổ tiến vào gần chiếc giường chàng đang nằm. Phía ngoài sân, có hai người vệ sĩ, tay cầm gươm dáo sáng loáng. Tân hết hồn định la to, thì ông Tướng cười tươi, cặp mắt sáng như sao nhìn cậu nói vui vẻ, cởi mở:

- Cám ơn đã đãi ta một bữa bánh trái ngon lành.

Chàng sợ quá khi thấy ông ta tiến lại gần giường chàng hơn. Chàng ré to thì mẹ cậu đã đến vỗ vai con:

- Bộ gặp ác mộng hả con?

Chàng bẽn lẽn nhìn mẹ đang lo âu ngó con:

- Dạ không có gì đâu má.

Sau khi Bà Cố chết đi, hai người con được bà Dì ruột, em kế của thân mẫu đem về nuôi rất là chu đáo, tận tình. Bà coi hai cháu trai, mồ côi mẹ từ bé, như là con ruột của mình vậy. Hai anh em lớn lên, tướng mạo giống bố, cao to, đẹp trai, nhưng tính tình rất khác biệt nhau. Ông Nội của chàng không ưa lao động bằng chân tay. Ông chỉ thích đánh cờ tướng và đọc sách giải trí. Còn Ông Cửu thì ngược lại. Ông chỉ thích làm việc cả ngày. Sức khỏe của người em rất tốt, dẻo dai, siêng năng cần mẫn. Cả hai người nhất là ông em rất có hiếu với Bà Dì sau khi cha chết. Lúc Bà Dì bị bịnh bại liệt, hai người đã hầu hạ Dì không mệt mỏi. Lòng hiếu đạo của hai đứa cháu làm Dì cảm động vô cùng. Hạnh hiếu thảo của ông Cửu còn trội hơn anh mình, làm người trong làng xóm thương mến, nể vì hết mực.

Sau này, khi trưởng thành, Ông Nội cậu có vợ ở Phước Khánh và lập nghiệp tại đây. Ông Cửu se duyên với một cô gái ở La Chữ và đóng đô tại đây luôn. Sau đó, Ông Nội Chú đã chuyển về cư trú tại Thị Trấn Phú Quý. Ông Nội Tân chỉ có một hiền thê. Còn Ông Nội Cửu giàu có, đào hoa phong nhã, có đến ba đời vợ và nhiều dòng con khác nhau. Vì chăm làm ăn, siêng năng cần mẫn, chắt chiu dành dụm lâu ngày, Ông Cửu chẳng bao lâu trở thành gia đình giàu có tiếng tăm trong vùng. Ruộng nhiều, ao nuôi cá lớn, nhà cửa khang trang đồ sộ. Ông trở thành phú hộ, lúa đầy lẫm, cao, rộng, ăn không hết. Vì thế, ông đã mua chức Cửu Phẩm để cho có danh với người ta. Ngược lại, ông anh thì nghèo xơ xác vì đông con, sức khỏe yếu kém và không năng nổ làm ăn, bươn chải, lao động cực lực như ông em. Ông Nội gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, nên thường sai con trai đến nhà em xin thuốc lá về để xắt hút cho đỡ tốn tiền mua.

Về sau này, Ông Hải, bố của Tân, đã kể lại, là Ông Cửu tuy giàu có, nhưng rất khó khăn, không rộng rãi với anh mình. Mỗi lần cháu lên xin thuốc lá cho cha hút là Ông Cửu nói giọng khinh bạc, làm cho Chú Hải rất tủi hổ:

- Hải! Mày nghèo gì mà mồ hôi cũng nghèo gì mậy? Chỉ vì anh em xin hoài mà ta cũng nghèo luôn!

Vì thương yêu thân phụ, nên Ông Hải phải nhịn nhục Ông Chú cho qua truông. Tuy nhiên, thành thật mà nói, Ông Cửu cũng có những ưu điểm đặc biệt và tốt bụng. Ông thích ai có tài năng trội hơn người khác. Nếu con cháu có đứa nào học giỏi hay siêng năng lao động thì ông khích lệ vô cùng. Lúc bấy giờ có Ông Thực là người Chàm ở vùng lân cận. Ông này cao to như người khổng lồ. Thật vậy, ông ta cao ít nhất phải đến hai thước tư. Lỗ tai ông ta dày và to như lỗ tai Phật. Người ta bảo chắc ông ta thọ lắm. Khuôn mặt ông cũng lớn và vuông, mái tóc bù xù trông rất nghệ sĩ và dị tướng vô cùng. Cầm vuông, lông mày rậm như chổi suể. Ông ta quả là:

“Đường đường một đấng anh hào
Tóc bờm, tai lớn, to cao dị thường.
Sức mạnh vô địch địa phương
Xe trâu bị lún người hùng kéo bay.”


Thật vậy, hôm nọ, chiếc xe trâu chở lúa nặng, gặp quãng đường quê bị trời mưa bún sình lún sâu. Hai con vật đáng thương không tài nào kéo đi qua được. Ông Thục đã kê hai vai ôm choàng tay nài phía trước, rồi phụ trâu, kéo xe lướt đi dễ dàng. Quả là sức mạnh vô cùng, hiếm thấy trên đời, phải không quý vị? Ngoài ra, ông này ăn uống mạnh lắm. Tài ẩm thực cũng nổi danh vô địch trong thiên hạ. Quả là “Nam thực như hổ Người hùng ăn như Rồng, Phượng, Đại Bàng. Sức mạnh như voi, như sư tử hống.”

Ông Cửu mến mộ tài năng và sức mạnh của ông Thực, nên hễ có dịp giỗ kỵ, đám tiệc tùng, cưới hỏi... gì đó là ông sai con cháu mời cho được người hùng con cháu của Chiêm Quốc xa xưa, rất nổi danh và đặc biệt này dến nhà mình để hậu đãi ông này.

Trước đây, hễ mỗi lần có Hội Chợ ở Thị Xã Phan Rang là có trưng bày một gian phòng chuyên bán vé cho khán giả vào xem "Người Khổng Lồ". Có lần, Tân vào du lãm một vòng Hội Chợ nói trên, tò mò mua vé vào xem thì thấy Ông Thực, to lớn, ô dề, đang nằm chình ình biểu diễn như triển lãm cho khách xem. Ông trông giống như quái nhân từ hành tinh khác mới đến Quả Địa Cầu này vậy. Người đàn ông Chàm da trắng, mặt chữ điền, bự như cái mâm. Đôi mắt lờ đờ màu nâu, đục ngầu, rặt Chiêm Thành hết xẩy. Thân hình mập mạp, cao to, khổng lồ. Có lẽ ông ta mạnh lắm, mạnh không kém các nhân vật nổi tiếng, trong văn chường Tàu như Tù Hải, Phàn Khoái, Điển Vi. Lý Quỳ...

Ông Cửu là người chí hiếu, nên rất ghét những đứa con bất hiếu với ông bà và cha mẹ. Ông hay ca tụng tấm gương tốt trong tác phẩm "Nhị Thập Tứ Hiếu" và chỉ trích các con không tỏ ra hiếu thảo với song thân. Ông thường bảo các con cháu:

- Cha mẹ sinh thành dưỡng dục con cái. Đứa con nào không thường phụ mẫu, thì trên đời này, nó còn thương được ai.

Bởi vậy, có lần Bà Năm ngụ cùng xóm chết. Thằng con trai tên Lanh bị nghi là gây cho mẹ từ trần. Ông Cửu giận dữ nói với con cháu của mình, như để cảnh cáo, răn đe:

- Quân bất hiếu, đã để mẹ chết oan uổng.

Thật ra, câu chuyện này, có tính cách bí hiểm, siêu hình, huyền bí vô cùng. Chuyện gíống như Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Chuyện lạ lùng, kỳ dị. Chuyện khó tin, nhưng có thật, đã xẩy ra, thưa bà con ạ! Câu chuyện quái đản này được truyền tụng khắp nơi vào lúc bấy giờ. Lanh ở Phú Quý. Một hôm sau khi đi thăm bà con ở Xóm Gò Đình, Phước Khánh, trở về nhà. Họ lội qua khúc Sông Quao. Dòng sông nhỏ này phát xuất từ rừng núi xa xa. Nó chảy xuôi dòng, cạnh làng Long Bình, Phước Khánh và Gò Đình. Sau đó Sông Quao gia nhập vào Dòng Sông Sinh, trước khi chui qua Cầu Đạo Long và tuôn về biển cả bao la, bát ngát, nằm tận phía Nam của Tỉnh Ninh Thuận. Sông Quao thường được người dân quê ở địa phương thả rau muống nước trên những khúc sông chảy qua các xóm làng nói trên, để cải thiện đời sống hay để sinh nhai.

Nước Sông Quao thường thường không sâu lắm. Bề ngang con sông hẹp, khoảng hai mươi thước tây là cùng. Lúc trở về, Lanh cõng mẹ trên lưng, lội qua sông Quao từ Xóm Gò Đình sang bên kia là Thôn Long Bình. Lúc đó chưa có chiếc cầu bắc qua khúc sông này, nối hai nơi kể trên. Hồi sớm, chính nó cũng cõng bà. Cậu lội qua khúc sông này để vô Gò Đình thăm bà con. Mẹ Lanh 66 tuổi, còn khỏe mạnh, cứng cáp. Thân mẫu Lanh cũng có thể xăn ống quần để lội qua khúc sông này được vì nước không sâu, chỉ tới háng là cùng. Tuy nhiên, Lanh vốn là đứa con chí hiếu, nên đưa lưng cõng mẹ cho đỡ ướt chân bà cụ. Bà mẹ vóc dáng nhỏ thó, gầy ốm, ôm choàng qua cổ con trai. Lanh bước từng bước vững chắc, chậm chạp, cẩn thận. Cậu sợ lỡ gặp chỗ trơn dễ vấp ngã hay bị trượt chúi người làm ướt mẹ già. Nước sông đục ngầu, chảy rỉ rả, lững lờ. Ánh nắng chiều còn le lói phía trời tây. Gió nhẹ thổi hiu hiu. Vài vệt nắng vàng nhạt lấp lánh, rải rác trên đám rau muống và mặt nước xanh đậm rung rinh. Nước vẫn chảy rì rào, róc rách, xuôi về hướng Sông Dinh.

Tuy nhiên, Lanh vừa cõng mẹ tới giữa dòng sâu gần tới háng, Bà Năm kêu to:

- Hãy buông mẹ ra nhanh lên!

Kinh hãi, Lanh quay đầu lại nhìn thân mẫu. Mặt mẹ đổi sắc, trở nên nhợt nhạt, mắt long lên, giận dữ. Lanh cương quyết từ chối:

- Không được đâu mẹ. Mẹ sẽ bị ướt hết. Gần đến bờ rồi. Con không thể nghe lời mẹ được. Mẹ tha thứ cho con. Con đang cõng mẹ mà.

Bà Năm thét to dữ dằn:

- Buông ra! Buông ra! Nhanh lên!

Nhưng Lanh nhất quyết không chịu thả mẹ ra. Bà già hét to:

- Thả tao ra! Thả tao ra! Nhanh lên. Nè tao cắn cổ mày nè! Thả ra! Thả ra!

Lanh bị đau đớn vô cùng. Máu rỉ ra. Dấu răng bén nhọn làm rách da, in hằn trên chiếc cổ đứa con đáng thương. Rõ ràng là bà cụ đã bị trúng tà, bị tà ma, quỷ ám. Bị Hà Bá nhập vào thân xác bà cụ. Do đó, bà mới nổi cơn điên khùng bất chợt như thế. Bà mới kê răng nhọn cắn chảy máu cổ con. Chứ bình thường lâu nay, Bà Năm vốn thương yêu con trai hết mực. Cả làng xóm, ai cũng biết rõ như thế mà. Sự việc xẩy ra thật bất ngờ, kỳ lạ, quá sức tưởng tượng của con người. Bị đau đớn vô cùng, Lanh bắt buộc theo phản ứng tự nhiên tránh xa nguy hiểm, tổn thương da thịt. Lanh buông mẹ ra, Nước văng tung tóe, chao đảo đục ngầu dưới chân Lanh. Bị ướt cả áo quần, mặt mũi nhòe nhoẹt bùn sình. Cậu sợ hãi, hối hận, vội vàng quay lại tìm kiếm mẹ. Mặt nước còn đục ngầu, gợn bùn. Dòng nước vẫn cuộn chảy. Tuy nhiên, bà mẹ đã biến đâu mất tiêu. Giống như Tề Thiên Đại Thánh bay vù cái ót hay Đậu Nhất Hổ độn thổ biệt tăm nhạn cá từ hồi nào rồi. Lanh hớt hơ, hớt hải nhào mình xuống sông lặn hụp mò mẫm tìm mẹ. Nước đâu có sâu lắm. Chỉ lội tới háng thôi. Thật sự, Lanh tìm kiếm tới xẩm tối cả một khúc sông có thả rau muống cũng như các hốc hẻm, dọc hai bên bờ. Nhưng xác mẹ không thấy hiện ra. Thật là lạ lùng, huyền bí, kỳ dị quá cỡ. Thân hình bà cụ vừa rơi xuống mặt nước cái ầm là biến mất tiêu luôn. Y như bà bị ma gia rước đi vậy. Lanh thất kinh, sực nhớ chuyện Hà Bá, Ma Gia, Thủy Thần trú ngụ tại. các sông ngòi, biển cả, đầm lầy. Lanh miệng tự nhiên lẩm bẩm, hồn vía như lên mây, muốn choáng váng cả mặt mày:

- Hay là mẹ ta bị ma nhập, khiến bà đã cắn cổ ta chảy máu. Bả làm ta đau đớn, bắt buộc phải buông tay cho mẹ rớt xuống nước. Chúng đã bắt bà đi luôn. Trời đất ơi!

Lanh òa khóc nửc nở. Khóc như mưa bấc sau khi dùng khúc tre quơ dưới nước, tìm cùng cả khúc sông mà không thấy xác mẹ ở đâu cả. Trời đã bắt đầu tối. Mọi người xung quanh đấy nghe tin bà cụ bị mất tích trên khúc Sông Quao cũng thấy tội nghiệp bà già nhà quê, hiền lành chất phác xưa nay và thằng con trai nổi danh hiếu thảo với thân mẫu. Vì lòng nhân đạo, nhiều người tình nguyện đốt đuốc, hay cầm đèn bấm lội xuống sông tìm kiếm xác bà già bị chết chìm mất tiêu. Nhưng vô ích thôi, xác bà vẫn biệt vô âm tín. Họ đều thất vọng ra về tay không. Rõ là chuyện phi lý, phản khoa học hết sức. Thực ra, có nhiều chuyện trên đời này, mắt thường không thề thấy được. trí óc vô minh của chúng sanh không thể hiểu được. Nhất là những vấn đề thuộc lãnh vực siêu hình và cõi bên kia thế giới, Mai Thảo từng nói:

“Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời.
Chả sao, khi đã nằm trong đất
Hỏi ở sao trời cũng hiểu thôi."


Mãi đến ba hôm sau, mới có người phát hiện xác bà sình chương, bính chướng nổi lên từ một lùm tre nằm tận một khoảng xa, phía dưới Cầu Đạo Long chừng một trăm mét. Lúc bấy giờ Ông Cửu nhận xét:

- Thằng Cu Lanh mà không lanh gì cả. Đã để mẹ chết một cách tức tưởi, oan uổng như thế. Giá mà nó cứ ôm mẹ thật chặt và đưa vào tận bờ sông thì bà ta không đến nỗi bị chết chìm. Không biết có phải ma gia kéo bà ta xuống nước hay không. Chuyện này quả thật huyền bí, quái đản, kỳ dị quá chừng.

Ngoài ra, Ông Cửu cũng nổi danh là người dạn dĩ nhất xóm hồi trước vì có tài nói chuyện với cọp. Ông Cửu đã làm cho Ông Ba Mươi, Chúa Tể Sơn Lâm không còn tỏ ra hung dữ lồng lộn trong chuồng sắt nữa.

Thật vậy, theo chuyện kể lại. Tại làng La Chữ, dân thợ rừng đã đánh bẫy được một con hổ mình xám có vằn vàng. Con cọp to lớn, hung dữ vô cùng. Nó chuyên ăn thịt người. Ông bà ta có câu nói, truyền tụng trong dân gian: "Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận" Tuy nhiên, tại quê hương nắng gió Ninh Thuận, ở rừng Quán Thẻ, vùng Cà Ná, Thương Diêm hay Sông Pha, Du Long hoặc La Chữ xưa kia có nhiều cọp lai vãng, bắt trâu bò, dê ngựa, heo, hay tha cả người để xơi tái vì cọp quá đói, lúc bấy giờ, quý vị ạ!.

Trở lại chuyện hổ đã xuất hiện trên rừng, gần vùng La Chữ. Hôm đó, có một phụ nữ đang ngồi giặt quần áo ở dưới suối, cạnh lùm tre to, đã bị con cọp nói trên bắt tha đi. Dân làng phải huy động mọi người đánh phèng la, thùng thiếc... đủ thứ tả pí lù và mang gậy gộc dao, búa, mác, vũ khí cầm tay đuổi theo con cọp, cuối cùng, cướp lại xác bà ta. Họ chôn bà xong, rồi ép đá đè lên mộ cho chắc chắn. Họ sợ hổ trở về moi xác người chết lên để ăn tiếp. Sau đó, thợ rừng đã đánh bẫy, bắt sống con cọp to lớn, rằn ri, dữ tợn nói trên. Dân làng nghi ngờ có thể con cọp bự sư, Chúa tể rừng xanh này, đã ăn thịt người thiếu phụ nói trên. Viên Lý Trưởng nhận thấy con cọp to, đẹp đẽ oai phong lẫm liệt như thế, có thể bán cho Sở Thú Sài Gòn. Nhà Nước sẽ mua để dùng triển lãm thu hút khách tham quan thưởng ngoạn sau này. Hơn nữa làng sẽ có tiền cứu trợ, giúp đỡ người nghèo khổ tại địa phương. Họ nhốt hổ trong chiếc lồng sắt to chắc chắn, Một người đàn bà trẻ, tinh nghịch tiến gần chiếc cũi sắt mắng cọp:

- Đáng đời! Ác quá mà, nên phải chịu quả báo thôi!

Chúa Tể Sơn Lâm hình như nghe hiểu được tiếng người. Không biết con cọp này, có phải là con cháu, là hậu duệ của Con Thần Hổ của nhà văn tiền chiến, nổi danh một thời, Tchya không? Nó trở nên gầm gừ, giận dữ, mắt long lên đỏ lưỡng, miệng hả ra rống to, răng nanh nhọn hoắc vàng khè. Nó lồng lộn lên, chạy qua, đảo lại, như muốn phá chuồng sắt, xông ra ngoài, cắn chết con người dám ngạo mạn, mắng nhiếc Chúa Tể muôn loài tại núi sâu, rừng thẳm ư? Người đẹp khiếp hãi, lủi, dọt lẹ chen vào đám đông trốn liền. Thiên hạ rủ nhau bu quanh cũi sắt, coi như đám hát. Con hổ cứ gầm gừ trừng mắt, đi qua, đi lại, nhìn đám khán giả ngạo mạn, dám khi dễ Ông Ba Mươi ư? Ông Cửu, lúc bấy giờ cũng đang đứng quan sát con cọp bị giam trong lồng, chờ chính quyền mua chuyển về Sở Thú Sài Gòn. Ông Cửu tiến gần lại con cọp, lộ vẻ hiền lành, âu yếm, cảm thông, nhìn nó, không ghét bỏ thù hận chi cả. Ông nhìn vào mắt nó, không sợ hãi chút nào, Ông thật dạn dĩ, dũng cảm. Ông Cửu cứ đứng gần cũi sắt, nhìn vào mắt hung dữ, sáng quắc, như long lanh của con ác thú rừng xanh. Ông nói từ tốn nhẹ nhàng như đang trò chuyện, khen ngợi một anh hùng, một hùm thiêng sa cơ thất thế. Cọp thì:

“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia, ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé, riễu oai linh rừng thẳm.
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Chịu làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi..." (Thế Lữ)


Ông Nội Chú của Tân đã nhìn chăm chăm vào mắt Ông Ba Mươi, nói rõ ràng:

- Ngài là Chúa Tể Sơn Lâm. Là Vua của rừng núi. Là Chúa Tể muôn loài nơi thâm sơn cùng cốc. Hôm nay, chẳng may Ngài bị người đánh bẫy, bắt được nhốt ông. Thật là tội nghiệp cho một vị anh hùng cái thế phải đến nước này.

Con hổ hình như nghe và hiểu tiếng nói của ông ta. Ông ta rõ ràng đã biểu lộ cảm tình, biết được tài năng, sức mạnh và dõng mãnh, oai hùng bá chủ của nó. Ông đã tỏ ra nể phục nó. Ông đã vỗ vồ an ủi nó. Nó như cảm dộng. Con cọp cúi đầu, quỵ xuống, Không còn tỏ ra hung hăng, dữ dằn như hồi nẫy nữa.

Riêng Tân, đã biết rõ Ông Nội Cửu ưa thích siêng năng lao động cần cù, chăm học, hiếu đạo với ông bà, cha mẹ và người thân, bà con, thân bằng quyến thuộc như chú, bác, cô, cậu, dì... Vì thế trong ngày đám cưới của Dì Út, con gái rượu của ông Cửu, con bà Ba (Khi hai bà vợ trước từ trần, ông cưới bà này làm vợ kế và sinh ra mấy người con nữa) Tân tham dự sốt sắng, nhiệt tình. Cậu tỏ ra siêng năng, làm việc cả ngày, tiếp đãi khách khứa, chuẩn bị nhà trai đến rước dâu. Nào nấu nước pha trà, quét dọn nhà cửa sạnh sẽ, phụ khiêng bàn ghế, xách nước giếng đổ đầy hồ để mọi người trong nhà và quan khách dùng. Cậu làm liền tù tì không dám ngưng tay. Ông Cửu nhìn cậu, cười vui vẻ, nụ cười rất hiếm trên khuôn mặt của Ông Cửu khó tính. Ông khen Tân:

- Thằng Tân được lắm! Nghe nói con học giỏi. Ông có lời khen ngợi đứa cháu ngoan.

Được Ông Nội Chú khen, Tân cảm thấy nở mũi. Chàng khoái vô cùng. Chàng vui ghê lắm! Hình ảnh ông già siêng năng, chăm chỉ, cần cù lao động, biết quý trọng khuyến khích người có tài năng và khen thưởng, động viên con cháu học giỏi, hiếu đạo với cha mẹ, ông bà bà con, cô bác đã khắc ghi mãi trong tâm hồn Tân từ đấy.

DIỄM TRANG

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân