TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - CHIM RỪNG
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

CHIM RỪNG

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Diem Khanh



Ngày tham gia: 04 Jul 2008
Số bài: 579

Bài gửiGửi: Sat Jun 19, 2010 10:45 pm    Tiêu đề: CHIM RỪNG
Tác Giả: MINH CẨM

 


  CHIM RỪNG
                            ( Đoản văn) MINH CẨM


"Cúc cù cu! Cúc cù cu!
Âm buồn não nuột vọng từ rừng xa.
Rù rì, rủ rỉ thiết tha
Ngân dài lướt thướt, trầm sa não nùng!.”


Lúc bấy giờ Minh đã quên thuộc  tiếng kêu của con cu rừng này suốt cả đời chàng. Hôm nay con chim cu từ chồm cây bên kia đường tự nhiên sà đến đậu trên trụ điện phía sau khu vườn nhà chàng. Trước mặt là cây lá rậm rạp sum sê của nhà hàng xóm. Con chim cu này có bộ lông màu xám xì. Con chim to như nắm tay giống như con chim bồ câu người ta thường nuôi tại nhà, hay chim cu đá chàng đã từng trông thấy trong lồng trước đây. Lúc bấy giờ con chim cu đậu trên cây trụ đèn khá cao. Con chim đang vô tư hớn hở đứng trên sà ngang của cây này. Nó tỏ ra tự nhiên thoải mái như ba ngày Tết vậy. Nó đang cất tiếng gáy gù gọi bạn đường ở xa. Cô bạn gái của hiêp sĩ cô đơn tại chỗ, có lẽ đang ham vui bên phía hàng cây phía xa xa. Thật vậy, người đẹp đã bỏ tình lang bơ vơ đứng một mình một trụ điện tha thiết kêu gọi bạn vàng. Nó cứ gù liên tục:
     - Cúc cù cu! Cúc cù cu! khù khu! Khù khu, khù khu!
  Tiếng gù khi nhặt, khi khoan, nghe thật não nụôt, thê lương hết tả nổi. Tiếng kêu của con chim cu rừng này âm vang thật thống thiết, ảm đạm, buồn bã đều đều. Âm thanh của tiếng chim kêu thật thê thiết, héo hon, làm cho kẻ xa nhà, xa quê, đang sống lang bạt kỳ hồ nơi đất khách quê người, như chùng xuống. Buổn ghê quá!
   Minh đang làm vườn, liền ngưng cuốc. Chàng ngước nhìn con chim đơn lẻ. Chắc nó đang nhớ tình nhân nên không để ý đến cảnh vật chung quanh. Nó cứ tiếp tục gáy. Cứ gù. Cứ gọi bạn:
 - Cúc cù cu! Cúc cù cu! Khúc khù khu! Tiềng sau ngân dài thê thiết, trầm trầm, vang vang nhỏ dần. Giọng như bị nghẽn trong cổ họng hay có vật gì chặn lại “ Khù khu, khù khu...’ rồi mới tắt hẳn.
 Giờ này, tiếng xe cộ chạy trên đường phố rầm rầm. Bên cạnh trụ điện con chim cu rừng gáy là tiệm Grocery. Vào ngày cuối tuần khách ra vào tiệm này đông đảo. Con chim cu chả quan tâm gì cả. Bên cạnh ông Minh là đứa cháu Nội mới hơn 10 tuổi đang chơi với em gái nó mới lên 6 tuổi. Chúng vui đùa dưới bóng cây râm mát ở một góc khu vuờn phía sau nhà ông. Con bé cứ nhìn con chim trên trụ điện. Nó đưa ngón tay xinh xằn trắng trẻo chỉ chỏ con chim cu màu xám phía trên cao. Nó tươi cười thích thú vô cùng.
- Ông Nội! Con chim đẹp quá! Nó gáy.
- Con cu rừng kêu gọi bạn gái của mình đó, Anna ơi!
Chàng cứ nhìn ngắm say sưa con chim một hồi, rồi mới cầm cuốc làm vườn trở lại. Bỗng bao nhiêu hoài niệm về con chim cu rừng lại long lanh sáng dần trong tâm thức của chàng.
                          ooo      
Hồi còn bé, lúc còn ở nhà Ông Bà Nội tại một vùng quê hương nắng gió cạnh dòng sông Dinh. Chàng thường theo ông Chú đi vào những khu vườn có cây cối cao chất ngất hay những nơi có các chòm tre sum sê, vươn cao vời vợi ngoài Sông Quao, một con sông ở quê hương Ninh Thuận. Con sông này từ xa xôi, chảy về đồng bằng. Chảy ngang thôn Phước Khánh và Long Bình trước khi  nó chảy vào dòng Sông Dinh, sau đó chảy ra biển cả bao la bát ngát ở tận cùng các thôn làng Tân Thành ( Cửa) – Đông Ba- Phú Thọ. Ông Chú của chàng thích dùng con chim cu để gù bắt các con chim cu khác. Con chim cu trong  lồng sắt có cửa gác gài bẫy con chim nào vào đây tim bạn dễ bi bẫy sập khi cửa hạ xuống, không thoát ra ngoài được. Thế là con chim kia bị tóm ngay. Con cu mồi lùc đó, giá cao lắm đó!
    Thật vậy khi lồng cu được cây sào treo mốc trên ngọn cây cao. Con cu trong chiếc lồng, tức con cu mồi này, cất tiếng hót vang. Nó cứ gáy, cư gù:
- Cúc cù cu! Cúc cù cu! Khúc khù khu....  
Tiếng hót ngân vang tha thiết có thể quyến rũ các con chim khác bay đến với nó. Một hồi lâu khi nó gọi bạn như thế, gáy vang thắm thiết tình tứ như vậy, ta thường thấy có một con cu khác đáp lại.” Gà ghét tiếng gáy. Chim cu quyến rũ bạn bằng tiếng gù.” Khi con chim cu kia phóng vào khe nhỏ phía trước lồng, nó bị sập bẫy cái ào. Thế là con mồi bị dính, bi bắt. Con chim cu dùng để nhữ mồi, để nhữ bắt mấy con chim cùng loại khác, được chủ nhân nuôi dưỡng, săn sóc kỹ lưỡng vô cùng. Nó được người nuôi cho ăn thóc, gạo, nước uống đầy đủ. Nó được nâng niu cưng chìu.” Nâng như nâng trứng. Hứng như hứng hoa.”
       Minh đã quen thuộc tiếng chim cu gù, chim cu gáy này. Hồi ở gần nhà Bà Cô, chàng cũng thường nghe tiếng cu gù, cu gáy trên những lùm tre ven bờ sông hay trên những cây cao to như khế, xoài, mít trồng trong vườn nhà Cô. Ngoài ra trong thời gian chàng bị tập trung cải tạo trong các trại tù XHCN sau Tháng Tư Đen năm 1975 ở Cà Lon, Hàm Trí, A 30, chàng cũng thường nghe tiếng các loại chim ca hót, gù, gáy gọi nhau trong lúc đi lao động khổ sai trong rừng thẳm hay các vùng hoang vu hẻo lánh nằm xa trại giam. Đặc biệt tiếng chim cu gáy, cu gù, cu gọi bạn, chàng cứ nghe dài dài.Âm thanh vang vọng não nùng thê thiết, buồn bã thê lương hết nói. Nghe tiếng chim cu lòng buồn nát nuột. Âm thanh ảm đạm này cò thể làm mềm yếu con tim của người nghe lúc bấy giờ. Tiếng chim làm nức nở nghẹn ngào tâm can. Làm con tim của kẻ xa nhà, cô đơn bị xót xa đau khổ vô vàn. Tiếng cu rừng thê thiết quá làm con tim đa cảm của ai muốn nhỏ lệ lúc bấy giờ. Khiến khàch tha hương nhớ nhà, nhớ người thân quá chừng, nhất là những kẻ bị tù tội tập trung cải tạo không có án xét xử, không biết bao giờ mới có ngày về, mới được sum họp gia đình, đoàn tụ với vợ con. Ngoài ra, chàng còn thường nghe cả tiếng chim “ Quốc quốc” hay con chim Đa Đa, khiến chàng nhớ đến hai câu thơ nổi danh của Bà Huyện Thanh Quan:
                  “ Nhớ nước, đau lòng con Quốc Quốc
                    Thương nhà, mỏi miệng cái Đa Đa.”
     Hoài niệm xa xưa cứ mơn man cõi lòng của khách tha phương mỗi lần nghe tiếng chim cu rừng gáy gù gọi bạn. Hồi còn bé chừng 11, 12 tuổi, Minh cư ngụ tại quê ngoại vùng Sở Muối Thương Diêm- Cà Ná. Mỗi khi rẫy bắp bên Gò Muối ( Gò này nằm gần ruộng muối và bãi biển Thương Diêm) ra trái bụ bẫm, sắp thu hoach hay khoai lang củ to  sắp đào, Minh thường vâng lời Má và Dì Tám có nhiệm vụ ra coi rẫy tại nơi đây. Vùng này cây cao, bụi rậm mọc lên khắp nơi, nên chim chóc nhất là cu rừng thường lai vãng hót vang cả ngày. Thật vui tai và thích thú vô cùng. Cứ nghe tiếng cu rừng gáy, chim hót líu lo trên các ngọn cây cao và nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào bát tận ngày đêm cũng đã tai cậu bé  vốn đa tình đa cảm này. Xa xa là Cầu Tàu. Mùa Tàu ăn muối nơi đây thật vui nhộn, tấp nập công nhân lao động dưới ánh nắng vàng rực rỡ, Xe rùa chở muối hột từ vựa muối tọa lạc ở cuối thôn Thương Diêm, sát núi non trùng điệp, Xe rùa đổ muối xuống xà lan dươi cầu tàu, qua chiếc bững làm bằng ván, có công nhân cào muối. Tấm bững bằng ván to tổ bố kề mé cầu. Muối chảy rào rào vào xà lan đang đậu phía dưới cầu. Sau đó chiếc chaloup kéo xà lan đầy muối ra tận nơi chiếc tàu thủy đang thả neo. Công nhân xúc muối lên chiếc giỏ mây bự sư như miệng giếng. Sau đó chiếc cần cẩu của tàu thủy móc giỏ muối lên cao, đem đổ muối hột xuống hầm tàu. Công việc ở đây,  khâu nào cũng nặng nề vất vả cả. Đa phần công nhân sở muối làm bằng tay chân. Đúng là:
              “ Đổ bát mồ hôi lấy bát cơm.”
       Trong thời gian Minh giữ rẫy tại Gò Muối, có anh bạn quê Cà Ná cũng coi rẫy. Hai anh em thật vui vẻ vô cùng. Anh này thường kể chuyện cổ tích cho Minh nghe. Như chuyên Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, Ba Hoàng Tử. Tràng Hoa Quấn Cổ...Trí nhớ anh ta thật tuyệt vời, dù anh học hành không nhiều.
       Ngoài ra, hoài niệm nhớ đời là thời gian Minh bị tù tập trung cải tạo, khổ sai lao động, làm con đường ở Luơng Sơn thuộc tỉnh Bỉnh Thuận. Con đường quan nối dài từ Quốc Lộ I đến khu rẫy trồng bông mênh mông bát ngát phía trong xa. Con đường này dài khoảng 2 km. Đội Làm Đường dựng lều ngoài trời, trên bãi đất rộng, gấn Quốc Lộ I. Có thời gian đội đi làm xa trên rừng núi để cuốc đất cho xe tải chở về làm đường. Mọi người hằng ngày đi bộ bá thở cào cào. Nơi làm việc gần nhà dân. Trong rừng kề bên con suối có ngôi nhà của một cặp Tiên Đồng Ngọc Nữ cõi trần. Cô gái tuổi chửng 20 là cùng, xinh đẹp hết chê vào đâu được. Cỏn tình lang có vẻ lớn hơn người yêu vài ba tuổi. Gia đình họ ở Sông Lũy cũng gần đây thôi. Họ có khu vuờn và rẫy bao la tại khu rừng đó. Hai người hầu như xây tổ ấm tại Thiên Thai Tiên Động Dã Chiền này. Đặc biệt họ nuôi hai con chó mập mạp dễ thương vô cùng. Họ huấn luyện chúng coi nhà và giữ rẫy, sợ ăn trộm hay phường hắc đạo lẻn vào quơ của cải hay hái các loại quả, bẻ bắp hoậc đào trộm khoai. Chúng không sủa các khách quen, bạn của chủ mình. Cô gái quả là một giai nhân tuyệt sắc như đã kể trên. Cón chảng trai cũng khôi ngô tuấn tú không thua gì Kim Trọng, Phan An, hay Tống Ngọc chút nào. Họ thật là một đôi uyên ương xứng đôi vừa lứa hết nói
  Vào buổi trưa, anh em tù thường vào nghỉ ngơi nhờ, tại nhà của họ. Lúc bấy giờ, trong Đội làm đường có anh La, người Quảng Trị, theo Đạo Chúa, ưa thích ăn thịt cày vô cùng. Một hôm anh La nhìn người đẹp nài nĩ:
-Thưa cô, xin cô thương tình bọn tù đói khổ. Cho chúng tôi một con chó. Tôi sẽ làm thịt ngay dưới suối, nấu các món ngon lành, mời hai xị xơi luôn nhé! Thịt cày ngon lắm đó!
    Bất ngờ, cô chủ nhìn ông khách đang liếc hai chú cẩu ngoài sân một cách thẻm thuồng, muốn chảy nước miếng.  Hỉnh như ông bạn này khoái thịt cày bảy món ghê lắm đó. Cô ta vốn là một Phật Tử thuần thành. Cô nuôi chó để giữ nhà không phải đề ăn thịt hay cho người khác làm thịt xơi. Cô ôn tồn nhìn ông khách, từ chối khéo:
 - Thưa anh! Xin lỗi anh nhé! Rất tiếc chúng tôi nuôi có hai con chó để giữ nhà và coi rẫy ạ!  Không thể cho đi một con ạ!
    Thế là hiệp sĩ La buồn so hà! Anh này là chuyên viên giết chó, làm thịt cày tơ. Anh khéo tay sát cẩu và rành sáu câu về nấu nướng bảy món thịt khuyển .  
        Hoài niệm bi thảm đau buồn nhớ đời là lúc ở tại Trại Tù Cà Lon làm Đập Tràn Sông Lũy. Hôm đó, Khối I do anh Phạm Gia Phúc làm Khối Trưởng và anh Lê Văn Trương Khối Phó. Trại tù nằm ngay trong rừng nên hằng ngày Minh quen nghe tiếng chim ca đủ loại và đặc biệt tiếng cu rừng gù gáy gọi bạn hằng ngày. Hôm đó, cả đội ăn củ nầng buổi sáng rồi đi làm. ( Trại thiếu thực phẩm, tù nhân ăn khoai, sắn, bắp hay củ rừng, rau rừng thay cơm là thường, vào thời điểm ấy). Bất ngờ cả Đội bị say ngã lăn ra, ngất xỉu. Củ nầng có độc tố khá mạnh. Dù Ban Cấp Dưỡng tức Anh Nuôi đã gọt vỏ nầng ngâm nước suối ba ngày đêm, thế mà đem nầng này nấu ăn, vẫn bị say. Trại không có thuốc giải độc. Anh Tùng, Th Úy, Quản Giáo Đội, nói với các bịnh nhân đang nằm la lịêt khắp nơi. Họ nhờ Đội bạn cứ hai người dìu một người bị xây xẩm mặt mày từ nơi lao động về Trại dưỡng bịnh hôm ấy.
- Hồi ở trên núi, mỗi khi ăn củ nầng bị trúng độc, chúng tôi thường nướng phân người tươi, tán nhỏ, pha nước, rồi lọc bằng túi vải và uống. Nước phân người giải độc công hiệu do củ nầng gây ra.
Nghe Xếp Sòng Đội Tù nói thế, ai cũng ớn nhợn. Ghê tởm quá! Anh nào cũng lắc đầu. Không dám làm thử. Họ uống nước chanh đường nếu tù nhân nào có. Còn phần đồng thì liều mạng cùi. Sống chết đều có số. Họ phó mặc cho định mệnh an bài sắp xếp. Họ cứ niệm Phật hay cầu Chúa âm thầm trong bụng tùy theo đức tin tôn giáo của mồi người. Trạm Xá của trại Tù không có thuốc men gì cả. Thật hú hồn. Minh cũng trúng đôc nhưng hôm sau đã hết xây xẩm choáng váng mặt mày như bao nhiêu tù nhân bị ngộ độc nầng bữa đó. Họ lại tiếp tục lên đường ra Đập dọn đá vụn sau khi chuyên viên bộ đội đặt mìn nổ, phá đá. Họ đào hào dọn dẹp sạch sẽ mương sau này sẽ dẫn đưa nước từ Đập Tràn Sông Lũy về tưới tiêu ruộng vườn ở miền xuôi.
  Ngoài ra, hoài niệm bi thảm vô cùng khi bị cải tạo tập trung tại Trại Tù A 30. Nơi đây rừng núi mênh mông bát ngát, tủ nhân đói triền miên, đói trơ xuơng, đói lả người, mà vẫn phải lao động khổ sai hằng ngày. Tù nhân chỉ được hai khẩu phần. Lúc 5 giờ lưng bát cơm hẩm hơn một chén và vài củ mì mốc thếch đen xì cộng với một chén nước muối pha bột ngọt màu xám xịt. Lúc  tù đi lao động về Trại, họ cũng nhận y chan thực phẩm như thế. Ngày nào cũng vậy. Đi lao động ngoài trời trong rừng cứ nghe tiếng cu gáy, cu gù dài dài chàng buồn thúi ruột. Trái tim yếu đuối khổ đau quá sức tưởng tượng của một kiếp người bị sa cơ thất thế như muốn nhỏ lệ.
                                   ooo
Sau này, khi sang định cư tại Xứ Cờ Hoa, vùng đất tự do, dân chủ, theo diện HO, chàng đi làm công nhân tận bên kia thành phố. Chàng phụ trách công việc clean-up cho một Hảng Buôn Bán Sắt. Cơ sở thật là rộng lớn tọa lạc gần khu rừng. Hàng ngày chàng cắt cỏ, quét dọn các nơi. Chàng thường nghe tiếng chim hót đủ loại trong rừng cây. Đặc biệt tiếng chim cu rừng gáy, gù, kêu gọi bạn.vàng đang ngao du ở đâu đó. Con cu rừng cô đơn đang tha thiết kêu người yêu đoàn tụ với mình.
                    “ Con chim còn thìch có đôi có bạn
                     Huống con người thật buồn chán lẻ loi.”
   Thành thật mà nói, mỗi lần nghe tiếng chim cu rừng gáy:  “ Khúc khù khu! Khúc khù khu. khù khu...” ông buồn nhớ quê hương vô cùng.Đúng vậy, tiếng chim ngân dài lê thê làm ông Minh như có vật gỉ nghèn nghẹn trong cổ họng mình. Làm tê tái cõi lòng của người tha hương, xa nhà hàng vạn dặm. Đã nhiều năm lang bạt kỳ hồ vì thời cuộc vì tang thương biến đổi của đất nước năm nào.
      Ông làm cu li cho hảng Sắt nói trên trong nhiều năm. Cơ sở nằm gần khu rừng cây cối rậm rạp nói trên. Vì vậy, ông Minh hầu như nghe tiếng cu rừng gáy gù trên ngọn cây cao hàng ngày. Nhiều lúc ông nhớ nhà nhớ quê nên hay ngâm nga thơ phú giải sầu, những khi cắt cỏ bãi sau cạnh rừng cây, nghe chim cu gáy cu gù liên tù tì:
         “ Bình minh rộn rã chim ca
           Khu rừng vang tiếng cu ta gọi đàng.
           Ở đây trời rộng thênh thang
           Gió vi vu thổi, nắng vàng long lanh.
           Lai rai chim hót trên cành
           Xa xa vọng lại, cu mình gáy vang.
           “Cúc cù cu” gọi bạn vàng
           Âm buồn não nuột, can tràng xuyến xao.
            Nhớ quê hương biết dường nào
            Tiếng cu rừng cũng bào hao tấc lòng.
             Về đâu một kiếp long đong?
             Tình quê gởi áng mây bồng bềnh trôi!”
          Bây giờ đây, sau khu vườn, các loại hoa quả, rau mọc xanh biếc dễ thương chi lạ. Ông mê mẫn làm vuờn vào buổi sáng, vừa nghe tiếng chim hót líu lo trên cành cây và đặc biệt tiếng cu rừng cứ ngân vang, cứ gáy, cứ gù, cứ gọi bạn tri âm dài dài. Chàng càng nghe tiếng chim cu gù, càng nhớ quê hương ở tận bên kia bờ đại đương, cách xa nơi ông cư ngụ, cả nửa vòng trái đất. Chàng nhớ người thân, nhớ bạn bè, nhớ bà con cô bác ở quê nhà. Lúc này, ông Minh lại ngâm nga mấy dòng thi hứng , cho nhẹ nhàng cõi lòng bâng khuâng xao xuyến khi nhớ về dĩ vãng, nhớ về hoài niệm xa xưa đã chôn vùi trong vùng trời ký ức của kiếp nhân sinh.
           “Cu rừng mời gọi bạn đường
            Tiếng kêu khoan nhặt, nghe vương vấn sầu.
             Lòng quê dợn sóng bạc đầu
             Ta nghe nỗi nhớ dâng trào lệ mi.”

                                 MINH CẨM    
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân