TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - XUÂN MẬU TÝ (2008) NÓI VỀ CHUỘT
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

XUÂN MẬU TÝ (2008) NÓI VỀ CHUỘT

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2434

Bài gửiGửi: Sun Feb 03, 2008 1:41 am    Tiêu đề: XUÂN MẬU TÝ (2008) NÓI VỀ CHUỘT
Tác Giả: ĐÀO THANH TÂM


XUÂN MẬU TÝ (2008) NÓI VỀ CHUỘT

ĐÀO THANH TÂM


“Nhỏ con nhưng thật khôn lanh
“Mười hai con giáp,” Chuột giành đỉnh cao.
Ngọc Hoàng phong chức từ lâu
Kỳ thi trí tuệ đứng đầu các con.
Trâu kia hữu dụng vô cùng
Mà đành nhường bước anh chàng tinh ranh.”


Kính thưa quý vị đồng hương Ninh Thuận,

Thắm thoát mà năm Mậu Tý (2008), năm con Chuột lại sắp gõ cửa nhà nhà bà con cô bác chúng ta. Năm Đinh Hợi sắp mãn kỳ, các chàng ụt ịt, Trư Bát Giới đang chuẩn bị “bái bai” giã biệt trần gian về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế. Con Heo sẽ nhường ngôi cho chú chuột, cho hiệp sĩ “Ranh Thử” (Chuột ranh mãnh). Con vật bé nhỏ này, bé tí tẹo, bé tèo teo, bé tí xíu... không biết tại sao nó lại có vinh dự đứng đầu Bảng Phong Thần Thập Nhị Con Giáp. Đó là: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Nhân dịp năm mới sắp đến, chúng tôi mạo muội bàn phiếm đôi điều cho vui về con chuột! Có gì không như ý hay thiếu sót, kính xin bà con đồng hương cũng như độc giả Đặc San Ninh Thuận bao dung bỏ qua cho nhé! Xin trân trọng cám ơn tất cả quý vị!

I) Mở Đầu:

Có thể nói không ngoa, chuột là “Loài Vật Khôn Lanh” quá cỡ! Thật vậy, Chuột loài tuy bé nhỏ nhưng tinh ranh quỷ quái hết nói! Dân miền Tây Nam Phần, một số người làm nghề nông cứ sợ các Ngài Tí Hon có linh tính, nghe được tiếng người chỉ trích, chê bai, nguyền rủa chúng, nên đâm ra sợ chúng sẽ phá hoại hoa màu, mùa màng, hay quần áo, đồ đạc trong nhà mình. Vì vậy, họ gọi chuột là “Ông Tý!”

Tại Mỹ, một người bạn của chúng tôi cho biết, anh bị chuột quậy phá trong nhà nên hay đặt bẫy để trị chúng. Tuy nhiên có một con chuột quá cỡ tinh ranh mà anh không tài nào bẫy nó được. Nó cứ tha hồ xơi hết thức ăn mà không hề bị dính vào bẫy, thế có tài không, thưa quý vị? Tại Hãng Sắt chúng tôi đang làm, ông chủ cho biết đã đặt “bẫy” chuột nhiều chỗ trong các phòng nơi chúng hay cắn phá. Tuy nhiên, có một số chuột ranh quá cỡ thợ mộc, chúng không hề bị dính bẫy, chúng chỉ “xơi” thức ăn thôi. Chúng cứ sống nhăn răng, nghĩnh mỏ, múa râu, nhởn nhơ chạy nhẩy qua lại, như chốn không người, thế có cừ khôi không, thưa quý vị đồng hương?

“Bẫy kia đâu dễ giết ai
Chuột ta cứ đớp hoài hoài thức ăn.
Rõ là loài vật khôn ngoan,
Biệt danh Ông Tý dễ dàng tránh xa.”


II) Quan niệm về chuột và các giống nhà họ Tý.

1) Quan niệm:

Tại sao con chuột nhỏ bé tí tẹo như thế lại đứng đầu Bảng Mười Hai Con Giáp vậy? Theo chuyện cổ tích xa xưa của dân gian, chuột ta đã đoạt giải thủ khoa kỳ thi về ứng xử khôn ngoan dùng mưu trí để hành sự, do Ngọc Hoàng Thượng Đế tổ chức cho một số thú vật. Chuột đã thắng cả con trâu là con vật hữu ích có công nhất cho loài người trong việc đồng áng “Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.” (Kiều). Có lẽ vì thế mà chú chuột ta mới đứng đầu bảng Phong Thần nói trên chăng? Chuột xếp sòng bảng vàng! Kế tiếp là chàng trâu. Ngưu Ma Vương mà đành thua cu Tý, phải nhường cho hiệp sĩ Tí Hon. Ông bà ta có câu “To đầu mà dại, nhỏ thó dễ khôn”. Thật ra, con người hay vật do bộ óc, tức trí tuệ sanh ra lanh lợi, thông minh, khôn ngoan, ranh mãnh hay khờ dại, chậm hiểu, tối dạ... chứ không phải thân xác cao to là thông minh. Thực tế cho thấy những con người nhỏ con nhưng trí khôn và thông minh thật không thấp đâu ạ! Thiên hạ có câu chê “Nhất lé, nhì lùn...” nhưng đã có nhiều người không cao ráo trên đời này mà thông minh lanh lợi nổi danh không thua kém gì người cao lớn đẹp đẽ. Có những người thiếu thước tất cũng chính nhân quân tử nữa. Chẳng hạn Yến Anh/ Yến Bình Trọng trong truyện Đông Chu Liệt Quốc. Người hay vật thường bị chi phối bởi luật bù trừ của nhân sinh và vũ trụ. “Có tật dễ có tài” “Thiếu cái này thì thừa cái khác”. Trong truyện “The Lord Of The Ring” (Tạm dịch “Chủ Nhân Chiếc Nhẫn Thần”, chuyện gồm bốn cuốn, đã quay phim nhiều tập, rất nổi danh tại Mỹ), giống người lùn Horbit (Lùn hơn những người lùn trong truyện Bạch Tuyết và Bẩy Chú Lùn, nguyên là kỹ sư hầm mỏ đã giúp Bạch Tuyết chống lại mụ Phù Thủy ác độc). Người lùn Horbit rất thông minh, lanh lợi tài ba, mưu lược, dũng cảm, và đầy lòng quân tử đã chiến thắng kẻ xấu, nhiều tham vọng, cao to, hung dữ và ác độc vô cùng, chỉ muốn làm bá chủ nhân loại.

Con chuột lanh lẹ ranh mãnh được xếp hàng đầu bảng Phong Thần như thế, nhưng bị chê quá cỡ thợ mộc, trời ạ! Chuột là loài ăn hại, chỉ quấy phá vật dụng, đồ đạc trong nhà, rẫy vườn hoa màu, thực phẩm... Chuột lại bẩn thỉu hôi hám, gây bịnh dịch tả, dịch hạch... Chuột là con vật dơ dáy, tồi tệ, nguy hiểm, ai cũng sợ cũng ngán, cũng ghét, nhất là chuột cống rãnh, và dơi (một loài chuột có cánh)

“Quả là vua phá rẫy vườn,
Thức ăn, đồ đạc chuột thường gậm nhai.
Lại truyền bịnh tật lai rai
Chính là dịch hạch hại người biết bao.
Con dơi hôi hám dường nào
Cứ trời chạng vạng ào ào kiếm ăn.
Trái cây cắn phá không ngừng
Mùa màng thiệt hại chính phường chuột kia!”


Bóng tối là biểu tượng của sự mờ ám, không quang minh lỗi lạc, không thanh thiên bạch nhật. Dơi, một loài chuột có cánh, thường xuất hiện vào lúc chập choạng hoàng hôn, lúc trời chạng vạng, lúc u u minh minh, để bắt đầu cuộc sinh nhai, kiếm ăn, nuôi cái bao tử trống trơn của mình. Bù lại cả ngày chúng cứ bám cây ngủ say như chết. Dơi cũng bị chê bai quá cỡ: “Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay” (Huy Cận) hay:

“Tối sáng chưa phân nhọ mặt người,
Là giờ xuất hiện của bầy dơi.
Rợp trời những cánh bay hôi hám,
Trên lối ta đi tới cuối trời.” (Mai Thảo)

“Chuột kia cũng biết bay cao,
Chính dơi bẩn thỉu rủ nhau kiếm mồi.
Những loài hoạt động đêm dài,
Bóng đêm là bạn cả đời tối tăm”.


Ông bà ta thường ví von, so sánh vóc dáng hình hài, ngũ quan của con người với các loài vật ngụ ý tốt hay xấu, khen hay chê chẳng hạn “mặt chuột” “mặt dơi” mũi trâu, mõm thỏ, mũi quạ (Theo khoa Sắc Tướng, Việt Câu Tiễn có tướng “Mũi quạ, mõm thỏ”, biểu tượng sự kiên trì chịu đựng nhẫn nhục. Có thể kết bạn trong lúc hàn vi hoạn nạn. Tuy nhiên, khi quyền quý cao sang dễ nghi kỵ những kẻ thân cận, bề tôi đã có công trạng với mình, có thể phản lại cướp ngôi mình. Biết thế Phạm Lãi cùng Tây Thi trốn mất mà thoát nạn. Văn Chủng Thừa Tướng ỷ mình có công không nghe lời khuyên của Phạm tiên sinh, cứ tham quyền cố vị, cứ ham thân cận với Vua Việt đa nghi như Tào Tháo này. Sau ông bị gièm pha ganh ghét, bị vua nghi ngờ không trung thành, phản loàn và bị buộc tự sát. Tuy nhiên, theo thuyết nhà Phật thì “Tướng tự Tâm sanh. Tướng tùng Tâm diệt”. “Nhất thiết duy Tâm tạo”. Tâm được giác ngộ, biến chuyển hướng về Chân Thiện Mỹ. Tâm Lành có thể thay đổi tướng dạng con người. Tướng sắc luôn luôn biến chuyển thay đổi theo Tâm.” Vạn pháp do Tâm sanh. Vạn pháp do Tâm diệt “Vạn pháp tùy duyên khởi. Vạn pháp tùy duyên diệt.”). Các ẩn dụ so sánh ví von ám chỉ hình tượng con người với loài vật thật đa dạng tuyệt vời, lý thú, phong phú vô cùng.

2) Các Loài Chuột:

Như chúng ta biết và phân biệt một số loài chuột như sau: Chuột nhà (chuột trú trong nhà), chuột đồng (chuột sống ngoài đồng ruộng hay rẫy vườn), chuột núi (sống trên rừng núi, chuột cống (chuyên sống chui rúc trong các cống rãnh, mương nước), chuột chù (chuột bự, chuột to con), chuột nhắt (chuột bé xác, nhỏ con). Dơi có mặt mày giống y như chú Tý. Dơi là loài chuột có cánh bay như chim. Dơi cũng hôi hám bẩn thỉu như chuột. Phân biệt theo màu sắc, bộ lông, ta có chuột xám, chuột đen, chuột vàng, chuột hung (hiếm thấy) chuột bạch (tức bạch thử, chuột trắng).

Chuột là món ăn bổ dưỡng, được ưa chuộng của dân Việt Nam, Trung Hoa cũng như Á Đông khác. Chuột đồng, vườn tược, rừng núi, được dân ta khoái khẩu. Thịt chuột trắng nhởn ướp gia vị để ram, chiên, nướng thì ngon tuyệt. Thịt chuột thơm lừng béo ngậy gặp ba xi đế hay bia rượu như “cá gặp nước rồng gặp mây”, như “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Như “Rượu vào lời ra chuột sa hũ nếp”. Các hiệp sĩ tửu lượng hào hùng, ưa thích “Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác”. Các chàng tri kỷ với Lưu Linh, Lý Thái Bạch, thi hào Vũ Hoàng Chương, với Võ Tòng và các anh hùng Lương Sơn Bạc khác gặp món nhậu tuyệt cú mèo chuộc ram này dễ chơi tới bến, chơi xả láng luôn.

“Chuột đồng trắng nhởn béo ngầy
Chiên ram thơm phức, rượu này cứ chơi.
Ta cùng tới bến, anh ơi!
Món ăn ưa chuộng dân thời Lưu Linh”


Dân Á châu nhất là dân Việt Nam và Tàu ưa xơi nhậu chuột đồng. Tuy nhiên dân Mỹ chỉ thích giết chuột, bẫy chuột vì chúng phá hoại mùa màng và đồ đạc trong nhà. Không thấy họ xơi thịt “Ông Tý” cũng như rắn, mèo, chó như dân Giao Chỉ chính hiệu con nai vàng ngơ ngác, bà con ạ! Tuy nhiên, chuột cống rãnh, chuột nhà, hôi hám bẩn thỉu mất vệ sinh nên không được dân da vàng mũi tẹt con Rồng cháu Tiên chiếu cố. Đặc biệt trong trận đói năm Ất Dậu (tháng 3 /1945) tại miền Bắc do quân Phiệt Nhật gây ra vì chúng bắt buộc dân không được trồng lúa mà phải trồng đay phục vụ cho chiến tranh. Khoảng hai triệu dân tại đây bị thiếu lương thực mà phải chết đói. Tuy nhiên cũng nhờ có chuột nhà và chuột cống rãnh lảng vảng quanh những xác người hấp hối. Họ đói quá vớ được là nhai sống. Nhờ thế, họ may mắn sống sót sau trận đói khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

“Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi!
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương
Những thây ma thất thểu đầy đường
Nằm gục xuống không đứng lên vì đói...” (Bàng Bá Lân)

“Thây người đói lả nằm kia.
Vớ ngây chuột cống nhai thì ăn tươi.
Dạ no tỉnh táo trong người,
Ngọc Hoàng, Hà Bá thương ai tha tàu.”


Con Mèo là khắc tinh của chuột. Chuột nhỏ con, chạy nhanh lẹ, núp lén... tuy nhiên nó chỉ nghe “hơi hám” hay tiếng kêu của con mèo đâu đó là chuột đã run rẩy, chân tay ríu rít không thể thoát khỏi móng vuốt của chú mèo. Chú mèo khi bắt được chuột thường ít khi “xơi” liền, mà làm bộ làm tịch như “ tha thứ”, giỡn chơi “cút bắt”, làm trò, với tới vờn lui con mồi chuột thật nhừ tử trước khi cho vào bao tử. Trong nhà mà có nuôi con mèo thì không bao giờ thấy bóng dáng con chuột. Ở Mỹ, thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy có những con chuột to lớn không thua gì con mèo. Nó ngạo nghễ phùng mang trợn mắt nhìn lại con người khi rượt đuổi nó. Những con chuột to lớn này thường chui vào phía trước đầu máy xe hơi, cắn phá các dây điện hoặc làm ổ, làm nhà trong các chiếc xe này (xe đậu một chỗ và ít có nổ máy trong nhiều ngày.) Buổi sáng, người chủ xe mở máy xe (Start Engine), xe không nổ nên chủ xe mở nắp (Hood) lên xen (check) thì thấy một con chuột thật to từ từ nhẩy ra khỏi xe làm cho ông ta phải giật mình, hết hồn và kinh hãi!

III) Linh Tinh Về Chuột:

1) Bệnh do chuột gây ra:

Như chúng ta đều biết, chuột thường gây ra bịnh Dịch Hạch, hay các loại bịnh dịch khác do chú Tý gây ra. Dịch hạch một chứng bịnh dễ truyền nhiễm và lây lan nhanh chóng, có thể gây tử vong cho nhiều người, nếu không có phương tiện cứu chữa kịp thời các bịnh nhân mắc phải bịnh này.

2) Chuột dùng làm thí nghiệm trong y khoa và khoa học:

Các nhà khoa học hay các Bác Sĩ dùng chuột để thí nghiệm về “Phản xạ tự nhiên”, hay về “Thói quen quán tính” hay chích thuốc thử nghiệm điều trị các loại bịnh cũng như phản ứng các tế bào cơ thể trên con chuột. Đặc biệt nhà khoa học lừng danh Mendel đã thử nghiệm thành công “Định Luật Lai Giống” mang tên ông trên các loài chuột trắng và chuột xám đen. Ví dụ chuột trắng và xám giao hợp sanh năm chuột con thì thường thường có ba con đen, hai trắng (giống đen di truyền mạnh hơn trắng). Tuy nhiên, khi con trắng giao hợp với con trắng thuần túy khác thì sinh một số con trắng, lai rai tự nhiên xuất hiện vài con đen, hay lông trắng chen lấn xám xì hay đen thui, dù cha mẹ chúng trắng nõn như tuyết.

“Giống đen lai mạnh hơn ngà
Trắng đen hòa hợp sanh ra đen nhiều.
Trắng tình dan díu léo tèo,
Đôi khi cũng đẻ ít nhiều con đen.
Đó là Định Luật Mendel,
Chính là Định Luật Di Truyền Giống Lai.”


Người ta cũng dùng chuột, luyện tập chúng, để chúng biểu diễn trong các trò chơi về sự khôn ngoan ứng xử, biết nghe tiếng người sai khiến của các thú vật. Chuột cũng thông minh nhậy cảm hành động theo sự truyền dạy và luyện tập thú vật của con người. Thật ra con người cũng chỉ là một chúng sanh, một sinh vật cao cấp, có trí khôn bậc nhất trong các sinh vật vậy. Chuột tỏ ra nhanh nhẹn thông minh lanh lợi không thua các đồng nghiệp trong khi biểu diễn các trò chơi nói trên do người điều khiển.

3) Chuyện cổ tích và văn chương về chuột:

Trong văn chương bình dân gian gian Việt Nam cũng xuất hiện một số truyện cổ tích về chuột. Có lẽ Truyện Thơ “Trinh Thử” của Vô Danh Thị là tác phẩm văn học nổi danh trong văn chương Việt Nam. Tác giả ca tụng nàng Trinh Thử (Nàng Chuột Bạch, giai nhân tuyệt sắc đã làm say mê bao nam tử hán đại trượng phu chuột xám khác. Tuy nhiên nàng chuột trắng nõn nà da ngọc băng trinh là nhân vật vừa kiều diễm vừa đoan trang vừa mang đủ tam tùng tứ đức của người phụ nữ Việt Nam. Nàng đáng ca ngợi làm gương mẫu cho những người mẹ, người vợ đảm đang nhẫn nhục chịu đựng hiền thục “Tiết hạnh khả phong” Mẹ hiền dâu thảo, phụ nữ sắc tài song toàn. Điều này khiến chúng ta nhớ đến các câu thơ diễn tả người phụ nữ Bát Tràng chốn Ngàn Năm Văn Vật,

“Trai Bát Tràng chơi sang công tử,
Việc gia đình phụ nữ đảm đang.”


Đàn ông khỏe ru bà rù. Việc trong nhà, đã có bà xã vừa duyên dáng vừa đảm trách, quán xuyến hết mọi thứ trong ngoài. Còn chàng thì sao? “Làm trai biết đánh tổ tôm, Uống trà Mạn Hảo xem nôm Thúy Kiều” Thế có khoái và vui vẻ, hạnh phúc không, quý vị? Nội Tướng, Nội Chiết “number One” rồi! Thật là diễm phúc khi cưới được người đẹp Bát Tràng:

“Thương nàng anh muốn cưới nàng.
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây.
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Có rửa thì rửa chây tay.
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh.”


Thật là tuyệt cú mèo đẹp đôi vừa lứa tài tử giai nhân vùng Bát Tràng Miến Bắc Bắc nổi danh cả nước.

Truyện Tây Phương về Chúa Chuột trả thù:

Ngày xưa, tại một vùng rộng lớn ven rừng núi xa cách đô thị, trời hạn hán lâu ngày. Hoa màu bị khô héo thất thu. Dân tình có cơ bị lâm nguy thiếu thốn lương thực. Chết đói như chơi. Quan chức chính quyền yết bảng yêu cầu người nào có tài có thể cầu trời mưa trong ba ngày ba đêm để cứu mùa màng, đất đai, thì sẽ được thưởng trọng hậu. Một hôm có một ông già phương phi đạo cốt tới xin gặp quan Thái Thú trong vùng. Ông cho biết ông có thể cầu Ngọc Hoàng Thượng Đế ban mưa theo thời gian yêu cầu, nhưng nhà chức trách phải tặng thưởng cho ông ba trăm lạng vàng để ông bố thí cho các người nghèo khổ thiếu thốn nơi địa phương khác. Quan chức đồng ý. Ông ta cho bày hương áng rồi đọc lâm râm thần chú. Quả nhiên trời vần vũ mây đen kéo tới. Trời mưa dầm theo thời gian như quy định. Cây cối trở nên mát mẻ tươi tắn. Ruộng vườn hoa màu như hồi sinh xanh tốt. Dân tình hoan hỷ vui sướng ăn mừng hết nói. Tuy nhiên thấy ông già râu tóc bạc phơ, gầy đét như con mắm, đơn thương độc mã, có vẻ yếu đuối, hiền từ, thụ động quá cỡ, các viên chức chính quyền xì xào bàn bạc nhau, rồi đâm ra trở mặt, nuốt lời hứa, còn xô đuổi ông ta phải ra khỏi vùng. Ông già tức giận thề sẽ trả thù. Hôm sau ông lại với cây sáo dài. Ông bắt đầu thổi tò te rồi vi vút. Tiếng nhạc véo von thánh thót, khi cao vút, khi trầm bổng. Bản nhạc thật kỳ lạ ảo diệu, tuyệt vời quyến rũ vô cùng. Tiếng sáo đầy uy lực dõng mãnh như mây trôi, nước chảy, như cuồng phong phẫn nộ. Tức thì chuột khắp các miền bị thu hút quyến rũ bởi tiếng sáo huyễn hoặc kỳ diệu lạ lùng này ùa tràn ra như nước vỡ bờ. Chúng kêu râm ran chít chít, ục ục, choe chóe, rúc rích. Chúng chạy rào rào. Đám trẻ con trong làng cũng bị mê hoặc bởi tiếng sáo quái dị đầy ma lực, như cuốn hút mãnh liệt chúng tiến theo sau đàn chuột đông cả hàng ngàn hàng vạn con. Tất cả như tập trung chuẩn bị tham dự mít-tinh vậy. Như làm theo lịnh của thiên thần, hành động như si như dại như bị bùa mê thuốc lú, mặt mày ngơ ngơ ngác ngác, như thất thần, cứ theo tiếng réo gọi của thần linh của phù thủy. Cả đám chính quyền và dân chúng cũng ngơ ngẩn thẫn thờ bất lực cứ đứng nhìn chuột và con cháu họ tiến về phía ông già. Y đang đứng giữa sân vận động bao la bát ngát phía sau khu vực thị trấn miền núi như một thiên thần, một dõng tướng, như một lão trượng uy nghi lẫm liệt. Ông ta cứ tiếp tục sử dụng ống sáo điều khiển âm thanh quỷ quái phù thủy như sai khiến âm binh quyền rũ chuột và trẻ con trong vùng. Xem chừng con nít đã ra đây hết rồi. Người lớn thì bất lực ngơ ngẩn như bị thôi miên. Các quan chức và lực lượng an ninh của họ cũng tỏ ra lú lẫn, khù khờ ngơ ngác, bất lực. Họ như đứng chết điếng giống Từ Hải ngoài trời nắng chang chang.

Cuối cùng xuất hiện một con chuột cống to như con mèo, trông y già lắm rồi nhưng còn nhanh nhẹn khỏe mạnh. Như là Xếp Sòng loài chuột tại địa phương ra trình diện Tổng Lãnh Đạo, Tổng Chỉ Huy, Chúa Trùm loài Đại Thử. Trông dễ sợ thật! Nó tiến nhanh về phía lão trượng, theo sau nó chừng dăm con chuột chù to tổ nái như mèo rừng vậy. Nó đứng hai chân như người, thành kính chào ông già. Nó nói tiếng người, chậm rãi rõ ràng:

- Chúng tôi đến trình diện đông đủ rồi ạ. Báo cáo Ngài rõ.

Ông già uy nghi lẫm liệt quắt đôi mắt sáng như sao nhìn bao quát các chư tướng và chiến sĩ loài chuột cũng như các trẻ con tập trung trước mặt mình, Ông ra lệnh nhấn mạnh từng tiếng, nghe như chuông đồng vang dội cả một vùng:

- Vậy hãy theo ta vào sâu trong núi thẳm ngay bây giờ.

Có tiếng rào rào lít chít lí nhí đồng loạt vang vang ồn ào náo nhiệt xôn xao cả vùng. Ông lão bước nhanh về hướng núi xanh biếc sâu hun hút phía xa xa. Chuột và trẻ con tự động theo sau. Rồi họ mất hút trong hang núi thăm thẳm mù khơi. Họ không bao giờ trở ra nữa. Sự trả thù của ông già tóc bạc, chính là Chúa Loài Chuột, thật là lạ lùng, kỳ dị, quái đản, khủng khiếp, độc ác dễ sợ thật.

Chuột của hãng phim Walt Distney

Cách đây 70 năm, hãng phim Walt Disney đã thành công một truyện phim hoạt hình về chú chuột Mickey (Mickey Mouse), Một con vật rất nhỏ, nhưng có một bộ óc thông minh và có những nghĩa cử tốt đẹp trong cuộc sống chung với các động vật khác. Chú chuột Mickey của Disney đã chiếm nhiều cảm tình rất nhiều khán thính giả, nhất là các em bé khi xem phim hoạt hình! Cho đến bây giờ, tại Disney Land, vẫn còn biểu tượng về chú chuột Mickey và ngày nào cũng có người ăn mặc độn quần áo như chú chuột Mickey to lớn vẫy tay, chụp hình chung với các em bé và chào đón quan khách khi vào cổng của khu du lịch Disney Land, California.

Đã lâu lắm, có lẽ cách đây trên 12 năm, có một chuyện phim“Charlot- Web” hoạt hình của Walt Disney đã làm cả gia đình tôi say mê khi xem video này trong những năm đầu tiên vừa đến Mỹ và con cái chúng tôi cũng còn đang theo học các lớp tiểu học. Phim nói về loài vật như con nhện “Charlot Web”, con heo... và có chú chuột Penleton rất háo ăn nhưng có tính thương các loài vật khác cho nên suốt ngày đêm lục loạt nơi các thùng rác tìm thức ăn và biết chia xẻ thức ăn cho những loài vật khác. Gần đây, mùa hè năm 2007, hãng phim hoạt hình nổi tiếng nhất trên thế giới Walt Disney lại tung ra một phim hoạt hình mới “Ratatouille”, nguyên tác của Brad Lewis nói về một chú chuột con có một khứu giác vô cùng độc đáo về các loại thức ăn. Chú chuột rất say mê các thức ăn của loài người chế biến, nhất là của một nhân vật nổi tiếng Gusteau, chef cook (bậc thầy nấu nướng nơi nhà bếp), tên của ông này được đặt tên cho một nhà hàng nổi tiếng tại Paris nước Pháp. Ông đã qua đời và có viết lại sách về phương thức nấu các món ăn nổi tiếng ngon mà bất cứ ai cũng có thể nấu nướng được, chú chuột Ratatouille đã say mê quyển sách này và được chính tác giả Chef Cook Gusteau truyền dạy bằng “linh tính”. Khi thưởng những món ăn ngon tại nhà hàng Gusteau, chú chuột Ratatouille còn có ý nghĩ xa hơn, là làm sao cho đồng loại của mình không nên dùng thức ăn cặn bã mà loài người bỏ trong thùng rác, phải biết chế biến và thưởng thức món ăn như loài người. Chú chuột Ratouille đã giúp con trai Gusteau, người nhân viên trẻ vừa mới xin việc tại nhà hàng mang tên người cha của mình về công việc nấu ăn nhưng bản thân lại vụng về không biết nấu món ăn nào. Chú chuột đã ẩn náu trên đầu tóc của người con Gusteau và được che lại bằng cái nón trắng cao dành cho thợ nấu (Cook) chỉ dẫn nấu các món súp,... vô cùng độc đáo mà chỉ có những người sành điệu biết thưởng thức và nhận ra người thợ nào nấu món này. Chuyện phim vui nhộn và hấp dẫn lôi cuốn người xem khi phải tiết lộ bí mật con chuột này chính là “Chef Cook” cho tất cả mọi người, giới truyền thông báo chí cũng như về phương diện vệ sinh... Chú chuột Ratatouille rất thông minh, khứu giác bén nhạy nhất là biệt tài “thử” các món ăn vô cùng độc đáo và sành điệu. Hãng phim hoạt hình của Walt Disney không những làm say mê các trẻ em và ngay cả người lớn tuổi khi xem cũng phải bật cười nghiêng ngả vì những con vật này đã có những suy nghĩ giống như loài người. Kết thúc câu chuyện luôn luôn người xấu bao giờ cũng phải thất bại và bị trừng trị, người tốt được đền bù và may mắn!

Vua Chuột: Huỳnh Phong.

Trong bộ truyện Tây Du Ký có nhiều con vật tu luyện đắc đạo, có thần thông hay phép màu ảo diệu làm điêu đứng thầy trò Đường Tam tạng khi đi thỉnh kinh ở Tây Phương. Tài giỏi như Tôn Ngộ Không, nào phép Cân Đẩu Vân một muôn tám ngàn dặm, nào Thất Thập Nhị Huyền Công, nào cây thiết bảng biến hóa vô cùng, nào trường sanh bất tử vì nhai thuốc tiên vô số của Thái Thượng Lão Quân, nhưng Tề Thiên Đại Thánh hầu như thua họ hết, quý vị ạ! Thật vậy, nào Bò Cạp, Trâu Nước, Gấu Đen, Chuột Vàng, Bẩy nàng Nhện trong Bàng Tơ Tiên Động (hao hao các nàng Mống Đỏ trong Thiên Thai Tiên Động ở Việt Nam bây giờ), Độc Giác Tỷ, Sư Tử Chín Đầu...

Một hôm thầy trò Tam Tạng đi qua vùng núi non hiểm trở bị một cơn gió mù trời cuốn bay cát bụi. Tam Tạng bị ma vương cuốn đi mất tiêu. Tôn Ngộ Không và các sư đệ Trư Bát Giới, Sa Tăng đành bó tay. Chúa tể Động yêu tinh gần đó chính là Huỳnh Phong, Vua Chuột. Chuột vàng khè. Nó có duyên với Phật pháp. Đêm đêm nó thường bò lại bàn Phật Tổ đang tụng kinh để nghe. Nó uống dầu và giác ngộ. Nó tu luyện hàng ngàn năm thành hình người. Chỉ khuôn mặt giống y như chuột. Tóc bù xù, mắt nhỏ ti hí nhưng sáng như sao, răng nhọn, râu lún phún! Có điều nó tu luyện được thần thông quảng đại, Nó luyện được nội công thâm hậu siêu đẳng có thể cuồn cuộn vù vù phun ra cơn gió vàng độc hại vô cùng. Nó là Đại Vương. Nó nghe Tam Tạng nguyên là Đệ nhị Đại Đệ tử của Phật Tổ Như Lai chỉ vì khi nghe Phật giảng kinh mà hay ngủ gục nên bị đọa xuống trần gian. Phật Bà Quan Thế Âm thương tình mách bảo ông đi thỉnh kinh để cứu độ chúng sanh tại cõi Ta Bà đầy khổ đau và hệ lụy này. Vì công đức Ngài Tam Tạng vô biên vô lượng như thế, vì Ngài là bậc chân tu nên truyền tụng rằng hễ ai ăn thịt Đường tăng thì sống lâu hàng ngàn năm. Các yêu quái con nào cũng mê thịt của Ngài ghê lắm! Do đó Vua Chuột Huỳnh Phong bắt Tam Tạng để chờ ăn thịt. Tề Thiên bay đến khiêu chiến với Huỳnh Phong đòi trả tự do cho Thầy mình. Hai bên giao chiến dữ dội. Vua Chuột dùng gió độc làm mù hai mắt Đại Thánh.

“Huỳnh Phong con chuột nghe kinh
Uống dầu tu luyện thành tinh sắc vàng.
Mặt mày như chuột y chang
Thân hình cao lớn Ma Vương dữ dằn.
Chỉ mong ăn thịt Đường Tăng
Để mà trường thọ ngàn năm trên đời
Ngộ Không quyết đấu tay đôi
Không ngờ gió độc hại thời mắt ai.”


Trước kia bị nhốt trong Lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân trên cung trời nhiều ngày. Lửa nhà trời nóng như nung không làm mù mắt Tế Thiên. Chỉ có thể làm mắt ông vàng khè thôi. Bây giờ ngọn gió độc của Vua Chuột Vàng đã làm mù lòa hai mắt của Vua loài Khỉ. May nhờ có Đại Tiên Lê Sơn Thánh Mẫu xuống kịp nhỏ thuốc tiên vào mắt ông. Bà đã cứu sáng con ngươi của Đại Đệ Tử Đường Tăng. Bà cũng mách nước. Bà cho biết chỉ có Ngài Linh Kiết Bồ Tát mới thâu hồi con yêu đó thôi. Bà chỉ hộ đường đến am thất của Bồ Tát này. Thế là Huỳnh Phong bị tóm. Lúc bấy giờ, Tề Thiên giận quá giơ thước bảng định đập chết con chuột vàng khè đang hiện nguyên hình trước ân nhân Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho thấy trò. Vị Đại Từ Đại Bi đưa tay can ngay:

“Hãy để ta đưa nó về Phật Tổ Như Lai định tội. Xin đừng giết nó.”

Vua Chuột đã bị bắt và thầy trò Đường Tăng tiếp tục lên đường đi thỉnh kinh.

“Mách người trừ khử Ma Vương.
Linh Kiết Bồ Tát hạ san thâu hồi.
Con yêu quyết chí chẳng thôi
Đường Tăng xơi tái, sống thời ngàn năm”


4) Tuổi Tý/ Tuổi con chuột:

Theo khoa bói toán và tuổi tác về lứa đôi hôn nhân trăm năm hạnh phúc thì các tuổi sau đây thuộc Tam Hợp “Mẹo-Mùi-Hợi, Thân-Tý-Thìn, Dần-Ngọ-Tuất-, Sửu-Tỵ-Dậu” Còn tuổi xung khắc nhau như” Dần-Thân-Tỵ-Hợi tứ hành xung, như ông bà ta thường nói. Như thế những ai tuổi Thân hay Thìn có thể sắt cầm hòa hợp với tuổi Tý.

“Tuổi Thân cùng với tuổi Thìn
Xe duyên tuổi Tý quả tình hợp nhau.
Ấy là Tam Hợp đồng màu
Phượng Loan vui vẻ, trước sau êm chèo.”


Tuy nhiên, vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau, muốn suôn sẻ, mái ấm êm đềm, hạnh phúc thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Trước hết, nói về hòa hợp đôi lứa còn phụ thuộc vào không những tuổi tác mà còn cung mạng cấn cựa, ngày sanh tháng đẻ. Phải là thầy tướng số rành về hôn nhân vợ chồng và coi số tử vi của hai người hôn phối nữa. Ngoài ra hai bên biết nhường nhịn nhau, thành thực yêu thương nhau, hết lòng đùm bọc, giúp đỡ, nương tựa nhau, thì có thể sống bên nhau đến đầu bạc răng long, phải không quý vị!

“Ba sinh hương lửa vợ chồng
Yêu nhau là quý, hết lòng cho nhau.
Tình yêu đồng sắc đồng màu
Răng long đầu bạc dạt dào ái ân.
Thương nhau nào tính xa gần
Nào xem tuổi tác chàng-nàng làm chi!”
Phải không quý vị đồng hương?


IV) Kết Luận:

Kính thưa bà con cô bác,

Tuy chuột là loài sinh vật bé nhỏ nhất trong 12 Con Giáp, nhưng nó thật ăn hại, cắn phá hoa màu vườn ruộng và đồ đạc, thực phẩm để trong nhà. Tuy nhiên, loài vật nào cũng có bản năng tự vệ và sinh tồn như “Trời sinh voi tất sinh cỏ” vậy. Chuột phải kiếm ăn để sống để tồn tại chứ! Nó cũng ranh mãnh, láu cá, cũng tinh khôn, cũng mưu chước, cũng phải gan lì, liều mạng để sống còn, để tồn tại trong cõi đời này. Dù tuổi thọ của chuột không cao. Tuy nhiên, hễ còn hơi thở là còn kiếm ăn, còn nhai, còn cắn, còn phá, để cho đầy bao tử. Nếu không thì chết đói nhăn răng là cái chắc! Đời là vậy! Đó là quy luật của cuộc sống và sự sinh tồn phát triển của chúng sanh và của vũ trụ.

Nhân dịp Xuân Mậu Tý sắp về và năm con Heo sắp giã biệt mọi người mọi nhà để về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế, chúng trôi xin trân trọng kính chúc toàn thể quý vị đồng hương cũng như quý độc giả Đặc San Ninh Thuận một năm mới an lạc, nhiều may mắn, dồi dào sức khỏe, mọi sự như ý, phát tài phát lợi và tốt đẹp về mọi mặt. Chúng tôi cũng mong quê hương đất nước chúng ta trong năm Mậu Tý 2008 sẽ ấm no hạnh phúc, phú cường và được tự do dân chủ!

“Đinh Hợi bàn giao Mậu Tý rồi!
Mong cho an lạc khắp nơi nơi.
Quê mình hạnh phúc, đời no ấm
Dân chủ, tự do sáng đất trời!”


Baton Rouge, La Oct 2007

ĐÀO THANH TÂM

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân