TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Năm Dần Nói Chuyện Cọp
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Năm Dần Nói Chuyện Cọp

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Tue Feb 09, 2010 2:37 am    Tiêu đề: Năm Dần Nói Chuyện Cọp

Năm Dần Nói Chuyện Cọp

Hương Giang THÁI VĂN KIỂM

Khi tôi còn nhỏ, có theo cha tôi vào Bình Ðịnh thăm quê cha tôi tận làng An Tây (Tây Sơn), phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Ði từ Qui Nhơn lên tới Phú Phong bằng xe ngựa, tôi mới lội sang sông gặp mùa hè nước cạn và cứ theo đuôi người địa phương, vì như cha tôi bảo rằng: ăn cổ đi trước, lội nước theo sau. Khi qua bên kia sông chúng ta phải đi bộ một quãng đường dài mới tới làng cô tôi ở, nơi chân một hòn núi rất cao có mây phủ. Ðêm đêm tôi nghe cọp rống và cô tôi cho biết rằng trước đó mấy đêm có cọp về bắt heo hàng xóm, khiến cho dân trong làng đánh mỏ và phèng la inh ỏi suốt đêm. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nghe tiếng và nghe nói chuyện cọp. Tôi đâm lo sợ, nhưng cô tôi và dượng tôi, vốn là thầy dạy võ, đã từng làm chức lãnh binh thành Bình Ðịnh, đều tỏ vẻ tự nhiên, không khiếp sợ gì cả, cô tôi bèn đo cho tôi một chiếc còng cổ có vuốt cọp, khảm bằng bạc, rồi nói rằng từ nay tôi sẽ được nhiều can đảm và sẽ không sợ gì cả, chỉ còn sợ trời sập mà thôi!
Sau mấy ngày ở lại An Tây, cha tôi dắt tôi về lại Quảng Ngãi để tiếp tục học hành cùng các chị và các em tôi. Ít tháng sau, tôi nghe cha tôi kể rằng ở ngoài Sơn Tịnh có ông Quản Khê làm sở lục lộ, đóng một cái cũi lớn và sập được một con cọp gấm. Cha tôi liền đi xe đến tận nơi xem cọp bị bẫy. Lúc về cha tôi kể lại rằng người đi xem đông nghẹt và chen chân không lọt, tuy nhiên cha tôi cũng mang về một miếng thịt, mà thật ra chúng tôi không biết là thịt gì, rồi bảo mẹ tôi nướng cho “tụi nhỏ nó ăn”. Ăn xong, cha tơi mới cho biết là thịt cọp và thêm rằng: Ăn thịt cọp sẽ được tăng cường dũng cảm”.
Thế là từ lúc bé thơ tôi đã hai lần làm quen với cọp! Mãi về sau, mấy mươi năm về sau, tôi lại được cơ hội vào miền Nam Trung phục vụ nhân dân, vào đúng nơi mà người ta thường nói là cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận. Ðó cũng là cái cớ để hôm nay tôi được nói chuyện cọp với độc giả nhân lúc chào đón xuân.
Chúng ta đang bước vào thềm năm mới Canh Dần với biểu tượng cọp, một giống vật dũng mãnh và hung hãn mà người đời gọi là chuá sơn lâm. Năm nay là năm thứ 5 của vận niên lục giáp thứ 78 của lịch đại cổ truyền, được vua Hoàng Ðế minh định và quảng bá năm 2637 trước công nguyên. Kể từ năm đó, lịch đại Á Ðông đã được 60 x 77, cộng thêm 3 năm 2008, 2009, và 2010, vị chi là 4659 năm.
Trong bài này chúng ta sẽ lần lượt nói tới các mục này:
-         Nguyên ủy chữ Dần;
-         Tìm hiểu giống cọp;
-         Giai thoại về cọp - Bảy chuyện cọp của Trương Vĩnh Ký;
-         Giống cọp trong lịch sử Việt Nam;
-         Giang hổ báo trong lịch sử và triết lý Trung Hoa.

1.     Nguyên Ủy Chữ Dần Và Chữ Hổ
Ai cũng biết Dần là một chữ trong thập nhị 12 nhánh của Ðất (tí, sửu, dân, mão, thìn tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi). Trước chữ Dần, năm nay có chữ Canh là một trong thập can, mười cột của Trời (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quí). người xưa lấy một chữ của Trời cộng với một chữ của Ðất để minh định một năm của niên lịch.
Cứ theo thiên văn cổ truyền thì chi Dần và chi Mão chỉ về phương Ðông, thuộc hành Mộc trong ngũ hành, là cây, sắc xanh.
Chữ Dần là cung kính, là chăm lo. Kinh Thư có câu túc dạ duy dần: sớm tối chăm lo, kính trọng chức vụ. Lại  có  câu  đồng dần hiệp cung: chăm lo đồng nhau, kính nễ lẫn nhau. Vì cái điển này mà nhà thơ cổ điển Nguyễn Quý Dần ở Liềge (Bỉ) đã chọn thi hiệu Hiệp Cung. Và cũng do tích này mà những người bạn đồng liêu, cộng sự  thường gọi nhau dần nghị và đồng dần.
Chữ Dần cũng có thể ghép với nhiều danh từ khác như:
-         Dần nguyệt: tháng giêng
-         Dần khách: con cọp
-         Dần thứ: con cọp
-         Dần tiễn: đưa chân người lên đường
-         Nhân sinh ư dần: loài người sinh ở hội Dần, còn Ðịa tịch ư sầu: đất mở về hội Sửu.
Sách xưa cũng có câu:
Nhất niên chi kế tại ư xuân
Nhất nhật chi kế tại ư dần.
Kế hoạch trong một năm phải sắp đặt ở mùa xuân.
Kế hoạch trong một ngày phải sắp đặt ở giờ dần (lúc mặt trời mọc cọp dậy nhìn mặt trời)..
Năm Dần là năm tuổi con cọp, ai sinh vào năm ấy thì trên nguyên tắc, có thể có tướng tinh con cọp, có những tính tình như con cọp. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta nhận xét không đúng như thế. Tên chữ của con cọp là Hổ, vậy chúng ta cũng nên tìm hiểu những danh từ kép c ó chữ hổ ghép vào như:
-         Hổ trướng: trướng hổ. Theo sách Nam Ðường thì Vương Tử đời Lương lấy da con hổ giăng làm cái màn lớn, kêu bọn thuộc hạ vào nhóm, bàn chuyện trong màn, cho nên gọi là hổ trướng.
-         Hổ trướng xu cơ: then máy trong màn hổ. Ðó là tên quyển sách Binh Thư Yếu Lược của Ðào Duy Từ (1572-1634) giúp chúa Sãi giữ vững Ðàng Trong và mở mang bờ cõi miền nam.
-         Hổ bảng: bảng yết danh đại khoa tiến sĩ. Nguyên là đời Ðường có mở khoa thi Tiến sĩ, có Hàn Dũ, Lý quan, LýGián thi đậu, đương thời gọi là Long Hổ Bảng, đời sau bỏ bớt chữ Long, chỉ gọi là “hổ bảng”.
-         Hổ vi: tức là trường Quốc Tử Giám. Sách Chu Lễ chép: sư thị (tức quan giáo học) đem ba đức là chính trực, cương khắc và nhu khắc dạy học sinh trường Quốc Tử, ở phía tả Hổ Môn, nên gọi là Hổ Vi.
-         Hổ bôn: người dũng có cái tướng như con hổ đuổi con thú. Chu Võ Vương có 300 quân hổ bôn. Ðời nhà Hán có đặt chức Hổ Bôn Lang. Hổ Bôn Trung Lang Tướng để coi quân túc vệ.
-         Hổ khẩu: tên một mạch huyệt trong con người tại chỗ ngón tay cái tiếp ngón tay trỏ, nơi các bắp thịt nhỏ.  Trong ngành Ðông y, đặc biệt trong khoa châm cứu (acupuncture) , người ta lưu ý nhất nơi điểm huyệt hổ khẩu (miệng cọp) như sau: Cái huyệt hổ khẩu này, Tây phương phiêm âm là rokou, rất quan trọng, theo khoa châm cứu, nó điều khiển cả cái mặt và cái đầu của con người, quan trọng như miệng cọp vậy. Mới đây các nhà bác học y sĩ Pháp đã dùng máy điện tử khảo nghiệm tất cả hệ thống mạch huyệt con người, và chứng nhận sự chính xác và tính cách khoa học của khoa châm cứu Trung Quốc, đã được phát minh ba ngàn năm trước đây.
-         Hổ bộ: bước đi hùng dũng giống cọp.
-         Hổ phù: trên cái binh phù có vẽ hình con cọp, để làm hiệu lệnh truyền đi cho binh sĩ.
-         Hổ khê: Tên khe nước ở trước chùa Ðông Lâm, tại núi Nam Lô huyện Cửu Giang tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Ðời nhà Tấn pháp sư Tuệ Viễn chùa này chưa bao giờ qua khe vì có cọp kêu rống khi có người đi qua. Ngày nọ pháp sư niệm thần chú, thu Phật lực, đưa Ðào Tiếm và đạo sĩ Lục Tu Tỉnh qua khe, vừa nói chuyện vừa nghe cọp kêu rống, cả ba vị cười ồ lên như không có chi cả, rồi từ biệt. Ðời sau người ta dựng đình nơi khe suối này gọi là Tam Tiếu đình ghi nhớ ba người cười con cọp
-         Hổ tướng: võ tướng hùng dũng như con hổ. Vương Mãng đời Hán cho phong 9 viên tướng với chữ Hổ, thành ra đời đó và đời sau còn lưu lại danh từ hổ tướng.
-         Hổ trành: con quỉ của người bị cọp bắt ăn thịt. Tục truyền rằng con quỉ vong linh của người ấy phải đi theo hầu con cọp, để cho nó điều khiển. Cho nên về sau những người theo giúp kẻ tàn bạo làm điều hung ác, cũng bị gọi là hổ trành.
-         Hổ huyệt: hang cọp hay là ột địa thế nguy hiểm cho tánh mạng.
-         Hổ hữu dục: cọp có cánh. Cọp tự nó đã nguy hiểm rồi, mà thêm cánh nữa thì sao chế ngự cho được? Truyện Cao Như Lệ nói: “Lòng người đã bất chánh tà vậy, mà còn thêm tài năng nữa thì coi như cọp thêm cánh”.
-         Hổ phách: chất tùng chi (nhựa cây thông) trăm năm kết tụ thành hổ phách (amber vegetal) ngàn năm kết tụ thành phục linh (squine). Hai thứ này dung làm nữ trang và làm thuốc.
-         Hổ tu: một loại sa sâm, nhỏ và dài như râu cọp. Có một loại đăng tâm thảo, dung làm tim đèn, cũng gọi là hổ tu, Nói tới miệng cọp và râu cọp (hổ tu) thì Trang Tử dạy rằng: “Rờ râu cọp, vuốt râu cọp, thế nào thoát khỏi miệng cọp”?
-         Hổ hà: con tôm hùm (langouste).

II. Tìm Hiểu Giống Cọp Và Công Tội Cọp
Cọp được chỉ định với tên khoa học “felis tigris”, loài félin, họ félidés, bề cao gần một thước, bề dài từ 1 thước rưỡi tới 2 thước, chưa kể cái đuôi dài hơn một thước, tất cả vươn ra gần 3 thước. Cọp không thích ánh sáng, cho nên ban ngày thì núp trong bụi rậm rừng sâu, chờ chạng vạng hoàng hôn mới xuất hiện. Cọp nhìn rất rõ trong đêm tối nhờ cặp mắt sáng quắc như có hào quang, điện lực, có thể thôi miên những con vật nhỏ yếu như hươu nai… Râu cọp giúp nó tìm kiếm và đánh hơi như giống mèo, có cái đuôi giúp nó quân bình thân thể, và lèo lái lúc rượt bắt thú vật đủ các loại lớn nhỏ, trừ sư tử, voi, tây ngưu và mãng xà cỡ lớn. Còn những giống vật nhỏ trong rừng thì nó chỉ trừ con công (không tước), và chỗ nào có cọp thì có công, là vì con công xỉa răng cho con cọp, lúc nó nằm ngủ hay là nghỉ ngơi. Hiện tượng này đã có người đã chứng kiến nơi chân đèo Vạn Giã (Varella), năm 1953, gần ngôi chùa của Hòa thượng Quảng Ðức, nhân một cuộc “thăm dân cho biết sự tình”.
Đây là miền cực Bắc tỉnh Khánh Hòa, nơi mang tiếng là “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, đất cũ của Chiêm Thành với hai địa danh Khauthara, Panduranga. Một nhân sĩ địa phương, giáo sĩ Alex Bourgeoix, thuộc dòng Phăng xi cô (Franciscains) ở Hòn Chồng Nha Trang, hiện nay ở Paris, kể cho tôi nghe rằng: trong núi Ðồng Bò có cây trầm cổ thụ to lớn, có ông cọp vằn to lớn canh gác ngày đêm. Không một tiều phu nào dám bén mảng đến nơi này. Những người “đi diệu” “ngậm ngãi tìm trầm” cũng biết như vậy và họ nói rằng từ núi Ðồng Bò có ngọn gió chiều thơm mát từ gốc trầm này thổi ra, hòa hợp với ngọn gió biển Nam Hải, khiến cho khí hậu Nha Trang trở thành khí hậu tốt nhất Việt Nam.
Có một lần, từ trong núi Ðồng Bò một con cọp đi lạc ra Suối Dầu (Diên Khánh), đi ngang qua lộ lớn số 1, khiến cho ai nấy đều khiếp sợ. Họ báo động cho nhau để kịp né tránh. Liền khi đó, có bác sĩ Alexandre Yersin, giám đốc viện Pasteur Nha Trang đạp xe đạp đi tới. Họ liền báo cho ông ta hay, nhưng ông ta cứ thản nhiên đạp chiếc xe cọc cạch mà trả lời bằng tiếng Việt rằng: “đường mình mình đi, đường người ta người ta đi. Ai đi đường nấy, cớ chi mà sợ”? Thế là nhà bác học Yersin cứ tiếp tục đi vào rừng cao su và quinquina Suối Dầu do ông thiết lập từ đầu thế kỷ XX. Ông đã mất tại Nha trang ngày 10 tháng 3 năm 1943, được chôn cất nơi rừng cao su này, là nơi mà chúng tôi đã kính cẩn đặt vòng hoa 10 năm sau, ngày 10-3-1963, trên ngôi mộ rất đơn giản lưu danh một nhà bác học rất yêu mến nước Việt Nam.
Cứ theo đường cái quan vào Nam, chúng ta sẽ đi tới Phan Rang rồi Phan Thiết, hai nơi này mang tiếng có nhiều ma, gọi là “ma Hời”, mà thi sĩ Chế Lan Viên, thời tiền chiến đã nhiều lần nhắc tới:
Ta hãy nghe trong lòng bao đỉnh tháp
Tiếng thở than, lòng oán trách cơ trời
Ta hãy nghe gạch Chàm rơi lác đác
Tiếng máu Chàm ri rỉ chảy không thôi
Ta vừa thấy bóng nàng trên cỏ biếc
Suối tóc dài êm chảy giữa dòng trăng
Ta vừa nghe giọng sầu bi tha thiết
Của Chiêm nương gờn gợn song cung Hằng
Ðây những cảnh ngàn sau cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than!
Nơi miền này xưa kia có một dị đoan do người Chàm để lại, là người ta bào chế một chất thuốc độc với râu cọp. Râu này được người ta chặt từng khúc ngắn, trộn với đường dẻo, làm thành những viên kẹo để cho kẻ khác ăn. Kẹo vào bao tử, ruột non ruột già sẽ bị đâm thủng, những lớp da sẽ bị cào nát, lở lói và sinh ra chứng bệnh thổ tả, rồi kiệt sức mà chết.
Giáo sư G. Chochod đã từng ở lâu năm tại nước ta, viết trong quyển “La Faune indochinoise” rằng: người ta còn một cách nữa để bào chế thứ thuốc độc ghê gớm đó, bằng cách lấy râu cọp để nguyên, cho kẹp vô những mụt măng vòi, hay là những mụn măng non, ít lâu sẽ thấy xuất hiện nhiều sâu rọm long lá dễ sợ. Người ta sẽ lấy chất cứt sâu rọm, lến trộn vào nước uống vào cho khách qua đường, hay là cho kẻ thù địch uống vào thì thế nào cũng chết vì chất đó độc lắm.
Cho nên mỗi khi bắt được cọp hay là bắn chết cọp, việc đầu tiên phải làm là đốt râu cọp, chớ để cho ai nhổ đem về. Ngày xưa, ông tôi, rồi đến cha tôi đã từng làm quan trong miền Bình Phú và Nam Ngãi, có kể cho tôi nghe mấy vụ kiện cáo và điều tra về thuốc độc râu cọp này. Họ tin rằng năm nào mà không “thuốc” được ai thì năm đó làm ăn xui xẻo.
Sau này đến phiên tôi cũng được vào đây phục vụ nhân dân Khánh Hoà và Ninh Thuận, tôi lại được cơ hội điều tra thêm, riêng về phương diện nhân chủng học và phong tục học. Tôi được biết rằng mỗi khi vào nhà ai xin nước uống thì úp cái nón lại ngoài hiên. Nếu trong nhà có nuôi thứ sâu cọp thì người nhà lật đật ra lật ngữa cái nón, vì sợ con sâu bị ngộp mà chết.
Và muốn đề phòng thuốc cọp khi phải đi ngang vùng đó, thì ta sẽ mang theo trong người một vài sợi long đươi voi hay là vài trái ớt chỉ thiên, lúc nào người ta bưng nước ra cho mình uống thì mình cho rơi lông đuôi voi hay là trái ớt vào, thì tự nhiên thấy nó xoay tròn và nổi bọt, thế là biết nước có chất độc, phải đổ đi ngay, rồi vác chân lên cổ mà chạy, hay là đi cớ bót tủy ý!
Ðã nhiều lần tôi đem vấn đề này bàn luận với mấy ông bạn y sĩ trong nước và ngoài nước, đặc biệt với bác sĩ Nguyễn Minh Tân, cựu giám đốc Học Ðường bộ Quốc Gia Giáo Dục, và bác sĩ Huỳnh Trung Nhì ở Paris, họ đồng ý với tôi mà nghĩ rằng: cọp ăn thịt sống, dính nơi răng, nơi râu mép tùm lum. Nơi răng thì đã có con công xỉa giùm, còn nơi râu mép thịt dư còn sót thành ra thúi nát, mới biến thành chất độc gọi là ptomaine, chất này mà thêm vào lông cọp cắt nhọn, chui vào thân thể với kẹo, thì sinh ra ung nhọt dễ dàng…
Chất độc ptomaine này mà trộn thêm với cứt sâu rọm nuôi với măng vòi thì lại độc địa hơn nữa. Thế là chúng ta đã đi từ phong tục tập quán đến sưu tầm khoa học để làm sáng tỏ vấn đề và giải toả thắc mắc về bí truyền về giống cọp.
Nhưng còn một thắc mắc nữa cần được giải tỏa cho luôn. Tại sao người ta gọi cọp là ông ba mươi! Theo nhà thiện xạ G.Chochod, người ta sợ hãi giống cọp đến nỗi không dám gọi là con, mà phải gọi là “ông”, rồi phải kiêng cử cả tên nữa và phải gọi là “ba mươi”. Nhưng tại sao lại ba mươi, mà không hai mươi? Là vì giống cọp có trí nhớ rất ngắn, nó chạy khoảng ba mươi sãi là đã quên hết, khác với giống voi có trí nhớ kinh khủng mà người Tây phương gọi là “mémoire d’éléphant”.
Còn ông đốc phủ Lê Văn Phát, tác giả “contes et Légendes du Pays d’Annam, Sàigòn, Imprimerie F-H Schneider, 1913, thì giải thích rằng: ngày xưa ai giết được cọp thì được nhà cầm quyền thưởng ba mươi quan tiền, nhưng đồng thời người đó cũng bị ba mươi roi sau đít, nhằm an ủi linh hồn ông cọp, may ra ông ta sẽ không trả thù.
Theo truyền thuyết của đồng bào Thượng thì cọp cái đẻ con, nuôi nấng đàng hoàng, khi chúng nó bắt đầu đi đứng vững vàng thì cọp mẹ bắt buộc cọp con nhảy ngang qua thân mình, con nào nhảy qua được thì được tiếp tục nuôi dưỡng, còn không thì bị bỏ. Ngoài ra những con cọp nào mới lớn lên mà nhảy qua khe suối, đều bị cọp cha vồ giết ngay, vì một phản ứng thủ lãnh, e ngại sau này mình bị truất phế. Cho nên cọp mẹ đẻ ra từ 3 đến 5 đến 5 con, nhưng đến lúc lớn lên chỉ còn hai ba con mà thôi. Ðây là thâm ý của Thượng Ðế muốn duy trì sự quân bình lực lượng trên thế gian và trong vũ trụ, để cho mọi sinh vật được sinh sản và sinh sống lâu dài.
Bên cạnh những tác hại của giống cọp, chúng ta cũng phải công bằng mà nhận rằng cọp cũng có phần ích dụng. Ví dụ như xương cọp dung để nấu cao hổ cốt rất bổ ích. Phải thâu góp nhiều bộ xương cọp rồi cưa ra từng khúc ngắn, đem nấu chảo lớn trong nhiều ngày đêm, vớt hết xương ra, nấu tiếp chất nhớt cho tới khi cô đọng, rồi mới đem đổ ra thau đồng, hay là khuôn gỗ, để cho nó nguội rồi cắt thành miếng cỡ hộp diêm. Ðầu năm mới nữ sĩ Song Khê ở Fairfax, Hoa Kỳ, đã có mỹ ý gởi cho đệ mấy thẻ cao hổ cốt, kèm theo một bài thơ như sau:
Năm xưa rau sắng chùa Hương
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa
Năm nay hổ cốt gởi qua
Cung tăng diên thọ, Thái gia cát thường
(Fairfax, 9-5-1985)

Ngoài ra trong bộ xương cọp có cái xương cụt nơi bả vai được các thầy thuốc Ðông Y dùng cấp cứu người bị rắn độc cắn: đặt cái xương đó vào chỗ bị thương thì tự nhiên thấy máu đen rút ra với chất độc, rồi rắc thuốc bột vừa khử trùng vừa làm liền da.

III. Giai Thoại Về Giống Cọp
Theo sách Phong Tục Thuyết con hổ là tái sinh của một người họ Lý tên Nhĩ. Cho nên khi nào người ta gọi nó là Lý Nhĩ thì nó tỏ vẽ mừng lắm. Mà còn kêu nó bằng Ban (?) thì nó giận. Theo sách Phương Ngôn thì các nước Tấn, Ngụy, Tống và Sở thì gọi hổ là Lý Phụ, còn đất Giang Hoài và Nam Sở thì gọi hổ là Lý Nhĩ. Vì con hổ tên Nhĩ (tai) cho nên khi hổ bắt vật gì mà phạm vào tai thì hổ không ăn (theo Quảng Sự Loại). Ai cũng biết Lý Nhĩ là tên của Lão Tử tức Lão Ðam, tức Thái Thượng Lão Quân, vị tổ sư của đạo Lão. Cũng vì lẽ đó mà biểu trưng của đạo ấy là Ngũ Hổ, năm vị thần được Lão Tử giao phó sứ mạng bảo vệ năm vùng trên thế giới (ngũ giới), mỗi vị đầu thai dưới hình thể của hổ với năm màu sắc khác nhau là : hoàng, hắc, bạch, xích, thanh. Ngũ hổ ngự trị năm vùng là: trung thổ, bắc thủy, tây kim, nam hỏa và đông mộc
Ngày xưa bên Tàu có ông Ðồng Khôi là quan huyện đất Bất Kỳ, nghe nói dân miền núi thường bị cọp giết hại, bèn đến tận nơi, gọi cọp ra thuyết dụ: “Trời sinh muôn vật, loài người là quí hơn hổ lang (cọp sói) thì nên ăn thịt thú vật mà thôi. Chớ tàn bạo với người thì có pháp luật triều đình trị tội phải đền mạng (sát nhân giả tử). Vậy thì con hổ nào giết người thì cúi đầu chịu tội đi. Còn con nào chưa giết ai thì kêu lên mà minh oan”. Nói xong thấy có một con cúi đầu nhắm mắt nằm mọp xuống chịu tội, còn một con thì chăm chú nhìn ông Ðồng Khôi mà kêu la dõng dạc. Quan huyện khiến tha và cho đi về núi tự do.
Sách Hiếu Tử Truyện kể rằng: ông Quách Văn ở nước Tấn gặp cọp bị mắc xương trong cổ, đương ọe mửa mà xuơng không trôi ra, bèn lấy tay thò vào cổ cọp móc xương ra. Ngày sau cọp mang đến cho ông ta một con nai để đền ơn.
Sách Vương Phu An Thành chép: ông Ðỗ Khu Bảo, đời hậu hán, khi đương có tang cha, vừa có người trong xóm đánh đuổi con cọp, cọp chạy vào núp trong nhà của ông. Ông Bảo liền lấy áo tơi che cọp lại. Người lối xóm xông vào tìm cọp, ông nói chẳng thấy cọp đâu cả. Người lối xóm tin lời bỏ đi nơi khác. Về sau con cọp này thường đem thú vật trên rừng về biếu ông ta để đền ơn.
Sách Ðại nam Nhất Thống Chí của ta chép: ở thôn Xuân Sơn, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đời Gia Long có con cọp trắng (bạch hổ) bảo vệ làng này chống lại bọn Ma quấy nhiễu, chống lại những con cọp khác, và theo dân làng xin cá mà ăn. Dân làng viết bằng khoán bầu cọp làm ông hương cả, mỗi khi cúng tế đều có dâng đầu heo cho cọp ban đêm về ăn. Sau ngày chết cọp có ứng vào xác đồng, dân làng có lập đền thờ gọi là đền Kha Hổ.
Theo truyền thuyết thì cọp nghe rất xa, nghe tới mười dặm. Vì cọp dữ tợn mà thiên hạ hay nói xấu cọp, mặc dầu vẫn gọi là ông. Nếu như cọp nhớ tất cả những điều xấu xa, những lời nguyền rủa thì cọp sẽ trả thù ghê gớm, thiên hạ sẽ bị sát hại không còn một mống! may thay Thượng Ðế đã tiên liệu mọi sự trên thế gian này, bèn bắt buộc cọp phải rung tai khi thức dậy. Rung tai để quên hết mà bớt sự căm hờn. Ấy là luật bù trừ, là luật bỉ sắc tư phong, được cái này mất cái kia, hơn điều này thua điều nọ mà Thượng Ðế đã minh định và ban bố khắp trần gian để an bày mọi sự.
Thế mà vẫn có sự hậm hực giữa mèo và cọp, vốn là cậu cháu. Ngày xưa mèo và cọp ở chung trong rừng sâu. Cọp thì siêng năng còn mèo thì biếng nhác. Khi cọp đi săn thú vật mang về hang, dành dụm để cậu cháu ăn với nhau. Không ngờ lúc cọp đi vắng, mèo ở nhà xơi hết rồi nằm duỗi chân mà ngủ ngon lành. Ðến khi cọp trở về, đã mệt mỏi lại thấy trống trơn, không còn một miếng, cọp vô cùng tức giận. Cọp dí cậu mèo chạy từ rừng về tới đồng bằng, vừa gặp cây cau thì lập tức mèo trèo lên cây cau tới chót vót, nhìn xuống mà cười mũi cháu cọp! Cọp tức quá cố sức trèo lên cây cau, nhưng vì hình thù quá nặng, lại nữa cả đời đâu có biết leo cây, cọp rơi từ trên cây cau xuống đất, cái mũi bị giập, cho nên từ đó mũi cọp trở thành xẹp lép, và cũng từ đó cọp đánh hơi không xa lắm. Nhờ thế mà thiên hạ còn sống sót cho tới ngày nay!
Lại nữa, khi cọp té xuống đất, đau điếng, cọp liền nguyền rủa: “đồ cái ông cậu ác ôn, vô duyên, vô tích sự. Ông mà bắt được thì ông sẽ nuột trộng nuốt cả thân hình lẫn cả cứt”! Vì lẽ đó mà mèo phải núp ló nơi đồng nội, gia cư không dám bén mảng về rừng nữa, dù là để thăm cháu. Và cũng từ đó mèo phải tìm sự bảo trợ của loài người và đồng thời mèo phải giấu cứt!
Truyện cọp còn liên hệ với thằng Cuội ngồi gốc cây đa nữa. Cuội xuất thân là tiều phu, cả ngày lặn lội trong rừng sâu. Ngày nọ Cuội chợt thấy ba con cọp con trong hang cổ thụ. Nó bèn bẻ gãy chân, mỗi con một chân. Rồi nó leo lên cây núp nhìn. Nó thấy cọp mẹ từ xa mang về một con nai. Thường lệ cọp mẹ kêu rống từ xa, để cho ba con chạy ra đón mẹ. Lần này cọp mẹ kêu mà chẳng thấy cọp con chạy ra. Cọp mẹ đâm nghi, liền vứt nai xuống đất và chạy thẳng một mạch về hang. Về tới nơi, cọp mẹ thấy ba con bi gãy cẳng, đang quằn quại rên xiết thảm thương! Cọp mẹ bèn chạy tới một cây cổ thụ bứt lá nhai nhuyễn rồi rít vào khớp xương bị gãy. Trong chốc lát đã thấy ba con cọp con lành hẳn và nhảy vọt như không có chuyện gì xảy ra. Rồi cả bốn mẹ con cọp dẫn nhau ra nơi chỗ con nai mà ăn nhậu ngon lành!
Thừa lúc vắng cọp, Cuội liền tụt xuống cây rồi đi thẳng tới chỗ cây mà cọp mẹ đã truốt lá. Cuội nhìn kỹ thì biết đó là cây da, cũng gọi là bồ đề (bodhi), tức là giống cây đã từng che mưa chận nắng cho thái tử Tất Ðạt Ða (Sidharta) tham thiền nhập định trong 49 ngày, để thành người đại giác là Ðức Phật. Cuội bèn nhổ lấy một cây con để mang về nhà vun trồng. Ði dọc đường Cuội trông thấy một con chó bị thương nặng sắp chết, Cuội bứt mấy lá, nhai nhuyễn rồi rịt vào vết thương của con vật. Trông chốc lát thấy con vật lành hẳn, nó liếm tay Cuội để tỏ lòng biết ơn và tự ý theo Cuội về nhà. Cuội đặt gánh củi xuống sân nhà cẩn thận đem cây đa con ra vườn mà trồng.
Ít lâu sau có người gõ mõ rao rằng nhà ông phú hộ trong làng có con gái cưng đau ốm đã lâu mà thầy thuốc chữa không lành, ai mà chữa được thì ông bằng lòng gả con gái cho và cho nhiều của hồi môn như của cải và ruộng đất. Nghe lời rao, Cuội bèn chạy tới nhà phú hộ và xin tình nguyện chữa bệnh cho cô con gái. Lúc đầu phú hộ từ chối, cho là chuyện giỡn, nhưng trước sự nhiệt tình và cả quyết của Cuội, ông bèn để cho Cuội chữa bệnh. Cuội bèn hái lá đa bào chế một thứ cao rồi dán vào chỗ chữa bệnh. Thuốc dán hiệu quả lạ lùng: chỉ trong mấy ngày mà đã thấy cô ta lành bệnh và trở nên xinh đẹp khác thường.
Giữ lời hứa, phú gia gả con gái cho Cuội và khao cả làng. Vợ chồng Cuội sống tràn đầy hạnh phúc. Cuội bỏ nghề hái củi sống an nhàn giữa vợ và cây đa. Nhưng bà vợ tỏ ý không bằng lòng vì thấy Cuội chăm sóc cây đa quá nhiều. Thừa lúc Cuội đi qua bên hàng xóm, bà ta bèn chạy ra ngồi đái nơi gốc cây đa, khiến cây đa bực tức, bứt gốc bay thẳng lên trời. Cuội nghe tiếng đất lỡ lật đật chạy về, phóng theo và níu rễ đa mà cùng bay lên cung trăng. Từ đó, những đêm trăng, thế gian ngữa mặt lên trời nhìn thấy thằng Cuội ngồi gốc cây đa, nét mặt sầu tư vì luyến tiếc trần gian và, dù sao, cũng còn nhớ thương người vợ… Và mặc dầu không trở lại đươc trần gian, Cuội vẫn lập lại những tiếng của thế gian phóng lên không gian, mà người ta thường gọi là tiếng Cuội… chưa kể những hòn đá đen nhẵn (meteorites) mà ta thường gọi là đá Cuội.

IV. Bảy Chuyện Cọp Của Trương Vĩnh Ký
Ngoài những giai thoại kể trên, chúng tôi còn tìm thấy bảy chuyện cọp trong quyển Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) ấn hành năm 1866 tại Sàigòn. Quyển này là quyển đầu tiên trong số 118 tác phẩm của ông bằng Việt, Pháp và Hán ngữ. Nay chúng tôi xin toát lược những chuyện ấy như sau:
1.     Con chồn với con cọp. Một con chồn bị sập xuống hầm, có con cọp đi ngang qua, chồn nói: “Ủa, chớ anh không nghe trời sắp sập hay sao”? Cọp tưởng thiệt mới đề nghị cho mình xuống nấp chung với chồn. Chồn bằng lòng, thế là cọp nhẩy xuống hố sâu. Chồn bèn nhẩy lên lưng cọp, rồi từ đó phóc lên khỏi hang, ra ngoài. Cọp tưởng vậy là chồn sẽ bị trời sập, đè chết, không ngờ nó lại vong ân, chạy kêu hàng xón tới đâm cọp chết tươi.
2.     Con cóc tía với con cọp và con khỉ. Có con cọp nọ đi qua hang con cóc tía, cóc tiá thấy gai mắt mới rủ cọp nhảy thi sang khe nước. Cọp bằng lòng, cả hai rủ nhau sắp hàng mà nhẩy. Cóc tía chấp cọp một sải, rút ra sau, thừa lúc cọp phất đuôi vài ba cái trước khi nhảy, bèn ngậm vào đuôi cọp. Rồi hai thước! Cọp thấy mình thua cóc tía quá xa, tự cảm thấy xấu hổ và cũng thất kinh hồn vía bèn cong đuôi mà chạy một hơi dài… Vừa lúc đó có con khỉ ngồi trên cây, chận hỏi con cọp chuyện gì mà dữ vậy? Cọp mới kể đầu đuôi. Khỉ cười rộ, bảo cọp cõng mình về phía hang cóc tía, để nó trị cóc trắng máu. Khi hai con đến nơi, cóc tía trông thấy, bèn lên tiếng: “Anh khỉ đó phải không? Anh mắc mưu cọp rồi đó. Nợ mười hùm chưa đủ, một mà thấm chi! Nó thế mạng đó, biết chưa? Cọp nghe nói thất sắc, đâm đầu chạy tuốt, bất chấp cây cối, gai gốc bụi bờ gì hết. Chạy một hồi lâu mới ngưng, liệng con khỉ xuống đất, thấy nó nằm ngữa, nhe răng, không cựa quậy gì hết. Cọp vừa thở hổn hển vừa mắng nhiếc chú khỉ: “Ðã hết làm phách chưa cậu”? Ðã báo hại người ta lại còn cười nữa chớ! Từ đó lưu lại hai thành ngữ “cười nhăn răng” và “gan cóc tía”, tức là phận nhỏ nhoi mà dám đương đầu với tai to mặt lớn!
3.     Cọp bị đá: Anh nọ còn nhỏ tuổi mà ưa đi chơi khuya. Ðêm nọ về nhà lúc trời tối thui, thấy mập mờ một con vật nằm nơi thềm nhà, tưởng là chó, bèn đá một cái thật mạnh. Té ra là cọp, cọp giật mình, rống một tiếng rồi cong đuôi mà chạy, chẳng kịp tìm hiểu gì cả! Còn cậu ta thì từ đó chừa, không dám đi chơi đêm nữa.
4.     Cọp kẹt đuôi trong bụi dừa nước: Chuyện có thiệt ở Gò Quao (Rạch Giá), cọp nhiều như chồn cáo vậy, hai bên bờ sông đầy dừa nước, còn trên đất thì mù mịt rừng tràm, nơi người ta đi kiếm mật ong. Bữa nọ có hai người chống xuồng đi bẻ dừa non mà ăn thay chuối chát. Thình lình một người trông thấy một cái đuôi dài lông lá kẹt trong đám bẹ dừa nước, tưởng là chồn, mừng húm, bèn nắm lấy cái đuôi mà kéo. Ðến lượt nguời kia lại gần, dòm kỹ thấy rõ là con cọp, hoảng hồn, nhưng sợ thả ra thì cọp vồ cứ vậy mà níu kéo… cho tới chiều thì thả, cả ba đều kiệt sức. Hai người buông tay ra nằm ngã một bên. Còn chú cọp nhờ vậy mà cựa quậy được, trong giây lát tự tháo gỡ được cái đuôi, phóc chạy vô rừng sâu, thất điên bát đảo…

5.     Ăn trộm và cọp rình nhà: Có hai thằng ăn trộm rình nhà người ta, lại thêm một con cọp cũng tới rình bắt heo. Trời tối mờ mờ, anh kia lò dò lại đúng chỗ cọp đang ngồi, mà cứ tuởng là thằng bạn đi với mình. Bèn hỏi: “Mày này, họ còn thức hay ngủ”?...Rồi vỗ vai một cái, vỗ nhằm lông lá xồm xoàm, giật mình nhẩy qua một phía. Con cọp thình lình bị vỗ vai cái bóp, thất sắc cũng chạy đi mất. Còn thằng rình góc kia, nghe tiếng chân chạy thình thịch, tưởng là người nhà hay biết mà dí chạy, cũng thất kinh mà rả đám chạy luôn. Vậy là cả ba vừa chạy vừa la!

6.     Cọp mắc bẫy không ai thèm cứu: Chúa sơn lâm đau nặng, nằm liệt đất, bèn nhắn gọi thú vật tới thăm mà nhờ vả. Con chồn đến trước, chúa hỏi: “Tao đau mà thơm hay thúi”? Chồn trả lời: thúi. Chúa giận dữ duỗi chân chụp hụt con chồn. Chồn bỏ chạy, ra ngoài kể chuyện lại cho con cò nghe. Con cò tính nó nghênh  ngang, đi thẳng vào hang cọp. Chúa cũng hỏi: thơm hay thúi. Cò trả lời: thơm. Chúa nói cò nịnh, rồi cũng duỗi chân ra chụp hụt con cò. Cò ra ngoài, gặp con chuột, kể lại tự sự. Chuột tính xắc lắc, vỗ ngực nhẩy vào hang cọp xem sao. Chúa cũng lại hỏi thơm hay thúi. Chuột nhanh nhẩu đáp: không thơm mà cũng không thúi. Chúa nổi giận cho là xạo, rồi thò chân ra toan bắt chuột mà ăn cho đỡ đói. Nhưng chuột đã lẹ chân phóc đi ra ngoài.
          Cách mười hôm sau, cọp đã lành bệnh, bèn lui ra ngoài kiếm ăn, chẳng may rơi vào bẫy cần vọt, treo cọp đù đưa trên cao. Vừa lúc con chuột đi tới, trông thấy cọp bị treo lủng lẳng trên không, bèn hỏi: “Ông đau mới mạnh, sao ăn nằm gì kỳ cục vậy”? Cọp biết mình bị nói xỏ, bèn van lơn xin chuột làm ơn cứu cho một phen. Chuột trả lời: “Tôi thì đủ sức cứu ông, mặc dù tôi bé nhỏ tí xíu, bằng cách leo lên trên đó cắn đứt sợi dây cột ông, nhưng mà tôi ngại ông lúc xuống đất, ông sẽ chụp tôi mà xơi như bữa nọ”… Nói xong chuột bỏ đi mất.

7.     Cọp mắc mưu thỏ: Thỏ gặp voi thấy voi buồn rầu, bèn hỏi tại sao? Voi nói rằng có hẹn sẽ nộp mình cho cọp ăn, mà ngày tháng thì gần đến rồi, sinh ra lo lắng buồn rầu. Thỏ mới an ủi voi: gần tới ngày đó sẽ cùng nhau đi gặp cọp. Tới ngày, thỏ cưỡi voi mà đi tới chỗ hẹn. Tới nơi, theo lời dặn của thỏ, voi nằm mọp xuống đất, cả hai chờ cọp. Hồi lâu cọp tới, thỏ từ trên lưng voi nhảy xuống trước mặt cọp, rồi nhẩy qua nhẩy lại. Leo lên leo xuống mình voi, như không biết khiếp sợ gì cả. Xong trò, thỏ hất hàm rung tai nói với cọp “Ðồ voi mà tao cũng chẳng sợ, huống chi là cọp. Mà coi bộ thịt cọp ngon hơn thịt voi. Thôi được, để tao ra tay cho rồi”! Cọp nghe nói sắp bị ăn thịt hoảng hồn quắp đuôi mà chạy…

Còn một chuyện nữa, làm ơn mắc oán sẽ kể ở một phần sau, đúng là chuyện beo chớ không phải chuyện cọp, mà Trương Vĩnh Ký kể theo chuyện cũ bên Tàu, nói về triết gia Mạc Ðịch đời Chiến Quốc, đã dung mưu kế trả thù được một con beo vong ơn bội nghĩa!

V. Cọp Trong Lịch Sử Và Văn Chương Việt Nam
Sử chép rằng vua Ðinh Tiên Hoàng (968 – 980) dẹp loạn Thập nhị sứ quân, ban hành pháp luật nghiêm minh, đặt ra nhiều phương pháp kỳ lạ để răn dạy muôn dân, gìn giữ kỷ cương, trật tự. Nhà vua đặt trước điện Hoa Lư nhiều chuồng cọp, beo. Gần bên thì có những vạc dầu sôi sục ngày đêm. Ở giữa có treo tấm bảng lớn với mấy dòng chữ:  “Ai không tuân thủ pháp luật thì sẽ bị luộc dầu hay là cọp ăn. Khâm thử”. Từ đó tiếng đồn vang khắp nước, ai nấy đều răm rắp tuân theo phép vua, lệ làng, khiến cho trăm họ được thái bình thạnh trị trong một thời gian khá lâu.
Sách “Ðại Nam tiền biên liệt truyện” kể rằng: đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên năm thứ 18 (1631), nội tán Ðào Duy Từ đêm nọ nằm mộng thấy con cọp đen từ phía Nam đến. Ông thúc quân vây bắt, cọp liền mọc thêm hai cánh bay mất lên không trung. Sáng dậy ông nhớ lại giấc mộng và tin rằng sẽ có điều lạ đến, ông đành chỉnh đốn y phục ngồi chờ. Một lát sau, ông thấy có người từ phương Nam đến, mình mặc áo đen, tay cầm quạt lông, đứng chực nơi thềm. Ðào Duy Từ thấy dung mạo phi thường bèn hỏi:
-         Ngươi tên gọi là gì?
-         Tôi là Nguyễn Hữu Tấn.
-         Tuổi gì?
-         Nhân Dần.
Ðào Duy Từ nghe nói trong lòng mừng thầm cho là phù hợp với điềm mộng tối qua, bèn mời vào, lưu lại nói chuyện, thấy người có kiến thức rộng bèn đem con gái gả cho, rồi tiến cử lên triều chúa Sãi, sau làm tới đại tướng đánh nam, dẹp bắc, lập được công lớn. Chúa sãi thường ban khen: “Nguyễn Hữu Tấn quả thật là hổ tướng”. sau được phong tặng: “Khai quốc công thần Anh quốc công”. Ở Bắc Hà quân Trịnh cũng gọi là “Hổ oai đại tướng”.
Cũng “Ðại Nam chính biên liệt truyện” chép rằng: ở tỉnh Quảng Ngãi, nhân dân miền núi thường bị cọp vằn đen quấy nhiễu, sát hại. Người ta đào hầm, cạm bẫy, săn bắn mà cũng không làm sao trừ được con cọp đó, ngày nọ, tả quân Lê Văn Duyệt đóng quân gần đền Trấn Bắc (thờ ông Bùi Tá Hán), khiến quân làm một cái cũi lớn đem đặt trước đền, gần bên núi, rồi ông khấn vái xin thần đền Trấn Bắc giúp cho “Con hổ làm hại nhân dân, thì thần linh ở đây cũng có trách nhiệm. Như thần mà linh thật thì xin Thần làm sao cho hổ nọ vào trong cái cũi này”. Qua một đêm, sáng ngày sau, nhân dân đều ngạc nhiên trông thấy một con cọp vần đen nằm phục bên đền. Tả quân hạ lệnh quân lính bao vây thì thấy tự nhiên con hổ cứ từ từ đi vào trong cũi mà không có hùm hét cắn xé chi cả! Mọi người đều cảm thức có thần Bùi Tá hán hỗ trợ thành công mỹ mãn.
Cọp cũng có nhiều liên hệ với nhà cách mạng Tăng Bạt Hổ, hiệu là (Ðiền Bát, suốt đời tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia, nêu cao tinh thần dân tộc suốt thời kỳ Pháp thuộc quê quán làng An Thường, xã An Thạnh, quận Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, ông tên thật là Lê Thiệu Hổ làm tán tướng quân sự cho chiến tướng Mai Xuân Thưởng lãnh tụ Cần Vương ở Bình Ðịnh. Ðến năm 1887 bị thất bại trong nước, ông bèn trốn ra hải ngoại, hăng hái hoạt động, liên lạc thường xuyên với các đồng chí, tuyên truyền cách mạng và cổ động nhân sĩ xuất dương.
Năm 1904, ông cùng đi với Phan Bội Châu sang Nhật, gặp các chánh khách Nhật Bản như Khuyến Dưỡng Nghị và Ðại Ôi Trọng Tín bàn định việc đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường để từ quốc nội sang Ðông Kinh. Sau đó, ông sống ở hải ngoại, thường đi lại các nước Trung Quốc, Xiêm, Nga rồi lại sang Nhật, bôn ba nơi hải ngoại hơn 20 năm.
Năm 1914, lại bí mật trở về nước hoạt động, tá túc nơi nhà cụ Cử Võ (Võ Bá Hạp, bạn cụ Sào Nam) rồi lâm bệnh thổ tả mà chết trong cơn lụt bão. Cụ Cử Võ phải chèo ghe mai tang nơi cái gò Bao Vinh, phụ cận Huế, nhưng gặp nhiều khó khăn khi đắp đất, vì quan tài cứ nổi lình bình trong mộ huyệt.
Vào khoảng 1936, cụ Sào Nam lúc đó bị an trí ở Bến Ngự (Huế) trong một ngôi nhà tranh bánh ếch nhìn ra sông Phú Cam, có chiếc đò lịch sử và cây sung soi bóng quanh năm, thỉnh thoảng về Bao Vinh thăm cụ Cử Võ, và một lần nọ cụ có đem theo một tấm mộ bia bằng xi măng. Cụ Phan gọi hai người con trai của cụ Cử Võ, và xuống thuyền khiêng tấm bia lên nhà mà chờ ngày lành tháng tốt thì đem dựng nơi mộ cụ Tăng Bạt Hổ, vì một vẫn còn vô danh vì sợ Tây biết. Theo lời ông bạn Vũ Tùng Chi (con trưởng cụ Cử Võ), thuật lại với chúng tôi, thì tấm bia này có khắc ghi năm chữ với bút tích cụ Phan là: “Lê Thiệu Dần chi mộ”, dùng chữ “dần” thế chữ “hổ” vì vẫn còn sợ Tây lùng ra tung tích!
Năm 1957, thi hữu Vũ Tùng Chi cùng một số nhân sĩ ba kỳ, đã góp xây một ngôi nhà gạch ngói bên bờ sông Bến Ngự, Phú Cam, một nhà thờ hội là “từ đường Phan Bội Châu và liệt sĩ cách mạng” trên khoảnh đất của cụ Phan, đồng thời đã dời mộ cụ Tăng Bạt Hổ trọng táng tại đó, với mộ chí “Diền Bát Tử Tăng Bạt Hổ chi mộ”.
Đã nhiều lần cụ đánh lộn với cọp nơi rừng rậm đèo cao, với chiếc roi dâu, một thứ roi mà cọp rất sợ, vì nó phát ra một thứ siêu thanh (ultra sound) có hiệu lực hơn cả sung đạn. Phương danh Tăng Bạt Hổ nhắc ta nhớ tới Võ Tòng đả hổ, trong truyện Thủy Hử, đã dùng thế Thái Sơn kiềm tỏa đè cọp nằm yên rồi giáng cho ba quả đấm thôi sơn vào cổ, làm cho gẫy xương cổ, đứt thần kinh hệ mà chết tại trận. Chúng ta cũng liên tưởng tướng Lê Văn Khôi thúc hổ do l
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân