TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đôi Mắt Người Sơn Tây và Tác Giả
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đôi Mắt Người Sơn Tây và Tác Giả

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MinhThư



Ngày tham gia: 12 Dec 2007
Số bài: 248

Bài gửiGửi: Sat Dec 06, 2008 2:01 am    Tiêu đề: Đôi Mắt Người Sơn Tây và Tác Giả

NHÂN NGÀY GIỖ NĂM THỨ 20
CỦA TÁC GIẢ ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY


TẢN MẠN VỀ QUANG DŨNG,
THƠ, NGƯỜI, VÀ KỶ NIỆM

Nguyễn Ngọc Bảo
(Báo Ngày Nay, số phát hành ngày 1 tháng 12 năm 2008)

Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu, sau được đổi thành Bùi Đình Diệm vì chữ Dậu trùng với tên một người trong họ. Ông sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, lúc bấy giờ thuộc Hà Đông, được phân chia với Sơn Tây bằng con sông Đáy. Dù thuộc Hà Đông nhưng người Đan Phượng vẫn tự xem mình là người Sơn Tây. Trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, được hoàn tất năm 1819, ông Phan Huy Chú ghi “Huyện Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai. Phủ Quốc Oai ở phía đông Sơn Tây”.
Quang Dũng tốt nghiệp trường Sư Phạm Hà Nội từ trước năm 1945. Tuy nhiên, ông không đi làm công chức mà trở thành nhạc công kéo đàn nhị cho một gánh hát rồi làm gia sư dậy kèm tại Hà Nội. Đến năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Quang Dũng gia nhập trung đoàn thủ đô để bảo vệ Hà Nội. Khi trung đoàn bị giải thể, ông theo học một khoá quân sự tại Sơn Tây rồi đến năm 1947, gia nhập đoàn quân chiến đấu tại vùng rừng núi Tây Bắc, giáp giới xứ Lào, và thường được nhắc nhở đến bằng danh hiệu “trung đoàn Tây Tiến”. Sau chiến dịch Tây Tiến, Quang Dũng hoạt động văn nghệ ở Liên khu 3 cho đến khi cuộc kháng chiến kết thúc.
Quang Dũng là người tài hoa trong nhiều lãnh vực nghệ thuật như thơ, văn, nhạc, và hội họa. Nhạc của ông đã nhiều lần được trình diễn trong các buổi văn nghệ thời kháng chiến và tranh của ông từng được triển lãm chung với các họa sĩ danh tiếng thời bấy giờ. Tuy nhiên, người đời luôn luôn xem ông là nhà thơ. Thơ của ông có sức truyền cảm mạnh mẽ, đi thẳng vào tâm hồn bao thế hệ người đọc suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Hầu hết những bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng được viết trong thời kháng chiến. Thuở ấy, người làm thơ không nghĩ đến chuyện xuất bản. Thơ Quang Dũng được người yêu thơ chép ra giấy rồi chuyền tay cho nhau. Trong thời kháng chiến, Quang Dũng chỉ có một tác phẩm được xuất bản là tập truyện ngắn Mùa Hoa Gạo.
Ở lại miền Bắc sau khi hiệp định Geneve được ký kết vào năm 1954, Quang Dũng sáng tác rất ít. Đa số những bài thơ sau này là những bài hoặc hoài niệm về một thời chinh chiến cũ như Đường Trăng, Rừng, Nhớ Một Bóng Núi, hoặc diễn tả nỗi niềm riêng dành cho một địa phương như Hồ Nam, Bố Hạ, Đêm Bạch Hạc.
Quang Dũng mất ngày 14 tháng 10 năm 1988 tại Hà Nội sau khi bị bại liệt nửa người suốt một thời gian dài vì chứng tai biến mạch máu não.
  ********************************************************
Bao giờ ta gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?


Có quyến luyến cách mấy rồi cũng đến lúc phải chia tay, người bạn gái bước vào nhà, cánh cửa khẽ khàng khép lại. Đèn trong nhà sáng lên một chốc rồi vụt tắt. Tôi quay người lặng lẽ bước đi, tiếng giầy “saut” gõ nhẹ, đều đều trên mặt lộ như làm chao động cõi không gian tĩnh mịch của đêm thị xã.
Bấy giờ là cuối tháng 5 năm 1973. Sáng sớm hôm sau, tôi và các bạn cùng trung đội thuộc khóa 9/72 trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức sẽ lên đường trở về trường. Chúng tôi vừa hoàn tất hai tháng chiến dịch tại một thị xã miền Hậu giang, cách Sài Gòn khoảng 250 cây số. Tôi và người bạn gái quen nhau trong thời gian này. Khi ấy, tôi là một thanh niên 20 tuổi đầy sức sống và nhiều mộng mơ.
Hai tháng nữa chúng tôi sẽ mãn khóa, trở thành những tân sĩ quan, và lao mình vào lửa đạn. Đời sống, dĩ nhiên gồm cả tình yêu, trong thời chiến thật bất trắc. Tôi hiểu cuộc gặp gỡ vừa qua có thể là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Sau khi từ giã cô, những câu thơ nêu trên của Quang Dũng đeo đẳng không rời trong trí tôi, khi tôi đi bộ qua nhiều dẫy phố nhập nhòa bóng tối để trở về căn phòng trọ trong tiểu khu. Gieo mình lên chiếc giường sắt nhà binh, tôi thao thức, thao thức, rồi chìm vào giấc ngủ.
Bấy giờ là một buổi tối của tháng 3 năm 1974. Tôi và hai người lính thuộc cấp ngồi trên một pháo đài và cũng là đài quan sát đặt ở vòng đai phòng thủ hậu cứ sư đoàn 25 bộ binh tại Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa. Trước mặt chúng tôi là cánh rừng bát ngát của mật khu Hố Bò đang chập chùng khi mờ khi tỏ dưới ánh sáng những trái hỏa châu leo lét trên bầu trời. Thản hoặc có tiếng đại bác từ xa âm ỉ vọng về. Trên những thùng đạn đại liên 50 ly dùng thay cho ghế đẩu, chúng tôi ngồi uống bia Quân Tiếp Vụ bằng những chiếc ca nhôm của lính suốt cả buổi tối. Khi ấy tôi chỉ mới 21 tuổi.
Bỗng dưng tôi nhớ đến hai câu thơ của Quang Dũng:
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ

Những tiếng nói của hai đồng đội bên cạnh chợt nhòe đi, như vang vọng từ một cõi xa xăm. Lòng tôi se thắt lại vì nỗi nhớ.
Bấy giờ là buổi sáng cuối tháng 8 năm 1975 tại căn cứ Fort Chaffee, thuộc thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, một trại tạm trú dành cho đồng bào tỵ nạn cộng sản. Tôi vai khoác hành lý, đứng bên cạnh chiếc xe bus để từ giã thân nhân, bằng hữu. Tôi sắp sửa rời trại để đến học nội trú tại một đại học ở thành phố Durant, tiểu bang Oklahoma qua một chương trình bốn năm học bổng. Khi ấy, tôi đã tròn 23 tuổi.
Cô bạn vừa quen trong trại, một cựu nữ sinh Trưng Vương, trao cho tôi một tờ giấy gấp tư. Mở giấy ra, tôi trông thấy bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng được viết bằng những nét chữ mềm mại. Vừa mới hôm trước, tôi bảo cô là thật đáng tiếc, tôi di tản mà không nhớ trọn vẹn bài thơ bất hủ này. Cô nói sẽ chép tặng tôi bài thơ, như một món quà tiễn biệt.
Ngày hôm ấy, trên chuyến xe gần 300 cây số từ Fort Smith đến Durant, tôi đã nhiều lần đọc lại Tây Tiến. Những địa danh trong thơ như Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu, Viên Chăn, Châu Mộc, và Sầm Nứa mở bung trí tưởng tượng của tôi khi xe lần lượt đi qua những thành phố dĩ nhiên mang tên bằng Anh ngữ dọc theo lộ trình. Trời đất, tôi đang đi trên một xứ sở thanh bình, no ấm mà sao trong trí cứ chập chờn hình ảnh của “dốc thăm thẳm”, của “súng ngửi trời”, của “quân xanh mầu lá”, của “mồ viễn xứ”, và của âm vang chiến trận từ mấy mươi năm về trước?
Cho đến hôm nay, thoắt cái, đã ba mươi mấy năm lững thững trôi qua. Những người bạn cũ tôi vừa nhắc đến, kể từ ngày xa xưa ấy, tôi chưa hề gặp lại.
Nửa tháng trước, tôi bảo nhà tôi:
- Vài hôm nữa là ngày giỗ thứ 20 của Quang Dũng. Có lẽ anh sẽ viết một bài về nhà thơ tài hoa này. Anh có khá nhiều kỷ niệm với thơ ông.
- Anh có dành câu thơ nào của ông ấy cho em không? Người vợ tào khang suốt hai mươi tám năm của tôi cười hỏi.
Tôi đùa:
- Có chứ, nhất định là có. Em nghe đây này: “Tóc anh đã thành mây trắng, mắt em dáng thời gian qua”.
Nhà tôi làm bộ dỗi:
- Ừ thì thì em biết em đã già. Chỉ có những người cũ của anh là còn duyên dáng, còn trẻ mãi thôi.
Đã bước vào lớp tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” từ vài năm trước; thâm tâm, chúng tôi hiểu mình sắp đến ngày vui thú điền viên, và những người bạn thuở thanh xuân của tôi cũng chẳng thể là ngoại lệ. Kể từ ngày thành hôn, chúng tôi có một đời hôn nhân ấm êm, hạnh phúc; vợ chồng con cái yêu thương nhau, hy sinh cho nhau. Chúng tôi cũng tự hiểu là nếu được khởi đầu lại từ ba mươi năm về trước, chúng tôi cũng sẽ chọn nhau và có nhau trong cuộc đời. Tuy nhiên, “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy ai quên?” Là người hiểu biết, nhà tôi cảm thông cho tôi điều này. Thêm nữa, trong trường hợp của tôi, cái thuở ban đầu ấy đã được lãng mạn hóa và thi vị hóa thêm bằng những câu thơ đầy ắp tình người của Quang Dũng.
Vâng, chúng ta đã có tuổi, nhưng những bài thơ của Quang Dũng, cũng như những áng văn thơ tuyệt tác khác của nhân loại, chẳng bao giờ có tuổi. Dù được viết từ 50, 60 năm về trước nhưng những bài thơ ấy vẫn mãi mãi đủ uy lực để làm dậy lên trong ta những xúc cảm dịu dàng, những xúc cảm thật đẹp.
Nhất là đối với những ai từng có kỷ niệm với thơ ông ở những ngày còn son trẻ, như tôi.

TÁC PHẨM TIÊU BIỂU CỦA QUANG DŨNG TRONG THỜI KHÁNG CHIẾN

* Đôi Bờ và Đôi Mắt Người Sơn Tây
Trong số những thi phẩm của Quang Dũng được phổ biến tại miền Nam sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước vào năm 1954, có lẽ Đôi Bờ và Đôi Mắt Người Sơn Tây được biết đến nhiều hơn cả. Lý do là một số câu trong hai bài thơ này được nhạc sĩ Phạm Đình Chương chọn để soạn thành ca khúc nổi tiếng Đôi Mắt Người Sơn Tây. Cả hai bài đều được sáng tác vào cuối thập niên 40 trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Đôi Bờ diễn tả tình cảm của một chiến binh dành cho người con gái mình thương yêu nhưng đã phải từ giã để ra đi làm bổn phận người trai thời loạn:
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai?
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?


Đôi Mắt Người Sơn Tây thể hiện nỗi nhớ nhung và âu lo dành cho người thân yêu trong những ngày quê hương mịt mù khói lửa chiến tranh:

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao giờ em nhớ thương?
Mẹ tôi, em có gặp đâu không?
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông?
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang dùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
Bao giờ trở lại đồng Bương, Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?


Theo nhạc sĩ Phạm Duy, bạn một thời cùng lớp với Quang Dũng ở trường Thăng Long Hà Nội, thiếu nữ có “đôi mắt người Sơn Tây, u ẩn chiều luân lạc” trong thơ là một cô gái tên Nhật, nhà gần chợ Đại ở Sơn Tây, người đã cùng nhà thơ một thuở vương vấn với tình. Có lẽ vì mang tên Nhật nên cô còn có mỹ danh là Akimi, một cái tên của người Nhật Bản. Thuở ấy, cô mở một quán cà phê trong vùng kháng chiến và là nguồn cảm hứng để Quang Dũng sáng tác nhiều bài thơ. Khi cuộc kháng chiến lên đến cường độ khốc liệt, Akimi cùng gia đình hồi cư về Hà Nội rồi di cư vào Nam năm 1954. Trong những năm đầu tại miền Nam, người con gái có đôi mắt đẹp trong thơ Quang Dũng trở thành một kiều nữ của nhà hàng Tự Do ở Sài Gòn. Cuối tháng tư năm 1975, bà Nhật cùng gia đình rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ.
Trong Đôi Mắt Người Sơn Tây, có một câu gây ra nhiều tranh cãi: “mắt em dìu dịu buồn Tây phương”. Có người cho rằng cô gái có đôi mắt đẹp và buồn như mắt một phụ nữ Tây Phương, tức người Âu châu nói chung hay người Pháp nói riêng. Người khác bảo đó là nỗi buồn dịu dàng, man mác như đôi mắt của một pho tượng La Hán trong ngôi chùa mang tên Tây Phương ở Sơn Tây. Theo thiển ý, Tây phương được nhà thơ dùng để ám chỉ Sơn Tây, một vùng đất ở phía Tây với cơ man là “đất đá ong khô nhiều suối lệ”. Thật tiếc, đã không ai hỏi Quang Dũng điều này, và cả những câu không rõ nghĩa ở những bài khác, khi nhà thơ còn tại thế.

* Làng Ta Đi Qua
Đôi Bờ và Đôi Mắt Người Sơn Tây là hai bài thơ được nhiều người yêu thích, nhất là những người sống ở miền Nam sau năm 1954. Tuy nhiên, Quang Dũng còn sáng tác nhiều bài đặc sắc khác. Một trong những bài này là “Làng Ta Đi Qua”, thuật lại bước hành quân của trung đoàn Thủ Đô kể từ buổi rút ra khỏi Hà Nội vào trung tuần tháng 2 năm 1947 sau hơn một tháng cầm cự với quân Pháp. Chỉ trong vòng đôi ba ngày, những chiến sĩ của trung đoàn mới chỉ được thành lập hơn tháng trước với đa số chiến binh là thanh niên con nhà tiểu tư sản đã vừa đánh vừa rút để bảo vệ cho gần 40,000 người dân tất tưởi gánh gồng, bỏ nhà bỏ cửa đi vào miền quê, mở đầu cho giai đoạn tiêu thổ kháng chiến. Ngày ấy, Quang Dũng là một đại đội trưởng của trung đoàn.
“Làng Ta Đi Qua” là một bài thơ khá dài, được mở đầu bằng những câu thuật lại cảnh rút khỏi Hà Nội:

Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Tháng chạp màn sương trùm đất nước
Gió mùa chết héo mạ xanh non
Sương muối thấm vào bao đạn ướt
Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Dân đang gánh gồng cả cơ nghiệp
Mái nhà trăm năm thôi để lại
Lạc chủ, chó gầy mắt hoang dại
Mẹ địu con thơ, mang tiếng hát
Ru con gửi gấm những quê nhà
Nôi con đã chất cao thù hận
Thành lũy ngăn đường chận chiến xa


“Nôi con đã chất cao thù hận, thành lũy ngăn đường chận chiến xa”, hai câu thơ đẹp một cách chua xót, khắc nghiệt. Người dân Hà Nội mang đồ đạc trong nhà để ngăn chặn chiến xa quân địch. Trong số chướng ngại vật đó, có cả những chiếc nôi của đứa con thơ mà bà mẹ đang địu trên lưng để rời khỏi vùng lửa đạn.
Bài thơ có những đoạn thật hay, vẽ lại một bức tranh quê trong bối cảnh chiến tranh:

Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm, khói thuốc, bạch đầu quân
Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khỏa vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch
Vỡ lá bàng khô bước du kích


Bài thơ được kết thúc bằng những hình ảnh đậm nét bi tráng, vừa cảm động mà vừa hào hùng:

Tiếng hát hành quân vui trong mưa
Gió bấc về sân buổi tiễn đưa
Nải chuối tiễn nhau em mới cắt
Nắm cơm hàng xóm gửi trung đoàn
“Hỏa thực” xếp lèn đôi gánh cật
Thôi nhé miền xuôi! Thôi tạm biệt
Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời
Ta đi – ngõ gạch – tường đang đục
Gạn từng giọt nước, đánh, cầm hơi
Ta đi – Tháp đứng nghiêm hồ lạnh
Hoàn kiếm đêm đêm giặc rụng rời


* Tây Tiến

Chỉ vài tuần sau khi rút ra khỏi Hà Nội, trung đoàn Thủ Đô bị giải thể. Một số những chiến binh của trung đoàn được chuyển sang đoàn quân Tây Tiến giữ nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới Việt-Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân Pháp tại vùng rừng núi Tây Bắc. Trong số này có Quang Dũng, vẫn tiếp tục giữ trách nhiệm đại đội trưởng. Khi chiến dịch kết thúc, trong lúc tham dự hội nghị thi đua vào giữa năm 1948 ở Phù Lưu Chanh, một làng nhỏ ven con sông Đáy, Quang Dũng sáng tác bài Tây Tiến để nhớ lại quãng thời gian vừa hào hùng vừa bi thảm của chiến dịch. Đối với người viết, Tây Tiến là một trong đôi ba bài thơ hay nhất của thi ca Việt Nam trong thế kỷ 20.
Qua thi phẩm bất hủ của Quang Dũng, đường vào Tây Tiến như một bức tranh thủy mặc vừa huyền ảo lại vừa linh động. Nhìn từ xa, cảnh vật như bị bao trùm bởi sắc mầu mờ nhạt, bát ngát của cảnh núi rừng miền quan tái với “chiều sương Châu Mộc”, với “đêm Mường Lát”, với “heo hút cồn mây”, và với “hồn lau nẻo bến bờ”. Khi nhìn cận ảnh, chúng ta có thể trông thấy những nét chấm phá khốc liệt của “dốc thăm thẳm, ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, của “những thác gầm thét”, những “cọp trêu người”, và những nấm mồ nằm rải rác chốn biên cương.
Trong bức tranh ấy, vẫn với cận ảnh, là hình ảnh tang thương của người đã chết “gục lên mũ súng ngủ quên đời”, và nét mặt lì lợm, lạnh tanh của người còn sống, hàng hàng lớp lớp đi về phía mặt trời lặn với những chiếc đầu không mọc tóc, những khuôn mặt “quân xanh mầu lá dữ oai hùm”. Tuy nhiên, lẫn trong những đường nét dữ dội ấy là những phác họa dịu dàng, mềm mại, và thật lãng mạn của đêm liên hoan có những thiếu nữ người dân tộc áo xiêm e ấp trong điệu múa, của hình ảnh “dáng người trên độc mộc, trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”, và của dáng Hà Nội kiều thơm nghiêng vai ghé vào giấc mộng người Tây Tiến.
Thêm nữa, những địa danh được nhắc đến trong bài thơ như Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu, Viên Chăn, Châu Mộc, Sầm Nứa đã đẩy trí tưởng tượng đến một vùng không gian kỳ bí khiến người đọc phải rung động.
Tây Tiến là một khúc ca bi tráng, mang âm hưởng man mác trầm buồn nhưng đầy khí phách. Biết cái chết đang lẩn khuất đâu đây, nhưng người chiến binh vẫn chờ đón nó bằng một thái độ ung dung, như đó là một kết cục không thể tránh của Tây Tiến: “Áo bào thay chiếu anh về đất, sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Bài thơ Tây Tiến có nguyên văn như sau:

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên mũ súng bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh mầu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi


“Tây tiến đoàn binh không mọc tóc, quân xanh mầu lá dữ oai hùm”, hai câu thơ dựa trên một thực trạng đau lòng: tóc rụng, da xanh vì bị nước độc, chướng khí, và bệnh sốt rét rừng hành hạ. Số người chết vì sốt rét cao hơn số người chết trận. Có thể nói Tây Tiến là chiến dịch gian nan nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến mùa xuân năm 1948, trung đoàn Tây Tiến bị quân Pháp đánh tan tành. Những người sống sót đều gầy yếu và bệnh tật. Ngay sau đó, trung đoàn bị giải thể và Quang Dũng được chuyển sang đơn vị khác
Năm 1963, có dịp đi ngang chốn cũ, nhà thơ Quang Dũng đã ghi lại kỷ niệm ngày trước ở Tây Tiến qua những dòng sau:
“Rừng Mai Châu riêng với tôi thực có nhiều kỷ niệm. Từ lúc gặp cây vàng anh, tôi đã nhớ lại tất cả những kỷ niệm 15 năm trước, khi chúng tôi hành quân lên giữ vùng biên giới Việt Lào, ngăn bọn Pháp đang kéo từ Sầm Nứa về. Hôm nay không ngờ được trở lại đúng con đường cũ, qua đúng những bản chúng tôi đã đóng quân, đã từng đi ăn cưới, uống ruợu cần, diễn kịch lửa trại vào 15 năm trước, mùa xuân năm đầu của cuộc kháng chiến. Xe qua phố Vãng, tôi nhớ lại lúc quân ta rút bỏ phố Vãng để về Mường Bi thì phố Vãng đang bốc cháy. Giặc ở dốc bãi Sang đang ào ào kéo đến. Đơn vị ta dàn ra cả dốc Vãng đợi địch”.
Có lẽ hình ảnh của Tây Tiến không bao giờ phai nhạt trong ký ức Quang Dũng. Một vài năm trước khi mất, nhà thơ lại nhắc đến Tây Tiến bằng những lời sau:
“Chúng tôi lúc đầu đi bằng ô tô, sau chuyển sang hành quân bằng đôi chân, thực sự nếm mùi Tây Tiến: mở rừng, ngủ rừng, Những cái dốc thăm thẳm, “heo hút cồn mây súng ngửi trời”, những “chiều oai linh thác gầm thét”, những “đêm Mường Hịch cọp trêu người” tôi mô tả trong thơ rất thực. Hồi ấy trong đoàn chúng tôi có nhiều người sốt rét trọc cả đầu. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn, đoàn quân không những bị ốm mà còn chết vì sốt rét rừng cũng nhiều. Chúng tôi đóng quân ở nhà dân, cứ mỗi lần nghe tiếng cồng nổi lên, lại tập trung đến nhà trưởng thôn để tiễn một người vĩnh biệt núi rừng. Tiếng cồng ở Tây Tiến thật buồn, buồn đến nẫu ruột. Kể chuyện lại, bây giờ tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng cồng”.

* Quán Bên Đường
Trong thời kháng chiến, một bài thơ khác của Quang Dũng được nhiều người yêu thích và chuyền tay là Quán Bên Đường. Bài thơ thuật lại cuộc gặp gỡ tình cờ của tác giả với một cô hàng quán, vốn là một tiểu thư Hà Nội nhưng vì chiến tranh nên đã trôi giạt về miền quê. Ở đó, cô phải mở một quán nước nhỏ bé, xiêu vẹo để mưu sinh. Dấu tích của gốc gác tiểu thư được tác giả nhận ra qua tấm chăn có thêu hoa cô gái đắp trên người khi đang lên cơn sốt. Trong khung cảnh quán nghèo, chai lọ xác xơ ấy, người lính, tức tác giả, nhìn xuống chiếc quần vá víu của mình và nẩy lòng đồng cảm với người thiếu nữ. Bài thơ có nguyên văn như sau:  

Tôi khách qua đường trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ đây quán lệch tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt, đường xa trưa vắng khách
Em đắp chăn dầy, tóc em trĩu nặng
Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng lên má đỏ
Em có một mình, nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp có hoa thêu
Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư, tôi là lính tiền phương
Lòng rưng rưng thương nhau qua dọc đường
Xa Hà Nội cùng nhau từ một thuở
Tiền nước trả em rồi nắng gắt
Đường xa mờ mờ núi và mây
Hồn lính vương qua từng sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay. . .


Khi bước ra khỏi quán, người chiến binh hiểu cuộc chia ly hôm nay với người con gái có lẽ sẽ là mãi mãi. “Hồn lính vương qua từng sợi tóc, tôi thương mà em đâu có hay”, hai câu thơ thật hay, đủ để làm dậy lên trong lòng người đọc một thoáng bâng khuâng pha lẫn với ngậm ngùi.

* Lính Râu Ria
Một bài thơ khác cũng thật hay của Quang Dũng mà ít người biết đến là Lính Râu Ria, được sáng tác năm 1949. Bài thơ kể câu chuyện một người lính cùng hai đồng đội ghé vào quán nước ở vùng tản cư trong một đêm khuya. Anh gọi một ly rượu nhỏ sau khi đã cẩn thận nhìn trước nhìn sau để biết rằng ngoài hai người bạn, không ai trông thấy anh dùng thứ nước uống tiểu tư sản này. Rồi người lính bế đứa con thơ của chị chủ quán mà bùi ngùi nhớ đến vợ con mình. Khi anh và bạn ra về, chị dọn hàng đi ngủ và cảm thấy lòng rưng rưng một nỗi buồn. Có lẽ hình ảnh người lính ôm ghì đứa bé chị khiến chị chạnh nhớ đến người chồng cũng đã phải ra đi vì chinh chiến. Sau đây là nguyên văn bài thơ:

Khuya khoắt sông bờ vắng
Lửa hồng quán tản cư
Lính mấy chàng vất vả
Tìm sống một đêm thơ
Một người kêu cà phê
Một anh gọi thuốc lá
Một người nhìn sau trước
“Chị ơi! ly rượu nhỏ
Rượu nhỏ một ly thôi
Một ly cho đỏ mặt
Cho lên hương cuộc đời”
“Chị ơi! cháu ngủ đâu”
Rồi anh bế con chị
Anh lim dim cúi đầu
Cô bé cười chúm chím
Mắt non nhìn như sao
Đôi mắt nhìn như sao
Má hồng như trái mận
Mùa đang độ ngọt ngào
Bàn tay như rễ cây
Bộ râu hơn bàn chải
Anh ôm con người ta
Anh ôm ghì nó mãi
Cô bé năm tháng trời
Tuổi anh vừa ba mươi
Vợ anh giờ này đâu?
Anh mỉm cười rười rượi
Khi anh về đã xa
Chị dọn hàng đi ngủ
Chép miệng trong hơi chăn
Chị buồn chi không rõ
Khuya khoắt sông bờ vắng
Tiếng súng rền xa xa
Lính mấy chàng phanh ngực
Hát nhẹ lên bài ca…


CHỮ TÀI LIỀN VỚI CHỮ TAI
Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước vào năm 1954, cũng như hầu hết các nhà thơ tham gia kháng chiến, Quang Dũng ở lại miền Bắc. Chỉ một thời gian ngắn sau, ông bị bài Tây Tiến cùng một số bài thơ khác của ông hành hạ cho đến cuối cuộc đời. Có thể nói Tây Tiến là đứa con tinh thần đẹp nhất của Quang Dũng nhưng trong gần 40 cuối của đời, ông đã không muốn đề cập đến nó và tỏ vẻ sợ hãi khi nghe người khác nhắc đến. Trong một bài viết mang nhan đề “Tưởng Niệm Quang Dũng”, một người bạn ông tên Minh Đỗ đã kể rằng đúng 6 năm sau khi thắp ngọn lửa hồng cho kháng chiến, bài thơ đã bị giới lãnh đạo văn nghệ miền Bắc lên án kích liệt. Ngay từ năm 1954, vì ganh ghét thi tài của Quang Dũng, Tố Hữu đã lên tiếng phê bình “Tây Tiến có tư tưởng sa đọa, văn hoá đồi trụy; trong lúc toàn quốc đang sôi sục trong lửa kháng chiến thì tác giả chỉ biết mơ đến Sơn La gái đẹp, sông Mã cọp gầm”. Ngay sau đó, trên các tập san và báo văn nghệ, đám văn nô trong đảng thi nhau đánh hôi Quang Dũng, chê tất cả các bài thơ của ông là không có đảng tính, là thiếu lửa cách mạng. Đến năm 1956, cùng với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của miền Bắc, Quang Dũng bị đảng lên án trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, và bị quy là phản động dù ông không tham gia phong trào. Sự trù dập của đảng về cả vật chất lẫn tinh thần khiến ông cùng gia đình sống trong cảnh đói nghèo cho đến lúc ông qua đời vì bệnh tật vào năm 1988.
Bên cạnh Tây Tiến, nhiều bài thơ khác của Quang Dũng cũng bị đảng cấm lưu hành cho đến cuối thập niên 80, khi đảng phải áp dụng chính sách đổi mới để cứu vãn chế độ. Qua một bài viết về Quang Dũng đăng trong tập sách “Quang Dũng, Người và Thơ” phát hành năm 1990 tại Việt Nam, ông Lê Vạn Thắng nhắc đến chuyện có lần ông đọc bài Lính Râu Ria cho đồng đội nghe trong một buổi dừng quân trên bước đường kháng chiến. Khi ông đọc xong, mọi người vỗ tay vang như pháo vì bài thơ quá hay, quá đúng với thực tế, với hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ. Tuy nhiên, chỉ vài hôm sau, ông bị cấp trên gọi lên phê bình và răn đe là không bao giờ được đọc bài thơ mang hình ảnh lính Lê Dương uống rượu và phanh ngực như thế.
Ngay cả bài Đôi Mắt Người Sơn Tây cũng bị đảng phê bình là yếm thế, có tư tưởng chủ bại. Đảng công kích câu “mắt em dìu dịu buồn Tây phuơng” có thâm ý đề cao nét đẹp của người phương Tây, tức người Pháp khiến Quang Dũng sợ quá mà phải sửa câu thơ thành “mắt em như nước giếng thôn làng”, nghe kém hay đi nhiều.
Chính tài năng của Quang Dũng đã làm khổ ông. Một vài năm sau khi nhà thơ mất, bà Kim Ngọc, ca sĩ từng hát nhạc Quang Dũng trong thời kháng chiến kể rằng sau năm 1954, ông Tố Hữu ghen ghét Quang Dũng về tài làm thơ nên đã sa thải nhà thơ khỏi hội Văn Nghệ. Bị cô lập, Quang Dũng lâm vào cảnh nghèo túng rồi bị bệnh hoạn đến liệt nửa người. Trước khi Quang Dũng mất, một số bạn hữu văn nghệ thời kháng chiến họp lại làm đơn rồi đưa vợ nhà thơ đến gặp ông Nguyễn Đình Thi, lúc bấy giờ là chủ tịch hội Văn Nghệ Việt Nam, để nhờ xin cho nhà thơ được vào bệnh viện Việt-Xô điều trị. Hai ngày sau, ông Nguyễn Đình Thi cho biết cấp trên không chấp thuận. Mọi người đều hiểu là ông Tố Hữu từ chối. Ít lâu sau, nhà thơ Quang Dũng từ trần.

“KHÔNG ĐỀ”, MỘT TRONG NHỮNG BÀI THƠ CUỐI CỦA QUANG DŨNG
Sau khi cuộc kháng chiến chấm dứt, Quang Dũng sáng tác thêm một số bài thơ nhưng những bài này chỉ đuợc phổ biến kể từ khi đảng phải nới lỏng chính sách kiểm soát văn nghệ trong thời đổi mới. Có thể nói thi phẩm hay nhất của Quang Dũng sau này là “Không Đề”, bài thơ ông viết cho một cuộc tình không trọn vẹn.
Theo lời kể của ông Trần Lê Văn, người bạn thân của Quang Dũng, vào khoảng giữa thập niên 40 nhà thơ gặp gỡ và yêu thương một người con gái ở Hà Nội. Nhà cô có một vườn ổi xum xuê nên các bạn bè của Quang Dũng thường dùng bốn chữ “cô gái vườn ổi” khi nhắc đến cô. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh đất nước, nhà thơ đã phải chia tay người yêu và rồi mỗi người có một đời sống riêng để sống. Năm 1970, tình cờ gặp lại cô gái vườn ổi, Quang Dũng xúc động viết liền ba bài thơ trong đó có “Không Đề” để nhắn nhủ người xưa hãy cùng nhau giữ lấy tuổi thanh xuân trong tâm hồn, và mãi mãi giữ nguyên vẹn mối tình năm cũ:

Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Những cây ổi thơm ngày ấy
Và vầng hoa ngâu mưa thu
Tóc anh đã thành mây trắng
Mắt em dáng thời gian qua
Ngày nay ngày nay
Chuyện đẹp qua đi
Thời gian gấp ruổi
Còn lại chúng ta
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp
Ơi! con đường xưa
Những mùa trút lá
Cành bàng mồ côi
Cổng cũ rêu phong
Ý đợi người
Ơi! con đường xưa
Men vườn ổi thơm
Em tuổi hai mươi
Yêu anh hào hiệp
Bỏ em, anh đi
Đường hai mươi năm
Dài bao chia ly
Có những vợ chồng
Không là trăm năm
Mà tình thương yêu
. . . . . . . . . . . . . . . . .
Sông ơi! dài sao
Rộng ơi! biển cả
Thôi em nước mắt
Đừng rơi lã chã
Em mãi là hai mươi tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa. . .
Giữ trọn tình người cho đẹp


“Em mãi là hai mươi tuổi, ta mãi là mùa xanh xưa, giữ trọn tình người cho đẹp”, bài thơ với những câu đẹp như mối tình của nhà thơ có lẽ là nguồn an ủi lớn lao cho những kẻ có duyên nhưng không có nợ. Họ yêu nhau từ thuở tóc còn xanh xanh và mãi mãi yêu nhau tha thiết, nhưng chẳng bao giờ họ có được nhau trong cuộc đời.
***

Nhìn một cách tổng quát, trong nền thi ca dân tộc của thế kỷ 20, ít nhà thơ nào có những sáng tác được truyền tụng và yêu mến cả về bề rộng của không gian lẫn bề sâu của thời gian như thơ Quang Dũng, nhất là hai bài Đôi Mắt Người Sơn Tây và Tây Tiến. Thơ ông, tuy phần nào chịu ảnh hưởng bởi phong trào Thơ Mới ở những năm thập niên 30 nhưng gói ghém một sắc thái riêng biệt, cái sắc thái được hình thành từ sự pha trộn giữa nét hào hoa, lãng mạn của khách đa tình với tính yên hùng, hào sảng của một gã giang hồ đầy khí phách. Những bài thơ ấy cũng thể hiện sự hòa hợp tuyệt vời giữa kỹ thuật và cảm xúc, giữa tình yêu nam nữ và tình yêu quê hương.
Đó là lý do khiến người viết tin rằng thơ Quang Dũng cũng sẽ được những thế hệ mai sau nâng niu và trân trọng. Đọc những bài thơ của ông, họ sẽ hình dung ra được một giai đoạn lịch sử đất nước, có khói lửa chiến tranh, có máu và nước mắt, có biết bao mất mát, biết bao gian nan, biết bao ly biệt, và biết bao ước ao, hy vọng.
Thêm nữa, đọc những bài thơ của ông, họ sẽ rưng rưng cảm động vì tình người và tình quê hương thể hiện trong thơ, như chúng ta đã từng cảm động. Dù sống trong thời đại nào, ở bất cứ lứa tuổi nào, người ta cũng phải yêu nhau, yêu quê hương, và yêu những bài thơ thật hay.
Nguyễn Ngọc Bảo
10/2008
Về Đầu Trang
huongdongconoi



Ngày tham gia: 27 Nov 2008
Số bài: 35

Bài gửiGửi: Sun Jan 11, 2009 4:27 pm    Tiêu đề: Cam on chi MT...

Tho QD hay qu'a:

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai?
.....
Mi`nh thich tho Nguyen Binh nhat---va thu Nhi` (dong-hang) la QD va`nhung nha` tho khac...
Về Đầu Trang
MinhThư



Ngày tham gia: 12 Dec 2007
Số bài: 248

Bài gửiGửi: Mon Jan 12, 2009 2:41 pm    Tiêu đề: Bài Thơ Không Đề

Đọc lại bài viết này, tự dưng tôi lại thấy thích bài thơ "Không Đề". Trong đó có câu:

“Em mãi là hai mươi tuổi, ta mãi là mùa xanh xưa, giữ trọn tình người cho đẹp”

Bài thơ với những câu đẹp như mối tình của QD có lẽ là nguồn an ủi lớn lao cho những kẻ có duyên nhưng không có nợ. Họ yêu nhau từ thuở tóc còn xanh xanh và mãi mãi yêu nhau tha thiết, nhưng chẳng bao giờ họ có được nhau trong cuộc đời.
Về Đầu Trang
vietnamlibrarynet
Thân Hữu Duy Tân


Ngày tham gia: 27 Dec 2008
Số bài: 95

Bài gửiGửi: Wed Dec 16, 2009 2:13 am    Tiêu đề:


Vô Đề Khúc thứ 2



Đừng gợi chi bao kỷ niệm rời,
để nhớ thương đau sẽ đầy vơi.
Bến cũ, thuyền xưa sầu dĩ vãng,
Bình minh, rạng rỡ đón tương lai.
...

thiều minh
(Có những cuộc tình không là trăm năm
Da Nhat Yen)
Về Đầu Trang
Thong Reo



Ngày tham gia: 10 Mar 2009
Số bài: 620

Bài gửiGửi: Wed Dec 16, 2009 6:58 pm    Tiêu đề:

Có những cuộc tình không trăm năm
Có duyên không nợ tránh não phiền
Được mãi mang theo hình ảnh cũ
Dậy sóng mới hoài một góc tim

Có những cuộc tình dù trăm năm
Ít duyên nhiều nợ lắm nhọc nhằn
Ngày tháng chán chê buồn gậm nhấm
Bên nhau mảnh hồn quá xa xăm

Có những cuộc tình ngát hương yêu
Một đời tình nghĩa vẹn ý duyên
Tình yêu hòa nhập chung nhịp điệu
Hai tâm hồn tuyệt diệu thăng hoa .


Dám nghĩ thế nào là tình yêu
Chỉ người trong cuộc hiểu hơn nhiều
Mong người thôi dạ sầu tê tái
Người bên người sáng lên lệ yêu..
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân