TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - LỚP ĐỆ NHẤT B TRƯỜNG DUY TÂN
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

LỚP ĐỆ NHẤT B TRƯỜNG DUY TÂN

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Nguoi Nai



Ngày tham gia: 25 Dec 2007
Số bài: 4

Bài gửiGửi: Tue Dec 25, 2007 3:52 pm    Tiêu đề: LỚP ĐỆ NHẤT B TRƯỜNG DUY TÂN
Tác Giả: NGƯỜI NẠI




LỚP ĐỆ NHẤT B TRƯỜNG DUY TÂN

Vừa thi đậu Tú Tài phần I tại Saìgòn, gia đình gọi tôi trở về Phan Rang để ghi danh học Đệ Nhất B tại trường trung học công lập Duy Tân! Đối với tôi, đó là một hãnh diện lớn lao vì ngày xưa tôi đã cố gắng thi hai lần mà không được vào lớp Đệ Thất của trường này nên phải học ở tư thục bán công Nguyễn Công Trứ 3 năm. Lần này may mắn là không phải thi tuyển, nếu có thì không biết tôi có được sự tuyển chọn hay chăng? Vào thời điển năm 1965-1968, các trường tư thục như Trương Vĩnh Ký, Bồ Đề... sự giới hạn là chỉ có các lớp từ Đệ Thất đến Đệ Nhị, cho nên nếu được học Đệ Nhất tại trường Duy Tân thì đó là các học sinh đang học lớp cao nhất của tỉnh, đã tốt nghiệp kỳ thi Tú Tài I, ngoài ra, nếu bị động viên đi lính, các học sinh này sẽ là thành phần sĩ quan ưu tú cho tương lai đất nước. Cũng bởi những hãnh diện đó mà tôi chẳng chịu cố gắng học hành thêm cho kỳ thi Tú Tài II cuối năm, nên tôi phải học thêm một năm Đệ Nhất B để được vào Đại Học Luật khoa Sài gòn. Hai năm cùng một lớp Đệ Nhất B, tôi được dịp quen biết nhiều bạn bè cũ học lại và mới của 2 niên học 66- 68 tại trường trung học Duy Tân Phan Rang. Hai năm ấy cũng là những kỷ niệm tuyệt vời của đời học sinh của tôi tại tỉnh nhà!
Sau 4 năm học ở Sài gòn trở về lại quê nhà, tôi thấy ngôi trường Duy Tân không có gì thay đổi, cũng vẫn dãy lầu 2 tầng cho các lớp từ Đệ Tam trở xuống Đệ Thất, một dãy tầng trệt gồm có, phòng y tế và các lớp đệ Tứ, Tam, Nhị và Đệ Nhất A & B. Văn phòng nhà trường cuối dãy. Bên ngoài, cổng trường và vòng thành đã ngả màu vàng ố, cũ kỹ và hàng cây phượng vĩ đang cao lớn, tỏa cành rộng như cái ô dù che mát rải rác dọc ngoài đường lộ gợi nhớ cảnh cũ khi tôi đến dự thi tại ngôi trường này. Thành phần ban giáo sư chắc có nhiều thay đổi nhưng tôi không được biết nhiều ngoại trừ sự thay đổi ông Hiệu trưởng trường Duy Tân, trước đây là ông Nguyễn Quảng Tuân nay là ông Đặng Vũ Hoản. Chị Đặng Vũ Thúy Hòa, con gái ông Hiệu trưởng và chị Văn Thị Ngọc Lan là hai nữ sinh duy nhất của lớp Đệ Nhất B niên khóa 66-67. Lớp học rất đông nam sinh mà nữ sinh thì chỉ có hai người, nên hai chị bạn học này luôn luôn ngồi chiếm trọn bàn học sinh đầu tiên đối diện với bàn giáo sư trên cao, trong khi đó bọn tôi ngồi bàn phía sau và thường táy máy, phá phách, nghịch ngợm cột tóc hai chị. Lớp Đệ Nhất B bao gồm các học sinh học Anh văn và Pháp văn, cho nên khi đến giờ sinh ngữ chính Anh văn hay Pháp văn thì hai lớp Đệ Nhất A và B học chung với nhau, nhờ vậy mà tôi quen biết một số bạn bên ban A.
Sau 40 năm mà hồi tưởng lại những bạn bè và kỷ niệm lớp Đệ Nhất B của tôi thì quả là một vấn đề! Gặp lại một số bạn ngày xưa cùng học ở Nguyễn Công Trứ như các bạn Lê Văn Cam, Lê Văn Quít, Trương Minh Trí ở Tháp Chàm, Tý Bờm, Trương văn Tám... và vì học 2 năm liền của lớp Đệ Nhất gồm rất nhiều bạn bè cũ mới nên tôi không thể phân biệt hết tất cả bạn học của mình đã học năm nào, ban A hay B, Anh văn hay Pháp văn và giáo sư nào dạy môn nào; ngoại trừ một số bạn bè thật là thân, cùng lêu lỗng không chăm học, cùng thi hỏng hoặc cùng có tên trúng tuyển các kỳ thi Tú Tài phần hai trong những năm đó. Ngoài những đặc điểm riêng về hình tướng của mỗi cá nhân như cao, ốm, mập, lùn, trắng, đen.., sự nỗi bật nhất của các học sinh để bạn bè nhớ nhiều nhất là sự chăm chỉ học bài và trí thông minh, thí dụ, học ban B thì phải giỏi về môn Toán, phần đông nam sinh thích học ban này nhưng lớp Đệ Nhất B của niên khóa 66-67 trường trung học Duy Tân gồm có 40- 50 học sinh trong đó chỉ có 2 nữ sinh, thì hai chị Văn Thị Ngọc Lan và Đặng Vũ Thúy Hòa rất giỏi về môn này, ngoài ra hai chị còn chăm chỉ siêng năng “gạo” bài, nên tháng nào tên hai chị cũng đứng đầu “sổ”. Khi đã nhớ thì nhớ luôn tên họ và chữ lót dù đã xa cách gần 40 năm, lý do là hai chị học rất giỏi, con nhà đã thành danh trong xã hội hiện tại. Có lẽ hai chị được hưởng được cái Zen thông minh từ gia đình nên sớm thành đạt trên đường học vấn, hiện tại chị Văn Thị Ngọc Lan vẫn còn độc thân, đang ở quận Cam (Orange County, California) và hành nghề Dược sĩ. Riêng chị Đặng Vũ Thúy Hòa thì không biết trôi dạt phương trời nào, tôi đã mất sự thông tin liên lạc gần 40 năm từ ngày rời ghế nhà trường Duy Tân Phan Rang. Nam sinh cũng có nhiều người học giỏi gồm có Nguyễn Khoa Danh, Kỹ sư nhà máy công ty Đường ở Tháp Chàm cũng đã mất sau một hai năm làm việc tại đây, Lê văn Cẩm (hiện tại là Bác Sĩ Lê Văn Cẩm, Orange County), Lê Văn Đích (Tân Hội), Hà văn Vinh (Tu sĩ)... Con nhà giàu nổi tiếng bay bướm hào hoa như Nguyễn Công Lý (Khánh Chữ), Phan Thanh Châu “chà” (tiệm Radio Tấn Lợi), Phương (con ông Bố)... Những bạn bè vừa học vừa chơi như Huỳnh Thanh Sơn, Hàn Trúc Lâm, Phan Thanh Mậu, Phan Thanh Hồng, Trương văn Tám (Ngô Quyền) Phạm Dụng, Thơ (Cửa), Đặng Lợi (Tháp Chàm), Quế, Cảnh (thẹo), Trương văn Quốc, Ôn minh Định, Ngô Đại Hùng, Trình Đế Đáng, Tăng Văn Hào, Lại Văn Mười, Trần Cao Đạt, Võ Ngọc Vui, Lê Văn Năm, Trần Thanh Công, Lê Bá Tòng, Bùi Hữu Thơ, Phan Văn Hoàng (Cà Na), Giá (con ông Ty Quan Thuế), Lê Đình Kim, Nặc, Giỏi... Nhóm này thường hay cúp cua lặn sâu trong các giờ Triết học để la cà ở các quán cà phê Tao Nhân, Diễm, Thanh Quang (gần sân Tennis) nghe nhạc. Nhạc được giới học sinh ưa chuộng vào thời ấy là nhạc Pháp, nhạc hòa tấu Guitar của các ban The Shadow, The Venture, The Beatles, nhạc Trịnh Công Sơn... Một số bạn bè trong nhóm đã sớm rời bỏ ghế nhà trường như bạn Lê Văn Năm, nhập ngũ khóa 26 Trừ bị Thủ Đức và đã bỏ mình hy sinh trong Tết Mậu Thân. Bạn Võ Ngọc Vui cũng vậy, vào học cùng với tụi này vài tháng đầu tiên khi bắt đầu nhập học, rồi sau đó đi vào Sàigòn ghi danh theo học Đại học hay sớm lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của người trai thời chiến; nhiều bạn khác nữa mà nay nhắc lại, thực sự tôi quên hẳn tên họ của các bạn.
Trong nhóm vừa học vừa chơi, tôi còn nhớ một kỷ niệm thật sâu đậm, đó là vào dịp Lễ Chúa Giáng Sinh tại Phan Rang, nhóm này đã tụ tập tại nhà Trần Thanh Công gần cầu Nước Đá tổ chức “hùn tiền” mua gà vịt rồi tự nấu nướng một buổi tiệc vào nửa đêm do đầu bếp người Nại cùng lớp. Người thì đi chợ mua rau cải, bánh mì, kẻ thì cắt cổ, nhổ lông gà vịt, người khác thì nhóm lửa chẳng khác nào các bà nội trợ; ôi, không khí thật là vui vẻ, ồn ào như cả bọn đang tham gia lửa trại ở một nơi nào đó ngoài trời. Thực đơn gồm nhiều món, nhưng món ăn chính là gà nấu rượu, không biết người Nại này học lóm cách nấu nướng này ở đâu mà trông có vẻ chuyên nghiệp quá! Khi cả bọn dạo phố ngắm nhìn giai nhân ở các nhà thờ (không có dự lễ) Tấn Tài, nhà thờ thị xã gần Tòa Hành Chánh mãi gần nửa đêm rồi trở về tụ tập khoảng 10 người tại nhà Công Ròm dự tiệc nửa đêm (Reveillon) một cách ngon lành như ở nhà hàng. Thưởng thức một hai ly bia, san sẻ một vài điếu thuốc lá Salem thơm cay nồng như người sành điệu trưởng thành, rồi sau đó, cả bọn nghêu ngao ca hát văn nghệ vui chơi (không thua kém gì hát Karaoke bây giờ) đến gần sáng. Nhà bạn Trần Thanh Công rất rộng, ông bà già rất thương con nên nhóm chúng tôi đã “quậy” suốt đêm, một kỷ niệm ghi nhớ với các bạn cùng lớp Đệ Nhất B niên khóa 66-67.
Những kỷ niệm khác mà các bạn Đệ Nhất B vẫn còn nhớ đó là giáo sư phụ trách lớp, thầy Ngậc dạy Toán! Ông là vị giáo sư trẻ, khả ái, tận tâm giảng dạy vừa là giáo sư phụ trách lớp học; ông rất hăng say hoạt động xã hội nên có lần tất cả lớp Đệ Nhất B theo ông đến khu Bình Sơn, gần biển Ninh Chữ, suốt ngày phụ giúp cất nhà, dựng hàng rào, trồng cây dương dọc theo lề đường cho các người di dân lánh nạn vừa mới đến Phan Rang lập nghiệp. Khu này đã một thời phát triển rất nổi tiếng về nghề trồng Hành Tỏi, Nho... trước năm 1975, nay đã 40 năm qua nếu có dịp các bạn Đệ Nhất B về lại quê hương đi ngang qua khu vực sầm uất Bình Sơn này, ngắm nhìn hàng dương cổ thụ còn sót lại bên đường, sẽ chợt nghĩ rằng ngày xưa cũng có bàn tay của mình đã đóng góp, tạo dựng nên xóm làng ngày nay. Cảm ơn Thầy Ngậc đã hướng dẫn công tác xã hội cho lớp Đệ Nhất B năm ấy!
Nhóm bạn bè chơi rất thân của chúng tôi như Huỳnh Thanh Sơn (Bòn- bon), Quốc (lông), Trần Thanh Công (Ròm), Phan Thanh Mậu (người Hoa), Hàn Trúc Lâm, Lê Bá Tòng (thỏ thẻ), Trình Đế Đáng (Nại), Tăng Văn Hào (cao), Phan văn Hoàng (Cà Ná)... cũng hăng hái tham gia sinh hoạt của lớp học Đệ Nhất B về báo chí và văn nghệ. Vào dịp Tết Âm Lịch, đó là thời gian mà học sinh các lớp đều có chuẩn bị tập văn nghệ, viết bài, làm thơ để đăng bích báo (báo chí dán lên tường) trong lớp; chúng tôi kêu gọi các bạn cùng lớp cố gắng đóng góp bài viết để thực hiện một Đặc San Đệ Nhất B trong thời hạn ngắn, do đó nhiều nhà văn, nhà thơ học trò tập tễnh cố gắng sáng tác như bước vào lãnh vực báo chí thật sự. Thật là nhiêu khê vì lần đầu tiên thực hiện nên chúng tôi phải học và làm tất cả công việc như đánh máy và viết tay một số bài thơ, rồi cả nhóm tìm mua giấy, mua mực in và đi ra khu ngoài bến xe xóm Động tự mượn máy in quay bằng Roneo, cắt xén đóng tập khoảng 70-80 quyển chỉ đủ cho bạn bè cả lớp và thêm một số ít để tặng các giáo sư, bạn bè thân quen. Tết là dịp phát hành Đặc san và đấy cũng là năm đầu tiên tại trường trung học Duy Tân mà một lớp học đã thực hiện một Đặc San cho lớp học riêng của mình, Đệ Nhất B. Thật ra nội dung và hình thức tờ Đặc san Đệ Nhất B không có gì xuất sắc, nhưng đó là đứa con tinh thần, một lưu niệm khó quên mà ngày nay vẫn có người còn lưu giữ “Đặc San Đệ Nhất B” như một báu vật.
Ngoài ra nhóm chúng tôi cũng tích cực tham gia văn nghệ toàn trường nhân dịp Tết Âm lịch! Do sáng kiến của anh Phan Thanh Mậu, Hàn Trúc Lâm, nhóm chúng tôi tập luyện một bài vũ “Ngựa Phi Đường Xa”, anh Trần Thanh Công đệm đàn, Lại Văn Mười, Lê văn Cam phụ trách thiết kế hóa trang, y phục cho mọi người và trang trí sân khấu văn nghệ nhà trường. Trong đêm văn nghệ trên sân khấu hội trường lộng lẫy đầy màu sắc ở dãy nhà phía sau, chúng tôi gồm 7 kỵ sĩ y phục đen, phi ngựa ô rầm rập hí, hí... phụ hoạ theo lời hát điệu nhạc lúc chậm lúc nhanh, chuyển đổi vị trí trước sự vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt của khán thính giả học sinh trường Duy Tân năm ấy. Đặc biệt đêm văn nghệ toàn trường lúc ấy có một ban nhạc trẻ chơi nhạc Guitar điện như một ban nhạc chuyên nghiệp. Chiếc màn nhung màu đỏ của sân khấu vừa được vén lên thì khán giả chỉ thấy một bộ trống và các cây đàn điện dựng kế bên, người giới thiệu chương trình (có lẽ là anh Lê văn Cam) giới thiệu tay trống Lê Mimh Ánh (con nhà sách Tân Việt) bước ra cầm dùi gõ một hồi và đập mạnh vào tiếng phèng-la ngân vang, kế đó anh Lê Xuân Tý (Tý Gô) bước ra chào khán giả cầm cây đàn Bass, mở điện Amplify và dạo thử vài âm thanh trầm bùm bum búm bùm...,rồi kế đến Trình Đế Đáng thử đàn “rải” đệm một hợp âm nhạc điệu nhạc đệm (Acorde) nghe rào rào...và sau cùng anh Bông thử dây đàn Solo ấn cần nhún cho âm vang réo rắc lúc chùng lúc căng. Một tràng pháo tay vang dội ồn ào xôn xao dưới khán giả... đầy sự ngạc nhiên, thán phục! Dưới ánh đèn màu, các chiếc áo khoác bằng da sậm đen của ban nhạc óng ánh thật nổi bật trên sân khấu nhà trường! Nhạc phẩm “Apache” nổi tiếng vào thời ấy (1960-70) của ban nhạc The Venture đã được ban nhạc trẻ trường Duy Tân trình diễn không thua kém gì ban nhạc nhà nghề. Ban nhạc trẻ này đã để lại trong ký ức các bạn trẻ học sinh, đặc biệt nhiều nữ sinh cũng đến làm quen và xin chữ ký từng người; ban nhạc trẻ này đã lưu lại một ấn tượng, dấy động một trào lưu văn nghệ mới đang ảnh hưởng lớn mạnh nơi thành phố khô đầy gió cát...
Mãi vui chơi, hoạt động văn nghệ văn gừng, do đó chuyện học hành đã thiếu sự chuyên cần, kết quả kỳ thi Tú Tài II năm ấy, hầu hết nhóm chúng tôi đều bị “trượt vỏ chuối” nên phải học lại thêm một năm nữa dưới mái trường Duy Tân Phan Rang. Một số bạn bè cũ đã vào Sàigòn ghi danh học đại học, một số bạn lên đường làm nghĩa vụ người trai thời chiến với cuộc sống gió sương khói lửa, rồi một số bạn bè mới của lớp đệ nhị B thi đậu Tú Tài I qua, một số từ các trường tư thục xin vào học trường Duy Tân đã tạo nên một đệ nhất B cũng đầy đủ màu sắc, nhưng chính yếu cũng là nhóm của chúng tôi đông đảo còn sót lại. Giáo sư Ngậc vẫn là người phụ trách lớp nên ông biết và hiểu rất rõ về học lực cũng như khả năng công tác xã hội và mức độ “quậy” trong lớp của chúng tôi rất nhiều. Cũng nhờ học lại có nhiều kinh nghiệm nên nhóm của chúng tôi hiểu nhanh các bài giảng và làm bài tập cũng trôi chảy dễ dàng hơn các bạn mới từ các lớp đệ nhị B lên, do đó nhóm chúng tôi có nhiều thời giờ nhàn rỗi và gặp nhau thường xuyên trong những lúc ngồi uống cà phê nghe nhạc, tình bạn trở nên gắn bó nhiều hơn. Một số bạn mới của lớp đệ nhất bao gồm ban A, ban B và Anh văn Pháp văn niên khóa 67-68 tôi còn nhớ như các bạn Lê Mộng Hoàng, Thông (em cô Sương), Lê Xuân Tý (Tý gô), Quảng Tài (Chàm), Hàng Trung Cường,Trần văn Măng, Trương Minh Dũng (Bi-da), Công (Tri Thủy), Lê văn lợi, Trần văn Lương (Nại), Phạm Đức, Ngô Duy Tuấn, Bảo (Phước Đức), Dương Huỳnh Quí ( Ù), Hưng (Tàu), Huệ (Cửa), Trịnh Xuân Mô, Duận (nhà thờ), Sửu, Hoàng văn Tý (Tý bờm), Bửu (Tháp Chàm)... Bên nữ sinh: Kim Nhi, Hồ thị Anh, Xuân Mai, Hữu Hoa, Hương, Liên Hương, Nguyễn thị Vân (hát hay), Phạm Hoàng Phấn... Giờ đây khi tôi đang nhắc (điểm danh) tên các bạn cùng một lớp đệ nhất năm nào thì hình ảnh khuôn mặt, nụ cười ngày xưa như chợt hiện đâu đây trong dòng tâm thức đang tuôn tràn bao kỷ niệm của thời học sinh dưới mái trường Duy Tân, các bạn đang ở đâu rồi nhỉ, hãy tập hợp, sắp hàng vào lớp!!..
Tôi còn nhớ vào dịp Tết, giáo sư Ngậc phụ trách lớp có tổ chức đêm giao thừa nấu bánh chưng, bánh tét tại trường Duy Tân và lớp đệ nhất B, một đêm không ngủ bên lửa trại toàn trường. Nhóm chúng tôi, đảm trách phần văn nghệ giúp vui cho toàn trường và do sự hướng dẫn tổ chức của thầy Ngậc. Các bàn học được kê sát và cột chặt lại với nhau để làm thành một sân khấu trình diễn văn nghệ dã chiến, chúng tôi treo màn, trang hoàng phong cảnh... như một rạp hát lộ thiên ngay cạnh góc dãy nhà các lớp đệ nhất mà hậu trường là các phòng lớp học. Chúng tôi ăn mặc áo dài khăn đóng, y phục cổ truyền dân tộc Việt Nam, rất buồn cười vì mượn áo các vị cao niên nên rộng thùng thình, để đứng ra giới thiệu chương trình. Trong tiết mục tam ca “Chúc Tết, Mảnh Bằng...” do các bạn, Trình Đế Đáng, Lâm Minh Ngọc và Trương văn Quốc diễn xuất bắt chước ban nhạc AVT thời ấy cũng được các khán giả ái mộ hoan nghênh, nhất là bài hát “Mảnh Bằng” rất hợp tâm trạng với học sinh sắp đến mùa thi cử. Ban vũ “Ngựa Phi Đường Xa” lại được nhóm chúng tôi trình diễn thêm một lần nữa, lần này tưởng chừng như các bàn học trò dùng làm sân khấu sẽ bị gãy đổ bởi vó ngựa của các kỵ mã áo đen đang phi nước kiệu rầm rập rầm rập... rồi tiếp theo một bài hát “Tiếng Dân Chài” với một hoạt cảnh rất ngoạn mục, đó là chiếc ghe to lớn đã được tôi sơn phết màu mè hết mấy ngày như thuyền đang lướt trên sóng nước, nhóm chúng tôi đứng bên cạnh trong ghe, tay cầm chèo bơi cùng một động tác, miệng thì hát theo bài hát được được thu sẵn. (Chiếc ghe này, bạn Lâm Minh Ngọc đã mượn dùng làm phương tiện “vượt biên” sau này?!..) Đặc biệt, hợp ca “Hòn Vọng Phu I, II, III” vô cùng sống động, bi hùng do nam và nữ sinh của hai lớp A+ B (do thầy Lê Cảnh Em dạy Lý Hóa luyện tập) trình diễn không thua kém gì ban “Ngàn khơi” bây giờ tại hải ngoại; nhiều tiết mục đơn ca khác của các nữ sinh mà nay tôi không nhớ rõ tên, trong số này có lẽ anh Vũ Hùng và cô em Kim Dung, đồng hương Ninh Thuận của chúng ta hiện tại cũng đã tham gia giúp vui vào dịp ấy. Ngoài vòng thành nhà trường đã có nhiều khán thính giả bên ngoài leo lên tường thành, ngồi để thưởng thức, bên dưới sân khấu là các học sinh toàn trường đến tham dự và cùng với lớp đệ nhất Trung học Duy Tân “một đêm không ngủ” trong dịp Tết Nguyên Đán. Tiếng nhạc, lời ca, tiếng reo hò, vỗ tay tán thưởng của các bạn học sinh như vẫn còn vang vọng nơi đây trong tâm trí khi tôi đang hồi tưởng những kỷ niệm vô cùng tuyệt vời của năm cuối cùng học lớp đệ nhất trường trung học Duy Tân niên học 1966-1967 và 1967- 1968.
Tất cả bạn bè cùng trường cùng lớp sau khi học hết năm đệ nhất dưới mái trường Duy Tân thân yêu đã tản lạc khắp nơi, người thì thi hành nghiã vụ người trai thời khói lửa, kẻ vào Đại Học, người thì lập gia đình, xa quê nhà, ly hương khắp trên thế giới nhất là sau biến cố ngày 30 tháng Tư năm 1975, trong số này đã có người về vĩnh biệt bạn bè người thân, người còn ở lại quê hương Việt nam, kẻ tha phương cầu thực nơi xứ lạ quê người và một số ít đang ở tại Nam Cali nhưng cũng hiếm khi được ngồi lại với nhau mà nhắc về những kỷ niệm thời học sinh đã hơn 40 năm qua của mình. Trong số bạn bè cùng học năm đệ nhất cùng niên khóa và chỉ khác ban A hay B hoặc Anh Văn hay Pháp văn, nhưng không ngờ cái DUYÊN HỘI NGỘ trong buổi văn nghệ ấy lại là cái NỢ PHU THÊ của 17 năm sau, khi tôi kết hôn với một trong số các cô “ca sĩ lừng danh” đệ nhất A hợp ca liên khúc “Hòn Vọng Phu I, II và III” năm nào.


Người Nại

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân