TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trường Tôi - Bài một : Cơn lũ năm Thìn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trường Tôi - Bài một : Cơn lũ năm Thìn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
le thuy tien



Ngày tham gia: 03 Nov 2008
Số bài: 94

Bài gửiGửi: Wed Nov 12, 2008 5:40 pm    Tiêu đề: Trường Tôi - Bài một : Cơn lũ năm Thìn
Tác Giả: Lethuytien

( tiếp theo ...Tiếng thét giữa Trường Khuya )

Cơn lũ năm Thìn

Có lần tôi nghe thầy Khánh nói : " Mỗi người có số phận ; mỗi lớp, mỗi trường có số phận , mỗi tỉnh cũng có lá số tử vi riêng cho mình"...
Trường tôi cũng có số phận riêng, gắn liền với những biến động , kể cả biến động của đất trời...
Giờ này quê nhà đang đón lũ. Cơn bão số 9 đã tha , không vào ; nhưng áp thấp nhiệt đới đang cách bờ 400km....

"Ông tha mà bà không tha
Trời làm cái lụt hăm ba tháng mười ..." Câu này xuất xứ từ đất Bắc , nhưng đúng vô cùng với PhanRang mình, nơi đón nhận những lần bão cuối năm...
Hôm nay là mười sáu, tháng mười âm .
XX
Tôi vào Đệ thất năm sáu ba , thì sáu tư Giáp thìn lụt lớn ...
Chín giờ sáng , tiếng trống hộ đê khắc khoải điểm trong mưa , sau bão. Chín giờ rưỡi , trống ngũ liên năm tiếng một , thúc liên hồi ...Cha tôi nói :- Không khéo đê vỡ mất !...

Mười giờ , tiếng trống im bặt , nước réo sôi :- Đê vỡ...
Nước "bò" lên từng phút trên vách nhà...Hướng Ngô quyền - Hùng Vương , sau lưng trường Duy Tân ...nước tuôn như thác , những nơi đó lũ đã phá đê...

Nước cuốn trôi những nao nức hội hè đón tết ; những nếp trắng , đỗ xanh , đường vàng mật ngọt...cả những tràng pháo thuở yên bình...Lũ về tháng mười một, những ngày cận Tết...

Ngày ấy PhanRang mình nhỏ bé ...Chỉ những nhà ở đường Thống nhất mới có tầng hai , là nơi cưu mang bà con trong làng, trong hẽm. Mẹ tôi, em gái và thằng út trú ở nhà Bác TS , ngày ấy trước Trường Nam... Còn tôi và cha chiến đấu đến cùng ...nên không thoát được , ngồi trên nóc đình béton hàng vải chợ Dinh (nóc đình này xây thời Tây- mới phá đi năm ngoái )...mưa lạnh thâu đêm dõi theo hơi thở từng mạch nước...

Cơn lũ chỉ ở một đêm , mà tan hoang...
Sau lũ, tôi lên trường rất sớm , ở đó đã có mấy người bạn. Trường ta sập hai lớp học ( bây giờ là hành lang Ban Giám hiệu điều hành lễ chào cờ ngày thứ hai- trường Nguyễn Trãi).
Một lỗ xoáy sâu như hố bom; sâu hơn tám mét, rộng hoác ...nhìn phát sợ . Đau lắm , một lớp sập là lớp tôi , còn lớp kia là của... Ở giữa là hố sâu , số phận !

Cây cầu Đạo Long, bị nước cuốn trôi . Cây cầu ngày ấy chỉ có một làn xe ; ở giữa có hai khoảng rộng để xe hơi tránh nhau. Tôi đứng bên này sông , nhìn cầu , tiếc ngẩn...
Tiếc những đêm mùa hạ , sáng trăng , dân thị xã lên ngồi thành cầu hóng mát, đông vui . Ngày ấy mấy nhà có điện , mấy nhà có quạt điện...
Thời ấy quê nhà yên bình , những biến động thời cuộc như còn ở đâu đó , bưng biền...
Đứng trên cầu , nhìn dòng sông dát vàng ánh trăng , mới thấy vì sao những bài hát năm xưa không phai nhạt ở tim người...
Thế hệ chúng tôi sao quên được những bài hát của Ngọc Cẩm , Nguyễn Hữu Thiết .
" ...Ai đang đi , trên đường đê , tai lắng nghe muôn câu hò đê mê...Vô đây em , dù trời khuya anh vẫn đưa em về - anh sẽ đưa em về ..."

Ngày ấy , nghèo mà vui lắm . Ngày ấy hội hè Trường ta cũng lớn nhiều . Có lớp đàn anh đã tổ chức đêm văn nghệ bán vé tận Đà Lạt...Không hiểu sao đàn anh giỏi vậy...?

Cùng với quê nhà yên bình, ai cũng đẹp , nhất là nữ sinh trường ta ...Xóm tôi có chị Cúc đã ra trường ...Còn chị Hien , Chị Lam đệ nhất cấp.
Nữ sinh trường ta đẹp lắm , tôi tập tành viết lách cũng nhiều , mà bao năm không tìm được câu nào để diễn đạt...

Nếu tôi được như thi sĩ Hoàng Cầm . Và tôi nghĩ , chỉ có Hoàng cầm mới diễn đạt được những bè bạn, hội hè ngày ấy ....

"Những nàng môi cắn chỉ quết trầu

...Có nhớ từng gương mặt búp sen
Cười như mùa thu trở nắng ...."

Lethuytien


Kỳ sau : Bác Cai trường


Được sửa bởi le thuy tien ngày Thu Nov 13, 2008 5:04 pm; sửa lần 8.
Về Đầu Trang
Dư khánh



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 436

Bài gửiGửi: Wed Nov 12, 2008 8:26 pm    Tiêu đề:

Cô cháu Thùy Tiên này thật rắn mắt ...tui ở hongkong mới dìa sao không nói sớm để tui mang báo dìa ...bán báo kiểu này người đọc chán bỏ đi mua báo khác đó cháu ơi ,tiền đâu mà mua cá orange rouhpy cho ba cháu nhậu !!!
Về Đầu Trang
le thuy tien



Ngày tham gia: 03 Nov 2008
Số bài: 94

Bài gửiGửi: Thu Nov 13, 2008 5:13 pm    Tiêu đề: Mưa rồi đó

Mưa rồi đó
4 giờ sáng (VN) , thứ sáu Nov 14. ..Áp thấp nhiệt đới , gió cấp 7 đang chuyển theo hướng Tây 11 độ , vĩ độ bắc, hướng quê nhà. Mưa đã nặng hạt rồi ...Tôi đi pha một ly cafe đây...Bên ấy ...có bạn nào đi làm về chưa ?
Về Đầu Trang
Hung T



Ngày tham gia: 21 Oct 2008
Số bài: 64

Bài gửiGửi: Thu Nov 13, 2008 7:53 pm    Tiêu đề:

Nhìn bà con được rồi : cha của cô cháu Thủy Tiên là đàn anh trên chú một lớp hay hơn thế nữa : cha cháu nhập trường năm 63, còn chú vào Duy Tân năm 64 được vài tháng thì hưởng lụt năm Thìn, chú vào thất2 của thầy Khánh nằm sát thang lầu bên phía trái nên được an toàn xa lộ. Lũ lụt đã quậy hố bom và kéo đi nửa phòng ở dãy nhà trệt của các lớp đàn anh ( có lẽ cha của cô bé học ở phòng này chăng ? )
Nhớ lại mới thấy trường mình nhỏ bé, dãy lầu vậy đó mà chỉ có 4 phòng dưới với 4 phòng trên, lại ưu ái cho mấy ông nhỏc mới vào, thất1, thất2, thất3, thất4 dàn hàng ngang chiếm hết tầng trệt.
Sau lụt trường liên kết lầu với trệt bằng thêm 2 phòng trên lầu với 2 phòng dưới với một đường luồng.
Cũng nhớ cơn lụt dữ thần năm đó đã lấy đi của lớp chú một người bạn : Hồ Văn Bửu đã theo thuyền ra cửa biển.
Chú có thể nhớ đúng, cũng có thể sai. Bé Thủy Tiên hỏi lại cha xem, nhớ là lúc ông ấy chưa có ...xị nào trong bụng.
Cảm ơn cô cháu Thủy Tiên nhiều nhiều ...
Về Đầu Trang
le thuy tien



Ngày tham gia: 03 Nov 2008
Số bài: 94

Bài gửiGửi: Thu Nov 13, 2008 10:04 pm    Tiêu đề: Ba con ...sai rồi !

Gửi Bác Hung T
Hỏi lại ...Cha rồi , cha nhớ sai có ba trăm sáu mươi lăm ngày. Có thể "ổng " giả ngộ ...sai , để nói "ổng " với "bả " , hai lớp khác nhau , cho ...tiểu thuyết một ...tí. Cũng có thể "Ổng " sợ lộ tung tích, "người ta" về đòi ...nợ. Mà Bác Hung T một vừa hai phải thôi ..."Ổng" còn nhiều đòn ...độc lắm . Ổng mà post vài hình nữa , chắc Bác ...Hung T ...tàng hình ...
Mưa vẫn đang lớn lắm , Bác Hung T- Lethuytien
Về Đầu Trang
Hung T



Ngày tham gia: 21 Oct 2008
Số bài: 64

Bài gửiGửi: Fri Nov 14, 2008 6:52 pm    Tiêu đề:

" Dị " là ổng chịu " Ở Lại " một năm, xuống học cùng chung với tụi chú. Thế là vui rồi.
Hoan hô cô cháu Thủy Tiên.
Về Đầu Trang
le thuy tien



Ngày tham gia: 03 Nov 2008
Số bài: 94

Bài gửiGửi: Sun Nov 16, 2008 5:15 pm    Tiêu đề:

Bão số 10 !

Nov 17/2008 -4 giờ sáng (VN) Bão số 10 hình thành ngoài khơi ngày hôm kia ; giờ này cách biển P Rang khoảng 100 miles. Dự kiến chiều nay Bão vào bờ .Trời bắt đầu mưa !
.
Về Đầu Trang
Hung T



Ngày tham gia: 21 Oct 2008
Số bài: 64

Bài gửiGửi: Sun Nov 16, 2008 7:20 pm    Tiêu đề:

Thủy Tiên ơi,
Canh chừng Ổng giúp các chú với,
Ở xa, cứ sợ :
NGƯỜI Đi TRONG MƯA, NGƯỜI VỀ BÃO TÁP.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Tue Aug 04, 2009 1:56 am    Tiêu đề:

Thật sự ra, Phan Rang năm nào cũng có lụt. Bây giờ Phan Rang ra sao thì không biết. Phan Rang thời thập niên 60s, 70s của thế kỷ trước thì năm nào cũng có lụt. Trận lụt năm Giáp Thìn là trận lụt lớn và dữ dội nhất.

Phan Rang là vùng nóng nhất, khô nhất nước. Trời ít mưa. Khi trời mưa dầm 2 ngày liền, đến ngày hôm sau là nhiều vùng trũng thấp ở Phan Rang bị ngập nước. Nước dâng lên rất nhanh và nước rút xuống cũng rất nhanh. Đó là đặc điểm lũ lụt ở Phan Rang.

Người dân Phan Rang vào năm Giáp Thìn tuyệt đại đa số vẫn còn nghèo. Người ta không có gì nhiều để mất trong trận lụt. Sau lụt, đời sống và trật tự xã hội được tái tạo nhanh chóng. Sau một vài ngày người dân ăn gạo hẩm bị ngập nước, cứu trợ gạo Mỹ hột tròn nhanh chóng tiếp tế cho dân chúng. Không một ai chết vì đói. Vấn đề khẩn trương lúc ấy là lụt lội ảnh hưởng môi sinh, nguồn nước bị ô nhiễm có khả năng gây dịch.

Sau trận lụt, dân Phan Rang trời thương, có sức kháng bệnh cao. Không ai bị dịch. Người dân nhà nhà kiểu giếng. Chính quyền tẩy trùng và xịt DDT trừ dịch.

Phan Rang xưa nay không phải là vùng đất nông nghiệp. Vì vậy lụt lội không ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế xã hội. 75% diện tích Ninh Thuận là đồi núi. Các mãnh ruộng lúa gạo ven biển thì nhỏ hẹp, khô cằn. Hình ảnh các bụi xương rồng có gai dài sắc bén mọc khắp nơi đã nói lên mức độ khô hạn của khí hậu Phan Rang Ninh Thuận. Ruộng đồng Phan Rang không đủ nuôi sống người dân địa phương. Dân Phan Rang Ninh Thuận vẫn sống nhờ gạo từ các nơi khác chở về. Sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Phan Rang là hành tỏi và cà chua. Hành tỏi Phan Rang cung cấp nhiều thị trường trong nước. Cà chua Phan Rang ngon và to nhất nước.

Biển Phan Rang là một ngư trường quan trọng, không những cho nền kinh tế Phan Rang Ninh Thuận, mà có tầm vóc quốc gia. Dân Phan Rang thiếu rau thiếu thịt, nhưng không bao giờ thiếu cá. Cá ở Cửa được ngư dân đánh bắt, cá ăn không hết phải phơi khô, làm mắm, và muối nước đá chở đi bán các tỉnh khác.

Nước mắm Phan Rang ngon số một. Người dân VN biết nhiều về nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc. Nhưng ít ai biết nước mắm Phan Rang. Đây là cái dỡ, sự thiệt thòi cho người dân Phan Rang. Doanh nhân Phan Rang không biết tạo thương hiệu nước mắm của xứ sở mình. Nước mắm Phan rang có độ đạm cao nhất nước. Nước mắm làm toàn cá cơm nên độ đạm cao. Nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc làm bằng cá tạp, không ngon và chất lượng kém hơn nước mắm Phan Rang.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Tue Aug 04, 2009 2:36 am    Tiêu đề:

Hầu hết người dân thị xã Phan Rang vào năm Giáp Thìn và nhiều năm sau đó vẫn sống bằng nguồn nước sinh hoạt là nước giếng.. Nước giếng Phan Rang trong và mát ngọt. Đấy giếng có cát vàng màu mỡ gà. Mạch nước không mạnh, nhưng đủ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Mỗi năm vài lần, người dân kiểu giếng, cho nước trong và ngọt hơn. Kiểu giếng là cách ngừoi dân làm sạch giếng bằng cách làm cạn giếng nhiều lần liên tiếp, kỳ cọ rửa ráy rong rêu, làm cho nước giếng sạch sẽ vệ sinh hơn.

Ở gần cái khu đất mà sau này người ta xây Thư Viện của tỉnh, người Pháp để lại thị xã Phan Rang một nhà máy nước có một tháp nước cao cao, trên có một bồn nước nho nhỏ. Hình hài kích thước của bồn nước này từ thời Pháp thuộc cho đến thập niên 70 và có thể nhiều năm sau đó nữa vẫn là một. Kích thước bồn chứa của nhà máy nước Phan Rang cho ta thấy rằng từ lâu chỉ có một thiểu số người dân thị xã sống bằng nước máy. Còn lại đa phần người dân sống bằng nước giếng.
Về Đầu Trang
huongdongconoi



Ngày tham gia: 27 Nov 2008
Số bài: 35

Bài gửiGửi: Thu Aug 20, 2009 8:05 pm    Tiêu đề:

Anh Thất-Pháp thân-mến:

Nghe anh nói về giếng nước ở PR làm nhớ lại mấy cái giếng trong xóm. Xóm đây là xóm nhà Thờ, chắc chắn là khong nhiều...long tàng hổ phục như xóm MTT của bạn Ngọc Lâm, song cùng không thiếu những chuyện li-ki rùng rơn. Có lẽ cả xóm có chưng 75 hộ, chia làm xóm trên và xóm dươi.
Xom trên có nước máy (nhờ nước dẫn từ bồn nước mà anh TP kể ở trên) cho dược chừng 20 gia-đình
Xom dưới thì có một cái giếng để dùng làm nươc nấu ăn cũng như giát-giủ cho những gia-đình còn lai.
Ngày xưa nghe nói co nhiều mối tình từ những...fontaine của những người gánh nước mướn ở SG; trong bao khu xóm của quê nhà PR, chắc cũng có bao nhiêu mối tình từ những cái giếng cần thiết và đầy yêu thương này...

HDCN
Về Đầu Trang
Đỗ Trường



Ngày tham gia: 24 Dec 2008
Số bài: 21

Bài gửiGửi: Fri Aug 21, 2009 5:38 pm    Tiêu đề:

Lụt năm thìn : lần trang sách cũ : Việc từng ngày -Đoàn Thêm



Tin lũ quê nhà-13 tháng 12 -1964




Được sửa bởi Đỗ Trường ngày Sat Oct 24, 2009 3:59 pm; sửa lần 3.
Về Đầu Trang
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Fri Aug 21, 2009 7:20 pm    Tiêu đề:

Đỗ Trường ,
Cơn lụt năm Giáp Thìn đã trải qua 36 năm mà Đỗ trường vẫn còn giữ được quyển sách " 1945 - 1964 việc từng ngaỳ hai mươi năm qua " cuả Đoàn Thêm. Tuy nhìn quyển sach cũ kỷ nhưng những tin tức trên tấm hình vẫn  cho thấy tin tức và tình hình chiến sự lúc bấy giờ. Thêm một nhân tài Duy Tân xuất hiện nữa. Welcome Đỗ Trường đến với diễn đàn THDT.
Mong sẽ nhận bài viết cuả anh.
Thân mến
SW
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Sat Aug 22, 2009 5:38 am    Tiêu đề:

huongdongconoi đã viết :
Anh Thất-Pháp thân-mến:

Nghe anh nói về giếng nước ở PR làm nhớ lại mấy cái giếng trong xóm. Xóm đây là xóm nhà Thờ, chắc chắn là khong nhiều...long tàng hổ phục như xóm MTT của bạn Ngọc Lâm, song cùng không thiếu những chuyện li-ki rùng rơn. Có lẽ cả xóm có chưng 75 hộ, chia làm xóm trên và xóm dươi.
Xom trên có nước máy (nhờ nước dẫn từ bồn nước mà anh TP kể ở trên) cho dược chừng 20 gia-đình
Xom dưới thì có một cái giếng để dùng làm nươc nấu ăn cũng như giát-giủ cho những gia-đình còn lai.
Ngày xưa nghe nói co nhiều mối tình từ những...fontaine của những người gánh nước mướn ở SG; trong bao khu xóm của quê nhà PR, chắc cũng có bao nhiêu mối tình từ những cái giếng cần thiết và đầy yêu thương này...

HDCN


Giếng làng, cây đa đầu đình luôn luôn là những chứng nhân thầm lặng, rất kín mồm kín miệng trước những mối tình của cha ông chúng ta.

Trong cách đánh giá một xã hội, Liên Hiệp Quốc có lấy chỉ tiêu con số thống kê phần trăm số gia đình có nước máy (running water) trong một quốc gia để đánh giá. Xóm gần nhà thờ của bạn HĐCN là xóm nằm gần đại lộ Thống Nhất, gần Tòa hành Chánh tỉnh. Theo như dữ liệu mà HĐCN đưa ra thì trên 65% (55/75) hộ gia đình xóm nhà thờ chưa có nước máy. Một khu dân cư nằm ở trung tâm thành phố mà tỷ lệ hộ gia đình không có nước máy như thế là hơi quá cao. Những khu phố xa đại lộ Thống Nhất, xa Tòa Hành Chánh thì có lẽ số phần trăm hộ gia đình không có nước máy chắc phải cao hơn, có khi là 100%.

Nước là nhu cầu hàng ngày, hàng giờ của con người. Người ta có thể nhịn ăn 3 ngày hay nhiều hơn, nhưng nhịn uống thì không được như vậy. Nếu có được thì hai quả thận cũng sắp thành đồ phế thải.

Người dân phải sống, phải tìm ra nguồn nước để sống. Giếng làng là một đáp ứng nhu cầu nước của người dân. Ngày đó xây một cái giếng rất tốn kém và khó khăn. Tốn kém là lẽ đương nhiên. Khó khăn là tìm chổ để đào, chổ có mạch nước, và là mạch nước sạch. Chuyện ngày đó cả làng, cả khu xóm chỉ có một cái giếng là chuyện bình thường. Vì vậy, giếng làng là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng. Sinh hoạt nào thì cũng ẩn chứa sinh hoạt ái tình trong đó. Tình ái là vấn đề muôn thủa mà.

Có cựu học sinh Duy Tân nào có nhớ trường mình có cái drinking fountain nào để cho học sinh uống nước không vậy? Thất Pháp cố moi trí nhớ, dường như là không.

Anh HĐCN thân mến,

Anh có lối viết ngắn, đoản đao. Ngắn mà bén, nhiều tính khêu gợi, khêu động, và cũng có khi là khiêu khích nữa. Nhớ cách đây mấy hôm, anh kể chuyện người anh chở xuống Cửa, ba ga phía sau phải chở người hàng xóm, anh phải ngồi cú rũ cù rù phía sau ghi đông của chiếc xe đạp đầm mà giờ này tôi nghĩ lại thấy vẫn muốn cười muốn bể bụng. Anh muốn nhắc đến một hình ảnh khôi hài của một thời trong dĩ vãng.

Ở Hoa Kỳ có đại minh tinh bốc lửa Marylin Monroe. Ở VN có những thiếu nữ nhà nghèo phải đi gánh nước mướn được người ta gọi là Mary Fontaine. Âm nhạc mà họ nghe thì bị bỉu môi là nhạc của Mary sến.

Người mình ngày đó đôn hậu, có nhiều tính tốt nhưng cũng có nhiều tật xấu mà bây giờ chúng ta phải nghiêm khắc nhìn lại mà lên án, ít nhất là phải tránh đi.

Trong sự phân loại âm nhạc, Duke Ellington, đại nhạc sỹ nhạc Jazz của Hoa Kỳ đã một lần phân loại âm nhạc  là chỉ có Nhạc Hay và Nhạc Dỡ. Âm nhạc làm hài lòng (pleasing) lổ tai một nhóm người này thì gọi là Nhạc Hay, nhưng không làm hài lòng lổ tai nhóm người khác thì gọi là Nhạc Dỡ. Không có loại âm nhạc nào là Nhạc Mary Sến. Nhạc hay mà người chơi dỡ thì cũng thành Nhạc Dỡ. Sự thật là không có ai có lổ tai giống y chang người khác. Cãi Lương -Vọng Cổ đã làm hài lòng lổ tai nhiều người,  như vậy trong ý nghĩa Musical Culture (Văn hóa Âm nhạc), Cãi Lương - Vọng Cổ vẫn là âm nhạc hay, là âm nhạc của quần chúng (music of the people). Nhiều học sinh, sinh viên ở nhà mê Cãi Lương - Vọng Cổ như điếu đổ, nhưng ra đường thì dấu nhẹm cái sở thích âm nhạc của mình, sợ để lộ ra thì bị người khác chê là đồ nhà quệt, là đồ Cãi Lương.

Ái tình là nhu yếu của loài người. Ai ai cũng có nhu cầu tình ái. Đó là nhu yếu bảo tồn giống nòi, phải sinh con đàn cháu đống tràn khắp thế gian này, đó là nhu yếu muốn được làm cha và nhu yếu muốn được làm mẹ để giữ gìn nòi giống. Mỗi hoàn cảnh, người ta có phương cách thể hiện tình ái khác nhau. Và cũng không có ái tình nào là ái tình Mary Fontaine, một tên gọi mỉa mai một thành phần kém may mắn trong xã hội.

Chúng ta tránh bỏ, lên án những thói hư tật xấu của thời các bậc trưởng thượng không có nghĩa là chúng ta lên án các bậc trưởng thượng. Tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta thương con thương cháu, trìu mến mua thịt ba chỉ, nấu nồi thịt kho tàu váng đầy mỡ béo ngậy là lúc đó các bậc trưởng thượng muốn thể hiện lòng yêu thương đến chúng ta. Thời đó khoa học chưa cho họ biết cái hại của bệnh máu cao mỡ (hyperlipidemia). Bây giờ khoa học đã cho chúng ta biết, chúng ta phải đã phá cái thói quen ăn thịt mỡ, và điều này không có nghĩa là chúng ta đã phá các đấng sinh thành, các bậc trưởng thượng. Không ai có quyền oán hận cha mẹ mình vì ngày nay mình đang bị bệnh máu cao mỡ.

Trẻ con ngày xưa tiêu chảy, cha mẹ ông bà chúng ta lúc đó bị giới hạn hiểu biết, không cho con uống nước, sợ bị chảy tiếp tội nghiệp con. Nhiều đứa trẻ chết oan về sự giới hạn hiểu biết này.

Thương cho roi cho vọt nhiều khi là sự lợi dụng sự thể hiện quyền uy. Nhiều trẻ con, nhiều học trò bị ngược đãi dưới lá chắn của thứ "tình thương" này.
Về Đầu Trang
huongdongconoi



Ngày tham gia: 27 Nov 2008
Số bài: 35

Bài gửiGửi: Sat Aug 22, 2009 6:26 pm    Tiêu đề:

Khi viết mấy chữ bên trên, có mấy chữ có khi làm anh Thất Pháp phiền lòng chứ thiết tình người viết không có ý coi nhẹ hay tâng bốc ai.

Ai trong chúng ta mà không có một chút.." Thầy U mình với chúng mình chân Quê" như Nguyễn Bính đã từng tâm sư. Ông bà, cha mẹ và anh chi em cũng như chính người viết  cũng là gốc lao động mà thôi...

Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Nhớ công bao kẻ cấy cầy vì ta...

Lời nhắn nhủ tuy môc mạc nhưng biểt bao chân tình nào dễ mấy ai quên...

À, mà anh Thất Pháp này, có khi nào anh thắc mắc là có nhiều đia-danh cũng như thương nghiệp ở PR mình có tên bắt đầu bằng chữ Tấn---như là Tấn Tài, Tấn Lộc, Tấn Lợi và...Tấn Phát...không ?

Tình thân,
HDCN
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Mon Aug 24, 2009 5:45 am    Tiêu đề:

huongdongconoi đã viết :
À, mà anh Thất Pháp này, có khi nào anh thắc mắc là có nhiều đia-danh cũng như thương nghiệp ở PR mình có tên bắt đầu bằng chữ Tấn---như là Tấn Tài, Tấn Lộc, Tấn Lợi và...Tấn Phát...không ?

Tình thân,
HDCN


Anh HĐCN mến,

Anh có câu hỏi rất hay,

Có lẽ ước nguyện muốn được tinh tấn thành đạt, dân Phan Rang mình có nhiều tên gọi bắt đầu bằng chữ Tấn như Tấn Tài, Tấn Lộc, Tấn Lợi, Tấn Phát ...

Thất Pháp xin kể tâm sự của một anh bạn ở Tiểu học, sau này anh có hai đứa con, đứa con trai đầu tên Tấn, đứa con gái kế tên Tới.

Tôi quen Anh từ khi mới vào lớp Năm tiểu học. Đến năm lớp Nhì thì Anh nghĩ học ngang xương.

Lũ tôi trong lớp đứa nào cũng gọi Anh là Anh vì Anh rất lớn tuổi, lớn hơn hẳn những bạn đồng lớp. Anh lớn hơn tôi 4 tuổi. Tôi vào lớp Năm khi mới 5 - 6 tuổi thì Anh đã lên 9 lên 10 rồi. Thời đó có nhiều anh chị đồng lớp lớn tuổi hơn là chuyện thường. Nhưng trường hợp lớn tuổi hơi nhiều như Anh là hơi hiếm. Nếu ai đã từng học qua một chút về Tâm Lý Phân Tích (Phân Tâm Học = Psychoanalysis) tức phương pháp tìm hiểu đời sống tâm lý con người, và học qua một chút về Sự Phát Triễn của Trẻ Con (Child development) thì biết rằng sự khác biệt tuổi tác này cũng là sự khác biệt của hai thời kỳ tâm lý rất khác nhau. Anh năm nào cũng được thầy cô giao làm lớp trưỡng. Anh chững chạc, hiền lành, đứng đắn, lúc nào cũng tử tế chăm sóc các bạn học như người anh cả chăm sóc đàn em thơ, từ chuyện chùi mủi, rửa tay rửa mặt, đến chuyện dỗ dành các bạn nhỏ khóc nhè, sửa soạn lại bộ đồ sốc xếch của các bạn, phân xữ chuyện phải trái khi các bạn cùng lớp có mâu thuẫn với nhau. Anh học giỏi. Anh luôn luôn được điểm 10 trong các bài chính tả và toán đố. Anh viết chữ đep, bài vở sạch sẽ gọn gàn. Anh làm toán nhanh và đúng hơn các bạn học cùng lớp. Anh thuộc bảng cửu chương làu làu.

Nhà Anh ở dưới quê thuộc ấp xã nào tôi không biết. Anh được cha mẹ gửi lên Dinh để hòng kiếm chút chữ,  để biết đọc biết viết cho giống người ta. Anh đi ở cho một gia đình, một dạng loại ở đợ không công, chỉ mong ngày nửa buổi cấp tập đến trường kiếm chút chữ. Đi học về Anh làm việc nhà quần quật. Anh biết gánh nước, bửa củi, nấu cháo heo, ẳm em và mỗi ngày phải giặt hàng thau đồ đầy nhóc quần áo.

Một ngày kia vào năm lên lớp Nhì thì Anh biến mất, không còn thấy đến trường nữa. Hỏi thăm thì có người nói rằng ở quê, người anh lớn của Anh đã đến tuổi đi quân dịch, vào lính Cộng Hòa. Nhà Anh không còn người đi cắt cỏ và chăn hai con bò kéo xe và một con nghé. Anh bỏ học về quê cắt cỏ, chăn bò. Ai thuê mướn thì Anh dí họ đánh xe bò đi chở củi mướn. Ngày đó Phan Rang mình vẫn còn lệ thuộc vào những phương tiện chuyên chở thô sơ như xe bò, xe ngựa, và xe ba bánh.

Chăn bò một thời gian, đàn bò của Anh đi lạc, đạp phải mìn claymore chết banh xác. Đàn bò chết, nhà Anh không còn phương tiện để làm ăn sinh sống. Anh thất nghiệp, cả gia đình dọn về nhà người chú họ ở Sơn Hải. Anh làm rẫy, trồng dưa hấu kiếm sống nuôi gia đình qua ngày. Cho đến ngày 16 tháng 4 năm 1975, anh theo người chú họ từ Sơn Hải về Tòa tỉnh để "tiếp quản".

Từ ngày Anh nghỉ học ngang xương ở lớp Nhì, tôi không còn gặp anh nữa. Cho đến năm 1980, tức 5 năm sau ngày miền nam sập tiệm, tôi gặp lại Anh trong một hoàn cách éo le như trong tiểu thuyết.

Số là năm đó tôi tốt nghiệp xong Đại Học, chờ ngày nhà trường phân công tác. Chuyện phân công tác thời đó là chuyện nhiêu khê, chờ hoài không thấy. Mà muốn kiếm việc ở ngoài để làm thì cũng không có việc để kiếm. Mọi thứ đều của Nhà Nước. Biết được điều này, nhà trường có cấp cho các sinh viên mới tốt nghiệp một Giấy Nghĩ Phép Dài Hạn, trong đó có câu "Yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên/ cán bộ Lê văn X". Đây là cơ hội bằng vàng cho những ai muốn tìm đường vượt biên. Thời đó đi đâu, đến đâu cũng đòi hỏi giấy phép đi lại do địa phương cấp, xin xỏ rất khó khăn, trình báo rất phức tạp. Có tờ giấy nghỉ phép dài hạn trong túi, tôi ngó theo chiều ngón tay của bức tượng Trần Hưng Đạo ở Bến Bạch Đằng Saigon, tìm đường đi về hướng biển để... nghĩ phép. Tôi về Phan rang qua những đường dây liên lạc mốc nối của gia đình và người đồng hương quen biết.

Tới Phan rang, tôi không được hên! Tôi và nhiều người khác bị dân quân địa phương tó tại trận trên một bãi biển vào một đêm trời chưa hừng sáng. Suốt ngày hôm đó, tôi và nhiều người khác bị địa phương giam giữ trong một căn phòng chật hẹp, khai báo đủ điều về tội "Tình nghi vượt biên trái phép". Đến nửa chiều, có một cán bộ nói tiếng Bắc, chỏ giọng vào phòng kêu riêng tên tôi ra. Ra khỏi phòng tạm giam, tôi được một cán bộ khác cũng có giọng Bắc đặc sệt trao cho một túi, trong đó còn nguyên vẹn giấy tờ tùy thân, và chỉ tay ra ngoài cửa, hất hàm bảo tôi "về đi".

Được thả về nhanh chóng bất ngờ, tôi mừng như người chết đi sống lại. Tôi cắm đầu cắm cổ đi ra khỏi cửa, đang buâng khuâng tìm hướng đi thì có một người đàn ông ngồi trên chiếc xe Jeep gần đó kêu giật đúng bốc tên tôi bằng giọng nói Phan Rang chính gốc. Tôi rã rợi tay chân, tưởng người ta đổi ý, kêu lại nhốt tiếp.

Anh toác miệng, nhe hàm răng hiền lành như ngày nào cười toe toét, chỉ có khác đi một chút là hàm răng trắng mạnh của anh khi xưa nay điểm thêm hai cái răng vàng chói lọi. Anh giới thiệu tên tuổi và tôi nhận ra Anh ngay sau phút đó.

Anh chở tôi về nhà, hò réo vợ con ra chào đón tôi. Anh sai vợ bắt con gà mái dầu chân chì cắt tiết, nhổ lông đặng nấu cơm gà. Anh sai con Tới đi hái rau răm, sai thằng Tấn mang chai qua hàng xóm mua rượu. Anh không quên vào bếp lấy cái tô bự chảng đưa cho thằng Tấn, biểu nó xin nhà bán rượi một tô nước hèm rượu đặng làm nước mắm ăn với cơm gà. Anh thân mật như ngày xưa, nói giọng rổn rảng, nửa trìu mến ngập ngừng, nửa như muốn bầy tỏ cái tấm lòng trân trọng một người khách quý:

"Tối nay anh đãi chú một bữa cơm gà Mỹ Mỹ, xem phinh Thanh Bình, ngủ khách sạn Mỹ Châu nhen" - "Bây giờ chú ra giếng tắm một phát cho mát, rồi tụi mình nhậu một bữa cho đã đời"

Anh vẫn nói giọng Phan Rang chính cống đặc sệt. Chữ Tối thành chữ Tấu, Chữ Cơm thành chữ Cum. Tất cả các chữ có âm cuối là chữ T, Anh nói thành âm chữ C. Duy có chữ Một là Anh phát âm đúng y chang như giọng Bắc ở Hà Nội, có âm T rất rõ ràng ở phía cuối chữ, nhưng cũng có chút gì rất gượng gạo và khó khăn trong lúc phát âm chữ MỘT. Tôi nhận ra Anh đã từng tiếp xúc và làm việc lâu năm với người gốc miền Bắc.

Anh dắt tôi ra giếng, múc từng gầu nước mát rượi tưới lên cơ thể của một người vừa ở tù ra. Anh cẩn thận lấy miếng xơ mướp khô, nhúng ướt nước, quệt lên một cục xà bông cục, rồi chà sát kỳ cọ lên cơ thể tôi như thể Anh đang làm cái công việc mà anh đã từng làm khi Anh còn đi học ở Dinh. Anh vẫn đối xữ tôi trìu mến như một người lớp trưỡng già đang chăm sóc người bạn học còn thơ dại của ngày xưa.

Suốt bữa nhậu, cũng như từ lúc tôi được gặp mặt Anh, Anh không hề đã động đến công ăn việc làm của Anh lúc đó. Anh huyên thuyên và hào hứng nói về chuyện bạn xưa trường cũ. Anh nhớ tên từng đứa bạn học, trai cũng như gái, và nhớ từng tính nết của mỗi đứa. Tôi nhận ra Anh rất nhớ thương trường xưa bạn cũ.

Hai đứa con của Anh đứa nào cũng tươm tất, sạch sẽ, khoẻ mạnh và lễ phép. Cả hai cháu đều dễ thương, có đầy đủ dấu hiệu và chứng tích của những đứa trẻ được cha mẹ yêu thương chăm sóc kỹ lưỡng, ăn học đàng hoàng. Đứa con trai lớn tên Tấn. Đứa con gái kế tên Nguyễn thị Tới có làn da ngâm ngâm màu bánh ít, có dáng dấp lai lai Chàm, có đôi mắt to đen láy trên khuôn mặt xinh đẹp như minh tinh Ấn Độ. Cô bé có những điều kiện về thể xác cũng như về tinh thần đầy hứa hẹn để trở thành một giai nhân Phan Rang sau này. Nhưng cô bé có cái tên Nguyễn thị Tới chết dính trên tờ hộ tịch thì....

Ý nghĩ này ám ảnh tôi về tương lai của cháu, tôi gạ gẫm đẫy đưa câu chuyện muốn biết vì sao Anh đặt tên cho cháu như vậy. Khuôn mặt của Anh bổng dưng buồn bả ra chiều đăm chiêu, Anh rầu rầu tâm sự:

".... Nghĩ mình hồi nhỏ lụi đụi quá. Bò đạp mìn chết banh xác, thất nghiệp, về Sơn Hải làm rẫy trồng dưa. Ở quê buồn, lấy dzợ sớm. Khi sinh con, không muốn chúng nó lụi đụi như mình, đặt tên tụi nó là Tấn Tới, hy vọng cuộc đời chúng nó Tấn Tới"

Đêm đó chúng tôi ăn bữa cơm gà mái dầu, gà mái một lứa, gà có đôi chân màu xám chì, ăn với nước mắm pha với hèm rượu, bữa cơm gà chính hiệu Phan Rang ngon chưa từng có. Chúng tôi nhậu đã đời, hào hứng kể lại từng thước phinh bạn xưa trường cũ. Chúng tôi không ngủ khách sạn Mỹ Châu như Anh hứa. Nhậu xỉn, Anh và tôi bắt chéo chân lên nhau ngủ say mê trên chõng tre. Vợ con anh giăng mùng cho chúng tôi ngủ. Trên trời có trăng thanh. Ngoài kia có gió mát. Dưới mùng là những giấc mơ hồi hướng về một khung trời tuổi thơ, nơi đó không có hận thù, mà chỉ có tình thân ái.

Sáng hôm sau, Anh ăn mặc quân phục chĩnh tề uy nghiêm, chở tôi ra bến xe đò đi Saigon, nơi trước đây có hố chôn tập thể 150 người dân chết ở chợ Dinh, chết trong trận bom đồng minh oanh tạc tái chiếm Đông Dương.

Anh nấn ná bên tôi cho đến khi xe chuyển bánh. Trước là Anh muốn kéo dài cuộc tao ngộ, sau là để xua những tên đeo băng đỏ, những công an chìm đang tìm cách lân la gây sự hành khách đường xa. Xe đò chuyển bánh, Anh dúi cho tôi túi bánh ú Phan Rang và không quên nói nhỏ vào tai tôi:

"Có muốn tìm đường dzọt, tìm đường ở vùng Lục Tỉnh. Đừng có chơi dại mà dzề xứ này, bị múm là từ thê thảm đến thê lương"

Từ đó tôi không gặp Anh nữa. Ở saigon, tôi nghe lời Anh dặn, tôi quên luôn Quôc Lộ1, quên luôn đường về Miền Trung. Tôi lần mò về hướng Kiên Giang Rạch Giá, rồi trôi trót lọt trong một chuyến về Bà Rịa Vũng Tàu. Ở đó người ta đi xuất ngoại xôn xao như đi chợ, ra tới bãi tới bến rồi mà Cây với Cọ, mặc cả cãi nhau um xùm.

Năm 1990 tôi trở lại VN, về lại Phan rang. Tôi có tìm Anh để nói lên lời cám ơn. Tìm hoài không gặp người bạn xưa. Có người nói Anh chuyển công tác ra Phan Thiết. Có người nói rằng Anh về trung ương. Cũng có người nói rằng Anh đang nằm tù vì tội tham ô, lạm dụng chức quyền, xâm phạm tài sản nhà nước.

Viết những dòng chữ này, tôi thầm nguyện ơn trên độ trì cho 2 cháu Tấn Tới có một cuộc đời Tấn Tới, không lụi đụi như đời cha ông của chúng nó.
Về Đầu Trang
huongdongconoi



Ngày tham gia: 27 Nov 2008
Số bài: 35

Bài gửiGửi: Tue Aug 25, 2009 3:34 pm    Tiêu đề:

Cám ơn anh Thất Pháp đã kể cho nghe chuyện Tấn và Tới.

Tình cờ mình cũng đi xa vào thời anh TP lên đường. Chuyến hải hành năm ấy chỉ khoảng chừng 500 cây số ngàn mà sao thấy xa, mênh mông và cũng đầy chuyện vui buồn. Sau này có dịp đi nhiều vùng biển khác nhau, cũng không sao quên được đoạn đường từ cửa Bình Đại đến một đảo nhỏ ở miền Đông Bắc bán đảo Mả Lai...

Còn một chuyến đi trên biển cũng còn nhớ là kỳ đi mũi Dinh với bạn Phạm Chí Hùng, năm lớp 10. Mũi Dinh, năm 1973, không còn cái đèn pha như thời Tây nữa, mà ban đêm, những ánh đèn từ các lô cốt của các anh Hải quân đã thay thế cho ngọn hải đang, làm dấu cho các bạn ghe biết đây là chỗ phải tránh. Cát ở mũi Dinh thật mịn và cảnh biển từ trên ngọn hải đăng nhìn xuống thật đep. Kỳ đó, hai anh em bạn đi ké với các nhân viên của ty Tiểu Hoc. Khi tầu dời bải để về lại Ninh Chữ chiều hôm ấy, còn thấy các anh Hải quân mãi nhìn theo bóng các cô đã đến thăm trong một ngày ngắn ngủi...
Về Đầu Trang
HUONG XUA



Ngày tham gia: 26 Jan 2008
Số bài: 510

Bài gửiGửi: Wed Sep 02, 2009 5:59 pm    Tiêu đề:

Từ ngày dự Đại Hội Duy Tân xong Hương Xưa bận đi xa hôm nay mới trở về thấy diễn đàn vui và náo nhiệt quá. Nhiều chuyện về Phanrang xưa và nay chao ôi sao mà dễ thương và vui buồn lẫn lộn đọc xong thấy bồi hồi.

Thất Pháp ơi !!

thất Pháp viết đã viết :
Từ ngày Anh nghỉ học ngang xương ở lớp Nhì, tôi không còn gặp anh nữa. Cho đến năm 1980, tức 5 năm sau ngày miền nam sập tiệm, tôi gặp lại Anh trong một hoàn cách éo le như trong tiểu thuyết.

Số là năm đó tôi tốt nghiệp xong Đại Học, chờ ngày nhà trường phân công tác.


hay lắm vậy là đàn em của Hương Xưa rồi nhé. Kiến thức khá lắm chắc là đọc sách rất nhiều ,tiếng Việt vẫn còn giỏi vườn hoa Duy Tân thêm một cây cổ thụ !!! Chúc mừng Thất Pháp con chim tìm về tổ ấm Duy Tân trường cũ tình xưa.

Thân mến
HX
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân