TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - PHẬT GIÁO NHẬT BẢN
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

PHẬT GIÁO NHẬT BẢN

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Thu Aug 13, 2009 12:37 pm    Tiêu đề: PHẬT GIÁO NHẬT BẢN

PHẬT GIÁO NHẬT BẢN




Lịch sử  
Theo tài liệu, thì đạo Phật được truyền vào Nhật Bản từ Triều Tiên (Korea) vào thế kỷ thứ sáu. Lúc bấy giờ vua nước Bách Tế (Triều Tiên) đã gởi một phái đoàn truyền giáo đến Nhật. Phái đoàn này đã được nhà vua Nhật Bản tiếp đón một cách nồng hậu và phái đoàn đã dâng lên cho đức vua một tượng Phật bằng vàng, một vài quyển Kinh, cờ lộng, chuông, mõ.

Mới đầu người Nhật thấy đây là một nền văn hoá ngoại lai, cho đến thời kỳ nhiếp chánh của Hoàng Thái Hậu Suiko. Người kế vị của bà, Thánh Ðức Thái Tử (Shotoku, 574-622) được xem là sơ tổ (First Real Founder) của PGNB . Thánh Ðức Thái Tử vâng lời mẫu hậu Suiko đã cất công nghiên cứu và tuyên giảng ba bộ Kinh Ðại Thừa cho dân chúng Nhật, về sau những bài giảng này được viết thành một bộ luận rất giá trị. Năm 594 nhà vua  Shotoku ra lệnh cho dân chúng phải thờ phụng Tam bảo (sa. triratna). Ông đã ban hành ngay một chiếu chỉ rằng : ''Toàn dân Nhật Bản phải kính ngưỡng và thọ trì Phật Pháp''. Ông đã cho xây chùa chiền trên khắp đất nước. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng thời ấy tọa lạc tại Nại Lương (Nara), nay vẫn còn đó là Chùa Pháp Long (Horyji). Chùa này do chính Thái tử Shotoku đứng ra xây dựng vào năm 607 và được xem là ngôi chùa gỗ có tuổi thọ lâu nhất trên thế giới.

Thời Kỳ Phát Triển

Trong triều đại Nại Lương (Nara, 710-794) qua sự ủng hộ Phật Pháp của Hoàng đế Thánh Võ (Shomu, 701-756, vị vua thứ bốn mươi lăm của Nhật) Phật Giáo đã trở thành quốc giáo (State religion) của xứ sở này. Năm 741, vua Thánh Võ đã ban hành một quốc lệnh rằng mỗi làng và mỗi tỉnh phải xây dựng một ngôi chùa và dân chúng phải thành tâm thọ trì Phật Pháp. Ðể làm gương cho mọi người, chính vua Thánh Võ đã đích thân xây chùa Ðông Ðại (Todai) tại kinh đô vào cuối năm 741, đây là ngôi tổ đình của tông phái Hoa Nghiêm với pho tượng Phật Tỳ Lô Xá Na (Vairocana) khổng lồ được tôn thờ bên trong chánh điện.
Cũng trong thời kỳ Nara này, có bảy tông phái Phật Giáo được truyền đến Nhật từ Trung Hoa và phong trào nghiên cứu và tu Phật tại Nhật đã bắt đầu.

1. Luật Tông (Ritsu): là một trong mười ba Tông Phái PG chính của Trung Hoa. Tông này theo khuynh hướng bảo thủ giống như truyền thống ở các nước ở Nam Á, được ngài Ðạo Tuyên (Tao-hsuan, 596-667) dựa vào bộ Ðại Thừa Luật (Mahayana Vinaya) mà thành lập vào thời đại nhà Ðường. Chủ trương của tông là nghiêm trì giới luật để tiến đến Phật quả. Tông này được ngài Giám Chân (Ganjin) giới thiệu đến Nhật vào năm 754.

2. Câu Xá Tông (Kusha): Cũng là một tông phái bảo thủ, lấy Luận A Tỳ Ðạt Ma (Abhidharma) làm chỗ nương tựa chính. Ðó là một bộ luận nổi tiếng của ngài Thế Thân (Vasubandu).

3. Thành Thật Tông (Jojitsu): Tông này dựa vào giáo lý tánh không (non-substantiality) của Luận Thành Thật (Satyasiddhi) mà thành lập.

4. Tam Luận Tông (Sanron): phát xuất từ phái Trung Quán ở Ấn Ðộ, một trường phái phát triển của Ðại sư Long Thọ (Nararjuna). Giáo lý tông này cũng nhấn mạnh đến tự tánh không của vạn pháp. Như tên gọi của tông này, Tam Luận, tức là dựa vào ba bộ luận chính, Trung Quán Luận (Madhyamika), Dvadasamuka Sastra của Ngài Long Thọ, và Sala của Ngài Aryadeva.

5. Pháp Tướng Tông (Hosso): bắt nguồn từ trường phái Yoga của Ấn Ðộ, một tông phái PG phát triển có mặt từ năm 167 TL tại Ấn.

6. Tướng Tông (Hosso): bắt nguồn từ trường phái Yoga của Ấn Ðộ, một tông phái PG phát triển có mặt từ năm 167 TL tại Ấn.

7. Hoa Nghiêm Tông (Kegon): dựa vào Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) để lập tông. Chủ trương của phái tôn thờ và thực hành pháp hạnh của đức Phật Tỳ Lô Xá Na.

Tất cả bảy tông phái trên đều có nhiều hành giả, học giả theo đuổi học hỏi và hành trì, nhưng tầm ảnh hưởng của nó chỉ giới hạn trong giới xuất gia mà không mở rộng ra bên ngoài.

Đến triều đại Bình An (Heian, 794-1185) hai tông phái khác được vào Nhật Bản là Thiên Thai Tông (Tendai) và Chân Ngôn Tông (Shingon). Hai tông phái này có một hệ thống giáo lý sâu nhiệm và độc đáo, lập tức chinh phục và được ủng hộ một cách nhiệt thành của quần chúng Nhật, nhất là tầng lớp quý tộc, thì đầu triều đại Kiếm Thương (Kamukura, 1185-1333), hai phái khác, Nhật Liên Tông (Nichiren) và Tịnh Ðộ Tông (Jodo) cũng lần lượt xuất hiện và được truyền bá rộng rãi trên toàn nước Nhật. Cũng ở thế kỷ mười ba, tất cả những tông phái chính đều có mặt tại Nhật.

Thời Kỳ Kiếm Thương (Kamakura, 1185-1333)

Ðây là thời kỳ khủng hoảng, vì cả nước bị đe dọa trầm trọng bởi tàn phá khốc liệt từ sự phân hóa nội bộ và bạo lực dưới những tổ chức quân sự được thành lập năm 1185 của bộ tộc Minamoto, ngoại ô Kyoto. Bầu không khí mới này đã làm cho việc tu tập và nghiên cứu Phật Ðà bị khựng lại một lúc lâu. Tuy nhiên, cuối cùng mọi việc cũng đâu vào đấy và PG vẫn tiếp tục công việc của mình.

Ở thời đại của Meiji Restoration vào năm 1868, Ðạo Phật đã bị cấm hoạt động bởi những người tôn thờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan và người đạo Shinto, và một sự thay đổi dữ dội đã diễn ra. Chùa chiền đã bị bắt buộc phải tự lực cánh sinh và sự quan trọng cùng ảnh hưởng của Phật Giáo đã bị mất đi rất nhiều. Xu hướng này đã tăng cường ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, khi hiến pháp mới tuyên bố phân chia chính quyền và tôn giáo. Ngay cả tài sản ngôi chùa thì miễn thuế dựa theo Luật Hội Đồng Tín Gưỡng (Religious Corporation Law) áp dụng ngày 3 tháng Tư năm 1946, những ngôi chùa đòi hỏi bổ sung vào phương tiện bảo trì đất đai của họ và chức năng với sự ủng hộ của giáo đoàn.

Vai trò của Phật giáo

90% chủ trì các tang lễ là do Phật Giáo nắm giữ. Đối với họ, Phật Giáo chủ đạo phần đời sống u sầu. Độ chừng 80% dân số Nhật Bản làm đám cưới tại đền thờ Thần Giáo (Shinto) hoặc tại nhà thờ Tin Lành. Thần giáo chủ đạo về những gì vui vẽ. Cũng chính vì khuynh hướng thuyết hỗn tạp này được thịnh hành trong nước Nhật đến nỗi mà người ta thuộc tôn giáo nào họ cũng không biết.

Những dịch vụ được cung cấp bởi Đạo Phật
Những người Phật tử thuần thành Nhật bản thiết lập bàn thờ tại phòng khách và tụng những bài thánh kinh, họ dâng hoa, nước, thực phẩm tới khách thể chủ yếu với sự tôn kính thiêng liêng. Họ quan tâm tới nơi tôn thờ như là một ngôi chùa thu nhỏ được truyền xuống từ cha mẹ đến người con trai trưởng của gia đình. Những người con trai và con gái khác thì thiết lập phòng thờ cho riêng họ khi cha mẹ của họ qua đời. Trong các buổi lễ cầu nguyện hay tang lễ, họ thường thỉnh các vị Tăng sĩ tụng những bài thánh kinh cho người thân, tại phòng thờ nơi nhà họ hay tại ngôi chùa nơi nào có hài cốt thân nhân. Họ mời những bà con hoặc bạn bè đến chung góp với họ trong các buổi lễ để làm vững mạnh tình thân và đặc trọng tâm vào người đã qua đời.
Để đáp ứng với những điều cần thiết của Phật tử, hầu hết những ngôi chùa ngày hôm nay mở cửa và cung cấp tích cực nhiều thứ tới những Phật tử của chùa và những khách đến thăm viếng. Những dịch vụ như sau: Lễ buổi sáng, các dịch vụ gia đình, các dịch vụ ngày Chủ Nhật, các dịch vụ truy điệu, và dịch vụ lễ cưới và tang lễ. Nhiều lễ hội cũng được tổ chức tại chùa, chẳng hạn những buổi thánh ca, những buổi hành thiền, ca vũ, tiệc trà, những buổi cắm hoa, thủ công, thư pháp, võ thuật judo, võ thuật kendo, karate, và hội đoàn thanh thiếu niên Phật tử. Tất cả phương tiện để đạt tới sự lôi cuốn Phật tử đến chùa để ban phúc cũng như giảng dạy họ về đạo Phật.
Giáo dục công chúng về Đạo Phật
Chương trình Phật giáo toàn quốc được truyền đi rộng rãi mỗi sáng Chủ Nhật trên đài truyền hình và đài phát thanh. Những bản tin tức, những kinh sách nhỏ, và những tài liệu liên quan đến những hoạt động của chùa hay của tổ chức Phật giáo được phân phối để có thể làm cho công chúng và các hội viên biết đến.

Những kinh sách và tạp chí về Phật giáo cũng được in ấn dồi dào và phân phối trong dân chúng. Ước chừng 2,000 cuốn sách về Phật giáo được xuất bản chỉ tại nước Nhật trong năm 2003. Mặc dầu thật sự nước Nhật được coi là một quốc gia Phật giáo và phần lớn dân chúng theo một vài tông phái Phật giáo, mà những giáo pháp Phật giáo thì ít được biết tới. Trong tình trạng đáng lo ngại này, một vài vị lãnh đạo Phật giáo cố gắng viết nhiều cuốn sách Phật giáo phổ thông thích hợp với đời sống hàng ngày. Một vài cuốn sách trở thành những cuốn bán chạy nhất trong nhiều tiệm sách tại nước Nhật.
Tu Sĩ/Cư Sĩ
Phần lớn những vị tu sĩ được sanh ra và lớn lên tại chùa và là người thừa kế công việc tu sĩ của người cha. Với lý do này, họ đôi khi thiếu niềm tin kiên cố. Tương tự như vậy, những người sanh ra trong gia đình Phật giáo và chỉ cần đăng ký tại một ngôi chùa là họ được xem như Phật tử. Ðiều này là chướng ngại rất lớn cho họ để trở nên những Phật tử thuần thành với niềm tin vững mạnh. Những người như vậy lễ bái tại nhiều chùa chiền khác nhau khi có nhu cầu cần thiết và xử dụng tài sản của chùa chiền tùy theo nhu cầu của họ.

Phật giáo trong đời sống hằng ngày

Hầu hết người Nhật thường bày tỏ lòng biết ơn của họ khi họ ăn. Mặc dầu ý nghĩa chính thì hoàn toàn không còn, họ truyền đạt giáo lý Phật Giáo thâm thúy của sự biết ơn tới tất cả mọi người những ai cho họ đời sống trong thế gian này. Khi những người Phật tử thuần thành nói những lời nói này, họ chắp tay lại và cầu nguyện gọi là gassho.
Tang lễ thì gần như độc quyền là của Phật Giáo vì chết là phải qua cõi Phật. Tới nỗi, đạo Phật ở Nhật Bản thường được gọi là "Funeral Buddhism" (Phật Giáo Tang Lễ). Thêm nữa, đó là một kiểu nói sau này được diễn giải là, đạo Phật là đạo cho người chết, không phải cho người sống.

Phật Giáo Nhật Bản Ngày Nay

Dựa theo bảng thống kê đưa ra từ văn phòng Bộ Văn Hoá của chính phủ Nhật Bản năm 2002, nước Nhật có 95 triệu cư sĩ Phật giáo và một phần tư triệu Tăng và ni Phật giáo với 86,000 cơ sở Phật Giáo. Sự việc đáng ghi nhận rằng khi 95 triệu cư sĩ Phật giáo cộng thêm con số được ước lượng 106 triệu cư sĩ của đạo Shinto, tạo thành dân số dân Nhật vượt ra khỏi con số 120 triệu người. Con số này lấy từ những con số được đăng ký tại các ngôn chùa Phật giáo và các đền thờ Shinto giáo.
Tuy nhiên, không hẳn 95 triệu người theo Phật Giáo là Phật tử theo đúng nghĩa của nó. Bởi vì khi hỏi bất cứ người Nhật Bản nào, "Bạn có phải là Phật tử không?" câu trả lời là "Có thể lắm". Điều này không có nghĩa rằng họ không phải là cư sĩ Phật giáo. Họ không muốn hạn chế mình trong phạm vi giới hạn của tôn giáo nào, hơn thế nữa họ có khuynh hướng xem tôn giáo như là phương tiện để đạt tới và mãi mãi đổi mới để tiến đến một cảnh giới cao hơn.

Hiện nay, những ngôi chùa có thể đã được phân loại vào bốn hạng trong điều khoản của chức năng, mặc dù ở đó không phân chia rõ danh giới:

1) Những ngôi chùa nào có dịch vụ dùng cho tang lễ hay những dịch vụ cúng giỗ kỵ cho người dân trong giáo
2) Những ngôi chùa có dịch vụ để cầu nguyện và chữa bịnh.
3) Những ngôi chùa có dịch vụ như là trung tâm giảng dạy cho các vị tu sĩ.
4) Những ngôi chùa dùng để trưng bày những bảo vật trân qúi cho công chúng.

Ngôi chùa trong hạng thứ nhất là địa điểm nơi mà vị tu sĩ và gia đình của ông ta trú ngụ và thực hiện vô số dịch vụ thuộc về tôn giáo và các dịch vụ xã hội cho những người dân trong giáo khu và cộng đồng khác lớn hơn. Cho đến thời đại Meiji Restoration năm 1868, sự sống độc thân đã hoàn toàn là đối tượng quan tâm của một số tu sĩ, với sự ngoại lệ của những người theo giáo phái Jodo Shin của Pure Land Buddhism. Tuy nhiên, hiện nay, phần đông tu sĩ của bất cứ giáo phái nào cũng lập gia đình và có cuộc sống gia đình tại chùa. Cách sắp đặt những dịch vụ như vậy và bảo trì tha ma mộ địa của các người dân trong giáo khu đã cung cấp một nguồn tài chánh chính cho những vị tu sĩ trong những ngôi chùa thuộc hạng này. Đôi khi những vị tu sĩ còn có những công việc phụ như nhà nuôi trẻ, vườn trẻ, và nhà dưỡng lão, và những dịch vụ khác của trường học hay làm việc tại trường hay các công sở của thành phố trong khu vực công chúng.

Chùa thuộc hạng thứ hai thì có sức lôi cuốn khách thập phương trong sự cầu nguyện và chữa bịnh. Những ngôi chùa thuộc hạng này hầu hết theo giáo phái Nichiren, hay Shingon, Tendai, và những giáo phái bí truyền khác. Vị tu sĩ phải trải qua một thời gian huấn luyện đặc biệt về tôn giáo để hoàn thành nhiệm vụ có hiệu quả. Khách thập phương thường đến viếng những ngôi chùa này từng cá nhân, với sự cầu mong được
hưởng phước báu trong việc cầu nguyện và chữa bịnh.


Chùa thuộc hạng thứ ba thì được gọi là tu viện và thường là nơi tổng điều hành của mỗi giáo phái. Những vị tu sĩ và thực tập viên sinh sống chung với nhau trong một thời gian nào đó và được rèn luyện học tập về tôn giáo của họ như là chiều hướng đặt để của giáo phái họ. Những ngôi chùa này đôi khi giới hạn những khách thập phương tình
cờ đến.

Chùa thuộc hạng thứ tư thì phần lớn ở trong những thành phố cổ xưa chẳng hạn như Kyoto, Nara hay Kamakura nơi có những đồ qúi giá được điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, và những ngôi vườn được bảo quản đặc biệt. Đôi khi chỉ định như là tài sản qúi báu của quốc gia hay tài sản văn hoá quan trọng, lôi cuốn rất nhiều khách thập phương đến chiêm bái. Hầu hết những ngôi chùa thuộc hạng này du khách phải trả một số tài khoản để được vào thăm viếng, và điều đó trở thành một nguồn lợi tức lớn cho chùa.

Tình Trang Nguy Ngập và Những Mối Lo Âu


Trong nhiều thế kỷ, nhiều ngôi chùa Nhật Bản trao truyền từ vị sư trụ trì sang con trai vị sư trụ trì, với số tín đồ ổn định (trái với truyền thống nhiều nước khác, nhiều vị sư Nhật Bản lại có vợ con như đời thường). Với 300 hộ gia cư tín đồ, vị sư trụ trì và vợ của ông sẽ bận rộn liên tục vì các nghi lễ. Tuy nhiên, tình trạng này đang nguy ngập bởi sự thưa thớt của dân cư trong vùng.

Chỉ mới hồi giữa thập niên 1980s, gần như toàn bộ người Nhật làm tang lễ ở nhà hay tại chùa, với vị sư Phật Giáo địa phương đóng vai chính. Nhưng bây giờ nhiều người muốn đưa ra làm lễ tang ở các Nhà Tang Lễ, một dịch vụ kinh doanh trong đó bao gồm cả việc cung cấp các vị sư Phật Giáo cho các tang lễ. Năm 1999, có 62% làm lễ tang ở nhà hay ở chùa, trong khi 30% làm lễ tang ở Nhà Tang Lễ. Nhưng năm 2007, con số đảo ngược: 28% chọn làm tang lễ ở nhà hay ở chùa, với 61% làm lễ tang ở Nhà Tang Lễ. Ngoài ra, nhiều người đưa người thân quá cố hỏa thiêu, mà không cần nghi lễ gì nữa, theo lời Noriyuki Ueda, nhà nhân chủng học ở viện Tokyo Institute of Technology: "Do đó, các vị sư và các chùa Phật Giáo không còn liên hệ gì được với các tang lễ."
Ryoko Mori, viện chủ ngôi chùa Zuikoji xưa cổ 700 năm ở phía bắc Nhật Bản, nói: "Đó là hình ảnh của Phật Giáo tang lễ: rằng đạo Phật không đáp ứng nhu cầu tinh thần người đang sống. Trong Hồi Giáo hay Thiên Chúa Giáo, họ giảng về vấn đề tâm linh. Nhưng ở Nhật hiện nay, rất ít vị sư Phật Giáo làm thế nữa."

Hơn thế nữa, số lượng chùa suy giảm - từ mức 86,586 ngôi chùa năm 2000, rồi chỉ còn có 85,994 ngôi chùa năm 2006. Đó là con số của Bộ Văn Hóa Nhật Bản. Điều bi thảm là, số tín đồ mỗi chùa lại giảm. Kyo Kon, 73 tuổi, vợ của vị sư trụ trì chùa Kogakuin, ngôi chùa có 170 tín đồ nói: "Chúng tôi phải tìm việc làm khác, bởi vì việc chùa không đứng vững." Bà đã phải làm việc ở một trung tâm chăm sóc trẻ em, trong khi chồng bà làm ở một văn phòng kế hoạch về đất của địa phương.

Tại Oga, trên một bán đảo mang cùng tên hướng nhìn về Biển Nhật Bản tại tỉnh Akita. Các nhà sư Phật Giáo đang quan sát các bài toán về dân số và về kỹ nghệ đánh cá đang suy giảm. Giju Sakamoto, 74 tuổi, vị trụ trì đời thứ 91 của ngôi chùa xưa cổ nhất tỉnh Akita là Chorakuji, nguyên sáng lập từ năm 860, nói: "Không phải quá lời khi nói dân số chỉ còn phân nửa của hồi thịnh thời, và rằng tất cả các kinh doanh cũng đều  suy giảm còn bằng phân nửa. Với thực tế đó, nếu chỉ đơn giản nói rằng chúng ta là một tôn giáo và có lịch sử dài, thực tế là lâu dài nhất tỉnh Akita, thì nghe y hệt chuyện cổ tích. Chỉ là vô nghĩa. Đó là vì sao tôi nghĩ rằng nơi này (chùa này) là vượt quá niềm hy vọng rồi."

Để sống còn, Thầy Sakamoto phải dồn năng lực ra làm quản trị một trung tâm người già và cả một ngôi chùa mới ở vùng ngoại ô thị trấn Akita City. Tuy nhiên, ngôi chùa đó chỉ có 60 hộ dân cư tín đồ, từ khi mở cửa vài năm trước, cách biệt qúa xa với con số 300 hộ dân cư tín đồ cần thiết để gìn giữ một ngôi chùa đứng vững về tài chánh.

Ngoài ra, khắp Nhật Bản, tình hình không kiếm ra người kế nhiệm làm trụ trì đang áp lực lên các ngôi chùa do gia đình điều hành. Trong khi đạo Phật suy yếu ở các vùng thành thị, thì các miền nông thôn thuần thành mộ đạo lại mất dân số dần, khi người già chết đi và sinh xuất lại thấp. Trong thế hệ sắp tới, nhiều ngôi chùa ở miền quê dự đoán sẽ đóng cửa, mang theo nhiều thế kỷ lịch sử vào quá khứ.

Chùa Doshoji, ngôi chùa chỉ còn số tín đồ là 85 hộ dân cư, vị sư trụ trì là Jokan Takahashi 59 tuổi gặp nan đề lớn: tìm người kế nhiệm. Người con trai trưởng của thầy được huấn luyện để trở thành một nhà sư Phật Giáo, nhưng lại lộ ý là không muốn trở thành một vị sư.

Mori, 48 tuổi, vị viện chủ đời thứ 21 của chùa này lo sợ chùa này sẽ không tìm ra được vị viện chủ đời thứ 22. Thầy Mori nói: "Nếu Phật Giáo Nhật Bản không hành động từ bây giờ, đạo Phật sẽ chết dần. Chúng ta không thể chờ đợi. Phải làm gì ngay tức khắc."

Phật Giáo trong Đời Sống Người Dân Trẻ
Giới trẻ ngày nay hầu như đang quay cuồng theo đời sống hiện tại và thường không để ý đến tôn giáo nói chung hay Phật Giáo nói riêng. Vì muốn đưa đạo Phật vào đời sống của giới trẻ mà các sư thầy dùng những phương pháp gần như rất đời. Tuy có một sư tăng đồng tu không đồng ý, nhưng cũng phải chấp nhận với niềm hy vọng mong manh.
Dưới Đây là Một Vài ví dụ:
1) Khi được mời đến để tụng kinh tại tư gia, thầy Taguchi trong chiếc áo sẫm màu với chuỗi hạt trong tay, quỳ xuống để tụng kinh trước một bàn thờ trong góc phòng, mọi người xung quanh thầy vẫn tiếp tục nói chuyện, và sau đó họ mới nghe những tiếng tụng kinh theo nhịp trên nền những giai điệu nhạc Jazz.
2) Chủ quán bar Bozu, Yoshinobu Fujioka, là một tu sĩ Phật giáo. Thầy cũng có thể pha chế một loại cocktail tao nhã cho những người muốn tìm một con đường nhanh hơn tới niết bàn. Thầy nói rằng các pháp môn chủ đạo của Nhật Bản cần phải thay đổi hình ảnh bảo thủ để tăng sức hấp dẫn. "Đã có thời mọi người đến chùa để tìm lời khuyên về mọi vấn đề chứ không chỉ vấn đề tâm linh,” Fujioka, 31 tuổi, người tu theo pháp môn Jodo Shinshu (Tịnh Độ) cho biết. "Trong quán bar này cũng tương tự, đây là nơi mọi người có thể đến và nói thoải mái về vấn đề của họ."Được tu sĩ phục vụ rượu sa-kê chỉ là một trong những cách mới lạ để khuyến khích những người còn phân vân trở về với truyền thống tâm linh của mình.
3) Chùa Baijozan Komyoji ở Tokyo mới mở một quán cafe ngoài trời phía trước chính điện, và ở Kyoto, chùa Zendoji đã mở một cửa hiệu làm đẹp. Tại Câu lạc bộ Chippie, một bar nhạc jazz ở Tokyo, một tháng một lần, ba vị sư tụng kinh bằng tiếng Phạn trên nền tiếng kèn saxophone và khuyến khích những vị khách bị bất ngờ tham gia.
4) Và gần đây, hàng chục sư thầy và sư cô đã lên sàn diễn thời trang trong trang phục đầy màu sắc bằng tơ tằm. Đây là một phần của hoạt động giao tế công cộng (PR) của chùa Tsukiji Honganji ở Tokyo.

Kết Luận


Theo thống kê cho thấy có khoảng 70% dân số là tín đồ Phật giáo. Phật Giáo Nhật Bản được chia thành mười ba tông phái chính với 200.000 tăng sĩ. Có trên 20 đại học, trung học và viện nghiên cứu PG ở khắp đất nước Nhật. Phật Giáo tu học vẫn được duy trì mạnh mẽ nhưng có ý kiến phê bình rằng ngày nay PG chỉ còn ảnh hưởng trên mặt tri thức hơn là đi sâu vào mặt thực hành như thuở nào. Triết thuyết của PG đã trở nên khó hiểu đối với đại đa số quần chúng và chỉ có số ít quan tâm đến đời sống tôn giáo. Tăng sĩ tụng niệm nhiều hơn tăng sĩ thuyết giảng. PG lý tưởng và đời sống tâm linh dường như đang trên đà lãng quên, cho dù kinh sách PG vẫn ấn hành đều đặn và nhiều hơn trước. Đặc biệt trong giới trẻ Nhật Bản ngày nay thì càng ít quan tâm đến tôn giáo nói chung hay đạo Phật nói riêng. Trong những ngày tết, hàng triệu người dân Nhật Bản đang đi lễ ở những ngôi đền Thần giáo và chùa Phật giáo nhân dịp đầu năm.. Rất nhiều người trong số họ chỉ đến đền, chùa duy nhất trong dịp này để trở về với cội rễ tâm linh của mình. Vì lý do này, số tiền cúng dường ngày càng giảm.  Một số lớn ngôi chùa đang gặp khó khăn về tài chính. Số đơn xin học vào các trường đại học Phật giáo giảm nhanh đến mức nhiều trường đã bỏ từ Phật giáo trong tên trường của mình. Một vài ngôi chùa trở thành trường học, vườn trẻ, trại mồ côi, bịnh viện, và nhà dưỡng lão.  

Tương lai của PG Nhật thật khó mà tiên liệu được. Ngành khoa học nghiên cứu PG đã có dấu hiệu phát triển trong những năm gần đây, nhưng nó vẫn còn những khoảng cách nhất định với tầm hiểu biết của quần chúng Phật tử. Phần lớn những nhà nghiên cứu chỉ chú trọng vào chiều sâu của triết thuyết và ngôn từ chuyên môn hơn là những ý nghĩa thật sự của nó đối với đời sống của con người.

Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu lạc quan và hy vọng cho sự phục hưng và phát triển PG tại Nhật vì có nhiều tổ chức PG thành lập, đặc biệt là giới cư sĩ tại gia, đã mở rộng nhiều chương trình hướng dẫn quần chúng tu học Phật. Nhìn chung PG Nhật đang chuyển mình để hòa nhập với trào lưu mới để đem lại ánh sáng và bình yên cho mọi người.

Ngày 9 Tháng 8 2009
Thuyết Trình Viên: Chị Lê Thị Cơ
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân